Họ mới chỉ là 3 trong số những sĩ quan rất trẻ tuổi trong quân đội VNCH thuộc những binh chủng khác nhau, đang hừng hực sức chiến đấu thì “gãy súng” ngày 30 tháng 4, 1975. Gãy súng nên phải tù đày trong các trại giam Cộng Sản. Thời gian tù đày, chúng tôi gặp nhau trong những cảnh ngộ, đứa ở trại này, đứa ở trại kia, đứa ở ngoài Bắc, đứa trong Nam. Dường như trên khắp đất nước chúng tôi vào thời ấy đều có những trại giam.
Cho đến năm Trung Quốc chiếm 6 tỉnh miền Bắc, chúng tôi mới có những dịp “hội ngộ” lớn ở một số những trại điển hình được thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Một trong những trại đó là trại Xuân Phước A-20 mà một vài anh em gọi là trại trừng giới, một số anh em gọi là “lò sát sinh,” một số ít lại gọi là trại “đã vào thì miễn ra” hay “thung lũng tử thần.” Nhiều bạn tôi cứ hay thắc mắc: “Sao tao thấy mày cứ động một chút là nhắc đến những kỷ niệm về tù đày. Buồn bỏ mẹ nhắc làm đếch gì.” Các bạn ấy có thể suy nghĩ khác tôi vì họ ở vào hoàn cảnh khác hoặc từng gặp những cảnh không đẹp trong trại giam nên chẳng muốn lưu giữ chúng làm gì cho thêm buồn.
Nhưng riêng tôi, đã hơn hai mươi năm qua rồi mà nhiều đêm thức giấc vẫn phải bấu mạnh vào đùi để xem mình tỉnh hay mơ, nhớ lại những bạn chí cốt trong chốn lưu đầy, vẫn thấy cay cay trong lòng mắt. Có những bạn đã bỏ mình trong tù vì không chịu đựng nổi đói khổ và bệnh tật hoặc bị sát hại trên đường vượt trại. Những đứa còn lại thoát được sang Hoa Kỳ thì lại phải vùi đầu vào việc mưu sinh, khó lòng có cơ hội gặp nhau.
Ngọc “đen,” Tám “chùa,” Hải “bầu,” Nhì “chính huấn,” Hải “cà,” Nhàn “cụt,” Khiết “nhô,” Trung “điên,” Long “bô,” Nguyễn Quang Trình mà anh em gọi đùa là “cô tư”... và còn nhiều sĩ quan trẻ khác nữa đã là vô vàn những câu chuyện đáng nói và có thể viết thành lịch sử bi hùng của lớp thanh niên miền Nam Việt Nam sau chiến tranh. Đó là lớp thanh niên có trách nhiệm và bất khuất. Họ không hề cực đoan, nhưng sống ngay thẳng và dứt khoát không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Trong trại kiên giam như Xuân Phước, cái đói và những trò độc ác, tàn bạo của những kẻ thắng trận không bao giờ có thể làm cho họ cúi đầu.
Như Tám “chùa,” Hải “bầu,” Ngọc “đen” thường nói đùa về cái gọi là án tập trung cải tạo: “Mẹ kiếp, án tập trung của bọn mình mỗi lệnh là 3 năm nhưng thằng đọc bản án mà nó cà lăm là bỏ mẹ.” Và quả thật án tập trung của ba người bạn trẻ này bị cà lăm thật. Hải “bầu” lại còn “ngon” hơn các anh em khác là tù hai phùa.
Buổi tối Thứ Ba, anh em đang ngồi ăn tối tại Thành Mỹ, Nguyễn Quang Trình từ Úc sang gọi điện thoại từ nhà người thân hỏi Hải “bầu” là đang ngồi cạnh ai. Sau khi Hải “bầu” trả lời ngồi cạnh Alpha và Ngọc “đen,” Trình nói: “Vậy thì tôi mời cả ba anh về trụ sở công an phường.” Trình cười vang trong điện thoại.
Chúng tôi cười vì câu nói đùa của Nguyễn Quang Trình gợi lại cho chúng tôi cả một giai đoạn đen tối mà dân tộc Việt Nam phải sống trong cái bóng tối của chuyên chính vô sản. Ngọc "đen" đã có gia đình, vợ hiền và một con trai. Ngọc lao vào công việc vật lộn với mấy cái máy in kiếm sống nuôi vợ, con. Tuổi đời và những trải nghiệm đã làm cho Ngọc đằm tính hơn, suy nghĩ chín hơn về những biến chuyển diễn ra từ 35 năm qua. Nhưng trong lời nói, hình ảnh của những ngày sống hiên ngang trong trại giam, bất chấp mọi thứ kỷ luật như một cái ách trên cổ mỗi người tù cải tạo. Hải "bầu" cũng may mắn có một người bạn đời với lòng chung thủy và gan góc chịu đựng gian nan của chồng, phấn đấu can đảm với căn bệnh tai ác của mình và đã vượt qua được, một cậu con trai duy nhất học giỏi và suy nghĩ trong sáng. Tám "chùa" lúc hưng thịnh, lúc suy vong trong ngành tiện, nhưng gia đình yên ấm và cũng đã có hai con khôn lớn.
Cho tới nay, trong trí tôi không thể nào quên được giây phút Ngọc “đen,” Hải “bầu” cùng một số anh em trẻ khác “lên kế hoạch” nhảy qua hàng rào kẽm gai để tiếp tế thuốc chữa phù thũng, kiết lỵ cho những bạn tù nằm trong biệt giam. Ở trại B Xuân Phước, biệt giam nằm kế bên khu bị cô lập dành cho các tu sĩ Công Giáo, Phật Giáo và các tôn giáo khác. Tường bao quanh khu biệt giam cao 4 thước cộng với 1 thước rào kẽm gai, có hai chòi gác ở cuối dãy. Họ nghiên cứu và tìm ra được khoảng trống giữa các phiên đổi gác, có lẽ chỉ kéo dài khoảng 5 phút để nhảy vào. Công việc vô cùng khó khăn, tưởng không bao giờ có thể thực hiện được, nhưng các chàng trai trẻ này đã làm được. "Phi vụ" diễn ra như trong xi-nê và nếu bị phát giác có thể họ bị bắn chết trên hàng rào kẽm gai hay cũng ra tòa lãnh án tử hình. Sự hy sinh ấy thật vô giá.
Những năm cuối cùng của cuộc lưu đày, những bạn trẻ chí cốt với tôi đã lần lượt ra trại, chỉ còn Ngọc “đen” và Nhì “chính huấn” đi theo tôi về Z-30A. Vào giai đoạn ấy, những điều thắt buộc của kỷ luật trại giam cũng đã được nới lỏng, nhưng chúng tôi vẫn còn bị phiền hà vì chính sách nhốt tù hình sự chung với chính trị phạm. Những tù hình sự như Phạm Văn Đồng (trùng tên với Thủ Tướng VNCS Phạm Văn Đồng nên trong trại anh em gọi mỉa là thủ tướng) hay Lâm “chín ngón” được gài vào sống chúng với anh em chúng tôi cũng chỉ để thực hiện một nhiệm vụ: làm ăng ten và gây rối trong đời sống thường nhật theo kiểu “anh chị.” Lâm "chín ngón" ngoài đời là một tay anh chị và giết người khét tiếng. Bao nhiêu người khuyên răn anh ta đều vô ích, cho nên khi về Z-30A, các bạn trẻ lúc đó quyết định là không dung thứ những tội của Lâm “chín ngón.” Một vụ thanh toán đã diễn ra tại đây và nếu không nhờ cái cửa sổ nhà ăn của trại, Lâm "chín ngón" đã không thể chạy thoát. Tuy nhiên, ban quản trại Z-30A đã không dám nhốt Lâm “chín ngón” chung với chúng tôi nữa và đã đưa anh ta đi trại khác. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2002, ở Mỹ tôi tình cờ đọc tờ Thanh Niên mới biết rằng sau này khi ra tù, Lâm “chín ngón” đi theo Năm Cam và sau lại bị chính băng đảng này trừng phạt bằng acid và trở thành người tàn phế.
Tôi kể lại những câu chuyện này như chuỗi những kỷ niệm khó quên trong một trại tù. Trại tù, dù là dưới chế độ Cộng Sản cũng là một xã hội thu nhỏ. Xã hội ấy càng nhỏ hơn nữa nếu như những thành viên trong đó ép mình tuân theo những luật lệ mang tính đàn áp con người của trại giam. Vì thế đã có lần, Tám “chùa,” Ngọc “đen” và Hải “bầu” nói với tôi: “Alpha xem, bọn chúng nói mỉa bọn mình: về hay không là tùy các anh. Mẹ kiếp, em sẽ cho chúng biết là sống tự do hay không trong trại giam là tùy thuộc bọn mình.”
Những bạn trẻ này có lý trong một xã hội bị áp chế, muốn sống tự do thì phải coi thường những áp chế ấy, có nghĩa là chấp nhận phần xấu nhất về mình để có tự do. Chẳng hạn như muốn được tự do hát tù ca hay nhạc vàng thì cứ hát và sẵn sàng vào nằm chuồng cọp khi bị phát giác hay bị quản trại can thiệp bằng những hình phạt. Khi không tự mình cho mình sự tự do thì không thể làm gì được trong trại giam Cộng Sản.
Buổi tối gặp lại nhau sau hơn 20 năm không gặp, trong căn phòng khách trên xứ Mỹ ở vườn Cam, chuyện nổ như pháo rang tưởng như không giờ bao giờ dứt. Điện thoại từ khắp nơi gọi về và chúng tôi tưởng như đang sống trong một giấc mơ. Trong không khí cảm động ấy, những người bạn trẻ đưa ra lời yêu cầu tôi cùng một số bạn tù A-20 Xuân Phước ở Little Saigon đứng ra tổ chức một cuộc họp mặt giữa các anh em chúng tôi. Hải “bầu” nói: “Tụi em trẻ nhất cũng 6 bó rồi, các anh hơn 7 bó mà thời gian thì không sao mà nói trước được. Có thể là lần đầu và không bao giờ còn có lần thứ hai. Họp mặt chẳng để làm vương tướng gì và cũng chẳng để được đọc những bài diễn văn dài sọc, cương bậy. Họp chỉ để chuyện ngắn chuyện dài với nhau cho đã.”
Thật ra, lời yêu cầu đó cũng chính là ước mơ của tôi, nhưng vì nợ cơm áo còn nặng, tôi chưa thể làm được. Nay gặp lại các bạn trẻ chí cốt với mình trong suốt đời tù đày, bao nhiêu kỷ niệm cũ sống lại, nên lần này cũng đành "nhắm mắt đưa chân" xem sao. Chúng tôi dự định chọn vào dịp nghỉ Lễ Độc Lập 4 tháng 7 năm tới, cũng là dịp các bạn tù của tôi có thể lấy phép nghỉ nếu còn đi làm, con cái họ cũng đã nghỉ hè, dễ cho họ sắp xếp chuyến đi.
Suốt đêm trằn trọc, thật khó mà chợp mắt khi nghĩ đến những tấm lòng, những trái tim trung kiên của những người bạn đồng cảnh, đồng hành trong suốt quãng đường khốn khó, tôi vẫn còn cảm thấy xót khi nhìn lại những người bạn của mình. Từ Tám "chùa" cho đến Hải “bầu,” Ngọc "đen"... trên nét mặt đã thấy bóng dáng của tuổi già, đã thấy những dấu hằn của cuộc đời bươn chải thăng trầm trên xứ người. Niềm an ủi cuối cùng cho họ, cho tôi, cho những người bạn khác đồng trang lứa là người bạn đời và con cái, những thứ tạo nên một mái ấm cuối đời. Phải chăng chính cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã khiến cho những bạn tôi khi gặp lại vẫn còn những nụ cười và những chuyện tù được kể lại như những chuyện vui?
Chất bi hùng tráng của thế hệ chúng tôi là như thế đấy, phải không các bạn, những người đã từng có một thời trai trẻ dọc ngang?
Vũ Ánh
16-08-2010
Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn