BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu

20 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1143)
Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Chia tay với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri thì cũng đã hơi muộn, chúng tôi cảm ơn ngài về lòng mến khách và thái độ cởi mở đối với chúng tôi. Ra khỏi Tòa Giám mục Đà Nẵng thì trời đã khá trưa, chuyến tàu chúng tôi dự định về Hà Nội cũng đã sắp đến giờ khởi hành.

 Nhưng theo như Đức Cha nói thì Cồn Dầu cũng ở gần đây, không xa Tòa Giám mục là mấy và nên đến đó thì biết thực tế.

 Thôi, đã muốn xem bụt thì phải đi đến chùa, vậy anh em chúng tôi quyết định lùi lại chuyến trở về, vào quán kiếm chút gì ăn tạm rồi bắt taxi về Cồn Dầu.

 Cồn Dầu, rất gần mà rất xa

 Chuyến xe đưa chúng tôi qua một đoạn đường không xa đến cây cầu Cẩm Lệ, cây cầu khá mới, lượng người đi qua lại thưa thớt. Bên này sông, hình thành phố xá, bên kia sông là những bãi đất đầy cỏ mọc ngút ngàn. Tạm biệt anh tài xế taxi, chúng tôi đi bộ một đoạn trên đường Nam Cầu Cẩm Lệ, đoạn phố mới hình thành, hai bên là những căn nhà đang xây dở, những khu công xưởng bao quanh bởi hàng rào như bao dự án đã và đang được tiến hành nhằm chiếm đất là chủ yếu đang mọc lên khắp nơi trên đất nước này. Số tiền đầu tư chưa nhiều và hoạt động ở đây chưa có gì là tấp nập.

 Cầu Cẩm Lệ - Đà Nẵng 

Chúng tôi đi lại trên con phố mới lập này, nhìn thấy những làng mạc xa xa vẫn chìm trong màu u thẫm của cơm mưa chiều sắp đến. Những chiếc ô tô tải chạy vun vút trên đường kéo theo những tiếng ré lên của khách bộ hành khi nước bẩn bắn vào người. Những quán nhậu bên đường đã bắt đầu thấy đông đúc.

Chúng tôi vừa đi, vừa ngắm và hỏi đường, nhiều ánh mắt nghi ngại nhìn chúng tôi khi thấy chúng tôi lếch thếch đi bộ lại hỏi đường về Cồn Dầu, họ chỉ trả lời sơ sài là đi trở lại đến gần Cầu thì hỏi thăm.

Loanh quanh một lúc, trời đổ mưa nhẹ, gặp mấy người đi xe máy đang đứng mặc áo mưa, chúng tôi đến hỏi đường. Mấy người nhìn nhau có vẻ rất cảnh giác, sau khi chúng tôi nói rõ rằng: “Chúng tôi là giáo dân ở Hà Nội, nghe thông tin về Cồn Dầu, muốn đến để tìm hiểu thực hư” thì mấy người mới bày tỏ rằng “chúng tôi cũng là người Cồn Dầu đây, chúng tôi có thể cho các anh quá giang về Cồn Dầu, nhưng khi đi ra chúng tôi không chở các anh được”.

Vui mừng, chúng tôi lên xe của họ.

Thì ra, con đường về Cồn Dầu đâu có xa xôi gì lắm, qua cầu Cẩm Lệ rẽ trái ngay đầu dốc là con đường bê tông nhỏ, đi giữa những đám cỏ mọc tốt bời bời là lối về Cồn Dầu. Con đường dẫn chúng tôi và Cồn Dầu không xa, chỉ mấy cây số nhưng vắng bóng người qua lại.

Vâng, con đường vào Cồn Dầu không xa, nhưng khi đi trên con đường đó với các giáo dân, nhìn cái lạnh tanh của một con đường nối các làng mạc với nhau vào giờ chiều, những giáo dân chở chúng tôi đi mắt nhìn trước, nhìn sau nhớn nhác… chúng tôi mới hiểu: Đường về Cồn Dầu thật gần, nhưng cũng thật xa.

Những điều trông thấy

Dọc đường, các giáo dân kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà người giỏi tưởng tượng cũng khó hình dung được nó đã xảy ra ở đây, ở trong một “nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”.

Bên đường, một tấm bảng vẽ bản đồ “Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân” Chủ đầu tư là “Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời”.

 “Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân” của “Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời” 

Chúng tôi hỏi một người dân: “Có phải Công ty này là công ty đầu tư cả vùng Cồn Dầu hay không? Họ trả lời: “Nào chúng tôi có biết là ai, chỉ biết là nhà nước đuổi chúng tôi đi để lấy đất làm khu sinh thái và họ ép chúng tôi bằng mọi cách”.

Tôi thấy lạ, một Công ty Cổ phần, dù là Công ty mang tên Mặt Trời hay công ty mang tên Vũ Trụ đi nữa, cũng chỉ là một nhóm những người có tiền có của lập nên góp cổ phần trong đó – Nghĩa là chỉ một số “nhà tư bản” mà thôi, nó không đại diện cho nhà nước, nó cũng chẳng đại diện cho nhân dân hoặc “giai cấp công nhân tiên tiến” nào.

Vậy mà những người có tiền này, muốn đuổi bằng được cả làng, cả xã, cả thôn xóm từ ngàn đời nay đi, lấy chỗ của họ để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi của những kẻ có tiền, nhằm kinh doanh kiếm lợi thì chỉ cần chi tiền ra là được sao?

Hơn thế nữa, chỉ cần đuổi dân đi khỏi khu đất đai, tài sản, mồ mả cha ông họ mà phải dùng đến cả bạo lực, công an… – những lực lượng mà chính những người dân Cồn Dầu một nắng hai sương đang vất vả làm lụng để nuôi - để trấn áp họ?

 Những cuộc đấu tố địa chủ, cải cáh ruộng đất, hàng vạn người chết để "người cày có ruộng" 


 Rồi chính sách "Người cày có ruộng" những ngày đảng CS còn non trẻ 

Tại sao những câu nói, những lý thuyết đó không đưa về đây áp dụng cho nhân dân Cồn Dầu lại để một nhóm người đang mưu đồ tập trung tư bản, tư liệu sản xuất, đất đai vào tay mình bằng máu của người dân?

Đành rằng, xã hội phải thay đổi, phải xây dựng mới… Nhưng nhà nước công nhận quyền của người dân, trừ các công trình thuộc an ninh, quốc phòng… thì người dân phải chấp nhận. Đằng này giao đất, giao tài sản của mình vào tay một nhóm người mà nhóm người đó lại dùng bàn tay nhà nước với vũ khí, bạo lực… để trấn áp, buộc họ tay không bất lực phải giao, thì có khác gì lũ cướp?

Lẽ thường tình và luật pháp quy định chuyện bán mua, đổi chác cũng phải sòng phẳng, thuận mua vừa bán hai bên. Làm gì có chuyện công bằng, công lý khi một bên gí quyết định và dùi cui, súng đạn bắt bên kia phải móc túi nộp hết tài sản của mình?

Miên man với những suy nghĩ chưa dứt, thì con đường dẫn chúng tôi vào đến Cồn Dầu.

Con đường vào làng dẫn thẳng vào sân nhà thờ, ngôi nhà thờ khá đẹp, vẫn còn khẩu hiệu và cờ quạt chào mừng quý cha, quý khách đến Cồn Dầu tham dự Đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập giáo xứ ngày hôm qua.

 Nhà thờ Cồn Dầu vừa kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo xứ 1 ngày trước đó 

Một nhóm người trong sân nhà thờ đang dọn dẹp, hàng cờ vàng trắng và các hình ảnh giáo xứ theo quá trình lịch sử phát triển treo hai bên lối vào.

Nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi biết đang đứng trên vùng đất có chiều dày về truyền thống gieo vãi hạt giống Tin mừng và sự phát triển của những hạt giống đó cả hơn trăm năm qua.

Những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được chứng kiến

Con đường trong làng Cồn Dầu vắng lặng đến bất ngờ, những người ra đường không nhiều, bóng dáng trẻ con không thấy mấy.

Chúng tôi đi dọc con đường trong làng, những ánh mắt nhìn chúng tôi từ sau bờ rào với cái nhìn nghi ngại, cảnh giác. Họ rất ít khi hưởng ứng khi chúng tôi bắt chuyện. Điều đó ban đầu làm chúng tôi ngạc nhiên.

 Đường làng Cồn Dầu vắng lặng bất thường 

Nhưng rồi sự ngạc nhiên nhanh chóng qua đi, khi một số giáo dân biết chúng tôi từ xa tới, là những giáo dân đồng đạo của mình đến tìm hiểu tình hình Cồn Dầu. Họ lấm lét nhìn trước nhìn sau và trả lời những câu hỏi của chúng tôi đặt ra cũng như kể lại những gì đã xảy ra với họ.

Nghe những câu chuyện đó, chúng tôi thấy xót xa, ngậm ngùi cho một vùng đất, một cộng đồng dân cư chỉ cách trung tâm Thành phố trực thuộc Trung ương chừng dăm bảy cây số, một giáo xứ chỉ cách Tòa Giám mục cũng chừng đó quãng đường và tại đó đang có một linh mục hiện diện.

Người dân kể lại:

Các anh không biết đấy thôi, ở đây dân chúng tôi biết đoàn kết và chống lại sự bất công này. Đất đai, mồ mả và tài sản mồ hôi nước mắt bao đời cha ông chúng tôi gây dựng nên bỗng dưng bị xua đi, để nhận những đồng tiền theo ý của họ như bố thí. Chúng tôi bỗng nhiên mất trắng chẳng còn được một quyền gì trên chính quê hương xứ sở của chúng tôi, kể cả quyền được chết và được chôn trong vườn Thánh, bên cạnh những người thân yêu.

Chúng tôi đã đoàn kết, cả làng, cả xứ không ai nhất trí với việc cướp đất đai, nhà cửa của chúng tôi theo cách của bọn bạo lực dùng sức mạnh, lấy thịt đè người, bất chấp lương tâm và luật pháp. Những “giáo gian” bị cô lập, những người cam tâm bán rẻ bà con chòm xóm không có đất hoạt động. Chúng tôi đã cầm cự như vậy đến hai năm nay.

Chính quyền đã dùng nhiều biện pháp từ nhẹ đến nặng như răn đe, dùng vũ lực, cậy đám đông… nhưng đều vô hiệu. Chỉ đến đám tang bà cụ già Maria Đặng Thị Tân, chúng tôi bị khủng bố trắng, chúng tôi là những người dân đen, hiền lành vô tội chẳng có âm mưu gì. Khi đưa xác bà Tân đến nghĩa trang, vườn Thánh của Giáo xứ, cũng chỉ vì nguyện vọng của người quá cố được nằm bên cạnh nắm xương tàn của người chồng thân yêu mà thôi. Vì thế, khi công an đổ đến, chúng tôi không nghĩ là họ lại tàn bạo với ngay cả dân của mình, chúng tôi góp tiền nuôi họ chứ chẳng có Tây, Tàu, Trung Quốc nào nuôi họ cả.

Chính vì thế, nhà cầm quyền đã lợi dụng đêm tối khi mới tảng sáng để tấn công chúng tôi. Và sau đó là đánh đập, là bắt giam, là phạt tiền, là khủng bố… họ làm cho cả làng, cả xóm bạc nhược và sợ hãi. Bây giờ, chúng tôi không dám tiếp xúc với ai, một bài báo nào đó, một động tác nào đó cũng đủ để công an đưa chúng tôi lên đồn phạt tiền, đánh đập, kể cả khóc cũng không được nữa.

Mới đây, sau khi anh Năm chết, chúng tôi mới hiểu là họ không từ bất cứ thủ đoạn nào, dù man rợ đến đâu đối với dân đen chúng tôi.

Người dân chúng tôi sợ hãi vì tiếng kêu của chúng tôi chẳng thấu đến tận đâu cả. Trời thì xa, quan nha thì gần, chúng tôi như một bầy cừu, và họ muốn thịt con nào thì cứ thế mà thịt, súng đạn, dùi cui, nhà tù… đủ cả rồi.

Chúng tôi hỏi: “Cả quá trình hai năm qua, cha xứ và Đức Giám mục có hướng dẫn hoặc khuyên nhủ gì anh chị em không?” và nhận được câu trả lời: “Có anh ạ, linh mục thì ít khi nói đến, vì tiếp xúc với ngài rất khó khăn, kể cả giáo dân chúng tôi. Còn Đức cha khuyên chúng tôi là các con không sợ mất giáo xứ, có đi lại xa xôi thì chấp nhận, không phải sống co cụm cả làng công giáo mới là tốt mà đi như thế ở lẫn với người không có đạo mới là đi rao giảng Tin mừng.

Nhưng chúng tôi còn trẻ, còn đi được đến nhà thờ, chứ trẻ con, ông già bà lão, già cả sắp xuống lỗ rồi, sáng đọc kinh chiều đi nhà thờ, làm sao có thể đi cả bao nhiêu đường đất để đến nhà Chúa?”.

Nghe giáo dân ở đây nói, tôi mới hiểu là sáng nay, khi nghe Đức cha nói cũng có lý, nghĩa là từ 1.500 giáo dân Cồn Dầu hôm nay, khi được phân bổ vào các khu không có người công giáo, đàn chiên của ngài có thể lên 3.000 là một hy vọng.

Nhưng chắc Đức cha không hiểu tâm tình này của họ.

Và tôi hiểu vì sao họ yêu mến đến thế mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bởi ở đó cả trăm năm qua, họ sống với tiếng chuông mỗi sáng gọi trẻ em dậy đi học, gọi người lớn đi làm và mỗi chiều gọi các giáo dân mau chóng trở về nơi tổ ấm…

Chúng tôi hỏi họ “Anh chị em nghĩ gì nếu chủ trương của nhà nước cần phải làm cho Thành phố đẹp hơn, như Đức cha cho chúng tôi biết rằng đây là chỗ ngập lụt hằng năm nên cần nâng cao hơn cho đẹp đô thị, và sau đó anh chị em được chuyển đổi ngành nghề chứ làm nông biết bao giờ giàu có? ” Họ đáp lại: “Thật ra, chúng tôi biết nỗi khổ của chúng tôi, những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống. Nếu đây là đất phải giao để làm đường, làm các công trình phúc lợi cho nhà nước, cho nhân dân, chúng tôi không thể không đồng ý.

Thế nhưng chúng tôi được giao đất không phải vào tay nhà nước, mà cho một nhóm người làm giàu trên mảnh đất này của chúng tôi. Nếu nhà nước có ý định tốt cho dân chúng, thì tại đây cần đầu tư xây dựng, quy hoạch… dân chúng cũng cố gắng để thực hiện. Hoặc nếu bất đắc dĩ phải đi, thì chúng tôi phải được thỏa đáng quyền lợi của mình. Đằng này họ đến buộc chúng tôi như cướp vào nhà thì có ai nghĩ là đúng không? Còn nói là để chuyển nghề cho chúng tôi ư, anh cứ đến bất cứ dự án nào để xem những người bị lấy đất có được mấy phần ngàn người dân được nhận vào làm việc ở đó. Chúng tôi biết chắc chắn là chúng tôi và con cái phải ra đường, hoặc là trở thành bụi đời, trộm cướp hoặc làm thuê mướn bán thân mà thôi…”

Nhiều câu chuyện được kể lại trong nước mắt, những tiếng nói thổn thức của người dân Cồn Dầu đã lắng lại trong chúng tôi từng chi tiết nhỏ.

Chúng tôi an ủi họ: “Đám tang bà Tân, theo như Đức cha nói thì việc đụng độ hỗn chiến chỉ là việc ngoài ý muốn, coi như một tai nạn, chứ không ai muốn thế”. Những giáo dân này gạt nước mắt: “Chỉ có chúng tôi ngoài ý muốn thôi, chứ nhà nước làm sao nói ngoài ý muốn được. Họ dùng hơi cay, dùi cui… quay phim chụp hình cẩn thận, nhiều người đang đứng im, không hề manh động lại còn kêu gọi không được bạo động, thế mà công an cứ đánh tới tấp, thậm chí các em nhỏ bị đánh, người lớn đến cứu là bị bắt ngay. Một số các em không kìm được đã chọi lại liền bị quay phim bắt tại chỗ và bắt nguội sau đó. Ngay cả như anh Liêm, một người đang nằm trong nhà gần đó cũng bị xông vào bắt nốt… nhất là những người đã dám đứng lên đấu tranh thời gian qua và có uy tín đều bị bắt hết, thậm chí là bắt sau đó cả hai tuần lễ. Như vậy đâu có phải ngoài ý muốn nhà nước.

Những người bị bắt đã bị thẩm vấn, bị đánh tàn bạo, thế nhưng trước khi thả ra chúng buộc phải ký giấy và cam đoan về nhà không được nói cho ai biết là bị đánh. Khốn nạn đến mức nhiều người hoảng loạn như anh Năm đó anh ơi”.

 Nghĩa địa Giáo xứ Cồn Dầu và bảng "nghiêm cấm" an táng người chết. 

Giáo dân cũng cho chúng tôi biết, cả trăm người bị bắt, bị đánh đập tại chỗ bởi công an, nhưng không hề có bất cứ một văn bản nào được lập việc dùng vũ lực cướp quan tài và đánh đập dân. Sau đó, tất cả những người bị bắt đều phải nộp tiền, kẻ thì 1 triệu rưỡi, người thì 2 triệu, thậm chí có người đến 5 triệu… có người chỉ vì khóc cũng bị phạt 5 chục ngàn đồng.

Hiện tại, vẫn có 6 người bị giam giữ cả ba tháng nay, nhưng chưa một ai được gặp, việc thăm nuôi chỉ là mang đồ tiếp tế đến trại rồi cán bộ mang vào cho mà thôi.

Sau khi một số người bị bắt, công an liên tục triệu tập những người khác để “củng cố chứng cứ” bằng cách buộc họ khai những điều công an muốn cho những người đang bị giam giữ. Không hiểu có luật pháp nước nào trên thế giới cho phép bắt người trước rồi tìm tội sau hay không?

Câu hỏi này, chắc chỉ có thể trả lời bởi hệ thống hành pháp trong “Nhà nước pháp quyền” mang cái đuôi “Xã hội chủ nghĩa” mà thôi.

Chúng tôi đi qua vài nhà, thăm gia đình anh Toma Nguyễn Thành Năm, thắp cho anh một nén hương của người đồng đạo, chia sẻ với gia đình trước cái chết buồn tủi của anh. Người vợ anh ngồi bệt xuống sàn kể cho chúng tôi nghe về cái chết của người chồng thân yêu của mình phải lìa đời khi mới 44 tuổi, tiếng nấc nghẹn ngào xen kẽ từng lời chị nói.

 Nhà anh Toma Nguyễn Thành Năm và người quả phụ trẻ 

Trong khi chúng tôi đang ở đó, một vài khuôn mặt lạ đang lởn vởn xung quanh. Trời tối dần, những giáo dân đã biết chúng tôi đi ngang qua nói nhỏ “Các anh nhanh chóng mà rời nơi đây, những ngày sau khi giáo dân bị đàn áp, sợ hãi, thì một số giáo gian lại có đất hoành hành”.

Chúng tôi đi về phía nhà thờ Cồn Dầu, sau những bậc cửa, sau những hàng rào, vẫn có những ánh mắt dõi theo, ngờ vực và khép nép.

Trời tối dần, các ngọn đèn trong các gia đình đã bật sáng, khung cảnh nhà thờ Cồn Dầu vắng vẻ, một nhóm người đang ăn cơm sau khoảng sân. Chúng tôi đến hỏi họ và muốn vào thăm cha xứ, một người nói: “Cha xứ đang ở trong nhà, anh muốn gặp thì vào gọi cửa”. Chúng tôi đến ngôi nhà xứ vắng lặng, ánh đèn vẫn sáng bên trong, gõ cửa ba lần nhưng không thấy tiếng động.

Chúng tôi ra về khi chiếc taxi vừa đến đợi trước cửa nhà thờ.

Một chuyến đi Cồn Dầu, đến với những người anh em đồng đạo để lại nhiều nước mắt hơn nụ cười, ấn tượng đọng sâu nhất trong tôi là những ánh mắt ngơ ngác, hãi hùng của đám trẻ khi thấy người lạ vào làng.

Những tiếng nấc nghẹn ngào của họ, có ai nghe thấu chăng?

Hà Nội, ngày 17/8/2010

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Kỳ tới: Cái chết của anh Toma Nguyễn Thành Năm

 Nguồn: Blog Jbnguyenhuuvinh.wordpress.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn