Sau 1975, sự độc chiếm chính trường Việt Nam của đảng CS càng làm cho việc nghiên cứu tư tưởng chính trị Việt Nam một cách khách quan, khoa học, đầy đủ, không thể thực hiện được. Tai hại hơn nữa, để chiếm độc quyền tư tưởng và chính trị, từ cuối thập niên 1930 cho đến nay, ban lãnh đạo đảng CS đã thẳng tay đàn áp các hoạt động chính trị không CS, bách hại, thủ tiêu nhiều lãnh tụ và chính-trị-gia thuộc các đảng phái quốc gia, và đặc biệt, cả một số nhân vật chính trị cộng sản người Việt thuộc Đệ Tứ Quốc Tế. Họ còn triệt để tịch thu, hủy hoại mọi tài liệu, cương lĩnh, bài viết của các chính trị gia và các đảng này.
Chỉ trong vòng vài năm trước và sau khi nắm được chính quyền, từ cuối thập niên 1930 đến giữa 1940, họ đã thủ tiêu những lãnh tụ chính trị kiệt xuất, như Huỳnh Phú Sổ, Giáo chủ đạo Hòa Hảo, thủ lãnh sáng lập đảng Dân Xã, Trương Tử Anh, đảng trưởng đảng Đại Việt, Lý Đông A, thủ lãnh sáng lập đảng Đại Việt Duy Dân và biên soạn chủ nghĩa Duy Dân – cả ba đều đang trong độ tuổi thanh niên đầy triển vọng cho nền chính trị Việt Nam trong thời kỳ hậu thế chiến thứ II. Sau khi tiến chiếm miền Nam bằng quân sự, ban lãnh đạo CS lại tăng cường khủng bố, hủy diệt mọi cá nhân, tổ chức chính trị, triệt tiêu tài liệu, văn bản tư tưởng chính trị không CS trên toàn quốc, nhất là ở miền Nam, nơi trước 1975 đã tồn tại những tổ chức, hoạt động chính trị tự do, đa dạng, ngay từ thời kỳ Pháp thuộc.
Trước bối cảnh chính trị-xã hội đó, việc nghiên cứu các học thuyết, quan điểm chính trị Việt Nam không CS không những khó khăn mà còn nguy hiểm. Những nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam ở hải ngoại có muốn nghiên cứu cũng khó tìm được các tư liệu cần thiết liên quan đến các quan điểm và hoạt động chính trị đa dạng, phong phú tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Trong khi đó, để bảo vệ độc quyền tư tưởng và hoạt động chính trị của mình, đảng và nhà nước CSVN còn tìm mọi cách xuyên tạc các chính đảng quốc gia, bôi nhọ các chính trị gia không theo CS, ngụy tạo và viết lại lịch sử Việt Nam theo sử quan mác xít trong ý đồ áp đặt lên toàn dân tư tưởng chính trị mác xít.
Trong suốt nửa thế kỷ, giới trí thức và thế hệ trẻ Việt Nam đã bị “nhồi sọ” bởi các sách sử do nhà nước CS biên soạn và giảng dạy. Họ hầu như không hề biết đến sự tồn tại lâu dài, trước và sau khi có đảng CSVN, của thành phần quốc gia dân tộc không CS. Họ cũng hầu như không biết gì về cuộc đấu tranh bền bỉ can trường của thành phần này nhằm giành độc lập dân tộc, và kiến tạo một nước Việt mới, thật sự độc lập, tự do, phú cường. Chỉ gần đây, trước đường lối chính trị nhu nhược với Bắc Kinh của đảng và nhà nước CS, giới trí thức, và thế hệ trẻ sinh sau cuộc nội chiến Nam-Bắc, mới cố gắng tự tìm đến các luồng thông tin đa chiều, dần dần thấy được những sự thật lịch sử, kể cả những sự thật về đảng CS, mà đảng và nhà nước CS đã cố tình che dấu và xuyên tạc. Bằng chính kinh nghiệm bản thân, họ đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào việc giải hoặc lịch sử, phục hoạt lại dòng chính mạch dân tộc đã bị ban lãnh đạo CSVN mưu toan cắt đứt, đem quốc tế hóa, qua cơn “mê sảng” CS.
Giai đoạn mê sảng tư tưởng và chính trị CS này sắp kết thúc. Để mở đường cho thời kỳ phục hưng dân tộc, dòng chính mạch sử Việt phải đựợc phục hoạt trọn vẹn, xác thực và sống động, ít nhất từ khi đất nước thống nhất thành một giải liền từ Nam chí Bắc cho đến tận hôm nay. Lịch sử chính trị Việt Nam nói chung, và tư tưởng chính trị Việt Nam nói riêng, phải được phục hồi đầy đủ và đúng sự thực khách quan của nó. Những di sản tư tưởng văn hóa và chính trị do tiền nhân sáng tạo trong thời kỳ lịch sử cận đại, suốt một trăm năm qua, phải được khám phá và vun bồi. Một dân tộc không có sáng tạo tư tưởng độc lập thì khó có được độc lập chân thực về chính trị, dù chính quyền không do người ngoại quốc chiếm giữ. Chính quyền CS hiện nay là một bằng chứng rõ nhất về tình trạng mất độc lập chính trị này. Vì cuồng tín theo chủ nghĩa Mác-Lê, bắt nhân dân phải thờ phụng, ban lãnh đạo CS đã làm cho đất nước lệ thuộc vào Liên Xô trước đây, và Trung cộng hiện giờ. Ngày nay, dù chủ nghĩa Mác đã trở thành hoàn toàn vô nghĩa, họ vẫn tiếp tục nhân danh nó để giữ độc quyền cai trị, tiếp tục dùng bạo lực ngăn chặn và đàn áp mọi sáng tạo tư tưởng độc lập, mọi học thuyết phi mác xit nhưng tiến bộ hơn. Để giải thể chế độ độc tài đảng trị hiện nay tại Việt Nam, một cách tận cỗi gốc, cần giải trừ mọi mưu toan độc quyền tư tưởng và chính trị, giải phóng khả năng tư duy sáng tạo độc lập cho thế hệ trẻ Việt hiện nay.
Để thực hiện được cuộc giải phóng tư tưởng này, một chiến dịch văn hóa chính trị phải được phát động, khởi đi từ việc phục hồi và phổ biến rộng rãi những luồng tư tưởng chính trị dân tộc không CS đã xuất hiện tại Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại. Đó chính là động cơ và mục đích của loạt bài về tư tưởng chính trị Việt Nam mà chúng tôi đang thực hiện. Trong loạt bài này chúng tôi không có ý muốn tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu rông mang tính hàn lâm. Chúng tôi chỉ tập trung vào một số tư tưởng và quan điểm chính trị nổi bật của một số nhân vật tiêu biểu cho mỗi giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Chúng tôi tin rằng việc phục hồi và phổ biến rộng rãi các hệ thống tư tưởng và quan điểm chính trị không CS xuất hiện tại Việt Nam sẽ góp phần giải hoặc chủ nghĩa CS để khai thông con đường tư duy văn hóa-chính trị tự do cần thiết cho việc kiến tạo một nước Việt mới trong thời đại toàn cầu. Chúng tôi cũng mong được giới thức giả trong ngoài nước cùng quan tâm và tiếp sức trong công cuộc nghiên cứu tư tưởng chính trị này.
Đoàn Viết Hoạt
(6.2.2014)
Nguồn: Chuyển Hóa
Gửi ý kiến của bạn