BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73346)
(Xem: 62243)
(Xem: 39428)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông và tôi

30 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 1271)
Ông và tôi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trong đời, có lẽ đây là lần duy nhất tôi được tham dự vào một sự kiện trọng đại như vậy. Một sự kiện mang tầm quốc gia. Không, hơn thế – mang tầm quốc tế. Một sự kiện bi ai nhưng cũng đầy tính chất long trọng và oai hùng.

Đó là đám tang Ông.

Tôi đã có mặt trong hàng người chờ cả ngày trời để được vào viếng Ông. Tôi đã nhiều lần khóc vì sự ra đi của Ông. Có lần nước mắt cứ thế tuôn ra. Có lần nức nở như mưa như gió. Khi đứng trước linh cữu của Ông, ngước nhìn bức chân dung viền đen của Ông, mắt tôi nhòa lệ. Tôi không thấy gì, và đầu óc cũng không nghĩ được gì. Toàn bộ sự tồn tại của tôi chìm trong một nỗi đau thương vì mất mát quá lớn. Có lúc, tôi cảm thấy tôi có thể theo ông ra đi. Vâng, ở cái tuổi 21 của tôi. Tôi cảm thấy như Ông là của riêng tôi, cảm thấy Ông hiểu được lòng tôi. Và bây giờ, con người duy nhất hiểu lòng tôi đó đã không còn trên đời để tôi thầm tâm sự với Ông nữa.

Khi nỗi đau ít nhiều dịu bớt, tôi lại thấy trào lên một niềm hạnh phúc mênh mông. Phải, tôi là một người đồng bào của Ông. Trong 7 tỉ người sống trên mặt đất, chỉ có 9 chục triệu người, tức là gần 80 người mới có một người, có được cái vinh dự là đồng bào của Ông. Nhưng không chỉ có thế. Tôi là một đồng bào đặc biệt. Tôi không thể nói được vì sao, nhưng tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ và sống động rằng giữa tôi và Ông có một mối liên hệ đặc biệt. Nhìn đám con cháu Ông đứng trước linh cữu, tôi cảm thấy rất rõ mình cũng đang đứng trong hàng người đó. Chỉ có điều những người đó không nhận ra tôi. Tôi tàng hình và đứng ngay bên cạnh họ. Tôi có thể cảm thấy rất rõ hơi ấm từ cánh tay hai người con Ông truyền sang hai cánh tay tôi. Mặc dù về tuổi tác, tôi chỉ đáng là cháu chắt của Ông, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy mình như con trai Ông. Bất kỳ ai nếu nghe tôi khẳng định như vậy đều sẽ cho tôi là điên hoặc thấy người sang bắt quàng làm họ. Chẳng ai có thể tin rằng tôi thực sự thấy, không phải chỉ mơ hồ cảm thấy, mà thấy rất rõ điều đó.

Khi hàng trăm chiếc ô tô con màu đen nối đuôi nhau đi chầm chậm sau linh cữu của Ông, rời nhà tang lễ quốc gia để thực hiện chặng đầu tiên trong cuộc đưa tang kéo dài suốt nửa chiều dài đất nước, giữa đám dân chúng gồm hàng trăm ngàn người đứng chật ních hai bên đường để vĩnh biệt Ông, tôi bỗng thấy như mất hồn. Không được đi trong đoàn xe chở những người ruột thịt của Ông và các yếu nhân của quốc gia, tôi lao lên một chiếc taxi, nói với tài xế gần như quát: “Ra ga!”

Còn một ít tiền đủ để đi tàu đến nơi an nghỉ ngàn thu của Ông, tôi hối hả nhảy lên tàu, dường như làm thế thì tàu sẽ chạy nhanh hơn. Mười mấy tiếng trên tàu đối với tôi như mười mấy năm. Tôi điên hết cả người, sẵn sàng mắng tất cả những ai đụng vào tôi, cản trở việc đi lại trên tàu của tôi. May mắn là vì nhiều lúc cảm thấy đôi mắt của Ông đang nhìn tôi như nhắc nhở nên tôi thấy dịu đi phần nào, nếu không thì đã gây ẩu đả trên tàu.

Buổi chiều cùng ngày, tôi đã kịp đến tham dự những nghi lễ cuối cùng trong lễ tang Ông. Khi những nắm đất đầu tiên được rắc lên quan tài của Ông, tôi đau đớn bàng hoàng, còn hơn cả những người con ruột của Ông. Và đêm đó, tôi đã ở lại để cùng con cháu Ông và những người mang ơn và ngưỡng mộ Ông thức canh nơi Ông an nghỉ, trong khi người ta chưa kịp xây phần nổi của mộ Ông.

Như vậy, tôi đã tham dự gần như từ đầu đến cuối lễ tang Ông. Một lễ tang mà thực chất có hàng triệu người tham gia trong nhiều ngày. Một trong những lễ tang lớn nhất trong lịch sử loài người. Tuy vô cùng tiếc thương Ông, nhưng tôi thấy yên tâm vì đã làm tròn bổn phận. Và thực sự tự hào vì vinh dự hiếm có này.

Vĩnh biệt Ông, Người Cha của tôi!

*

Và bây giờ, tôi lại đứng trước tấm thân người cha của tôi. Ông đang chết. Nhưng chưa chết hẳn. Mắt ông đang mờ dần. Khuôn mặt ông tự dưng dúm lại một cách đau đớn. Ông trợn ngược mắt lên, thở hắt ra, rồi ngừng thở hẳn.

Không! Ông không phải là Người Cha của tôi với những chứ cái viết hoa để thể hiện một lòng tôn kính tuyệt đối và vô hạn. Ông chỉ là người cha sinh học của tôi. Cha đẻ của tôi.

Ông đã chết một cách tầm thường. Thậm chí thảm hại. Chết vì bệnh tật và nước lũ, ở tuổi chưa đầy 50.

Từ lồng ngực mẹ tôi phát ra một âm thanh gì đó như tiếng rú, nhưng rất nhỏ, có lẽ do bà kiệt sức. Rồi bà gục xuống bên ông. Không khóc. Không kêu than.

Khi tôi vừa kịp rời nơi an táng Người Cha Tinh Thần của tôi, cơn bão kinh hoàng đã ập xuống. Tôi mơ hồ thấy có trách nhiệm phải về thăm cha mẹ đẻ của tôi ở cách đó chừng 40 km. Vừa bắt xe, vừa đi bộ, vừa tránh những lúc gió mưa quá dữ dội không đi nổi, mãi hai ngày sau tôi mới lội trong nước về đến nhà.

Đến nơi, tôi đã thấy mẹ tôi đang ngồi rũ rượi bên cạnh cha tôi nằm sóng sượt trên gò đất cạnh nơi mà hai ngày trước là nhà tôi. Cạnh bà là anh Tư con trai nhà hàng xóm. Chung quanh người cha tôi có bốn cái cọc. Sau này tôi được biết anh Tư đã đóng chúng xuống để giữ tấm bạt mỏng che cho cha tôi, nhưng tấm bạt đã bị gió giật và cuốn bay đi mất.

Không thấy em gái, tôi hỏi mẹ: “Em đâu mẹ?” Mẹ tôi hơi ngoái lại liếc nhìn tôi, rồi phủ phục xuống đất. Người bà khẽ rung lên.

“Con Ánh… nó cõng chú…” Anh Tư nói. Bỗng miệng anh mếu xệch, giọng anh nghẹn lại làm tôi lạnh cả người.

“Nó cõng chú… định đưa chú lên gò… Nó ngã. Lúc đó nước ngập đầu người… lại chảy xiết… dữ lắm. Tôi chỉ kịp cứu chú…”

Anh Tư òa lên khóc. Tôi thét lên: “Không…!” rồi gục xuống nức nở.

Một lúc sau, anh Tư về cầm sang một mẩu gì đó như miếng bánh cũ. Anh chìa ra trước mặt mẹ tôi và cố động viên bà ăn, nhưng bà chỉ ra hiệu không ăn. Khoảng nửa tiếng sau, anh Tư bảo tôi cùng anh khiêng mẹ tôi vượt qua khoảng nước ngập đến trên hông, sang nhà anh cho bà nằm tạm bên đó tránh bớt gió mưa. Rồi tôi và anh quay lại, với một cái cuốc và một cái mai. Hai chúng tôi đào huyệt chôn cha tôi, trong một manh chiếu cũ, khi ông vừa trút hơi thở cuối cùng được vài giờ. Không thể để lâu hơn nữa dưới trời mưa gió.

Một nỗi đau mù quáng vò xé tôi. Tôi như chết ba phần tư, cả thể xác lẫn khả năng nhận biết.

Hai tuần sau, mẹ tôi đã có thể ngồi dậy và ăn chút cháo cầm hơi mà mẹ anh Tư nấu. Bà và tôi vẫn tạm ở nhờ bên nhà anh Tư. Nước đã rút. Anh Tư cùng em trai và tôi đi chặt mấy cái cây, kiếm ít lá cọ và rơm rạ, dựng tạm một túp lều để tôi đưa mẹ về “nhà”.

Tôi đã bỏ hẳn việc học ở trường đại học ngoài thủ đô. Không thể để mẹ ở nhà một mình trong tình trạng đó, mà trong nhà tôi cũng không còn đồng nào để tôi chi vào việc ăn học. Cha đẻ tôi, người lăn lưng ra làm để nuôi tôi ăn học, không còn nữa. Em gái 17 tuổi của tôi, đứa hàng ngày vẫn trợ giúp ông việc này việc nọ, cũng không còn. Trong những ngày sắp tới, tôi chỉ mong sao tìm được cái gì đó để ăn, cùng mẹ tôi sống tạm qua ngày.

*

Bây giờ đây, khi nghĩ đến Ông, tôi hoàn toàn không còn cảm giác gì về sự gắn bó đặc biệt giữa Ông và tôi nữa. Không phải vì tôi đã bớt kính trọng Ông. Không. Thậm chí là ngược lại: tôi thấy hình ảnh Ông như dâng lên cao cùng với vầng hào quang chói lòa và huyền ảo. Cùng với sự dâng lên cao của hình ảnh đó, khoảng cách giữa Ông và tôi trở nên xa dần, xa mãi. Và tôi biết rằng tiếng tăm của Ông, niềm vinh quang của Ông không dính dáng gì đến loại người như tôi – đứa con của hai vợ chồng nông dân nghèo hèn, quê kệch và thất học.

Nếu có những người được quyền tự hào vì vinh quang của Ông thì đó là vợ con Ông, các đồng chí thân cận của Ông, nhưng không phải là tôi. Nếu dân tộc này có hàng triệu người được quyền tự hào về Ông thì trong hàng triệu người đó không có những kẻ như tôi.

Và tự hào với hãnh diện để làm gì, khi trước mắt là những năm tháng kéo dài lê thê trong tuyệt vọng.

Nguyễn Trần Sâm

Theo Lề Bên Trái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn