Ấy vậy mà “cảm hứng bốc phét ” của thi sĩ chưa chịu dừng lại, ông tới luôn, “sáng tác ” câu chuyện :
Tội nghiệp bà mẹ mang nặng đẻ đau bị con gái yêu kết ngay cho cái tội “phong kiến”, một trọng tội thời bấy giờ, và từ lúc đó bà cũng biến luôn khỏi tâm trí đôi vợ chồng trẻ. Tội nghiệp vị hôn phu, cách mạng nổ ra lo giữ cái thân hoàng tộc chẳng xong, còn đâu dám kiện một “nữ chiến sĩ cách mạng” tội từ hôn. Vả chăng đôi uyên ương tiền ăn còn chẳng có lấy đâu ra trả lại “tiền dặm cưới” ?
Cuốn “Nửa đêm sực tỉnh “ của Lưu Trọng Lư không còn là “hồi ức “ nữa, nó là một thứ “truyện tưởng tượng” nịnh cách mạng thì đúng hơn. Tới đây, nhà thơ “hồi ức” toàn chuyện đó. Nào “Như một luồng gió cách mạng thổi tới, tôi được gặp anh Nguyễn Chí Thanh và anh Tố Hữu. Anh Thanh xông xáo, chân thành chân thật. …Tố Hữu mũm mĩm, tráng trẻo thư sinh…các anh là những người còn rất trẻ, rất nhanh nhẹn , linh hoạt, có nhiều tài năng – nhũng con người của mọi tình thế…”- hết mức tán dương. Nào là “chúng tôi ở chung, ăn chung với anh Lưu Quý Kỳ, anh Trần Hữu Dực …”
Và thế là văn chương Lưu Trọng Lư có một mảng ít người biết nhưng nếu không nhắc tới thì việc đánh giá sự nghiệp thật oan uổng cho thi sĩ lắm. Kịch phẩm hàng đầu của Lưu thi sĩ là “ Tuổi hai mươi” – kịch thơ dài viết trong những năm 1966-1971 mà khi ra đời , thi sĩ Chế Lan Viên đã xỏ ngọt rằng :” Các em mà anh Lư nói đó bây giờ cũng ngoại sáu mươi chứ không còn tuổi hai mươi như anh viết nữa”. Thi sĩ Lưu Trọng Lư nóng mặt, đáp lại rằng “Đây là tôi viết cho lứa tuổi hai mươi còn lứa tuổi sáu mươi phải nhờ ông vậy…”
Hoá ra “chị Trăng “ cũng mang nỗi đau…chia cắt, y hệt “cảm hứng thời đại” lúc đó đảng quy định cho văn nghệ sĩ. Nửa đêm về sáng rồi cuộc trò chuyện giữa Trăng và Cây còn rôm rả. Bất chợt ngoài cầu ao có tiếng chân khua xuống nước. Ai vậy nhỉ ? Ai mà giữa đêm hôm khuya khoắt chưa đi ngủ còn ra ngoài ao vầy nước nhỉ ? Cô Đào nói rằng chắc cô con dâu nhà mẹ Xuân, xa chồng không ngủ được nên mới ra tắm ao vậy thôi. Cô Mận mới hỏi rằng bà Xuân có những 3 cô dâu , vậy cô nào “ khó ngủ vì vắng chồng”. Lập tức bác Mít nổi giận “con Mận con Đào hay nói tào lao”, xúc phạm phụ nữ cách mạng :
Ba cô vợ bộ đội mẫu mực như vậy, làm gì có chuyện nửa đêm nửa hôm còn ra cầu ao “chao chân” làm gì ? Vậy thì người đó là ai ? Cô Đào dự đoán :
Các cô cãi nhau loạn cào cào, “cô dâu “ bà mẹ Xuân chẳng phải, cô kỹ thuật nuôi cá cũng không, vậy thì ai là người đó ? Cô Trúc lại đoán :
Lo lắng trăm bề vậy chắc nửa đêm chẳng ngủ được nên mẹ ra cầu ao rửa chân ? Không phải, bà mẹ VN có con đi bộ đội thì phải hãnh diện tự hào chớ , làm gì có chuyện “lo lắng cá nhân “ vậy ? “Tính kịch” mỗi lúc một tăng cao khi cái bóng người ngoài cầu ao hiện ra là một…ông già . Mà cũng không phải ông già, chính là hồn của bố bà Xuân, tức người ông trong gia đình hiện về thăm con cháu. Lão Mít lập tức nhớ lại cảnh khổ thời phong kiến , trước khi có đảng phát động cải cách ruộng đất :
Vậy là “người ông” đã một đời đánh Tây, cay đắng đủ mùi, lẽ ra chỉ mong con cháu sống thanh bình, sinh con đẻ cái, vậy mà không, ông chỉ trở lại xem con cháu có tiếp nối cha anh “lên đường đánh Tây không hay là an phận thủ thường”. Và ông mừng rỡ khi đứa cháu cũng lại “tay súng lên đường”:
Ôi chao ôi, ông ơi là ông, sao chỉ thích cháu cầm súng ra chiến trường sao không mong đời cháu sung sướng, mát mặt hơn đời ông ? Quả nhiên, đúng ý ông, đứa cháu cũng sắp lên đường nhập ngũ, nó ra đây để chờ chia tay người yêu. Trong giờ phút ly biệt này, nó nghĩ gì vậy ? Nó không nghĩ vì sao nó phải dứt ruột chia tay mẹ, chia tay người yêu, nó không lo khi nó đi rồi, mẹ già có mạnh khoẻ, người yêu liệu còn trung thành với nó, mà chỉ nghĩ :
Vậy là nó chỉ lo người yêu không hoàn thành nhiệm vụ sản xuất chiến đấu của người “em gái hậu phương” chứ đâu có bịn rịn, lưu luyến lúc sắp chia xa . Và rồi người con gái cũng xuất hiện…súng trên vai làm “người ông “ khoái trá:
Rặt những…súng là súng , đi đến chỗ hẹn người yêu chia tay đi xa, cũng không quên mang súng theo. Cô gái này thật đã làm đúng y boong lời dậy của Mao Chủ tịch :”Bất ái hồng nhan, ái…vũ trang…”.
Người con gái chẳng cần son phấn , cứ khoác súng lên vai là…đẹp rồi. Và bác Mít trả lời “ người ông”:
“ Cháu dâu bác đó, bác ơi
Và người trai kia, thật cháu bác
Người thanh niên của Tổ Quốc
Súng trên vai sắp sửa lên đường…”
Rồi sợ “người ông” chưa hiểu lên đường đánh ai, bác Mít giảng giải :
“ Nhưng bác ơi!Giặc Pháp đuổi rồi
Giặc Mỹ đến liền
Hai mươi năm đường đầy lang sói
Hai mươi năm sông đỏ oán hờn…”
Rồi như sợ “người ông” chưa thấu rõ “tội ác giặc Mỹ xâm lược”, mấy cô Mận, Đào, Xoan, Trúc xúm vào kể lể :
“ Con nai gầy bên suối
Cành hoá héo giữa đồi
Lúa vàng đốt dưới ruộng
Nụ cười chết trên môi…
Ruột liền cắt đoạn
Giọt máu cắn đôi…”
Kinh khủng chưa, giặc Mỹ tới thì đến…con nai cũng gầy, hoa cũng héo, lúa cũng cháy và đến nụ cười cũng…chết. Chỗ này ông nhà thơ quên phứt chủ nghĩa lạc quan cách mạng với hình tượng “nụ cười Võ thị Thắng” trước họng súng quân thù. Giặc giã độc ác vậy nên các cô Mận, Đào, Xoan , Trúc đồng thanh :
“Trai “sẵn sàng” băng miền hoả tuyến
“ Gái “đảm đang” ở lại hậu phương
Vì Tổ Quốc, đi, ở, đôi đường
Tuổi thanh niên đã nguyện xem thường…”
“Người ông” còn thắc mắc nếu chiến tranh kéo dài liệu con cháu có còn tiếc rẻ tuổi thanh niên nữa không ? Ông hỏi :
“ Dẫu mười năm xa cách
Tuổi thanh niên đã nguyện coi thường ?”
Bác Mít trả lời ngay :
“ Vâng, đã nguyện xem thường
Dẫu ràng giữa tuổi yêu đương
“ Cốc rượu nồng bên môi mới bén
Khúc hát đêm qua vừa trao hẹn
Sáng nay hoa tiễn , vẫn tươi cười…”
Đó “người ông” cứ yên tâm, con cháu chúng ta như thế đấy. Dù chỉ mới qua một đêm tân hôn, sáng mai phải ly biệt nhưng đôi trai gái vẫn…tươi cười. Nhà thơ “mô tả tâm lý nhân vật “ như vậy thì…hết chỗ nói.
Lúc này “người mẹ” cũng đã bước ra, bởi lẽ bà đang ngủ “ nửa đêm sực tỉnh, bên cầu ao, ta nghe có tiếng chân chao, ai thế nhỉ ?”. Bà quên phứt ngay con trai mờ sáng nó sẽ dứt áo ra chiến trường, bà cứ đánh một giấc ngon lành mãi khi nghe tiếng chân khua nước ngoài cầu ao mới tỉnh dậy ra coi sao ? Bà quanh quẩn một hồi chẳng thấy ai, sờ vào quả mít, bà mới nhớ ra con sắp đi chiến trường :
“ Mít kia chẳng mai kia sẽ chín
Cũng muốn con ăn một miếng cho vui
Nhưng việc dân, việc nước lửa bỏng nước sôi…”
Vậy thì con cứ đi cho nhanh nhé, việc nước quan trọng hơn…ăn mít. Than ôi, có bà mẹ nào sốt ruột cho con đi ngay vào nơi mũi tên hòn đạn như ngày nay giục con đi lĩnh xổ số giải độc đắc vậy ? Viết lách như thế , trách gì thể loại kịch thơ đã…chết bất đắc kỳ tử trên sân khấu Việt Nam kể từ khi nhà thơ Lưu Trọng Lư chiếm lĩnh “trận địa” này ?
“Bà mẹ” đã “cách mạng “ tới mức đó, ấy vậy mà vẫn còn bị ông nhà thơ trách móc :
“Sao không học gương mẹ già thuở trước
Cũng thức suốt đêm thâu
Nhưng để may cờ cứu nước
Kịp cho con gà gáy lên đường…”
Chẳng hiểu có “cái thuở nào “ lại có bà mẹ “quái thai” đến thế, sáng sớm hôm sau con trai đã đi vào tử địa mà đêm đó bà vẫn còn ngồi…may cờ ? Cảm hứng “ra trận” quá đà làm ông nhà thơ cứ bịa ra những chuyện trời ơi đất hỡi vậy.
Rồi cũng tới cảnh “ chinh phu, chinh phụ” thời chống Mỹ. “Người con trai” và “người con gái” ngồi xuống một tảng đá. Oi chao, trong lúc tử biệt sinh ly, lẽ ra hai con tim phải hoà chung thống khổ, ngờ đâu cô gái mở miệng :
“Anh ra đi mẹ có dặn gì ?’
Chàng trai phấn khởi :
“Mẹ cười, mẹ bảo
Việc nước con cứ đi
Việc hợp tác, việc nhà
Có tao có nó…”
Bất chấp tình cảm tự nhiên trai gái khi ly biệt, ông tác giả kịch bản bắt đôi uyên ương sắp rời cánh …ca bài sản xuất và chiến đấu . Cô gái nức nở :
“Nhớ anh em mở một đường cày
xách dăm gầu nước tưới cây anh trồng
… Em đi đón dòng “cá bột”
Mang giống về chọn lọc em ươm
Một năm anh về, hai năm anh về
Mười năm anh về, cá lớp lớp sinh sôi
Nhớ anh thế đó, anh ơi…”
Chàng trai cũng sụt sùi :
“Kẻ địch nào chẳng thắng em ơi
Khó khăn nào anh không vượt nổi ?
Nhớ lời Bác dậy ?
Nghìn sông anh cũng lội
Vạn đèo anh cũng băng…”
Tâm tình lâm ly xong rồi, tới “tiết mục tặng quà”. Cô gái tặng “gói kim chỉ” để áo rách anh tự vá, còn anh trai tặng gì ? Cô gái đoán … cuốn sách dạy trồng dâu ? Không phải . Thôi đúng hạt giống rau rồi ? Cũng không phải, cô lại đoán :
“Phải rồi , anh cho em chiếc lược
Bằng thép mỏng máy bay?”
Anh con trai nổi tự ái :
“ nếu là chiếc lược em ơi
Thì hãy đợi một ngày
Khi tự tay anh hạ lấy
“ Con “thần sấm” giữa trời
Và tự tay anh chuốt thành lược…’
Ghê chưa, nếu em muốn anh tặng lược thì đợi anh bắn rơi máy bay Mỹ lấy mảnh nhôm đã. Các nhà chế tạo máy bay Mỹ cần chú ý chi tiết này, nên làm sẵn vài ngàn chiếc lược, phòng khi máy bay hạ cánh khẩn cấp trên đất Việt, còn có cơ đàm phán cẩu nguyên chiếc về kẻo máy móc bị xả thịt làm…lược. Khi cô gái chịu thua không đoán được, chàng trai mới “bật mí”. Tưởng gì quý báu, hoá ra là…chiếc gương . Đã vậy còn dặn dò :
“ Những khi cày xong một buổi
“ Em ra gốc muỗm em ngồi
Em lấy gương đẹp ra soi
“ Trận đấu chiều đã vãn
Em lấy gương đẹp ra soi
Em gỡ những vết bùn trên tóc…”
Vậy em nhớ nhé, gương này anh tặng chỉ dùng trong…sản xuất chiến đấu, còn sáng ngủ dậy, hoặc đình đám hội hè chớ dùng tới nó. Thật biểu hiện sinh động của một nền văn minh “đứng đầu nhân loại”. Ay thế mà cho dù chịu thắt buộc “nội quy sử dụng gương” vậy, cô gái vẫn vui vẻ :
“ Anh ra đi mưa nắng chiến trường, sao cho tròn nhiệm vụ
Em ở nhà, một niềm chung thuỷ hai chữ “đảm đang”
Dẫu năm năm, mười năm, nhìn gương em chẳng hổ,
Đường chiến đấu , dài lâu gian khổ…”
Một cuộc chia ly màu siêu đỏ, đến “người ông “ vốn là chiến sĩ Cần Vương cũng phải ngỡ ngàng, phấn khởi :
“ Thậm chi ( không có dấu) là khoái trá
Con trai con gái bây giờ
Tiễn đưa nhau đi đánh giặc mà cứ như là…”
… là đưa nhau tới…phòng cưới vậy. Thế là cả ông lẫn cháu đều ra sa trường , để hoàn chỉnh “ bức tranh gia đình cách mạng”, cha truyền con nối đánh giặc, tất nhiên phải có ông bố nữa, thế là ông nhà thơ cho “hồn người cha” ra sân khấu cho đủ tam đại cầm súng :
“ Ta người chiến sĩ Điện Biên,
Về đây, thăm vườn cũ
Mười mấy năm cách mặt chẳng xa lòng…”
Gặp lại bố ngày xưa, cha con chưa kịp hàn huyên, người cha đã mang chiếc ba lô xưa chống Pháp, nay con sắp mang đi chống Mỹ kể lể :
“ Ôi chiếc ba lô ngày cũ
Giữa chiến trường Điện Biên Phủ
Còn nguyên đây : dấu đạn giặc xuyên qua
Chiếc ba lô đã từng thấm máu hồng ta…”
Và khoe với người ông :
“ Cha hãy trông đây
Chiếc ca bác Hồ gửi tặng
Còn nguyên hai chữ Điện Biên…
Con qua cháu lại
Lớp lớp tay chuyền…”
Mười mấy năm cách trở quay về, hồn “người cha” chẳng thiết nhòm ngó vợ sống ra sao, ở vậy hay đi bước nữa, con cái, nhà cửa thế nào, chỉ chăm chăm chuyện “đánh giặc” :
“ Lòng con bao xiết tự hào
Nhà ta ba đời vằng vặc trăng sao
Ông đến cháu dốc một lòng đại nghĩa…”
Cũng may vở kịch viết vào năm 1971, nếu lùi lại ngót chục năm nữa, nhất định ông nhà thơ đưa thêm ‘thằng chắt” lại vác ba lô đi đánh …giặc Tàu thì lớp lang, ra vào sân khấu còn phức tạp nữa. Lúc này con chưa ra chiến trường, cháu chưa lọt lòng mẹ, bởi vậy chỉ có hai thế hệ cha ông tranh nhau kể lể thành tích chiến đấu . Người cha khoe :
“ Vâng, giữa chiến trường con đã ngã
Vết đạn đã xuyên mình
Nhưng Điện Biên Phủ quang vinh
Đã ra đời một hành tinh mới…”
“Thế hệ cha” ghê gớm chưa, hy sinh thân mình làm mới bộ mặt hành tinh. Bốc phét cỡ vũ trụ thế này thật xứng tầm…ếch ngồi đáy giếng. Nghe thằng con thổi thành tích lên hết cả cỡ giành cho cha, người ông đâm bực mình :
NGƯỜI ÔNG (động lòng tự ái) :
Con ơi thuở cha đứng lên
Cũng trời nghiêng, đất ngả
Oanh oanh liệt liệt một trường
Mật nào chẳng nếm , gai nào chẳng nằm
Gươm đại nghĩa mười năm không nao núng…”
Lúc này mấy cô Mận, Đào, Xoan, Trúc đành phải nhảy vào can khéo hai cha con :
“Chị em “bầy tui” : Mận, Đào, Xoan, Trúc
Lại xin nghiêng đầu trước đầu bạc Vụ Quang
Mười năm gian khổ kiên cường…”
(và tất cả lại đến bên người chiến sĩ Điện Biên )
“ và trước người chiến sĩ Điện Biên anh dũng
Chị em ‘bầy tui” xin thân mến cúi chào:
Một trận long trời dậy sóng năm châu
Thực dân quen thói đè đầu
Việt Nam đứng dậy phất cao cờ hồng…”
Vậy là…huề, cả “ông” lẫn “cha” thành tích “ chống quân ngoại xâm “ đều tầm cỡ “long trời lở đất cả, ngang sức ngang tài anh hùng cách mạng, khỏi tranh cãi ai hơn ai. “
Người ông phấn khởi :
“ Cha chả là vui…
Nghe, để bác nghe cho hết lỗ tai
Nhìn, để bác nhìn cho suốt con mắt…”
“Người mẹ” bước vào, khán giả chờ đợi cuộc trùng phùng cảm động sau mấy chục năm âm dương cách trở giữa đôi vợ chồng “ người cha”, tiếc thay ông tác giả kịch bản dấu biến “tình huống nhạy cảm” đó để cho bà vợ “trữ tình bay bổng” trong nỗi niềm “chống Mỹ cứu nước “ :
“Con ơi, giặc trước tan
Ruộng vườn vừa cướp lại
Giặc sau đã tới…
Nhưng con ơi
Tội giặc ngập núi ngập sông
Thương hận : tràn Nam, tràn Bắc
Mẹ thương con phải giục bước lên đường…
Con ơi, ơn Đảng đi về : bao xiết công lênh…”
“Hồn chồng” gặp lại vợ chẳng mảy may da diết nghĩa phu thê lại chăm chăm vào …cái ba lô vợ khoác lên vai con trai :
“ Ơi rộng lớn hai vai con
mẹ khoác lên một niềm đại nghĩa
Vườn cũ gió bay vờn tóc mẹ
Suối ngàn, cất bước đẹp tình con…”
Và sau cùng “ người ông” bật mí kẻ khua nước dưới cầu ao giữa đêm khuya chẳng phải con gái, cháu dâu động tình mất ngủ mà chính là …ông đó :
“ Chao nước đêm khuya chính là ta đó
Ta nghe đất nước, cơn bão trước, cơn bão sau
Dức dối thân mình, bàng hoàng giấc ngủ
Nay ta về đây,
Tai đã sướng lỗ tai
Mắt đã no con mắt…”
Vâng, khán giả đã “no con mắt” cả chục nhân vật thuộc ba thế hệ ra vào sân khấu trong một hoàn cảnh rất kịch mà người xưa từng nói “ Thùng thùng trống đánh ngũ liên, bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa…”, đã “sướng lỗ tai” những những đại ngôn , vậy mà tiếc thay, người xem chỉ thấy quay đi quay lại có mỗi một nhân vật : chính là ông tác giả kịch bản . Ông đã chui vào hình hài của vợ chồng ông, cha, con người ta để làm mỗi một việc là động viên tuyên truyền “Tuổi hai mươi” lên đường chống Mỹ bằng những lời thơ lủng củng, sáo mòn, ngôn từ khẩu hiệu.
Kịch chẳng có, thơ cũng không – vở kịch thơ “ Tuổi hai mươi”, tác phẩm chính đã đưa thi sĩ Lưu Trọng Lư lên chiếc ghế Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào thùng rác thi ca của lịch sử giống y như giấc mộng kê vàng của ông vậy.
Năm 1985, không khí sáng tác trong nước đã sặc mùi “cởi trói” tới mức các nhà văn nhà thơ cây đa cây đề cũng lăm le “phản tỉnh”. Chế Lan Viên có bài thơ “Bánh vẽ”, Nguyên Ngọc có “Đề dẫn”, Nguyễn Minh Châu “Đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh hoạ”… Những lộn xộn tràn lan đó không thể không thôi thúc Lưu Trọng Lư “làm một cái gì đó” cho hợp “phong trào” cho dù ông vẫn âm thầm nghe ngóng theo kiểu “ cứ để yên coi sao “.
Không dám ra mặt thực hiện “ sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút “chống lệnh “cấp trên” viết sao cho khỏi cắn dứt “lương tâm thời đại”, ông len lén dùng miếng võ cũ rích từ thời Nhân văn Giai phẩm “mượn xưa nói nay” trong vở kịch nửa nói nửa thơ “Bình minh anh vũ” và cũng chỉ dám xẹt qua, mượn lời vai phụ “gài mìn” qua vài câu thoại bóng gió.
Truyện kịch kể rằng ở thời Trần Duệ Tôn, có ông Nguyên soái họ Nguyễn, vào một tối cao hứng, sai treo tranh “Nắng hè tuyết bay” mời tài tử văn nhân tới đề thơ. Đề tài thật trái khoáy, tuyết sao còn sống sót sang mùa hè và lại còn “bay” trong nắng? Ngụ ý gì đây ?
Mở đầu cuộc hội, “Trần Doãn, nhà thơ đứng tuổi, ra dáng một quan thơ, áo quần trau chuốt, dáng vẻ đường bệ, “ đề thơ và được một nàng “vũ nữ áo xanh” cất giọng ngâm lớn :
“ Tuyết sao có tuyết giữa hè
Có chăng tuyết cũng tan đi với chiều…
Cánh bèo chỉ đẻ cánh bèo
Là hoa thiên lý mới leo đỉnh giàn…”
khẩu khí rất “bé ngoan”, tôn trọng “cấp trên”, hợp “quy luật” làm một “nhà thơ già” đứng dậy vỗ tay khen rối rít :
“Đúng như vậy. Tuyết nào lại có tuyết giữa hè ? Như thế là trái đạo trời. Thơ này mới phải đạo, tranh kia không nên có…”.
“Bức tranh “nắng hè tuyết bay” này thật ngang trái với lẽ trời. Lẽ đời cũng vậy, có trước có sau, có ngôi có thứ, đổi ngôi, vượt phận , sang hèn lẫn lộn là điên đảo thế tình…”
Cái thói “cừu con”, “giữ trật tự”, “ổn định chính trị” này lập tức bị một “nhà thơ trẻ” phất tay áo cãi lại :
“ Thế nào là điên đảo thế tình?
Thế nào là ngửa nghiêng trời đất?
Đông mà cứ tuyết lạnh mà nói
Hè mà cứ nắng gió mà ca
Thơ văn như thế là có mùi thiu đấy…”
Than ôi, nếu nhà thơ trẻ nói đúng thì sự nghiệp văn thơ sau cách mạng của chính ông tác giả kịch bản hẳn đã nồng nặc lên rồi. Bởi thế “nhà thơ già” lên tiếng chửi lại :
“Chuyện thơ văn mà như chuyện nơi sông chợ…”
Lúc này quan Nguyên soái mới can đôi bên và mời người tiếp theo là Dư Sinh, còn trẻ, áo quần xuềnh xoàng , dáng người bình dị đề thơ và được một cô “vũ nữ áo vàng” cất tiếng ngâm :
“ Tuyết từ giá rét đêm đông
Vẫn trong áo trắng sang sông với hè
Vẫn trong nắng cháy tuyết đi
Một lòng trinh tiết chẳng hề chịu tan…”
Bài thơ có ý bóng gió văn nghệ sĩ dưới chế độ “quản lý tư tưởng” chẳng khác gì “tuyết giữa mùa hè” đi trong “nắng cháy” , mặc dầu vậy, cần giữ lấy bản chất “ nghệ sĩ” chớ có chịu “tan”. Ngay lập tức “ nhà thơ già” đập mạnh chén rượu xuống bàn quát to :
“ Bạo thiên nghịch địa, bạo thiên nghịch địa…”
Hống hách , cha bố thiên hạ chẳng khác gì mấy ông nhà văn già xúm vào đánh đòn hội chợ nhóm viết trẻ Nhân Văn Giai Phẩm và tất nhiên trong số đó phải có nhà thơ Lưu Trọng Lư dấu mặt chỉ đạo.
Tuy nhiên lúc này đã là đêm trước của ngày cố Tổng bí thư Nguyễn văn Linh “cởi trói” văn nghệ sĩ, lớp “nhà văn già” không còn độc diễn, Lưu Trọng Lư đành đưa ra sân khấu “lớp trẻ” cho hợp “thời thượng” :
“Một nhà thơ trẻ đứng lên phất cao tay áo:
” Thơ như thế là bạo thiên nghịch địa ư ? Các vị bảo : “Đạo người có trên có dưới. Khi đánh giặc thì kẻ trên dưới một lòng. Đánh xong giặc thì lại đạp cổ xuống bùn, kẻ thì “toạ hưởng kỳ thành”ấp này ấp nọ.Quý hoá thật, hay ho thật. Muốn leo đến đâu thì leo- nhưng khi đạp lên lưng những đứa nô tỳ cũng thử nhìn xuống xem : Cánh tay thằng dân đen ấy, cánh tay cha anh họ cũng còn nguyên hai chữ “Sát Thát đấy”. Ấp ruộng các ngài cò bay sải cánh, các người có nghĩ đến giun dế dưới bùn đen…”“
Lời tố cáo thật đanh thép từ thời Trần Duệ Tông vẫn còn “tươi rói” tới tận bây giờ khi giai cấp tư sản đỏ cầm quyền ngày càng cách biệt với đám dân đen đã từng cầm súng đi “chống Mỹ cứu nước “.
Hãy thử hỏi các “đồng chí “ chủ trang trại hàng trăm hécta cà phê, cao su, tiêu, điều “cò bay sải cánh”, các đồng chí “chủ vườn” hàng chục mẫu Bắc bộ xanh tươi và béo bở, có khi nào ngó xuống đám dân đen một thời “Sát Mỹ” hiện sống ra sao với thu nhập chỉ vừa đủ để không chết ?
E rằng ý kiến của “nhà thơ trẻ” đã đi quá đà, “mượn xưa” thì mượn nhưng nói năng liều mạng quá e cấp trên phật ý, bởi thế Lưu Trọng Lư vội vàng xí xoá :
Nhà thơ già (đập cốc rượu vỡ choang): “ Giọng lưỡi sông chợ, đâu phải chuyện thơ văn …”
Cái kiểu “bí cờ văng tục”, đá trái banh “chính trị” vào vườn văn thơ là thủ đoạn quen thuộc từ thời vu vạ nhóm Nhân Văn - Giai phẩm tội phản động, chống chế độ chứ không phải “ đòi tự do sáng tác”. Dẫu sao, Lưu Trọng Lư cũng đưa được lên sân khấu cuộc tranh luận nảy lửa giữa “ nghệ thuật vị cấp trên”, đại diện là ông “quan thơ” Trần Doãn với “nghệ thuật vị dân đen” người phát ngôn là chàng nho sinh họ Dư nghèo.
Tới đây lẽ ra Lưu Trọng Lư không được “náu mình” đứng giữa hai phe nữa, ông phải bày tỏ quan điểm của mình, phải chọn hoặc “quan thơ” chính thống hoặc chàng nho sinh nghèo làm thơ “ngạo ngược”. Tiếc thay nỗi sợ cố hữu thường trú trong nhà thơ cách mạng đã giữ ông lại, chỉ “tự cởi trói” được tới đó, chỉ đưa ra cuộc tranh cãi giữa đôi bên mà lờ đi không bênh vực và cũng chẳng lên án bên nào.
Từ đây kết thúc “câu chuyện thơ thẩn” để bắt đầu chuyện tình ai oán của Dư Sinh và qua nhân vật này bộc lộ khá rõ “con người thật” thi sĩ Lưu Trọng Lư.
Nguyên trong hội đề thơ, chàng Dư chẳng thèm chú ý tới cuộc tranh cãi giữa hai nhà thơ già-trẻ, chỉ…nhìn lom lom vào cô “vũ nữ áo xanh” trẻ đẹp - người ngâm bài của ông quan thơ Trần Doãn. Cô này cũng cảm thấy chàng Dư chết mệt vì mình nên trong lúc múa hát đã gửi gắm những động tác chỉ riêng chàng nhận ra. Tiệc tàn, Dư Sinh lân la hỏi dò người hầu gái mới được biết “ Nàng tên gọi Tuý Tiêu, quê ở Nam Sách. Nguyên soái nhân một ngày đi săn chim Anh Vũ gặp nàng mang về. Nàng được học múa, học ca, học chữ. Học đâu nhớ đấy, nhận một trả mười.” .
Chàng Dư nổi hứng làm sẵn một bài thơ :
“Sương bay vườn Tuý
Nặng giọt ba Tiêu
Trời mờ mịt tối
Hồn lạc tìm nhau…”
Thói hám gái của chàng Dư không lọt khỏi mắt quan Nguyên suý, ông tới gặp chàng nói thẳng :
“Ta đoán sau buổi ca vũ, ngươi có điều vương vấn. Nay ta có điều muốn nói với ngươi: trong dinh ta có mười ca vũ nữ, toàn là những người hát hay, múa giỏi. Cô nào đẹp mắt ngươi cứ nói…”
Lẽ ra là “kẻ sĩ”, chàng Dư phải thấy hổ thẹn, chân ướt chân ráo được mời tới dự tiệc nhà người ta đã tính “chôm” ngay mỹ nhân, vậy nhưng chàng Dư được lời như cởi tấm lòng, vội vàng chộp ngay cơ hội :
“ Thưa nguyên soái…người làm kẻ hậu sinh bàng hoàng chính là người vũ nữ áo xanh…”
Sống sượng vậy, rồi để chắc ăn , chàng trình ngay Nguyên soái bài thơ vừa làm còn chưa ráo mực trong có tên Tuý Tiên mà lẽ ra phải trao tặng nàng trước đã. Ong quan văn tốt bụng không ngờ, bằng lòng gả ngay cô gái cho chàng và còn vỗ vai dặn :
“ Mọi việc đều ở tay ta. Người cứ về phòng khách đánh một giấc ngon lành. Mai sớm khi bình minh qua cửa sổ, Anh Vũ hót vang. Thì ngươi hãy sửa khăn cài áo đón tin vui…”
Chàng Dư mừng hết biết, mới gặp chặp tối, sáng sớm hôm sau đã được ôm người đẹp, một cuộc tình, một hôn nhân tốc độ còn chớp nhoáng hơn cả mấy ông Đài Loan sang Việt Nam lấy vợ thời nay. Dĩ nhiên, suốt đêm hôm đó chàng Dư sao mà “đánh một giấc ngon lành” được, cứ phấp phỏng đốt nến ngồi chờ tiếng chim Anh Vũ đón nàng. Khổ nỗi chàng cứ chờ hoài, chờ hoài chẳng thấy chim lẫn người đâu ra :
“ Ta về mái tây, không hề nhắm mắt
Mấy lần đốt nến lên, mấy lần thổi tắt
Nào hay Anh Vũ chẳng hót cho
Tin mừng chẳng có
Có phải trời đã ngủ quên
Đất không thức dậy ?”
Vậy là chưa hết đêm, bình minh chưa tới chàng Dư đã than trời trách đất, “nghi ngờ” lòng tốt ân nhân , thật chẳng “quân tử” chút nào. Thế rồi có tiếng chân động ngoài thềm, mặc dù chưa đúng “ám hiệu” , chàng cũng “ vội đứng dậy, cài áo sửa khăn bước ra” hoá ra là…gió. Lại thấp tha thấp thỏm chờ đợi. Bỗng có tiếng chim hót.Dư lại một lần nữa cài áo sửa khăn. Nhưng khi nhận ra không phải tiếng chim Anh Vũ, Dư lại một lần nữa bàng hoàng thất vọng :
“ Tiếng hót sao nghe như rối rít bàng hoàng
Mà đâu phải tiếng chim Anh Vũ…”
Mới chưa qua một đêm chờ đợi, tính cách chàng nho sinh họ Dư đã bộc lộ cái phần “kém trượng phu” trong nhân vật chính vở kịch “Bình Minh Anh Vũ” làm người coi ngờ rằng nó phản chiếu chính ông tác giả.
Thế còn nàng Tuý Tiêu ?
Xuất thân nhà nghèo nơi thôn dã, bố chết sớm năm 17 tuổi, lọt vào tay một gã thuyền chài, sau được quan Nguyên soái chuộc về dạy múa, dạy ca…theo kiểu “đào tạo” kỹ nữ làm vui trong phủ. Trong tối hội thơ, vừa nhìn thấy Dư Sinh lần đầu nàng đã ưng trong bụng , đã “nhấm nháy”, ngầm đánh “tín hiệu” đủ thấy gốc gác chẳng phải gia giáo. Tan hội, đêm về, được quan Nguyên soái báo tin gả nàng cho Dư sinh, lại được đọc bài thơ chàng làm có ghép tên mình, nàng mừng rỡ OK liền và xin vâng theo đúng kịch bản quan nguyên soái đề ra khi có tiếng chim anh vũ cất lên nàng sẽ đi “tìm cọc” ở phòng chàng Dư.
Đêm đó, cũng giống chàng thi sĩ, nàng bồn chồn, sốt ruột chẳng ngủ được, chờ hoài chẳng thấy chim chóc nào cất tiếng hót. Thế là nàng đành phớt lờ “kịch bản” :
“Băng sương vượt lối
Ta đến với người
Chân không bước mạnh
Sợ động hồn mai…”
Xăm xăm tới phòng Dư Sinh, chàng lại đang … ngủ khì, nàng đành đánh động tự giới thiệu mình là “ người áo xanh” trong tối hội và tên Tuý Tiêu trong bài thơ chàng mới làm. Những tưởng chàng sẽ mừng quớ, ai ngờ lại vô tâm, hỏi cắc cớ :” Áo nào ? Thơ nào?”, rồi còn nghi ngại :
“ Nguyên soái đã dặn
Khi nắng sớm trên cành
Và Anh Vũ hót inh
Thì nàng sẽ đến…”
Tới nước này, nàng Tuý Tiêu đành phải giải thích chắc là chim anh vũ…ngủ quên nên :
“Chẳng ngại sương đêm
Thiếp đến với chàng tưởng như đi trong bình minh rạng rỡ…”
Có lý do chính đáng “chim ngủ quên”, lúc này chàng Dư mới như người ngủ dậy nghe tin trúng số , vội vàng :
“ Tuý Tiêu !Tuý Tiêu !
Chuyện trong mơ, mà quả người đã đến thật…”
Thế là tình lớn gặp nhau, đồng lòng gặp gỡ khỏi chờ tiếng chim anh vũ như lời dặn quan nguyên soái, chàng nàng tranh nhau kể lể . Nàng than vãn “ 12 bến nước lênh đênh, không cội không cành, dạt đâu là phận đó, kể sao cho hết nỗi niềm” .
Còn chàng lại khoe chí khí nam nhi :
“ Lòng ta chỉ muốn được rong chơi
Ném quản bút tre vào mực đen thế sự
Giấy nhân tình nhoè đỏ
Cười khóc chuyện người…”
Í trời , giá thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng “ném bút vào thế sự” thì nay người đọc hẳn đã được hưởng di sản thơ giàu có chứ chẳng phải trắng tay như ông để lại. Tỏ vẻ lấy bút chống trời xong , chàng dùng nó chinh phục người đẹp :
“ Nghe lời ca ai não nuột
Nhìn điệu múa ai uốn đau
Ruột này cũng quặn héo…”
Và chàng thề thốt :
“Hãy sáng lên hỡi ngọn đèn
Ta nguyện vì em làm phên che gió…”
Chàng nàng đang nỉ non tình sự, hốt nhiên Nguyên soái xuất hiện tay xách lồng chim. Người ta tưởng đòn trừng phạt tội cãi lời quan, không chịu chờ chim anh vũ lên tiếng sẽ giáng xuống đôi tình lang, may thay ông quan là người tử tế , chẳng những không bắt lỗi mà còn cho ngựa, cho kiệu để chàng rước nàng về quê lại kèm theo quà tặng cưới chiếc lồng chim anh vũ ghi lại kỷ niệm ngày quan đi săn loại chim này, chuộc nàng về.
Tuy nhiên chẳng phải ông quan nào cũng tử tế như quan nguyên soái. Cái ông quan thứ hai làm thay đổi cuộc đời Dư Sinh và Tuý Tiêu lại là một bạo quan – Thân Trụ Quốc từng khoe khoang :
“ Trong triều ngoài quận đều biết tiếng ta
Có trầm quý nào trong rừng mà ta không kiếm được
Tội nặng như núi, một chữ của ta còn xoá được nữa là…”
So với ngày nay, ông quan này có khả năng “chạy án” phải ngang cỡ….Uỷ viên Bộ chính trị. Nghe tin chùa Phổ Tế mới có ni cô xinh đẹp, ngài cũng dẹp việc quan, mò tới coi. Cô này được nho sinh ca ngợi :
“Hôm nay thỉnh chuông mới thì nhà chùa cũng thỉnh về một cô tiểu thư mới. Cứ nghe cô cất giọng kệ thì Phật có cho vào Niết Bàn cũng chẳng thiết vào nữa . Còn quan to quan nhỏ trong triều , cứ thấy mặt cô một lần , cũng không muốn rời khỏi cửa tam quan…”
Không may cho vợ chồng Dư Sinh, cũng đi vãn cảnh chùa trong tuần trăng mật đúng lúc đó. Vừa nhìn thấy Tuý Tiêu đứng bên hồ tay cầm đoá sen, tướng công đã hồn xiêu phách lạc, quên bẵng mất ni cô trong chùa. Ngài lệnh :”Cứ cho lên kiệu về kinh ngay. Gấm vóc sẽ ban sau cho cha mẹ. Bọn lính dạ ran . Trong nháy mắt , chúng làm theo ý Thân Quốc Trụ. Tuý Tiên kêu la, chống lại nhưng chúng đã ép nàng lên kiệu khiêng đi. Mọi người chỉ biết nhìn theo. Đây đó một vài tiếng niệm :” A di đà Phật…”
Chứng kiến cảnh bắt người ngay trước cửa Phật, thiện nam tín nữ chỉ biết niệm kinh. Thế còn Dư Sinh, người chồng mất vợ, chàng thi sĩ mất người yêu ? Không chạy theo kiệu quan mà giải thoát Tuý Tiêu , không vạch mặt chỉ tên quan cướp ngày Thân tướng công, chàng chỉ ngửa mặt kêu trời :
“Xanh xanh!Xanh xanh!Trời rất xanh
Gíó như không gió vẫn dưa cành
Ta đi đi về đâu ? Lội xuống hồ sen hay vào Tây Trúc ?
Miệng ta mắc niệm Phật
Ai khóc cho ta nỗi bất bình ?”
Cái kiểu cam chịu trước cường quyền bạo ngược, chỉ biết “khóc” và hỏi “trời xanh” này, chẳng riêng nhân vật chàng Dư mà ngay ông tác giả đẻ ra nó và cả sĩ phu Bắc Hà ngày nay, hỏi ai là không có ? Bởi vậy nàng Tuý Tiên còn mong gì được giải thoát ?
Quả nhiên sống trong dinh Trụ Quốc Công, ngày đêm nàng chỉ còn biết giữ chặt “ chữ trinh” khiến quan lớn trong triều phải đặt mình ….ngoài vòng chăn gối của nàng tới đêm thứ …109 và “chiến công “ đó làm nàng thích chí.
Nhưng rồi một trăm đêm, một ngàn đêm, liệu giữ mãi được không , nàng than :
“ Thảm thương số kiếp hoa cành
Làm sao giữ mãi hương trinh hở trời ?”
Vậy là nàng chỉ còn biết trông vào trời, chứ còn cái anh chồng Dư Sinh chỉ đánh võ mồm “Ném quản bút tre vào mực đen thế sự”, chỉ “cười khóc chuyện người…” chứ còn chuyện của chính mình thì …thua, lại đành phó thác cho trời chứ biết sao ?
Quả nhiên suốt trong thời gian đó, chàng Dư mất vợ chỉ quẩn quanh xó nhà “áo để buông không thắt giải, trên đầu đội một cái mũ cỏ, dáng đi thất thểu “ và than vãn :
“ Một ngày xa vợ hết khôn
Ta đi lùng hoa dại
Vò nát giữa bàn tay
Máu trong hồn rỉ mãi…”
Rồi gặp vợ ngồi kiệu đi trên đường, chàng cũng chỉ đành trố mắt:
“Ngồi trên kiệu đúng người thương
Người vũ nữ . chính áo vàng đau chưa ?
Nhìn lên chẳng thấy mắt xưa
Ta đành cúi mặt , miệng và lệ thương…
Rõ ràng ta đó, ai kia ?
Tay nào xé rách trăng thề đó ai ?”
Hoá ra không những chàng quên phứt lời thề làm phên liếp che mưa cho cuộc đời nàng mà còn trách móc nàng “đã khác xưa”. Thói cam chịu, than vãn trời đất của chàng Dư Sinh khiến người bõ già của chàng cũng phải bực mình. Oâng mượn lời mắng chim anh vũ, nhưng chính là nhằm vào chàng :
“Lão nói cho mà biết
Làm chim thì phải bay
Có cánh thì phải đạp mây.
Ngày hai buổi tốn công lão…”
Vậy đó, làm đàn ông phải vẫy vùng trời đất, chống lại tham quan, bạo quyền, làm chồng phải bao bọc, cưu mang được vợ, tiếc thay những lời răn chí tình đó chẳng lọt lỗ tai chàng thi sĩ Dư Sinh, ngày ngày chàng cứ điên điên :
“Cơm bữa chẳng thành cơm
Gặp hoa nào cũng hái…”
Lạ thay, điên vậy mà từ miệng chàng chẳng khi nào thốt ra được một lời oán trách, chửi bới Thân tướng công – kẻ đã cướp vợ, gây cho chàng nỗi thống khổ “máu trong hồn rỉ mãi” . Hoá ra không dám vạch mặt chỉ tên những kẻ gây nên bao đau đớn khiến thế gian này ngập tràn nước mắt chính là nỗi khiếp sợ thâm căn cố đế chẳng riêng thời nào, cho tới tận bây giờ cố tật đó vẫn còn ăn sâu vào những người cầm bút.
Trong lúc chàng Dư nửa điên nửa khùng, lầu phía đông dinh quan Thân Trụ Quốc, nàng Tuý Tiêu vẫn dựng “ thành đồng vách sắt “ cố thủ không cho quan xâm phạm “cái ngàn vàng”. Tới đêm thứ 100 nàng doạ treo cổ tự vẫn, quan mới dỗ dành :
“ Việc gì mà khinh sinh uổng mạng ?
có việc gì mà ta không làm được để chiều ý nàng ?”
Cho dù là gái có chồng bị quan bắt sống giữa ban ngày ban mặt ngay cổng chùa, nàng cũng phải nói thác :
“ Từ buổi đầu gặp Dư Sinh…vì lời thơ tiếng hát mà chăn gối mặn nồng…
“Nay lầm đường lạc lối sa vào cửa tướng công
Hoạ phúc hợp tan đều ở tay tướng công cả…”
Thân tướng công cười thâm hiểm :
“Ngỡ là chuyện gì, đêm nay ta sẽ xuống trát tìm “chàng bán thơ”, triệu về dinh này. Nàng ở mái đông, chàng ở mái tây, đông tây tha hồ… xướng hoạ…”
Nàng Tuý Tiêu được lời như cởi tấm lòng, nào trang điểm, nào thay áo mới , nào đòi tấu nhạc. Riêng cô hầu tên Thuý Bình cảnh giác :
“Chị tin rằng trát đòi “người thơ” sẽ đến ư ? Lại đoàn viên chăn gối ư ?”
Thật chẳng ngờ, được trát đòi vào dinh chàng Dư Sinh vội vàng khăn gói ra đi , chỉ có lão bộc nhận ra chân tướng quan Thân Trụ Quốc. Nhưng nỗi niềm riêng chẳng dám tỏ bày với ai, lão đành trò chuyện với con chim anh vũ :
“ Mình đổ máu đánh giặc , giữ giang sơn nhà nó, cho nó vợ đẹp con khôn, cho nó nhà cao cửa rộng. Đánh được giặc rồi, đứa nào đứa ấy phong ấp có hàng nghìn mẫu . Chú mày bay cũng xoạc cánh. Trốn đâu cũng là ấp chúng nó. Ruộng tay người ta canh phá ra, nó cướp làm ấp của nó…”
Lời lẽ này đặt vào miệng một cụ cựu chiến binh thời bây giờ xem ra vẫn còn tươi roi rói . Ông lão bộc lại vạch ra cái mặt quan nham hiểm :
“ Lại vợ người ta nó cướp làm vợ nó không cheo không cưới.Cái giống đó đã kẹp vào tay rồi đừng có hòng. Tao hỏi chú mày , có ai đời vào tận hàm con ly con long mà đòi lại ngọc trai? Thò tay vào, nó không ngoạm cả tay đó ư ?Ấy thế mà thấy trát đòi ba chân bốn cẳng chạy ngay vào trấn…”
Lão bộc thật sáng suốt và chí lý. Chỉ có điều ông không ngờ tới là chàng Dư vào dinh quan, được khoản đãi ở lầu tây, ngày đêm có cô Thuý Hường hầu hạ, nên chẳng có đòi “ngọc trai”, cũng chẳng yêu cầu trả vợ, chẳng đòi gì hết ngoài…uống rượu say tít cung thang suốt tháng ngày. Một tối, Thân tướng công sai Thuý Hường trang điểm thật lộng lẫy, bày tiệc chờ chàng Dư . Đi uống rượu về ngà ngà say, nhìn thấy cô hầu gái xinh đẹp, cầm lòng chẳng đậu, chàng “ôm đại “làm cô ta giãy nảy :
“Em đây mà. Thuý Hường đốt nến chờ chàng từ đầu hôm. Thuý Hường chớ nào phải ai khác. Chàng quá say nên lầm lẫn đó thôi…”
Lẽ ra chàng Dư phải xấu hổ, xin lỗi rối rít, vợ đang bị giam cầm mà lại “vồ “hầu gái còn gì đểu cáng cho bằng, nào ngờ chàng giở giọng tán tỉnh :
“Cho ta được giây phút lầm lẫn…”
Đến đây mới thấy văn chương chữ nghĩa như tấm gương hiện rõ chân tướng người viết, thi sĩ Lưu Trọng Lư cố vẽ cho được một chàng nho sinh tiết nghĩa, chung thuỷ nhất mực, khổ nỗi đôi khi cứ lộ ra chất “đểu giả”. Nghe vậy, Thuý Hường ỡm ờ :
“ Hà tất chơi trò lầm lẫn…”
Hoá ra đây là âm mưu hiểm độc của Thân tướng công, dùng sắc đẹp con hầu mê hoặc làm chàng mất mặt khỏi đi tìm vợ cũ. Mang rượu cho chàng uống, Thuý Hường lại báo trước :
“nửa đêm nay sẽ có tin mừng…”
Chàng Dư giả bộ ngây thơ :
“Tin mừng gì đây ? Nào ta uống nữa! Uống nữa đi !”
Quả nhiên tới nửa đêm Thân tướng công cho người mang tới tặng chàng một cành hoa quỳnh trong chậu nhỏ phủ khăn điều làm chàng Dư mừng rối rít :
“ Xin người về trình lại Tướng công, khách mái Tây muôn vàn cảm tạ tướng công…”
Ôi chao ôi, lẽ ra đúng tính cách nho sinh, chàng phải quăng trả chậu quỳnh, lớn tiếng chửi quân cướp ngày, đòi trả lại cô vợ yêu , ngược lại, đã không phản kháng còn ‘tri ân” rối rít khác gì lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn ca ngợi 16 chữ vàng trong khi thằng Trung Quốc bắn giết ngư dân ta trên biển Đông.
Đêm hôm đó Thuý Hường nào ca, nào đàn , nào dâng rượu cho chàng Dư ngắm hoa quỳnh nở. Đúng nửa đêm, nàng đến bên chàng suồng sã :
“ Hương quỳnh toả ngát trời
Nào chàng cùng em cạn chén …”
Rồi nàng dắt Dư Sinh “nửa tỉnh nửa say lên giường, vừa quạt màn cho chàng vừa hát ru :
Ru người tình, ấp người say
Hai tay đưa quạt đã rời cánh chim…”
Quạt mỏi tay rồi nàng xoay qua…tắt nến. Có 12 cây nàng đã tắt tới cây thứ 11 , chỉ còn một cây nữa thôi là sáng sớm mai chàng Dư chỉ còn nước khăn gói về quê, mặt mũi nào mà dám đòi vợ. May thay tới “phút89”, nàng Thuý Hường lại nổi máu …lương tâm :
“Bốn điều Tướng công ra, ta đã làm xong ba
Duy còn một điều nữa, cuốn tóc trăm vòng
Ta xin chịu tội
Trời đất quỷ thần soi sáng lòng dạ này…”
Nói rồi nàng ra khỏi màn, gài cửa đi sang phòng khác. Vậy là nhờ lòng tốt của cô hầu gái, chàng Dư vẫn giữ được lòng “thuỷ chung son sắt “ với nàng Tuý Tiêu yêu quý chứ chẳng phải gan vàng dạ sắt gì . Rõ đẹp mặt “anh hùng”. Điều này hẳn ngoài ý định ông tác giả kịch bản, nếu không ông đã chẳng bôi bác “hình tượng nhân vật” của mình đến thế.
Gần sáng, thật bất ngờ, nàng Tuý Tiêu bên mái đông sốt ruột sốt gan, đang bệnh cũng liều mình đi tìm chồng bên mái tây. May mắn thay chắc vì “ miếng ăn đến miệng còn tuột mất”, sau lúc Thuý Hường rút khỏi màn, chàng Dư hẳn “tiếc của trời” chẳng ngủ được mới mò dậy làm thơ dán lên vách, chứ không, nàng Tuý Tiêu bước vào chứng kiến cảnh chồng mình đang ngủ với hầu gái chắc nàng tự tử thiệt chứ chẳng còn doạ.
Khá khen thay chàng nho sinh, Tuý Tiên vừa xuất hiện trong màu áo xanh, tay cầm bông sen, chàng ca ngay được bài ca thương nhớ :
“ Chết lòng trong ngóng đợi
Người vẫn đến bất ngờ
Đúng màu xanh đêm trước
Đối mặt vẫn là mơ…”
Vợ chồng gặp lại chưa kịp hàn huyên , bên ngoài đã có tiếng dặng hắng rồi hầu gái của Tuý Tiêu là Thuý Bình chạy vào báo :” Kiệu tướng công đã xịch trước cổng, xin chàng…”. Rồi cô ta nhìn Dư Sinh như cầu khẩn chàng đưa vợ trốn ngay. Lạ thay chàng cứ đứng như bụt mọc, cô hầu gái thương chủ quá khóc nấc lên. Chàng Dư vẫn trơ mắt ếch đứng nhìn; hai người đành dắt díu nhau trở về mái đông. Vợ đi rồi chàng mắm môi mắm lợi cầm bút làm thơ dán lên vách :
“ Trăng đến tận giường múa
Chưa hát trọn bài ca
Nỗi đau không câm mãi
Tức nước phải vỡ bờ…”
Ái chà chà, có áp bức là có đấu tranh đây, tinh thần quật khởi hẳn đã thức dậy, phen này chắc chàng đâm chết tên quan dâm đãng đã phá tan hạnh phúc đời chàng. Nào ngờ khi Thân tướng công bước vào, chàng lại cung kính :
“ Cũng là duyên đưa đẩy
Đêm trăng lại quá nhàn rỗi. Đang mong ân nhân đến…”
Ôi chao ôi, chàng “tri ân” con cọp dữ đã cho rượu, cho hoa quỳnh, cho gái đẹp mà quên mất thù bị cướp mất vợ sao ? Tính cách này phải chăng bộc lộ từ phẩm chất tác giả dễ dàng “hoà đồng với cái ác” miễn sao được yên thân, tiềm ẩn sâu bên trong con người thi sĩ họ Lưu ? Nó cũng chính là “chủ nghĩa cầu an” , sao cũng được miễn cứu được “bộ da” của chính mình, căn bệnh trầm kha của “trí thức Bắc Hà “.
Cái hành động phản kháng cao nhất chàng Dư có thể đạt tới là rụt rè mời ông quan :
“ Vào dinh tướng công lâu ngày
Hôm nay cũng như ngày hôm trước
Quá nhàn rỗi, có bốn câu thơ
Xin trình tướng công …”
Đọc liếc câu thơ “tức nước phải vỡ bờ” Dư Sinh “trình” lên, ông quan coi như tiếng muỗi vo ve, cười khảy :
“ Chị Hằng từ cung Quảng sa xuống để chú Cuội trơ thân Cuội một mình, nhưng chú Cuội có giận người giận mình mà chặt mất cành đa thì cũng chỉ thiệt mất cành đa thôi…”
Rồi bất chợt phát hiện ra mùi hương quen thuộc của Tuý Tiêu, vợ chàng Dư phảng phất đâu đây, lão sầm mặt, phảy tay ra lệnh :”mãn trà”. Đây là giây phút cuối cùng để chàng Dư có thể bộc lộ sự kiên cường phản kháng của mình, vậy mà không ,” Dư sinh tiến vội đến trước mặt Thân, cung kính bái biệt”. Thật đúng là một cử chỉ hèn đớn khán giả ai cũng nhận ra, chỉ riêng ông tác giả kịch bản là không thấy.
Chờ cho viên quan đi khuất , chàng Dư mới dám “cởi áo, xé thơ” theo đúng phép “thắng lợi tinh thần” của dân Mít chỉ dám xì xào sau lưng người ta, chàng cầm bút làm bốn câu thơ khác dán lên tường và ngâm lớn :
“ Đọc hết vạn kinh sách
Mà nhân nghĩa vẫn cúi đầu
Hỏi thần thánh ở đâu ?
Hay đã bị vùi dưới đất…”
Nghe thơ chàng Dư, hốt nhiên nhớ tới mấy câu thơ chân dung hoạ phê bình gia Hoài Thanh của nhà thơ Xuân Sách :
“ Bình thơ đến thủa bạc đầu
Cũng chưa thể tất nổi câu nhân tình…”
Vâng, ngày nay có biết bao sĩ phu đọc vỡ tới cả vạn cuốn sách , liệu đã có mấy ai ngẩng cao đầu đòi cho được chữ “nhân”, chữ “nghĩa’ cho đám dân đen con đỏ ?
Ngay sáng hôm sau, quan Thân Trụ Quốc lôi ngay gã “mật vụ phòng” ra đánh đòn tan xương nát thịt về tội không kịp thời báo cáo việc nàng Tuý Tiêu lẻn tới tìm chàng Dư . Quan vứt ngay bộ mặt giả nhân giả nghĩa, nói toẹt ra rằng :
“Ta đón hắn về mái Tây này chẳng phải là để chúng lén sau lưng ta. Sao trong dinh ta , việc lớn việc nhỏ lại dám để lọt khỏi tai mắt ta ? Ta cho hai đứa được gần mà chẳng được xáp mặt. Thể như con mèo trước bóng mỡ chớm mãi mà không bắt được. Hoa mắt sùi mép mà phải buông…”
Nói xong làm liền, quan bày trò dã man, đêm trước ngày Dư Sinh bị đuổi về “địa phương”, quan cho chăng một sợi dây ngay trước cửa phòng nàng Tuý Tiêu, cho phép chàng Dư tới từ biệt vợ nhưng cấm … bước qua dây và chỉ được tới khi đèn phòng thắp sáng. Thắt buộc nhau vậy khác nào “ đặt mỡ miệng mèo mà chỉ cho ngửi”. Lẽ ra đạo làm người quân tử đời nào chịu làm phận ‘con mèo”. Ấy thế mà đêm đó chàng Dư vẫn vâng lệnh quan theo chân con hầu Thuý Bình mon men tới phòng Tuý Tiêu ở “mái đông”. Vừa nhìn thấy đèn còn sáng chàng đã hí hửng : “Đèn còn sáng, hẳn nàng có ý đợi ?”. Con hầu lắc đầu: “ Việc đường đột này tuyệt nhiên chị tôi không được báo trước. Ngày mai chàng về nơi cũ, đêm nay quan cho giáp mặt người xưa…”. Gọi là “giáp mặt” nhưng chỉ đến chỗ căng dây mà ngó lên thôi, chàng Dư đâu dám trái lệnh quan vượt qua, đành đứng bên “giới tuyến” ngước cổ than vãn :
“ Ôi người bước trước cửa buồng
mà chân đành chôn đất lạnh”
Khi vợ xuất hiện cửa sổ, chàng Dư cũng chỉ dám đứng bên dây thừng mà kêu :
“ Tuý Tiêu ! Tuý Tiêu !
Dẫu đất trời tan tác
Nàng ơi ta không thể nào quay bước
Về nhìn đôi gối đêm nay, buốt lạnh..”
Về nhìn đôi gối đêm nay, buốt lạnh..”
“Tuý Tiêu! Tuý Tiêu ! Người khuất đâu rồi ?
Khoan đừng lay động , ngọn đèn ơi…”
Vậy là chàng chỉ sợ bên trong vợ tắt đèn phải quay lui theo đúng lệnh quan mà thôi, không hề dám có ý định vượt qua “vạch dây thừng” mà lao tới với nàng. Đến khi con hầu báo tin :
“Chàng trông ! Đèn đã lụi dần
Dám xin chàng hãy kịp lui chân…”
Cũng đành, chứ biết làm sao ? Chơi cái trò “ mỡ quệt mũi mèo” này, quan Thân Trụ Công quả là cao mưu . Chàng Dư cam tâm làm “chú mèo ngoan”, đứng bên sợi dây chăng mà vuốt bụng thở dài :
“ Đau lòng thân nam tử
Chân cóng giữa vòng vây…”
Tấm thân ngọc ngà của vợ yêu chỉ trong gang tấc mà người “quân tử” ngày xưa của Lưu Trọng Lư cũng chẳng dám vượt rào đón lấy huống hồ ngày nay, các bậc hiền nhân quân tử “ chân ấm giữa tiền dự án, tiền tài trợ ” Nhà nước rót dài dài, đời nào dám “vượt dây thừng” nói chuyện đa nguyên đa Đảng ?
Quay về nhà, chàng Dư mang lòng căm thù, trút giận vào..đôi chim Anh Vũ, quà tặng cưới của quan Nguyên soái, người đã tác hợp Tuý Tiêu với chàng :
“ Chém cha cái giấc mộng
Tưởng đôi chim nhỏ chết rồi
Thế mà vẫn nguyên đó
Nhảy đi hót đi…”
Thật đúng y tính cách “trí thức lưu manh ” khi “mộng không thành” chẳng dám vạch mặt kẻ phá thối mà chửi ngay mộng tưởng đẹp đẽ của chính mình. Rồi đến đêm, nằm mơ thấy quan Nguyên soái, ân nhân ngày trước, chàng vội vàng kể lể sự tình, nhờ quan ra tay giải cứu nàng Tuý Tiêu. Thực chẳng ngờ khi nghe xong, Nguyên soái cũng chân giò lảng ra :
“ Ta chỉ biết điều tác hợp
Còn như giữ trọn lứa đôi
Là tự ở các ngươi
Quả điều ta không liệu nổi…”
Vậy là vô phương cứu…vợ, chàng Dư chẳng còn biết trông đợi vào ai, lại đành chỉ ngồi nhà kêu trời :
“ Thần thánh hết thiêng khôn
Chữ nghĩa văn chương như của thiu đốt sạch
Trăm sách muôn nghìn sách
Hỏi còn sách nào hơn ?”
Trời Phật, thánh thần, văn chương chữ nghĩa rồi cả quan Nguyên soái chẳng cứu được chàng, rốt cuộc chính những người dân đen lại ra tay nghĩa hiệp. Ông lão bộc đã tuyển mộ được hơn 20 nghĩa sĩ, móc nối với con hầu của nàng Tuý Tiêu hẹn ngày hội đốt cây bông nàng sẽ mặc đồ trắng nhường cho con hầu mặc đồ xanh, khi kiệu đi vào đám đông, thừa cơ lộn xộn sẽ cướp nàng Tuý Tiêu trả về cho chàng Dư. Kế hoạch sắp xếp xong xuôi , chàng Dư chẳng mất công mất sức gì, cứ ngồi nhà chờ nghĩa sĩ khiêng kiệu nàng Tuý Tiêu trở về :
“ Lòng ta bồn chồn
Rối rít tiếng chim Anh Vũ
Canh đà chuyển sang canh
Sao kiệu nàng chưa về tới
Hay đường đi nhiều trở ngại ?”
Rồi đang nước sôi lửa bỏng, chẳng nghĩ gì tới những người vì mình xả thân nơi đao kiếm, chàng chỉ nghĩ tới nỗi sung sướng gặp lại vợ :
“ Hót inh lên anh vũ ơi
Kiệu hoa đã đến rồi
Nến ơi bừng sáng
Đào ơi, khoe hết màu tươi…”
Thế rồi đúng ý nguyện của chàng, kiệu hoa đã đến, nàng áo xanh cũng bước xuống, chàng Dư mừng rỡ :
“ Tuý Tiêu…Tuý Tiêu…”
Nhưng hỡi ôi không phải Tuý Tiêu vợ chàng mà là con hầu mặc áo của nàng theo kiểu “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Cô ta cho biết :
“ Chị Tuý Tiêu trong cơn xô xát hỗn loạn
Bị một nhát thương
Qua dòng nước trong
Chị gieo mình tuẫn tiết…”
Hay tin dữ, chàng Dư chưa kịp thắp cho nàng nén hương đã vội vàng khăn gói xuống đò theo chân lão bộc chạy trốn khỏi địa phương. Kết thúc vở kịch tác giả ca ngợi :
“ Tuý Tiêu! Tuý Tiêu! Ngọn đèn không tắt
Lửa hồn đốt kiếp
Trao nhau trọn xác trọn hồn…”
Còn nhân vật chính, chàng Dư Sinh, dẫu có làm cả ngàn bài thơ nghĩa khí, rút cuộc vẫn lộ ra chàng nho sinh hèn nhát và hám gái.
Rút cuộc Lưu Trọng Lư cố tô vẽ chân dung người quân tử nhưng vô tình cứ lộ ra chân tướng kẻ tiểu nhân. Mô tả người anh hùng lắm khi cứ thò ra tính cách một “ thằng đểu” thực ra chẳng phải căn bệnh của riêng thi sĩ Lưu Trọng Lư mà là cố tật chung cho mọi văn nhân thi sĩ một khi đã cam chịu viết văn chương phải đạo, răm rắp tuân thủ những yêu cầu tức thời của chính trị.
Trên trang thờ thi sĩ Lưu Trọng Lư tại nhà lưu niệm ở ngoại thành Sàigòn có treo bài thơ di cảo tự tay ông viết :
“ Đi dưới vườn nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm mới say thơ
Phên thưa đã có bàn tay đỡ
Đêm lạnh phăng lần những mối tơ
Đẹp lắm trên đời những vấn vương
Chao ôi thiên lý một con đường
Đi trong trời đất từ duyên ấy
Sớm tối không rời một chữ thương…”
Vậy là chẳng sám hối quyết liệt được như Chế Lan Viên trong bài thơ “Bánh vẽ”, Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất”…đến tận cuối “con đường thiên lý” thi sĩ họ Lưu vẫn thương trời, thương đất, thương người chung chung mà chẳng dám buông một tiếng thở dài , tự vấn về con đường mình đã đi.
Cũng trong nhà lưu niệm này, có treo một tấm liễn ghi bút tích Lưu Trọng Lư :
“ Tôi thà bị lừa còn hơn không tin vào con người…”
Than ôi, bằng chữ nghĩa và sự nghiệp lãnh đạo văn hoá văn nghệ của mình, chính ông đã lừa biết bao thế hệ độc giả mà ông đâu có biết . Bởi thế, nhiều năm qua, thân nhân và tỉnh uỷ Nghệ An cố dựng lên “Giải thương văn học Lưu Trọng Lư” mà chẳng mấy ai biết tới.
“ Con nai vờ ngơ ngác
Nó ca bài cải lương…”
Lưu Trọng Lư chẳng ca “cải lương” đâu ông Xuân Sách ơi, ông ấy ca bài “khôn ngoan” đó…