BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bên dòng Thị Tính

17 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2493)
Bên dòng Thị Tính
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73

Viết tặng: Mai Mạnh Liêu, Võ Đình Cát, Nguyễn Trọng Thuật, và những đứa em của họ qua trận đánh đêm vô Hậu Cần Thủ Dầu Một trong đêm 23 Tháng Mười 1974.


 Sau mười tám giờ dừng quân hiếm hoi và an tồn trong khu vực có ánh đèn và nước máy - trại Phú Lợi thuộc Tiểu khu Bình Dương -- chúng tôi lại chuẩn bị cho cuộc hành quân kế tiếp. Các cấp phó ở lại với lính; các cấp trưởng từ trung đội trở lên đi quan sát vùng hành quân sắp tới. Công tác bắt đầu vào buổi chiều thường dễ gây buồn nản, ánh nắng dường như cũng uể oải, thời giờ hạn hẹp, và màn đêm sắp tới. Nhưng vẫn còn hơn là lắm phen vào ba, bốn giờ sáng, nghe lệnh bất ngờ: “Tất cả có nửa tiếng chuẩn bị…” Rồi cuốn lều, xem xét súng đạn, gỡ mìn và lấp hố, chờ lệnh khởi hành…

 Rời trại Phú Lợi, đoàn xe chạy về hướng quận Bến Cát. Từ ngoài quốc lộ 13, có một con đường xe nối ra phía sông Thị Tính. Xe dừng lại từ xa để chúng tôi đến gặp đơn vị Biệt Động Quân cấp tiểu đoàn đóng tại một địa thế khá cao trông sang vùng tranh chấp giữa ta và đối phương. Nhằm đánh lừa sự theo dõi quan sát của đối phương, chúng tôi mặc vô những quân phục tác chiến Biệt Động Quân, không may sửa, trông lạ mắt. Lúc đó là buổi chiều ngày 21 tháng Mười, 1974.

 Trưóc kia, có lẽ đây là vùng đông dân cư, một ấp chiến lược hoặc khu trù mật trên bến dưới thuyền, nay đã phế tàn theo chinh chiến. Do đó, con đường đột ngột dừng lại bên này sông, còn dấu vết của một bến phà, đã ngưng hoạt động không biết từ hồi nào.

 Chúng tôi ghi nhận chi tiết nơi thay tuyến và đóng quân đêm vào ngày mai, để vượt sông vào sáng sớm hôm sau. Khu vực bên kia sông, bắt đầu mé nước đầy bèo và cỏ thấp, một hàng tre và cây hoang ngay trên bờ, rồi trải ra trên dưới ba cây số trên một cánh đồng vàng úa, sau đó là rừng cao su và rừng cây liên tiếp khuất tầm nhìn.


T-54 của VC bị các chiến SĐ 18 bắn hạ 


 Hôm bay quan sát, ông Đại Tá Ngô Kỳ Dũng nghiêng người trỏ xuống, “ Đó đó, cái mật khu, anh thấy không, sát con đường nhỏ, đó…” rồi ông hất cái bản đồ gấp lại về phía sau, có một vòng tròn đỏ ghi sẵn, “Anh thấy rõ chưa?” Mỹ Phụng ậm ừ cho qua, vì anh ta đang mải ngắm cảnh vật dưới kia, theo những vòng qũy đạo và qua những vẩn mây chiều loang màu sắc, thấy rõ núi Bà Đen tới những cao ốc Sàigòn, vòng qua những nẻo rừng tre gai chiến khu Đ im lìm lạnh lẽo… Nhưng ngay vào lúc quan sát này, anh ta cũng chẳng thấy tăm hơi cái... mật khu kia ở đâu, chĩ thấy rừng là rừng, nếu không có tấm bản đồ trong tay.

 Khi chiều đã bớt nắng, chúng tôi trở ra quốc lộ. Không khí an bình tỏa rộng bên này con sông. Hai chiếc xe đò ngừng lại ngang dẫy nhà phía trước mặt, bên xa lộ; hành khách lố nhố lên xuống với vật dụng và hàng hoá. Chúng tôi sắp lên xe trở về, thì Đại Tá Dũng cho nán lại, vô các quán nước. Đó là một sự xuề xoà dễ dãi bất thường của ông Dũng, từ sau ngày ông “lên” đại tá nhờ trận An Điền - Rạch Bắp bắt T.54 của địch mấy tháng trước, cũng tại nơi đây.

 Những hàng quán nhỏ hẹp đều mới cất lên, lợp lá, che vách ván, là nơi tạm trú của đồng bào chạy loạn, phần lớn là người dân từ Bình Long-An Lộc qua những trận chiến mùa hè 1972. Có lẽ họ đã phải di cư liên tiếp nhiều lần sau chuyến bỏ Miền Bắc vào 1954. Một giải đất khá rộng không rõ đã bám vô con đường từ bao giờ, làm thành một dẫy phố kéo ra một chiều dài mấy trăm thước.

 Mỹ Phụng vô quán lấy một chai la-de lớn rồi đi ra phía sau căn nhà gỗ. Hai trung đội trưởng thấy thế mang la-de đi theo. Mỹ Phụng ra dấu cho họ quay trở lại xem chừng phía trước quán. Cái khung cán bộ chỉ huy của cả một trung đoàn tác chiến, gồm năm sáu chục người, tụ tập trong một vài quán nước thấy không yên tâm chút nào. Nhưng Mỹ Phụng cũng nghĩ xấu về đại tá Dũng, “Anh chàng tinh mắt thật, cứ có gái là “bám vô” khi thấy cô bé chủ quán khá xinh xắn, dong dỏng cao, áo cánh trắng, cái môi chúm chím... tóc xõa ngang lưng, v.v…” Trên con đường lưu lạc mà vẫn không thiếu những bông hoa đẹp đẽ đến như thế này. Những hoa đẹp thường mọc lên từ đồng quê, mơn mởn trong thiên nhiên, bờ sông bến nước, đồng cỏ xanh mát, mà mình lơ đãng quá, không thấy, Mỹ Phụng thầm nghĩ như thế. 
 
 ***

 Vào giờ trưa ngày thứ ba sau chuyến thám sát, chính xác là ngày 24.10.1974, và sau trận đánh suốt ngày hôm qua cho đến đêm khuya, Mỹ Phụng và đơn vị đã trở lại nơi địa thế cao bên này con sông Thị Tính. Một đơn vị bạn sang thay thế, tạm đóng quân quanh khu vực mục tiêu mới chiếm được. Hầm hố địa đạo của một khu địch đào ngầm kiên cố dưới những lũy tre, có sức chống cản đạn pháo và bom nhẹ. Một sa bàn lớn thiết lập giữa khu trại dùng tập dượt trận đặc công dự tính đánh vô chi khu Bến Cát bên kia sông.

 Ngồi đu đưa trên một chiếc võng dưới lùm tre, Mỹ Phụng tò mò xem xét gần 100 kí lô tài liệu giấy tờ gom đầy một thùng phuy lớn. May mắn cho anh ta đã đọc qua mớ giấy hổn độn này. Bên kia con đường đất, một đống vũ khí tịch thu được của hậu cần C.61 thuộc tỉnh đội Thủ Dầu Một, gồm đủ loại: một khẩu cối 82 Trung cộng, ba đại liên 60, năm trung liên BAR, và hơn hai chục súng cá nhân CKC và AK... Cối 82 có sức sát thương rất cao, là thứ mà tư lệnh cho săn tìm, nằm chình ình ở đó. Súng lục K.54 đã phân phát cho mấy ông đại đội trưởng đeo chơi, giật le, là điều mà đại tá Dũng vẫn ghét thậm tệ, “Các anh như du đãng… lê la dép râu, tòn ten cái súng ngắn việt cộng, hay lắm hà? Rởm!” nói thế thôi, nhưng ông cũng làm lơ cho xong. Cờ quạt của hai thứ cộng sản bắc nam và những tấm ảnh bán thân rất tinh vi của ông Hồ được đem đốt đi, không nỡ vất bỏ vô nơi rác rưởi. Mỹ Phụng rất bực mình khi sang trái sang phải, hai mắt ông Hồ trong những tấm hình vẫn chắm chằm ngó theo. Lính tráng cười cợt giữ lại mấy thứ đổ lỉnh kỉnh khăn yếm lính gái cụ Hồ, làm của riêng. Chiến lợi phẩm còn gồm chừng hơn 10 tấn lúa gạo, có thể nuôi sống một tiểu đoàn 500 binh sĩ trong một tháng rưỡi. Đại đội chỉ huy và lao công đào binh -- loài chim đi biển ! -- quần quật khuôn vác mấy giờ liền; số còn lại giao cho đơn vị bạn lên thay tuyến. Mỹ Phụng chợt nhớ ra có bắt được gần chục con trâu kéo xe thồ, hỏi thì Trung úy Lượng, đại đội chỉ huy, cho biết đã sai lính dắt đi ăn cỏ ngoài đường gần xa lộ 13.

 Mỹ Phụng chăm chú đọc những xấp giấy tờ và tài liệu. Có bốn tấm sơ đồ ghi chú rất cặn kẽ về tất cả vị trí các hộ khẩu trong tỉnh gồm cả hai bên, phân loại theo ba màu: xanh, thuộc về chính quyền Sàigòn; vàng, là chưa phân định, và đỏ là “ ta,” tức việt cộng. Đó là tất cả những linh hồn bên ta lẫn bên đối phương thuộc lãnh thổ mấy quận dọc theo sông Thị Tính.
Người lính dành được những thứ này không dễ dàng như khi trung đoàn trưởng kẻ một mũi tên xanh lên phóng đồ. Một gang tay của ông trên bản đồ bằng nữa ngày lính vã mồ hôi lội bộ, dĩ nhiên kể cả Mỹ? Phụng.

 Hôm bay trên mục tiêu, sang vòng thứ ba, ông Dũng nghiêng nhìn xuống, tay xòe ra như ban phép lành, “Cánh đồng khô ráo, tốt, tốt, anh chỉ cần hai đại đội, tôi cho pháo tối đa, đến trưa là vô mục tiêu, ngon ?!” Nhưng ông có ngờ đâu hôm nay con nước đã dâng cao theo mùa trăng; cánh đồng vàng khô hôm nào, nay ngập nước ngang lưng; mức tiến quân đành chậm lại. Từ trên trực thăng, ông Dũng không ngớt lời dục giã, rất may là ông hạn chế mấy câu tục nếp, dù sao cũng còn nể cái tính… nho nhã của Mỹ Phụng. Nhưng tư lệnh thì không, ông quát tháo, “Sao mi… sao em chậm như rùa, mọi nơi người ta vô mục tiêu hết rồi. Tại sao?... mi không xứng đáng là học trò tôi nữa!”

 Có lúc Mỹ Phụng phải rơm rớm nước mắt khi thấy đàn em mình đang lê lết trong bùn lầy, đỉa vắt lúc nhúc, súng ghìm về trước mặt. Không. Không thể xem thường tánh mạng đàn em một cách vô lối được. Anh ta lớn tiếng lại với tư lệnh, “… thầy trò… thì… dưới này ngập nước… địch bắn rát … cái mật khu…” Ngay lúc đó, hai khẩu RPD phía ngoài căn cứ địch lóc cóc hướng lên trực thăng tư lệnh, những tia lửa vun vút lên cao, rồi rơi rụng oằn oèo, cứ thế tiếp tục. Mỹ Phụng la lớn: “Nó bắn Hằng Minh, rát lắm, gần sát, mấy khẩu… Hằng Minh đi chỗ khác chơi… ở đây… phiền quá…” Chiếc trực thăng lên cao hơn, làm thêm mấy vòng rộng hơn, rồi bay về hướng Bến Cát, “Hiểu. Chúc em may mắn,” lời Hằng Minh.

 Mỹ Phụng cũng cảm thông về sự nôn nóng và thúc dục của hai cấp trên mình. Cuộc hành quân cấp sư đoàn hôm nay có sự theo dõi trực tiếp của ông tư lênh Quân Đoàn III mới đáo nhậm. Ổng là học trò xưa của tổng thống tại trường Võ Bị, nên phải hết lòng vì thầy, phải biểu diễn một đường lả lướt trình thầy xưa, dễ hiểu. Bảo đảm an ninh cho vùng thủ đô Sàigòn thật ra là món quà qúy giá và hợp lý tặng thầy, tặng người dân; tốt chứ sao?

 Cuộc hành quân tiến hành khả quan, các đơn vị hoàn tất chiếm đóng các mục tiêu vào giờ trưa, trừ gia đình Mỹ Phụng. Anh ta và đàn em không thể làm khác hơn, trước một căn cứ vững chãi của địch, giữa một cánh đồng ngập nước, lệnh xuất quân muộn màng của ông Dũng, nhứt là một khoảng trống bằng phằng cỡ một sân banh trước mục tiêu. Mỹ Phụng không muốn nghĩ tới hàng trăm đàn em từ ruộng nước nhảy lên, rồi xông tới mục tiêu trên đoạn đường trống trải gần hai trăm mét… Anh ta đã yêu cầu một màn khói pháo binh để xung phong, nhưng không hiều vì lý do gì không được Đại tá Dũng chấp thuận, “ Màn khói là cái gì, chưa cần đến…” ông Dũng buông thõng một câu, như thế.

 Mỹ Phụng hài lòng đã cho đơn vị đánh đêm. Nhưng anh ta lấy làm lạ hơn trước thái độ hăm hở của lính về cuộc tấn công đêm. Họ tự cảm thấy an toàn khi đánh đêm, hay họ vì mình…

 Vào lúc 21 giờ 45, toàn thể chiến tuyến sư đoàn đã chìm vô im lặng, là lúc Mai Mạnh Liêu và Võ Đình Cát dẫn hơn trăm đàn em ngậm tăm len lỏi qua những bờ lau sậy, một cánh rừng, áp sát mục tiêu. Nguyễn Trọng Thuật tiếp tục bắn quấy nhiễu lừa địch. Pháo 182 của niên trưởng Khải nỗ cầm chừng. Hai cối 81 của nhà giáo tái ngũ Lương chuẩn bị một lô trái sáng. Nguyễn Trọng Thuật ra lệnh tác xạ ồ ạt, binh sĩ hò hét xung phong rầm trời; bao nhiêu ánh lửa từ mục tiêu cho Liêu và Cát nhận rõ vị trí địch; lựu đạn xử dụng tối đa thảy vô hầm hố, âm vang; hoả châu bật sáng; thu dọn trận địa. Mười phút sau, hai khẩu 82 địch từ xa bắn trả đũa trên căn cứ. Vào lúc 23 giờ, căn cứ hậu cần C.61 Thủ Dầu Một hoàn hoàn rơi vô tay ba chàng Liêu, Cát, Thuật… của tiểu đoàn 3/52 Sư đoàn 18.

 Mỹ Phụng cho kêu chiếc GMC từ hậu cứ tới, và cho phép đàn em luân phiên ra chợ quận mua sắm và ăn uống sau nhiều ngày mệt nhọc. Mỗi chuyến đi về cho vài chục đàn em cũng chẳng có ảnh hưởng tới quân số là bao. Ông Dũng có kỳ kèo thì ông ấy nghe. Nhưng bỗng ông Dũng kêu máy - và lạ thật… cứ nghĩ tới ông ta là y như rằng có máy gọi.

 Mỹ Phụng hơi chột dạ. Anh ta thử nghĩ tới nét mặt béo tốt của ông Dũng, thân mình ông chắc nậm, những ngón tay tròn múp như trái chuối cau đang cầm ống nghe, và tiếng nói rôm rả đầy tự tin. Đại tá Dũng nói bạch văn:

- Anh có bắt được một số con trâu phải không?

 Mỹ phụng xác nhận là đúng, nhưng không nói gì thêm. Ông Dũng hỏi, “Bao nhiêu con?” rồi lấy giọng ôn tồn:

- Anh sẵn sàng trả lời ông tư lệnh. Lão dân biểu Phút ở Bình Dương họp báo nói sư đoàn ta đánh cắp trâu của dân chúng.

 Anh liệu mà trình.

 Mỹ Phụng nói mạnh:

- Tôi sẵn sàng gặp lão dân biểu; chỉ ngại báo chí vội đăng tin bậy bạ thì hơi phiền. Mà họ có đăng thì cũng phải ngượng mặt mà cải chánh xin lỗi ta thôi. 

- Sao anh dám chắc như vậy với cánh nhà báo? Ông Dũng nói sau một giây ngần ngừ,- tôi sợ phen này anh lãnh đủ đấy.

 Cuộc đàm thoại tạm ngưng. Mỹ Phụng thầm nghĩ: dù sao ông Dũng cũng dư biết những con trâu đã bắt trong căn cứ địch; ông ngại gì đám báo chí mà không nói rõ sự thật ra.

 Viên trung sĩ nhất ban truyền tin nhìn Mỹ Phụng, tỏ vẻ ái ngại. Mỹ Phụng nói anh ta cho một hiệu thính viên đi theo, cẩn thận lấy một cuốn sổ tay trong đống tài liệu tịch thu xếp vô túi, rồi lên xe ra hướng xa lộ.

 Tài xế cho đậu chiếc Jeep khuất ở đầu con phố để Mỹ Phụng đi bộ tới quán nước. Anh ta đoán không sai, bởi những người anh ta muốn xem mặt đã ngồi sẵn trong quán. Họ không nhận ra anh ta qua hai hoa mai màu ngụy trang mà Mỹ Phụng có ý che đi bằng chiếc khăn quàng màu tím.

 Cô bé chủ quan chợt nhận ra Mỹ Phụng, và hơi nhíu mắt lại tỏ vẻ không vui. Cô ta đảo mắt về hướng mấy ông nhà báo. Khi Mỹ Phụng đến ngang chiếc quầy, cô bé nói lẹ và khẽ, “Anh ra phía sau ngay, em có chuyện muốn nói.” Mỹ Phụng đi trước; lát sau cô gái theo ra, vô đề ngay:

- Em muốn nói, về mấy ông nhà báo, có cả ông dân biểu Bình Dương thì phải. Họ bàn bạc cái gì về anh đó.

 Mỹ Phụng làm bộ tươi cười, cảm ơn cô bé:

- Họ nói tôi là con trâu đen đủi phải không cô? Cô có nghĩ như thế không?

 Cô bé bạo dạn giật giật cánh tay Mỹ Phụng, mỉm cười, “Anh nói nhỏ thôi, đẹp trai như thế mà… con trâu cái gì,” và tiếp:

- Em biết, bên đó là vùng Việt cộng, thì mấy con trâu là của việt cộng chứ. Nhưng lão dân biểu nói hăng lắm, cứ nói là trâu của dân chúng, dọa đem anh lên báo, dọa họp quốc hội đó. Lúc nãy ông ta chặn mấy người lính lại, và hỏi tên anh nữa, cả số hiệu tiểu đoàn của anh. Mấy anh lính nói họ gặp ông tư lệnh mà hỏi, họ không biết.

 Nói xong, cô chủ quán dường như lấy làm lạ vì sao Mỹ Phụng có vẻ thản nhiên, tỉnh queo, và cảm thấy mình hơi vô duyên khi báo tin cho anh ta. Nhưng Mỹ Phụng nhẹ nhàng cầm tay cô bé:

- Thôi tôi phải về. Cảm ơn cô, mong sẽ gặp lại, nếu tôi không phải đi ? tù…

 Cô gái dường như còn bịn rịn:

- Em nghĩ rồi anh cũng gỡ ra được thôi. Nếu cần em kêu mấy người dân làm chứng cho anh. Có sao nhắn tin cho em biết với, nhớ nhé. Em cũng lo cho anh ghê.

 Mỹ Phụng cho lái xe thẳng ra phố Bến Cát, vô tiệm để sao một tờ giấy trong cuốn sổ ra thành nhiều bản, “Không có cái giấy 'hậu cần việt cộng' này, đời mình sẽ tàn trong ngõ hẹp mất thôi,” Mỹ Phụng mỉm cười với ý nghĩ cải lương kỳ cục này.
Khi anh ta về tới nơi đóng quân, trung úy Lượng đã có mặt. Lượng cho biết, lính đi chăn trâu về phiá xa lộ, gặp những nhà báo đến lấy tin chiến sự. Cũng có lão dân biểu tên là Phút ở Bình Dương đến nghe tin tức, thấy bầy trâu, họ tính làm ra to chuyện.

 Lượng nói bộn chúng đã được biết về số chiến lợi phẩm, những con trâu, nhưng nhất định làm bộ không chịu hiểu, để bắt chẹt ta. Cuối cùng mấy tay nhà báo tỏ ý thương lượng lấy một số tiền để dẹp im câu chuyện đi, họ nói: các anh có trâu có súng có nhiều tiền, bỏ ra chút đỉnh có phải hơn không. Nghe vậy, Mỹ Phụng cố nén cơn giận trong lòng, “Một xu teng cũng không thí cho các anh” Cả ngày lính tôi lặn lội trong bùn lầy, có mồ hôi và máu đổ để có được mấy thứ này. Ta ăn thua đủ với các anh phen này… Nghĩ thế, nhưng anh ta vẫn cười nói tự nhiên với Lượng:

- Được, anh xin tên mấy tờ báo của họ cho tôi. Tôi bằng lòng biếu họ hai con trâu, và còn phải chịu ơn họ dài dài nữa, ô-kây?
Vấn đề quan trọng chót mà Mỹ Phụng chờ, mãi chưa thấy, đó là tiếng nói sang sảng của tư lệnh sư đoàn. Rồi chẳng phải chờ lâu, khoảng ba giờ chiều, hiệu thính viên cũng trao ống nghe, “Tư lệnh kêu thiếu tá; giọng ông gắt gỏng dữ lắm.”

 Đã từ lâu, Mỹ Phụng nhớ như in cái dáng vẻ khác người của ông cựu trung úy cán bộ trường mẹ bao năm về trước: ông có dáng hiên ngang như một hiệp sĩ, có tia nhìn sắc như đèn pha đảo qua chiêu lại; hai tay khuỳnh khuỳnh cố hữu, gằn từng tiếng khi ra lệnh cho sinh viên sĩ quan. Nay, thì ông thầy quá là phong độ, có ngôi sao chuẩn tướng, và bước đường hanh thông binh nghiệp còn nhiều.

- Sao? Tư lệnh bắt đầu nói bằng bạch văn, anh làm mang tiếng khắp sư đoàn vì mấy cái con trâu kia, hả?

 Hiệu thính viên lo thay cho Mỹ Phụng; nhưng anh ta bình thản:

- Thưa, thiếu tướng đã rõ, đó là trâu việt cộng từ mật khu, anh Dũng chắc đã trình thiếu tướng, có khẩu 82 cho thiếu tướng…

- Chiến lợi phẩm… bây giờ đã ra như thế này, ta ăn nói làm sao?- Tư lệnh lên tiếng.

 Mỹ Phụng biết sẽ làm ông thầy không vui. Sư đoàn đả nổi tiếng qua những trận Cẩm Mỹ, An Điền, An Lộc… giúp đỡ người dân và được dân thương mến, rồi bây giờ mang tiếng… cướp trâu của dân chúng! Còn gì nhục nhã hơn? Mỹ Phụng lấy giọng tự nhiên:

 -Thưa Thiếu tướng, vậy tôi đề nghị giữ trâu lại, nhờ bên quận thông báo, ai có trâu thì đến nhận về, bổng dưng mà ta lại có thêm tù việt cộng.

- Anh dỡn mặt sao đây? Vướng vô đám hành chánh là tùm lum lên, tư lệnh dằn giọng.

 Mỹ Phụng hình dung ra nét mặt giận dữ của tư lệnh, thấy mình đi quá đà:

- Vậy tôi xin tình nguyện dẫn mấy ông nhà báo và dân biểu Phút dắt trâu sang thăm bên mật khu một phen cho họ biết tay.

 Tư lệnh hơi chùn giọng lại:

- Không giản dị như thế đâu. Anh chọc giận họ hay sao chớ? Ngừng một giây, tư lệnh tiếp, “Anh có sợ mất… mặt về vụ này không?”

 Mỹ Phụng chợt cảm thấy một nỗi buồn nản rã rời. Anh ta thầm đoán ra ý nghĩa cũa hai chữ ‘mất mặt” hay “mất lon” nếu thực sự đây là một vụ vi phạm tài sản của dân chúng. Bài trắc nghiệm của mình đã xem là đúng. Những con trâu suýt nhận chìm anh ta, và anh ta muốn chấm dứt màn bi hài cho rồi: 

- Trình thiếu tướng, tôi vừa xem xấp tài liệu việt cộng, có sổ sách kiểm kê đàng hoàng, kể cả về những con trâu, có giấy nhận dạng, tuổi tác, màu lông, những cải khoáy tròn trên lưng… đủ cả… chỉ thiếu những ngôi sao đỏ trên lưng trâu để làm vui lòng ông dân biểu mà thôi… 

 Mỹ Phụng nghe thấy tiếng cười nhẹ của ông tư lệnh trong ống liên hợp. Anh ta buông ống nghe, buồn, thoát được món nợ, lại buồn vẩn vơ. Anh ta lấy xe ra ngoài xa lộ.

 Cuộc hành quân an ninh lãnh thổ mau kết thúc, thành công tốt đẹp. Một trận đánh cam go đáng kể đã xảy ra trong khu vực trung đoàn, nhưng tâm điểm của nó thuộc phạm vi đơn vị Mỹ Phụng. Tư lệnh Quân đoàn III hẳn là được tổng thống ban khen, nên ông ta hãnh diện ban khen sư đoàn, sư đoàn ban khen xuống ông Dũng…

 Mỹ Phụng cảm thấy niếm vui đã bảo toàn được bình yên cho đơn vị và binh sĩ đàn em mình. Anh ta cho mỗi đại đội một con trâu, vị chi là năm con; làm… quà cho ông Dũng một con; thuyên chuyển lên tổng hành dinh một con. Xong.

 Chút nữa trâu và người - ông dân biểu Bình Dương - đã nhận chìm Mỹ Phụng xuống dòng sông Thị Tính.

 Hai ngày sau, có người con gái đứng bên quán vẫy tay theo đoàn quân, theo một người. Anh nhớ, nhắn tin cho em, anh nhé. Mỹ Phụng nhìn ra xa, lấp lánh một dòng sông Thị Tính trong ánh ban mai. Đoàn xe bắt đầu chuyển bánh… anh nhớ nhắn tin cho em… 

 Ý-YÊN

Ý-Yên là bút hiệu của Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/52 Sư đoàn 18 trong trận chiến Xuân Lộc, tháng Tư 1975, hiện đang cư ngụ tại San Jose, California.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn