Một thắt, hay là sự đắp chiếu
Ngày 28-11-2013, là ngày mà Đảng Cộng sản Việt Nam ghi thêm một dấu chấm khá đậm nét vào lịch sử của mình, vì đã lãnh đạo Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua thành công một “Hiến pháp” mới sửa. Cái mới lớn nhất của Hiến pháp ấy, là sự công khai xác định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng Hiến pháp là văn bản hạng hai sau Cương lĩnh của Đảng Cộng sản, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò “thế thiên hành đạo” của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam vô thời hạn qua Điều 4. Từ hai tiền đề này xác định rằng Hiến pháp là của Đảng, không phải là của dân, vì không do dân, nên cũng không vì dân.
Có thể nói đó là “Hiến pháp của ý thức hệ” của Đảng Cộng sản Việt Nam, nó không phải là Hiến pháp của một quốc gia theo ý nghĩa phổ quát nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng toàn dân đánh đổ hệ thống chính trị dựa trên giá trị thần quyền của thời phong kiến, thì nay lại xây dựng cho mình một mô hình “thần quyền” trá hình trong vỏ bọc của chủ nghĩa vô thần, và Đảng là trên hết, thay cho khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” của một thời đã ghi dấu trên nửa đất nước Việt Nam.
Dư luận dân chúng không ngạc nhiên vì sự thông qua văn kiện gọi là Hiến pháp này, bởi lời dẫn trước của Tổng Bí thư: “Tôi tán thành”, và ra thông báo chấm dứt thảo luận. Thật dễ hiểu, có ngay sự tán thành!
Nhưng người ta ngạc nhiên về sự tán thành với tỉ lệ 97,59%, cao gần như tuyệt đối, mà cái tuyệt đối thì ít có thật trên thế gian. Người ta nghĩ nhầm rằng nó sẽ được thông qua với đa số tương đối, vì ít nhất cũng có những ý nghĩ và tiếng nói khác, với một sự dũng cảm nào đó của những người mang sứ mạng là đại diện cho dân, và một phần trí tuệ của thời đại. Thế mà không! Hiếm có một vùng đất nào lại chỉ có bò và cừu mà không có con người sống chung! Vậy cái gì đã xảy ra để có sự nhất trí cao đến thế?
Trước đó, trong dư luận xã hội, cũng như trên nhiều diễn đàn, và cả diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều bàn cãi gay gắt về Điều 4, về quyền sở hữu đất đai, về việc Quân đội Nhân dân Việt Nam trung thành với ai, về sự xuống cấp toàn diện của xã hội, về vai trò chủ đạo be bét của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế, và đặc biệt, về sự tham nhũng và xung đột phe phái của tầng lớp lãnh đạo, trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị đe dọa và một phần lãnh thổ đang bị nước ngoài chiếm đóng.
Bức tranh ấy đã minh họa sắc nét sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Đảng ấy đã tự khẳng định một cách hợp lý, là đang suy thoái toàn diện: “Tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”.
Trong bối cảnh nhàu nát bầy nhầy như trên, không thể có một “đột phá” nào, thậm chí không có chỗ để bắt đầu. Thay vì dựa vào lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ của nhân dân, họ chọn giải pháp tăng thêm quyền lực cho mình, gồng lên mạnh nhất vào cái lúc thoái hóa nhất, để bảo vệ hệ thống quyền lợi của mình!
Biểu lộ sự thoái hóa ấy thông qua thách đố của bạo lực đang gia tăng. Đó là sự công khai xác định vai trò Hiến pháp chỉ là “văn bản triển khai” cương lĩnh của Đảng Cộng sản, nó làm tăng lên độ phân giải càng rõ hơn dưới ánh sáng trắng về bản chất của Đảng, trong đó bao gồm cả sự tán thành 97,59% của những khuôn mặt trên các chiếc ghế trong Quốc hội.
Đó là một nỗ lực “thắt lại” để tránh sự bung chảy vỡ òa vô định. Vì thế, sự “ổn định” trở nên cần thiết và cấp bách hơn bất cứ điều gì khác. Nó đồng nhất với sự “đắp chiếu” để nằm đó. Đó là một cách hiểu theo cách không bình thường đề lý giải về sự “thống nhất cao” bất thường của bộ phận Đảng trong vai Quốc hội. Đúng thế, cần nhanh chóng đắp lại hơn là dỡ ra…
Động cơ của nỗ lực “đắp lại” này không phải vì sứ mạng của quốc gia, mà chỉ vì sinh mệnh của mình, đã trót đầu tư theo con tàu định hướng. Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang cố leo lên thêm một nấc nữa, để đến một đỉnh cao ảo, cực kỳ nguy hiểm. Chính ông Tổng Bí thư, người đã “có công” trong thế bị động để mở nút cho một trào lưu phê phán sự bất cập toàn diện trong Đảng Cộng sản suốt hai năm nay để cứu Đảng, và chính ông đã hốt hoảng đóng nút lại, bằng cái văn bản hạng hai, gọi là Hiến pháp, vừa được bấm “nút tán thành”.
Tổng Bí thư rất “hí hửng” (*) tuyên bố xem đây là một thắng lợi. Tiếc thay, chỉ là thắng lợi của riêng ông và nhóm ông. Bởi lẽ, nhiều người cho đó là sự thất bại, vì nó chì là bàn tay “bụm lại” để tạm chận cơn ho mãn tính. Việc thông qua phiên bản Hiến pháp 2013 chỉ có ý nghĩa là một bài toán cộng trong phạm vi nội bộ, nhưng lại là bài toán trừ trong thế co cụm đối với cộng đồng rộng lớn. Vì hai năm qua, tâm thế dân tộc đã đổi khác. Tư tưởng của một bộ phận (Đảng) có thể suy thoái, nhưng tư tưởng của cái “toàn thể” (nhân dân) thì không thể suy thoái. Những gì ông và đồng sự đồng mưu của ông đã gieo thì sẽ tự gặt. Sự ra đời của phiên bản Hiến pháp 2013 vừa là một tai họa, vừa là một sức ép đầy thách thức, thúc đẩy lòng dân hướng tới nhân quyền và dân chủ càng hối hả hơn.
Một mở, con đường thênh thang
Lịch sử Việt Nam cứ diễn ra như một cuộc chơi éo le của tạo hóa, mâu thuẫn chập chờn, thắt mở kề nhau. Không sung sướng gì về sự cọ xát của những vật thể cứng, phát lên những tiếng rít đanh mà những mảnh vỡ của nó cũng rơi hết vào lòng dân tộc.
Bên cạnh cái nút thắt tôn vinh đỉnh cao độc quyền thiêng liêng của Đảng, thì đại lộ nhân quyền thênh thang khai phóng: Việt Nam đã đứng vai vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cái điều như nằm mơ, với hồ sơ ứng cử có tính tự giác tự nguyện rất cao: 16 cam kết thực thi nhân quyền. Không ai nghĩ rằng đây chỉ là chuyện nói giỡn chơi. Hai đã trở thành một, là một thách thức tự thân, không thể là sự xạo xự như một trò chơi chữ, hay huyễn hoặc như cuộc đấu đô vật về khái niệm. Một thắt, Hiến pháp độc quyền cao vòi vọi; một mở, con đường nhân quyền thênh thang hứa hẹn. Sự đối ngẫu xoắn lấy nhau đặc biệt như điển hình chưa từng có của thời đại.
Sẽ là điều kỳ diệu nếu không phải cái này nuốt cái nọ, mà cùng nhau “win win” khó tưởng tượng, giả định như cả hai đều sẽ tồn tại thật.
Nếu không phải là kỳ diệu, thì điều gì sẽ xảy ra trong tình thế “hòa mà không tan”? Lò lửa độc quyền sẽ đun sôi nướng chín chảo nhân quyền, hay lò lửa nhân quyền làm bốc hơi chảo độc quyền?
Nếu không hiểu theo cách “đắp chiếu”, thì “Hiến pháp” mới tân trang, là một lớp thép bọc thêm đề củng cố vai trò của Đảng; còn nhân quyền thì như sóng gió đại dương trong lòng dân không phút ngưng gào thét. Với phương châm của Đảng, theo một cách hiểu, thì bí mật nằm ở hai nơi, một là ở “ý Đảng”, hai là ở “lòng Dân”.
“Ý Đảng” tuy là khó hiểu, nhưng có cái gì cao hơn để che chắn cho cái rất thấp, là cái ý thức hệ vốn làm thân phận “tấm chăn” bao phủ quyền lợi và vai trò của Đảng mình? (Cover everything, but hide nothing = áo dài Việt Nam, che hết mà chẳng giấu được gì).
“Lòng dân” thì không cần gì bí mật: nhân quyền, dân chủ và đất nước phồn vinh (= Độc lập - Tự do - Hạnh phúc = Hiến pháp 1946). Họ mãi mãi là chủ thể của đất nước, chứ không phải bất cứ Đảng phái nào, hay một ý thức hệ rắc rối nào, dù đôi khi bị rơi vào tình trạng vô thức vì các thứ ấy, bởi một cơn ngủ mê, để khi thức dậy thấy hối tiếc với trải nghiệm đau thương của cơn ác mộng.
Họ chỉ muốn một điều đơn giản, nhưng nghiêm trọng như một lời nguyền của định mệnh:
“Hiến pháp” mới tân trang, sẽ được thay bằng một Hiến pháp mới, bởi chính nhân dân Việt Nam, vào một lúc nào đó, không phải hôm nay thì sáng mai vậy!
Hạ Đình Nguyên
29-11-2013
(*) Tổng Bí thư đã dùng từ này ở bài diễn văn tại Cuba chỉ những người đấu tranh dân chủ ở trong nước mình.