Và từ chối một sự thực hiển nhiên cũng đồng nghĩa với tự hủy.
Tuệ Sỹ (”Sự Biến Lương Sơn” – 2003)
Trong mấy trang sổ tay trước, khi đề cập đến vấn đề “Gươm Giáo Và Tôn Giáo”, tôi có ghi lại một mẩu đối thoại ngăn ngắn – như sau:
- Thưa cha con muốn xưng tội.
-…
- Trước năm 75, có mấy người cán bộ cộng sản nằm vùng bị truy lùng đến xin tá túc, và con có chứa họ dưới hầm nhà…
- Giúp đỡ tha nhân khi họ kêu cứu trong lúc bị hiểm nguy không phải là một cái tội.
- Nhưng thưa cha…
- Con cứ yên tâm ra về. Điều con làm hoàn toàn hợp với tinh thần bác ái của Chúa Ky Tô và văn hóa của dân tộc Việt. “Thương người như thể thương thân. Rét thời cho mặc, đói thời cho ăn”. Gia Huấn Ca cũng có dạy như vậy. Chúng ta không thể vì chính kiến hay lòng thù hận mà bỏ người ta đói khát trong cơn hoạn nạn; hoặc tệ hơn nữa là tố giác những kẻ ở bước đường cùng.
- Thưa vâng nhưng thưa…
- Cha hiểu.. đó không phải lỗi của con. Nếu những kẻ được cứu giúp trong cơn hoạn nạn, sau này, trở mặt, lấy ân báo oán hoặc lại tiếp tục con đường tà đạo thì đó là tội lỗi của họ…
- Dạ vâng nhưng điều khiến con áy náy là…
- Là gì nữa?
- Là vì họ… vẫn còn dưới hầm nhà…
- Con nói sao?
- Thưa cha, quí vị cán bộ cộng sản trốn dưới hầm nhà con vẫn còn sống ở dưới đó cho mãi đến bây giờ.
- Ối, Giê Xu Ma… lạy Chúa tôi! Sao lại thế, hả con?
- Vì con vẫn chưa cho họ biết là “cách mạng”… đã thành công!
- Nhưng… sao… sao… con lại… lại… đãng trí đến như thế được?
- Tại con rút kinh nghiệm hồi kháng chiến chống Tây. Thuở ấy, bố con cũng chứa cán bộ cộng sản trong nhà; sau này, chính những người này đã “dàn dựng” để “nhân dân” mang ông cụ ra… đấu tố cho đến chết! Bởi vậy nên con sợ…
- Kể thì cũng như nuôi rắn trong nhà, đáng sợ thật chứ chả phải chuyện đùa!
- Xin cha giúp con…
- Thôi thế này con ạ, về lấy xi măng lấp luôn cái hầm nhà lại cho… xong! Đỡ được đứa nào hay đứa đó. Tội nghiệt này, xin Chúa nhân từ chứng giám, ta xin chịu thay con.
- Con xin lĩnh ý cha; tuy nhiên, việc làm này, cũng xin Chúa nhân từ chứng giám (“I am more than happy to do that…”), con làm thì con chịu, không liên hệ gì đến cha hoặc bất cứ ai.
Nhờ đức bác ái của đạo Công Giáo nên (lạy Chúa từ nhân) việc chôn sống cán bộ đã không thực sự xẩy ra, như rất nhiều người… mong ước! Câu chuyện đùa vừa kể tôi chỉ chợt nghĩ ra, sau khi đọc mấy câu thơ – ngắn ngủi – của Bùi Minh Quốc:
Sau lưng mẹ là tổ quốc mình trong khổ nạn
Là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi dấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ biết nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ…
Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
Trở về ngồi chễm chệ…
Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng
Dưới chồng đơn khiếu nại
Nặng hơn dẫy Trường Sơn
(“Mẹ Đâu Ngờ” – 1988)
Thiếu gì chuyện bất ngờ (và bất nhân) hơn thế. Mấy thằng con thoát chết sau vụ khui hầm, khi trở về, đâu chỉ chịu ngồi chễm chệ trên những chồng đơn khiếu nại. Gian tham và bội bạc chưa đủ. Những đứa con “cách mạng”, của quí “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, còn muốn cả nước đều phải sợ hãi cúi đầu trước quyền lực của họ nữa kìa.
Bởi thế, Pháp Sư Trí Độ, Chủ Tịch Hội Phật Giáo VN (tổ chức Phật Giáo duy nhất ở miền Bắc) đã (phải) xuất hiện tại lễ đài chiến thắng ở Sài Gòn – vào năm 1975 – với quần tây và áo sơ mi cụt tay, trông cứ y như là một anh… cán bộ (nhà quê) vậy! Hình ảnh mỉa mai và giễu cợt này đã nói lên một sự kiện hiển nhiên: sau hai mươi năm dở sống dở chết “trong lòng cách mạng”, đến năm 1975 thì Phật Giáo – ở miền Bắc – kể như là chết ngắc!
Vào thời điểm huy hoàng đó, toàn Đảng có lẽ đều đã hân hoan thơ thới nghĩ rằng tất cả quí vị lãnh đạo tôn giáo của miền Nam – rồi ra – cũng sẽ đồng loạt ăn mặc (bậy bạ) y như ông Trí Độ và cũng sẽ ăn nói (quàng xiên) y như thế, mỗi khi phải bước lên lễ đài để ca tụng chiến thắng và công ơn của Đảng!
Bé cái lầm. Thời gian – cùng với những sự kiện liên tiếp xẩy ra trong hơn một phần tư thế kỷ qua – đã chứng minh cho những người cộng sản VN thấy rằng họ rất chủ quan, rất lầm, lầm lớn, và lầm lắm.
Có lần tôi nghe một sĩ phu Bắc Hà nói rằng Đảng cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ, cho nên thỉnh thoảng lại sa xuống hầm hay xuống hố. Mỗi lần lóp ngóp leo lên được thì Đảng lại bắt toàn dân hô vang thắng lợi. Cứ thế, Đảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tôi e rằng chuyện bắt cóc một số những tu sĩ Phật Giáo – vào ngày 9 tháng 10 năm 2003, tại chân đèo Lương Sơn, ở tỉnh Khánh Hòa- là “thắng lợi” cuối cùng của Đảng Cộng Sản VN.
Sự biến này đã được nhà bình luận Trần Đức ghi nhận như sau: “Theo dõi những tin tức qua hãng thông tấn quốc tế, các bản thông cáo của Phòng Thông Tin Phật Giáo Hải Ngoại, các trang nhà trên mạng internet hoàn cầu, đặc biệt là Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường với những cuộc phỏng vấn trực tiếp những người trong cuộc… về vụ nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp quý vị chức sắc Phật Giáo trong những ngày qua, rồi đối chiếu với những gì Hà Nội tuyên bố qua người phát ngôn chính thức cũng như những quan chức cộng sản liên quan, thì không có danh từ nào khác tương ứng với chính quyền cộng sản tại Việt Nam bằng danh từ vô lại, vô nhân cách”.
Tôi e rằng ông Trần Đức đã quá nặng lời. Ông ấy không thông cảm với giới cầm quyền ở Việt Nam trước tình thế khó khăn và bi đát hiện tại. Thái độ “vô lại” không nhất thiết đã là do hệ quả của sự vô học, vô giáo dục, và mất dậy của những kẻ côn đồ vô nhân cách mà (đôi khi) chỉ là cách ứng xử “bình thường” của những người bị rơi vào một hoàn cảnh… vô vọng, thế thôi.
Coi: chỉ để ngăn chận chín vị tu sĩ trên đường đi từ Bình Định vào Sài Gòn – trong ba ngày liên tiếp, từ 8 tháng 10 đến 11 tháng 10 năm 2003 – nhà đương cuộc Hà Nội đã phải huy động một lực lượng đông đảo và hùng hậu, như sau:
- Bộ Công An: gồm công an đặc trách an ninh tôn giáo, công an lưu thông, công an hình sự, và một số không nhỏ công an… giả dạng thường dân.
- Giới chức mọi cấp của những ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Thừa Thiên – Huế, và Sài Gòn.
- Ban tôn giáo (thuộc Mặt Trận Tổ Quốc VN) của các tỉnh và trung ương.
- Hội Đồng Chứng Minh và các ban Trị Sự của Giáo Hội Phật Giáo (quốc doanh).
Tất cả những giới chức và cán bộ của (cả đống) những cơ quan vừa nêu đều rất loạng quạng, hốt hoảng và đã không ngừng… giẫm chân lên nhau, khi thi hành việc chận bắt quí vị tu sĩ Phật Giáo trên đường di chuyển của họ. “Cán bộ dùng mọi lý luận quanh co, nhiều khi dẫn đến chỗ phi lý, thiếu trình độ, cho thấy chính quyền các cấp hoàn toàn bối rối trước vấn đề pháp lý tế nhị “- theo như nhận xét của một tu sĩ trong cuộc (http://www.danchimviet.com/vietnam/SuBienLuongSon.shtml).
Còn nói theo ngôn ngữ trần tục, của đời thường, như ông Trần Đức, là họ đã ứng xử hoàn toàn “vô nhân cách”!
Chuyện “nhân cách” hay “liêm sỉ” của những người cộng sản, dù nói tới tết (hay tới chết) cũng vậy thôi. Tôi không rảnh để “bình luận” về chuyện đó.Tôi viết những dòng chữ này chỉ để đáp ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (được đăng tải trên báo Nhân Dân, số ra ngày 14 tháng 10 năm 2003) về việc “mong mỏi mọi người góp ý kiến xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Chuyện dài “bảo vệ” và “xây dựng” tổ quốc, theo định hướng XHCN, tôi (thiệt tình) không dám xía vô. Qua sự Biến Lương Sơn, tôi chỉ có ý kiến – như sau:
Lợi tức trung bình của một người dân Việt là 418 USD, như đã được công bố vào ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2003 – tại Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC. Bên cạnh những gia đình quan chức có thể chi phí hàng trăm ngàn đô la cho một buổi tiệc sinh nhật, theo phúc trình của Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội VN thì những người dân Việt sống ở nông thôn, vùng núi và hải đảo chỉ thu nhập được từ 30 đến 80 USD – hàng năm (http://www.nguoi-viet.com/uni/1003/VIETNAM.HTM).
Con giun xéo mãi cũng oằn! Quý vị đã chứng kiến (và cảm thấy rất bất an) trước cảnh nông dân Thái Bình và những người dân ở Cao Nguyên nổi dậy. Rồi chỉ cần một vị linh mục ở xứ đạo Nguyệt Biều – nhỏ bé, hẻo lánh, xa xôi – nào đó, đứng lên hô to một tiếng (TỰ DO TÔN GIÁO HAY LÀ CHẾT), cũng đủ khiến quý vị… sợ hết hồn! Sức mạnh của “chuyên chính vô sản”, xem ra, không (còn) mạnh lắm. Nhìn cái cách quý vị loay hoay (khổ sở) trong cái hố bé tí teo, có tên là Lương Sơn, sao tôi cứ lo rằng đây là cái… hố cuối của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Sự ruỗng mục trong guồng máy cai trị của quý vị mọi người đều biết, và biết rất rõ. Chỉ vì lòng từ bi, vì đức bác ái, và vì xót xa cho tín đồ đã chịu khổ nạn quá nhiều nên những người thuộc giới lãnh đạo – của mọi tôn giáo ở Việt Nam – đã luôn luôn hành xử hết sức nhẫn nhục và tự chế. Ai cũng có thể cảm thấy được từ tâm của Thượng Tọa Tuệ Sĩ, qua “Sự Biến Lương Sơn:” Chính quyền nên rút ra đây một bài học đáng giá, tuy chưa có sự vụ gì đáng tiếc xẩy ra. Nhưng đã không thể xẩy ra vì quý thầy không cho phép, chứ không phải do an ninh của Chính quyền đã làm việc có hiệu quả”. Ở tuổi 84, sau khi bị công an “bắt cóc” để mang đi đấu tố cho đến khi ngất xỉu, cụ Lê Quang Liêm – Hội Trưởng Hội Phật Giáo Hòa Hảo – trong kháng thư (đề ngày 8 tháng 6 năm 2003) vẫn ôn tồn khuyên nhủ quý vị rằng:”Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù. Chỉ có đức độ khoan dung mới tháo gỡ được oan cừu, ân oán”.
Hưng thịnh và suy tàn là lẽ tự nhiên của đất trời. Bạo phát và bạo tàn cũng là quy luật chung dành cho những chế độ bạo ngược. Quý vị may mắn có được sự bao dung của cả dân tộc Việt, và còn đủ thời gian, cũng như phương tiện để… rút lui khỏi “hiện trường” – trước khi quá muộn. Giữa suy tàn và hủy diệt quý vị phải chọn một. Từ chối một sự thực hiển nhiên cũng đồng nghĩa với tự hủy. Tôi cầu mong cho quý vị có đủ sáng suốt để tránh cho cả dân tộc một cuộc đổ máu không cần thiết. Mà trong thảm họa này thì tính mạng và tài sản của quý vị – cũng như của cả một lô lốc con cháu – kể như là đi… đứt. Tôi nói lại là “đi đứt” chớ không phải là đi Đức (đi Tầu hay đi Mỹ) đâu nha!
Tưởng Năng Tiến
12/2004
Gửi ý kiến của bạn