BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thơ Tố Hữu đi vào thực tế quần chúng

14 Tháng Bảy 195512:00 SA(Xem: 1228)
Thơ Tố Hữu đi vào thực tế quần chúng
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Tố Hữu


Mở cuốn sách nhỏ in những bài thơ của Tố Hữu, mắt tôi đọc, nhưng lòng tôi đã như động tới những ngày không thể quên, từ những năm mới kháng chiến. Tôi nhớ lại những ngày lo âu hồi cuối năm 1947, khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn và ào ạt tiến lên Việt Bắc. Tố Hữu vừa ở khu Bốn ra, một lần anh đi với tôi từ Thái Nguyên xuống Bắc Giang. Tôi vẫn nhớ tiếng cười, tiếng huýt sáo và giọng nói chuyện vui của anh, trên dọc đường, gặp mỗi đoàn bộ đội, mỗi bóng áo chàm, mỗi sườn đồi trồng sắn, mỗi ngã ba, tôi luôn luôn có cảm tưởng như anh sắp cất tiếng hát. Rồi những ngày quân Pháp từ trên đổ về, từ dưới tràn lên, những đêm mưa rét, súng nổ, lửa cháy, chúng tôi sống giữa những gia đình gồng gánh chạy tơi tả, và những anh bộ đội, du kích bắn nhau với giặc, bám lấy từng bờ đá, gốc tre. Sau trận Sông Lô, đi qua những làng cháy trụi bên ven con sông im lặng, chúng tôi gặp những mái lá còn xanh của đồng bào mới trở về. Quân giặc cuối cùng đã phải tháo chạy. Khắp Việt Bắc, cuộc sống lại nhóm lên. Một đêm, trong một xóm nhỏ vùng núi Phú Thọ, Tố Hữu thức suốt sáng, làm bài thơ ca ngợi chiến thắng và những người làm nên chiến thắng ấy: đó là bài “Cá nước”.

Chiến thắng Việt Bắc của bộ đội và nhân dân ta đã làm cho Tố Hữu tạo nên được một chiến thắng Việt Bắc trong thơ. Anh viết liền một hơi những bài “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm”, “Bao giờ hết giặc”, rồi đến “Bầm ơi”, “Voi”, “Giữa thành phố trụi”, “Phá đường”. Tôi cùng đi với anh theo các đồng chí pháo binh, ban ngày hành quân, đến tối, anh trung đội trưởng chạy tìm cho chúng tôi một ống dầu dọc, và Tố Hữu đã viết ngay bài hành khúc “Voi ơi”, để sáng hôm sau, bộ đội có thơ hát cho nhẹ vai gánh đại bác. Anh nói chuyện với bà cụ chủ nhà chúng tôi ở, và anh ngồi bên bếp viết ngay “Bà bủ không ngủ, bà lo bời bời”. Những con người thực, những sự việc thực của đời sống hàng ngày lúc đó như một luồng sống ào ạt thổi vào tâm hồn anh, làm nảy lên những bài thơ như "măng mọc sau mưa xuân", như những đóa hoa đồng tươi thắm.

Thơ Tố Hữu trước cách mạng là ngọn lửa cháy trong tâm hồn một người tuổi trẻ yêu nước, yêu đời, yêu những người cực khổ, được Đảng chỉ cho thấy con đường cách mạng, nhưng chưa kịp biết cuộc sống thực, cuộc sống cơm áo, mồ hôi nước mắt của quần chúng lao động. Trong nhà ngục, chí bất khuất của người thanh niên vẫn gầm lên hoặc hát lên tha thiết, anh quyết vì Đảng chiến đấu đến cùng, ngọn lửa của anh luôn luôn cháy bỏng, - nhưng khi lắng nghe tiếng đập của cuộc sống bên ngoài, anh mới nghe thấy tiếng chim kêu, gió thổi, tiếng dơi chiều, tiếng ngựa hí. Khi anh nói dưới đường xa, nghe tiếng guốc đi về, mà bỗng làm ta lay động cả tâm hồn, là vì anh vừa nói đến một cái gì rất thực trong cuộc sống hàng ngày của những con người thực. Tiếng hát của Tố Hữu lúc ấy sôi nổi và cảm động, nhưng còn thiếu gốc rễ trong những cái rất thực ấy của đời sống quần chúng. Vì vậy tiếng hát của anh chưa thoát ra được ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn bấy giờ. Ta nghe trong “Đá” uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro còn hơi thở của Điêu tàn, hoặc trong “Bạn đời ơi”, vui chút với trời hồng còn phảng phất câu thơ Xuân Diệu.

Ngay lúc đó, có những bài thơ của Tố Hữu đã bắt được rễ chắc hơn trong đời sống thực của nhà tù và những con người thực anh gặp lúc đó, trong cuộc đấu tranh hàng ngày của những chiến sĩ cách mạng, như bài “Nghĩa đời trong ba tiếng”, “Châu Ro”, hoặc đoạn thơ thất ngôn “Than ôi, xưa cũng chốn này đây” trong bài “Tiếng hát đi đầy”. Những khi ấy, hơi thơ hiện thực đã chớm lên. Những bài ca dao tiền khởi nghĩa, nói lên lời của nông dân chống đi phu, chống thóc tạ, trồng đay, cũng mở ra một hướng mới. Nhưng nhìn về căn bản, cho đến sau cách mạng, khi Tố Hữu nói lên niềm vui giải phóng, khi anh ca ngợi “Tình khoai sắn”, khi anh muốn bay múa trong Đêm hoa đăng kỷ niệm cách mạng, thơ của anh vẫn là tự biểu hiện của anh, và tâm hồn tự ca hát ấy vẫn còn chưa bắt liền được mạch sống với những vất vả, lo lắng, vui buồn của quần chúng.

Kháng chiến nhào nặn lại xã hội Việt Nam, như trong một trận động đất. Quần chúng đông đảo vào trong lửa cháy, thành những người anh hùng mới, đổ máu giành sống còn cho Tổ quốc, đổ mồ hôi làm thay đổi cuộc đời. Bước chuyển biến trong thơ Tố Hữu phản ảnh sự thay đổi lớn lao ấy của thực tế Việt Nam, mà con mắt đảng viên của anh đã nhận ra. Nhà thơ không đặt vấn đề tự nói mình nữa mà muốn nói anh bộ đội, bà cụ áo chàm, em bé giao thông, những con người thực hàng ngày sống chung quanh, những con người bình thường mà vĩ đại. Thơ Tố Hữu chuyển mạnh, đi hẳn vào thực tế của quần chúng cách mạng.

Bước chuyển ấy trước hết là chuyển đề tài. Nhưng chỉ chuyển đề tài mà thôi chưa đủ. Có nhà thơ mượn đề tài công nông binh để tự biểu hiện mình, có người muốn nói công nông binh nhưng đi vào quần chúng như "chắt chắt vào rừng xanh". - Muốn biểu hiện quần chúng một cách trung thành, nhà thơ phải hiểu quần chúng, thuộc quần chúng, tự hòa vào quần chúng, đến trình độ nghe được bằng tai của quần chúng, nhìn được bằng mắt của quần chúng, nói được bằng tiếng nói của quần chúng.

Bước chuyển của Tố Hữu sang thơ hiện thực, không những chỉ là chuyển đề tài, mà là chuyển cả hồn thơ và tiếng nói. Đó là nhờ trong nhà tù, trong hoạt động cách mạng, anh đã thu được một cái vốn sống của quần chúng mà trước kia anh chưa biết đường nói ra rõ ràng. Thực tế quyết liệt của kháng chiến ném công việc làm thơ vào giữa cuộc hành quân vất vả của pháo binh hay nỗi lo âu thắt ruột của bà mẹ chiến sĩ, sự lay động đến gốc rễ của tâm hồn người làm thơ và cái trách nhiệm sâu xa mà người làm thơ cảm thấy trên vai, khi nhìn vào những sống chết hàng ngày của quần chúng, - tất cả những cái đó đã giúp cho Tố Hữu đập vỡ được nốt cái vỏ lãng mạn cũ còn kìm thơ anh lại. Mới cách ít lâu, anh còn viết:

Nhân loại trườn lên trên biển máu.
Đang mơ xuân đến với môi cười.

những câu đẹp, chữ và hình ảnh lôi cuốn người làm thơ. Đến nay anh nói:

Tôi ở Vĩnh Yên lên,
Anh trên Sơn Cốt xuống,
Gặp nhau lưng đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi

Tình cảm và tiếng nói của anh trở lên mộc mạc đơn giản, - cái đơn giản thực thà của cuộc chiến đấu nghiêm khắc. Tôi còn muốn dẫn nhiều đoạn thơ của anh, đạt tới cái thật chất đơn giản của sự sống. Những “tiếng guốc đi về” ngày trước ít vang động trong thơ anh. Nay trong mỗi bài đều nghe thấy tiếng thở của đời sống, của những con người ta gặp hàng ngày. Từ cây tre, tảng đá, từ tiếng chim kêu, gà gáy đều thay đổi.

Xưa, trên đường đi đày, giữa đèo cao núi thẳm anh nghe

Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây

Nay cùng anh vệ pháo, anh hát:

Ta bế ta bồng
Voi lên ta vác
Vai ta vai sắt
Chân ta chân đồng
Ta đi qua rừng
Lau tre san sát
Voi nghe ta hát
Núi dội vang lừng
Ta bước lên đèo
Ta leo lên dốc
Voi ơi, khó nhọc
Khó nhọc cũng trèo

Tôi không thể không dừng lại bài “Voi” ấy của Tố Hữu, một bài thơ mà tôi nghĩ là rất quý cho thơ Việt Nam. Tôi muốn chép lại cả bài thơ ở đây. Trong tiếng hát của anh pháo binh chúng ta nghe như vang dội tiếng hò của người kéo gỗ. Bài thơ vui đùa mà chắc nịch, thật lạc quan, nó mang tính chất chiến đấu của những người lao động, thấy rằng do sức lao động của mình mà làm được tất cả. Lao động ấy xưa kia là nỗi khổ nhục, vì phải dùng để cung phụng cho bọn áp bức bóc lột, thì ngày nay trở nên vui tươi, vì nó phục vụ cho người lao động. Tôi thiết nghĩ cái điển hình nhất trong đời sống quần chúng chính là lao động, là chiến đấu. Bài “Voi” đã đem vào thơ ta tiếng hát khỏe mạnh và tự hào của quần chúng lao động và chiến đấu, Cùng một giòng ấy, bài “Phá đường” uyển chuyển hơn, nhưng theo tôi không được chắc mạnh bằng. Đó là những bài thơ hiện thực mang nhiều cái “mới” đang sinh thành trong đời sống chúng ta. Tố Hữu đã tìm biểu hiện quần chúng trong hình thái sinh hoạt điển hình tức là lao động, mà lao động chính là chiến đấu của quần chúng. Cũng do biểu hiện được sinh hoạt lao động, những bài thơ ấy mang một tình cảm lạc quan có cơ sở vững chắc, hướng rộng về tương lai.

Tố Hữu chuyển sang hiện thực và đi vào biểu hiện quần chúng không phải bài nào cũng thành công và trong một bài, không phải câu nào cũng thành công. Nhưng phương hướng chung của thơ anh đã rất rõ. Tố Hữu không biểu hiện những con người quần chúng một cách cứng nhắc, giả tạo. Mỗi nhân vật của anh đều khá rõ nét, không lẫn lộn với nhau, những trường hợp anh đưa ra khác nhau và những tình cảm của nhân vật thơ anh cũng nhiều vẻ. Nhà thơ nhìn vào cuộc sống thực và cố trung thành với quần chúng thực chung quanh anh chứ không suy luận ra những nhân vật, tình cảm cho đúng với một kiểu "hiện thực xã hội chủ nghĩa" nào tưởng tượng ra trong óc. Một điểm chứng tỏ tính chất hiện thực ấy của thơ Tố Hữu là những con người anh mô tả đều rất rõ bản sắc dân tộc. Anh bộ đội hiền lành "tì tay trên mũi súng" ấy là anh bộ đội Việt Nam của năm 1947, còn quen tì tay trên cán cuốc, khi ngồi nghỉ ngoài đồng. Bà mẹ ấy, em bé ấy, chị nông dân đi phá đường ấy, là bà mẹ, em bé, là chị nông dân Việt Nam. Khung cảnh đất nước, ánh sáng bầu trời, bóng tre, màu lúa, hay tiếng mưa trong núi, rồi tấm áo nâu hay vạt áo chàm, nét mặt con người, giọng cười câu nói, cho đến lối nhìn, nghe, lối ví von, tất cả những cái ấy quyện vào nhau tạo cho những bài thơ Tố Hữu một "không khí" dân tộc không thể nào đem tách ra thành từng điểm "một, hai, ba" được. Tính chất dân tộc làm cho những nhân vật "sống" một cách cụ thể, in sâu vào lòng người. Và ngược trở lại, chính nhờ đi vào đời sống quần chúng, mà Tố Hữu đã hiểu được đất nước và biết yêu dân tộc một cách sâu sắc hơn trước.

Lòng yêu nước của Tố Hữu trước hết là lòng yêu những người của đất nước, những người nông dân chịu thương chịu khó, làm nhiều mà nói ít, hiền lành mà anh dũng, giản dị mà trung hậu, bền gan bền chí, rất dễ vui, ngay trong kháng chiến gian khổ. Tình yêu ấy của Tố Hữu dịu dàng, đầm ấm, chan chứa kính mến và đượm cả xót thương, có đôi khi đến bùi ngùi. Mỗi khi đọc lại những câu bà ru cháu trong bài “Cá nước”, tôi không thể ngăn được mình như nghe thấy tiếng võng đưa kẽo kẹt, đầu một "xóm tre xanh" nào.

Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về
Cháu ngoan cháu ngủ đi nhe
Mẹ mày ra chợ bán chè bán rau
Bố đi đánh giặc còn lâu
Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày

Khi Tố Hữu tả Bà bủ nằm ổ chuối khô nhớ con suốt đến sáng, bài thơ ngắn gọn, những câu thơ gân guốc, và như những tảng đất của một luống cày, những cảnh đất nước phác ra vừa đủ, đời sống đất nước, người của đất nước rõ mồn một.

Bà bủ nằm ổ chuối khô
Bà bủ không ngủ bà lo bời bời
Đêm nay tháng chạp mồng mười
Vài mươi bữa nữa tết rồi hết năm.

Và lòng người mẹ thương con ấy cũng là lòng thương không cùng của bà mẹ Việt Nam.

Nhà còn ổ chuối lửa rơm
Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì
Năm xưa cơm củ ngon chi
Năm nay cơm gié nhà thì vắng con
Bà bủ gan ruột bồn chồn
Con gà đã gáy đầu thôn sáng rồi.

Diễn tả sự sống dân tộc, cũng nhờ đi vào quần chúng, cố gắng nói tiếng nói của quần chúng, Tố Hữu đã tìm được tiếng nói Việt Nam trong sáng của ca dao. Trong những bài thơ nhiều hơi lãng mạn cũ, câu thơ của Tố Hữu mới đọc thì thấy bóng bẩy chải chuốt, nhưng đem soi ra thì còn sạn vì những bởi những với, những của, những chữ trừu tượng và cầu kỳ, những cách đặt câu trúc trắc hoặc lai. Trong một câu thơ còn thấy những chữ cố gắng gắn vào nhau để tạo nên hình ảnh. Đi vào quần chúng, tìm cách diễn đạt dân tộc, câu thơ của Tố Hữu trở nên liền mạch, chữ sau theo chữ trước, câu trước nối với câu sau, tự nhiên như chân tay nối với thân thể, như những bước đi của một người sống. Và tiếng nói Việt Nam luôn luôn hát lên thành âm nhạc trong thơ Tố Hữu. Có những câu thơ trong suốt, mới nhìn không thấy gì lạ cũng như khi ta nhìn vào một giòng suối. Nhưng đọc rồi nhớ mãi, cái ngọt của nước suối ấy uống không chán.

Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan...

hay là:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh...
... Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng

Nguyễn Đình Thi

Văn nghệ, số 77 (14.7.1955)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn