BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73214)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn về tính nhân bản trong thi ca miền Nam thời chiến : Trái tim

12 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 1038)
Tản mạn về tính nhân bản trong thi ca miền Nam thời chiến : Trái tim
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Mang trái tim vào thi ca, tôi gắng tìm trên Net, để tìm hiểu phần nào về thi ca miền Bắc trong thời chiến tranh, tôi chỉ tìm được một biểu ngữ rất lớn, hay như một vì sao Bắc đẩu rất sáng, khỏa lấp cả bầu trời thi ca miền Bắc. Đó là câu miền Nam trong trái tim tôi của Hồ Chí Minh. Ánh sáng của cái sao ấy làm át cả những ánh sáng của các nhà thơ nhà văn, sao mà tôi tìm hoài tìm mãi, chỉ thấy những vì sao mù lòa, tội nghiệp. Thơ miền Bắc, có bài quá hay, tôi công nhận. Nhưng thơ cần phải đọc để rung động. Thơ không phải là một công cụ để tuyên truyền. Con tim không bao giờ bắt nhà thơ phải theo một con đường thẳng vào trái tim mình đâu. Đối với chúng tôi, thế hệ chiến tranh, sinh ở miền Nam, chẳng có con đường nào vào trái tim, hay chẳng có con đường nào mà trái tim mang theo như trong bài thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật
 Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

……

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

 (nguồn: Internet)

 

Tôi công nhận bài thơ hay. Hay từ chữ, và hay từ cách ví von. Hay từ cách biết biến những chữ chết, khô thành những chữ rất sống. Hay ở chỗ là tác giả dùng bàn tay mầu nhiệm biến nỗi khổ thành niềm hạnh phúc. Hiểm nguy thành nỗi can đảm và khinh mạn. Và hay ở tinh thần đồng đội được thắp sáng.

 

Chả trách bài thơ được giải thưởng cao quí vào năm 1969.

 

 Đọc bài thơ, mới thấy rõ về sự khác biệt rất lớn giữa hai giòng thi ca Nam và Bắc. Trong văn thơ miền Bắc, trái tim chỉ biết tới một con đường duy nhất, là con đường vào Nam, để chiếm cho được miền Nam. Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim.  Nó không ngoằn nghèo, quanh co. Nó là cái mục đích tối hậu, mà cả một miền Bắc, bấy giờ, dồn mọi nổ lực để đạt cho được. Nó là chân lý. Cái chân lý do đảng đặt ra, và cái câu “miền Nam ở trong trái tim tôi” của Hồ Chí Minh. Con đường ấy đã vùi biết bao nhiêu người trẻ tuổi, chắc có nhiều người còn mang theo bên mình bài thơ của Phạm Tiến Duật. Cón đường ấy đã dẫy đầy những hố bom B52. và những người chết vì bị sức ép của bom làm hộc máu mồm, máu mũi. Con đường ấy đã làm cho những người lính thám kích chúng tôi phải rụng tim nghẹt thở để báo cáo về Bộ hành quân. Những ngày thì im lặng ghê rợn, nhưng về đêm thì đèn nối đèn, xe nối xe vận chuyển đạn dược vào Nam. Và tiếng dội vang động cả một đường kính vài cây số từ trong cánh rừng già vọng đến. Con đường ấy đã dựng xong. Xe đã đến đích. . Vâng, miền Nam thua. Văn hóa miền Nam bị truy diệt. Người miền Nam bị tù tội đọa đày. Nhà phố miền Nam bị chiếm đọat. Bầu trời của miền Nam bị cướp đi màu xanh. Và lịch sử trả lời. Trả lời cho con đường đi thẳng vào tim đấy. Nó chạy ra biển. Nó là mạt lộ nhưng là con đường cứu rổi của Nóe thời đại này.


 

Bây giờ một câu hỏi. Những nỗi cam khổ gian nguy ấy, những cái giá rất đắc ấy, những ngôi mồ lớp lớp hàng hàng ấy, đã được đền bù cho con đường mình chọn, mình đặt vào trái tim không? Thơ có phải là một sức mạnh như Napoleon từng xem một cây bút là một sư đoàn không ? hay là một đồng lỏa của tội ác? Bởi nó xúi dục kích động những người non dạ, bởi nó đã gây nên bao nhiêu thảm kịch. Chẳng những ở miền Nam mà còn ở miền Bắc:

 

Người mẹ Bắc lên non tìm xác
Người mẹ Nam xuống biển tìm con
Sông núi ấy bao hồn ma thức dậy
Kéo nhau về kêu thảm một mùa xuân

 

(thơ THT)

 

Nguyên Sa đã có những bài thơ tình mà miền Nam rất mến mộ như bài Áo lụa hà đông. Vậy mà ông phải ăn năn hối hận cho những nhầm lẫn dĩ vảng của mình:



bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
bây giờ đứng gác đêm ở rừng gìa gío lạnh thấu xương
ta mới biết rằng sương lạnh như thế
ta mới biết rằng gío lạnh như thế
ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát
ta là một thằng dốt nát
vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết
anh em ta và quê hương ta đã đứnh như thế từ bao nhiêu năm
bây giờ di chuyển đêm di chuyển ngày di chuyển nắng di chuyển mưa
ăn không được ngủ không được cười không được khóc không được
hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế nhà trường
hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu qúi
ta nào đã làm được gì
để anh em cười được khóc được ăn được ngủ được
để anh em tìm thấy tọa độ trong rừng gìa
để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
để đạn đừng xuyên qua phổi
để đạn đừng xuyên qua tim
hãy tha thứ cho ta
hãy tha thứ cho ta
những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em học giỏi như thần đồng
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
cũng chết
những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
cũng chết
những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
cũng chết
những anh em mẹ gìa còn yếu hơn mẹ già ta
cũng chết
những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
đã chết
đang chết
và còn chết
hãy tha thứ cho ta

8/1967

(Nguyên Sa: Xin Lỗi Về Những Nhầm Lẫn Dĩ Vãng)

Chỉ những câu thơ ca ngợi về tình yêu thuần túy để thăng hoa cái đẹp cho đời, vậy mà nhà thơ còn cảm thấy năn năn hối hận và xin lỗi về những nhầm lẩn của dĩ vãng, đủ biết tiếng nói của con tim – ở đây là lương tâm – là mạnh mẽ đến chừng nào. 

Còn ở miền Bắc, không biết có nhà thơ nào còn có lương tâm giống như nhà thơ Nguyên Sa không?

 Trần Hoài Thư

Theo Blog Trần Hoài Thư

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn