BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cà phê nha, chuẩn úy ?

16 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2495)
Cà phê nha, chuẩn úy ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

-Viết cho Cố Thiếu Úy Võ Minh Châu, khóa 1/72 Thủ Đức, 50 RNSL.
-Thân tặng Nguyễn Thúc Đạm và các bạn bè học cùng các trường: Luật Khoa Sài Gòn (Khóa 1967), Võ Khoa Thủ Đức (Khóa 1/72), Rừng Núi Sình Lầy Dục Mỹ (Khóa 50) và Trường Đời (Từ 1972 tới 1975).
 



 

 (Ghi chú :Hình ba người lính Nhẩy Dù đang dạo phố, không phải là ba đứa tôi An, Châu Đạm) 










   “Mình có ba người, vừa đúng nét đôi mươi, 

Những chiều mây lưng đồi, tầm mắt hướng xa xôi,
Ngày sau một hai trong ba đứa không chung đường
Chắc nhớ nhau nhiều lắm . . .”
(Chúng mình ba đứa, Song Ngọc)
 


 

 


 Nhắn tin của Nguyễn Khắp Nơi trong Vietluanonline.com và take2tango.com - 05 07 2009:  


BĐQ Thiếu Úy Nguyễn Thúc Đạm và Thiếu Úy Võ Minh Châu, 


Nếu hai bạn đọc được bài này, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ của Vietluanonline.com và Take2Tango.com 


Bạn cũ khóa 1/72 Thủ Đức và 50 RNSL. 


Hồi âm của Trương-Chi 7/6/2009 9:42:19 PM:  


Nếu Thiếu uý Võ Minh Châu là người bạn muốn tìm, đã học xong CN Luật mới vào lính (72 ), thì liên lạc qua email trên. 


Nguyễn Khắp Nơi trả lời bạn Trương-Chi: 


Nếu bạn biết Võ Minh Châu học xong Luật rồi mới đi lính, thì đúng là Võ Minh Châu, bạn hiền mà tôi đang tìm đó. Tôi tên là An đây, bạn còn nhớ ba đứa mình (Châu, An và Đạm) cùng học khoá 50 Rừng Núi Sình Lầy hay không? Sau đó bạn về Vùng 3, còn tôi và Đạm đi Vùng 2. Bạn gởi thơ liền cho tôi nhé. Bạn có tin tức gì của Đạm không?
Nguyễn Khắp Nơi. 


From: Trương-Chi, To: Anh An 


Subject: Võ Minh Châu. 


 Tôi là bạn của Võ Minh Châu. Báo tin buồn là Châu đã qua đời vì bệnh tim năm 2004. Gởi anh hình của Châu năm 1995 – là Luật Sư ở VN. 


Tôi vẫn xem những bài của anh trên take2tango. Chúc anh mọi tốt đẹp. 


10th July 2009  


Thân gởi anh Trương-Chi, 


Cám ơn anh đã cho biêt tin của Châu. 


Thật là một tin buồn. Tôi đã khóc đó, anh Chi ạ. Bạn bè chỉ có ba đứa, nhận được tin nhau là tin cuối. Tôi không về Việt Nam nên sẽ không có dịp để thắp nén nhang cho bạn hiền. Nếu anh có về, xin anh thắp dùm tôi một nén nhang, nói rằng đó là của Nguyễn Hữu An, chắc Châu sẽ thông cảm cho tôi. Nếu Châu còn cha mẹ, vợ con, xin nói dùm tôi một tiếng phân ưu. 


Anh có tấm hình nào của Châu hồi còn làm lính Biệt Động Quân hay không? Gởi cho tôi nhé! 


Thân chào anh. 


Nguyễn Khắp Nơi. 


 Đó là nguyên văn lời nhắn tin của tôi và thơ trả lời của anh Trương-Chi về người bạn của tôi, Võ Minh Châu.


*** 


 Trong đời quân ngũ, tôi có hai người bạn thân, đó là Nguyễn Thúc Đạm và Võ Minh Châu. Ba đứa chúng tôi đã cùng trải qua 3 trường học và một trường đời. 


 Vào học Luật Sài Gòn rồi, chúng tôi mới quen nhau. Năm thứ nhất thì gặp nhau thường lắm, sau giờ học, thế nào cũng rủ nhau ra sau trường, chỗ “Quán Bà Chi” để nói chuyện bài vở, chuyện thời sự và chuyện . . . các cô. Qua năm thứ hai, mỗi đứa chọn một ban học khác nhau: Tôi chọn ban “Tư Pháp”, Châu chọn “Kinh Tế” và Đạm chọn “Công Pháp”. Trừ những giờ học những môn chung, còn thì giờ học mỗi ban đều khác nhau. Hơn nữa, đứa nào cũng lo đi làm thêm để kiếm sống, nên chúng tôi ít khi gặp nhau. Nhưng mỗi khi gặp nhau là vui lắm, trong túi đứa nào cũng rủng rỉnh ít tiền, lại có quen vài cô bạn gái học chung lớp, nên chúng tôi thường hay đi bộ từ trường, theo “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” tới quán kem ở “Hồ Con Rùa” để ngồi ăn kem dừa nói chuyện đời. 


Học xong trường Luật, ba đứa cùng nhau xếp bút nghiên, khăn gói quả mướp dắt nhau đi trình diện ở Quân Vụ Thị Trấn để học cầm súng, khóa 1/72, tại Quân Trường Thủ Đức. Đạm vừa mới lấy vợ, tôi cũng có bồ lai rai, nên trong thời gian huấn nhục, hai đứa nhớ . . . đủ mọi thứ. Còn Châu thì chưa có bồ, nên cứ nhởn nhơ như con cá vàng, học hành chăm chỉ lắm. 


Tới giờ tập hát, tân khóa sinh Nguyễn Văn Thắng, tức nhạc sĩ Miên Đức Thắng, được chỉ định ra làm quản ca để dậy anh em hát “Đường Trường Xa . . .“ Xui xẻo cho Châu, một cấp trưởng (Cấp trưởng, là những bạn bè cùng khóa nhưng trình diện trước tết, học sớm hơn vài tuần lễ, được đưa đi dìu dắt bạn bè trình diện sau (Đại Đội 17), chứ chưa phải là Huynh trưởng) đi ngang, nghe Châu hát chứ không . . . hét, nên liền bị cấp trưởng chê là: 


“Đàn em còn yếu đuối lắm” 


và ra lệnh cho đàn em: 


“Đàn em hãy ra trình diện . . . cái gốc cây kia kìa. Nói cho lớn lên, cho tới khi nào lá trên cây rớt hết xuống đất, thì về đây trình diện lại với cấp trưởng”


Đàn em khốn khổ run rẩy ra trình diện gốc cây:
“Tân Khóa sinh Võ Minh Châu, số quân . . . . trình diện . . . gốc cây, chờ lệnh!” 


Châu hét tới khan cả cổ, mồ hôi chẩy đầy người, mặt mày tái mét lên, mà mấy cái lá cây chết tiệt vẫn cứ dính chặt lấy cành, không chịu rơi xuống. Anh em trong hàng thấy vậy, cũng sợ theo, chỉ cầu trời sao cho một cái lá, chỉ cần một cái lá vàng rơi thôi, là cũng đủ cứu cái mạng cùi của Châu rồi. May quá, một trận gió bay lạc đường thổi qua, vài chiếc lá vàng thi nhau lìa cành. Châu nhà ta hớn hở, thay vì đứng nghiêm chào, hắn ta chắp hai tay lạy lấy lạy để về phía gốc cây, miệng tụng kinh liên tiếp: 


“Nam Mô A Di Đà Phật . . . Cứu Khổ Cứu Nạn . . . Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát . . .” 


Rồi hắn vộivàng chạy về, đứng trước mặt cấp trưởng, dùng hết tàn lực hét lên: 


Tân khóa sinh Võ . . . rung châu . . . Võ Minh Châu . . . trình diện Cấp Trưởng . . . chờ lệnh!” 


Nghe Châu trình diện, cấp trưởng muốn cười lắm, nhưng vẫn làm mặt nghiêm, tuy nhiên, cặp mắt dịu lại trong tình bạn bè: 


“Đàn em khá lắm,ráng tập hát cho lớn lên” 


Còn anh em chúng tôi, hú hồn vì Châu được thoát nạn, tuy vẫn đứng thế nghỉ, nhưng ngậm miệng cười đã đời. 


(Ghi chú: Trong quân trường, bị huynh trưởng chê là . . . yếu đuối lắm, là chuyện rất bình thường. Một đàn em, nguyên là Trung Sĩ Nhất Biệt Động Quân, vì chiến trận quá nhiều, được đặc cách thăng Chuẩn úy tại mặt trận, sau gởi đi học Thủ Đức, vẫn bị huynh trưởng chê là .. . đàn em còn yếu đuối lắm!).


Kể từ đó, dù là nói chuyện với nhau thôi, Châu cũng la bể làng bể xóm. 


Gần hết khóa học, anh em mơ được chọn về Quân Pháp, nên học hành có phần lè phè, nhưng Châu thì vẫn cứ chăm chỉ học hành. Đùng một cái, lệnh ban ra: 


“vì nhu cầu chiến trường, tất cả các khóa sinh khóa 1/72 đều được bổ xung cho các đơn vị tác chiến”.  


Giấc mơ về Quân pháp của chúng tôi đành tan tành theo khói thuốc. Buổi tối, ba đứa ra quán cà phê quân trường, bàn bạc tương lai. Tôi nói: 


“Tụi mày muôn đi đâu thì đi, còn tao, đằng nào cũng lính, sống hùng sống mạnh đã hơn, tao chọn . . . Biệt Động Quân.” 


Châu khoái chí, nói liền:
“Tao cũng đăng Biệt Động!” 


Đạm mới lấy vợ, nên ngập ngừng: 


“Tao cũng muốn theo tụi bay, nhưng vợ tao chắc là ớn . . . Cọp Liếm lắm! Để tao suy nghĩ lại coi.” 


Châu nhắc tuồng:
“Mày quên là Biệt Động Quân là lính vùng à! Nếu đăng Biệt Động, ở vùng nào chọn vùng nấy, mày sẽ được chọn Vùng Ba, hành quân xong là 24 giờ phép về thăm vợ mấy hồi!” 


Đạm cười mếu: 


“Vậy thì tao cũng . . . đăng Biệt Động. Có ba thằng với nhau, không lẽ tao bỏ tụi mày.” 


Sáng hôm sau, ra hội trường chọn đơn vị, tôi lên trước, mạnh dạn cầm cục phấn đánh dấu vào khung “Biệt Động Quân” ghi sẵn trên bảng. Châu và Đạm cũng làm y như vậy. Đêm cuối cùng ở quân trường, ba đứa lại ra quán, ngồi uống cà phê tới khuya. Quán cà phê có cô bán hàng thật xinh, với cặp mắt tròn nai tơ đẹp mê hồn, ngắm hoài không chán mắt. Châu kết cô gái lắm, nhiều lần tìm dịp nói chuyện, và hứa, “Thế nào cũng tìm dịp về thăm” 


 “Đôi khi thấy buồn về thăm chốn xưa
Đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa
Xa em vài tháng mà giờ trăng tròn lắm
Muốn hoài ghé thăm . . “
 


 Vài ngày nghỉ phép qua đi thật mau, ba đứa tôi lại ba lô lên vai đi Dục Mỹ học khóa 50 “Rừng Núi Sình Lầy”. 


Chúng tôi tới Dục Mỹ vào chiều Thứ Bẩy, trình diện xong, được chỉ định chỗ ngủ tạm rồi, ba đứa cất ba lô đi câu lạc bộ ăn chiều uống cà phê nghe nhạc rồi đi ngủ. Tôi không ngủ được, vì cái bụng cứ anh ách làm sao ấy, xách đèn pin đi tìm cầu tiêu. Xong xuôi, tôi vừa xách đèn đi ra là thấy Đạm hớt hải chạy vào, mặt mày méo xẹo: 


“Tao đau bụng quá!” 


Sau đó là sấm vang um xùm lên. Tôi về tới chỗ ngủ thì Châu cũng hớt hải từ trong lán chạy vội ra: 


“Cầu tiêu ở chỗ nào? Tao mắc cầu quá!” 


Nó không kịp chờ tôi chỉ, cứ cắm đầu chạy thục mạng. Chạy nửa đường, đứng ôm bụng la hét om xòm: 


“Chỗ nào, mảy?” 


Tôi ngồi nghỉ một lúc, lại thấy chột bụng, lại phải xách đèn pin đi về phía cầu tiêu. Ba đứa cứ thế mà chạy đi chạy về. tới lúc mệt quá rồi, không còn gì trong bụng nữa rồi, mà vẫn đau bụng, muốn đi bệnh xá mà chẳng có ai để mà hỏi cả, vì ai cũng là lính mới tới như mình hết trơn. Đau bụng đi cầu mất sức thật là nhanh, chúng tôi không còn sức để đi tới cầu tiêu nữa, mà . . . lết đi, thật là tội nghiệp. Không biết tại sao mà lại bị đau bụng dữ như vậy? 


 


 


Chịu trận nguyên một đêm, sáng sớm chúng tôi lết tới bệnh xá, ông y tá phán một câu nhẹ nhàng: 


“Thiếu úy bị . . . trúng nước đó mà! Đi cầu hết rồi, xong rồi, hổng cần uống thuốc cũng khỏi. Nhưng mà tôi cũng cho Thiếu úy mấy viên thuốc đây uống đỡ, tới mai là khỏe liền hà”. 


À thì ra, chỉ vì nước uống ở Dục Mỹ khác với Sài Gòn, nên chúng tôi mới bị đau bụng. Không khỏe cũng phải khòe, vì ngày mai là nhập khóa rồi. Nguyên một ngày trời, chúng tôi chỉ dám uống nước đun sôi và nấu cháo lỏng ăn cầm hơi, chứ không dám ăn bất cứ món đồ ăn nào khác. 


Khóa học “Rừng Núi Sình Lầy” chỉ kéo dài 5 tuần lễ mà thôi (tuần lễ đầu học cách thức hành quân theo kiểu Biệt Động, bốn tuần sau học hành quân trên bốn vùng đất khác nhau: Rừng, Núi, Sình và Lầy), nhưng thật là khắc nghiệt. Lý do là: 


Khóa học này gọi là “Hành Quân Biệt Động”, nên khóa sinh lúc nào cũng ba lô trên vai, với đầy đủ cầp số đạn, lương thực dự trữ, quần áo, chăn và áo mưa poncho. Ba lô kiểu này nặng lắm, các bạn ạ! Nặng hơn ba lô ở quân trường Thủ Đức nhiều lắm (học Thủ Đức, ba lô đôi khi . . . chỉ có cái võng căng phùng lê thôi, để không bị cán bộ để ý tới, chứ chẳng có cái gì khác ở trong đó cả). Khóa sinh không ở trại, mà ở ngoài rừng! Đi bãi tập nào là ở đó suốt ngày, buổi chiều ăn xong là im lặng di chuyển tới bãi mới, đóng quân phòng thủ đêm, canh gác tại đó, sáng mai học tiếp. 


Những bãi tập ở rất xa trường, và cũng rất xa nhau. Dục Mỹ không được an ninh cho lắm, nên khóa sinh phải vừa học vừa lo an ninh cho chính mình và cho cả trung tâm huấn luyện nữa! Trong thời gian học, vì lý do bảo mật, thân nhân không được phép lên thăm. 


Khí hậu của Dục Mỹ lúc nào cũng lạnh, nhất là vào buổi sáng. Có một ly cà phê nóng, uống vào từng ngụm nhỏ, nó ấm hết cả người và cả buồng phổi, mê lắm bạn ạ! Cà phê do thân nhân của các huấn luyện viên đi theo bán cho khóa sinh, mỗi giờ ăn đều có bán. Uống cà phê, ai mà chẳng thích! Nhưng uống nhiều quá thì sẽ hết tiền.Thấy cả bọn uống cà phê hút thuốc lá nhiều quá, tôi sợ không có tiền về xe, không có tiền đưa đào đi chơi, nên tôi bàn mỗi người bỏ ra một số tiền để làm tiệc cuối khóa và đề phòng lỡ không có máy bay, phải có tiền mà đi xe đò về Sài Gòn. Số tiền này tôi sẽ giữ. Còn lại bao nhiêu, tự ai nấy xài. 


Chưa hết khóa đã hết tiền, mỗi buổi sáng, Châu theo tôi năn nỉ: 


“Tao không ăn cuối khóa, mày đưa lại tiền để tao uống cà phê” 


Tôi không đưa, nói là ráng chờ, còn vài ngày nữa thôi. Hôm sau, Châu lại theo tôi, cười cười dụ tôi: 


“Cà phê nha, Chuẩn úy! Mày một ly, tao một ly, cho thằng Đạm uống ké”. 


Tôi nhất định không đưa tiền. Châu tức quá, chửi thề rồi bỏ đi. 


Cuối khóa, tất cả được về trung tâm nghỉ ngơi để ngày mai về Sài Gòn. Ba đứa tắm rửa sạch sẽ, diện bộ đồ rằn ri mới tinh trong đời lính, đứng chụp một tấm hình làm kỷ niệm (Tôi không còn tấm hình này, hy vọng Đạm và Châu còn giữ đâu đó). Về tới Sài Gòn, việc đầu tiên của cả ba đứa là, kêu taxi chạy ngay lại quán phở ở đường Hiền Vương, kêu 9 tô phở tái lớn. xin nhắc lại: Đúng 9 tô lớn! 


Ba thằng ăn ngấu nghiến, y như là chết đói. Đúng là chết đói, vì suốt 5 tuần lễ liền, chúng tôi chỉ ăn cơm dã chiến. Chúng tôi ăn như chưa bao giờ được ăn, ăn căng bụng, ăn quên thôi, ăn không chừa một cọng rau cọng giá nào hết, húp sạch hết cả nước phở. Ăn xong rồi, vỗ bụng đi ra, ai về nhà nấy.


Được mấy ngày phép ngắn ngủi, Đạm lo vợ con cha mẹ, tôi lo dắt đào đi dung dăng dung dẻ, chỉ có Châu là ngồi nhà ủi cho thắng bộ đồ bông, đánh cho bóng đôi giầy bốt, mua võng mới, đồ dùng mới. Ngày trình diện đi thực tập, Châu hãnh diện khoe tụi tôi cái hộp quẹt Zippo bằng inox mới tinh, tôi muốn cầm coi một chút mà nó cũng không cho. Cẩn thận cất hộp quẹt vào túi quần rồi, nó mới nói: 


“Tay tụi bay nhám lắm! Đứa nào muốn hút thuốc, tao quẹt dùm, chứ không đưa cho mượn.” 


Ngày chọn đơn vị, Châu bốc thăm được chọn Vùng III, tôi và Đạm bốc trúng Vùng II Pleiku gió núi mưa mùa. Ba đứa buồn ra mặt, mới đó mà nay mỗi đứa một phương. Ba đứa rủ nhau đi nhậu ở quán của anh em Thương Phế Binh, nơi có nhiều nữ chiêu đãi viên thật đẹp. Châu buồn nhiều hơn, vì chỉ có một mình hắn đi Vùng III. Nó bản tính đã lầm lì, nay còn lầm lì hơn, cứ ngồi uống bia, một cô gái thấy vậy, làm bộ đến ngồi lên đùi của Châu, hắn ta vẫn cứ ngồi im coi như không có chuyện gì xẩy ra. 


 “Đường phố khuya rồi, chênh chếch bóng trăng soi, 


Uống cạn hết ly này, ghi nhớ mãi đêm nay, 
Mình ba người tuy không gian chia làm muôn lối
Nhưng là một thôi…”
 



Tôi và Đạm cùng được chọn về tiểu đoàn 90 Biệt Động Quân Biên Phòng. Chiến trận Vùng II thật là khốc liệt, tiểu đoàn hành quân liên miên. Có lần, trung đội thám sát của tôi đóng trên núi, Vũ Phu (đại đội 1) đánh với Việt cộng ở dưới núi. Tôi đặt ống dòm nhìn thấy rõ lính mình và nón cối dành nhau từng mỏm đá, bắt qua bắn lại lia chia. Lúc anh em nón sắt dang sửa soạn xông lên trước, tôi nhìn rõ bọn nón cối đang phục kích phía ở phía trên, liền xin lệnh Ngưu Lang (Tiểu đoàn trưởng) bắn tiếp cứu. Tôi thổi M79 vào ngay chỗ bọn nón cối đang nằm phục kích, bọn này bị lộ, chạy túa xua, lính nón sắt ào lên, bắn bọn chúng tơi bời. Trận chiến tàn, Delta (Đạm) gọi máy mừng rỡ nói: 


“Ngưu Lang cho hay mày đã cú bồ tụi tao. Mày mà không bắn M79 xuống, tụi tao chắc chắn bị dính phục kích thê thảm.” 


Trận sau, tôi bị thương, lại dính sốt rét, vàng hết cặp mắt ra rồi, nằm quân y viện hơn hai tháng trời mới khỏi, lại ra chiến trận đánh tiếp. Đánh thêm vài trận nữa, tôi may mắn không lên bàn thờ, nhưng giải ngũ loại 2. 


Trở về đời sống dân sự, tôi đi khắp nơi xin đủ thứ việc mà không xong, cuối cùng, tôi may mắn xin được tập sự luật sư ở văn phòng Luật Sư Đào Văn Sáu ở Biên Hòa, sau đổi về văn phòng Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, đường Gia Long, ngay sau tòa Sài Gòn. 


Mấy tháng sau, Đạm được nghỉ phép một tuần lễ, rủ Châu đến văn phòng thăm tôi. Ba thằng gặp nhau mừng mừng tủi tủi: 


 “Mình có ba người, mà kiếp sống buông trôi,
Đứa này ở ven trời, thì đứa khác ra khơi,
Hợp xong lại tan, trong giây lát xa không đành,
Thế mới thương đời lính.”
 


 




Đạm đã có con đầu lòng, còn Châu thì vẫn lẻ bóng như thường lệ. Một thời gian sau, Châu được chuyển về trại Đào Bá Phước, làm ở Phòng Ba, nên nó đến thăm tôi thường lắm. Văn phòng tôi có ba cô thư ký, một cô tên là Tuyết (vừa học xong trung học, khoảng 17, 18 tuổi gì đó) có cảm tình với Châu lắm, và Châu thì cũng thỉnh thoảng . . . đá lông nheo với cô. Hình như đã có vài lần, Châu có rủ Tuyết đi chơi. Một bữa, vào buổi trưa, gần giờ nghỉ, Tuyết tới gần tôi đứng xớ rớ một hồi, tới lúc không có ai, Tuyết ngập ngừng nói với tôi:
“Mét, tui . . . khoái anh Châu đó!”


 


(Maitre, tiếng Pháp, có nghĩa là thầy. Thư ký thường gọi Luật sư như vậy) 


Tôi nhìn cô cười vui, trả lời: 


“Chuyện đó ai cũng biết rồi! Mà sao cô không đi nói với anh Châu của cô, lại ra nói với tôi?” 


“Nếu tui nói được thì tui đã nói rồi, đâu có phải đứng đây mà nói khó với Mét!” 


“Cô muốn nói gì với tôi?” 


“Mét nói anh Châu . . . cứ (cưới) tui đi!”   


Đúng là con gái Nam Kỳ, thích gì nói nấy. Tôi chưa kịp trả lời thì Tuyết đã mắc cở bỏ đi một nước. 


Buổi chiều, lúc hết giờ làm việc, Tuyết không về ngay mà lại lóng nhóng đi ra đi vô, vẽ môi son đỏ chót, xức dầu thơm thơm lừng. Tôi chưa kịp hỏi thì Châu đã thắng xe ngay trước sân, vẫy tay chào tôi. Tuyết chạy ra liền, thót lên yên sau chiếc xe Honda ngồi gọn lỏn, tôi ra dấu cho Tuyết ôm eo Châu, cô ta làm liền một khi, làm cho Châu nhà ta phê quá, đạp xe hoài mà máy vẫn không chịu nổ. 


 Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Châu, vì thời gian đó là gần cuối tháng Tư 75 rồi, tôi bận nhiều công việc, thời giờ rảnh phải lo coi tình thế mà liệu bề đối phó.Châu còn phải lo ứng trực liên miên, còn giờ đâu mà thắng xe trước văn phòng đón Tuyết nữa. 


Việc gì phải đến, đã đến, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả một quốc gia xụp đổ tang thương. Quân lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn chiến đấu, nhưng chiến đấu trong tuyệt vọng, để rồi tan rã thành mây thành khói bay đi. 


Tới năm 1981, tôi mới vượt biên được, định cư ở Melbourne, Victoria, xứ Úc Đại Lợi. Ổn định cuộc sống rồi, tôi mới có thì giờ tìm lại bạn cũ. Mỗi người một nơi, biết đâu mà tìm kiếm? Tôi tìm người bạn đầu tiên, có thể sẽ có nhiều người biết đến, đó là Thiếu Tá Trần Đình Tự, bạn từ hồi di cư 1954 của tôi. Năm 2002, Tổng Hội Biệt Động Quân ở Hoa Kỳ cho biết tin: 


 “Tới ngày 30 tháng Tư 75, Tự đang giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, Tự không chịu nhục đầu hàng, đã cùng một nửa tiểu đoàn đánh bọn Việt cộng tới cùng. Hết đạn, anh bị bắt, đã bị bọn nón cối đâm chết ngay tại trận tiền, chín người lính còn lại bị xử bắn hết. May mắn còn một người sống sót, tìm cách trốn khỏi trận địa, về nhà. Sau một thời gian dưỡng thương, anh đã vượt biên tới Mỹ để kể lại cái chết đau thương uất ức của Tự.” 


 Tôi buồn quá, không muốn kiếm bất cứ ai nữa, vì sợ lại được tin xấu. 


Tôi tìm lại hình ảnh của bạn bè qua những bài viết về lính, gởi đi khắp mọi nơi, chia xẻ với các chiến hữu ngày xưa của mình. 


Nhân dịp 49 năm Biệt Động Quân, tôi nổi hứng đăng lại câu chuyện đầu đời Biệt Động của mình. Nhớ lại hai người bạn thủa xưa là Đạm và Châu, tôi đưa lời nhắn tin tìm bạn lên web. Tôi đã có tin của Châu, nhưng rồi cũng là tin xấu. Từ xứ Mỹ xa xôi, anh Trương Chi Phan Đình Hào đã kể cho tôi tin tức về Châu như sau: 


 “Tôi là bạn cùng xóm với Châu. Lúc đó là ngày 28 tháng Tư 75, tôi và Châu đang ngồi uống cà phê ở quán gần trại Đào Bá Phước. Bỗng có tiếng nổ trên không, tôi và Châu nhìn lên, thấy có hai chiếc máy bay A37 đang bay vòng vòng thả bom và bắn rocket xuống phía phi trường. Châu vội đứng lên chạy về trại, vừa chạy vừa nói với tôi: 


“Ở trong trại có súng phòng không, tao về lo phòng thủ”  


Tới tối 29, tôi ghé nhà Châu hỏi thăm, má của Châu cho hay, Châu có nhắn tìn về nhà, nói rằng vẫn còn ở trong trại. Tôi về nhà, lo đường vượt biên. Qua được tới Mỹ, có gởi thơ về hỏi thăm, nhưng không có thư trả lời.  


Tới năm 1995, tôi liều mạng bay về thăm nhà, gặp được Châu. Châu đã có vợ, 2 con, hiện đang làm . . . Luật Sư. 


Trong một bữa nhậu, Châu đã tâm sự với tôi:  


 “Tao là lính Biệt Động, tụi nó đâu có ưa gì tao, nhưng tao còn bằng cấp Luật ngày xưa. Tụi Việt Cộng này thì chẳng có luật lệ gì hết trọi, chỉ muốn có vài người có bằng Luật để mở ra một “Luật Sư Đoàn” lấy tiếng với thế giới vậy thôi. Tao nhào vô liền, nếu không giúp được anh em bà con chuyện lớn, thì cũng đỡ được vài chuyện nhỏ nhỏ cho người ta. Có còn hơn không!”  


  


 Võ Minh Châu, đứng giữa


 


 Tới năm 2004, tôi trở về Việt Nam lần nữa, cũng gặp lại Châu. Lần này nó có vẻ mệt mỏi lắm. Một bữa, đang ngồi nói chuyện với tôi, Châu đứng dậy kiếu từ ra về, nói với tôi:  


“Hồi này nhiều chuyện quá, tao mệt hết sức. Thôi tao về sớm, mày có về bển thì cứ đi, khỏi chào tao.” 


Trước khi tôi về Mỹ, có ghé thăm Châu, hắn nói: 


“Tim tao đập mau lắm. nhưng còn vài vụ án phải làm, giúp mấy người đang bị ức hiếp, phải ráng làm cho xong.”  


Về được một tuần, tôi nhận được email của con trai của Châu, cháu báo cho biết:  


 “Ba con đang làm việc thì té xuống, chết đêm qua!”  


 NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI, LÀ THẾ ĐẤY! 


 NGUYỄN KHẮP NƠI 




 Hình tác giả Nguyễn Khắp Nơi trong ngày Kỷ Niệm 49 năm BĐQ tại Sydney Australia (ành Việt Luận)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn