BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73222)
(Xem: 62211)
(Xem: 39389)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

03 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1444)
Thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Kính gửi:

Ban Chấp hành Trung ương,
Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị,
Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Thời gian qua, tôi vào miền Nam nên không dự được cuộc họp ngày 5 và 6 tháng 12 do Bộ Chính trị triệu tập.
Tôi đã đọc và nghiên cứu các bản dự thảo, báo cáo chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 9 khoá IX:
- Báo cáo kiểm điểm nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
- Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Báo cáo tình hình thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá IX về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua.
Tôi nhận thấy, các dự thảo văn kiện nói trên được chuẩn bị tích cực, tiếp cận sát hơn tình hình thực hiện trong nước và thế giới, không chỉ nêu lên những thành tích mà còn nói rõ những tiềm năng chưa được khai thác và những khuyết điểm tồn tại khá trầm trọng.
Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, đất nước tiếp tục phát triển ổn định trong tình hình có nhiều khó khăn mới. Điều đó cho thấy công cuộc đổi mới đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, tôi đồng ý với nhận định của dự thảo là nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa tương xững với mức tăng đầu tư và tiềm năng của đất nước; mặt xã hội chuyển biến chậm, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sa sút về đạo đức vẫn diễn ra phức tạp, có phần nghiêm trọng.
Tôi đề nghị, cần phải phân tích nguyên nhân của những mặt tồn tại, yếu kém, làm rõ hơn những vấn đề cần tập trung thực hiện bằng được trong hai năm còn lại. Cần làm rõ vì sao có nhiều Nghị quyết đúng, nhiều chủ trương đúng nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả.

Sau đây, tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến về kinh tế, về giáo dục và khoa học, về quốc phòng, an ninh và về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

1 – Về nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế:
Vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm (2001 - 2003) đạt khoảng 7,1%/năm, tuy chưa đạt mức Đại hội IX đề ra là 7,5%/năm, nhưng vấn đề là một cố gắng lớn trong tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Nếu biết huy động và sử dụng tốt nguồn nội lực, chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng dự kiến của Đại hội. Nhưng phải thấy rằng, cho dù có đạt được tỷ lệ ấy thì đến năm 2020, nước ta vẫn còn là một nước kém phát triển ngay trong nhóm các nước ASEAN, vẫn còn thua Thái Lan khoảng 20 năm về chỉ tiêu GDP/người, nếu so với các nước OECD thì còn tụt hậu xa hơn nhiều. (Hiện nay, GDP/người của Việt Nam là 400USD/người bằng 1/3 Thái Lan, 1/50 Singapore, 1/70 Mỹ).
Tôi đề nghị, Hội nghị nên thảo luận vì sao ta không thực hiện được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn. Cần có những chủ trương và biện pháp gì để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy được nội lực, lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Chắn chắn trong những năm sắp tới, với sự phát triển gia tốc của cách mạng khoa học và công nghệ trong thời đại kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ, với nhịp độ phát triển nhanh của các nước trong khu vực và tính chất cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá, với xu hướng diễn biến phức tạp của tình hình chính trị và an ninh quốc tế, nước ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn và thách thức mới khó lường trước được.
Mong rằng, những phương hướng và chủ trương đúng đắn của Hội nghị Trung ương 9 sẽ được triển khai thực hiện kiên quyết hơn và có hiệu quả hơn.

2 – Về giáo dục và khoa học:
Chúng ta đều thống nhất nhận thức rằng: Khâu đột phá để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững là giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã xác định là quốc sách hàng đầu, có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội hiện nay và tương lai của đất nước 40 – 50 năm sau, lại đang là vấn đề gây lo lắng cho toàn xã hội.
Vừa qua, cuộc hội thảo lớn do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng báo Nhân dân phối hợp tổ chức đã cho thấy rõ hiện trạng yếu kém và bất cập của nền giáo dục nước ta.
Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương cần phân tích kỹ nguyên nhân vì sao một chủ trương rất đúng coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu lại không được thể hiện trên thực tế, mặc dù đã có chiến lược được Chính phủ phê chuẩn.
Về vấn đề này, trước đây tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị đề nghị: cần thiết phải có một cuộc cải cách giáo dục có tính cách mạng. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chiến lược con người.
Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế hiện đại, tiếp cận với nền kinh tế tri thức, cần phải đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại hoá và tin học hoá hệ thống giáo dục và đào tạo, kết hợp chặt chẽ khoa học với nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội.
Cuối năm 2000, Trung ương đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống giáo dục đào tạo vẫn còn hạn chế, còn kém so với các nước trong vùng (1). Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, cần có chủ trương và chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng và rộng rãi với mạng máy tính và Internet để phục vụ cho giảng dạy, học tập nghiên cứu và kinh doanh.
Nếu không kiên quyết thực hiện bằng được chủ trương: Giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu thì những mục tiêu trọng yếu mà Hội nghị Trung ương lần này nêu ra như đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế bền vững … chắc chắn không thể thực hiện được.
Để thực hiện cuộc cải cách giáo dục có tính cách mạng, cần tổ chức lại hệ thống giáo dục và đào tạo.
Tôi kiên trì đề nghị tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành hai Bộ: Bộ Đại học và Bộ Giáo dục do đối tượng của mỗi Bộ rất khác và rất lớn, sắp tới phải mở rộng không những cấp phổ thông mà còn cấp cao đẳng, đại học. Tách bộ phận dạy nghề khỏi Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Thành lập Tổng cục dạy nghề trực thuộc Chính phủ và có quan hệ với hai Bộ nói trên. Đồng thời, kiện toàn tổ chức và cán bộ của các cơ quan lãnh đạo quan trọng đó để triển khai có hiệu quả công cuộc cải cách giáo dục.
Trong hai năm tới, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo được một bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Trước mắt, tập trung nghiên cứu và tiếp thu công nghệ hiện đại, đặc biệt là một số lĩnh vực công nghệ cao, từng bước hình thành một hệ thống công nghệ đồng bộ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn kết khoa học với kinh tế. Các doanh nghiệp phải có lộ trình đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực hợp tác khu vực và thế giới (AFTA, WTO, APEC, ASEAN 2020 …)
Trong chiến lược xây dựng và phát triển nền khoa học nước nhà, cần chú ý đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, phát triển một số hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn: công nghệ thông tin, công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới (công nghệ nano), công nghệ chế tạo và tự động hoá … Cần có kế hoạch đào tạo để sớm khắc phục sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ giáo dục, cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành.

3 – Về quốc phòng và an ninh:
Tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị những ý kiến cụ thể đóng góp vào Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và đã nêu ý kiến trực tiếp với đồng chí Trần Đức Lương.

a) Tôi đã nhiều lần đề nghị chú trọng vấn đề lãnh hải, biển - đảo, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có sự quan tâm. Phương hướng cho hai năm tới trong dự thảo báo cáo trình Hội nghị Trung ương 9 lần này cũng không đề cập tới.
Lãnh thổ nước ta không chỉ có vùng đất liền mà còn có cả vùng lãnh hải. Chúng ta có nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia không những trên bộ, trên không mà cả trên vùng lãnh hải. Vùng lãnh hải với thềm lục địa, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng có tầm quan trọng ngày càng lớn.
Các nước lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương coi thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương. Nhiều nước đã hoạch định chiến lược tổng thể về biển với những chủ trương và chính sách cụ thể liên quan đến chủ quyền lãnh hải, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Trung Quốc xác định: để mở rộng không gian sinh tồn, việc tiến ra biển khơi, khai thác nguồn tài nguyên biển liên quan đến khả năng tiếp tục phát triển và sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa; Trung Quốc đang ra sức tăng cường lực lượng hải quân và không quân để giành quyền kiểm soát trên không và trên biểu ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, và luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Nhật Bản khẳng định quốc sách bảo đảm tuyến giao thông trên biển 1000 hải lý. Mỹ coi việc bảo đảm an toàn tuyến đường vận chuyển nối liền Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương là một bộ phận quan trọng trong chiến lược địa lý – chính trị toàn cầu và chiến lược quốc gia về chủ quyền và an ninh trên biển.
Mục tiêu địa lý – chính trị phức tạp của các nước Châu Á - Thái Bình Dương gắn liền với cuộc đấu tranh giành giật chủ quyền lãnh hải và khai thác tài nguyên ở biển và đại dương sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi cục diện chiến lược khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Tôi đề nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng chiến lược toàn diện về lãnh hải của nước ta từ nay đến năm 2010 và 2020 trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, có kế hoạch triển khai từng bước thiết thực và có hiệu quả.
Cần có một cơ quan Nhà nước mang tính liên ngành để lãnh đạo và điều phối chung các hoạt động kinh tế và quốc phòng trên vùng lãnh hải.
Trước mắt, cần tổ chức các đội tầu, thuyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên xa bờ kết hợp với lực lượng hải quân để giữ vững chủ quyền và an ninh trên vùng lãnh hải và quần đảo Trường Sa, không để cho các tầu thuyền nước ngoài xâm phạm.

b) Trong chiến lược phát triển các vùng lãnh thổ của đất nước, việc mở mang phát triển các vùng miền núi, nơi tập trung các đồng bào dân tộc ít người sinh sống, là vấn đề có tầm quan trọng trong chiến lược về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Trong việc đầu tư phát triển các vùng miền nói chung Trung ương đã chú trọng, song cần chú trọng hơn nữa đến vùng căn cứ địa Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang).
Trước mắt, ở Cao Bằng, cần mở mang hệ thống giao thông (đường số 3, sân bay …) tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế và cải thiện đời sống nhân dân, từng bước xây dựng tỉnh Cao Bằng – “ngôi sao cách mạng của Việt Bắc” nơi Bác Hồ đã từ nước ngoài trở về đây để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, thành một địa bàn mà nhân dân nhất là thanh niên có thể có đủ điều kiện thăm viếng, hơn nữa có thể tổ chức thành khu du lịch quan trọng đối với các khách trong nước và quốc tế.
Vấn đề này có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế và cả về quốc phòng, an ninh của nước ta. Hoặc bên kia biên giới, nước bạn đã xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên Á nối với Thái Lan, với Myanmar và Ấn Độ Dương, và gần đây trong chiến lược triển khai cuộc cách mạng quân sự mới đã tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở các vùng biên giới.

4 – Vấn đề chống tham nhũng, lãng phí:
Hội nghị Trung ương 4 khoá IX đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải tiếp tục đầy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng với nhiệm vụ trung tâm trước mắt là chống tham nhũng, lãng phí đã được đặt ra từ Hội nghị Trung ương (lần 2) khoá VIII.
Tôi đồng ý với đánh giá nêu trong dự thảo trình Hội nghị Trung ương 9: trong 3 năm vừa qua, tuy có phát hiện và xử lý một số vụ tiêu cực, nhưng cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu, chưa có chuyển biến căn bản.
Cho đến nay, nạn tham nhũng, lãng phí vẫn chưa được chặn đứng và đẩy lùi. Sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không ít đảng viên, cán bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều vụ việc tiêu cực có liên quan đến các cán bộ và cơ quan chuyên chính của Đảng và Nhà nước đều do nhân dân phát hiện.
Chưa thấy một đảng viên nào tự giác nhận trách nhiệm hoặc một cấp uỷ đảng nào phát hiện nội bộ có tham nhũng.
Tôi đề nghị Trung ương và Bộ Chính trị cần kiểm điểm nghiêm khắc vì sao vừa qua ta đã có nghị quyết, có pháp lệnh, có cuộc vận động chống tham nhũng, lãng phí trong toàn Đảng và các cơ quan Nhà nước mà những tệ nạn này vẫn phát triển phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính doanh nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước … Lối sống cơ hội vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức: chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy vốn, chạy tội …. Việc xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên có những hoạt động sai trái, tiêu cực không nghiêm minh.
Chống tham nhũng, lãng phí và những việc phạm pháp, tiêu cực khác là chống “giặc nội xâm” chỉ có thể thành công nếu biết dựa vào dân như Bác Hồ đã dạy. Bởi vậy, cần có cơ chế thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để đảng viên và nhân dân giám sát, thu hút được sự tham gia rộng rãi của toàn dân và cả hệ thống chính trị – xã hội mới có thể ngăn chặn được những tệ nạn đó. Đã gọi là “giặc nội xâm” thì phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc, tiêu trừ bằng được.

5 – Về nhiệm vụ then chốt: xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Tôi đồng ý với nhận định của Dự thảo là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng vừa qua chưa đạt yêu cầu; chưa chú trọng đến công tác chính trị và tư tưởng để cho chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng tồn tại kéo dài. Các cấp uỷ Đảng thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, không có sự thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh. Hiện tượng thiếu dân chủ, chuyên quyền độc đoán trong Đảng, tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức Đảng, coi thường kỷ cương phép nước của cán bộ đảng viên, làm mất lòng tin của dân đã thực sự là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng.
Đảng ta xác định: xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Bởi vì, sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, có chệch hướng hay không, nhân tố quyết định là Đảng có vững mạnh không, có kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hay không; cán bộ, đảng viên có thật sự vì nước, vì dân hay không.
Một Đảng tiên phong, trước hết phải có đường lối đúng. Vì vậy, đề nghị Trung ương coi trọng hơn nữa công tác lý luận: Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, giải đáp đúng những vấn đề do thực tiễn đặt ra với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống các xu hướng tả khuynh giáo điều cũng như hữu khuynh cơ hội, kiên trì đưa đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) coi trọng xây dựng Đảng cả về quan điểm chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống, không cho phép chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị tồn tại và lũng đoạn Đảng, lũng đoạn các cơ quan Nhà nước.

6 – Về công tác cán bộ:
Muốn xây dựng Đảng mạnh thì công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định.
Dự thảo báo cáo đã nêu: Công tác cán bộ hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc đánh giá và quản lý cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, chậm được khắc phục. Chậm xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.
Đảng ta đã nêu rõ: cán bộ tốt là cán bộ có đức, có tài.
Công tác cán bộ cần định ra chuẩn mực và cơ chế đánh giá để tuyển chọn một cách dân chủ và công bằng những cán bộ có đức, có tài, loại bỏ bằng được mọi quyết định chuyên quyền độc đoán, áp đặt, chỉ lựa chọn những người thân quen để tạo ra bè cánh trong Đảng.
Xây dựng quy chế tham gia giám sát của nhân dân và đảng viên, quy chế thanh tra, kiểm tra của các cơ quan lập pháp. Xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng.
Mọi ý kiến phản ánh và chất vấn của đảng viên và nhân dân đối với tình hình nội bộ Đảng, đối với cấp uỷ, kể cả đối với các cán bộ cấp cao của Đảng phải được trả lời và giải quyết minh bạch.

7 – Vê công tác bảo vệ chính trị nội bộ:
Dự thảo báo cáo đã nêu khuyết điểm: chậm kết luận rõ một số trường hợp, một số vấn đề tồn tại cũ và mới phát sinh.
Đề nghị Hội nghị Trung ương lần này cần kiểm điểm nghiêm khắc vì sao tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng kéo dài ở cấp Trung ương mà Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thấy rõ và đã có Nghị quyết khẳng định phải giải quyết nhưng cho đến nay vẫn để tồn tại không giải quyết.
Điển hình nghiêm trọng là vụ Tổng cục II thuộc Bộ Quốc Phòng. Những người đứng đầu và những phần tử xấu trong Tổng cục II đã có những hoạt động phá hoại Đảng nghiêm trọng một cách có hệ thống, có tổ chức kéo dài hàng chục năm đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, sử dụng những thông tin sai lệch để phá rối và chia rẽ nội bộ, cố tình gây ra bè phái trong Đảng, tạo ra chứng cứ giả để hãm hại những cán bộ tốt của Đảng, vi phạm nghiêm trọng đến điều lệ của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật của quân đội. Đương nhiên, trong Tổng cục vẫn có một số cán bộ tốt đã bị lợi dụng.
Tôi đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiên quyết kiểm tra và xử lý nghiêm minh, dứt điểm. Không cho phép duy trì mãi một tổ chức siêu đảng, siêu Chính phủ. Không thể để Tổng cục II tồn tại với quyền hạn quá rộng như Nghị quyết 96/CP đã cho phép, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ tình báo quân sự trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu như trước đây.
Việc bảo đảm an ninh nội bộ sẽ giao cho Ban bảo vệ chính trị nội bộ phụ trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị.
Vấn đề chấn chỉnh Tổng cục II liên quan sâu sắc đến tình hình chung của toàn Đảng, không chỉ là vấn đề cụ thể của một cơ quan, cũng không phải là vấn đề riêng của Bộ Quốc phòng, mà là vấn đề có liên quan đến thành bại của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến việc giải quyết những vấn đề tồn tại trong Đảng từ trước tới nay.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ Sáu Sứ diễn ra cuối khoá VI trước thềm Đại hội VII mà Hội nghị Trung ương 12 và 13 khoá VI đã bàn giao cho Trung ương khoá VII gii quyết.
Nghiêm trọng hơn nữa là vụ T4 mà Bộ Chính trị khoá VIII đã bàn giao lại cho Bộ Chính trị khoá IX. Bộ Chính trị khoá IX đã chỉ đạo Ban điều tra liên ngành tiến hành điều tra và Bộ Chính trị đã kết luận. T4 là một vụ án chính trị “siêu nghiêm trọng” vi phạm kỷ luật của quân đội.
Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương 9 khoá IX xử lý kiên quyết, dứt điểm, nghiêm minh những vụ việc tồn đọng nói trên theo đúng điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào. Và thông báo công khai cho Ban Chấp hành Trung ưng khoá IX, cho các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban kiểm tra Trung ương các khoá trước.
Kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước đòi hỏi không được phép bao che, né tránh, làm qua loa, mà phải kiên quyết xử lý cả những kẻ bao che.

Cuối thư, xin chúc Hội nghị Trung ương 9 với tinh thần trách nhiệm cao, nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ thành tựu đồng thời thấy rõ những mặt tồn tại yếu kém, đề ra được những chủ trương sát đúng, đưa nền kinh tế và xã hội nước ta phát triển nhanh hơn và vững hơn nữa, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có hiệu quả rõ rệt, nhất là chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thắng lợi của Hội nghị Trung ương 9 lần này còn có ý nghĩa chuẩn bị một bước cho Đại hội X. Do vậy, mong rằng toàn thể các đồng chí uỷ viên Trung ương nhận rõ trách nhiệm lớn, luôn noi gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Hội nghị đến thành công lớn.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

Ngày 3 tháng 1 năm 2004
Thân ái
Võ Nguyên Giáp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn