1.
Đây là một trong những trường hợp điển hình mà mình đọc được sáng nay trên trang fây. Theo Anh Gấu Phạm, là một “bài toán khó…” đỡ!
Thật ra thì mình có lo xa lắm không? Khi nghĩ rằng không chỉ với con số 900 “dư luận viên,” tức “tuyên truyền viên trên mạng” do nhà nước tổ chức, đào tạo, phân công để làm “chuyên gia bút chiến,” sẵn sàng xông trận “tuyên truyền các tư tưởng thân chính phủ,” mà với chính sách “100 năm trồng người” kiểu này, sẽ có một hoặc nhiều thế hệ nữa, không chỉ khoanh nhỏ trong không gian internet mà thôi, mà tất cả con em của chúng ta có nguy cơ trở thành những “kẻ ôm bom khủng bố” ở ngoài đời, thật!Ngày xưa, chỉ có thể nói giáo dục sai lầm giết chết một, hoặc vài thế hệ. Nhưng thực tế Việt Nam với chính sách giáo dục của nhà nước cộng sản sau ngày “giải phóng,’ đang giết dần cả một dân tộc.
2.
Ở đây, cũng nên thấy có một chút liên hệ giữa truyền thông và giáo dục. Ở trong nước, các bạn làm báo nói chung và dư luận viên nói riêng được hướng dẫn cặn kẽ: “Báo chí phải góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận đối với xã hội.”
Nhà báo luôn cần sự nhạy cảm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Một thông tin nhanh nhạy, chính xác có sức lan tỏa nhanh, nhận được sự đồng tình lớn của dư luận xã hội đó là những thông tin tốt, đúng định hướng. Chúng ta nên hiểu, báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, mọi hoạt động của báo chí đều phải nhằm mục đích là phục vụ công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Báo chí không thể đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân. Sự nhạy cảm của các nhà báo chính là cách xử lý thông tin, điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức xã hội và kinh nghiệm. – ICT
Còn mình, ở ngoài này lãnh hội:
Nhiều người hay nói nhà báo có trách nhiệm phải hướng dẫn dư luận, họ nói để khích lệ hoặc để chỉ trích. Hãy thận trọng và hoài nghi khi nghe ai nói như vậy. Hướng dẫn dư luận thường là tham vọng của những người làm nghề khác, các nhà chính trị, nhà kinh doanh, nhà truyền giáo hay nhà giáo dục khi họ bước vào ngành truyền thông. Chúng ta làm báo chuyên nghiệp nên nghĩ mình đóng một vai trò khiêm tốn hơn. Có nhiều lý do để khiêm tốn.
Một điều nên biết là trong thời kỳ thông tin bùng nổ này, công chúng có phương tiện tìm đủ thứ tin tức và nghe đủ các quan điểm khác biệt, trái ngược nhau, nếu họ muốn. Biết như vậy, nhà báo càng nên khiêm tốn. Một hiện tượng đang diễn ra ở các nước tiên tiến là công chúng thường chọn tờ báo, chọn đài truyền hình và mạng lưới nào phù hợp với khuynh hướng chính trị, tôn giáo của họ, chúng không phải ngược lại. Độc giả có khuynh hướng bảo thủ đi chọn báo, chọn đài hoặc những blog bảo thủ; người có khuynh hướng cấp tiến thì ngược lại. Ngày nay, hầu như người ta đọc báo, nghe đài, lên mạng chỉ cốt để thỏa mãn nhu câu củng cố điều tin tưởng có sẵn của họ, chứ không phải họ không có ý kiến nào hết, chỉ đợi coi nhà báo nói họ nên nghĩ như thế nào, làm cái gì. Không phải các cơ sở truyền thông hướng dẫn, đưa đẩy công chúng vào một khuynh hướng, quan điểm chính trị nào, như trước đây một thế kỷ; hoặc như tại các nước dân trí chưa tiến bộ hay phải sống trong chế độ độc tài chuyên chế. Thêm một lý do nữa để chúng ta chọn đóng một vai trò khiêm tốn cho nghề truyền thông của mình.
Nhà báo cũng không nên nghĩ mình có “quyền” hướng dẫn cho độc giả, thính giả và công chúng tin theo những gì mình muốn họ tin. Vì chúng ta có quyền tự do tư tưởng và óc phán đoán của độc giả và của mọi người. Chúng ta không tìm cách tuyên truyền hay áp đặt các quan điểm của mình, dù chúng ta tin các quan điểm đó là đúng. Nhất là không đánh lừa độc giả, thính giả để thuyết phục họ tin theo mình.
Đó là lý do các báo, đài của công ty Người Việt phân biệt rõ tin tức với các ý kiến và lời bình luận. Phải cho độc giả biết khi nào chúng ta loan tin, khi nào chúng ta trình bày ý kiến, bình luận của mình hay của người khác. Tuyệt đối không tìm cách hướng dẫn dư luận bằng cách ngụy trang quan điểm của mình qua tin tức. Đây là một vấn đề lương tâm; không được lợi dụng niềm tin mà người đọc và thính giả trao cho mình.
Nhưng công việc truyền thông thế nào cũng ảnh hưởng tới dư luận, không thể tránh được. Ảnh hưởng như thế nào? Nhà báo cung cấp thông tin xác thực và đầy đủ về các biến cố, sự kiện và sinh hoạt trong xã hội, nhờ thế công chúng sẽ đủ dữ kiện để phán đoán và lựa chọn nếu cần. Đó là cách “hướng dẫn dư luận” đứng đắn, lợi ích nhất và có hiệu quả nhất.
Nhà báo cũng thường phân tích, bình luận, phê phán các biến cố, sự kiện, nhân vật và các sinh hoạt trong xã hội; nhưng phải cho công chúng biết đó là những ý kiến của mình. Khi đóng vai trò phân tích, bình luận, nhà báo cố giữ thái độ khách quan, công bình, trình bày các sự kiện và quan điểm trái ngược một cách cân bằng, không thiên lệch. Nếu các ý kiến của mình nêu lên được thính giả, độc giả đồng ý, thì đó là hiện tượng bình thường trong mọi cuộc trao đổi ý kiến của cả xã hội, giữa nhiều quan điểm khác biệt, trái ngược hoặc xung đột nhau. Nếu người ta đồng ý thì đó là do những nỗ lực dùng lập luận và dẫn chứng của mình với tư cách một công dân, một phần tử trong cộng đồng, sau khi họ có dịp so sánh với các quan điểm khác. Góp ý kiến là nhiệm vụ bình thường của mọi công dân. Không nên nghĩ vì mình đóng vai trò một nhà báo nên có bổn phận phải dùng cơ quan truyền thông hướng dẫn người đọc hoặc thính giả về phía ý kiến, quan điểm mà mình đã chọn.
Những quy tắc trên đây có vẻ lý tưởng, mà lý tưởng thì khó thực hiện hoàn toàn. Nhưng phần lớn các quy tắc đạo lý của loài người đều lý tưởng như vậy cả. Thí dụ như chúng ta được cha mẹ dạy rằng phải thương người như thương thân, hoặc không được nói dối, vân vân. Có ai thực hiện đầy đủ các quy tắc đó hay không? Chúng ta không nên vì những điều thiện có vẻ lý tưởng, khó đem thể hiện hoàn toàn, mà bỏ qua. Vì nếu cứ như thế thì cuối cùng sẽ chẳng còn đạo lý nào để mà theo nữa. Vì vậy, sau đây chúng tôi cũng ghi thêm một số điều mà những người đã xây dựng nhật báo Người Việt và công ty Người Việt vẫn tin tưởng, kể từ khi làm tờ báo đầu tiên cho tới ngày nay. Ước mong những điều này sẽ tiếp tục được thể hiện trong các hành động của anh chị em bây giờ, cũng như về sau. – Ngô Nhân Dụng, Sổ tay báo chí Người Việt.
Trong khi đó, bạn làm báo cách gì, cũng không ra ngoài quỹ đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt “quan tâm, chỉ đạo”:
“Chỉ có một biện pháp duy nhất là công bố thông tin một cách đầy đủ, chuẩn bị những bài viết có sự phân tích thuyết phục cao để định hướng dư luận. Nhưng muốn làm được việc này các tờ báo phải có đội ngũ bình luận viên sắc sảo, những cộng tác viên có uy tín, kinh nghiệm. Chúng ta cần phải nhớ rằng, nguyên tắc quan trọng nhất của báo chí luôn là sự thật; Sự tác động của báo chí vào dư luận xã hội là nội dung được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì vai trò của báo chí đã giữ vững trận địa thông tin và là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa cơ quan quản lý với mọi thành tố khác trong xã hội…” – ICT
Cách gì, nếu bạn muốn tồn tại trong hàng ngũ báo chí định hướng xã hội chủ nghĩa, bạn phải thực hiện răm rắp những giáo điều kinh điển:
Chúng ta không thể để một số ít các phần tử của phản động lợi dụng cái gọi là “Tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận…” để xuyên tạc nói xấu và bôi nhọ chế độ Chủ nghĩa Xã hội. Ở Việt Nam, hơn lúc nào hết các nhà báo phải là những chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân… - ICT
Như vậy, chế độ dùng báo chí và các bạn dư luận viên như những tấm khiên chống đỡ. Điều đó tạm chấp nhận được. Nhưng giáo dục con em chúng ta với những bài toán rùng mình kiểu “cắt tay” hoặc “quăng lựu đạn” thì đất nước này đã được định hướng tiến vào địa ngục.
Một điều tôi vẫn tin, bảo vệ con em chúng ta, chưa bao giờ là trách nhiệm của kẻ khác.
Ngày 2 tháng 10, 2013
UYÊN NGUYÊN
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn