BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện về hai người lính

14 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2296)
Chuyện về hai người lính
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hàng năm, cứ mỗi độ gần đến ngày cuối Tháng Tư. Hình như có một cái điều gì đó thôi thúc tôi, dù vô hình nhưng rất mãnh liệt, nhắc nhở tôi phải tìm một cách gì, để nói, viết, hay kể lại về cái chết không phải một, mà là hai người lính, trong hàng ngàn người lính, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến, một cuộc chiến đã tàn lụi từ lâu, từ lâu lắm rồi, mà tôi biết rõ. Nó như là một món nợ tinh thần mà tôi có trách nhiệm phải trả. Khổ một nỗi, tôi văn thì dốt, mà võ thì nhát, cầm cây bút lên mà ý tưởng cùn lụt. Chữ nghĩa hạn hẹp, văn vẻ chẳng ra làm sao! Nhưng không nhẽ, mình lại chẳng làm một việc gì? Mặc dù, những chuyện này, tôi đã đôi lần kể cho một vài người biết, nhưng không đủ, nên tôi xin kể ra đây chuyện về hai người lính, mà cả hai đều đã hy sinh! Các anh đã hy sinh vô cùng hào hùng, trong chiến đấu ở những ngày cuối Tháng Tư năm 1975.

Theo thiển nghĩ của tôi, chuyện về họ chẳng cần tô son, điểm phấn. Nét hào hùng tiềm ẩn bên trong cung cách hành xử của các anh khi chiến đấu chống lại quân thù. Tự nó, đã nói nên tất cả tính hiên ngang, anh dũng cùng phẩm giá cao cả của những người lính trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Không cần cường điệu, chỉ ghi lại, nói lên một cách trung thực, đã làm nổi bật nên hình ảnh của những người lính tuyệt vời. Vinh quang vĩnh viễn là của họ, do đó tôi xin kể về họ:

Người thứ nhất.

Trần Thanh Tài là con út trong gia đình, có tới hai người anh làm việc tại xã, ấp. Giả sử như khi đến tuổi đi lính, nếu mà Tài không thích nhập ngũ, cứ nằm nhà chơi. Cảnh sát có mở cuộc hành quân, có đi lùng sục, kiểm tra, có gặp mặt, thì do quen biết với các người anh và cũng do ai cũng biết Tài, vì phần đông cảnh sát ở quận, ở tỉnh, ít nhiều đều quen biết cả gia đình, chắc cũng chả ai nỡ dám bắt bớ hay làm gì Tài được. Hoặc nếu như muốn, hai người anh cũng có thể kiếm cho em một chân làm một công việc gì đó trong xã, ấp, ở nhà mà vẫn hợp lệ quân dịch.

Thế nhưng không, Tài muốn đi lính. Cản không nổi, cuối cùng, để dung hòa, ông anh làm Phó xã trưởng, phụ trách an ninh, đã đưa em vào lực lựơng Nghĩa Quân, đóng ngay trong địa bàn Xã Hố Nai. Vừa thoả mãn dúng nhu cầu đòi hỏi của người em, lại vì ở gần nhà nên dễ bề coi sóc bảo bọc nhau. Đã ở Nghĩa Quân, mà còn đóng quân ở cái Xã Hố Nai, lại còn có anh đỡ đầu nữa thì chắc chắn chữ thọ của người lính là Tài, có đến 99,99 phần trăm là thọ, dù cuộc chiến có kéo dài bao lâu đi nữa cũng kệ. Cả gia đình và những người quen biết đều nghĩ và yên trí như vậy.

Cũng cần phải nói thêm về binh chủng này một tí, sau năm 1965, theo nhu cầu, QLVNCH. Thành lập binh chủng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thay thế cho lính Bảo An Đoàn và Dân Vệ (còn gọi là lính làng). Nghĩa Quân được thành lập ở cấp trung đội, được huấn luyện và trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng tương đương với các đơn vị bộ binh, được kéo ra khỏi thôn ấp, điều động đi khắp vùng trách nhiệm của quận hay chi khu, được bố trí canh giữ đồn bót, hành quân phối hợp với các đơn vị bạn và trở thành người lính chuyên nghiệp hơn. Chỉ có chút khác biệt là họ được ở gần nhà, và chỉ có vậy thôi. Hình ảnh những người Dân vệ cõng con đi gác, hay vừa gác thôn xóm vừa làm công việc vặt vãnh trong làng đã biến mất kể từ ngày có các đơn vị Nghĩa Quân. Thế nhưng người lính Nghĩa Quân có tên Tài thì khác, nó không hẳn là lính, không ra dân, mà cũng chẳng phải lính kiểng.

Ngày ngày, Tài ở nhà, chạy qua bên nhà máy cưa của ông anh, coi công việc làm ăn phụ cùng đứa cháu gái. Ít việc thì đi chơi đâu đó, như là thục bida, chơi bài cào, cát tê gì đó cho hết ngày. Tối đến mới tham
gia canh gác cùng tiểu đội, hay dùng xe nhà chở tiểu đội đi tuần tiểu trong xã cùng ông anh theo nhu cầu. Buồn buồn, ở nhà ngủ cũng chẳng sao! Tiểu đội có phải biệt phái, hay tăng cường cho các đơn vị bạn, ở các xã trong Quận như: Trảng Bom, Bàu Cá, Long Hưng, Long Bình Tân, Tài chẳng bao giờ phải tham gia. Nghĩa là Tài cứ tà tà làm một người lính không giống ai như vậy.

Một ngày, đúng ra là vào một đêm, cỡ 4 giờ sáng, Việt Cộng tấn công vào đồn Cầu Suối Đỉa, nơi đóng quân của trung đội, trong đó có Tài, cuộc tấn công bất ngờ, làm kinh ngạc nhiều người!! Nhất là Suối Đỉa nằm ở địa phận Xã Hố Nai. Nơi có tiếng là khu dân di cư chống Cộng số 1. Tài không hề hấn gì, nhưng đơn vị bị thương vong năm Nghĩa Quân viên. Đơn vị được bổ sung quân số, tổ chức lại, Tài được gửi đi học khoá chỉ huy với chức vụ Trung đội phó.

Làm phó lúc có lúc không? Tài không chiụ trách nhiệm gì nhiều ở chức vụ này. Cho nên ông anh không cho Tài giữ chức Trung đội trưởng hay Tiểu đội trưởng, mà là Trung đội phó, để Tài dễ dàng trong công tác. Tiểu đội biệt phái đi công tác, không có Tài, trung đội đi, Tài không muốn, ở nhà cũng được vì có Trung đội trưởng đi rồi. Nói chung, qua sự bố trí công tác, Tài chẳng phải lo lắng gì nhiều về trách nhiệm của mình. Chỉ có lo cắt đặt các tiểu đội đi công tác, tăng cường, canh gác, trực đơn vị và đi họp thay Trung đội trưởng. Tưởng như thế là đời binh nghiệp của Tài, sẽ kéo dài cho đến ngày giải ngũ, vẫn còn nắm chắc được hai chữ an toàn.

Sở dĩ tôi hơi dài dòng về Tài một tí là để qúi vị dễ hình dung về anh, người lính chẳng có gì đặc biệt, anh bình thường như mọi người lính khác, cũng vui đời, yêu sống, sợ chết như ai, chỉ vì làm trai thời loạn, anh khoác áo chiến y nhưng chọn ở lại bảo vệ hậu phương, cho đồng đội anh ngoài tiền tuyến chiến đấu, cũng là công việc của người lính nhưng nhẹ nhàng và an toàn hơn. Thế mà Tài đã tử trận, tử trận rất anh dũng, trong chiến đấu vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, chống lại cuộc xâm lăng của Cộng quân.

Nghe tin Tài tử trận! Làm mọi người sửng sốt và ngạc nhiên, người ta không ngạc nhiên về việc Tài tử trận, mà người ta ngạc nhiên là tại sao vào những phút cuối cùng ấy Tài lại không bỏ đồn? Không bỏ đồn, mà anh còn ở lại chiến đấu, anh tử thủ? Đành rằng trong chiến tranh, người lính tử trận là chuyện bình thường, rất bình thường, vì ai mà tránh khỏi hòn đạn, mũi tên! Nhưng cái chết của Tài thì hơi khác, vì những ngày cuối Tháng Tư, hay nói cho đúng hơn là những ngày cuối của cuộc chiến. Nhiều đơn vị trong Quân đội, chỉ nhận đựơc lệnh rút lui, không còn tác chiến, nên có nhiều người lính, đánh nhau đâu mải tận miền Trung vẫn rút về đến Sài gòn nguyên vẹn. Thế mà trong khi đơn vị Tài đóng quân ở một nơi an toàn tuyệt đối, lại là một đơn vị chưa có bao giờ tác chiến, người ta hay nói đó là thứ lính cầu an, lính kiểng, lính chết nhát và nghĩ rằng: Các đơn vị như vậy chắc địch chưa đến đã bỏ đơn vị mà chuồn, chứ đánh đấm gì nổi, nhất là những ngày sôi động của tháng 4 năm 75, và người ta đã lầm.

Khi Sư Đoàn 18 bộ binh rút khỏi Xuân Lộc, Long Khánh. Các Chi Khu Định Quán, Kiệm Tân di tản, ngả ba Dầu Giây bị cắt, đơn vị đóng quân ở ngã ba Sông Thao, Bàu Hàm, Hưng Lộc rút đi và cuối cùng Yếu Khu Trảng Bom không còn, thì Đồn Cầu Suối Đỉa trở thành tiền đồn cuối cùng còn lại của Miền Nam trên Quốc lộ 1 vào thời điểm ấy. Tiền đồn mỏng manh ấy lại được trấn giữ bởi Trung Đội BHA-20, một trung đội Nghĩa Quân, quân số chưa tới 30 người! So với cuộc chiến quy mô, 30 tay súng chẳng làm đựơc gì nếu như không có sự trợ lực của các đơn vị bạn! Vậy mà mấy ngày trước, đơn vị phải chứng kiến hàng chục, hàng trăm ngàn người, cả dân lẫn lính, lũ lượt di tản đi ngang qua đồn, nơi đơn vị có nhiệm vụ giữ gìn an ninh và hướng dẫn các đơn vị bạn về các vị trí trú quân mới. Do đó, các anh cũng được chứng kiến biết bao những khuôn mặt, lo âu có, thất thần có, hoảng sợ có và cả căm phẫn cũng có! Nhưng hôm nay, thì những khuôn mặt đó đã thưa thớt dần, hay nói cho chính xác là không còn ai nữa. Trước mặt đơn vị giờ vắng hoe, dân chúng sống gần đồn sợ giặc Cộng. đã bỏ làng xóm đi hết, các đơn vị bạn không còn, đơn vị anh thật lẻ loi, tuy cánh quân Bắc Việt chưa tới, nhưng một vài đơn vị địa phương Cộng Sản đang từ từ áp sát.

Trung Đội Trưởng Thụy lấy cớ về Phân Chi Khu họp, giao Trung đội lại cho Tài chỉ huy. Tài có cho anh em rút khỏi đồn lúc này chắc cũng chẳng còn ai phản đối, chẳng ai khiển trách, vì chung quanh đơn vị anh, không còn đơn vị bạn nào có thể yểm trợ hay tiếp cứu cho đơn vị anh được nữa! Tiểu Đoàn 6 TQLC. Đựơc bố trí trấn ngang từ Trường Bộ Binh Long Thành qua đến QL1, cũng còn nằm cách sau anh đến 2 km. Tình thế như vậy mà Tài đã không cho anh em rút đi. Ai cũng thắc mắc về quyết định này của anh, tại sao anh lại không cho anh em rút? Thuộc cấp của anh ai cũng lo lắng, nhưng vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp chỉ huy. Họ vẫn vững vàng tay súng tại các vị trí chiến đấu.

Anh bố trí một tiểu đội giữ đường vào Ấp Tân Bắc, hợp cùng lực lượng Nhân dân Tự vệ, bảo vệ cho anh nếu như đơn vị phải rút khỏi đồn. Còn lại anh và đơn vị sẵn sàng trong tư thế tác chiến. Không cần lệnh anh vẫn tử thủ.

Toán quân tiền sát địch đã xuất hiện, chúng đã bắn lẻ tẻ từ xa nhắm vào đơn vị. Làm như chúng coi thường không muốn đánh, mà chỉ có ý bắn hù dọa. Ý đồ của chúng là làm cho đơn vị anh mất tinh thần, hoảng sợ mà tự ý bỏ chạy. Nhưng không, Tài không chạy và cũng không cho đơn vị bỏ đi, lại còn chờ cho địch đến gần hơn. Chúng chạy lờ ngờ thấp thoáng trước mặt, coi thường tất cả. Chúng nghĩ giờ này như không còn đơn vị nào của ta còn dám chống trả hay cản trở bước tiến chúng nữa. Khiến Tài cũng có chút tự ái của người lính, anh vẫn ra lệnh bắn trả, riêng anh với cây M 79. Anh thoăn thoắt đổi vị trí để dễ nhắm vào các nơi khả nghi để bắn. Anh đã gây thương vong cho địch và làm chậm lại bước tiến quân của chúng.

Một mặt anh cũng báo về Phân Chi Khu xin chỉ thị cấp trên và cũng xin yểm trợ cho đơn vị. Trong khi đó, địch sau một vài đợt tấn công thăm dò không có kết quả, chúng rất tức tối, vì gặp phải sự chống đối của một đơn vị mà chúng coi thường nhất! Giờ địch mới hiểu là lực lượng điạ phương của chúng không thể hoàn thành nhiệm vụ nhổ chốt Cầu Suối Đỉa. Nên chúng phải đợi quân tăng viện và cả súng nặng, đồng loạt mở cuộc tấn công áp đảo. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, không có pháo yểm trợ, đơn vị khó lòng chống trả, trên cũng không thể gửi quân yểm trợ, và cho lệnh tùy tình hình, không giữ đựơc có thể bỏ đồn. Lúc này Tài thấy nhiệm vụ cầm chân địch đã hoàn thành, anh mới cho anh em rút.

Anh dùng súng M 79 bắn chặn yểm trợ cho anh em. Khi chỉ còn lại mấy tay súng chót sắp rút ra khỏi đồn, anh vừa bắn, vừa ra lệnh và đôn đốc anh em rời vị trí. Còn riêng anh vẫn nghi binh chạy qua chạy lại các hầm để bắn. Cuối cùng, một trái B 40 bay tới trúng nơi hầm trú ẩn của anh, hầm xập và Tài đã hy sinh! Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 27 tháng 4 năm 1975. Cái chết của anh không có gì đặc biệt, nhưng nhờ sự chiến đấu ấy mà cộng quân bị chậm lại mấy tiếng đồng hồ, không tiến được qua cầu, nơi đơn vị anh có trách nhiệm trấn giữ. Và chúng chỉ qua được sau khi anh đã anh dũng hy sinh.

Người thứ nhì.

Khác với Tài, người thứ hai tôi xin kể ra đây, tôi mù tịt về anh, về đời tư của anh, cả cái tên anh để vinh danh anh tôi cũng không biết nốt! Chỉ biết anh mang cấp bậc Trung Úy Thiết giáp, đơn vị thuộc Lữ đoàn 3 (?). Liền sau khi đồn Suối Đỉa sắp mất thì đơn vị anh được điều động về, thế vào chỗ trống. Với một chiếc M 48 và 2 chiếc M 113. Anh cho bố trí đơn vị cách Cầu Suối Đỉa chừng hai trăm mét, nằm trong Ấp Tân Bắc, hai chiếc M 113 bảo vệ cho chiếc M 48 chỉa súng nhắm sẵn vào con đường độc đạo, chạy từ cầu Suối Đỉa lên. Chỗ này đặc biệt là một sườn đồi dốc đứng, khi làm đường số 1, người ta đã phải xẻ đồi thấp xuống để cho đường thoai thoải, đúng độ dốc mà xe cộ có thể chạy lên được. Do đó, mà nó giống như một cái khe. Xe nào muốn đi về Biên Hoà, Sài Gòn đều phải bắt buộc đi qua đoạn đường này, không có con đường nào khác thay thế được. Từ dưới dốc đi lên chừng hơn 100 mét có một khúc quẹo nhẹ. Anh cho chiếc M 48 nằm trong lề đường chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu xe tăng địch tiến vào khu vực tử địa do anh quy định.

Bố trí xong đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, anh dẫn theo vài người lính đi quan sát địa thế, cùng tuần tra chung quanh nơi đơn vị đóng quân, định sẵn các kế hoạch tác chiến cho mọi tình huống, cắt đặt cho anh em canh gác, nấu ăn, nghỉ ngơi, xong đâu vào đấy, anh trở về xe ngồi hút thuốc nói chuyện cùng anh em binh sĩ.

Đang trong lúc chờ và đợi địch đến, anh nhận được lệnh trên, yêu cầu đơn vị anh di chuyển về vị trí khác, đây không biết là lần anh nhận lệnh di chuyển thứ bao nhiêu? Trong suốt hơn một tháng trời qua, đơn vị anh đã được điều động đi khắp nơi trong lãnh thổ của Quân Đoàn 3. Đi nhiều đến độ chiếc M 48 đã quá thời gian bảo trì mà chưa được đưa về quân xưởng bảo trì. Nhận được lệnh, anh hơi bất bình với cấp trên, tình hình chiến sự hết sức sôi động, mà đơn vị anh, thực sự chưa được đánh trận nào! Địch lại đang áp sát hậu cứ liên đoàn, chỗ anh đóng quân hiện thời chỉ cách hậu cứ có hơn 3 km chứ mấy? Đúng lúc đó Trưởng xa M 48 báo cáo chiếc xe không nổ máy được, không có thời gian để sửa chữa, anh cho lệnh phá hủy những vũ khí và các thiết bị quan trọng trong xe, mình anh lấy theo 3 cây M 72, rồi ra lệnh cho anh em theo hai chiếc M 113 di chuyển, anh ở lại, với một quyết định riêng cho mình, mặc cho anh em binh sĩ dưới quyền năn nỉ mấy, anh cũng không theo đơn vị di chuyển. Anh ở lại đơn độc chiến đấu với địch. Có một cụ già ở gần đó, vì già không đủ sức để bỏ đi, nên phải ở lại coi nhà, đã chứng kiến được từ khi đơn vị anh mới đến cho mãi đến lúc này, thấy vậy mới ra góp ý:

“Trung úy ơi, cơ trời vận nước, thời thế đã như vậy rồi, thôi Trung úy đi với anh em đi. Sống chết có nhau, với lại anh em binh sĩ cũng cần phải có người chỉ huy nữa chứ, Trung úy nghe tôi đi, mình chẳng còn đủ thì giờ để cứu vãn được tình hình nữa đâu.’’

Nghe thế anh điềm đạm trả lời cụ:

“Cám ơn cụ đã khuyên cháu, cụ cứ an tâm về nghỉ, cháu đã biết, cháu phải làm gì rồi.’’

Chờ cụ già đi khỏi anh vác súng đi đến đầu khe dốc ngồi, kéo mấy cây M 72 ở vị trí sẵn sàng và bình tĩnh ngồi hút thuốc chờ địch. Cụ già về nhà nhưng cứ băn khoăn mãi về người sĩ quan thiết giáp ấy, nên cứ để tâm theo dõi xem anh ta làm gì, sẽ làm gì? Do đó, mà cụ đã được chứng kiến hành động hào hùng, mưu lược, dũng cảm, anh hùng của Người Sĩ Quan ấy.

Cỡ hơn hai giờ sau, nghe như có tiếng xích sắt của bánh xe tăng địch, từ phía bên kia cầu vọng lại, chúng thận trọng chạy chậm qua cầu dọ dẫm, thấy không có gì khả nghi, chúng ra lệnh đoàn xe tiến tiếp. Vừa chạy đến đầu khúc quẹo, chiếc T 54 đi đầu thấy chiếc M 48 chĩa nòng súng nhắm thẳng vào mình, lọt vào kế nghi binh của anh, nó thắng lại, chưa kịp báo cáo hay phản ứng gì, thì một trái M 72 ở khoảng cách rất gần, nhắm nó phóng ra, không thể nào trật nổi, làm nó nổ tung bốc cháy, Là một sĩ quan thiết giáp, anh biết rất rõ những điểm yếu của từng loại chiến xa địch, do đó khi anh bắn lại ở khoảng cách gần như vậy, hỏi làm sao chúng có thể thoát nổi?

Sau trái đạn đầu tiên với kết quả đó, những chiếc chạy sau hoảng sợ, ngưng và lùi lại xa nghe ngóng. Cỡ 10 phút sau thấy im chúng lại cho lệnh một chiếc T 54 tiến lên, cũng đúng vị trí chiếc thứ nhất, chiếc T54 cũng lập lại y hệt với sự cẩn thận hơn, chúng vừa chuẩn bị bắn chiếc M 48 hư, thì không còn kịp nữa, trái M 72 đã nổ ngay phần hiểm của chiếc xe khiến cho nó cháy theo. Không như lần trước bị bắn bất ngờ, lần này chúng đã chuẩn bị sẵn, phái tiếp một chiếc T 54 tiến lên nấp theo 2 chiếc xe đã cháy để bắn trả, nhưng vô ích thôi, vì linh hồn của chiếc M 48 đang ở trên đầu nó chờ đợi sẵn, và đã đưa nó theo cùng số phận của hai chiếc đi đầu.

Kể như lúc này anh có thong thả bỏ đi cũng còn kịp chán, vì địch bị một vố rất nặng, chưa làm ăn gì được mà cỡ chưa tới nửa giờ đồng hồ, chúng bị mất đến 3 chiếc xe tăng, phải mất bao công lao chúng mới còn giữ và đưa lọt được qua bao chiến trường từ miền Bắc vào. Giờ thì địch rất hoảng sợ, chúng gặp phải những người lính ngoan cố, chúng rút về bên kia cầu, cho bố trí đội hình, đợi bọn bộ binh đến tháp tùng, mở rộng hàng ngang. Lùng sục mới dám tiến lên. Trong khi đó anh vẫn ung dung ngồi rút thuốc ra hút, sau vài điếu, anh đứng dậy sửa lại quân phục, sau đó rút khẩu Colt 45 đã nạp đạn sẵn, tỉnh bơ đưa lên đầu anh bóp cò, anh đã hiên ngang tìm cái chết, để đền nợ nước, chứ nhất định không để lọt vào tay giặc.

Phải đến nửa giờ sau đó, địch thận trọng cho bộ binh tiến đến gần chiếc M 48. Chúng quan sát thấy chiếc xe nằm bất động, không có biểu hiệu gì là nó vừa bắn cháy của chúng đến 3 chiếc tăng. Cùng lúc có toán quân báo cáo, có một tên Trung úy (ngụy) nằm chết, trong tay hắn còn cầm khẩu súng lục, và bên cạnh hắn có 3 cái võ M 72, chỗ hắn nằm ngay bên trên đỉnh đồi, chỗ 3 chiếc tăng bị bắn cháy. Khỏi phải nói, bọn chỉ huy tức tối vô cùng, chúng đã lôi xác anh ra đường hèn hạ trả thù ngay cả với xác chết.

Chuyện về người lính thiết giáp ở trên do người dân ấp Tân Bắc, Hố nai kể lại. Ông kể cho tôi nghe, không biết bao nhiêu lần? Sau mỗi lần kể, ông vừa chép miệng, vừa gật gù thán phục, miệng cứ khen tuyệt! tuyệt ! và cứ tiếc mãi về anh, người sĩ quan mưu lược, dũng cảm cùng ước ao: Giá như tôi biết viết thành truyện, để viết kể lại được câu chuyện này với mọi người thì hay biết mấy!!

Cụ Trùm ơi, hôm nay tôi thay cụ kể lại đây, chắc là cụ không còn được đọc nữa, nhưng chẳng sao, đã có nhiều người đọc thay cụ, để vinh danh anh, người anh hùng mà cụ đã kể cho tôi rất nhiều lần, chắc hẳn câu chuyện về anh đã nằm sâu trong tâm khảm của cụ biết bao ngày qua, kể từ ngày mất nước cụ nhỉ?

Hai câu chuyện trên tôi vừa kể rất thật, vì bạn đọc nào ở Hố Nai, chắc chắn cũng ít ra biết, hoặc nghe danh đến ông Trần Thu Lương, Phó Xã Trưởng phụ trách an ninh của Xã Hố Nai, và Tài là em ruột của ông, nhất là những người đã sống ở các ấp gần cầu Suối Đỉa, chắc ai cũng biết đến Tài.

Còn chiếc M 48, sau ngày 29 tháng Tư, tại Ấp Tân Bắc, ngay tại quán thịt cầy ông Ba Kiệm, ai có dịp đi ngang qua khu vực này đều đã nhìn thấy nó, sau đó đến gần 1 năm, chúng mới cho dời đi. Còn 3 chiếc tăng của địch chúng cho kéo dấu vào khu vực đường cây Mít Nài, bên trong sau Ấp Tân Bình. Dân ở đó ai cũng biết, và chính tôi cũng tận mắt nhìn thấy.

Những dòng chữ thô thiển này, được viết hôm nay là nhằm để vinh danh đến các anh, những người trai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, trên các mặt trận, ở khắp mọi miền đất nước, để bảo vệ Miền Nam Tự do. Và tôi người chỉ làm cái công việc kể lại cho mọi người cùng biết về những tấm gương chiến đấu hào hùng của các anh, mà tôi biết rất rõ, như một nén hương lòng thành kính nhớ đến các anh, và viết được nó ra rồi thì tâm hồn tôi nhẹ nhõm, như là vừa trả xong món nợ, món nợ mà tôi đã thiếu các anh từ khi tôi được biết các chuyện này.

MX Trần Văn Minh

Ghi chú: Bài này, Tháng Tư Năm 2006, trong loạt bài kỷ niệm Tháng Tư, đã được ông Quốc Việt phát thanh trên Đài SBS chương trình phát thanh toàn quốc của Úc châu. Sau đó, vào Năm 2007. Tôi gửi bài này để đăng trên Báo Người Việt tại Mỹ, và gia đình của người sĩ quan thiết giáp đã nhận ra nhân vật trong câu chuyện trên giống với thân nhân của mình, và gia đình đã liên lạc với tác giả bài viết và kể lại như sau:

Gia đình hiện sống tại Califonia nơi có tòa báo Người Việt, nhưng lại không đọc báo Người Việt, con gái cụ sống ở New York, vì sống xa người nhà nên lại mua Báo Người Việt dài hạn, nhờ đó chị đã tình cờ đọc được chuyện trên, người nhà đã kể lại như sau:

28 Tháng Tư, Năm 1975. Gia đình cụ sống tại Ngã Ba Hàng Xanh, cứ ngóng tin người con trai là trung úy Lê Văn Cao, tốt Nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Năm 1972 và về phục vụ trong binh chủng Thiết giáp. Bỗng thấy đoàn xe của đơn vị anh đi qua, người lính trên xe là thuộc cấp của anh thấy người nhà anh nên báo tin anh bị thương nặng, không về theo đơn vị được, xe chạy qua, tiếng được tiếng mất, người em anh lấy xe Honda đuổi theo hỏi cho rõ ràng hơn, nên được kể là anh bắn cháy 3 chiếc T 54 của Việt Cộng, rồi bị thương nặng, không kịp tải thương.

Nghe được như vậy, gia đình cứ lo đi đến các bịnh viện để tìm xem anh có được mang về nhà thương nào cứu chữa hay không? Sau Ngày 30 Tháng Tư, trên đường đi Long Khánh, khi đi qua chiếc xe tăng M 48. Cụ Lê Văn lần nào cũng xuống dò tin tức con, bên đường một ngôi mộ còn mới với cây thánh gía mà dân chúng đã chôn cất người sĩ quan ấy có hàng chữ Nguyễn Văn Cao. Thấy khác họ, cụ đã không nhận là con mình, để từ đó đến nay, hơn 30 năm đã trôi qua, cụ vẫn còn ngóng tin người con trai yêu dấu của mình, và hôm nay, đọc được chuyện này, cụ đã nhớ lại ngôi mộ xưa của con, mà nay ở quá xa, lại do tuổi già sức yếu, không thể về để tìm mộ con được.. Nhờ đó mà tôi biết người sĩ quan hào hùng này tên là Trung úy Lê Văn Cao. Dân Võ bị Đà Lạt ra trường Năm 1972.
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Năm 20117:00 SA
Khách
anh là 1 người lính không bao giờ chết
07 Tháng Năm 20117:00 SA
Khách
Thành kính tri ân ! ANH HÙNG TỬ KHÍ HÙNG BẤT TỬ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn