BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ lời Cha Kiệt (Kỳ 2/3)

18 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1086)
Nhớ lời Cha Kiệt (Kỳ 2/3)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Kỷ niệm 5 năm vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà – cuối năm 2007-2008)


Sang đến “nước bạn” thì các “đồng chí ưu tú” đó sẽ làm gì? Có thật để học tập không? Trong đầu óc các học viên nghĩ những gì, tính toán ra sao? Nhà văn rất vô tư cho chúng ta biết sự thật như sau:

“Lên đường sang nước bạn! Ừ thì đó là một dịp để mở mang đầu óc, để được thấy những chân trời mới mẻ. Nhưng, chẳng ai phải dậy ai cả, tất cả đều tự hiểu rằng, đây là một cơ hội, một cơ hội vàng, hiếm hoi mới có được một lần trong đời, để cải thiện chút ít cuộc sống vật chất đang quá ư lầm than, nghèo nàn, khổ cực của mình.

Nghèo khổ quá! Cơm không đủ ăn. Quần áo không đủ mặc. Tiêu chí giàu có là có được chiếc xe đạp Mifa của Đức và chiếc máy khâu Singer! Vậy thì còn gì nữa không nắm ngay lấy cơ hội trăm năm mới có một lần này.

Mua hàng từ Việt Nam sang Liên Xô bán, lấy rúp, rồi mua hàng từ bên đó mang về Việt Nam bán lại, đó là một quy trình giao thương khép kín từ T ra H rồi thành T [1] phổ biến cho bất cứ ai, từ các nhân vật VIP tới các cán bộ èng èng như chúng tôi. Bởi vì công việc tưởng là phức tạp này hóa ra cũng rất đơn giản. Nó đơn giản như anh tham nhũng chỉ cần có con dấu là lợi lộc tự khắc ùn ùn tìm đến. Đơn giản vì có cả một bộ máy dịch vụ ở bên ta và ở cả bên trời Tây sẵn sàng phục vụ anh từng công đoạn, và nếu anh lờ ngờ thì nó còn có thể mách bảo anh từ A đến Z, rằng, anh cần đem đi những gì, giá cả bao nhiêu, sang bên đó bán đi được bao nhiêu, và mua đem về những hàng gì với giá cả thế nào. Đừng có nói người Việt Nam bị tha hóa ngờ nghệch như gà công nghiệp vì chế độ bao cấp. Xin lỗi, dân mình tinh khôn đâu có kém ai, không tin xin mời lên phố Hàng Đào, Hàng Ngang hồi đó, không tin xin mời đến các OB, các ĐÔM nổi tiếng ở Mát hồi đó, đó chẳng phải là nơi ương mầm các doanh nhân tài ba, các đại gia thời đổi mới sau này đó sao!

Đại để thì từ những kẻ khôn ngoan nhất đến những anh khù khờ nhất trong đoàn, kể cả những người dửng dưng, vì thực tình là cũng có một số cán bộ tuổi đã cao ngại ngùng trước công cuộc kiếm tìm lợi lộc nhưng cũng bị cuốn theo “phong trào”, ai cũng ít nhất là đủ số cân hành lý được phép mang theo lên máy bay là 20 kg. Ai cũng có đủ các cơ số được phép mang theo, hoặc coi như đồ nhật dụng, hoặc coi như quà cáp vặt vãnh tặng bạn bè: 2 cái quần bò, 2, 3 cái mũ bò, 1 đồng hồ Citijen, 5 cái kính Cơn, 2 Kimônô, 2 áo khiêu vũ hở vai, 5 áo phông Thái, 10 làn cói, 2 gói mì chính, 10 bút chì kẻ mắt, một lố son Mỹ…” [tr.338-339]

Cha cha! “Đừng có nói người Việt Nam bị tha hóa ngờ nghệch … không tin xin mời lên phố Hàng Đào, Hàng Ngang … xin mời đến các OB, các ĐÔM nổi tiếng ở Mát hồi đó, đó chẳng phải là nơi ương mầm các doanh nhân tài ba, các đại gia thời đổi mới…” (!) Các đồng chí ta “đi học” quá giỏi?! Mà đâu chỉ có người “đi” mới “tính”. Toàn xã hội cùng tính toán, mánh mối, mưu mô, thủ đoạn… như nhập đồng:

“Khốn khổ là nạn bạn bè gửi quà hàng họ sang bên đó cho người thân. Cơ số được mang theo của mình đã đủ rồi. Mà “quà” bạn gửi thì cũng lại quần bò, áo phông… Có người không biết điều, lại còn gửi cả một đôi giầy Adidas tổ bố, nặng gần nửa ký và một đống rổ rá, mành mành mây tre mỹ nghệ để sang đó bán hộ. Từ chối thì mất lòng bạn bè. Lộc bất tận hưởng. Thôi thì đành phải co kéo, dồn nén, dùng đủ mọi phép thuật, nào cái này đút túi, nào cái này xách tay… để cho đúng chỉ số cân lạng tiêu chuẩn.

Mệt nhọc vì công việc mua bán, lại càng mệt nhọc và ngao ngán nhức nhối khi lên sân bay qua kiểm tra Hải Quan. Tháng năm, cái phòng Hải Quan bé tin hin ngập ngụa người và hàng. Hòm xiểng, va ly, túi xách ở nhà đã xếp sắp, chằng gói cẩn thận, dưới con mắt soi mói tinh quái của cán bộ Hải Quan đều bị nghi ngờ là có hàng quốc cấm, là phạm luật. Cái gì đây? Mở ra! Sao mà nhiều áo phông thế! Chỉ được hai thôi. Vứt lại! Xi líp đàn bà mang đi làm gì? Làm gì mà cả vàng hương thế này? Sang đó cúng ai? Tất cả đều bị dỡ tung ra lục lọi, bới móc, hoạnh họe, hạch sách tàn bạo đến man rợ. Nhìn ra cửa phòng chờ, thấy người thân đứng chen chúc trong đám người đi tiễn sau hàng rào chắn, mắt hong hóng nhìn vào, đâu có phải buồn rầu vì chia ly, mà lo âu ngờm ngợp vì sợ phải trả lại hàng. Vì chốc chốc lại thấy một người từ nơi Hải Quan kiểm tra ôm cả một đống những là quần bò, áo phông đưa ra, rầu rĩ bảo Hải Quan họ không cho mang đi! Khốn nạn! Luật lệ gì mà bất cận nhân tình thế! Mặt đỏ gắt. Mồ hôi vã như tắm. Cúi xuống gom lại quần áo, đồ hàng bị bới lộn tung tóe, mắt xót đắng không hiểu là vì mồ hôi hay nước mắt, vội vã buộc níu lại, lếch thếch xách ra cửa kiểm tra an ninh, chỉ muốn kêu trời, sao kiếp người lại khổ nhục đến thế này!

Đi học mà khốn khổ, nhục nhã thế này ư? Khổ nhục quá đi chứ, kể cả anh bạn Đ. cùng đi. Anh cũng bị bới lộn, hoạnh họe quát nạt như mình. Anh cũng đầm đìa mồ hôi như mình. Nhưng qua cửa kiểm tra an ninh, anh vừa cười khơ khơ vừa khom lưng cởi bớt cái quần bò mặc ngoài vừa khoe: Cậu xem, người tớ giá trị tương đương một cái va ly! Thế là tớ thoát thêm hai cái quần bò, hai cái mũ bò… Thì ra nóng chết ngốt thế này mà anh ních vào mình những 2 cái quần bò và đội lên đầu 2 cái mũ bò lồng vào nhau. Còn trong túi áo túi quần anh thì đủ cả son Mỹ, bút chì kẻ lông mày, mì chính, chuỗi hạt xương…

Hương thơm và không khí mát lạnh ập vào người khi bước vào khoang máy bay như một lời an ủi, như được gặp một mảnh trời Tây sang trọng, giàu có, xa lạ. Xa lạ quá với cuốc sống cơ cực nghèo hèn của dân mình! Tìm số ghế ngồi xuống, tự an ủi, thôi, thời thế bắt phải thế chứ biết sao bây giờ! Thì nghe tiếng động cơ máy bay khởi động rầm rầm, cùng lúc cả khoang máy bay nổi lên tiếng khóc rền rĩ của đám các cháu gái đi bán sức lao động nơi xứ người: Ơi mẹ ơi! Ơi bố ơi... Não lòng quá! Cúi xuống, nước mắt tủi hổ lại ứa ra ở vành mi.” [tr.339-341]

Nhà văn phải kêu lên: “Đi học mà khốn khổ, nhục nhã thế này ư?”; rồi viết tiếp: “Khổ nhục quá đi chứ, kể cả anh bạn Đ. cùng đi. Anh cũng bị bới lộn, hoạnh họe quát nạt như mình.” vậy hẳn Đ phải là một nhân vật VIP!? Tôi liên tưởng ngay đến 2 ông trùm Hà Nội ngày nay là Phạm Quang Nghị và Nguyễn Thế Thảo và tự nêu câu hỏi: Không biết 28 năm về trước – tức năm 1985 – năm tác giả đi Liên Xô ấy 2 ông này “cỡ” gì? Gõ Wikipedia được hay: Ông Nghị: “Từ năm 1985, ông là cán bộ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đồng thời là Thư ký riêng cho Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng…”[2]. Ông Thảo: “Ông từng là cán bộ kỹ thuật Công ty Xây dựng số 5 (nay là Tổng Công ty Xây dựng số 5), Công ty xây dựng số 11. Cách đây hơn 10 năm, ông chuyển sang làm quản lí nhà nước và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hà Bắc…”[3]. Vậy nhân vật Đ trong hồi ký của Ma Văn Kháng hẳn phải là cỡ trên Nghị, Thảo nhiều cái đầu! Và Đ đã khoái chí ra sao khi qua mặt được Hải quan cửa khẩu thì Quý bạn đọc đã được chính Đ chia sẻ qua đoạn văn trên của Ma Tiên sinh!

Mà còn nữa! Nói đến “giá trị thực” trong cái cảnh “kiếm tí lợi nhuận” của cán bộ cỡ bự lúc nào cũng đạo mạo trong vai trò sẵn sàng giảng giải chính trị cao cả cho mọi người, Ma còn viết thêm:

“Cả nước lúc này có lẽ chả còn ai là không đi buôn. Đến mức lưu truyền trong dân gian câu so sánh tủi hổ này: ‘Mỗi người Pháp là một người làm vườn. Mỗi người Trung Quốc là một người làm xiếc. Mỗi người Việt là một người đi buôn’. Ai cũng biết buôn hết. Kể cả các cán bộ quan chức cao cấp trong bộ máy Chính phủ. Mỗi bận đi họp, đi công tác sang Liên Xô, các nước Đông Âu là một dịp mang chút hàng sang bán và mua hàng về bán kiếm tí lợi nhuận chênh lệch. Loại cán bộ loàng xoàng như chúng tôi khi đi thì đem theo quần bò, áo phông cá sấu, áo phông cành mai, kính cơn, bút tô lông mày… khi về thì mang theo nồi áp suất, bàn là, thuốc lá, tân dược. Có cả một dịch vụ cung cấp hàng đi, đón nhận hàng về ở Hàng Đào. Ầm lên một dạo chuyện một thứ trưởng nọ đi công tác ở Liên Xô về mang quá cơ số thuốc lá ngoại bị Hải quan Nội Bài thu giữ, chuyện một thứ trưởng khác ra sân bay ở Mátxcơva tay xách nách mang, vai nghềnh ngàng một cái khung xe Spútnhíc lúng túng đến mức bạn tiễn đưa không còn tay mà bắt. Một lần bạn tôi đi họp ở Liên Xô mấy ngày, lúc về cũng mang được từng này thứ: ấm điện, 3 cái; nồi hầm, 4 cái; quạt điện, 5 cái; bếp điện, 5 cái; bàn là, 7 chiếc; bàn đạp xe đạp, 7 đôi; sữa, 10 hộp; phích đá, 2 cái; ghế gấp, 4 chiếc. Tính ra lãi cũng được vài chỉ vàng(!).” [tr.243]. Hóa ra các đồng chí… “phụ mẫu chi dân” cỡ nhất nhì quốc gia cũng chỉ có giá trị đáng vài chỉ vàng!...

Sài Gòn - 1991


Sang đến nơi “Thành trì của cách mạng vô sản toàn thế giới – Thiên đường trên trái đất của nhân loại” (!) rồi thì việc học hành, giao tiếp của các “đồng chí ta” ra sao? Nhà văn cho ta biết tiếp:

“Không phải ngày nào cũng sáng học chiều đi cơ sở. Có một số ngày, buổi chiều được tự học ở nhà. Và cùng với những buổi chiều ấy, những ngày thứ bảy và chủ nhật là những ngày vàng để anh em thả sức hoạt động trên thương trường.

Thật ra thì hoạt động buôn bán đã diễn ra ngay khi máy bay chở đoàn hạ cánh xuống phi trường Sêmêrêchiêvô. Vì ngày đoàn đi, đến đã được thông báo với đối tác từ trước đó cả tuần, nên ra cửa sân bay đã có không ít người đứng đón nhận ngay hàng hóa rồi. Còn ngay đêm hôm đoàn tới Học viện còn đang bận rộn xếp dọn nơi ăn chốn ở, các đầu mối đã phóng taxi tới, ồn ào giao dịch mua bán tới tận khuya khoắt.

Tuy nhiên, hầu hết anh em chỉ thực sự bắt tay vào việc mua bán hàng hóa sau khai giảng một tuần. Lúc này bạn đã cho tiền tiêu vặt. Cứ 2 rúp một ngày, nhân với số ngày học cũng được khoảng một trăm rúp. Một trăm rúp không ăn tiêu gì, dành dụm được cũng là một số tiền khá lớn. Vì lúc này hàng hóa Liên Xô được bao cấp còn rất rẻ. Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn vậy, chỉ cần 7 rúp rưỡi đã được một cái bàn là, 14 rúp rưỡi đã được một cái nồi áp suất to đùng rồi.

Nhà cửa vào những ngày giờ không phải lên lớp vắng tanh vắng ngắt. Thư viện cũng chẳng ma nào ngó ngàng tới. Nói cho sang thôi, chứ mấy ai đọc được tiếng Nga. Mà đọc sách về công đoàn lúc này thì chỉ có là anh hâm, anh dở người.

Cuộc sống thương trường Mátxcơva sống động đầy mãnh lực, nó cuốn hút tất cả vào vòng quay của nó, chẳng trừ một ai. Trước đồng tiền lợi nhuận, quan chức to nhất là ủy viên Ban thư ký Tổng liên đoàn thì cũng vậy thôi. Cơm trưa xong là tất cả mang hàng ra ga tàu điện, tới ga mêtrô Kourski rồi tan biến vào biển cả Mátxcơva và phải đến bữa cơm chiều, lúc 19 giờ, 20 giờ mới quay trở về Học viện. Ấy thế! Lúc đi thì tay xách nách mang quần bò áo phông, lúc về thì gói to bọc nhỏ bàn là, phích nóng lạnh, xích líp xe đạp, phim ảnh, thuốc kháng sinh…

Các buổi tối ở Học viện càng về sau càng náo nhiệt. Sau một buổi chiều, một ngày xông pha khắp các ngõ ngách phố phường, các thứ mua sắm được giờ mới được trưng ra, đổ ra, với bao tình tiết, câu chuyện thú vị bất ngờ. Này, áo phông đang hạ giá vì vừa sang một chuyên cơ của các cụ VIP chở đầy nhóc hàng! Ga Kômxômônxkaia có cửa hàng bán phích đá đấy! Cacao ông mua ở đâu? Phim Kodak bao nhiêu đin thì nên mua? Này, chậu nhôm to, ở ngay chợ Xaltưkốpka chứ ở đâu! Nghe nói nồi hầm phải mua tận Kaliningrát có đúng không?...

Càng về những ngày cuối khóa, việc mua bán càng khẩn trương nhộn nhịp. Tan học, chợ xã Xaltưkốpka đã xanh đen cán bộ công đoàn Việt Nam. Có anh bỏ bữa cả ngày thứ bảy, chủ nhật đi thông luôn hai ngày để lùng hàng. Giữa phố huyện Balasikhinxki, một anh thư ký công đoàn ngành đội một chồng chậu nhôm to đùng, oang oang như giữa chốn không người: “Nó đang bán ở kia kìa! Mau lên!”. Nhiều anh mang đi được nhiều hàng, có trong tay cả nghìn rúp, thấy hàng gì cũng xông vào mua. Hóa ra chả ai là khù khờ, dớ dẩn cả. Có anh tưởng đần mà vác về cả một cái cưa đá, một cái máy rửa xe nặng đến chục cân, toàn thứ hàng độc”. [tr.346-349]

Cách kể chuyện của nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV (2012)[4] này thật giản dị, tự nhiên, không có gì là lên gân lên cốt… nhưng quả là không kém phần hóm hỉnh! Đã có lúc hình như ông chợt nghĩ đến thân phận tủi nhục của con dân Việt dưới thời thực dân mà với tuổi ông – sinh năm 1936 đã từng mục sở thị! Cái thời mà… “An-nam-mít là đít Phăng-se, là bãi tè Anh quốc…” ấy!... Nhưng hóa ra không phải: “các đồng chí ta” đã “không hổ danh con cháu dân Việt, tinh khôn đủ đường, khiến bạn cũng phải tỏ ý kinh ngạc!”. Và ở xa Tổ quốc, “tình nghĩa đồng chí cao cả” của các đồng chí ta ra sao, “trình độ học vấn” trưởng thành như thế nào? Nhà văn viết:

“Cán bộ Công đoàn Việt Nam cứ tưởng cao đạo, là tiêu biểu cho hệ thống ăn theo, nói leo, ngu ngơ ngờ nghệch như thường bị diễu nhại, hóa ra không hổ danh con cháu dân Việt, tinh khôn đủ đường, khiến bạn cũng phải tỏ ý kinh ngạc! Thế nào mà nhà trường bắt ăn tập trung, chỉ cho tiền tiêu vặt vẻn vẹn chưa đầy trăm rúp mà sau gần hai tháng, anh nào anh ấy như có phép thần thông, đã sở hữu một số lượng hàng hóa giá trị lên đến 7, 8 trăm rúp, 1.000 rúp thế! Chất ngất như núi trong các phòng ngủ là tivi màu, máy khâu, tủ lạnh, bơm nước, chậu nhôm, phích đá, bàn là, mui bạt xe ô tô, quạt máy và trăm thứ bà rằn khác.

Nỗi ham mê lợi lộc không có giới hạn. Thôi thì còn thiếu gì chuyện bi hài, cười chảy ra nước mắt. Ông N.H. mua nhầm phải cái máy hàn, uất ức quá, “trả thù” bằng cách đến khách sạn nào ở cũng vơ đút túi tất cả các thứ phụ tùng, từ cái mở nút bia đến bộ đồ dao dĩa. Cũng không thiếu cảnh giấu giếm nhau nguồn hàng. (Vì nếu ai cũng mang về thứ hàng đó thì giá trị sẽ bị kém đi). Mua đi bán lại, ăn chênh lệch từng cái bàn là, vỉ thuốc cũng không hiếm. Lừa nhau bán lại cho nhau một hộp phim sắp hết date, vay vỏ nhau rồi lờ đi không trả, cũng thường xẩy ra.

Những đêm cuối khóa là những đêm thức trắng. Đồ hàng chuyển về đầy phòng rồi, giờ là lúc phải lo việc gói ghém mang theo về hoặc đóng hòm gửi đường biển. Có cả một nghệ thuật xếp sắp hàng hóa sao cho hòm xiểng va ly phát huy sức chứa tối đa mà lại giảm nhẹ được cân cước. Chẳng hạn, cacao vứt hết hộp đi, chỉ giữ lấy ruột. Phim ảnh cũng thế, vỏ hộp làm bẹp lại, xếp vào một góc va ly. Và cùng với nó là một năng lực tư duy kinh tế hết sức thực dụng khôn ngoan được huy động. Cái gì sinh lợi được nhiều hơn thì ưu tiên. Giá cả mua vào ở Nga, bán đi ở Việt Nam ai cũng làu làu. Phim ảnh 45 rúp một hộp về bán 6.000 đồng Việt Nam, lãi khá lớn. Cũng tương tự, bơm nước loại thả vào nước mua 55 rúp, bán 9.000 đồng. Tivi 215 rúp bán được 21.000 đồng. Nhưng lãi to hơn là đồng hồ treo tường mua 50 rúp, bán 10.000 đồng. Cũng đừng coi thường các đồ vật nhỏ. Cặp sốt 38 kôpếch bán được những 8 đồng một cái kia!” [tr.349-350]

Nguyễn Văn – Hanoi
17/09/2013

(Xin mời xem tiếp Kỳ 3/3)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn