BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76284)
(Xem: 62989)
(Xem: 40396)
(Xem: 31992)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Các Mác & Việt Nam hôm nay

17 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1587)
Các Mác & Việt Nam hôm nay
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tên: Karl Heinrich Marx
Sinh: 5 tháng 5, 1818 (Trier, Đức)
Mất: 14 tháng 3, 1883 (64 tuổi) (Luân Đôn)

Người ta đều biết Các Mác là một nhà tư tưởng lớn có tầm thời đại, với ảnh hưởng kéo dài đã ngót 200 năm. Tư tưởng của ông có tính chất cách mạng và nhân bản, hướng đến giải phóng loài người với mục tiêu tự do và bình đẳng. Nhưng trải qua tác động của tư tưởng đó, bằng sự so sánh lợi và hại, người ta nói, giá như đừng có ông thì hơn!


Thật đáng thán phục vừa là kinh ngạc, khi đọc kỹ một đoạn văn sau đây của ông, giống như ông vừa mới nói hôm qua ở một vài xứ sở:


Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng.



Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng.


Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử...


Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai.


Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp.


(Góp phần phê phán triết học pháp quyền Heghen)


Cái nhìn của của ông có tầm bao quát lịch sử xã hội, nhìn rõ một cách sắc sảo đúng như bản chất của thời đại mà ông đang sống, đồng thời lý tưởng mà ông hướng tới, diễn ra sau ông một trăm năm, lại y hệt điều mà ông lên án nó.


Mỉa mai thay, hiện thực đó lại nhân danh chính lý tưởng của ông. Nhân danh ông, người ta thực hiện chính điều mà ông phê phán:


Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng”.


Bằng vào hiện thực hôm nay, tại các nước XHCN nhân danh ông, đã tạo nên cơ chế quyền lực biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng, các chế độ đó đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng ra sao, tại các quốc gia nói trên, còn lại ít nhất là ở Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên! Và nó đang diễn ra từng ngày từng giờ, trước mắt toàn nhân loại. Cái lý tưởng nhân quyền đã khai sinh ra từ thời đại ông cho đến nay gần 200 năm, vẫn chưa thấm đến được ở những phần đất nói trên. Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên không phải là một hang động bí hiểm nào ở xứ Nam Cực hay Bắc Cực, mà nó ở một vùng giữa châu Á đông dân cư và sôi động nhất thế giới, mà người cầm trên tay tờ giấy “Tuyên ngôn nhân quyền” có thể bị bỏ tù, bởi chính những người nhân danh lý tưởng của ông. Ông nói về một chế độ trước mắt mà ông muốn đánh đổ ở ngay thời đại của ông, nó lại tái hiện nguyên hình đằng sau tư tưởng của ông ở vào thế kỷ sau!


Nhưng bằng cách nào nó vẫn tiếp tục tồn tại trong khi bản thân nó là sự bi thảm?


Chính ông đã nói: “Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nỗi hãnh tiến vô vọng”.


Nó tồn tại, bởi sự hãnh tiến cao đến mức che lấp sự vô vọng, và không nhìn ra nỗi bi thảm, một sự hảnh tiến vô cùng nông nổi, một sự tự tin không hề có bằng chứng, và không nhận thấy đất sụt dưới chân mình. Bằng sự dối trá, họ tin vào lý tưởng mà ông nêu ra. Họ hiểu và biến khái niệm giai cấp của ông thành ra một sức mạnh cơ bắp, họ tin vào bạo lực mà ông đã truyền dạy. Cái bi thảm mà ông nói, trước hết nó đến với đám đông bị cai trị, sau đó, nửa đời hay trọn một đời, mới đến phiên họ, và kéo theo nhiều thế hệ trong cùng một dạng bi thảm ấy. Cái năng lượng đấu tranh giai cấp của ông tự biến tướng làm hai luồng. Một, hy sinh để đánh đổ giai cấp thống trị. Hai, cái còn lại thay thế vai trò thống trị tàn khốc hơn. Ông đã tạo nên đồng thời một loại “thánh” bất đắc dĩ, và một loại quỷ dữ. Mà ý của ông chỉ muốn phục hồi con người, một loại người mà ông muốn biến đổi gien, gọi là Vô sản, lại không phải là một thứ người có thật ở cõi người ta (tèrre des hommes). Nhưng rốt cuộc, người nhân danh “vô sản” lại hữu sản hơn cái giai cấp hữu sản mà họ đánh đổ. Cái hữu sản của giai cấp tư bản mà ông nói, là tạo nên bởi sự bóc lột sức lao động của người bị trị, nay cũng thế và ở một trình độ khốc liệt hơn, bao gồm hàng loạt triệu sinh mạng tập thể. Sự thật đã diễn ra như thế gần một thế kỷ ở một nửa trái đất, chứ không phải là lý luận hay suy diễn từ đâu cả. Cái nhìn giai cấp của ông có lợi chỉ một, cái hại gấp trăm ngàn lần, cộng lại thành số âm to tướng. Ông làm cho cõi ta bà này nhiễu nhương thêm lên.


Ông truyền cái duy vật lịch sử (lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp) vào những não bộ của những con người chưa trưởng thành, kích thích bản năng và biến họ thành một thứ chiến binh hung hăng, chỉ biết “tiến mà không lui”, bằng cách tự đặt ra cho mình những thách đố vô nghĩa “ai thắng ai”, và cuối cùng dù thắng hay không, cũng không để làm gì cả, ngoài việc tạo nên vô vàn những nghĩa trang cho loại “thánh bất đắc dĩ”, trong khi những con ngưởi này, chỉ một lòng muốn sống như một con người bình thường và bình đẳng.


Ông lên án các loại tôn giáo, chỉ vì khía cạnh tiêu cực của nó, rồi đánh đổ nó toàn diện, để tạo nên một thứ dị giáo quái đản mới, cũng gọi là “đức tin” đấy! (1). Ông tiêm chủng chủ nghĩa duy vật, là nâng cao, là tuyệt đối hóa khía cạnh sinh vật và vật lý, vào con người để tước bỏ tính người của họ, làm cho họ không còn mộng mơ tơ tưởng gì ráo vào đời sống tinh thần, chỉ biết găm miệng mình và ghìm miệng tha nhân vào vật chất, ăn ngay vào xác sống con người, không giống như bầy kênh kênh chỉ ăn vào xác chết mà thôi. Đệ tử của ông đã cai trị thế gian theo cách đó. Và dĩ nhiên, đệ tử của ông cũng phải sống với trạng huống bi thảm tận cùng nội tạng, với thủ đoạn và thái độ chùng lén nhưng rất hãnh tiến mà ông từng mô tả: “Chúng ca len lén bài ca nửa thú vật, nửa thiên thần.


Tiếng ca ấy đang rên rỉ khắp nơi bằng bài ca “Đúng quy trình!”.


Ông nêu tiếp trong đoạn văn nói trên:


Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì tự bản chất của nó là một lỗi lầm của lịch sử…


Ý kiến của ông là không sai. Đúng như thế, mà nó vẫn ngoan cố đấy, và nó vẫn nhân danh điều ông nói, và nó cứ để cho cái lỗi lầm ấy cứ diễn ra trong lịch sử. Họ chống nạnh lên và nói: Thì sao nào? Lịch sử bỗng dưng phải lao ra chịu trách nhiệm! Chẳng có ý nghĩa gì cả! Lịch sử là cái nó diễn ra, chứ chẳng có thứ gì là chủ thể của cái từ lịch sử để quy là lỗi lầm của nó! Thà nói rằng đó là sự dắt dẫn bởi vô minh (bản năng u tối - Phật), cũng như nói đó là sự trừng phạt của Thượng Đế (Chúa) thì vẫn còn có thể hữu ích hơn, hoặc dễ chịu hơn là cách nói của một thứ dị giáo quái đản kia.


Vâng, nó vẫn đang tiếp tục ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, và vẫn kiên trì nhân danh ông đấy thôi!


Ông đã khẳng định:


Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai…


Điều này quả thật là tôi tin tưởng, nhưng ông nói về đối tượng thời đại của ông, tôi tin tưởng vào thực thể của thời đại tôi. Cái vở hài kịch của thế giới mà ông đề cập quả đã chấm dứt, nhưng ông lại không dự đoán được rằng, chính ông mở ra một vở hài kịch mới, là cái vở hài kịch mà con người đang chứng kiến nó cố giằng co chưa chịu chấm dứt. Những anh hùng của nó đều bị khai tử, khai tử trên thực thể xã hội và trong tâm trí mọi người, những hình tượng của nó đã bị chôn vùi hoặc đang bị đập vỡ ra từng mảnh; nhưng lại có những kẻ đang cố nhón gót để làm anh hùng…, rồi cũng sẽ bị khai tử không sót một ai, cho dù ở vùng đất trũng này bước tiến của lịch sử quá chậm chạp.


Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp.


Tôi lại tán thành một lần nữa về câu nói trên. Chung cuộc, là cái cuộc dâu bể cuối cùng chứ không phải ai hết, sẽ vứt bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Và đó đúng là vở bi hài kịch khủng khiếp. Cái khủng khiếp sau thì hơn cái khủng khiếp trước mà ông đã nhìn thấy, lại dính dáng đến ông một cách khá nghiêm trọng. Nhưng để có cái cuối cùng thì cần chôn luôn một lần vào nghĩa trang chính cái chủ thuyết của ông, mà sau này người ta ăn có/ăn hôi, và gọi bằng nhiều thứ tên, theo cách ghép thêm đuôi vào.


Các học giả vừa bênh vực ông, lại vừa chống đối ông, đã tốn rất nhiều bút mực, giấy in và chỗ để, cả công sức để nghiên cứu tư tưởng ông. Cái tích cực trong tư tưởng ông là phát ra những tư duy mới mẻ góp phần tiến bộ cho nhân loại, nhưng phần tiêu cực lại quá lớn, đó là sự thúc đẩy về bạo lực.


Đoạn văn trên của ông thật kích động và thôi thúc một sự tiến lên và phá hủy, đầy rẫy sự căm hận bản năng mênh mông: bi thảm, thảm trạng, ngoan cố, bi hài kịch, nghĩa trang, khai tử không sót một ai…nhưng kết cuộc thì là gì? Cái não trạng bạo lực ấy càng dâng cao. Cái đối tượng mà ông chỉ ra là hãnh tiến, nay nó vượt lên thành kiêu ngạo, sự kiêu ngạo cộng sản. Họ nêu cao khẩu hiệu “thế lực thù địch” để nhân danh sứ mạng “chống” thế lực thù địch, nhằm củng cố vai trò bạo lực của mình. Những khó khăn bất cứ loại nào xuất hiện, họ đều gọi là sự “thách thức”, nhưng chẳng ai thách gì cả. Họ tạo nên căm thù, lấy đó làm động lực, và muốn “đấu tố’ luôn cả lịch sử của dân tộc họ.


Cái sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa bước qua quả là một vở bi hài khủng khiếp”. Nhưng vở kịch bi hài khủng khiếp ấy chưa phải là cuối cùng như ông mong muốn, vì lịch sử đã vừa bước lại, và nó tái hiện khủng khiếp hơn, mà lần này người ta nhân danh ông là đạo diễn. Cái bi hài đó càng bi hài hơn.


Suốt quá trình hình thành, phát triển và tàn lụi, nó chưa từng đóng góp được một phát kiến tí teo nào về khoa học cho đời sống văn minh vật chất, cũng chưa từng có một đóng góp nào có giá trị cho đời sống tinh thần con người, nếu không nói là kéo lùi lại tình trạng thô thiển hơn trong tư duy, đơn cử như cái định nghĩa hết sức thối nát: “Con người là tổng hòa mối quan hệ xã hội”, đã biến con người thành một hỗn hợp không có bản thể, một sản phẩm không thể có tên gọi, trở thành vô danh trong đống xà bần mà xã hội đã biến thành, dưới sự cai trị của những người nhân danh học thuyết của ông. Nếu có một chút giá trị gì chăng, đó là quá trình thực nghiệm theo phương pháp loại suy, nó nằm trong trường hợp mà nhân loại phải loại trừ, không lặp lại phương án thực nghiệm khốn cùng ấy nữa.


Nhiều người rất thương mến ông, vì những phát kiến tiến bộ, nhưng họ nghĩ không có ông thì vẫn hơn, hơn rất nhiều, vì cái ảo vọng về vai trò cực kỳ tào lao của cái gọi là “giai cấp” đã quá nhiều tàn hại. Người ta mong đừng có một người nào giống kiểu như ông xuất hiện lần nữa. Đã có Chúa và Phật, và các thứ, là quá đủ cho cái hành tinh khá nhốn nháo này, cho con người còn có cớ để mơ mộng, tròng trành giữa Địa ngục với Thiên đàng hay Niết bàn, thay vì cái dị giáo toàn bạo lực mà tín đồ của ông đang hoành hành, với não trạng ấu trĩ hơn cả sự hãnh tiến.


Ông đã đẩy lịch sử tiến lên một bước, nhưng rất đáng tiếc, nó quá đà. Giá như ông có thể sống dậy, để mà xem!


Và tín đồ của ông cần nghiền ngẫm câu nói của Mandela:


Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi sẽ vẫn ở trong tù


Hay cố làm những con “mèo béo”? (2).


Ngày nhân quyền 10-12-2013


H. Đ. N.


(1) “Le marxisme n'est pas mort, il continuera à exister […] ce n'est pas une science mais une croyance” (Chủ nghĩa Mác không chết, học thuyết này tiếp tục tồn tại, đó không phải là một môn khoa học mà là đức tin.). Jeannine Verdès-Leroux, La foi des vaincus (Đức tin của những người thất bại). Paris: Éditions Fayard, 2005.


(2) Lời của Mandela, trong dịp tranh cử Tổng Thống 1994, “Chúng ta sẽ không sống như những con mèo béo”. Tôi hiểu ý là lẩn trốn trách nhiệm và chuyên ăn vụng.


Theo BVN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn