BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77096)
(Xem: 63201)
(Xem: 40603)
(Xem: 32238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Luật sư Lê Quốc Quân tố cáo các sai phạm pháp lý từ trại giam

12 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1172)
Luật sư Lê Quốc Quân tố cáo các sai phạm pháp lý từ trại giam
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân tố cáo những sai phạm pháp lý trong quá trình thụ lý xét xử vụ án của ông từ trong trại giam, nơi ông đang kháng cáo bản án sơ thẩm 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’.

Nhà hoạt động Lê Quốc Quân bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án hôm 2/10 vừa qua. Hơn hai tháng nay ông vẫn chưa được gặp luật sư để được hỗ trợ pháp lý trong quá trình kháng án dù đã nộp đơn kháng cáo ngay sau phiên tòa sơ thẩm. 

Ông Quân bị kết án 30 tháng tù vì trốn thuế


Em trai luật sư Quân, Lê Quốc Quyết, cho biết:

“Phía tòa trả lời do chưa chỉ định Thẩm phán nên anh Quân chưa được gặp luật sư, chưa có Thẩm phán để cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Tuy nhiên, theo tham khảo luật sư, Quyết được biết việc phân Thẩm phán là việc của tòa, còn anh Quân đã có đơn kháng cáo thì có quyền được gặp luật sư theo luật định. Tòa phúc thẩm phải có nghĩa vụ cấp giấy cho luật sư, không thể nói chưa phân Thẩm phán thì chưa cấp giấy, như vậy là không đúng.”

Ông Quân nói hiện ông rất cần có luật sư để tiếp tục quá trình kháng cáo của mình.

Trong lần thăm gặp mới đây nhất hôm nay 12/12, gia đình được ông Quân thông báo ông đã gửi đơn tố cáo, yêu cầu khởi tố bắt giam Thẩm phán trong phiên sơ thẩm vừa qua là bà Lê Thị Hợp.

Ông Lê Quốc Quyết:

“Anh Quân nêu ra 7 lý do để bắt bà Hợp. Cơ bản vì Thẩm phán biết không có dấu hiệu vi phạm, phạm tội mà vẫn tuyên án có tội; không triệu tập đầy đủ các nhân viên của công ty; giám định viên không có thẻ; Thẩm phán đã bỏ qua các chứng cứ luật sư đưa ra; giam giữ con dấu của công ty anh Quân, không cho công ty hoạt động. Theo luật, họ không thể ‘cầm tù’ một công ty. Anh Quân nói theo luật, Thẩm phán phải bị truy tố và chịu trách nhiệm nếu thấy không có dấu hiệu tội phạm mà vẫn tuyên có tội. Cho nên, anh đã gửi đơn tố cáo. Anh cũng hoan nghênh Giám đốc Công An TP Hà Nội đã có thư gửi vào trại trả lời anh rằng đã chuyển đơn anh qua Tòa án và Viện Kiểm sát.”

Gia đình luật sư Quân cho hay hiện ông đã nhận thêm lệnh tạm giam 88 ngày nữa vì lệnh tạm giam 45 ngày sau phiên sơ thẩm vừa hết hạn.

Về điều kiện giam giữ, luật sư Quân tố cáo ông vẫn bị phân biệt đối xử trong trại giam, bị hạn chế quyền trao đổi giao tiếp với các tù nhân khác trong trại.

Em trai luật sư Quân cho biết sáng 12/12 khi vào gửi đồ thăm nuôi cho anh mình, ông được trại thông báo cắt 2 kỳ thăm nuôi sắp tới vì ông Quân đã ‘vi phạm kỷ luật’ của trại:

“Yêu cầu họ có văn bản giải thích lý do, họ không cấp. Họ chỉ trả lời miệng rằng anh ‘gây mất trật tự phòng giam’. Khi vào thăm, chúng tôi có hỏi anh. Anh cho biết hôm 2/10 kỷ niệm 2 tháng bị tuyên án oan, cùng lúc được tin Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp vẫn xem doanh nghiệp nhà nước là kinh tế chủ đạo, anh Quân gọi đó là một ổ tham nhũng nên anh có làm một bài diễn văn đọc trong trại phản đối bản Hiến pháp.”

Hôm 10/12 đánh dấu Ngày Quốc tế Nhân quyền, 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền phi chính phủ trên thế giới đồng ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi thư đến Chánh án Tòa Phúc Thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam, đề nghị xem xét những khuất tất, phi lý trong vụ án của luật sư Lê Quốc Quân và yêu cầu trả tự do cho ông vô điều kiện. 

Các tổ chức này viện dẫn mới đây của Nhóm Hành động Chống giam giữ tùy tiện của Liên hiệp quốc UNWGAD kết luận việc tống giam luật sư Quân là để trừng phạt ông chỉ vì ông đã thực thi quyền tự do biểu đạt của công dân vốn được Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế công nhận.

Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, một trong những tổ chức ký tên trong thỉnh nguyện thư, nói vụ án của Lê Quốc Quân là một điển hình cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm tại Việt Nam bị đàn áp đến mức báo động ra sao.

Ông Ismail:

“Tập trung vào trường hợp của Lê Quốc Quân, chúng tôi muốn đánh động sự quan tâm của thế giới về tình hình đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Vì qua vụ của ông Quân, một công dân thực hành quyền tự do ngôn luận, một người luật sư am hiểu luật pháp bênh vực nhân quyền bị chế độ khước từ quyền căn bản của công dân, bị tước bỏ quyền của người luật sư, chúng ta có thể thấy rõ ràng các thường dân khác ở Việt Nam dễ bị tổn thương, dễ bị vi phạm nhân quyền đến mức nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi và đưa ra ánh sáng công luận thế giới vụ việc của ông Quân cho đến khi nào yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, nghĩa là ông Quân được trả tự do.”

Các tổ chức ký tên trong thư nói họ hy vọng tòa phúc thẩm sắp tới sẽ gìn gìn nhà nước pháp quyền bằng việc ra phán quyết đối với kháng cáo của ông Quân căn cứ vào luật và các dữ kiện thực tế mà không sợ hay không chịu ảnh hưởng từ bên hành pháp.

Thư nói luật sư Quân với các hoạt động như một người bảo vệ nhân quyền phải được Việt Nam tôn trọng đúng như các nguyên tắc của Liên hiệp quốc về vai trò người luật sư. Trong đó quy định các chính phủ phải đảm bảo mọi luật sư đều có thể hành nghề không bị sách nhiễu, cản trở, đe dọa, hay can thiệp.

Thư đề nghị tòa án Việt Nam xem xét nghiêm túc vụ án luật sư Quân vì phán quyết tại phiên phúc thẩm ông Quân sẽ chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy Việt Nam có tôn trọng luật quốc tế về nhân quyền hay không, đặc biệt khi Hà Nội vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Bản án Việt Nam dành cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đã khiến tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội lên tiếng quan ngại.

Trong thông cáo đưa ra sau khi tòa tuyên án ông Quân hôm 2/10, đại sứ quán Hoa Kỳ nói:

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại."

Trà Mi - VOA

12-12-2013

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn