BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62244)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mơ ước hòa bình – Tính nhân bản của văn chương miền Nam thời chiến

14 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 1013)
Mơ ước hòa bình – Tính nhân bản của văn chương miền Nam thời chiến
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Để khai triển cho chủ đề “ Niềm mơ ước hòa binh – Tính nhân bản của văn chương miền Nam thời chiến” này, trước hết chúng tôi tóm lược về những điều chúng tôi sẽ viết:

Có phải niềm mơ uớc này là một khuynh hướng tiêu cực, phản chiến để dẫn đến sự sụp đổ miền Nam ?

****

Trước ngày 28-1-1973 – ngày hiệp định ngưng bắn Ba Lê được ký -, văn chương, âm nhạc miền Nam hình như có cùng chung một giấc mơ. Từ tiếng hát của Khánh Ly qua ca khúc Da Vàng hay Gia tài của Mẹ vang lên trong các quán nhạc từ thành thị bay đến các thị trấn quận lỵ còn an ninh đã nói lên phần nào niềm khát khao về một ngày hòa bình ngưng tiếng súng trên một đất nước liên miên loạn lạc :

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm, một phố đầy hầm
đi thăm một con đường nhiều hố
Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ …


(Trịnh Công Sơn )

đến những tạp chí Saigon mà tác giả phần lớn là thuộc thế hệ trẻ mang bộ đồng phục:

Xin hãy đến đây đi
 hòa bình lạ mặt yêu dấu
Xin đừng cho chúng tôi nữa những buổi sáng giết nhau
Xin đừng cho chúng tôi những buổi trưa hối hận
Xin đừng cho chúng tôi những buổi chiều ăn năn
Xin đừng cho chúng tôi những đêm khuya trống vắng

 ….


Xin hãy đến đây đi
Hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người đã phải sát nhân
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người nên bàn tay bẩn
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người trở thành nô lệ
Và anh em chúng tôi thiếu người nhiều kẻ chết sớm.

(Hà Thúc Sinh – Xin hãy đến hòa bình) (1)

 Hay:

 “Hãy vì anh- em nhẫn nại nuôi con
Cho đến ngày khôn lớn
Bởi cuộc chiến nào không có ngày kết thúc
Lúc đó
Em nhìn thấy hòa bình
Con nhìn thấy hòa bình
Dù trong tưởng tượng
Nghe em
Nghe em

(Linh Phương – Làm vợ người cầm súng) (1)

 

Tôi muốn nói cùng em trong ngày hòa bình
Ngày với chuyến tàu suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội
Ngày về thăm của ô Cầu Giấy
Ngày về thăm đê Yên Phụ
Về thăm dòng sông Hồng đục ngầu phù sa đỏ
Thăm tình nhân bên kia chiếc cầu lịch sử Hàm Rồng

 ….

Tôi muốn nói cùng em trong ngày hòa bình
Ngày chúng ta yêu nhau
Thật nồng nàn
Ngày em nghỉ dạy học trò sanh con
Ngày tôi không còn mặc đồ quân nhân ở nhà nuôi vợ đẻ

(Linh Phương – Trong ngày hòa bình) (1)

Hay là niềm vui như một bài ca lên đường với trai tim say sưa phấn khích:

Hãy lên đây bà con
hãy lên đây tất cả bà con
lên vội vàng
lên hớn hở
lên kiêu hãnh chiếc xe renault
4 máy 12 mã lực này
hãy ngồi thật gần nhau
thật sát vai nhau
ngồi trong thùng xe
ngồi trên trần xe
ngồi cả hai bên cửa xe
ngồi ngả ngồi nghiêng
ngồi cười ngồi nói
ngồi thật đông ngồi cười tự do
không còn ai kiểm soát chúng ta
dò xét hăm dọa chúng ta
nhưng nhớ đừng dấu dao
đừng dấu lựu đạn;
cũng đừng quãy gánh mang thùng
chúng ta đi tay không đi thảnh thơi
xin đừng sợ đói đừng sợ khát
chúng ta có nụ cười có cả tiếng ca
bà con ơi đừng quên tôi là tài xế
tài xế xe đò
nhưng tôi sẽ không thu tiền lộ phí
sẽ không thu thẻ kiểm tra lập danh sách
tôi chỉ điều khiển chiếc xe
ôi chiếc xe ngoan ngoãn
chiếc xe anh dũng
chiếc xe biết cười biết sầu muộn
chiếc xe đã chở tôi qua ổ mìn
đã lắc say đời tôi trong nước mắt
bây giờ tôi mới thấy được chiếc cầu
mới thấy được con đường xanh bóng cây
bà con ơi
….


hy vọng là cõi sống
tôi lăn tròn luôn luôn
lẽ nào không bắt gặp
một bóng cây hoà bình ?
và với lòng tin đó
tôi đãi bà con một chuyến đi
hãy cười cho tôi vui
ôi vợ tôi ở nhà
sắp sửa sinh con trai.


(Luân Hóan – Chuyến xe mùa xuân) (1)

 …..

 dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
cũng đem chiếc áo lành ra mặc
cũng ăn một bữa cơm cho no
cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
khổ đau lúc này mẹ gói trong mo.

(Hồ Minh Dũng – Đêm Giáng sinh ở VN) (1)

 ……

em yêu dấu đây là lần thứ nhất
trong đời mình anh thấy quá hân hoan
anh muốn nói với muôn người trên mặt đất
rằng nơi đây sắp hết điêu tàn


và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên

có thể nào sáng mai trên phố cũ
người ta bảo nhau hôm nay hòa bình
người ta dắt nhau trên đường trẩy hôi
riêng một bông hồng nở giửa tim anh

(Phạm Cao Hoàng – Một Bông Hồng Nở Giửa Tim Anh) (1)

Trên đây chỉ một số trong số rất nhiều những bài thơ thời chiến, hoặc bàng bạc, hoặc như trùt hết nổi lòng hay để thăng hoa một giấc mơ chung mà chúng tôi sưu tầm được trên những trang tạp chí cũ trước 1975. Điều này chứng minh về tâm trạng của hầu hết một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh: không có tương lai, không có một lối thoát, luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết, ít hay không có kinh nghiệm gì về Cộng Sản như thế hệ đàn anh của họ đã có. Họ chỉ còn có giấc mơ để làm chiếc phao mà bấu víu.

Trong bài “Nói chuyện với người viết mới”, Mai Thảo đã nhìn nhận về sự thật này:

Những người viết trẻ của chúng ta không sai lầm chút nào đâu, khi hướng sáng tác vào những chủ đề căn bản của xã hội và đất nước chúng ta hiện nay, như chiến tranh đang lan tràn với tất cả những đau đớn, những mất mát của nó, như sự phẩn nộ của tuổi trẻ trước một xã hội ngưng đọng, như sự hoang mang ngờ vực của cả một lớp người trước lịch sử đầy biến động… (2)

Có điều, câu hỏi được đặt ra, có phải với tâm trạng như vậy, với khuynh hướng sáng tác như vậy, có phải văn chương nhân bản miền Nam đã tiếp trợ gián tiếp cho một sự sụp đổ của miền Nam như một số người nhận định ?

Xin trả lời, không.

Bởi lẽ giấc mơ ấy đã bị tan vỡ hoàn toàn sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết vào ngày 28-1-1973. Bằng chứng trước ngày ấy, vẫn chưa có một thành thị nào bị mất, cao nguyên vẫn an toàn, Saigon Nha trang Qui Nhơn Đà Nẵng vẫn đêm ngày quán xá hộp đêm, vẫn vô tâm quay mặt trong khi chiến cuộc càng lúc càng dữ dội trong khi con cháu COCC thì được ung dung ở đàng sau hay được gởi ra ngoại quốc.

Có lẽ bài học về hiệp định Ba Lê đã làm thức tỉnh giấc mơ:

… 

Em trước bàn hội nghị
Tóc xõa như nàng tiên
Tay ngà ôm lấy trán
Người trước bàn hội nghị
Vung tay ra đàng trước
Vứt tiền ra đàng sau
Anh trước bàn hội nghị
Già mồm như gái đĩ

 (Nguyễn Hồi Thủ – Em, tôi và những người bọn mình không ưa) (1)

Rõ ràng, chẳng bao giờ có hòa bình ở Việt Nam. Nếu có chăng là chỉ được tìm trong cầu tiêu:

Đài BBC rè rè bản tin buổi sáng
Tôi ngồi trong cầu tiêu
Nơi đây không có men bia nước ngọt
Không có bàn vuông bàn tròn
Không có người trước người sau
Không có anh không có em
Không bạn bè không kẻ thù


Giữa khoảng không gian nhỏ bé
Trong khung cảnh một cầu tiêu
Tôi nhìn rõ mặt tôi trong hồ nước
Tôi nói chuyện tôi theo tiếng dội vách tường

(Huỳnh Hữu Võ – Hiệp định Balê về Việt Nam ) (3)

Để rồi, nó tan vỡ. Nó không bao giờ có thật. Nó chỉ là một trái bong bóng màu. Miền Nam nhìn nó mà ước ao chụp bắt, thèm muốn đến điên cuồng. Và phe Bắc dùng nó để lừa Mỹ để Mỹ rút quân, ngưng viện trợ, để cho hàng hàng binh đoàn hùng hậu “Bàc cùng chúng cháu hành quân” tiến vào Nam như chỗ không người, sau khi phe Nam bị bó tay vì thiếu súng thiếu đạn !

Tù binh Việt Cộng được phóng thích ngày 17-03-1975 tại bờ nam sông Thạch Hãn, Quảng Trị theo hiệp Định Paris (Ảnh : Ngy Thanh)


Để rồi chiến tranh vẫn tiếp tục.

4 đêm không ngủ
3 ngày không ăn
Bên trong tử thủ 400 thằng
Ngoài mặt trùng vây 2000 đứa

 4 đêm máu lửa
3 ngày nắng nung
Vi vút không gian tiếng đạn hãi hùng
Tiếng rú ra đi – bên này – bên địch

 4 đêm pháo kích
3 ngày tấn công
2000 thằng lớp lớp xung phong
400 đứa chong rào thép nhọn

………..

 

Đó là chuyện của Rừng sâu đêm tối
Xa thành đô trên vạn lý đường chim
Chuyện xẩy ra khi nồng giấc ngủ em
Khi lòng Phố đèn khuya vàng vọt
Khi đâu đó rã rời từng điệu nhạc
Và những người mệt mỏi vẫn dìu nhau
Trong chập chờn, trong mê loạn đêm thâu…

 Tô Quân

(Tô Quân: 3 ngày 4 đêm) (4)

để rồi dẫn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn bị mất vào tháng 4-1975

Điều này chứng tỏ không phải tính nhân bản của nền văn chương thời chiến, đăc biệt là sự mơ ước hòa bình, ngưng tiếng súng, một ngày con tàu thống nhất hú còi xuyên Việt, hay hai miền Nam Bắc sum họp không hận thù, không trả nợ máu, là lý do để miền Nam bị mất như một số người từng nhận định. Nhân bản là bản chất của con người. Hơn nữa, con người sống mà không ước mơ thì sống bằng gì bây giờ, trong khi hắn không còn gì nữa hết để bấu víu.

Ngay cả trong tập thơ Đầu Gió – tuyển tập những bài thơ thép do Tổng Cục Chiến tranh chính trị ấn hành vào mùa thu 1973, cũng vẫn phổ biến một bài thơ dài về niềm mơ uớc này, sau khi hiệp định được ký vào cuối tháng 1-1973..

MỘT CHÚT LẠC QUAN

Chinh Yên
Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chuyến xe lửa đầu tiên sắp khởi hành
Viên xếp ga đã già
Phất cờ thật ngọt
Mà lệ ứa chẳng hay.

Chào mừng ngành hỏa xa khói than và dầu nhớt
Chào mừng những con mắt ngái ngủ trong chuyến
tốc hành hai ngày một đêm từ Nam ra Trung
Cháo mừng những cô nàng bán hàng rong và hàng chạy
Những tay lãng tử bám bụi đường xa
Chào mừng những con đường Việt Nam lấp xong hầm hố
Những con đường nối liền bùng binh Sài Gòn với lối
mòn độc đạo trên rừng
Chào mừng những con đường gồng mình chịu đựng những chuyến xe phong trần chạy hăm bốn giờ một ngày không nghỉ
Những con đường láng như da mặt
Soi bóng trăng đêm hè
Những con đường trèo ngược lên núi
Chịu cơ hàn lẫn gió cùng sương
Những con đường xuôi về duyên hải
Trút bụi giang hồ
Xuống lòng biển mặn.

Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chào mừng những con sông Việt Nam qua cơn bão táp
Đám lục bình trôi nổi truân chuyên
Những con sông chạy ra biển Đông
Ngó con kình ngư nó vẫn vẫy vùng
Chào mừng những con sông tạt vô thị xã
Vỗ mạn thuyền gợn sóng lăn tăn
Những con sông không chịu rời làng nước
Mê giọng hò và mê luôn cô lái đến ốm tương tư
Những con sông chịu nghe cây đa dạy nghĩa thủy chung
Mặc thây những con cá đớp mồi gãi ngứa
Chào mừng những con sông không bao giờ cạn
Dù bến có mòn bờ có lỡ.

Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chào mừng rừng núi Việt Nam chưa thành bình địa
Rặng Trường Sơn dài hơi chạy việt dã từ Bắc vô Nam
Rừng núi có buồn trơ trụi thì cây kia mọc lại mấy hồi
Rừng núi có buồn vì chim biếng hót thì suối kia nhã nhạc thiên thu
Rừng núi có buồn vì không muông thú thì người chăn
chiên sẽ tới cùng đàn cừu và cây sáo
Ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm sẽ chơi trốn bắt trên chồi mới nhú
Đàn cừu sẽ đuổi theo tiếng sáo
Tiếng sáo sẽ đuổi theo áng mây
Và áng mây sẽ biến thành giấc mộng đêm hè.

Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Hòa bình sẽ tới dù chưa phải hôm nay
Nếu hòa bình là cái chi không thể bắt bằng tay
Ta sẽ coi bằng mắt
Nếu hòa bình là cái chi không thể coi bằng mắt
Ta sẽ nghe bằng tai
Ta sẽ nghĩ trong đầu
Nuôi trong tim
Và biến thành máu đỏ.

Ta nuôi hy vọng như lão bộc
Giữ hoài hoài một chút lạc quan.

 (trích trong bài RI TH NÀO CHIN TRANH CŨNG CHM DT) (4)

Tổng Cũc Chiến tranh chính trị có lý do để chọn bài thơ. Thơ thép không phải chỉ sắt và máu, là bắn giết, là Bắc phạt, là huy chương. Nó còn mang theo trái tim cùng với ba lô và súng đạn. Trái tim ấy cứng như thép khi lâm trận, nhưng cũng mềm như lụa sau khi hết trận. Người lính miền Nam khác người lính miền Bác là ở chỗ đó. Văn chương miền Nam cũng khác với văn chương miền Bắc là ở chỗ đó.

Có phải vậy không ?

Trần Hoài Thư

10-2013

Theo Blog Trần Hoài Thư

___

(1) Thơ Miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán xuất bản 2005

(2) Mai Thảo, Giòng sông rực rở, Tập truyện Văn Uyển xuất bản, tháng 1-1968

(3) Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán xuất bản 2006

(4) Đầu Gió tuyển tập những bài thơ thép, Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH xuất bản Mùa thu 1973
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn