BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tinh Thần Nhân Văn Giai Phẩm

20 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 6427)
Tinh Thần Nhân Văn Giai Phẩm
52Vote
42Vote
30Vote
23Vote
10Vote
3.47
Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tố Hữu được coi như là một nhà thơ cách mạng, đóng góp công lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tố Hữu cũng là nhân vật đầu não, thực thi kế hoạch triệt hạ nhóm văn nghệ sĩ yêu quê hương chân chính muốn đòi quyền làm người, công khai thách thức chế độ trong những bài văn thơ đăng trên Nhân Văn Giai Phẩm. Nghĩ đến vai trò của người cầm bút trước hoàn cảnh tối tăm của quê hương, chúng ta đọc văn đoán người lược qua sự nghiệp một nhà thơ đỉnh cao của Đảng CSVN trong việc bịt miệng tiếng nói bất khuất của những văn nghệ sĩ yêu nước thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm hơn nửa thế kỷ qua. Từ đó chúng ta có thể rút tỉa vài kinh nghiệm khả dụng cho vai trò của văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay như phương cách xử dụng văn chương giải độc những gì CS tuyên truyền cũng như minh định chính nghĩa quốc gia trong cuộc đấu tranh giải thể chế độ CSVN.

Tôi thích thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Quang Dũng, Yên Thao... Tôi thích văn của Tự Lực Văn Đoàn, của Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Tôi thích những bản nhạc của Phạm Duy, Văn Cao... và nói chung, những sáng tác văn nghệ của thời kỳ trước năm 1950. Sau ngày đất nước chia đôi bởi Hiệp Định Genève 1954 do sự cấu kết giữa Cộng Sản và Thực Dân Pháp, một số các văn nghệ sĩ tôi yêu mến đã di cư vào Nam và trong điều kiện tự do, những văn nghệ sĩ này vẫn bền bỉ sáng tác và sinh hoạt văn nghệ đều đặn dưới thể chế tự do. Ngoài những văn nghệ sĩ đứng về hàng ngũ quốc gia di cư vào Nam, một số khác đã tự nguyện ở lại phục vụ chế độ Cộng Sản hoặc bị kẹt lại miền Bắc ngoài ý muốn. Mỗi lần nhớ đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm liên hệ đến một số nhà văn, nhà thơ tiền chiến trước kia tôi yêu mến, tôi lại ngậm ngùi cho số mệnh đất nước và kiếp sống dân Việt miền Bắc. Văn hóa trước Thế Chiến Thứ Hai đầy tình cảm, mộng mơ, lãng mạn bị chế độ CSBV xếp vào loại văn hóa tư sản, nô dịch vì ngoài dấu ấn văn hóa Trung Quốc, nó còn phảng phất âm hưởng những Verlain, Victor Hugo, Beauderlaire, Chateaubrian, v.v. của Tây Phương. Chỉ có văn hóa sau năm 1950 của các văn nghệ sĩ miền Bắc mới được CS công nhận là văn hóa Cách Mạng Vô Sản chính thống nhằm phục vụ giai cấp công nông. Số văn nghệ sĩ tự nguyện ở lại với Đảng đã hân hoan tiếp nhận chế độ, tự nguyền rủa sự nghiệp của họ trước năm 1945, đi chỉnh huấn rồi mang hết tâm huyết phục vụ Bác và Đảng.

Những nhà văn, nhà thơ này trước thời thế mới đã xoay chiều, chuyển hướng sáng tác cho hợp với đường lối chỉ đạo của Đảng. Xuân Diệu hồ hỡi, nhanh chóng thoát xác tự giết chết tâm hồn nồng nàn lãng mạn của ông để viết những câu nịnh Đảng không ngượng ngùng:

Mẹ xưa săn sóc áo cơm

Đảng nay săn sóc còn hơn mẹ nhiều.

và trân tráo nịnh Hồ:

Mỗi lần tranh đấu gay go

Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm

Nghe lời Bác dạy khuyên răn

Chúng con ước muốn theo chân của Người

Chúng con thề nguyện một lời

Quyết tâm thành khẩn...lột người từ đây.

(Bác Dạy, thơ Xuân Diệu)

Rồi trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, Xuân Diệu đã đấu tố điên cuồng:

Anh em ơi, quyết chung lưng

Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù

Địa hào, đối lập ra tro

Lừng chừng phản động đến giờ tan xương

Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi.

(Giết Hết, thơ Xuân Diệu)

Thanh Tịnh mất tính chân thật, chất phác của đời sống nông dân với con trâu, cái cày mà viết lời xúi dục bần cố nông nổi dậy:

Ta là người

Là người có mắt có tai

Tay ta làm mà hàm chẳng nhai

Vì ai?

Vì ai ta nghèo

Đó là cách bóc tô bóc tứ

Trăm điều oan ức

Căm tức

Của ta làm ra phải trở về ta...

Tô Vũ không còn những sáng tác hiền hòa, dễ thương như Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ mà viết nhạc đấu tố địa chủ:

Hờn căm địa chủ gian ngoan

Địa chủ tham tàn

Già tay bóc lột bần cố nông...

Những bài vè chống Mỹ như:

Em có năm ngón tay

Dùng để đếm máy bay

Của những thằng giặc Mỹ

Rơi trên đất nước này

khích động lòng thù hận Mỹ của trẻ con miền Bắc, nhưng:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình_thương một, thương ông_thương mười...

Ơn này nhớ để hai vai,

Một vai ơn bác , một vai ơn người!”...

thì người đọc khó hiểu được quan niệm đối với gia đình, thân thuộc và quốc gia của Tố Hữu ra sao. Thật ra, Hồ Chí Minh còn nhận lệnh và ân sâu của Cộng Sản quốc tế để gây cuộc chiến tương tàn tại VN hầu mong nuốt trọn miền Nam thì một đầy tớ trung thành với Hồ và chủ thuyết Cộng Sản như Tố Hữu không tôn sùng Stalin và thương tiếc hắn gấp mười lần cha mẹ đẻ ra mình sao được? Một người Cộng Sản chính gốc, trung thành với chủ thuyết Cộng Sản và tìm đủ mọi cách nịnh bợ lãnh tụ để tiến thân bất kể liêm sỉ thì vọng ngoại là một điều tất nhiên khi Tố Hữu đã chấp nhận thi hành vô-điều-kiện chủ nghĩa nhuộm đỏ thế giới do Nga-Hoa đề ra.

Con người vô sản CSVN đã coi Cộng Sản Quốc Tế Nga-Hoa là cha mẹ, thế giới CS là chính quê hương của mình và chủ nghĩa CS là siêu việt. Là một thi sĩ nòng cốt của chế độ CSVN, Tố Hữu đã tận tình giao phó cả xác hồn phục vụ chế độ CS và may mắn hơn nhau chỉ một chữ thời như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói, Tố Hữu đang từ một thi sĩ nghèo, tận dụng tài năng nịnh hót Đảng và Bác để dần dần leo lên tới đỉnh cao danh vọng: Ủy Viên Bộ Chính Trị và rồi Phó Thủ Tướng Thường Trực Chính Phủ. Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1938 khi ông được 18 tuổi, bị Pháp bắt tù đầy 3 năm rồi vượt ngục năm 1942 và từ đó hiến cả đời cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản với vai trò văn-hóa-vận trong mặt trận động viên tư tưởng cán bộ của Đảng. Dù rằng, ý tưởng trong những bài thơ của Tố Hữu tựu trung như lời kêu gọi, tuyên truyền cho Đảng, ca tụng tài đức lãnh tụ CS không biết ngượng, nhưng ông đã tích cực dùng văn thơ của mình tạo thành sức mạnh cho chế độ trong giai đoạn kháng Pháp. Tố Hữu được coi như phát-ngôn-viên chính thức của Bộ Chính Trị cho nên lời ông nói có giá trị như phản ảnh tư tưởng của Bộ Chính Trị Cộng Sản Bắc Việt. Khi Tố Hữu nhân danh chủ nghĩa CS triệt để đề cao những nguyên tắc phục vụ Đảng bằng mọi giá thì mọi bất đồng, mọi phản kháng đều bị chụp mũ cho danh từ lạc hậu, phản động và bị trừng trị thẳng tay. Để chứng tỏ mình xuất thân từ giai cấp vô sản Tố Hữu viết:

Tôi là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh vạn mái đầu em bé

Không áo cơm cù bất cù bơ...

(Từ Ấy, thơ Tố Hữu)

Nhiều bài thơ của Tố Hữu, phải công nhận đượm hồn thơ, nhưng có những câu thật khó hiểu, chẳng phải vì ý thơ quá cao siêu hay chữ dùng không phổ quát mà là tâm hồn vọng ngoại, nịnh bợ quan thầy kỹ quá tuy gói ghém trong những vần thơ giản dị nên đọc lên, chẳng ai cảm thấy rằng tác giả còn giữ chút truyền thống Nho Giáo Việt Nam trong người:

Sta-lin! Sta-lin!

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin ...

Có câu trào tràn xúc cảm:

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, ông đã làm sao mất rồi!

Tuy thế, nhiều câu thơ đọc lên chúng ta nghe mất gốc, vọng ngoại và tôn thờ lãnh tụ đàn anh Cộng Sản như thần thánh:

Ông Sta-lin ơi!

Ông Sta-lin ơi!

Hỡi ôi ông mất! Đất trời có không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình_thương một, thương ông_thương mười

Tố Hữu đã góp công đầu trong kế hoạch diệt trừ tư sản trí thức đặc biệt là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (1956-1958). Tư tưởng Tố Hữu kết chặt với tư tưởng CS và theo sát giáo điều CS một cách trung thành. Ông cưỡng bách con người bỏ tinh thần sáng tạo mà cúi đầu tuân phục, ngưỡng mộ, tôn thờ giáo điều CS tuyệt đối một chiều như ông. Có lẽ, người CS không dám mở toang cánh cửa giáo điều, hạ bức màn tre bưng bít sự thật về chế độ xuống vì sợ rằng một khi ánh sáng chân lý ập vào chế độ thì những tội ác, những cái xấu, rỗng tuếch, tầm thường của chế độ sẽ bị phơi bày trước mắt nhân dân. Vì thế, ông tuyệt đối lên án thành phần tiểu-tư-sản, đặc biệt những nhà văn, nhà thơ trí thức mang trong tâm hồn tư tưởng khai phóng, khoáng đạt của giai cấp tiểu-tư-sản thời tiền chiến. Tố Hữu chỉ muốn thấy tư tưởng văn nghệ sĩ Việt Nam phải nô lệ vào những tư tưởng giáo điều CS và đối với những ai có tư tưởng khác họ_ bị trừng phạt chẳng chút xót thương. Xây dựng chủ nghĩa, chế độ CS đã giết hại hàng mấy trăm ngàn dân mà họ quy chụp là cường hào ác bá, phản động, tư sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất (1950-1952) và rồi thêm mấy trăm ngàn dân trí thức vô tội trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1956-1958) đã nâng tổng số dân lành bị chế độ CS giết hại lên đến, có thể trên một triệu người.

Mãi đến năm 1956, Nhân Văn Giai Phẩm mới chính thức xuất hiện. Những nhà thơ, nhà văn bất khuất Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, v.v. đã chợt thức tỉnh sau những năm dài bị chế độ CS xiềng chặt tri thức. Lương tâm người cầm bút đã vùng dậy, bứt phá gông xiềng giam hãm, diễn đạt trung thực tư tưởng nhân bản của những sĩ phu trước bạo lực của chế độ đương quyền. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ý thức được sứ mạng cao cả của lương tâm kẻ sĩ cầm bút, chối bỏ ân huệ từ giai cấp cai trị để dõng dạc cất cao tiếng nói chân chính của người dân yêu nước, yêu tự do và quyền làm người. Suốt mấy năm dài, những tên tuổi như Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Trần Dần, Phùng Quán... mà một thời tôi ngưỡng mộ vẫn giữ tròn tiết tháo, dù gắng mưu sinh trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng tâm hồn phóng khoáng như thuở nào:

Nếu tôi chưa đến ngày thổ huyết

Phổi tôi còn xâu xé mãi_ lời thơ

Tôi có thể mặc thây_ ngàn tiếng chửi tục tằn

Trừ tiếng chửi: Sống không sáng tạo!

(Hãy Đi Mãi, thơ Trần Dần)

Những nhà thơ, nhà văn thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm phản kháng tư tưởng CS nhân danh con người với những quyền làm người căn bản để nói lên tiếng nói đại diện cho nhân dân đang bị chế độ kềm kẹp. Chính Tố Hữu trong bản báo cáo Qua Cuộc Đấu Tranh Chống Nhóm Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm đọc ngày 5/6/1958 tại Hà Nội đã khinh khỉnh nhận định: "Tiểu-tư-sản vốn là giai cấp bấp bênh, sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình nên thường không thấy mà cũng không giám thầy sự thật gay gắt. Khi cá nhân bị đụng chạm thì hăng lên một lúc, có thể rất tả nhưng khi được thỏa mãn phần nào, hoặc khi vấp ngã đau, thì lập tức chùn lại, rất sợ cái gì đổ vỡ. Cái hăng ấy nhiều khi chỉ là biểu hiệu của cái sợ. Miệng hùm gan sứa chính là tính chất của người tiểu-tư-sản." Tố Hữu đã miệt thị tầng lớp thanh niên trí thức tiểu-tư-sản nhằm o bế, đánh bóng thành phần công nông, giai cấp vô sản, cho thành phần này uống nước đường để dễ xúi dục họ bạo động hoặc mù quáng hi sinh cho Đảng. Thật ra, khi mà các lãnh tụ Cộng Sản còn bôn ba hay ẩn náu trong hang hóc trong rừng, trên núi, khi mà những sư đoàn chính quy đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân như 304, 308, 312 chưa xuất hiện thì từ đầu thập niên 1940s, Trung Đoàn Thủ Đô, Trung Đoàn Ký Con đã là tập hợp những thanh niên tiểu-tư-sản trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh kháng chiến chống Pháp. Những người yêu quê hương chân chính ấy đã từ bỏ chăn êm nệm ấm ra đi với hoài bão mang tự do độc lập về cho quê hương và ấm no hạnh phúc cho dân chúng. Ngồi yên sao được, khi mà gót giầy săng-đá của những tên lính Lê Dương hàng đêm vang trên đường phố và hồi còi tuần tiễu thường trực đánh thức màn đêm thì nó cũng thúc dục tinh thần trách nhiệm đòi lại quê hương của những thanh niên yêu nước dấn thân đáp lời kêu gọi của núi sông như lời thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Trả ta sông núi! từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.

Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:

Không đòi, ai trả núi sông ta!

(Trả Ta Sông Núi)

Những chàng trai lý tưởng thời chiến ấy đã ra đi với hào khí ngút trời của những anh hùng con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Họ đành đoạn bỏ lại em thơ, mẹ già chỉ vì không thể nhìn những người lính viễn chinh:

Ngày anh đến đây

Thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác

Xác anh hùng Đinh, Lý hóa tro bay!

Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác

Ôm quốc kỳ tử tiết giữa trùng vây!

Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc

Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này

Và Thăng Long máu hòa bao lớp đất

Thất kinh thành Hoàng Diệu ngã trên thây

(Một Thế Hệ Mấy Vần Thơ, Thế Phong)

Họ rũ áo ra đi vì hoàn cảnh tang thương của đất nước:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Chó ngao một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

Mẹ con đàn lợn

Âm dương chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan nát về đâu?

Những nàng môi đỏ quết trầu

Những cụ già bay tóc trắng

Những em sột soạt quần nâu

Bây giờ đi đâu, về đâu?

(Bên Kia Sông Đuống, thơ Hoàng Cầm)

Họ ngậm ngùi bỏ Hà Nội lại sau lưng với ánh lửa chập chờn:

Hà Nội cháy khói lửa rợp trời

Hà Nội hồng ầm ầm rung

Vang trong ta

Tiếng hô xung phong.

(Chính Hữu)

Vì rằng:

Vận nước u trầm tự mấy thu

Muôn dân quằn quại dưới gông tù

Đâu đây vẳng tiếng hờn sông núi

Kêu gọi trung can báo quốc thù

(Nén Hương Nguyền, thơ Đằng Phương)

Đoàn trai tiểu-tư-sản trí thức mang hào khí của những anh hùng, ngoài sa trường, súng ghìm tay, màn sao chiếu đất, vẫn mơ mộng:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

(Tây Tiến, thơ Quang Dũng)

Là dân thời loạn, thất phu hữu trách, người lên tuyến đầu thì người ở lại hậu phương cũng mỏi mòn nỗi nhớ:

Nghe chăng cô gái đô thành nội

Áo trắng an ninh giữa lũy đồn

Xuân sang rấm rức, sầu xuân cổ

Ai điểm trang mà em phấn son?

(Phấn Son, thơ Vũ Anh Khanh)

Ngay từ lúc mới bước chân đi, đoàn trai hiên ngang ấy luôn hi vọng một ngày trở về thủ đô thân yêu:

Rách tả tơi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già

Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại

Theo tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về Trở về chiếm lại quê hương.

(Chính Hữu)

Để rồi sau năm năm biền biệt chiến đấu nơi bưng biền, đuổi được giặc Pháp ra khỏi Bắc Việt khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Cuối năm ấy CS tiếp thu Bắc Việt. Tiễn người lính Pháp viễn chinh lên tàu về nước, người dân sung sướng nhắc nhở:

Việt Nam: nước của tôi!

Sông sâu, đồng rộng

Trái tốt, hoa tươi

Hà Nội kinh thành trang chiến sử

Sài Gòn đô thị rạng anh tài

Phú Xuân bừng chói gương ưu quốc

Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay

Việt Nam: nước của tôi!

Già như trẻ

Gái như trai

Chết thì chịu chết

Không cúi lòn ai

Tham lam, ai muốn vô xâm chiếm

Thì giặc vào đây, chết ở đây.

Việt Nam: nước của tôi

Ruộng dâu hóa bể

Lòng chẳng đổi thay

Dầu ai cắt đất chia hai

Cho trong đau khổ, cho ngoài thở than

Dầu ai banh ruột, xẻ gan

Cho tim xa óc, cho nàng lìa tôi

Thì anh cứ nhớ một lời:

Ngày mai thống nhất, liền đôi bến bờ.

(Một Thế Hệ Mấy Vần Thơ, Thế Phong)

Cuối năm 1954, trong đoàn bộ đội về tiếp thu Hà Nội, Trần Dần bước đều trong hàng quân diễn hành giữa phố phường, lòng tràn ngập niềm kiêu hãnh:

A! Tiếng kèn vang

Quân đội anh hùng

Biển súng, rừng lê, bạt ngàn con mắt

Quân ta đi tập trận về qua

Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà

Lá cờ ấy là cờ bách thắng...

(Nhất Định Thắng, Trần Dần)

Nhưng rồi, lang thang trong thành phố:

Chị đội bỗng lùi lại

Nhìn đứa bé mồ côi

Cố tìm vết thù địch

Chỉ thấy một con người

(Em Bé Lên Sáu Tuổi, Hoàng Cầm)

Chị bộ đội chợt bừng tỉnh, nhìn ra được con người là một con người, biết rung động chân thành trước nỗi thống khổ của đồng loại, biết nhận chân sự thật như nhà văn Cộng Sản Dương Thu Hương ngày đầu tiên theo đoàn quân CS vào tiếp thu Sài Gòn năm 1975 đã trố mắt ngỡ ngàng trước đời sống ấm no của người dân miền Nam. Dù cuộc sống bình thường ấy chẳng thể so sánh với hào quang rực rỡ của văn minh nhân loại nhưng sự thật phũ phàng bày ra trước mắt khiến bà chợt tỉnh cơn mê quay về tính nhân bản, ngồi bên lề đường khóc nức. Nhà văn nửa đời người trung thành phục vụ chế độ CS đã thật sự phẫn uất, thống hối khôn nguôi vì cảm thấy mình đã bị những kẻ mù quáng vì quyền lợi, quyền lực lợi dụng máu xương cùng lòng yêu nước lừa bịp bao nhiêu năm qua.

Cũng vậy, Trần Dần vào thành, hân hoan ca tụng Đảng như thần thánh, rồi cũng chính Trần Dần đã nức nở nghẹn ngào bước vô hồn giữa phố phường Hà Nội, ngược với giòng người lũ lượt vô Nam mà nghe lòng nhức buốt, đếm từng giọt mưa rơi trên mặt mình để nhận ra sự lầm lạc:

Trời mưa mãi lây dây đường phố

Về Bắc Nam, tôi chưa viết chút nào

Tôi vẫn quyết thơ phải khua gió bão

Nhưng hôm nay, tôi bỗng cúi đầu

Thơ nó đi đâu?

Sao những vần thơ

Chúng không chuyển, không xoay trời dất?

Sao chúng không chắp được cõi bờ?

Non nước sụt sùi mưa

Tôi muốn bỏ thơ, làm việc khác

Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa

Chút tài mọn, tôi làm thơ chính trị

Những ngày ấy bao nhiêu thương sót

Tôi bước đi

Không thấy phố

Không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

Trên màu cờ đỏ

(Nhất Định Thắng, Trần Dần)

Trung Đoàn Thủ Đô, Trung Đoàn Ký Con không còn bóng dáng những chàng trai kiêu hùng ấy nữa vì họ đã bị những người Cộng Sản đưa lên tuyến đầu hi sinh cho tổ quốc hết rồi, những chàng trai hào hoa ngày xưa hồn ở đâu bây giờ? mà chỉ còn lại những người lính vô sản:

Ta là người nông dân

Mặc áo lính

Chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm.

Bây giờ, Cộng Sản đã lộ nguyên hình là một nhóm người làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế, không còn liên hiệp với người quốc gia để chống Pháp nữa. Học khôn từ cuộc liên hiệp giữa Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông trong công cuộc hợp tác chống Nhật, không để Tưởng Giới Thạch "tiên hạ thủ vi cường" diệt thành phần CS của Mao như ở Trung Hoa nên Đảng CSVN đã ra tay trước, triệt hạ những đảng phái quốc gia như Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Duy Dân cùng sát hại những người quốc gia yêu nước chân chính như Trương Tử Anh, Hoàng Đạo, Thái Dịch Lý Đông A,... cướp hết công lao cách mạng:

Đảng ta giải phóng nước nhà

Đảng chúng ta là mặt trời

Hồ Chí Minh là mặt trời

Người sáng soi muôn lớp người vùng lên.

Những người tiểu-tư-sản, trí thức trước kia thấm thía nỗi đau của người dân bị trị, thèm khát tự do, dân chủ nên đã tình nguyện dấn thân chiến đấu đòi độc lập cho tổ quốc. Dù họ nhận chân sự thật đã bị Đảng Cộng Sản lừa bịp, lợi dụng máu xương nhưng họ muôn đời vẫn kiêu hãnh đã hiến tuổi trẻ của mình cho tiếng gọi của núi sông trong thời quốc biến những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến. Nhưng khi đất nước độc lập rồi, họ không thể cúi đầu chấp nhận gông cùm xiềng xích từ thân thể đến tinh thần do chính chế độ áp đặt. Họ khó thể không ngượng mồm, không xấu hổ, không ân hận khi dùng những lời tuyên truyền một chiều, bưng bít sự thật để lừa bịp nhân dân trong khi sự thật trái ngược hẳn với những gì họ đã chứng kiến, đã kinh qua. Lương tâm của những người cầm bút chân chính không cho phép họ im lặng hoặc bẻ cong ngòi bút xu nịnh chế độ, lãnh tụ mưu cầu một ân huệ nào, mà họ muốn đứng thẳng, vươn cao như những thân tùng cổ thụ. Rồi từ đó, những nhà văn, nhà thơ chân chính dấn thân đòi lại quyền tự do nói lên sự thật, đòi quyền tự do tư tưởng, đòi quyền làm người. Văn nghệ chân chính diễn đạt chân lý như:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

(Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)

Trước những bịp bợm, xảo trá của người Cộng Sản, trước những tham nhũng, bất công, băng hoại của xã hội, xúc động trước nỗi khốn khổ của nhân dân, Phùng Quán, nhà văn bộ đội vô sản nhập cuộc:

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

Chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

(Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)

Và ông đã tả chân về thiên đường Cộng Sản:

Tôi đã gặp

Những bà mẹ già quấn giẻ rách

Da đen như củi cháy giữa rừng

Kéo giây thép gai tay máu chảy ròng

Bới đồn giặc trồng ngô tỉa lúa ...

Tôi đã gặp

Những đứa em còm cõi

Lên năm lên sáu tuổi đầu

Cơm thòm thèm độn cám và rau

Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết

Để được ăn cơm no có thịt ...

Tôi đã đi giữa Hà Nội

Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất

Đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm

Chị em nhân công đổ thùng

Yếm rách chân trần

Quần xăn quá gối

Run lẩy bẩy chui vào hầm xí tối

Vác những thùng phân

Ta thuê một vạn một thùng

Có người không dám vác

Các chị em suốt đêm quần quật

Sáng ngày vừa đủ nuôi con.

Và ông quyết liệt chống lại giáo điều CS:

Tôi muốn đúc thơ thành đạn

Bắn vào tim những kẻ làm càn

Những con người tiêu máu của dân

Như tiêu giấy bạc giả.

(Chống Tham Ô Lãng Phí, Phùng Quán)

Hữu Loan đề nghị:

Chúng nó còn thằng nào

Là chế độ chúng ta chưa sạch

Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết mọi thằng

Những người đã đánh bại xâm lăng

Đỏ bừng mặt vì những tên quốc sỉ

Ngay giữa thời nô lệ

Là người_chúng ta không ai biết cúi đầu.

(Cũng Những Thằng Nịnh Hót, Hữu Loan)

Tư tưởng CS được các văn nô CS coi là siêu việt mà lãnh tụ CS được họ thần-thánh-hóa thành mẫu lãnh tụ tuyệt hảo, nhưng thật ra giai cấp thống trị chỉ là nhóm người ù lỳ, thiếu tài thiếu đức, được hưởng nhiều đặc quyền và bóc lột sức lao động của nhân dân tinh vi hơn ai hết. Nếu nói lên sự thật thì:

Do con mắt bé tẻo

Chẳng nhìn xa chân trời

Do bộ óc trây lười

Chỉ một mầu sắt rỉ

Đã lâu năm ngủ kỹ

Trên trang sách im lìm

Do mấy con người máy

Đầy gân thiếu trái tim.

(Em Bé Lên Sáu Tuổi, Hoàng Cầm)

Nhưng bọn văn nô dù có tâng bốc, nịnh bợ nhóm lãnh đạo cách mấy thì những bộ óc trây lười đó vẫn không thể thay đổi chỉ vì họ thừa mứa đạo đức cách mạng nhưng lại thiếu con tim của những người yêu quê hương dân tộc chân chính. Hữu Loan khinh khi:

Chúng nó ngụy trang

Bằng tổ chức

Bằng quan điểm nhân dân

Bằng lập trường chính sách ...

Gặp cấp trên chủ quan

Mũi như chim vỗ cánh

Bụng phềnh như trống làng

Thấy mình đạo đức tài năng hơn tất.

(Cũng Những Thằng Nịnh Hót, Hữu Loan)

Phùng Quán đã thẳng thắn sỉ vả:

Những con chó sói quan liêu

Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng.

Nhóm văn nghệ sĩ Nhân Văn Giai Phẩm đã dấn bước "Đi Mãi" đấu tranh cho tự do tư tưởng, cho nhân quyền không đếm xỉa đến những hậu quả đau thương khôn lường đang chờ đợi họ:

Khi bạo lực còn khua môi mõm mốc xì

Khẩu đại bác mỏi nhừ vẫn sủa

Khi bóng tối còn đau như máy chém,

Những lời ca đứt cổ bị bêu đầu

Lũ đao phủ tập trung hình cụ

Mặt trời lên phải mọc giũa rừng gươm

Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp

Những canh gà báo trượt rạng đông

Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngóe

Khi xe tăng chưa đi cấy, đi cày

Như một lũ tội nhân cần cải tạo

Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo

Còn quay tít trên kiếp người hạ giá

Làm sao Đảng có thể chấp nhận chuyện này khi mà sự thật sẽ phanh phui tất cả tội ác của chế độ, khi mà tự do sẽ cho phép con người chân chính chối bỏ thứ văn nghệ chỉ đạo, lừa bịp, nịnh hót đến mất cả nhân tình, nhân tính. Thế nên, Đảng đã hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi và bảo tồn hào quang cách mạng cùng địa vị lãnh đạo độc tôn trên đầu, trên cổ nhân dân. Tố Hữu đã xả thân khuyển mã làm công việc bảo vệ chủ nghĩa Cộng Sản. Theo Tố Hữu, văn nghệ phải làm sáng tỏ quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin nên phải cải tạo mình kiên quyết, theo lập trường vô sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng trình độ chính trị để có thế-giới-quan đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Thế-giới-quan của chủ nghĩa CS phải chăng là chiến lược xâm lăng thâu mọi nước về thành một thế giới Cộng Sản, do Đảng CS quốc tế lãnh đạo mà CSVN chỉ làm tay sai thực hiện kế hoạch bành trướng chủ nghĩa đó trên toàn nước Việt, trên sinh mạng và sự khốn khổ của người dân Việt Nam? Trong thế giới CS, những văn nghệ sĩ chỉ có quyền nhai lại những tư tưởng cũ rích của lý thuyết Cộng Sản như Marxism, Leninism, Maoism mà không được có óc sáng tạo. Các văn nghệ sĩ miền Bắc từ năm 54 đến 75 không có được những sáng tác giá trị vì thiếu tự do sáng tạo, ý mới, hồn thơ gồm mọi hình thức diễn đạt tình cảm trong đó. Cũng không có nổi một nhân tài văn nghệ vì thiếu đất dụng võ, phát huy tài năng mà chỉ quanh quẩn trong loại văn nghệ gò bó, nô dịch: thần-thánh-hóa lãnh tụ; đề cao giết chóc, khủng bố, đấu tố; khơi động thù hận, thành kiến và tuyên truyền lừa bịp.

Nhưng chủ nghĩa CS không đủ khả năng giam hãm lương tâm những người yêu quê hương chân chính, bạo lực không thể lột lốt người quốc gia yêu nước thành một con người CS được. Nên chi, những người cầm bút thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã ngang nhiên thách thức bạo lực mà dấn thân vào cuộc đấu tranh chống bạo quyền CS trường kỳ với lòng quả cảm và chí kiên trì:

Nếu tôi bị gió sương đầu độc

Một hôm nào ngã xuống giữa đường đi

Tôi sẽ ngã như một người lính trận

Hai bàn tay chết cứng vẫn ôm cờ.

Nếu vầng nhật thui tôi thành bụi

Nắng oan khiến đốt lại làm tro

Bụi tôi sẽ cùng ta vẫn sống

Vẫn chia nhau gió bấc sẻ mưa phùn

Nếu dĩ vãng đè trên lưng hiện tại

Nặng nề hằng tạ đắng cay

Tôi sẽ nổ tung ngàn kho đạn tiếng kêu

Tan xác pháo mọi cái gì cũ rích

Nếu hàm răng chuột nhắt của gia đình

Gậm nhấm cả tình yêu cùng dự định

Tôi sẽ biến thân tôi thành thép nguội

Làm thất bại mọi thứ dũa đã quen dũa người tròn trặn quá hòn bi

Ở trong tôi nếu còn sức mạnh gì

Chính là sức những ai nghèo khổ nhất

Những ai lao lực nhất địa cầu ta

Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo

Như nâng một viễn vọng đài

Trên cuộc sống hàng ngày nhí nhách

Tôi vẫn cháy ngọn hải đăng con mắt

Ở trong biển sống từng đêm

Tôi vẫn đóng những câu thơ như người thợ đóng tầu

Chở khách đi về phía trước.

Nói loài người đã biết sống chung nhau.

(Hãy Đi Mãi, Trần Dần)

Ảnh hưởng của Nhân Văn Giai Phẩm thật sâu rộng, những bài văn, bài thơ sáng tác của các thi văn sĩ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã gây nên, nói theo Nhà Văn Duyên Anh: "một trận cuồng phong chữ nghĩa, thổi bật gốc giáo điều và tư tưởng 'tròn trặn quá hòn bi' của văn nghệ chỉ đạo CS." Nó nêu tinh thần bất khuất trước bạo lực, đạp đổ thành trì tư tưởng, giáo điều. Nó mang theo niềm hi vọng sẽ giật sập chế độ độc tài, đảng trị trong lòng người dân vốn đã khiếp nhược vì bị kềm kẹp, áp bức suốt bao nhiêu năm. Nó gieo rắc niềm tin vào tương lai của một dân tộc và hứa hẹn một đổi mới trong đời sống tinh thần và vật chất người dân. Những người văn nghệ sĩ chân chính dù đoán được số phận thê thảm dành sẵn cho mình vẫn chẳng sờn lòng:

Hãy đi mãi!

Dù mưa băm nát mặt

Sương rơi hơn đạn sướt đau đầu

Dù bốn mùa nhưng nhức nắng mưa

Mùa bão tuyết thế chân mùa gió độc

Hãy đi mãi!

Dù mưa Đông phục kích

Hay lửa Hè đánh trộm sau lưng

Dù những đêm buồn như sa mạc hoang vu

Đoàn du mục tủi thân vùi bãi cát

Dù những ngày mũi kiếm heo may

Đi hành hạ những tâm tư trằn trọc

Hãy đi mãi!

Dù khi cần thiết

Người ta cần đói khát vượt bình sa

Ta bỗng có thể nhịn lâu hơn cả lạc đà

Đi đến tận những kinh thành no ấm

Hãy đi mãi!

Dù có phen trót ngã

Hãy bó đôi chân lở lói mà đi

Hãy tin chắc rồi ta xứng đáng

Một vòng hoa đỏ nhất phủ quan tài.

(Hãy Đi Mãi, Trần Dần)

Nhân Văn Giai Phẩm đã được quảng đại quần chúng yêu mến, ủng hộ và hàng vạn người hàng ngày nô nức đón đọc. Khí thế cách mạng giải phóng tư duy con người bị kềm kẹp đang tràn dâng như cơn nước lũ, cuốn phăng bao rác rưới của chế độ, bao uất hận tâm hồn người dân từng bị gần trăm năm gông cùm dưới bàn tay cai trị của thực dân Pháp. Cao trào đòi quyền làm người như luồng gió hồi sinh mọi thành phần xã hội: từ tuổi trẻ chí người già, thanh niên và thiếu nữ, thành phố đến thôn quê, khiến toàn dân xôn xao, phấn khởi chờ mong thời điểm vùng lên phá đổ thành trì Cộng Sản.

Trước nguy cơ đó, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã hoảng hốt và Tố Hữu đã phải thú nhận: "Chúng chỉ là một nhúm nhỏ vài chục người trong mấy nghìn văn nghệ sĩ. Mà tại sao chúng lại có thể tác hại như những con chuột khoét lỗ chân đê, gây ra lụt lớn." Và rồi, chẳng hành động đê hèn nào bị bỏ qua, chẳng âm mưu hạ cấp nào không dám làm, Tố Hữu cùng Bộ Chính Trị đã áp lực, ngụy tạo, xúi dục nhân dân lên án nghiêm khắc Nhân Văn Giai Phẩm để mượn cớ đóng cửa giai phẩm này vĩnh viễn, và các nhà văn, nhà báo, thi sĩ phản kháng bị giết chóc, tù đầy trong các trại cải tạo lao động khổ sai. Phan Khôi bị sát hại, Trần Dần, Phùng Quán tù đày, Hữu Loan nhọc nhằn lao động... Lãnh tụ Nhân Văn Giai Phầm là Nguyễn Hữu Đang cùng Nữ Sĩ Thụy An danh tiếng thời tiền chiến nhất định không chịu học tập cải tạo nên bị tống giam vào Hỏa Lò. Khi bị đưa ra tòa án nhân dân, trước vành móng ngựa, Nữ Sĩ Thụy An bất ngờ rút cây kim gài khăn cuộn tóc trên đầu đâm mù một mắt của mình trước sự hãi hùng, kinh ngạc của quan tòa CS. Nữ sĩ Thụy An cao ngạo, dõng dạc tuyên bố: "Tôi chỉ nhìn xã hội CS bằng nửa con mắt." Mãi 20 năm sau, năm 1976, Nữ Sĩ Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang mới được trả tự do. Tố Hữu triệt hạ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm xong đã tuyên bố trong buổi họp tại Trụ Sở Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam tại Hà Nội năm 1958 trong Nghị Quyết Của 800 Văn Nghệ Sĩ là: "Chúng tôi vô cùng phấn khởi, ra sức học tập chính trị, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lê Nin, học tập các đường lối, chính sách của Đảng..."

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Nhân Văn Giai Phẩm bị chế độ CSVN đóng cửa và nhiều văn nghệ sĩ chân chính thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị giết hại, cầm tù hoặc chịu sống đời nhọc nhằn để bảo vệ khí tiết người cầm bút chân chính. Tay đao phủ Tố Hữu vừa ra người thiên cổ, nhưng chế độ Cộng Sản Việt Nam đã có kinh nghiệm về sức mạnh của chữ nghĩa khi những người cầm bút dám viết lên tiếng nói của chân lý, lẽ phải. Do đó, chế độ CSVN chẳng ngại ngùng tung ra hải ngoại kế hoạch văn-hóa-vận với sách vở CS tràn ngập các thư viện Mỹ. Nhiều bộ sách biên khảo đồ sộ do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ấn hành sau năm 1975 gồm 40, 50 cuốn, dù viết về thể loại nào, những phần ca tụng Hồ Chí Minh, đề cao chế độ CS phải có trong sách đã làm giảm phần lớn tư tưởng sáng tạo mà phô bày sự nhất trí dù muốn dù không, tuân hành chỉ đạo nhà nước của những trí thức VN sống dưới chế độ CS hiện nay.

Chế độ CSVN có thể đóng cửa giai phẩm, bịt miệng tạm thời người cầm bút như Tố Hữu đã làm, nhưng chắc chắn rằng không thể khuất phục được những người cầm bút có lương tâm chân chính, bắt họ khom lưng làm thơ nịnh bợ lãnh tụ hay tán tụng Đảng một cách không ngượng miệng. Tư tưởng tự do sáng tạo trong văn chương của Nhân Văn Giai Phẩm thật gần với tư tưởng dân chủ của người dân Việt thèm khát tự do đang tranh đấu cho một VN dân chủ và cho quyền làm người của toàn dân. Tự do khai phóng tư duy con người, tính nhân bản xử dụng cảm xúc, rung động dễ diễn đạt chính xác tình cảm, tư tưởng con người và môi trường dân chủ cho chúng ta nhiều điều kiện để phát triển và thực hiện tri hành hợp nhất. Hành động can đảm, bất khuất của những dũng sĩ yêu quê hương, yêu tự do và quyền làm người thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm trước bạo lực Cộng Sản vẫn vươn cao và tồn tại mãi với thời gian.

Hiện nay, dưới chế độ CSVN, chỉ người nào có đủ sĩ khí, chấp nhận tù đầy như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, các anh Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Quế Dương, Trần Khuê,...mới dám nói một cách trung thực những gì mình nghĩ với lòng cương quyết:

Bút tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Là người yêu quê hương chân chính, dù chẳng tấc sắt trong tay, không có nghĩa chúng ta đành thúc thủ, mặc kệ tương lai đất nước như cánh bèo nổi trôi, mà chúng ta phải cùng nhau hành động, gào lên cho rung chuyển sơn hà để tập đoàn lãnh đạo CSVN nghe được những lời tâm huyết:

Trả núi sông ta! lời dĩ vãng

Thiên thu còn vọng đến tương lai.

Trả ta sông núi! câu hùng tráng:

Là súng là gươm giữ đất đai...

Chúng ta hãy tin rằng: Một người dám nói thẳng, nói thật_ bị tù đầy. Hai người dám nói thẳng, nói thật_ bị tù đầy. Nhưng rồi trăm người, ngàn người và hàng triệu người sẽ dám nói và lúc đó_ chính chế độ Cộng Sản không còn dịp tồn tại để nghe những lời nói thật, nói thẳng về khát vọng chính đáng của toàn dân nữa!

Phạm Văn Thanh

Xuân Quý Mùi, 2003

phamvanthanhusa@yahoo.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn