BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62240)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Răn đe chỉ là ảo tưởng

31 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 943)
Răn đe chỉ là ảo tưởng
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Sau 16 tháng bị tạm giam, hôm qua, ngày 29 tháng 1, cô Phạm Thanh Nghiên, được Human Right Watch (Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế), trao tặng giải Hellman Hammett hồi năm ngoái, đã bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù kèm 3 năm quản chế, sau khi thi hành xong hình phạt tù.

Trí thức nói riêng và người dân trong nước nghĩ gì trước bản án dành cho cô Phạm Thanh Nghiên cũng như những bản án khá, mà hệ thống tòa án đã tuyên án đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam? Trân Văn đã đem thắc mắc đó trao đổi với ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí, đang sống tại thành phố Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Cuộc trò chuyện này gồm ba phần. Phần đầu là về vụ án Phạm Thanh Nghiên...

Vừa buồn, vừa thất vọng

Trân Văn: Thưa ông, ông nghĩ gì về bản án mà tòa án Hải Phòng vừa tuyên?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi cũng chờ suốt ngày hôm nay đấy. Người ta xử kín quá, tôi không thấy rò rỉ thông tin nào cả. Vừa rồi tôi được biết là người ta đã xử cháu Nghiên với 4 năm tù giam. Thật bất ngờ và tôi rất buồn. Tôi rất thất vọng về án phạt đó.

Trân Văn: Thưa ông, Hiến pháp Việt Nam minh định là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng cô Nghiên bị bắt khi cô đang tọa kháng tại nhà với biểu ngữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" và phản đối công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký mà cô cho là “bán nước”. Cô bị kết tội vì một vài bài viết mà cô đã gửi lên mạng internet để chia sẻ những suy nghĩ của cô về hiện tình đất nước. Thế thì công dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí mà hiến pháp đã minh định như thế nào?

Ông Nguyễn Thượng Long: Qua sự kiện này tôi cũng rất thất vọng. Điều 69 của Hiến pháp ở đất nước chúng ta quy định những quyền tự do cá nhân cũng rất đầy đủ đấy! Trong đó người ta khẳng định những quyền hội họp; quyền lập hội; quyền biểu tình; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do báo chí. Và theo quy định của nhà nước thì tôi thấy một số việc làm của cháu Nghiên rất đúng với điều này. Ví dụ như là cháu làm đơn xin được biểu tình, thế rồi cháu cũng viết nhiều bài bày tỏ tư tưởng của mình một cách rất là đàng hoàng. Cháu cũng viết báo mạng. Tôi nghĩ là Nghiên không có gì sai sót về phương diện Hiến pháp của đất nước chúng ta cả.

Nếu chúng ta soi vào Tuyên ngôn Nhân quyền thì chúng ta thấy là cháu cũng không làm điều gì vượt quá Tuyên ngôn Nhân quyền mà quốc tế đã kêu gọi và Việt Nam đã công nhận. Còn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự, Chính trị và Xã hội thì cháu cũng không hề vượt quá những cái ngưỡng được phép.

Tôi nghĩ rằng việc cháu thực thi những quyền đó rất bình thường đối với các quốc gia dân chủ và các quốc gia văn minh. Rất tiếc là người ta vẫn có thể xử cháu được mà lại xử cháu ở mức án quá nặng nề. Tôi rất buồn và rất thất vọng!

Trân Văn: Thưa ông, trước đây ông đã từng gặp cô Phạm Thanh Nghiên chưa hay ông chỉ biết cô qua những bài cô viết?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi trực tiếp gặp cô Nghiên rồi, trong cuộc biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Hôm đó tôi vô cùng khâm phục, tôi vô cùng cảm động và ngưỡng mộ trước tinh thần của một cô gái trẻ như thế.

Rất may là trong ngày hôm đó khi tôi quay trở lại nhà một người bạn mới quen biết thì tôi lại gặp lại cháu. Ở đó, tôi mới biết đầy đủ hơn về cháu Nghiên. Sau đó tôi thấy là những việc cháu làm thì không có gì là quá mức cả.

Sau lần đó tôi được biết là cháu có vào Thanh Hóa để thăm những ngư dân bị tàu Trung Quốc khủng bố trên Biển Đông. Sau đó một thời gian thì tôi thấy cháu viết một bài mà tôi rất xúc động. Đó là bài "Uất ức biển ta ơi!", trong đó cháu bày tỏ những đau xót của cháu khi đồng bào của mình bị hoạn nạn.

Một thời gian sau nữa tôi được biết là cháu đồng ký vào một cái đơn xin phép nhà nước cho tổ chức một cuộc biểu tình để lên án các tệ đoan, ví dụ như lạm phát, tăng giá, hay là tham nhũng tràn lan.

Một hời gian sau, tôi thấy hình như vì bức xúc, cháu có treo một khẩu hiệu là "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" và một khẩu hiệu về việc cháu không hài lòng với một công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Cháu treo ở nhà cháu chứ cháu chẳng có gây rối ren gì cho xã hội cả. Cháu lặng lẽ tọa kháng với những điều mà cháu nghĩ và viết như vậy.

Một thời gian sau thì tôi thấy báo chí đưa tin cháu đã bị bắt giữ. Tôi rất buồn và thắc mắc, mãi người ta chẳng đưa cháu ra xử. Tới mười bốn, mười lăm tháng sau thì mới có vụ xử ngày hôm nay và cách đây độ đôi tiếng thì tôi mới được biết kết quả qua những người bạn ở các cơ quan truyền thông quốc tế. Đến bây giờ, trong nước rất ít người biết kết quả của phiên xử đó.

Đàn áp sẽ không hiệu quả

Trân Văn: Thưa ông, quan sát các diễn biến trong thời gian vừa qua, người ta thấy hình như những vụ xử và những bản án dành cho những người tham gia chia sẻ thông tin, bày tỏ những suy nghĩ của họ mang tính răn đe. Theo ông, liệu những bản án đó có đạt được mục tiêu răn đe mà chính quyền Việt Nam mong muốn không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ rằng tham vọng răn đe người Việt Nam có lẽ chỉ là một cái ảo tưởng .

Những phẩm chất tiềm ẩn của người Việt Nam, sự thông minh và ý chí quật cường là những vốn liếng quý báu có từ xưa rồi. Cho nên nếu chúng ta muốn răn đe một dân tộc đã có truyền thống như thế, tôi nghĩ rằng điều đó đó là vô vọng.

Tôi để ý là những án phạt đối với các trí thức trẻ như vừa qua và bây giờ là với cháu Nghiên là không được bình thường.

Tôi xin đơn cử ví dụ như là án phạt đối với doanh nhân – trí thức trẻ Trần Huỳnh Duy Thức, trong khi Viện Kiểm Sát chỉ đề nghị phạt 12 năm nhưng có lẽ vì thái độ của anh Thức và anh Long nữa, không làm hài lòng những người có trách nhiệm xét xử nên người ta đưa lên đến mức án mà tôi ngạc nhiên là 16 năm đối với Trần Huỳnh Duy Thức.

Tôi nghĩ, có lẽ đây cũng là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền trong nước muốn hướng tới giới trí thức, tới những người có tư tưởng dân chủ.

Tôi nghĩ rằng những án phạt đó có thể làm hoang mang những người không có lý tưởng một cách dứt khoát, không có thái độ sống một cách nghiêm chỉnh. Những người như thế có thể họ sẽ run sợ. Nhưng với những người đã có một thái độ sống đàng hoàng, có một trí tuệ và một lý tưởng để phấn đấu thì tôi nghĩ mọi biện pháp dù khốc liệt sẽ không có tác dụng đối với họ.

Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta, những người có lý tưởng, có trí tụê và có tấm lòng với đất nước như thế, không ít đâu.

Cho nên nếu chúng ta không nghĩ đến chuyện đối thoại với nhau, không nghĩ đến chuyện có thể trao đổi với nhau một cách ôn hòa hơn về những việc của người Việt Nam mà chúng ta cứ dùng những biện pháp khốc liệt như thế thì tôi nghĩ rằng cũng không có kết quả.

Tôi nghĩ như vậy. Còn không hiểu những người cầm quyền, những người đang quản lý đất nước thì họ nghĩ như thế nào?

Trên đây là phần đầu cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí về vụ án Phạm Thanh Nghiên. Mời quý vị tiếp tục xem tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long, ở góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến như vừa qua.

Răn đe chỉ là ảo tưởng (Phần 2)

Trong lần phát thanh trước, quý vị đã nghe ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo hưu trí sống ở thành phố Hà Đông, thuộc Hà Nội, chia sẻ suy nghĩ của ông trước bản án mà Tòa án Hải Phòng mới tuyên án đối với cô Phạm Thanh Nghiên, cũng như các bản án cuả hệ thống Tòa án đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.

Lần này, mời quý vị nghe tiếp những tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long với Trân Văn, dưới góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến.

Giá của sự dấn thân

Trân Văn: Thưa ông, ông là một trong những người đã từng lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của ông. Hình như ông cũng có gặp một số rắc rối? Trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay, khi có rất nhiều người đã từng lên tiếng bày tỏ ý kiến, bày tỏ suy nghĩ như ông phải nhận lãnh những hình phạt rất nặng. Ông có lo âu không? Thân nhân của ông có lên tiếng can gián không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Thực ra thì tôi không phải là một hiện tượng đặc biệt. Tôi cũng như những người Việt Nam bình thường khác thôi. Có lúc mình cứng rắn, cũng có lúc mình yếu đuối, có lúc mình lạc quan, cũng có lúc mình thất vọng, mình bi quan.

Thực ra đúng như anh vừa mới hỏi tôi, từ ngày tôi dấn thân vào chuyện cổ suý cho tư tưởng tự do - dân chủ - nhân quyền và bênh vực những đồng bào bị hoạn nạn và khi họ có nỗi niềm mà không nói lên được thì tôi nói giúp họ. Tôi cũng gặp phải những hệ luỵ. Cái giá phải trả cũng tương đối là đắt đấy ạ.

Ví dụ tôi phải làm việc với cơ quan an ninh, rồi gia đình tôi cũng có những lúc gặp phiền phức. Ví dụ như con trai, con gái tôi, rồi con rể tôi đều phải nhận những áp lực của chính quyền. Thậm chí đến cả cháu gọi tôi bằng bác ruột, rồi em trai tôi, rồi bà chị tôi… cũng đều có những tác động từ những người có trách nhiệm.

Thế rồi lâu lắm tôi mới về quê thì tôi cũng được nghe những lời mà thân tộc của tôi ở đó nhắc nhở tôi về những điều mà chính quyền người ta đã đặt vấn đề về tôi ở quê tôi. Tôi nghĩ rằng những áp lực đó đến với tôi về cơ bản có lẽ cũng không còn cái mức độ nào hơn thế nữa đâu.

Tôi cũng chỉ biết nói với mọi người rằng tôi đã sống theo đúng tiếng gọi của lương tri và tôi cũng mong là trước khi làm cái gì, trước khi khẳng định điều gì thì mình phải là một con người chân chính đã. Lời dạy đó tôi cũng mang ra dạy cho con tôi, cháu tôi, em tôi và bảo chúng nói với người thân trong gia đình.

Tôi cho rằng hãy làm theo tiếng gọi của lương tâm mình, lương tri mình, còn những cay đắng của cuộc đời, nó đến lúc này hay lúc khác thì mình phải bình tĩnh, chứ không nên hốt hoảng trước những chuyện như vậy. Tôi cũng tin rằng lương tâm của tôi, thái độ sống của tôi và sự chân thực của tôi với cuộc đời này thì có thể lúc này tôi gặp những điều cứ tạm coi là bất hạnh, nhưng tôi nghĩ rằng lịch sử rất công bằng, lịch sử sẽ không bao giờ để cho một người Việt Nam nào bị oan khuất.

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không hối hận về những việc tôi làm cũng như thái độ sống của tôi. Vì tôi biết mình đúng. Còn bây giờ dù người ta xử sự với tôi như thế nào thì tôi vẫn không cô đơn. Bên cạnh tôi có gia đình và thân tộc tôi. Nói thực, đồng bào của tôi cũng là một phần theo lý lẽ ấy. Nếu mà mình không nghĩ đến đồng bào, không nghĩ đến dân tộc mình nữa thì nó lại khác. Nhưng đối với anh em chúng tôi, ngoài người thân và gia đình, chúng tôi còn có một gia đình lớn nữa. Đó là đồng bào và đất nước. Chính vì vậy mà trong nhiều vấn đề tôi đã xử sự khác với những người khác, trong những vấn đề tương tự anh ạ.

Giữa riêng và chung

Trân Văn: Thưa ông, năm nay ông bao nhiêu tuổi?

Ông Nguyễn Thượng Long: Dạ, năm nay tôi đã vượt quá cái tuổi phải lao động trong xã hội rồi.

Tôi sinh sau Cách mạng tháng Tám và trưởng thành trong các mái trường của Chủ Nghĩa Xã Hội. Thực ra, tôi chẳng hiểu biết gì lắm về đế quốc, thực dân, phong kiến đâu. Từ khi hoàn thành nghĩa vụ lao động với xã hội, tôi mới có thời gian để suy ngẫm và rà soát lại. Nhìn lại những việc mà tôi đã làm, những gì đã diễn ra trong cuộc sống mà tôi đã chứng kiến khiến tôi có một nguyện vọng: Có điều gì mình nghĩ được, viết được, nói ra được mà có lợi cho số đông, cho nhân dân tôi thì tôi không từ nan.

Và cuộc sống đã đưa tôi đến những ngày tháng như thế này.

Trân Văn: Thưa ông, trên một số diễn đàn điện tử và trên một số blog, người ta nói nhiều đến chuyện trước hết phải sống có trách nhiệm đối với gia đình của mình và cách thể hiện trách nhiệm đó là không dây vào những việc có liên quan đến chính trị, bởi vì sẽ gặp rắc rối. Hình như là ông không chia sẻ suy nghĩ đó của số đông?

Ông Nguyễn Thượng Long: Điều anh vừa mới nói cũng là lập luận và lời khuyên răn của nhiều người dành cho tôi.

Nhiều lúc tôi cũng giật mình trước những lời khuyên đó. Tôi cũng rà soát lại xem mình đã đối xử với người thân của mình, với thân tộc, quê hương có điều gì không phải không. Khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy rằng không có điều gì khiến tôi phải hối hận.

Còn những ý kiến kia, tôi tin họ cũng nói thật lòng thôi, chứ không phải là họ có ý không tốt. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thì tôi không tìm ra được những lỗi lầm của tôi để phải tự dày vò, tự dằn vặt để phải hối hận cũng như phải sám hối.

Tôi nghĩ là xung quanh tôi còn có nhiều những bất công, còn quá nhiều người đang gặp bất hạnh, mà không nói lên được. Còn tôi, tôi có thể nói được thì tôi phải nói để bênh vực họ. Tôi không biết là việc này nay mai sẽ như thế nào?

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (Phần 3)

Không chỉ có sự khác biệt cơ bản giữa chế độ XHCN trong Hiến pháp 1992 với thực thể chính trị hiện nay mà cả quan điểm của Đảng CSVN về chế độ XHCN tại Việt Nam cũng liên tục thay đổi.

Mời quý vị theo dõi thêm cuộc trao đổi giữa Trân Văn với ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo nghỉ hưu, đang sống tại Hà Đông, Hà Nội...

Không xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa”?

Trân Văn: Có một giai đoạn khá dài, Việt Nam đề ra chủ trương “Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa (XHCN)” với một số tiêu chí rất rõ ràng nhưng mà gần đây không thấy nhắc đến định hướng “Xây dựng con người mới XHCN” nữa. Là một nhà giáo mà công việc gắn liền với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam trong nhiều thập niên, ông có thể giải thích vì sao mà bây giờ người ta không đề cập đến việc “Xây dựng con người mới XHCN” nữa hay không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Đúng là như vậy! Tôi đã đứng trên bục giảng 37 năm. Trong 37 năm này tôi cũng như các thầy cô giáo khác phải thực thi một trọng trách hết sức nặng nề: Phải hình thành nhân cách con người mới cho thế hệ trẻ. Đó là những con người XHCN như anh vừa mới nói đến.

Thế nhưng từ sau ngày 30/4, nhất là khi hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, thành trì của chủ nghĩa xã hội là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết tan vỡ thì nền giáo dục của Việt Nam cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái rất nghiêm trọng.

Tôi nghĩ là hiện nay trong đất nước chúng ta đời sống tư tưởng đang lâm vào giai đoạn khủng hoảng rất nghiêm trọng. Giáo dục bây giờ không còn nói tới những tiêu chí mà ngày xưa chúng tôi gọi là “long trời, lở đất” như: “Nhà trường là pháo đài của chủ nghĩa xã hội” hay “Thầy cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng”. Điều đó, lứa tuổi chúng tôi, thế hệ chúng tôi chưa quên được.

Gần đây, giáo dục đào tạo trong nước không thấy nhắc đến những từ “đại ngôn” như thế nữa. Điều đó phản ánh thực trạng khủng hoảng rất nghiêm trọng. Cho nên điều anh phát hiện ra là hoàn toàn đúng.

Tôi nghĩ, trong giai đoạn này, muốn chấn hưng được, muốn phát triển được, chúng ta phải có những cải tổ tận gốc rễ, phải có những thay đổi, phải có định hướng, phải có những lý luận mới.

Trân Văn: Thưa ông, hệ quả hiện nay có phải là do những con người đã được đào tạo theo tiêu chí “con người mới XHCN”?

Ông Nguyễn Thượng Long: Hiện nay, xã hội chúng ta có một cái bất cập. Tôi tin trí thức Việt Nam, tôi rất tin ở trí tuệ Việt Nam. Tôi tin rằng dân tộc Việt Nam không thiếu những người có trí tuệ, không thiếu những người có kiến thức, không thiếu những người có tấm lòng với đất nước nhưng rất tiếc là nền chính trị, thể chế chính trị trong nước trong giai đoạn này không phát huy được những tiềm năng về chất xám, những tiềm năng mà người ta gọi là nguyên khí của quốc gia và nó dẫn đến tình trạng như vậy.

Thật ra tôi không thất vọng gì về trí tuệ của người Việt Nam. Thế nhưng rất tiếc, chúng ta không vượt qua được khủng hoảng, bế tắc. Tất cả cũng vì nguyên nhân như vậy.

Ước mong...

Trân Văn: Thưa ông, khi mà chủ trương “Xây dựng con người mới XHCN” không còn được đề cập nữa và ngay cả khái niệm “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” cũng rất ít được nhắc đến thì tại sao lại có nhiều người bị bắt, bị kết án tù vì bày tỏ tinh thần yêu nước của họ theo những quan điểm khác với cách nhìn của chính quyền? Ông có thể lý giải giúp không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Người trong nước, nhất là thế hệ từ chúng tôi trở lên thì luôn luôn được giáo dục “yêu nước nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội”, tức là người ta đánh đồng chủ nghĩa xã hội với quốc gia, với tổ quốc. Thật ra người ta còn đặt lý tưởng về một thế giới đại đồng còn cao hơn cả tổ quốc, cả đất nước chứ không phải là “như” đâu! Cho nên, nói vậy chứ thật ra khái niệm đó đâu đã phải toàn bộ nhân dân chúng ta ai cũng tin theo.

Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta, dù là người quốc gia hay cộng sản chân chính thì họ luôn dành cho tổ quốc một vị trí rất thiêng liêng. Bởi vì mọi chủ nghĩa, mọi lý tưởng đều là hữu hạn. Chỉ có tổ quốc, chỉ có đất nước và chỉ có dân tộc mới vĩnh cửu, mới vĩnh hằng, mới trường tồn.

Chủ nghĩa xã hội đâu đã được tám thập kỷ và bây giờ chúng ta thấy đã khủng hoảng nghiêm trọng đến như thế. Chỉ còn sót lại một vài nơi trên thế giới thôi. Trong số đó, có Việt Nam.

Cho nên nếu nói yêu tổ quốc cũng đồng nghĩa như yêu chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa xã hội như là một phát hiện chưa ở đâu đạt được cả. Từ ông Các Mác ngày xưa cho đến những người cộng sản hiện nay thì người ta vẫn chỉ là hy vọng về một thế giới như thế, một thế giới chưa có tiền lệ nào, hình mẫu nào.

Hiện nay xảy ra một hiện tượng là có nhiều trí thức, nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh mà lại không nhớ đến câu “yêu nước nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội” nữa, mà lại cứ lần lượt phải ra Toà, rồi chấp nhận lao lý thê thảm như vậy. Tôi nghĩ rằng rõ ràng giữa những điều người ta tuyên truyền và những điều người ta kêu gọi soi với thực tế vẫn có khoảng cách.

Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo nhà nước và những người lãnh đạo quốc gia cần phải nhìn thẳng vào thực trạng như thế để nghĩ ra sách lược thì mới có thể đi ra khỏi khủng hoảng. Mới có thể có những tiếng nói chung, đồng thuận với nhau được. Chứ còn cứ như thế này, tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ bế tắc!

Triển vọng...

Giống như nhiều trí thức Việt Nam ở cả trong lẫn ngoài nước, ông Nguyễn Thượng Long hi vọng Đảng CSVN đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết. Tổ chức đối thoại, tìm tiếng nói chung nhằm đạt được sự đồng thuận, phát triển quốc gia. Tuy nhiên điều này không dễ thực hiện.

Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng CSVN, ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN, vừa thừa nhận “đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”, vừa khẳng định, điều đó nhằm để “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị”.

Vì sao diện mạo thực thể chính trị đang tồn tại ở Việt Nam dù đã khác rất xa với lý thuyết về chủ nghĩa xã hội nhưng Đảng CSVN vẫn cương quyết bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa? Một số người bảo rằng, đó là bởi điều 4 Hiến pháp cho phép Đảng CSVN duy trì vai trò “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Bill Hayton thì xem đó như một cơ hội “thoả mãn nhu cầu của số ít chứ không phải nguyện vọng của số đông”.

Trân Văn, phóng viên đài RFA

31-01-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn