Hoa Kỳ ngày 30 tháng 1 năm 2014
Kính gửi Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải
314 Edifice Vitoria Building
Ottawa, ON K1A 0A4
Canada
Email:ngoth@sen.parl.gc.ca
Thưa ông, qua tờ Thời Báo phát hành vào hôm hôm 17 tháng Giêng năm 2014 (từ Canada) chúng tôi đã đọc được bản tin này:
“Hôm 8 tháng 1, 2014, văn phòng Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan đã gửi đến văn phòng của Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải văn thư xác nhận họ đã công nhận ông Phạm Mạnh Hùng là một người tị nạn theo quy chế của UNHCR và sẽ cố gắng để khẩn cấp đưa ông Hùng đi định cư ở một nước thứ ba. Ông Phạm Mạnh Hùng là một nhà báo tự do ở Việt Nam, sử dụng bút hiệu Đặng Chí Hùng.
Loạt bài viết “Những sự thật không thể chối bỏ”, “Những sự thật cần phải biết” và “Chúng ta phải làm gì” của ông trên trang mạng Dân Làm Báo nhắm vào việc cung cấp cho người đọc những thông tin về các lãnh tụ cộng sản VN mà người dân trong nước bị bưng bít hay nhồi sọ không hề biết. Các bài viết của ông, với tài liệu và bằng chứng, đã được nhiều trang mạng khác tiếp tay truyền tải và khiến cho nhà cầm quyền CS lo sợ và bực bội, nhất quyết phải bắt ông cho bằng được. Ông Hùng đã phải trốn sang Cam Bốt rồi từ đó chạy sang Thái Lan, nhưng gần đây, mật vụ CS VN đã sang tận Thái Lan nhờ cảnh sát Thái bắt giữ ông, và yêu cầu Thái trục xuất ông Hùng về Việt Nam.
Hôm 16/12, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã gửi đến văn phòng UNHCR một văn thư kêu gọi Cao ủy bảo vệ ông Đặng Chí Hùng. Trong văn thư gửi Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, bà Mireille Girard, đại diện văn phòng UNHCR ở Thái Lan cũng xác định đã theo dõi sát tình trạng của ông Hùng từ ngày ông bị bắt và đưa về trại giam của Bộ di trú ở Suan Phlu. Bức thư viết, văn phòng đã can thiệp nhiều lần với chính phủ Thái. Văn thư viết, “Nhận thức nguy cơ đang tiếp diễn về việc trục xuất, UNHCR đang tìm cách tái định cư khẩn cấp ông Phạm Mạnh Hùng sang một nước thứ ba.”
Kính thưa ông
Sự kiện trên khiến chúng tôi vô cùng cảm kích, và xin được mạo muội thay mặt một số những bloggers Việt Nam để gửi đến ông lời cảm ơn trân trọng vì đã can thiệp hữu hiệu cho một người bạn đồng nghiệp của mình trong tình huống khó khăn. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin được mạn phép trình bầy với ông về hoàn cảnh của một đồng hương khác – bi đát hơn nhiều – cùng với ước mong được ông quan tâm và giúp đỡ: đó là trường hợp của ông Lê Trí Tuệ.
Nội vụ xin được tóm gọn như sau:
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, ông Lê Trí Tuệ đã gửi đến tất cả những cơ quan, cũng như mọi giới chức có thẩm quyển ở Việt Nam một lá đơn (Tường trình và tố cáo) dài 1438 chữ. Phần đầu – và cũng là phần chính, gồm 444 chữ – xin được trích dẫn nguyên văn:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Đơn tường trình và tố cáo
V/v Công an TP. Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.
Tôi tên là: Lê Trí Tuệ.
Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.
Đăng ký hộ khẩu thường trú: 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu – Hồng Bàng – TP. Hải Phòng.
Điện thoại: 0982.152.619, 0912.530.615
Chức vụ:
Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trí Tuệ
Phó Chủ tịch Công đoàn Độc lập Việt Nam.
Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,
Căn cứ vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948;
Căn cứ vào Tuyên ngôn Nguyên tắc Tổng Liên đoàn Lao công Thế giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng Liên đoàn Lao động Thế giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968];
Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.”
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.
Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh để làm việc,bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam.
Hai ngày sau, sau khi đơn tường trình được gửi đi, Lê Trí Tuệ đã bị công an Việt Nam bắt giữ (từ 22/10/2006 đến 26/10/2006) để tra hỏi về việc ông đã tham gia Ban Vận động Thành lập Công đoàn Tự do ở Việt Nam.
Đến ngày 07/12/2006, trong khi Lê Trí Tuệ còn đang bị lưu giữ tại trụ sở công an quận IV (Sài Gòn) nhân viên an ninh đã lục lọi đồ đạc, và kiểm tra máy vi tính của ông tại nhà trọ.
Sau đó – vào ngày 14/03/2007 – ông Lê Trí Tuệ đã bị một số công an mặc thường phục đánh đập dã man, ngoài đường phố.
Trong hai ngày ngày 29 và 30 tháng 03 năm 2007, ông Lê Trí Tuệ lại bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công đoàn Độc lập, và làm một bản cam kết sẽ từ bỏ tất cả những hoạt động bị nhà đương cuộc Việt Nam cáo buộc là phản động…
Cuối cùng – sau nhiều lần bị giam giữ, tra vấn, hành hung và khủng bố – Lê Trí Tuệ đã trốn khỏi Việt Nam – theo như tin loan của BBC, nghe được hôm 13 tháng 4 năm 2007: “Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam vừa lánh nạn sang Campuchia… ông cho biết ông bị nhà chức trách tại TP HCM chuẩn bị đưa ra xét xử.”
Cũng như hàng nhiều triệu người dân khác – trong suốt thập niên 1980 – Lê Trí Tuệ đã trốn chạy ra khỏi Việt Nam, sau khi đã bị dồn đến bước đường cùng! Vào thời điểm đó, những kẻ đi lánh nạn đều bị nhà nước CHXHCNVN tới tấp ném theo nhiều điều vu cáo (rất) hàm hồ cùng những lời rủa xả (vô cùng) tàn tệ. Trường hợp của Lê Trí Tuệ, tất nhiên, cũng không thể khác.
Báo Công an Nhân dân – số ra ngày 16 tháng 5 năm 2007 – mô tả Lê Trí Tuệ là “kẻ đang bị truy nã “ vì “có hành vi lừa đảo,” và “làm tay sai cho một số đối tượng chống đối Nhà nước.” Cùng lúc, gần như tất cả những cơ quan truyền thông khác ở Việt Nam cũng đều có những bài viết với nội dung (đáng tởm) tương tự.
Câu chuyện của Lê Trí Tuệ, nếu chấm dứt ở đây, cũng đã đủ não lòng. Sự việc, tiếc thay, đã tiếp tục diễn ra một cách tồi tệ hơn như thế. Chỉ vài tháng sau, ông đột nhiên biến mất. Bản tin của VOA, phát đi ngày ngày 17 tháng 5 năm 2007, có đoạn:
”Một giới chức của Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam đang được Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Campuchia, ông Lê Trí Tuệ, đã bị mất tích… Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã đề nghị chính phủ Campuchia tìm kiếm ông Tuệ và họ vô cùng quan tâm đến vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Thượng tướng Khieu Sopheak nói rằng ông có biết về vụ việc nhưng ông không thể cung cấp thêm thông tin về vụ mất tích hay liệu Bộ Nội vụ có tiến hành điều tra hay không.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Bá Cầm, cũng nói rằng ông không có thông tin gì về ông Lê Trí Tuệ.”
Theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng: ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”
Kính Thưa ông
Lê Trí Tuệ không phải là người Việt lưu vong đầu tiên hay duy nhất đã bị “mất tích” một cách bí ẩn như thế – ở Cao Miên. Ông Trương Quốc Tuấn, một nhân vật bất đồng chính kiến khác, cũng tị nạn ở Phnom Penh, trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA – nghe được vào ngày 10 tháng 10 năm 2007 – đã cho biết như sau:
“Trước đây tại Campuchia, Thượng Toạ Thích Trí Lực đã bị Việt Nam chỉa súng và bắt cóc đưa thẳng lên xe và đem trở về Việt Nam.” Ông Tuấn còn cho biết tên tuổi của sáu người tị nạn khác (Nguyễn Văn Hùng, Hoa Văn Sinh, Hồ Phước Thanh, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Hằng Dũng) “đều bị công an Việt Nam bắt cóc đưa lên xe đem về Việt Nam trước mắt công luận, và trước sự thờ ơ của chính phủ Campuchia.”
Tưởng cũng cần nói thêm – vẫn theo lời ông Trương Quốc Tuấn – ngoại trừ ông Nguyễn Văn Hùng, năm nhân vật còn lại đều đã chết ở trong tù. Có người, như trường hợp ông Hồ Phước Thành, qua đời ở tuổi 30!
Kính thưa ông
Lê Trí Tuệ đã “biến mất” từ hôm 16 tháng 5 năm 2007 đến nay. Trong gần bẩy năm qua, chưa bao giờ văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Thái Lan không có bất cứ một động thái nào cho thấy họ có trách nhiệm (hay nỗ lực) gì ráo trọi trong việc bảo vệ người tị nạn trong phạm vi trách nhiệm của mình. Do vậy, hôm nay, chúng tôi xin gửi thư này với hy vọng nhận sẽ được sự quan tâm của ông về tình cảnh (không biết sống chết ra sao) của một người đồng hương trẻ tuổi và dũng cảm của chúng ta, Lê Trí Tuệ.
Vô cùng trân trọng và kính mến
Thường dân Tưởng Năng Tiến
Email:anhtutien@gmail.com
Gửi ý kiến của bạn