BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73216)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc tập thơ Việt Bắc

14 Tháng Giêng 195512:00 SA(Xem: 1830)
Đọc tập thơ Việt Bắc
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.58
Tập thơ thứ hai của Tố Hữu, Việt Bắc, xuất bản trong những ngày tưng bừng rầm rộ nhân dân ta, giữa thắng lợi hòa bình, kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến cách đây tám năm, kỷ niệm 10 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; riêng ở thủ đô mới giải phóng, lại thêm không khí nhân dân thủ đô cuồn cuộn dự lễ chào mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ trở về Hà Nội. Trong những ngày lớn lao ấy của dân tộc, có hòa chen một ngày lớn của thơ Việt Nam.

Tố Hữu


Chín năm thơ của Tố Hữu, từ Tổng khởi nghĩa, trải qua kháng chiến, đến hòa bình, đã được tuyển lựa thành tập thơ Việt Bắc. Mới nhìn qua, đó chỉ là một bìa sách sáng tươi, trang nhã giữa bao nhiêu bìa sách khác, nhưng tập sách gọn gàng kia quả là đánh dấu một việc lớn của văn chương Việt Nam. Những bài thơ tám chín năm nay tác chiến trên mặt trận tinh thần, khi ào ạt "sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp", khi rì rầm trong nghìn vạn lòng người, khi tươi nở theo bài hát, điệu ngâm, những bài thơ làm công tác quần chúng một cách sâu sắc, vững vàng, nay hợp thành sách cho ta yêu mến, ngẫm nghĩ lâu dài, cho ta cân nhắc và định giá. Chúng ta cần đọc đi đọc lại, xem kỹ, thảo luận, phê bình, để hoàn toàn tiếp lĩnh sự cống hiến của Tố Hữu vào cái vốn chung, để nâng niu xứng đáng những tâm huyết của người làm thơ, và người ấy đã cho ta hơn cả sự sống của người ấy, cho ta những tinh chất ngày đêm lọc ra từ hồn, từ óc, từ trái tim, mạch máu của người làm thơ.

Cách mạng và thơ:

Con đường ngót 20 năm nay Tố Hữu đã đi là một con đường vinh quang kỳ diệu. Chỗ kỳ diệu lớn lao là nhà thi sĩ làm cách mạng và nhà cách mạng làm thơ, và thơ rất thành công. Cái vinh quang của văn nghệ Việt Nam là đã có một nhà thơ con đẻ của cách mạng, lớn lên với cách mạng và kết tinh cuộc cách mạng. Cả cuộc đời của Tố Hữu đến nay là một thủy tinh trong sáng; từ tuổi thiếu niên đi học đã hoài bão phản phong, phản đế; tuổi thanh niên là bao nhiêu năm tù đày, vượt ngục; tuổi tráng niên mải miết dựng xây, thực hành lãnh đạo; cái say mê vui thú của Tố Hữu là làm cách mạng; cái hơi thở tự nhiên của tâm hồn Tố Hữu là chiến đấu, hy sinh. Thơ Tố Hữu hay, vì cuộc đời và tâm hồn của Tố Hữu đẹp. Cuộc đời Tố Hữu là một bài thơ cách mạng rồi.

Thơ Tố Hữu từ cuộc đời cách mạng của thi sĩ và từ phong trào cách mạng của nhân dân mà phát ra, trở lại góp sức đẩy cho cách mạng lớn mạnh. Cách mạng càng ngày càng thắng lợi, càng to lớn, đồng thời cũng đưa tài thơ của Tố Hữu nở dần đến chỗ tròn đầy, lộng lẫy. Đó là sự tương quan mật thiết giữa hành động và văn chương và Tố Hữu là điển hình đẹp nhất.

Nhà thơ của thời đại:

Từ 1932 đến 1945, trong khi các nhà thơ khác đắm chìm trong phong trào "thơ mới" mơ mộng, than khóc, u sầu, Tố Hữu đã đi tiên phong, hát những bài ca tranh đấu. Tập thơ của Tố Hữu ra sau Tổng khởi nghĩa (1946) [1] tập hợp 10 năm thơ cách mạng đã là tiếng thơ tiến bộ nhất của thời đại; có thể nói: một mình Tố Hữu đã giương cao lá cờ chiến đấu của thơ, tô thắm cho nó và giữ thắm cho nó trong suốt một thời kỳ nghiêng nghèo, tối tăm, để đưa nó ra tung bay dưới mặt trời rực rỡ của cách mạng tháng Tám.

Từ đó Tố Hữu tiếp tục hát ca những tình cảm chính của thời đại, từ sau Tổng khởi nghĩa, trải qua 8 năm kháng chiến; đến hòa bình. Tố Hữu là một nhà thơ thời sự. Nhưng cái thời sự của Tố Hữu không giống cái thời sự của Tú Mỡ. Cố nhiên tôi không thể so sánh một nhà thơ trào phúng với một nhà thơ trữ tình [2] mà chỉ đem so sánh hai tính chất thời sự thôi, vì theo ý tôi, Tố Hữu và Tú Mỡ là hai nhà thơ thời sự nhất. Tú Mỡ viết báo bằng thơ trào phúng, viết rất hợp thời và "có ngay", nhưng đây mới chỉ là cái thời sự của tin tức và sự việc, cái thời sự làm cho người ta vui thích mà chưa đi sâu thực hiện "nhà thơ là một kỹ sư của tâm hồn". Còn thơ Tố Hữu là cái thời sự tình cảm của thời đại, không nhất thiết phải kịp hàng tuần, hàng tháng, không nhất thiết việc gì cũng phải nói đến, nhưng những ý tình lớn của con người cách mạng và kháng chiến, Tố Hữu đã nói lên thấm thía, những chuyển biến lịch sử, Tố Hữu đã kết đọng lại thành tâm tình.

Một số bài thơ không in lại trong tập Việt Bắc này, người đọc vẫn nhớ: “Huế tháng Tám” (1946) gợi lại mối tình đầu của đất Thần kinh phong kiến đối với cuộc Cách mạng của nhân dân; “Tình khoai sắn” (1946) ngợi ca phong trào tăng gia sản xuất khi mới nhóm; “Nhớ người chị phương Bắc” (1946), là lời tỏ tình thứ nhất của Cách mạng tháng Tám với Cách mạng tháng Mười (lời tỏ tình thứ hai là Bài ca Tháng Mười,1950).

Cuộc kháng chiến bùng nổ. Bài thơ xuất sắc đầu tiên trong giai đoạn này của Tố Hữu là bài “Cá nước”. Tôi còn nhớ năm 1947, khi bài thơ này xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ số 1. "Bóng tre trùm mát rượi" không những lưng đèo Nhe, mà trùm mát rượi cả bài thơ. Anh Vệ quốc quân kháng chiến lần đầu vào trong thơ, trong sáng lạ thường. Nhìn anh trong bài thơ, cả nước Việt Nam đồng lòng đọc lên hai câu thơ của Tố Hữu giản đơn như không có gì, mà thực ra mạnh mẽ như một chân lý:

Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!

Tình cá nước xưa kia, theo điển tích, có nghĩa là tình chồng vợ, thì đến nay, dựa theo một câu của Giải phóng quân Việt Nam trong thời kỳ bí mật: "Dân là nước, du kích là cá", Tố Hữu đã lấy sức mạnh của thơ làm cho tình "cá nước" thành hẳn điển hình của một tình cảm mới lớn lao của thời đại: tình quân dân.

Một bài thơ khác được truyền tụng đến thành bài thuộc lòng của dân chúng, là bài “Phá đường” (1947). Giai đoạn phòng ngự của kháng chiến được lột tả độc đáo trong một sự việc; đường hiện nay đã đắp liền lại rồi, mà bài thơ ghi tạc không phai cái công sức phá đường của nhân dân vào lịch sử.

Tố Hữu đã mến yêu rất mực bà Mẹ Việt Nam, bà mẹ đẻ những người Vệ quốc quân, bà mẹ nuôi các anh cán bộ, bà mẹ mà tấm lòng yêu thương như biển cả là một nguồn ủi an, khuyến khích vô hạn cho lũ con. Tố Hữu đã ca ngợi bà mẹ đó trong hình ảnh bà mẹ Việt Bắc ngồi kể "chuyện nhà chuyện cửa" bên bếp lửa, trên nhà sàn; trong hình ảnh "bà bủ nằm ở chuối khô" nhớ con đi bộ đội:

Năm xưa cơm củ ngon chi
Năm nay cơm gié nhà thì vắng con

Trong hình ảnh bà bầm suốt đời thắt lưng buộc bụng, vì tuyệt vời hy sinh tận tụy, nên mới sinh ra những đứa con bộ đội anh dũng tuyệt vời:

Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Tố Hữu đã tạo ra được điển hình chú Lượm tượng trưng cho các cháu tươi vui và anh dũng của Bác Hồ:

Cháu bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng.

Qua một bài thơ nhỏ “Em bé Triều Tiên”, Tố Hữu đã tỏ cảm tình của dân tộc ta với dân tộc bạn đau thương, anh dũng đang kháng chiến như mình.
Sta-lin mất, những giòng nước mắt của nhân dân ta đã chảy thành những câu thơ “Đời đời nhớ Ông” của Tố Hữu.

Và tôi suy nghĩ: nhà thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch vĩ đại của chúng ta trong nhiều trường hợp hơn cả, và bằng những lời sâu xa hơn cả cũng là Tố Hữu của chúng ta. (“Sáng tháng Năm” và nhiều đoạn thơ khác).

Đến năm 1954! Kháng chiến lớn mạnh phi thường. Những sự việc tiệm tiến bao lâu, nay bỗng chốc lớn lao vượt bực! Tháng Năm 1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ nổ như một tiếng sấm chấn động địa cầu. Bước mạnh của lịch sử lúc này đã nhìn thấy Tố Hữu thật xứng đáng là nhà thơ của thời đại. Như một cánh buồm kỳ diệu kịp giương lên với gió lớn, bọc lấy gió lớn trong thân mình và rướn lên mạnh mẽ, tài thơ của Tố Hữu theo tiếng gọi kích thích của lịch sử, cũng từ chỗ tiệm tiến vượt lên, nở ra, rộng tỏa, chín thơm. Liên tiếp mấy bài thơ lớn sinh ra. Bài “Hoan hô chiến thắng Điện Biên” đúc kết những chuyện hy sinh chiến đấu hàng ngày của quân và dân ta, khoét sâu cái nhục nhã của địch và nghiêm khắc cảnh cáo bè lũ chúng nó. Rồi quân địch phải nhận đình chiến. Bài “Ta đi tới” khí thơ hùng mạnh, tương xứng với bước đi không có gì ngăn nổi của dân tộc ta. Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ sắp sửa về thủ đô: Tố Hữu vẫy chào và hứa hẹn với căn cứ địa Việt Bắc trong một bài thơ thật đẹp. Những ngày đầu tiếp quản, nhân dân Hà Nội đã được đọc bài “Lại về” trên báo Nhân dân. Cho đến khi tập Việt Bắc đã in và phát hành rồi, đón một lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trước kia ta mới có rừng núi, có đêm, ngày nay ta có thêm biển, thêm ban ngày...", Tố Hữu đã ghi câu nói lịch sử, sự kiện lịch sử, và ngày, tháng, năm lịch sử (1-1-55) trong những vần thơ đúng, sát:

Cảm ơn người Hồ Chí Minh vĩ đại
Bốn nghìn năm ta lại là ta
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Hôm nay mười tuổi cầm hoa tặng người

Như vậy, chúng ta thấy Tố Hữu đã nói được những tình cảm lớn của thời đại; chúng ta thấy ở mỗi bước lịch sử của Cách mạng, của Dân tộc, hồn thơ của Tố Hữu đã có những tiếng ngân vang xứng đáng, kết tinh được thời gian và không gian cụ thể đó và truyền mãi tiếng thơ về sau... Chúng ta tưởng như tâm hồn Tố Hữu là một cái kho luôn luôn sẵn, đầy, có đủ hình ảnh, nhạc điệu, ý tình để âu lo, vui sướng, ngợi ca với toàn dân tộc. Cái kho quý báu đó, chính cuộc đời cách mạng của Tố Hữu đã tích lũy cho Tố Hữu. Tính cách thời sự của thơ Tố Hữu quyết không phải là một bộ máy tốt để bắt vần, mà là một sự sáng tạo tươi mới luôn, bằng tinh lực của tâm trí. Hoa trái ngày nay thơm, tốt, nhưng rễ thì đã mọc sâu từ hai mươi năm. Rễ nuôi bằng tư tưởng, lập trường của chiến sĩ, rễ sống bằng tơ lòng, mạch huyết của thi nhân. Tố Hữu chân chính là nhà thơ của thời đại.

Tính cách quần chúng:

Rất nhiều người làm thơ trong bao nhiêu năm đã đi tìm cái mới. Có người đã tưởng cái mới ở trong những câu thơ lý luận biện chứng pháp; có người tưởng cái mới ở trong những tiếng địa phương, những tiếng dùng của nông dân cho vào thơ; có người đã sáng kiến ra: mới là làm thơ không vần; hiện nay cũng còn những người tưởng thơ mình mới nhất vì cách tạo hình ly kỳ, nhịp thơ khúc khuỷu, điệu thơ âu tây...

Cho đến năm 1951-52, nhiều bạn thơ vẫn còn tìm đường, trong khi đó thì từ 1947, 48, Tố Hữu đã đi con đường đúng, con đường mới. Bài “Phá đường” in ra, trăm miệng một lời đều yêu thích, ai cũng cảm cái thi vị bao la của những câu:

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng đèo Khế gió sang

Ai cũng thấm thía hình ảnh người phụ nữ Việt Nam:

Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét, nước làng em lo
Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.

Chưa bao lâu, rất nhiều người đã thuộc, và ở xã, các bà mẹ, các chị đã hát ru em... Bài “Phá đường” là thành công hoàn hảo đầu tiên của thơ kháng chiến; nó bỏ xa lắc xa lơ cái điệu thơ mệt nhọc, cũ kỹ của một số nhà thơ đang vẫn nặng mang quá khứ; thật không còn một chút tăm hơi bóng dáng gì của điệu thơ cũ, nó thật là mới, nó thật là trẻ, gân cốt thanh xuân, nó đi thoăn thoắt, lời thơ trong như nước suối, điệu thơ nhanh nhẹn, vui tươi. Cái mới, cái xuân ấy ở đâu ra? Ở nơi quần chúng mà ra. Tố Hữu đã tìm thấy điệu thơ mới, điệu thơ của thời đại không phải ở đâu xa, không đợi ở chốn nào hiểm hóc, lạ lùng, mà ở ngay trong đất nước nhà, trong bà con thôn xóm hàng ngày, trong những người lao động, trong quần chúng.

Bài “Phá đường” năm 1948 là một sáng tạo. Tác giả không làm bài thơ của một văn nghệ sĩ mô tả, suy luận về công tác phá hoại, mà làm bài thơ của một phụ nữ đi phá đường, bài thơ của người chủ lực, của quần chúng. Bài thơ ngọt như một bài ca hát, tươi tắn như người vừa làm việc, vừa cười vui, thiết thực, giản đơn, ý nhị; tiếng cuốc phá đường ở Bắc Giang, ở khắp Việt Bắc hòa vào khung cảnh mênh mông gió rét trăng lu.

Thơ làm theo phương pháp ấy nhất định là mới, là trẻ. Vì cái mới, cái trẻ của thời đại chúng ta then chốt nằm ở trong những lực lượng mới, trẻ của quần chúng vĩ đại; trên sân khấu của lịch sử, họ là những vai chính mới, trẻ. Căn bản cái mới, cái hay của thơ Tố Hữu, theo ý tôi, là tính cách quần chúng của thơ ấy.

Một nhà thơ nào khác muốn ngợi ca căn cứ địa Việt Bắc có lẽ đã làm một bài thơ rắc rối, tham lam; Tố Hữu lấy lời của một bà cụ hiền lành:

Đêm nay trên sàn
Bập bùng ngọn lửa
Mé kể nguồn cơn
Chuyện nhà chuyện cửa.

Câu chuyện từng đoạn, từng đoạn, chậm rãi [3] thấm vào lòng người, và đến câu thơ cuối cùng, người nghe chỉ còn tự kết luận: Đấy là Việt Bắc anh dũng, thuần túy, thiêng liêng...

Năm 1948, Tố Hữu đi với pháo binh, viết tặng pháo binh những bài thơ mà các anh chiến sĩ nâng niu, thuộc lòng, vì chính những nỗi lòng mình đã được nhà thơ nâng niu, hiểu, thuộc. Trong kháng chiến, bao nhiêu con xa mẹ, bao nhiêu mẹ xa con mà không yêu mến, cảm tạ nhà thi sĩ đã viết những câu thấu tận nhân tình như: [4]

Bầm ơi có rét không bầm,
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy, bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu...

Người ta tự hỏi: Sao người thi sĩ có thể hiểu biết sự vật, hiểu biết lòng người đến như vậy? Đó là những câu thơ chảy nước mắt, cái nước mắt không bi thảm, mà là cái nước mắt sung sướng của tâm hồn khi được nghệ thuật động tới chỗ cao sâu. Cả bài thơ vào nằm trong lòng người và ở luôn trong đó như một suối ngọt ngào, một niềm an ủi. Bài “Bầm ơi” thật xứng đáng với tình mẹ con muôn đời.

Phần lớn những bài thơ Tố Hữu đều có một dáng dấp hiền lành như thế. Tố Hữu diễn tả tình cảm bản thân của quần chúng, nhân vật trong thơ là quần chúng tự nói, cách nói cũng là cách nói của quần chúng. Sta-lin mất, bao nhiêu nhà thơ chân thành đau đớn, nhưng chỉ diễn tả từ trong bản thân ra, nên sự truyền cảm cũng hẹp đi; Chế Lan Viên còn viết:

Nhớ bài thơ Nê-ruy-đa cũ [5]
Ca ngợi đêm khuya phòng điện Krem-lanh [6]

Cách dùng điển tích mới như vậy thực ra chỉ có một thiểu số hiểu. Chỉ riêng Tố Hữu, với cái quan điểm quần chúng đã hầu như một thiên tính trong người chiến sĩ cách mạng lâu năm, làm ngay lời của một người mẹ nói với con nhỏ:

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười.

Và bài thơ “Đời đời nhớ Ông” cũng là bài thơ khóc Stalin phổ biến hơn cả, khả dĩ nói được nỗi lòng của đa số người.

Bộ đội, nông dân, công nhân, các cán bộ xã, các bà mẹ, các chị rất dễ gần với thơ Tố Hữu; họ không thấy xa xa, khác khác, ngại ngại như đọc những giọng thơ thông thái, khó khăn. Tố Hữu và quần chúng gặp nhau là thoải mái liền; thi sĩ nói giọng người nhà, lời thì thân mật, nôm na nhưng tứ thơ lại rất bao la, thấm thía:

...Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ...
...Bàn tay con nắm tay Cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non

(“Sáng tháng Năm”)

Như vậy, chúng ta không lấy làm lạ, một số bài thơ của Tố Hữu, trước khi công bố lên mặt báo chí, trong khi tác giả còn cân nhắc thêm và sửa chữa, người ta đã tay nọ chuyền tay kia chép vào sổ tay; chúng ta không lấy làm lạ người mới thông quốc ngữ cầm bài thơ Tố Hữu đọc từng dòng một; chúng ta không lấy làm lạ các anh bộ đội đi hành quân, buột mồm lấy thơ Tố Hữu làm thơ của mình; bài “Em bé Triều Tiên”, bài thơ dịch “Đợi anh về” đem phổ thành bài hát.

Tình thương mến:

Đọc thơ Tố Hữu, người ta cảm thấy một dấu hiệu riêng như nét mặt của những bài thơ, làm cho thơ Tố Hữu không trộn lẫn được với thơ người khác, cảm thấy một thứ nhạc tâm tình riêng bàng bạc thấm lấy các câu thơ, nhiều khi thành một thứ "thi tại ngôn ngoại" [7] của Tố Hữu. Cái nền nhạc đặc biệt đó, theo ý tôi, là lòng thương mến. Có thi sĩ lấy tình yêu tha thiết làm nét chính của hồn thơ; có người lấy sự suy tưởng làm nét chính, có người nét chính là sự quan sát tỷ mỷ, sự phân tách tinh vi v.v... và có rất nhiều người làm thơ mà chưa có một nét chính gì đặc biệt của tâm hồn. Tình thương mến đặc biệt trong thơ Tố Hữu là một sự cảm hòa với người, với cảnh; một lòng thân yêu, yên ấm với chung quanh. Đây không phải là người tình nhân của cuộc đời, không phải sự yêu đương sôi nổi, say sưa, nhìn ngoại cảnh thành những cảm xúc vào xương thịt. Đây là người bạn chí thân của người, của cảnh, người bạn chân thành một lòng, một dạ, cảm thông sâu sắc những nỗi khổ, an ủi xác đáng những niềm đau. Thơ Tố Hữu không say mê, mà ngọt ngào; không xôn xao, mà thấm thía. Người thi sĩ cán bộ gặp anh Vệ quốc quân trên lưng đèo Nhe, chưa nói với nhau lời nào mà đã hiểu, đã yêu:

Một thoáng lặng nhìn nhau
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Đôi bộ áo quần nâu
Đã âm thầm thương mến

Nét bút Tố Hữu vẽ anh bộ đội trong bài “Lên Tây Bắc” cũng thương mến như vậy:

Anh về cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân,
Anh về sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca

Nhìn khẩu đại bác của pháo binh, Tố Hữu nhìn ngay bằng con mắt của Vệ nhìn pháo, thân mật, chăm chút, mến thương; Tố Hữu yêu pháo, và càng yêu Vệ pháo:

Ta bế ta bồng
Voi lên ta vác
Vai ta vai sắt
Chân ta chân đồng
Hoan hô voi ta
Hoan hô Vệ pháo
Yêu voi cởi áo
Lau cho voi nhà

Các em thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng được lòng thương yêu trìu mến của Tố Hữu. Không ai quên được chú Lượm của Tố Hữu; không ai không thắt lòng khi Tố Hữu hạ xuống hai chữ:

Ra thế
Lượm ơi!

và tả chú đồng chí nhỏ đi liên lạc trúng đạn của quân thù. Em bé hy sinh rồi mà như vẫn sống, như em bé trong giấc tươi đẹp:

Cháu nằm trên lúa,
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng

Trong tưởng tượng, Tố Hữu cúi xuống bế em bé Triều Tiên đang lạc giữa tuyết, ủ ấp cho em, hôn em, dỗ em:

Em bé Triều Tiên ơi
Mẹ của em đâu rồi
Tìm đâu mẹ của em...

Tình thương mến kia, Tố Hữu hòa vào cả trong phong cảnh, câu thơ khi nói đến đất nước cũng hóa ra êm đẹp, mượt mà. Một sáng tháng 5, đi giữa chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu vẽ nét suối đi, tả chiều gió thổi rất mịn, rất trong:

Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn

Khi hoan hô chiến thắng Điện Biên, Tố Hữu đã cảm mến vô cùng cảnh đẹp của Tây Bắc, một phong cảnh đầm ấm, nuôi người:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam,
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng

Con mắt nhìn của Tố Hữu bao trùm cả loài vật, nhìn em bé như chim bồ câu:

Cái mồm thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hòa bình trắng trong;

nhìn chim bồ câu như một em bé:

Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà

Cái niềm thương mến đó của thơ Tố Hữu do sự công tác quần chúng lâu năm bồi dưỡng; nó là hương vị của thơ Tố Hữu, nó toát lên thơm tho, dịu ngọt; nó là đạo đức cách mạng; nó làm nên cái sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu, một hồn thơ gần gũi với con người, chí tình với con người.

"Ta đi tới" và "Việt Bắc":

Trong bài “Sáng tháng Năm” ca ngợi Hồ Chủ tịch (1951) Tố Hữu đã viết:

Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi

Hai câu thơ thấy trước đà lớn mạnh của kháng chiến Việt Nam và cũng mang mầm cái thơ lớn, rộng về sau của Tố Hữu. Cái mầm thơ lớn, rộng, mạnh, sắc đó cũng đã có từ trong “Bài ca Tháng Mười” (1950):

Hoan hô Sta-lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió
Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của ta, quân địch phải ký kết đình chiến; trước biến chuyển lịch sử lớn lao: chúng ta chiến thắng dành được hòa bình và từ nông thôn trở về thành thị, cái mầm thơ rộng lớn đã tiềm tàng từ trước vụt xuất hiện trong hai bài thơ hay nhất của Tố Hữu: “Ta đi tới” và “Việt Bắc”. “Ta đi tới” mạch thơ cuồn cuộn, câu thơ đi ào ạt như thác chảy, như quân đội nhân dân của ta tiến bước, như dân tộc ta nghìn triệu người đạp băng tất cả những trở lực để đi tới hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nhà thi sĩ đã mở hồn thơ mình theo kích thước của Tổ quốc, trong một tấm lòng đã ủ ôm bao nhiêu tên đất, tên nước, tên tỉnh, tên khu; trong một cái nhìn đã gợi lại mười mấy năm khởi nghĩa, đấu tranh cách mạng; mắt ngắm "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt", tai nghe tiếng hát trên sông, nhìn xuống thấy con đường rộng mới làm, ngẩng lên là trời thu xanh lồng lộng! Đó là cảm tưởng của dân tộc ta làm chủ đất nước, làm chủ lịch sử, làm chủ gân cốt, sức lực của mình, nhất định "ta đi tới". Tôi muốn trích những câu hay trong bài ra, nhưng câu nọ liền dính với câu kia, đoạn nào cũng đáng thuộc. Những câu thơ quyện vào trí nhớ của tôi; khi đi giữa những đại lộ của thủ đô, cảm thấy lực lượng vững vàng của chúng ta, tôi bỗng đọc:

Đường ta rộng thênh thang tám thước.

Dự buổi diễn của Đại hội Văn công Toàn quốc, giữa hàng vạn đồng bào quanh mình, xem màn "các dân tộc về Đại hội", thấy các lối y phục, các điệu âm nhạc, các màu sắc, ca vũ giàu có lạ thường, cũng bỗng đến trong trí tôi câu thơ Tố Hữu:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

Những bài thơ cách mạng của Tố Hữu từ trước đến nay đều mang một chiến đấu tính mạnh mẽ, nhưng đến bài “Ta đi tới”, khí thơ mới thật là khoái trá, tràn đầy, mãnh liệt:

Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông

Những câu thơ trong bài là ý nghĩ của mọi người, là lời mọi người muốn nói mà chưa nói ra, đó là bài thơ mà giai đoạn lịch sử đang chờ đợi; nên khi công bố bài thơ đó, nhà thi sĩ như châm mồi lửa thần diệu làm rực cháy muôn lòng người đọc đang bừng bừng.

Đến bài thơ “Việt Bắc”, lại là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên. Với bài này, hồn thơ cũng như nghề thơ của Tố Hữu chín rộ. Chúng ta cũng vẫn thấy cái giọng thơ thân mật, ấm cúng từ xưa đến nay của Tố Hữu, ngợi ca Việt Bắc bằng lời tiễn đưa nhau của một đôi lứa tượng trưng cho miền ngược và miền xuôi; lời hỏi, lời đáp; lời nói ra, lời đồng vọng; lời dặn dò, lời hò hẹn; nhờ sáng tạo ra cảnh "ngược xuôi đôi mặt một lời song song" như vậy, tác giả mới nói được hết ân tình. Nhưng hòa hợp với cái thân mật ấm cúng kia, chúng ta còn thấy bài thơ lộng lẫy, nhiều đoạn tuyệt đẹp; không phải một cây bút trong tay Tố Hữu nữa, mà nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy văn chương cách mạng, văn chương nói chiến đấu, gian khổ, quyết tâm cũng lại là cái văn chương chí nghĩa, chí tình, cái văn chương nên thơ, nên nhạc; cái văn chương mà có người sợ dễ khô khan, lại là cái văn chương nhuần nhị bậc nhất. Con người cách mạng trong bài thơ “Việt Bắc” là người tình nhân mặn nồng, người chồng chung thủy, người con hiếu thảo, người bạn thiết cốt, người cán bộ tận tụy, là con người mang cái tình mến yêu của Tố Hữu đến cao độ, những lời nói ra làm cho mọi người khóc được, cười được, xúc động gan ruột người ta.

Lên đến một điểm cao của tâm hồn, nhà thi sĩ nhìn được bao quát cả Việt Bắc trong thời gian, qua mười lăm năm, "nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh", trong thời tiết sương sớm, nắng chiều; trong các mùa cỏ hoa thay đổi; tổng hợp bao nhiêu cảnh cơ quan, quân đội, dân công, xe cộ, đường sá. Một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ trong một hang núi, từ tính cách chính trị, tác giả gợi thành cái thi vị bao la, to rộng của sự lãnh đạo:

Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Điều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương,
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu

Khi làm vì lợi ích của nhân dân, mỗi việc đều nên thơ tất cả, và như vậy, Cụ Hồ là nhà thơ vĩ đại cao nhất, vì Người tạo ra cái hay, cái tốt, cái đẹp cho toàn dân tộc ta.

Trong bài “Việt Bắc” này, sự xúc cảm của nhà thơ đã tới chỗ thấu đáo, tinh vi; tác giả từ bao nhiêu năm trời cặn kẽ trông nhìn đồng bào miền núi, mến thương từng hành động của họ; đã bao nhiêu mùa ngắm nhìn phong cảnh, thuộc các mùa hoa của núi rừng:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô...
...Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách [8] đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Để đề cao tình thủy chung sau trước của miền xuôi miền ngược, sự khăng khít giao lưu của người về kẻ ở, Tố Hữu chuyển những sự kiện kinh tế tài chính thành những tình cảm sâu xa; lâm thổ sản và tiểu công nghệ đều nói lên thi vị của đất nước và tình nghĩa của nhân dân; mà chính vì những thứ đó quan thiết đến đời sống nhân dân, nên lại càng đậm đà, gắn bó:

Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi...
...Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông...

Mọi sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, địa dư, nhân chủng đều hòa thành một "tiếng hát ân tình thủy chung"; cả bài như một buổi chiều vàng mùa thu trong đẹp, mà mỗi gốc cây, mỗi hòn đá đều vang ngân lên để cuộc tiễn đưa đầy cả ân tình. Cho đến cái lặng im cũng đầy ý vị.

Ngòi bút của Tố Hữu tiến lên nối tiếp truyền thống của các nhà thi hào cổ điển của ta; bút pháp đã tinh, nên khêu gợi nhiều hơn diễn tả; chữ đúc lại với nhau ("Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai", "Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay"). Có những câu đẩy đưa, người bộp chộp sẽ tưởng như là cũ càng, nhưng thực ra biểu hiện tình cảm rất man mác:

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Có những câu tình tứ như những câu thơ tình ái xưa nay:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Và bức tranh cuối bài “Việt Bắc”, theo ý tôi, là của một danh họa. Trong mấy nét, lột được phong thái cao quý lớn lao của Hồ Chủ tịch; khi Người đi qua, rừng núi cũng như học theo tác phong của Hồ Chủ tịch, con ngựa của Người cưỡi như cũng nhịp bước chân cho hợp với cái bình tĩnh ung dung của Người; qua sáu câu thơ có một bản nhạc tấu lên và Người đi rồi, nhạc hãy còn văng vẳng:

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

Những nhược điểm:

Những ưu điểm của thơ Tố Hữu bao trùm thành cái chính; nên tôi không muốn nói về những khuyết điểm lặt vặt, là những cái phụ. Theo ý tôi, bất tất phải chiếu lệ cho đủ hai mặt khen chê. Chúng ta không thể đòi bài thơ nào của Tố Hữu cũng phải như “Ta đi tới” và “Việt Bắc”. Nhưng có một điều chắc, là bài thơ nào của Tố Hữu cũng đem tới một cái gì cho tư tưởng và tình cảm; nếu chưa lộng lẫy, tuyệt diệu, thì cũng đủ ý vị, và bao giờ cũng có ít nhiều sáng tạo.

Tôi chỉ muốn nói đến hai nhược điểm mà ý riêng tôi thấy là quan trọng:

Điều thứ nhất, là thơ Tố Hữu thiếu hẳn một mảng lớn: nặng về tình cảm xã hội, mà hầu như không nói đến những tình cảm của cá nhân. Có lẽ vì Tố Hữu nặng lo về công tác; người cán bộ trong Tố Hữu bao trùm con người thường.

Tập Việt Bắc (và cả tập Thơ 1946) không có một bài thơ về tình yêu. Tôi nghĩ đến Aragon, nhà thơ kháng chiến của Pháp có những vần sâu sắc về người yêu Elsa; tôi nhớ Maiakovski, nhà thơ cách mạng Liên Xô, có nói:

"Những câu thơ xứng đáng với người yêu"

Tôi nhớ đến Victor Hugo, bậc thiên tài mà những câu thơ đấu tranh làm cho bạo chúa, cường quyền phải khiếp sợ, Victor Hugo cũng là nhà thơ say đắm của những bản tình ca. Công chúng Việt Nam cũng mong muốn Tố Hữu thêm một giây tình vào cây đàn mà họ lắng nghe từng tiếng.

Việc người đọc hoan nghênh những bài thơ của Xi-mô-nốp do Tố Hữu dịch chứng tỏ chỗ thiếu sót của thơ Tố Hữu. Tâm tình của người thi sĩ Liên Xô dám đi vào chỗ thầm kín của lòng người, coi ái tình là một trong những tình cảm thiết tha sâu sắc nhất của con người ta, lấy ái tình làm một mãnh lực giục người chiến đấu, hy vọng:

... Dù tuyết rơi gió nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh về em nhé...

Người thi sĩ Liên Xô lại nhìn trực diện những tang tóc của chiến tranh, không sợ rằng nói như vậy làm nhụt lòng người, mà chính nghệ thuật nói những nỗi đau khổ sâu sắc chừng nào lại càng làm cho người ta yêu dấu con người, và càng thúc đẩy người ta chống địch chừng ấy. Thơ Tố Hữu chưa có những đoạn như dưới đây:

A-liêu-sa nhớ Bô-ri-xốp
Tiếng khóc than xé ruột nhà nào
Lệ người thiếu nữ tuôn trào
Và người mẹ góa mái đầu hoa râm
Áo tang trắng lạnh ướt đầm...

... Ta vui vì mẹ Nga sinh
Vui vì một sớm chiến chinh lên đường
Có người vợ rất yêu thương
Hôn ta ba bận, lệ thường tiễn đưa

Không nói đến tình yêu, Tố Hữu cũng ít nói đến những tình cảm của cá nhân mình. Tố Hữu chỉ nói đến, khi những tình cảm cá nhân đó mang một tính chất xã hội rõ rệt hay có tính cách là những tình cảm tập thể (như “Tình cá nước” [9] và “Sáng tháng Năm”). Theo ý tôi, thơ là tiếng hát của những tâm hồn và của mỗi một tâm hồn; những tình cảm của từng cá nhân, khi đã đúng hướng tiến bộ của toàn xã hội, cần được diễn tả vào sâu đến khía đặc biệt, vì những tình cảm đó đều tiềm tàng một ý nghĩa xã hội. Người thi sĩ là một cán bộ quần chúng rất hoan nghênh những bài thơ làm với con mắt nhìn đúng đắn của một cán bộ; nhưng nếu những bài thơ kia làm với giọng nói của một con người thường, có lẽ quần chúng sẽ cảm thấy tha thiết hơn lên, gần gũi thêm lên. Những việc xa cách, sum họp, sống chết, yêu đương, sinh nở, thư từ... được cách mạng hóa đi, nhưng vẫn là những việc thiết cốt, hàng ngày của con người, nhà thơ cần xông vào đó nghiên cứu, diễn đạt sâu xa, để có thể đưa những tình cảm đó đi tới.

Do nhược điểm trên đây của Tố Hữu, tôi thấy thêm một nhược điểm thứ hai:

Những năm về sau này, thơ Tố Hữu càng nặng về tổng hợp. Đó là một ưu điểm; tâm tưởng nhà thơ càng lên cao, càng nhìn được những nét lớn lao của lịch sử của thời đại, tiếng hát càng bao quát, rộng xa. Nhưng cũng phải đề phòng một nguy cơ: sự tổng hợp không nên thành nếp của hồn thơ, vì hơn tất cả mọi ngành nghệ thuật nào, thơ phải thật cá thể và cụ thể. Nhà thơ thành sử gia của thời đại, phải đề phòng toàn vẽ bằng nét lớn, nét chung, bỏ mất những nỗi niềm của mỗi một con người, của mỗi cá nhân trong quần chúng. Tố Hữu phải đề phòng dần dần đi xa những bài thơ “Cá nước”, “Phá đường”, “Bầm ơi” v. v... là những bài thơ của sự sống khi nó mới phát nguyên từ quần chúng. Có lẽ tốt hơn hết là Tố Hữu làm cả hai lối thơ, và hòa hợp hai lối ấy với nhau.

Bài học của thơ Tố Hữu:

Tố Hữu cho ta suy nghĩ nhiều về con người với tài thơ, về hành động và sáng tác. Thơ của Tố Hữu là cuộc đời chiến sĩ của Tố Hữu, là lập trường giai cấp, quan điểm quần chúng, đạo đức cách mạng của Tố Hữu; có cuộc đời chiến đấu ấy mới có được thơ ấy.

Tố Hữu cũng cho ta suy nghĩ nhiều về tác phẩm liên quan với thời đại. Vì Tố Hữu nằm ngay trong lòng thời đại, ở ngay chỗ đầu sóng ngọn gió của phong trào, Tố Hữu làm một với trái tim và khối óc của cách mạng, nên mới có được cái nhìn đúng đắn, cao cả. Người thơ thuyền xuôi theo giòng thời đại, buồm căng theo gió thời đại, hết lòng phục vụ thời đại, thì đến lúc thời đại lớn lên, thơ mình cũng được song song lớn lên.

“Ta đi tới” và “Việt Bắc” là chiến công của thơ Việt Nam, là một công trình của nhân dân ta qua cây bút của Tố Hữu. Hai bài thơ đó cho ta hy vọng vô cùng: Chúng ta chứng kiến từ tập Thơ đầu 1946 đến tập thơ Việt Bắc 1954, tài thơ của Tố Hữu đã tiến một bước dài. Từ một nhà thơ đầy nhiệt tình cách mạng và ý tình cách mạng có một không hai, nhưng tài thơ chưa thật có bản sắc riêng biệt, và bởi vậy chưa thật là một thi sĩ đầy đủ, nhà thơ Tố Hữu đã từng bài một, từng năm một, nẩy nở tài năng theo đà kháng chiến, dần dần sắc hương càng thơm càng đẹp, cho đến khi tròn đầy, sáng rực một mặt trăng rằm! Cho đến khi thi sĩ Tố Hữu là một hiện tượng của thơ Việt Nam, tạo ra một lối riêng, một điệu riêng, một bản ngã in nét sâu xa vào văn chương của dân tộc. Đó quả thật là một bài học lạc quan sáng tác cho tất cả những bạn làm thơ.

Chúng ta còn học được đường lối làm thơ của Tố Hữu. Đường lối đó là đường lối dân tộc và đại chúng. Tôi thiết nghĩ đó là con đường duy nhất đúng của thơ Việt Nam. Có một số bạn mới, học nhiều, xem sách nhiều, nhuốm phải tiền phong chủ nghĩa, tưởng như mình có thể dựng lên một lối thơ gì mới lạ, xuất sắc, và có ý như xem thường thơ Tố Hữu. Theo ý tôi, những bạn đó chưa nghiên cứu kỹ về thơ. Rất nhiều bạn khác đã nói với tôi: "Khi người đọc thơ chưa chín chắn, thì xem thơ Tố Hữu (nhất là những bài trước 1954) họ không thấy gì. Có lẽ vì họ thấy nó thân mật, bình thường quá, như không có kỹ thuật, không có dầu dấm, chanh ớt. Nhưng khi đến một trình độ yêu hiểu quần chúng, thấu nghe lòng người, nắm vững ngôn ngữ, người ta sẽ thấy thơ Tố Hữu là một cái gì thật đặc biệt". Tôi hoàn toàn đồng ý. Ngay bản thân tôi, những năm đầu kháng chiến, tôi chưa thấy tất cả cái hay của “Bà mẹ Việt Bắc”, “Bà bủ nằm ổ chuối khô”, “Phá đường”, “Bầm ơi”... Là vì lúc đó tôi chưa biết yêu biết trọng cái lớn lao của các bà bủ, tôi chưa thấy cái say sưa của quần chúng đang lao động, tôi còn tìm những cái gì bóng chuốt, chạm trổ, uốn éo. Càng ngày đọc những bài trên kia, tôi càng thấy hay. Tôi càng thấy thơ Tố Hữu là thơ chân thực, thơ của nội tâm con người. Tôi đồng lòng với mỗi câu nói đơn sơ của “Bà mẹ Việt Bắc”: câu nói của bà mé thì đơn giản, nhưng bài thơ của thi sĩ thì sâu xa:

Tôi ôm lấy nó
Tôi kể trước sau
Nỗi nhà mất bố
Nỗi anh chết tù
Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi:
Mé ơi đừng khóc
Nước độc lập rồi!

Trừ một vài trường hợp (như phần trên của bài “Những thành phố trụi” thí nghiệm một lối thơ mà đa số công chúng không yêu:

Lại ngồi dưới gốc di lăng
ở đây còn có ai chăng với mình?
- Có!
- Ai nói đó?
- A! các anh chiến lũy!)

tất cả thơ Tố Hữu đều làm thế nào cho quần chúng dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, đều giữ gìn một sắc thái Việt Nam; dịch thơ nước ngoài, Tố Hữu càng nắm vững phương châm "dân tộc hóa". Càng đi sâu vào nghề thơ, càng luyện chắc tay, Tố Hữu đã bước tới cái cổ điển mới. Cái cổ điển mới ấy, tức là câu thơ sáng sủa, thi sĩ muốn nói gì, thì người đọc hiểu dễ dàng; tức là ý tình tinh vi, giàu đủ, súc tích, mà diễn tả vẫn chân thực, giản đơn; tức là nhạc điệu tiết tấu nhịp nhàng, không gập ghềnh, kỳ khu, líu tíu; tức là câu thơ không ngọng nghịu, lai căng. Trong những câu thơ hay nhất của mình, Tố Hữu đã đi theo truyền thống của Nguyễn Du. Nối liền được với thiên tài đã qua của dân tộc mình, đó là vẻ vang của thơ cách mạng.

Có hàng trăm cách làm thơ, nhưng chỉ có một đường lối: dân tộc và đại chúng. Các nhà thơ có nhiệm vụ phát huy tất cả cái đặc sắc, cái riêng biệt của mình, nhưng phải làm sao cho dân tộc công nhận, cho đại chúng mến yêu. Đi xa con đường ấy, là làm mất thì giờ của bản thân mình, và phí công sức chung. Tố Hữu là cái gương thành công đẹp đẽ mà ta cần học tập. Theo sự nhận xét của tôi, một số bài thơ của ta hiện nay đã đi trệch con đường dân tộc, đại chúng ấy. Các tác giả làm những bài thơ không nên trách tại sao thơ mình đã đăng báo, đã được in, mà công chúng vẫn không để ý đến mình.

Trong giai đoạn vừa rồi, nổi bật trong thơ Tố Hữu: lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân lao động phục vụ kháng chiến, yêu chiến sĩ, yêu Hồ Chủ tịch, yêu nhân loại gian khổ và dũng cảm. Những tình yêu lớn đó của thơ Tố Hữu đã thành sức mạnh trong ngàn vạn lòng người.

Con đường Tố Hữu còn dài, còn xa. Chúng ta luôn luôn đón chờ Tố Hữu.

Thật là sung sướng có Tố Hữu trong thơ Việt Nam, trong văn nghệ Việt Nam... và trong cách mạng Việt Nam. Bao nhiêu thi sĩ đã gắng công, hàng nghìn bạn trẻ mới làm thơ ngày đêm dùi mài; chúng ta nhào nặn nội dung, vật lộn với hình thức, lo nghĩ, chăm chú để sáng tạo những bài thơ hay; rất nhiều hay hầu hết chúng ta chưa thành công, nhưng nhìn đằng trước, thấy lá cờ của thơ Việt Nam có rực rỡ ở trên chiến tuyến; chúng ta tự hào về lá cờ đó, nhân dân ta cũng tự hào về lá cờ đó, và chúng ta thêm tin tưởng quyết tâm.

Thơ Tố Hữu là lá cờ ấy.

Xuân Diệu

14-1-55

Văn nghệ, số 63 (15.2.1955); số 64 (28.2.1955)




[1]Đây là nói đến tác phẩm in thành sách đầu tiên của Tố Hữu, nhan đề là Thơ, Hội Văn hoá Cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946. Về sau tác giả bổ sung và in lại tập thơ trên với nhan đề mới là Từ ấy, đầu sách có bài tựa của Đặng Thai Mai, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1959. Về việc này xin xem thêm cuốn: Cuộc thảo luận (1959-1960) về tập thơ “Từ ấy”, Nguyễn Văn Long sưu tầm và biên soạn. Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1998. (NST).
[2]Trữ tình: diễn tả tình cảm (nguyên chú của X.D. ở bản đăng báo).
[3]Bản gốc là: “chậm rải”, có lẽ in sai, ở đây sửa lại (NST).
[4]Câu viết này của Xuân Diệu, độc giả thời nay (2004) có thể cho là diễn tả không thật sáng cái ý cần nói là: những người mẹ xa con, những đứa con xa mẹ trong kháng chiến không thể không yêu mến và cảm tạ nhà thơ đã viết những câu thơ đậm tình người (BT).
[5]Pablo Neruda: một nhà thơ trứ danh của dân tộc Chili (nguyên chú của X.D).
[6]Chỗ này tác giả Xuân Diệu nhắc tới câu thơ trong bài thơ “Stalin không chết” của Chế Lan Viên đăng tạp chí Văn nghệ số 40 (tháng 3-1953), ra trong dịp các vùng kháng chiến (tức là vùng do phía VNDCCH kiểm soát) được lệnh để tang Stalin. (NST).
[7]“Thi tại ngôn ngoại”: hồn thơ hiểu ngầm ở ngoài lời thơ (nguyên chú của Xuân Diệu).
[8]Phách: tên một thứ cây ở miền núi (nguyên chú của Xuân Diệu).
[9]Chỗ này tác giả Xuân Diệu viết thiếu chính xác: nhan đề bài thơ là “Cá nước” chứ không phải “Tình cá nước”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn