BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73343)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bong Bóng Nước Mưa

21 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 1323)
Bong Bóng Nước Mưa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Cảm đề qua hai câu ca dao Việt Nam


Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?



Toàn- Một sĩ quan Đồng Tiến và cũng là đơn vị trưởng đã cùng đơn vị trở về hậu cứ để dưỡng quân và cũng để bổ sung quân số, quân trang, quân dụng sau những ngày dài hành quân gian khổ trên các phần đất ngoại biên Kampuchia.


Tác giả


 Toàn đang ngồi một mình trong phòng làm việc của chàng. Chàng liếc nhìn một chồng hồ sơ đầy ắp trước mặt chàng đang trên mặt bàn. Tất cả đều là những văn thư, những bưu điệp, phúc trình tổn thất, tường trình ủy khúcv.v..

 Toàn cảm thấy quá ngao ngán cho chức vụ Tiểu đoàn trưởng vì lúc nào cũng phải giải quyết nhanh chóng trên cả hai phương diện Chỉ huy và Tham mưu. Về phương diện chỉ huy, chàng phải giải quyết kịp thời và nhanh chóng các tình huống đang xảy ra ngoài chiến trường. Về phương diện Tham mưu, chàng cũng phải giải quyết những vấn đề liên quan hành chánh nơi hậu cứ.

 Đang ngẫm nghĩ chợt có viên Hạ Sĩ Quan Bưu Tín Viên bước vào và trao cho chàng một lá thư màu xanh rồi lui ra.

Toàn liếc nhanh qua phong bì thấy ghi tên người nhận là chàng nhưng không ghi tên người gửi, nhưng qua nét chữ chàng đã biết tên người gửi, tác giả bức thư này là ai.

 Toàn vội mở ngay thư ra đọc. Những dòng chữ mềm mại hiện ra trước mắt chàng. Trong thư đã viết: 

 Thủ Đức ngày..tháng..năm

 Anh thương

Em tin chắc rằng thư này đến anh ngoài sự mong đợi của anh vì anh đang giận phải không?

Vâng. Em biết là anh đang giận em nhiều vì đã lỗi hẹn không cùng anh nối lại tình xưa và nên duyên chồng vợ với anh sau hơn 10 năm trời chúng mình đã chia tay nhau vì hoàn cảnh.

Em nói vì hoàn cảnh anh tin em không? Chắc là anh không tin nhưng khi anh đọc hết bức thư này, anh sẽ thay đổi thái độ và tin rằng em đã nói thật.

Anh thương

Nhớ lại ngày xưa, khi anh còn là Sinh viên Sĩ Quan Thủ Đức, còn em là một nữ sinh của trường Nữ Trung Học Bông Mai Vàng. Chúng mình đã gặp nhau tại bến xe Thủ Đức và cùng lên xe “Lam Bro” để về chợ nhỏ. Khi xe vừa ngừng trước nhà em, vì là lúc bãi trường nên em đã có vài chiếc vali nặng. Trong khi em đang lo tay xách nách mang thì anh đã ra tay nghĩa hiệp mang giúp em những túi nặng đến tận nhà em.

 

Thế là từ đó, vào những buổi chiều chủ nhật, sau khi hết giờ phép anh trở lại quân trường nhưng anh đã có chỗ liên lạc là dừng chân nơi nhà em mua cho em một vài thứ ở Sài Gòn, nói bâng quơ một vài mẩu chuyện trước khi anh lặng lẽ đi về hướng đồi Tăng Nhơn Phú.

Thế là từ đó chúng mình quen nhau. Thế là từ đó trong tâm hồn của một nữ sinh vô tư lự và hồn nhiên trở nên rộn rã và xao xuyến. Cứ mỗi sáng chủ nhật, một đoàn xe buýt chở đầy các Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức đi phép từ cổng trường Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức chạy vụt ngang qua nhà em. Không biết vô tình hay cố ý, anh luôn luôn ngồi hàng ghế có cửa kiếng, còn em cứ canh giờ đoàn xe buýt chạy để nhìn thấy anh và để cùng anh vẫy tay chào nhau.

Có một lần em đã hỏi:

“Sao buổi sáng anh đi xe buýt mà buổi chiều anh lại đi xe Taxi”

Anh cười đáp:

“Nếu đi xe buýt về thì làm sao có mặt tại nhà em vào lúc này”

Thời gian cứ lần lượt trôi qua, chuyện của anh và em cũng theo đó càng thêm khắng khít hơn. Ngoài những lần đã gặp nhau vào những chiều cuối tuần, mình đã có đôi lần hẹn gặp nhau cùng đi dạo quanh Sài Gòn. Em đã đưa anh đến trước cổng trường Bông Mai Vàng và em cũng đến thăm anh nơi Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức vào những ngày anh bị cắm trại. Từ đó tình bạn quen biết thuở ban đầu dần dần biến sang tình yêu không lâu lắm.

Anh thương

Anh còn nhớ không? Có lần em đã nói với anh, tụi bạn cùng lớp với em đã nói:

“Ngày xưa thời ông cha chúng ta đã nói: Phi Cao Đẳng bất thành phu phụ. Nhưng ngày nay thì khác, thời chúng ta phải nói câu: Phi Sĩ Quan bất thành phu phụ. Dầu cho chàng là Võ Bị Đà Lạt hay Thủ Đức”

Em còn nhớ, anh đã hỏi mắc em một câu nói sau cái nheo mắt:

“Vậy em thích Võ Bị hay Thủ Đức?”

“Tất nhiên phải là Thủ Đức” Em đáp. Em đã đọc được sự hài lòng của anh qua ánh mắt sáng rực lửa tình.

Sau ba tháng hè thoáng nhanh như giấc mộng, những tưởng em sẽ trở lại nhà trường để tiếp tục cho xong chương trình Đệ nhị cấp để trở thành Cô Tú. Nhưng gia đình em gặp lúc hoàn cảnh quá khó khăn, ba em mắc bịnh lao phổi nên phải nghỉ việc sớm, còn mẹ em thì không kham nổi mọi việc, nào lo cho chồng bịnh hoạn, nào phải lo trông coi việc mua bán nên em không còn một chọn lựa nào khác hơn là phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Thế là giấc mơ trở thành Cô Tú đã trôi qua như những áng mây trời.

Còn anh sau một năm trời thụ huấn nơi quân trường anh cũng đã tốt nghiệp trở thành một Sĩ Quan của QLVNCH và anh đã hãnh diện mình là một Sĩ Quan khóa Đồng Tiến của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức cho đến ngày nay.

Trước khi anh lên đường đáo nhậm đơn vị mới nhận lãnh trách nhiệm của một Tân Sĩ Quan, chúng mình đã ngồi bên nhau suốt một buổi chiều trước ngày anh đi. Ngồi bên nhau trong gang tấc mà tưởng chừng như xa nhau trên muôn dặm nẻo đường khi nghĩ đến ngày mai chúng mình mỗi người một nơi và không biết đến bao giờ tái hợp. Nên ngày anh lên đường em không đưa tiễn mà chỉ đưa tiễn anh bằng một câu nói ngắn gọn trước khi anh rời khỏi nhà em:

“Cách mặt nhưng không cách lòng. Anh yên tâm em vẫn đợi anh về”

Thế là từ đó chúng mình xa nhau. Anh ở một đơn vị xa, còn em ở lại chợ nhỏ và cứ mỗi tháng hai lần em đều nhận được thư anh viết từ KBC từ khu chiến gửi về.

Trong thời gian đó, cứ mỗi sáng cuối tuần đều có những đòan xe buýt vẫn chở đầy các SVSQ từ hướng đồi Tăng Nhơn Phú chạy vụt ngang qua nhà em, đã làm cho em nhớ anh thật nhiều, nhớ những kỷ niệm ngày nào mình mới quen nhau. Dạo ấy, em đã thầm nghĩ rồi đây những SVSQ này cũng sẽ nối bước theo anh để phục vụ đều khắp các quân khu và Vùng Chiến Thuật.

Anh thương

Nỗi đau buồn khi xa vắng người yêu cứ mãi nhen nhúm trong tâm hồn, bỗng nhiên vào một buổi sáng, ba em đã từ giã cuộc đời sau bao nhiêu năm tháng bệnh hoạn, khiến cho nhà em càng thêm trống vắng.

Sự khắc nghiệt đầy cay đắng đã đến với em quá phũ phàng. Đã xa vắng người yêu chưa đủ, nay lại phải mang một đại tang trong cuộc đời. Nhưng trong thời điểm đó, anh được nghỉ phép và đã đến tận gia đình em để chia buồn và an ủi em thật nhiều; cũng trong dịp này anh đã ngỏ lời cầu hôn em, nhưng mẹ em vì đã chịu ảnh hưởng quá nhiều tập quán Thánh hiền nên không bằng lòng và buộc anh phải đợi sau ngày mãn tang.

Trong lúc ấy qua ánh mắt của anh em đã nhìn thấy anh thật buồn và anh đã nói:

“Trong thời buổi này mà cứ phải chờ đợi, không khéo rồi đây em sẽ lỡ dịp”
Vâng, anh đã nói đúng. Em đã lỡ dịp thật rồi. Vì sau khi chôn cất ba em xong; mẹ em đã cho biết khi ba em còn sống đã hứa hẹn cùng một người bạn thân nối khố mà em thường gọi là Bác Tám sẽ làm thông gia với nhau.
Mẹ em vì mộ đạo Thánh hiền nên buộc em phải tuân theo và nhận lời kết hôn cùng con trai của bác Tám trong khi anh bận hành quân xa nên không hay biết gì hết.


Thế rồi ngày vừa mãn tang và cũng là ngày cưới đã đến, họ hàng hai bên đến chia vui, chúc mừng và tiễn đưa cô dâu mới về nhà chồng, từ đó em đã là vợ của Thắng vừa mới tốt nghiệp Đại Học Kiến Trúc ở Phú Thọ. Trong lúc mọi người vui vẻ trong buổi tiệc, lòng em mang một nỗi buồn man mác và thầm nghĩ về anh rất nhiều. Em đã nghĩ sao chàng rể hôm nay không phải là anh? Chàng rể Sĩ Quan Thủ Đức cùng cô dâu Bông Mai Vàng mới đúng câu “Phi Sĩ Quan bất thành phu phụ” Em cũng đã nuối tiếc cho những ngày qua cũng như tâm trạng của T.T.KH qua hai câu thơ:

Người xa xôi quá tôi buồn lắm
Đâu biết ngày vui pháo nhuộm đường
(Hai sắc hoa Tigôn của T.T.KH)


 Sau một năm về làm vợ của Thắng, em đã có một đứa con gái. Trong thời gian này anh cũng vẫn không về và thư từ thì khi có khi không. Cuộc chiến ngày càng gia tăng cường độ nhất là sau cuộc tấn công lúc Tết Mậu Thân, Thắng cũng phải lên đường nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức như anh. Sau một thời gian thụ huấn, Thắng cũng tốt nghiệp và được thuyên chuyển về một đơn vị Công Binh ở ngoài vùng 2 Chiến Thuật.

Trước đây, ngày anh lên đường em đã không đưa tiễn; thì ngày Thắng lên đường ra tận Cao Nguyên cũng không có em đưa tiễn. Nhưng định mệnh cay đắng lại giáng xuống cuộc đời của em. Lần ra đi trình diện đơn vị của Thắng là lần vĩnh biệt cuối cùng của chàng. Một hôm, em và con đang quây quần ở nhà thì có một xe “díp” đậu trước cửa.

Một viên Sĩ Quan bước vào báo cho em biết Thắng đã chết. Em vô cùng sửng sốt và bàng hoàng khi nhận được tin buồn này; nước mắt trào ra khóe mắt. Do theo lời kể của vị Sĩ Quan này cho em biết khi chiếc quân xa đơn vị có Thắng trên xe đang từ từ leo dốc đèo An Khê thì một phát súng bắn tỉa từ một hốc núi nào đó và viên đạn xuyên qua màng tang của Thắng khiến chàng chết gục ngay trên xe.

Anh thương

Cuộc đời em thật nhiều bất hạnh. Mang đại tang cha khi vừa tròn 24 tuổi đời, nay mang tang chồng khi tuổi đời vừa tròn 30 chẵn. Nhiều khi em tự hỏi còn gì bất hạnh xảy ra cho cuộc đời vô thường này của em? Em đã khóc thật nhiều cho số phận của Thắng và của riêng mình; nếu như không có con gái em thì chắc em đã ngã quỵ. Con gái em còn nhỏ quá, tội nghiệp cho nó vừa mới lên 3 mà đã sớm mất cha. Còn mẹ em thì ngày nay đã quá già yếu vì nhiều nỗi khổ đau vì chồng vì con cứ mãi chồng chất lên cuộc đời của bà. Ngày ngày, bà ngoại trông coi giùm cháu ngoại để mẹ nó rảnh tay lo mua việc mua bán để nuôi sống gia đình.

Những tưởng tâm hồn em đã khô cằn chai đá thì anh lại đến. Anh đến với em như những cơn mưa rào tưới lên một vùng đất hoang vu nắng hạn. Nhờ đó em mới biết anh cũng đã có gia đình, có vợ đẹp, con ngoan nhưng cuộc chiến đã làm cho gia đình anh đổ vỡ, vì vợ anh đã không chịu đựng nổi những sự buồn thảm xa vắng chồng, những đêm thức trắng vì lo âu khi hay tin chồng mình đang cùng với đơn vị chìm ngập trong lửa đạn của giặc thù nên cuối cùng đã bỏ ra đi để chấm dứt sự khủng hoảng triền miên của số phận làm vợ lính trong thời chiến.

Em vẫn nhớ lời anh nói sau khi đã ngỏ lời cầu hôn em:

“Trước đây, em đã là người yêu của lính thì nay chắc em không thấy khó khăn gì trong cuộc đời làm vợ lính. Anh tin chắc rằng em là người giỏi chịu đựng và hiểu lính hơn ai hết”

Mặc dầu vậy, trong lúc đó em đã không có ý định dứt khoát về lời cầu hôn của anh. Em đã hẹn anh cho em suy nghĩ ít lâu rồi sẽ trả lời sau.

Trước khi ra về, anh đã hờn trách em:

“Trước đây em đã lỡ dịp, bay giờ không chừng em lỡ dịp nữa”

Em đã nghĩ vì quá yêu em nên anh đã không hiểu em. Anh đâu biết từ lâu em vẫn luôn nghĩ đến con em, vì nó là con gái nên em tin chắc nó sẽ cần em hơn ai hết trong suốt cuộc đời của nó sau này. Hơn nữa, em thường nghe tiếng mẹ em ru cho bé Thắm ngủ qua hai câu thơ:

“Ầu ơ! Trời mưa bong bóng phập phồng..Ờ
Ầu ơ! Mẹ đi lấy chồng ờ. Ầu ơ! Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Ơơ”


Lại thêm tiếng ru con của người hàng xóm qua tiếng võng đưa kẽo kẹt:

“Ầu ơ! Người ta có mẹ có con. Ơ! Ờ!
Ầu ơ! Ầu ơ! Sao đây mẹ nỡ bỏ con lấy chồng”


Những lời ru đó như ngầm chứa một lời nhắn nhủ xa xôi, tiếng gọi tình mẹ đối với con, cũng như một lời hờn trách người mẹ vì tình riêng mà bỏ con cho ngoại. Em cũng đã nghĩ chắc anh cũng đã phiền trách vợ anh đã bỏ ra đi và không nghĩ gì đến các con. Chị ấy đã để lại cho anh nhiều nỗi khó khăn và mấy cháu đành phải về cùng với bà nội và các cô của chúng.

Anh thương

Anh đã làm cha thì chắc chắn đã hiểu thế nào là bổn phận của một người cha đối với các con. Em cũng vậy, đã là mẹ thì tất nhiên em cũng hiểu thế nào là bổn phận của người mẹ đối với con em. Đồng thời em cũng đã hỏi ý kiến của mẹ em về lời cầu hôn của anh. Nhưng lần này mẹ em đã không có ý kiến gì và cho em trọn quyền quyết định kèm theo một tiếng thở dài.
Nhìn qua ánh mắt của mẹ chứa đựng một niềm u ẩn xa xôi, em đã hiểu được nỗi buồn của mẹ em và hiểu luôn ý nghĩ của cái thở dài. Do đó em đã quyết định không nhận lời cầu hôn của anh một lần nữa dầu cho anh đã nhiều lần thúc giục. Lần cuối cùng, chúng mình đã gặp nhau; nhìn anh qua ánh mắt đã bộc lộ nỗi buồn sâu kín trong tâm tư của anh và cuối cùng anh đã nói:


“Thêm một lần nữa chúng mình đã lỡ dịp”

Trong lúc đó, nghe anh nói em cảm nhận như có gì cay đắng và xốn xang trong tâm trí. Thế là từ đó chúng mình thêm một lần nữa xa nhau. Giờ đây mỗi khi nhìn qua khung kính em đã thấy tóc em điểm lấm tấm màn sương tuyết vì tuổi đời thêm chồng chất. Vâng, em đã lỡ dịp cũng như T.T.Kh cũng đã một lần lỡ dịp:

“Tôi nhớ lời người vẫn bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi”
(Hai sắc hoa Tigôn của T.T.KH)


Anh thương, đến đây thư đã dài. Em xin dừng bút và không quên chúc anh thật nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc đời binh nghiệp. Hãy ráng tìm vui với đơn vị và các chiến hữu của anh.

Trong những ngày dài miệt mài qua các cuộc hành quân nhiều gian khổ trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật sẽ giúp anh mau chóng quên em

Cho tôi trút cạn niềm tâm sự
Để tỏ lòng tôi cố nhân ơi


Cuối thư em mong anh đừng bao giờ nghĩ rằng tình yêu của chúng mình như những BONG BÓNG CỦA NHỮNG GIỌT MƯA

Vĩnh biệt anh.

 Đọc thư xong, Toàn vô cùng xúc động; cảm thấy có chất cay trong đôi mắt. Chàng bước đến gần khung cửa sổ để dấu những giọt nước mắt long lanh.

Chàng hướng mắt nhìn về phương trời xa thẳm vừa thầm nghĩ càng thương người yêu nhiều hơn và nàng quả that là một người mẹ biết quên tình riêng để trọn đạo với con, nàng là một người đàn bà khó tìm trong cuộc đời này.
Toàn liếc nhìn một lần nữa bức thư còn đang nằm gọn trong bàn tay buông tiếng thở dài miệng lẩm bẩm nói:

 

“Lệ, không phải một mình em lỡ dịp mà chính anh đây cũng đã lỡ dịp rồi em ơi!”

 
Viết nhân ngày của mẹ (HAPPY MOTHER’S DAY) 2006

 
Xin kính dâng một bông hồng cho các bà mẹ Việt Nam suốt đời đã và đang hy sinh tận tụy vì con. Và cũng viết riêng tặng những bậc anh thư quả phụ và nàng dâu của Đại Gia Đình Đồng Tiến

 
Đồng Tiến VÕ THÁI HƯNG
BURKE, VIRGINIA

 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn