BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73323)
(Xem: 62234)
(Xem: 39423)
(Xem: 31169)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gặp lại chất thơ Huy Phương 60 năm trước

25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 1117)
Gặp lại chất thơ Huy Phương 60 năm trước
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hồi ở tuổi 15, tôi có đọc được một số thơ của tác giả Huy Phương đăng trên tuần báo “Đời Mới” ấn hành tại Sài Gòn từ 1951 đến 1955, trong đó có bài thơ nhan đề “Cát Lạnh” được lựa chọn đăng trang trọng nguyên một trang với hình vẽ màu xanh nhạt, kỹ thuật khá tân tiến về in ấn vào thời ấy. Tuần báo này do ông Trần Văn Ân làm chủ nhiệm, và chủ bút là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh.

Tôi vẫn nhớ mãi bài thơ ấy, nhớ đến chất thơ lặng lẽ của một người một mình trước cảnh vật hoang sơ. Một mình không bao hàm tính cô đơn về lứa đôi, vì có lẽ lúc ấy ông Huy Phương chỉ độ 16 tuổi. Chỉ nhớ chất thơ mang tính thầm thì trước cảnh vật hoang sơ, nhưng không nhớ một câu thơ nào, tuy vậy vẫn nhớ ấy là một bài thơ bảy chữ, khoảng năm hay sáu đoạn. Tìm hỏi thì nhà thơ Huy Phương cũng không nhớ và không lưu giữ, kể như bài thơ đã hoàn toàn mất tích.

Lấy khoảng giữa từ năm 1951 đến 1955 của sự hiện diện tuần báo ấy, độ năm 1953 và cho đến nay 2013, vậy là đã 60 năm trôi qua mà người viết bài này còn nhớ đến chất thơ của Huy Phương. Sở dĩ nhớ chất thơ “thì thầm trước cảnh vật hoang sơ”, vì tôi có những cảm thức tương tự do đồng cảnh. Còn đồng tâm thì chắc rất nhiều người đồng tâm, vì đa số chắc cũng từng giao cảm lặng lẽ với thiên nhiên tiêu điều, thứ cảm thức bâng khuâng do buồn bã về một điều gì không rõ rệt. Vậy ở đây xin chỉ nói hơi nhiều về đồng cảnh.

Tôi cũng có đọc một số thơ của vài tác giả nữa cũng trong tuần báo “Đời Mới” ấy, và những điều họ viết có nội dung rõ ràng khiến ta dễ nhớ. Như Tạ Ký với một bài thơ nhớ quê hương Trung Phước của ông ở tỉnh Quảng Nam; như Thanh Thuyền có vài bài thơ nhắc hoài về một chuyến đi; như Đỗ Hữu và Vân Long trong đôi bài thơ đậm tình với rừng núi (thơ Vân Long nói về khách đường rừng một lần qua, còn thơ Đỗ Hữu thể hiện đang là người trú ngụ quanh năm trong rừng); như Kiên Giang cố hữu với tình quê chốn đồng bằng Nam bộ; như Mai Băng Phương rõ là thơ tình trong bối cảnh dạ hội đèn hoa quanh Hồ Gươm Hà Nội... Không kể thỉnh thoảng ai đó lấy thơ của Quang Dũng và Hữu Loan gửi đăng trên “Đời Mới”. Ta biết chắc ai đó lấy gửi đăng, không phải do chính tác giả gửi, vì phần lớn là thơ tình của Quang Dũng (không thấy xuất hiện bao giờ bài thơ “Tây Tiến” hay “Đôi Bờ” của ông: Lý do các bài thơ ấy có đôi chỗ nói về chiến khu chống Pháp).

Trong khi đó thì bài thơ “Cát Lạnh” của Huy Phương không rõ rệt về nội dung nói về điều gì. Nhưng bâng khuâng trước cảnh vật hoang liêu cũng là nội dung, nội dung của cảm thức mơ hồ. Do đồng cảnh mà tôi nhớ hoài bài thơ ấy, cảnh những con suối trơ cát bãi mà ta thường thấy khi xe lửa đến khu vực đường rừng mà tàu xuyên Việt đi qua thuộc ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa mà thời thơ ấu người viết bài này có đôi lần đi qua hay đã từng cư ngụ trong một thời gian ngắn. Thời thơ ấu, mẹ tôi đi buôn hàng sĩ rau sống từ Đà Lạt phân phối cho các tỉnh Nam Trung bộ, vận chuyển bằng xe lửa; rồi sau này gặp cha kế của tôi là công chức ngành hỏa xa, cho nên tôi biết nhiều về bối cảnh rừng núi Nam Trung bộ (do mẹ gởi gắm trú ngụ một thời gian ngắn ở nhà người quen; hoặc do cha kế của tôi thường xuyên cứ vài năm đổi nơi công tác ở nhà ga xe lửa và gia đình phải đi theo).

Nhưng bối cảnh trong bài “Cát Lạnh” nhà thơ Huy Phương nói đến ở tỉnh Thừa Thiên. Tuy vậy, những con suối trơ ra cát bãi khi đã qua rồi mùa mưa nước lũ từ Trường Sơn đổ về, có lẽ đều giống ở khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Tôi thấy nó cũng hao hao như con suối chạy dọc dài làng Phú Hội gần Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, bờ suối rất cao với lũy tre đánh dấu mực nước dâng về mùa mưa, nhưng Mùa Hè thì lòng suối sâu hoàn toàn cạn nước. Hoặc như dòng sông có cầu xe lửa bắc qua thuộc thị trấn Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, bãi cát trơ ra rất rộng, giữa lòng sông chỉ còn một lạch nước chảy lặng lờ. Vào học lớp nhất trường tiểu học Tháp Chàm năm 1950, đến nay tôi vẫn nhớ ngày thầy giáo (còn nhớ thầy tên Ái Huyên) dẫn học sinh đi cắm trại trên bãi cát trắng ấy. Dù mới học lớp nhất (lớp cao nhất của bậc tiểu học), tôi cũng có những cảm thức buồn vu vơ như trong bài thơ “Cát Lạnh”. Vì vậy, có sợi dây đồng điệu khiến tôi không quên bài thơ dù chẳng nhớ một câu nào.

Đọc tập thơ mới xuất bản của Huy Phương, thi phẩm “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già”, ta nhận thấy chất thơ “thì thầm lặng lẽ trước cảnh vật hoang sơ” chỉ còn hiện diện trong vài câu, phần lớn tập thơ in dấu thời thế đầy biến cố từ 1954 đến 1975 và còn kéo dài đến năm 2013 tại hải ngoại (năm thi phẩm được xuất bản tại Irvine, Nam California). Mặc dù tập thơ chỉ có 112 trang, nhưng ta thấy tác giả để lại trong chữ nghĩa những dấu vết biến cố, về chiến tranh, về cuộc lui binh, về vượt biên, về tù cải tạo, về lối sống nơi chốn định cư tại Hoa Kỳ. Xin chỉ nêu ra đây những câu thơ làm người viết bài này thấy có ấn tượng, dĩ nhiên còn nhiều ấn tượng khác đối với người khác. Đó là những câu trách người nghe thật hay mà trách mình cũng rất đặc sắc. Đó là những câu thuộc về bi kịch đời người, thương cảm đời lính chiến một đi không trở về, hoặc khóc con trên đường đi biển mất tích.

Không hiếm những tài liệu nói về cuộc lui binh của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1975, như sai lầm chiến lược ra sao để có cuộc triệt thoái gần như vô trật tự để bỏ Tây Nguyên; tại sao có sự vội vàng rút các sư đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến ở vùng I Chiến Thuật. Những bí ẩn thuộc về cấp thật cao của chính quyền lúc bấy giờ. Bị ảnh hưởng dây chuyền mà có các cuộc lui binh ồ ạt, hỗn loạn. Điều ấy thể hiện trong vài câu thơ hay của Huy Phương, và vì đây là những câu thơ hay nên nó gây ấn tượng cho độc giả. Xét về nghệ thuật thì là thơ đặc sắc, nhưng xét về tác dụng thì có thể làm cho đôi người không hài lòng:

... Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.


Hãy quên tôi đi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi...
(Trích bài: Chúc Thư)

Đó là trách người. Còn tự trách mình, tác giả Huy Phương lại sáng tác lắm câu thơ đặc sắc. Nhưng ta nhận thấy sự tự trách mình thực ra là trách nhân tình thế thái, vì đáng hoài nghi khi tác giả tự thấy mình bạc bẽo (biết bạc bẽo thì không thể bạc bẽo); ý thức mình cố ý quay lưng thì thực sự không quay lưng với bạn đã từng tử tế với mình; và cấp sĩ quan nhỏ thì làm sao cứu nỗi cái thành đang cháy; nếu bỏ chạy (như tác giả tự trách) lúc đang đánh nhau thì khó thoát sự trừng phạt ngay tức khắc của cấp chỉ huy, cho nên sự tự trách này chưa hề xảy ra; và điều tự e ngại lòng mình nay đổi thay thì cũng chưa xảy ra, chỉ mới lo xa:

... Tạ ơn Em cho đời anh bóng mát
Với tình yêu thường mộng mị thần tiên
Mà lòng anh còn sân si bạc bẽo
Chỉ cho em toàn những nỗi ưu phiền.


Tạ ơn mày, người bạn thời thơ ấu
Vẫn theo nhau thuở bắt dế ngoài đồng
Ta lớn lên thường mấy khi ngó lại
Có gặp, thời cũng làm lạ, quay lưng.


Tạ ơn bạn, người một thời chiến hữu
Ta bên nhau trong trận mạc mỗi ngày
Một miếng lương khô, một bình nước suối
Tôi bỏ đi lúc lửa cháy thành vây.


Tạ ơn Anh, người bạn tù khốn khổ
Đã cho tôi hơi ấm chiếc lưng gầy
Đêm Hoàng Liên Sơn mùa đông buốt giá
Tôi sợ lòng tôi nay đã đổi thay...
(Trích bài: Kinh Tạ Ơn Của Một Người Bội Bạc)

Tính chất thời thế trong thơ Huy Phương thể hiện minh bạch ở những câu thơ về chiến tranh và những mất mát khi vượt biên bằng đường biển mà càng thêm cụ thể khi chính con gái của ông đã biệt tích trên đại dương. Đau khổ chiến tranh thì có quá nhiều trong thơ của đa số người Việt, gồm cả hai miền, gồm cả trong nước và nơi hải ngoại. Cụ thể như trong cuốn “Xóm Vắng”, nhà văn Dương Thu Hương cũng có mô tả những mất mát tương tự thuộc phe bên kia khi xảy ra các cuộc tháo lui hoặc tao-ngộ-chiến. Và những hiện tượng ma hiện sau những cái chết nơi trận địa được nhà văn hư cấu rất huyền ảo siêu thực.

Xin trích vài câu thơ Huy Phương tô đậm tính chất tàn khốc, tác giả muốn làm cho ta biết biến cố đã xảy ra trong bối cảnh bước đường cùng của cuộc lui binh trên một bãi biển. Cách mô tả có tính chất gây ấn tượng linh hiển, tác giả cũng muốn cho ta đồng cảm về những hiện tượng siêu hình:

... Trước cửa nhà, ai đang dừng lại
Phải chăng, người lính trận trở về
Nghe tiếng chân người trên lối sỏi
Không, chỉ là tiếng gió đêm khuya...
(Trích bài: Gửi Người Đã Chết)

Có một bài thơ nói về trường hợp con gái của ông mất tích trên đường vượt biển vào năm 1987. Ra đi trên các con thuyền đi sông mà lại dùng cho đi trên đại dương là rất liều lĩnh. Sự may rủi phó thác cho số mệnh. Nếu ra đi vào Mùa Xuân thì biển rất yên lặng, chỉ sợ những cơn bão bất chợt hình thành do tầng cao thay đổi luồng không khí nóng lạnh, cũng ít xảy ra hiện tượng bất thường này. Mùa nào cũng được con người tiên liệu nên đi hay nên chờ đợi, nhưng nhiều khi cấp bách do hoàn cảnh mà thuyền phải lên đường trong mùa bão tố. Nhưng tai nạn cũng có thể do con người tạo nên, đó là nạn hải tặc, nằm ngoài dự kiến của những người tổ chức hải hành dày dạn kinh nghiệm về thời tiết. Đau đớn còn gì hơn nhưng cha mẹ chịu đựng sự mất mát bằng khái niệm định mệnh như bao người trong hoàn cảnh tương tự:

... Con đi theo cánh buồm vượt thoát
Trôi giạt ngờ đâu thảm khổ này
Con ở chốn nào trời biển rộng
Nơi phương Đông này hay phương Tây...
Nếu cuộc sống chỉ là số mệnh
Thôi đành nhìn cuộc thế vần xoay...
(Trích: Bài Hành Khóc Con)

Ta nhận ra tác giả chỉ diễn tả những điều nghĩ như mọi người, ngôn ngữ thơ cũng không có gì mới lạ. Nhưng ta không thể đem việc bình thơ như cần từ ngữ tân kỳ hay ý tưởng cần độc đáo, ở trường hợp làm thơ khóc con. Sở dĩ trích thơ khá dồi dào ra đây là vì ta muốn nhấn mạnh tính chất thời thế về nhiều mặt hiện diện trong thơ của tác giả Huy Phương.

Đặc biệt có một bài thơ bao gồm hai thế hệ mà lại chung ba thời kỳ biến cố lịch sử, có thể nói bài thơ này thể hiện trọn vẹn tính thời thế của thơ Huy Phương. Sự độc đáo hai thế hệ chung mang nhiều hoàn cảnh như thế thường diễn ra ở quan-hệ thầy trò, không thường xảy ra ở quan-hệ cha chú và con cháu. Nói rõ hơn, trong thời Việt Nam Cộng Hòa, nếu thầy giáo chỉ hơn học trò năm bảy tuổi, thì việc thầy có lệnh nhập ngũ, rồi đến trò có lệnh nhập ngũ, không cách khoảng quá lâu.
Trong hoàn cảnh biến cố sau
1975, thầy trò đều là sĩ quan quân đội miền Nam (VNCH) thì thầy trò nhập trại “cải tạo” cùng thời, dĩ nhiên là như vậy.

Trong thơ của tác giả Huy Phương, thêm một trùng phùng hi hữu nữa: Thầy trò cùng một ngôi trường, động viên gặp nhau tại một đơn vị quân đội, thời thế đưa họ cùng gặp nhau trong một tại tù tập trung, và cuối cùng gặp nhau trên đất khách quê người!

(Nếu cùng đi tù tập trung ở Việt Bắc hoặc cùng định cư ở một nước ít có người Việt định cư như Thụy Điển hay Hòa Lan, thì sự trùng phùng giữa thầy trò càng hi hữu đến mức lạ lùng).

Trọn bài thơ đậm chất thời thế thuộc hai thế hệ với ba chung mang hoàn cảnh, như sau:

“Quê hương xưa từ ngày chinh chiến
Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường
Thầy từ đây đã rời xa bục giảng
Trò làm thân chiến sĩ của mười phương.”


Rồi thầy trò cùng chung màu áo trận
Đời chiến binh ai ngờ buổi tương phùng
Tư thế nghiêm, trò giơ tay chào kính
-“Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?”


Gặp vận nước buổi rã rời tan nát
Thân tù đày nơi nước độc rừng thiêng
Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn
-“Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không”?


Giờ lận đận ở quê người phiêu bạt
Tóc bạc phơ, ngày tháng nặng lưng còng
Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt
-“Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không”?
(Bài Thơ: Dạ Thưa Thầy, Thầy Có Nhớ Em Không?)

Thi phẩm mang tên “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già”, nội nhan đề cũng đã chỉ dẫn cho ta biết tính chất thời thế đậm nét trong tập thơ. Ngoài ra còn có tính hiện thực trong một hai bài thơ nói gia đình nghèo, quê hương nghèo của tác giả, và qua đó chứa chan tình thương mẹ, khó quên kỷ niệm dấu yêu thời thơ ấu, đậm đà khẩu vị qua những món ăn thô sơ dân dã. Tính hiện thực và tính thời thế bao trùm, thì còn hay không chất thơ “tiếng thầm thì trước thiên nhiên hoang sơ”? Vẫn còn đó, nhưng chỉ rải rác đôi ba câu. Nhưng vài ba câu đó thôi cũng đủ cho ta thấy chất lãng mạn bâng khuâng không mất tích trong tâm hồn tác giả.

Nó không gặp dịp để thể hiện vì nội dung thi phẩm dành cho sự dàn trải những quãng đời vui ít buồn nhiều: Thời ấu thơ, thời làm thầy, thời làm lính, thời chứng kiến cuộc lui binh, thời đi tù cải tạo, thời định cư ở xứ người, và sau cùng là lời dặn dò trước khi từ giã cõi đời. Có những ngôn từ kết án phe đối thủ mà ta cũng đã thường nghe, và cũng không ít những lời than trách thuộc chiến tuyến của mình, đồng thời không thiếu những câu thơ tự trách chính bản thân.

Chất thơ ngày xưa, dù chỉ còn lại đôi câu trong tập thơ này, nhưng tính nghệ thuật vang vọng mãi vào tâm hồn ta. Buồn buồn như những hạt mưa ban trưa, hoặc heo hút như tiếng vượn hú nơi trùng điệp núi rừng, nhắc nhở tiếng thơ sáu mươi năm trước chưa hẳn đã hoàn toàn mất tích. Từ ngữ tác giả sử dụng không mang nét tân kỳ, thi ảnh cũng là quy ước, nhưng điều ta muốn nói ở đây là tính chất thì thầm:

“Kỷ niệm đã ngủ yên cùng ngày tháng
Giữa trưa nay thức dậy với mưa về
Từng giọt buồn rơi với từng giai điệu
Gối tay gầy anh lặng lẽ nằm nghe.”
(Trích bài: Quê Hương Và Em)

Và tính chất đồng cảm với hiu quạnh, nơi đây chưa bao hàm tính cô đơn do ý thức tình cảm trai gái, như lúc đầu ta có nói đến khi tác giả làm thơ lúc 17 tuổi. Trong khi đi tù cải tạo nơi núi rừng xa biệt ở Hoàng Liên Sơn, nhớ mẹ nhớ vợ thì đã đành, nhưng tiếng thơ trở về với thiên nhiên làm ta nhớ rằng đây là chất thơ vẫn âm ỉ trong tâm hồn tác giả:

“Tiếng vượn hú bên rừng ngàn năm cũ
Ta trở về thời hoang dại ngu ngơ.”


Tóm lại thì sự lắng nghe tiếng thì thầm của cảnh vật và sự hứng cảm về với hoang sơ, ta vẫn còn gặp lại giữa thi phẩm tràn đầy chất thời thế này của tác giả Huy Phương.

Trần Văn Nam

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn