BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72806)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trung Úy Sơn của Charles Kuralt

16 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1937)
Trung Úy Sơn của Charles Kuralt
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Cố nhà báo Charles Kuralt


Nhân ngày tưởng niệm 30 Tháng Tư, mời quí độc giả đọc một bài dịch lồng trong một bài viết về câu chuyện một ký giả Mỹ từng gặp những một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vào đầu thập niên 1960. Bài này đã được đăng trong tuyển tập “Biên Tà Tà” của Hoàng Mai Đạt.

Ông Charles Kuralt là một ký giả truyền hình nổi tiếng trong giới truyền thông Hoa Kỳ. Người Mỹ kính trọng ông Charles Kuralt không vì ông có thể bám sát chuyện thời sự trên thế giới hoặc thông thạo các ngõ ngách quyền lực tại Hoa Thịnh Đốn. Người Mỹ quí ông vì ông cho họ thấy đất nước này còn có những con người chất phác, giàu lòng bác ái và đầy tình người. Những “con người” của ông Charles Kuralt thường có một đời sống hoặc thói quen kỳ quặc một cách đáng yêu, đáng mến. Họ không xuất hiện trong những bản tin mà người thành phố vẫn đọc trên báo vào mỗi buổi sáng hoặc xem trên đài truyền hình vào mỗi buổi chiều.

Họ có thể là một ông lão sống giữa rừng trong vùng biên giới Minnesota, từng chui vào bụng hươu, thoát hiểm qua một đêm băng giá; một giáo sĩ râu bạc trắng sống xa lánh trần gian trên một đỉnh núi tuyết tại Washington; những người sống bằng nghề rung lò so se tải để bắt trùng đất tại Florida; một nông dân da đen vừa làm ruộng, vừa đọc sách mỗi ngày, có một thư viện đa dạng hiếm hoi giữa một miền quê nghèo khó tại Arkansas; một bà cụ trên tám mươi tuổi đã bay trên ba mươi ngàn giờ, có thể là phụ nữ bay nhiều nhất thế giới; một người cắm ngược nhiều chiếc Cadillac giữa một cánh đồng “văn hóa xe” tại miền Tây Texas; hoặc một ông lão có thú vui thả diều cho trẻ em ở Indiana giữa đất nước Hoa Kỳ rộng lớn.

Trong hơn ba mươi năm phiêu bạt đó đây trên khắp thế giới, ông Charles Kuralt tìm ra hàng trăm nhân vật ly kỳ, đáng xem và đáng mến, mang họ đến với khán giả truyền hình. Từ một chàng thanh niên có biệt tài văn chương, làm việc cho một tờ báo địa phương, ông Charles Kuralt được mời đến đài CBS tại New York đúng lúc ngành thông tin truyền hình đang bắt đầu trưởng thành vào cuối thập niên 1950.

Trong mấy năm đầu ông săn tin, viết tin, đọc tin trên đài truyền hình. Biến cố thời sự nào ông cũng am tường hoặc có tham dự. Tuy thế, viết tin và đọc tin mỗi ngày không là nỗi ao ước lớn nhất đời ông. Đến một ngày kia ông mới có cơ hội thực hiện điều mà ông đã thèm khát từ lâu. Đó là lái một chiếc xe và tự “thất lạc” trên một đất nước bao la, vô tận như niềm vui giang hồ của ông. Trong hai thập niên “thất lạc” ông đã lăn bánh hơn một triệu dặm khắp nước Mỹ, và khi nghe ông kể lại trên đài truyền hình vào mỗi sáng sớm Chủ Nhật, người ta hiểu rằng ông đã yêu thương từng dặm đường lang thang ấy biết bao.

Theo lời tâm sự trong loạt chương trình “On The Road” và được in thành sách sau này, ông nếm mùi giang hồ ngay từ ngày 9 Tháng Chín năm 1934, ngày chào đời của cậu bé Charles Kuralt. Hôm ấy một người đàn ông thường giúp đỡ kẻ nghèo khốn đã lái một chiếc xe Chevrolet đưa một cô giáo sắp sanh đến bệnh viện. Chiếc xe phóng qua mấy thị trấn tại miền quê North Carolina trong hơn một giờ đồng hồ. Ông Charles Kuralt tự hào rằng ngay từ lúc lọt lòng mẹ ông đã du lịch trên năm mươi dặm trong chiếc Chevrolet của cha. Từ đó ông “nghiện” du lịch, không ngừng phiêu lưu cho đến ngày qua đời vào năm 1997. Ngoài thời gian tìm tòi trên đất Mỹ, ông du lịch khắp thế giới, từ Bắc Cực đến Congo, từ Cuba đến Liên Bang Xô Viết.

Thế rồi hơn bốn mươi năm trước đây, ông ghé Việt Nam và gặp Trung Úy Sơn, một người lính Việt Nam Cộng Hòa mà ông đã kể lại trong một chương sách mang tựa đề “Lieutenant Son”. Chương này nằm trong cuốn A Life On The Road được soạn viết trong thập niên 1980. Nhân dịp ngày 30 Tháng Tư mấy năm trước, tôi quyết định chuyển ngữ “Trung Úy Sơn” để chia sẻ với bạn về những gì mà ông Charles Kuralt viết về một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Từ ngày đọc “Trung Úy Sơn” lần đầu, mỗi 30 Tháng Tư tôi vẫn thường tìm lại bài này. Sau khi đọc “Trung Úy Sơn” bạn sẽ hiểu tại sao.

 

** *

Vào Mùa Xuân năm đó ông Les Midgley nói một câu làm cho tôi suýt bị thiệt mạng trong vòng một gang tay.

Ông ấy nói, “Việt Nam.”

Lúc đó là Tháng Tư năm 1961. Sổ tay cho chuyến đi Việt Nam của tôi chỉ ghi nhận vỏn vẹn có một câu: “Khoảng 500 cố vấn quân sự đang có mặt tại đây.” Khi ấy chưa có một cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nào cho rằng cuộc chiến Việt Nam có đủ tầm mức quan trọng để cho họ mở văn phòng thường trực tại quốc gia này. Sự viếng thăm của một nhóm truyền hình Mỹ quả là bất thường, đến nỗi khi anh thâu hình Fred Dieterich từ Los Angeles và tôi đặt chân đến phi trường Sài Gòn thì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gửi ngay một anh tài xế lái xe Citroen đến đón và đưa chúng tôi vào thành phố, giúp cho hai người khách lạ được thoải mái. Chính quyền cũng dàn xếp cho tôi được phỏng vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào buổi sáng hôm sau.

Ông Diệm được bầu lên chức tổng thống và rồi trở thành một nhà lãnh đạo chuyên quyền. Dưới chiêu bài phải chiến thắng cộng sản miền Bắc, ông ra lệnh bắt giữ đông đảo người đối lập, kiểm duyệt quyền tự do báo chí. Quân đội của ông đương đầu với một cuộc chiến tàn bạo trong rừng sâu và trên những cánh đồng. Họ dần dần mỏi mệt. Trong cuộc phỏng vấn, ông Diệm nói về hoàn cảnh đất nước của ông bằng những lời rất thẳng thắn. Ông không dùng những chữ nghĩa tối mù ngoại giao mà tôi đã chờ đợi. Ông trình bày rất rõ ràng về vấn đề Việt Nam cần viện trợ quân sự của Hoa Kỳ.

Ông nói với tôi rằng khi đất nước Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954, khoảng 900,000 người miền Bắc đã di cư vào miền Nam. Ông cho biết hầu hết những người di cư là những người chống cộng sản. Tuy thế, trong số này cũng có chừng 10,000 người Việt Cộng được huấn luyện và trà trộn trong khối dân miền Nam. Những người này chờ và thi hành mệnh lệnh khủng bố người miền Nam.

Ông Diệm nói như sau, “Những người cộng sản nằm vùng đã giết chết xã trưởng, giết luôn các phụ tá và rồi nắm quyền kiểm soát toàn xã. Đó là chiến thuật của người cộng sản. Giờ đây Việt Cộng hoạt động tại miền Nam còn nhận được sự trợ lực trực tiếp từ các cán bộ tại Hà Nội. Đây là một cuộc xâm lăng rất kín đáo, với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Liên Sô. Để chống lại sự xâm lăng này, chính quyền của chúng tôi rất cần viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ.”

Tôi gợi ý rằng Việt Nam là cựu thuộc địa của người Pháp, và như thế may ra miền Nam Việt Nam có thể nhận được một phần nào sự trợ giúp của Pháp.

Ông Diệm trả lời thẳng thừng, “Người Pháp không có ý chí. Chỉ có quốc gia của quí vị mới có ý chí bảo vệ tự do trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ cũng đánh mất ý chí này thì Việt Nam sẽ không có tự do.”

Ngày hôm ấy ông Ngô Đình Diệm đã cho tôi một bài học lịch sử rất hay. Bài học đó cũng là lời tiên tri hay không kém.

Dưới mắt tôi Sài Gòn là thành phố hấp dẫn nhất trong các thành phố. Cuộc chiến ở miền thôn quê chưa ảnh hưởng đến thủ đô. Tất cả những người mà tôi được gặp, kể cả giáo viên, ký giả, tiếp viên nhà hàng cho đến tài xế taxi, đều thân thiện và rất ý tứ. Tôi cho rằng phụ nữ ở đây xinh đẹp trong những tà áo dài lướt trôi giữa những dòng xe ngoài phố. Sài Gòn có thời tiết mùa xuân rất đáng yêu với những quán cà phê bên đường thật thú vị. Tôi đi bộ dưới bóng cây râm mát trên các đại lộ vào ban ngày, nằm trên giường bên dưới một quạt trần lười biếng trong khách sạn Majestic cũ, lắng nghe tiếng tàu thuyền di chuyển trên sông vào ban đêm. Tương tự như đám ký giả ngoại quốc kéo đến đây trong những năm sau này, tôi đã yêu mến Sài Gòn. Thành phố rất xứng đáng được bảo vệ. Tôi nghĩ nếu một mai thành phố đầy ánh nắng và quyến rũ ấy bị cộng sản xâm chiếm, để rồi trở thành một nơi xám ngoét, đầy kỷ luật nghiêm ngặt, thì thật không còn một chút hy vọng nào cho nền văn minh của nhân loại.Mỗi ngày tôi vẫn ghé đến văn phòng thông tin của chính phủ, để quấy rầy một viên chức và xin phép được tháp tùng theo một cuộc hành quân ra miền thôn quê. Ban đầu viên chức nói, “Nguy hiểm lắm;” sau ông nói, “Có thể;” đến khi biết tôi sẽ không đi cho khuất mắt ông, một ngày kia ông ta mới nói, “Ngày mai. Trung Úy Sơn sẽ đến đón ông tại khách sạn. Hãy chuẩn bị để đi xa nhiều ngày.”

Ngày hôm sau anh Fred đặt hết dụng cụ vào đằng sau một chiếc Jeep của quân đội, leo vào ghế sau trong khi tôi ngồi ở ghế trước với Trung Úy Sơn. Ông Sơn là một sĩ quan Biệt Động Quân trẻ tuổi, gọn ghẽ, từng được huấn luyện mấy tháng tại Hoa Kỳ. Tiếng Pháp rất kém của tôi và tiếng Anh cũng rất kém của ông Sơn cũng đủ cho chúng tôi nói chuyện trong lúc xe chạy ra ngoại ô về phía Bắc Sài Gòn. Tuy còn trẻ tuổi, Trung Úy Sơn lại là người có rất nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh. Ông kể cho tôi nghe rằng ông xuất thân từ một gia đình ái quốc. Ông và hai người anh đã gia nhập lực lượng Việt Minh trong cuộc chiến chống Pháp. Ông là một trong những thiếu niên vác đạn trong những ngày cuối cùng của trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954. “Thế nhưng chúng tôi muốn có một đất nước tự do,” Trung Úy Sơn nói thêm. “Gia đình tôi không đánh Pháp để rồi bị cai trị bởi Hồ Chí Minh.” Ông nhún vai và cười, “Thành thử bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục tranh đấu. Ông sẽ thấy có rất nhiều người như chúng tôi trong lực lượng Biệt Động Quân.”

Chúng tôi ngủ đêm trong một kho hàng bỏ phế tại thị trấn Bến Cát, cùng với Trung Úy Sơn và nhóm của ông, Đại Đội 150 Biệt Động Quân. Ông Sơn giới thiệu hai đứa tôi với những người lính trong trung đội của ông. Chúng tôi trịnh trọng bắt tay từng quân nhân, nghe ông Sơn đọc một bài diễn văn ngắn với những người lính. Sau đó ông cười toe với chúng tôi, “Tôi nói với họ hãy chăm sóc quí vị vào ngày mai.”

Khi bóng đêm phủ xuống, ông Sơn mang thức ăn, cơm và thịt trong một thứ nước sệt nặng mùi (thịt kho, lời người dịch). Tôi hỏi, “Món gì đây?” Ông Sơn trả lời, “Tôi không biết phải nói sao với ông. Thôi ông cứ ăn và đừng hỏi nữa.” Ông ta cười lớn. Ông mang cho tôi và anh Fred hai chiếc giường, trong khi chính ông cùng những người lính đã trải chiếu nằm dưới đất. Tôi nói, “Tôi không thích được ưu đãi như thế này. Chúng tôi đã chuẩn bị để sống y hệt như các bạn.” Ông Sơn đưa một tay lên và nói, “Các bạn là quí khách của chúng tôi.”

Các sĩ quan tụ tập trong một góc phòng, nghiên cứu bản đồ bên dưới một bóng đèn điện treo lòng thòng từ trên trần nhà. Vào sáng hôm sau ba trung đội Biệt Động Quân được lệnh di chuyển xuống phía Nam, tiến vào một dải đất nằm giữa sông Sài Gòn và một con kinh. Cuộc hành quân là nhằm bao vây một lực lượng Việt Cộng mà những người lính Biệt Động Quân cho rằng rất nhỏ. Nhóm Việt Cộng hoạt động trong một khu vực được gọi là An Điền. Trung đội của ông Sơn là hàng lính tiến vào giữa trọng tâm của khu vực. Trung Úy Sơn tỏ vẻ ái ngại khi nói với chúng tôi, “Chúng ta không đi bằng đường đất. Tôi xin lỗi. Hai bạn sẽ bị dính bùn vào giày.”

Chúng tôi leo lên những chiếc xe vận tải của nhà binh trước khi mặt trời mọc. Sau một đoạn đường rất ngắn, đoàn xe dừng lại bên cạnh một bìa rừng. Trong bóng tối, những người lính đã yên lặng đội nón sắt, cầm thẳng súng, đeo những băng đạn vào thắt lưng. Ở đâu đó từ đằng sau lưng, tiếng đạn đại bác 155 li bắn qua đầu chúng tôi, nhắm vào khu rừng trước mặt. Chúng tôi đi bộ vào trong rừng, tiến tới từng bước một - tiến tới gì? Tôi không biết. Tiến tới cái gì đó nằm ở trong rừng.

Khi trời ửng sáng, thỉnh thoảng tôi có thể thấy chúng tôi đi ngang qua những khóm nhà hoang phế ở trong rừng. “Không có ai ở nhà,” ông Sơn nói. “Sợ chúng tôi, sợ đối phương. Luôn luôn chạy trốn.”

Tiếng đạn đại bác ngưng một thời gian. Buổi sáng trở nên yên lặng, ngoại trừ tiếng động của khoảng ba mươi đôi giày lính di chuyển trên mặt đất. Chúng tôi ra khỏi khu rừng, trèo qua một hàng rào kẽm gai và lội một dặm qua những đồng lúa. Anh Freddy và tôi đi vài bước trước mặt người dẫn đầu hàng lính. Chúng tôi thâu hình đội lính tiến về phía trước. Buổi trưa đang trở nên nóng hơn. Tôi nghĩ rằng chắc không có gì xảy ra. Thôi thì ít nhất chúng tôi cũng thâu được hình ảnh những người lính hành quân qua những cánh đồng.

Đúng lúc chúng tôi đến một con đê cao hơn mặt ruộng, một tràng tiếng đạn bỗng nổ vang từ hàng cây nằm bên kia con suối, cách chúng tôi khoảng nửa dặm. Tiếng súng nổ mỗi lúc một lớn hơn, gia tăng âm độ và cường độ cho đến khi tất cả tiếng đạn trở thành một tiếng nổ lớn liên tục. Chúng tôi có thể thấy bóng người chạy thấp thoáng ở hàng cây và nghe tiếng kêu la của họ.

Trung Úy Sơn hét lệnh cho những người lính của ông. “Phục kích!” ông nói cho tôi biết. “Trung đội bên kia đã rơi bẫy. Họ đang cần chúng tôi ngay bây giờ.” Nói xong ông rút một khẩu súng lục 45, đưa súng lên cao và vẫy qua đầu, chỉ huy trung đội của ông tiến vào trận đánh. Các quân nhân chạy theo ông. Họ lội qua suối phóng về phía hàng cây đang có giao tranh. Anh Fred và tôi cầm máy chạy theo họ. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm được, để vừa thâu hình các quân nhân chạy tới trước, vừa thâu âm thanh của cuộc đụng độ mà không bị họ bỏ rơi quá xa.

Đến khi chúng tôi chạy tới hàng cây thì tiếng súng giảm xuống. Thỉnh thoảng có tiếng nổ hàng loạt lẻ loi từ trong rừng sâu. Tôi thấy những tử thi nằm rải rác khắp nơi ven bìa rừng. Hầu hết tử thi là những người lính Biệt Động Quân, ngoại trừ hai xác Việt Cộng trong bộ áo bà ba đen rộng. Một trong hai du kích Việt Cộng nằm bên cạnh một khẩu súng trường Browning nặng nề. Người còn lại chỉ có một thanh mã tấu.

Trung Úy Sơn ra lệnh cho trung đội của ông dừng lại bên hàng cây. Theo lệnh của ông mỗi người lính lấy ra một chiếc khăn trắng và buộc vào cánh tay trái. Ông cũng trao khăn trắng cho chúng tôi. “Để chúng ta không bắn lầm nhau,” ông giải thích. “Chúng ta sẽ tiến rất chậm. Hai bạn hãy đi sát bên tôi.”

Các quân nhân dàn rộng dọc theo hàng cây. Nghe lệnh của Trung Úy Sơn, mọi người cùng tiến vào rừng. Chúng tôi đi dò từng bước được năm mươi thước, rồi một trăm thước, mỗi người lính cẩn thận nghe ngóng động tĩnh ở phía trước. Chúng tôi gặp thêm những xác chết. Chúng tôi đi ngang qua một Biệt Động Quân đã bị thương và đang tìm cách ngăn chặn máu chảy từ vết thương trên ngực của một đồng đội. Trung Úy Sơn ngừng lại vài giây để nói chuyện với quân nhân bị thương. Sau đó ông tiếp tục chỉ huy chúng tôi tiến tới rất chậm trong sự im lặng. Anh Fred nói thì thầm với tôi, “Kinh rợn như địa ngục.”

Cuối cùng chúng tôi đến một con đường đất dẫn ra một bãi đất trống nằm giữa rừng. Trong bãi đất này có một ngôi chùa bỏ hoang và một căn nhà không còn mái che. Trung Úy Sơn ra hiệu cho bốn quân nhân lục soát bên trong ngôi chùa và căn nhà. Họ dùng báng súng đập tung cửa chùa và tiến vào bên trong. Trống trơn. Họ cẩn thận bao vây căn nhà trước khi xông vào. Trống trơn. Nhóm truy lùng trở lại với chúng tôi ở giữa bãi đất trống. Chúng tôi đứng thành một vòng tròn, mỗi người dóng mắt về hướng rừng cây im lặng bao quanh. Và rồi địa ngục bung mở tán loạn. Khu rừng chung quanh chúng tôi bỗng nổ tung. Tiếng đạn kêu lạch cạch liên hồi, bao vây chúng tôi trong âm thanh rền vang điếc ngộp đất trời. Sau một hoặc hai giây tôi mới nhận ra tất cả những tiếng nổ chỉ cách chúng tôi có mấy thước, và những họng súng đều nhắm vào chúng tôi. Tôi nhìn quanh tìm chỗ ẩn. Không có một nơi nào ngoại trừ một khoảng đất trũng không sâu nằm giữa bãi trống. Fred và tôi cùng nhảy vào khoảng trũng này. Chúng tôi có thể thấy những bóng người đằng sau thân cây đang nhắm mũi súng bắn về phía chúng tôi. Thật khó có thể tin được trong lúc nguy hiểm như thế này mà Fred vẫn làm phận sự của một chuyên viên thâu hình. Anh đổi ống kính, dùng ống dài hơn. Sau đó anh chống cùi chỏ trên mặt đất, chĩa máy bắn ngược về phía đối phương.” Đừng quay nữa!” tôi la lớn. “Cúi đầu thấp xuống!”

Anh Fred Dieterich vẫn nói rất bình tĩnh, “Charlie à, tôi nghĩ đây là đúng lúc rồi. Thâu hình cho họ biết chuyện gì đã xảy ra cho chúng ta.”

“Kệ mẹ chuyện thâu hình!” tôi vẫn hét lên. “Đây không phải lúc! Cúi đầu xuống đi!”

Chúng tôi tìm cách giải cứu trung đội đầu tiên thoát ra khỏi một vòng vây phục kích, và rồi giờ đây chính chúng tôi cũng bước vào một bẫy phục kích. Tuy đang cúi sát đầu xuống mặt đất, tôi vẫn có thể nhìn quanh, nhận thấy chúng tôi đang gặp khó khăn kinh hoàng. Nhiều người lính Biệt Động Quân bị trúng đạn trong đợt nổ súng đầu tiên. Họ nằm chung quanh chúng tôi trong bãi đất trống, chết hoặc bị thương. Tuy thế, những người lính còn đứng vững đã phản công với sự can đảm tột cùng. Một quân nhân cầm một khẩu súng nổ không ngừng ở trong tay, chạy thẳng vào đối phương ẩn núp ở trong rừng. Anh chạy cho đến khi bị kẻ địch bắn gục bên ngoài bìa rừng. Anh té xuống đất mà ngón tay vẫn còn bóp chặt vào cò súng. Từ nòng súng của anh hàng loạt phát đạn bắn lên không trung.

Những quân nhân khác đã giữ vòng phòng phủ, chống trả mãnh liệt với những phát súng bắn vào rừng. Trung Úy Sơn bị trúng đạn ở một cánh tay, thế nhưng ông vẫn chiến đấu như thường. Ông quì bên cạnh một quân nhân giữ máy truyền tin. Ông quay tay cầm của máy truyền tin chạy bằng máy phát điện từ trường, với hy vọng liên lạc với bộ chỉ huy sư đoàn và xin tiếp viện. Anh Fred và tôi bò lại gần vài thước, để thâu hình ảnh ông Sơn liên lạc với bộ chỉ huy. Những viên đạn bắn tung mặt đất chung quanh chúng tôi. Ông Sơn không quan tâm đến những phát đạn, vẫn tiếp tục quay máy nhiều vòng. Sự cố gắng của ông cũng vô ích. Không có ai trả lời. Chúng tôi ở bên ngoài vòng phát tuyến.

Đến lúc đó người lính truyền tin bỗng có một hành động rất can đảm mà tôi phải sửng sốt, chưa từng thấy trong đời. Người lính này trẻ tuổi, có lẽ không tới mười bảy hoặc mười tám. Không nói một lời nào, anh thò tay vào trong túi đeo, lấy ra một cuộn dây kim loại. Anh quấn một đầu dây vào ăng-ten của máy truyền tin. Sau đó người lính trẻ tuổi nhanh chân chạy đến một cây cao, vừa chạy anh vừa thả cuộn dây. Đến gốc cây anh ngậm đầu dây còn lại ở trong miệng và leo thăn thoắt lên thân cây, bất kể những viên đạn đang bay vụt ở chung quanh. Anh buộc đầu dây vào một nhánh cây cao, tuột xuống mau chóng, chạy trở về máy truyền tin mà không hề bị sây sướt một chút nào. Anh vội vàng quay máy nhiều vòng. Trung Úy Sơn nằm bên cạnh máy truyền tin, nói vào đầu vi âm và liên lạc được với bộ chỉ huy. Ông đọc tọa độ của đơn vị trên một bản đồ, trao đầu máy cho người lính truyền tin. Quay sang anh Fred và tôi, ông Sơn nói, “Nằm sát xuống. Không sao. Họ sẽ gửi lính nhảy dù.”

Tiếng súng giảm dần. Tôi không còn thấy Việt Cộng trong rừng cây mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nghe có tiếng súng bắn qua lại ở đâu đó. Hai quân nhân đến băng bó cánh tay của ông Sơn, rồi cả ba người ôm túi thuốc, bò đến những người lính bị thương nằm ở chung quanh. Họ lôi được nhiều thương binh vào bên trong bức tường của ngôi chùa, nơi mà hầu hết những người lính rơi vào một cơn chấn động thần kinh tột độ, tắt thở trong lúc chờ đợi đội nhảy dù tiếp viện như lời hứa hẹn.

Lúc bấy giờ ông Sơn đứng dậy, đi lại trong khu đất trống. Ông nói những lời khích lệ dành cho các quân nhân còn sống. Ông đến quì bên cạnh Fred và tôi. “Chúng tôi gần hết đạn,” ông nói. “Tôi muốn ông biết điều này. Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ bị tấn công thêm nữa đâu. Tuy thế, trong trường hợp chúng ta bị...”.

Một phát đạn vừa bay ra từ trong rừng. Viên đạn bắn trúng đằng sau nón sắt của ông Sơn, bay xuyên qua vành phía trước. Ông lao tới phía tôi và té xuống đất.

Ban đầu vết thương trông có vẻ rất nhỏ. Tôi ôm đầu ông vào ngực tôi. Tôi lượm một mớ lá cây nằm dưới đất và tìm cách nhét vào vết thương, với hy vọng máu sẽ ngưng chảy.

Tôi còn nhớ viên đạn bắn chết ông Sơn cũng là viên đạn cuối cùng trong trận đánh ngày hôm ấy. Lính nhảy dù có đến trong những chiếc xe nhà binh. Đám du kích Việt Cộng biến mất trong rừng, mang theo những đồng đội tử trận hoặc bị thương. Chúng tôi đi bộ vài dặm xuống một con đường và tập họp tại một ngôi trường làng. Trên sàn nhà tôi lượm được một tờ bích chương mà sau đó tôi có nhờ người khác chuyển ngữ. Tờ bích chương viết: “Không cho cộng sản gạo. Không cho cộng sản tin. Không cho cộng sản vào nhà.” Tờ bích chương nằm trên sàn nhà vì những người cộng sản đã phá hoại ngôi trường một đêm trước đó.

Một viên đại tá chỉ huy trưởng Biệt Động Quân đến trường học trong một chiếc xe jeep. Ông cho Đại Đội 150 xếp hàng và nói với họ, “Các anh là những người lính chiến đấu rất anh dũng. Các anh ngăn chặn một lực lượng quân thù đông gấp năm lần. Đừng nghĩ đến những người đã chết. Các anh chiến đấu cho một mục tiêu cao cả và các anh sẽ chiến thắng.”

Thế nhưng mười chín quân nhân trong đại đội đã không có mặt để nghe đại tá nói. Họ tử trận trong ngày hôm ấy. Trong số những quân nhân này có hai sĩ quan, Trung Úy Sơn và vị đại đội trưởng. Tôi thấy có ít nhất mười một người bị thương; có thể còn có những thương binh khác mà tôi không biết.

Viên đại tá chỉ định một chiếc xe lính đưa Fred và tôi về Sài Gòn. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau chúng tôi trở về trong sự an toàn của một thành phố dịu dàng. Chúng tôi đi rộn ràng giữa những đại lộ thênh thang. Đó đây có những người đạp xe qua lại. Những quán cà phê bên vỉa hè vẫn đông người. Chúng tôi đến trước cửa khách sạn Majestic trước khi trời tối và băng qua phòng tiếp khách để đến cửa thang máy, mang theo những dụng cụ lỉnh kỉnh ở trên tay. Người ta đã quay đầu nhìn vì chúng tôi quá dơ bẩn, không có vẻ phù hợp với khung cảnh của một khách sạn sang trọng. Áo của tôi đã thấm đầy máu của Trung Úy Sơn.

Từ đó tôi không bao giờ quên được Trung Úy Sơn. Trong suốt những năm tháng của cuộc chiến Việt Nam, tôi vẫn nhớ đến ông ấy. Tôi trở lại Việt Nam nhiều lần, tham dự những cuộc hành quân khác ở miền quê - đến những lần sau này với quân đội Hoa Kỳ - và còn chứng kiến những con người tốt lành bị bắn chết trong những bãi đất trống bên cạnh rừng già. Trong lúc cuộc chiến vẫn kéo dài như không có một kết cục và số thương vong Mỹ mỗi lúc một cao hơn, tại Hoa Kỳ người ta có một phong trào cho rằng những thanh niên Mỹ bị thiệt mạng một cách vô nghĩa. Tất cả những bạn đồng nghiệp của tôi đồng ý với nhau rằng đó là một cuộc chiến vô đạo đức, trong đó đế quốc Mỹ chống lại ước nguyện của “nhân dân Việt Nam.”

Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Những người Việt Nam mà tôi được gặp đều không muốn có chiến tranh. Họ muốn được sống yên trong hòa bình. Thế nhưng người ta không cho họ được yên thân. Họ bị xâm lăng bởi một đạo quân từ miền Bắc xuống miền Nam theo lệnh của một chính quyền mà họ thù hận. Tôi nhớ đến ông Sơn, một người ao ước được thấy một Việt Nam tự do đến nỗi ông sẵn sàng chiến đấu cho lý tưởng này, mặc dù tuổi tranh đấu của ông đã qua lâu rồi. Tôi nghĩ đến những người lính trong Đại Đội 150, người cầm súng xông thẳng vào rừng, người leo lên cây với dây ăng-ten truyền tin ngậm chặt trong răng. Tôi đã nghĩ, và tôi vẫn nghĩ rằng công lý và đức hạnh luôn sống với những người can đảm ấy. Tôi thù ghét mỗi khi trở lại Việt Nam sau này và nghe những người lính như thế bị gọi là “gooks” bởi chính các quân nhân cùng xứ của tôi.

Những người lính đã sống qua cuộc chiến - trong đó không có là bao quân nhân Biệt Động Quân - giờ đây phải vào những trại “học tập cải tạo.” Sài Gòn xinh đẹp, thư thả năm xưa nay trở thành thành phố Hồ Chí Minh. Vết thương của cuộc chiến Việt Nam đang lành lặn tại Hoa Kỳ. Ở Mỹ, hầu hết mọi người không còn nhớ rõ lắm về cuộc chiến hoặc không còn ghi nhận những mơ ước của “nhân dân Việt Nam.”

Trong những dịp về Hoa Thịnh Đốn, thỉnh thoảng tôi vẫn đến Đài Tưởng Niệm Cuộc Chiến Việt Nam. Trên bức tường đen có khắc tên của một số quân nhân mà tôi từng quen biết. Tôi nghĩ đến họ. Lẽ đương nhiên bức tường đen không có tên của ông Sơn, tuy thế tôi cũng nghĩ đến ông.

Tôi chỉ biết ông có một ngày.

Tôi đã quên không hỏi để biết đầy đủ tên họ của ông.

***


Tôi được đọc “Trung Úy Sơn” trong một ngày bị bệnh. Cơn sốt nóng từ ban đêm khiến cho tôi khó ngủ vào ban ngày. Giữa những cơn chóng mặt lúc đứng dậy và nằm uể oải không thể chìm vào giấc ngủ, tôi lật cuốn sách đã mua từ lâu mà chưa có dịp được xem. Đến khi nhẩm đọc hết hàng chữ cuối cùng của “Trung Úy Sơn” tôi ứa nước mắt. Tôi xúc động vì đã được nhìn thấy một phần nào quá khứ tối tăm của tôi. Phần quá khứ ấy có liên hệ đến cha tôi.

Ông tử trận vài năm sau Trung Úy Sơn tại một nơi nào đó ở Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam. Tôi còn nhớ ngồi bên cạnh mẹ trong một chiếc xe nhà binh. Bà quàng khăn tăng, ôm em tôi trong lòng, gục khóc bên quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi không nhớ mình có khóc cha trên chuyến xe từ Tuy Hòa về Nha Trang.

Cha tôi biến mất trong cuộc đời từ khi tôi được năm tuổi. Không chỉ biến mất theo nghĩa thể xác, ông cũng không còn trong trí nhớ. Trong nhiều năm tôi cho rằng ông cố tình rời xa mẹ tôi, cố ý bỏ rơi hai anh em tôi trong một xóm nghèo. Đời sống thiếu thốn đã khiến cho tôi có lúc căm giận, tìm những lý do để gạt hẳn ông ra ngoài hơi thở mỗi ngày. Ngoài bức hình để trên một bàn thờ rất ít khi được thắp nhang, chúng tôi chỉ nghĩ đến cha vào mỗi dịp viếng mộ đầu năm. Tôi không nhớ cha đã đành, mẹ tôi cũng hiếm khi nhắc đến ông. Tôi nghĩ quãng đời thiếu vắng một tấm chồng ở tuổi thanh xuân đã để lại trong mẹ tôi một quá khứ đớn đau mà bà sẵn sàng từ bỏ một khi rời khỏi Việt Nam. Rủi ro cũng tẩy đi gần hết những dấu vết của cha. Rơi rớt dọc theo con đường lánh nạn là mấy bức hình đen trắng, vài lá thư mỏng lòe mực của cha tôi. Ngay cả tờ giấy khai tử cũng biến mất, xóa luôn ngày tháng tử trận của một người lính gần như vô danh.

Cũng may tôi còn ôm được một tấm hình của cha. Tuy sóng biển trên hành trình từ Sài Gòn qua đảo Guam đến đất Mỹ trong biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 đã ăn hết phân nửa bức hình, cha tôi cũng cố gắng để lại một đôi mắt buồn, đôi mắt nhìn xuống của một thanh niên mới trên tuổi đôi mươi. Có lẽ vì đôi mắt tủi buồn đó mà sau hơn hai mươi năm đẩy ông ra khỏi cuộc sống, một ngày kia tôi bỗng quay lại tìm cha trong quãng quá khứ bị phai mờ. Tìm lại ông quá khó. Ông không có bạn bè, không người thân, không đồng đội còn sống và cũng không quá khứ ngoài vài mẩu chuyện mà mẹ tôi thường kể. Mỗi lần mẹ kể câu chuyện lại khác đi, như những đám mây tan bay trong một buổi chiều sắp tắt nắng. Ngày cha tôi mất cũng vậy, bà chỉ nhớ mang máng là một ngày rằm, có lẽ rằm Phật Đản của năm 1965. Tôi không biết ông chết như thế nào? Ở đâu, giữa một cánh đồng, trên núi hay trong rừng? Ông có đau đớn không? Ông bị bắn hay đạp trúng mìn? Ai bắn ông? Xác ông có còn nguyên vẹn? Ông có thoáng nghĩ đến anh em tôi trước khi nhắm mắt? Có ai ôm lấy ông trong lúc ông trút hơi thở cuối cùng? Có phải ông đã chết một mình?

Có lẽ suốt đời tôi lúc nào cũng có một khoảng trống trong quá khứ ấy, những câu hỏi không bao giờ có câu trả lời. Đó là lý do khiến tôi ứa nước mắt sau khi đọc xong “Trung Úy Sơn.” Trong cái chết của Trung Úy Sơn tôi chợt nghe tiếng đạn bắn trúng cha tôi, bắn trúng những người lính một buổi sáng thầm lặng bước vào rừng và một buổi chiều trở về bên dưới tấm khăn phủ tối om. Những người lính không còn ai nhớ đến, không có đài liệt sĩ cũng không một bức tường đen, và cũng không chắc còn được một tấm bia trên phần mộ ở quê nhà.

Tưởng niệm 30 Tháng Tư

Hoàng Mai Đạt dịch
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn