Vâng, đúng vậy. Có điều, tôi không trích nguyên văn vì thấy sao nó sáo quá. Ai cũng nói thế. Năm này qua năm khác, suốt mấy chục năm trời. Nên sợ nhàm. Có điều, sợ nhàm, nhưng tôi lại không thể không nhắc lại vì không thể tìm ra cách nói nào chính xác hơn. Và mạnh hơn.
Những người tị nạn ở hải ngoại và vô số người dân trong nước có thể nêu lên hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn ví dụ lớn để chứng minh tại sao chúng ta chỉ nên nhìn vào hành động thay vì lời nói của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Đã có nhiều người làm như thế. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền trong nước lại muốn cả vú lấp miệng em: “Đó chỉ là luận điệu vu khống của những phần tử chống cộng!”
May quá, chỉ trong tuần qua, ở trong nước, có hai người rưỡi, trong đó có hai người rất nổi tiếng trong giới văn học – một người nổi tiếng về tài hoa và một người nổi tiếng về dòng dõi và khoa bảng - cùng lên tiếng về khoảng cách vời vợi giữa lời nói và việc làm của nhà cầm quyền Việt Nam. Hai người đó là nhà văn Nguyễn Quang Lập với bài “Khi luật rừng tấn công luật pháp” và tiến sĩ Phan Hồng Giang (con trai thứ nhà phê bình Hoài Thanh) với bài “Nói và làm”.
Cả hai người đều tập trung vào một chủ đề: khoảng cách giữa hứa hẹn và hiện thực.
Nguyễn Quang Lập giới hạn đề tài trong nạn phá rừng. Ông nhắc lại: Cách đây ba mươi năm, đảng và chính phủ đã từng tuyên bố hùng hồn là “cần phải chận đứng…”, “cần phải xử lý nghiêm minh…” và “cần phải nghiêm trị…” nạn phá rừng và bọn lâm tặc. Những lời tuyên bố ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các diễn đàn và trên báo chí. Ba mươi năm trôi qua, lâm tặc không những không giám bớt mà còn càng ngày càng lộng hành. Lộng hành đến độ chúng uy hiếp cả kiểm lâm. Mà không những chỉ uy hiếp suông, chúng còn tấn công, thậm chí, bắt bớ cả kiểm lâm. Khi công an địa phương đến giải cứu, chúng còn bắt kiểm lâm quỳ xuống lạy chúng thì chúng mới tha!
Thực tình, đọc xong, tôi vẫn không hiểu tại sao công an đến giải cứu mà bọn lâm tặc vẫn ngang nhiên bắt kiểm lâm quỳ lạy như thế. Vậy, công an ở đâu và làm gì? Chẳng lẽ họ lại đứng trương mắt ra ngó?
Nguyễn Quang Lập không giải thích. Ông chỉ cho đó là sự lên ngôi của luật rừng.
Đó không phải là những chuyện hiếm hoi. Nguyễn Quang Lập trích con số thống kê từ Cục kiểm lâm: “tính đến tháng 7 năm nay đã có 15000 vụ vi phạm lâm luật, xử lý 577 vụ chiếm 3% số vụ vi phạm, 97% còn lại vẫn nằm ngoài tầm tay với của pháp luật, đấy là chưa tính đến kết quả xử lý 577 vụ kia như thế nào.”
Câu trích dẫn khá mơ hồ. “Tính đến tháng 7 năm nay…” Nhưng bắt đầu từ bao giờ? Mười lăm ngàn vụ vi phạm lâm luật xảy ra trong một năm? Mười năm? Hay ba mươi năm? Duy có một điều rất rõ và cần được chú ý: Chỉ có 3% số vụ vi phạm ấy được xử lý. Một tỉ lệ không thể không làm người ta ngạc nhiên và nghi ngờ tính hiệu quả của ngành an ninh Việt Nam trong lãnh vực lâm nghiệp.
Đó là lý do tại sao Nguyễn Quang Lập lại nhận xét: “Cũng 30 năm trước, vào thập kỉ 80 thế kỉ trước, giải thích cho việc lâm tặc ngang nhiên tấn công kiểm lâm, buộc kiểm lâm phải nhường đường nhường rừng cho chúng, cục trưởng cục phó Cục kiểm lâm đã than thở lực lượng kiểm lâm mỏng quá, đời sống anh em quá khó khăn. Thì bây giờ ta lại nghe cục phó cục trưởng Cục than thở đúng y xì như vậy, rằng lực lượng kiểm lâm mỏng quá, đời sống anh em quá khó khăn. Một thực trạng không quá khó để giải quyết lại tồn đọng 30 năm, thật đáng sợ. Đáng sợ hơn là trong cái lực lượng quá mỏng ấy lại có một bộ phận không nhỏ đang giàu có cự vạn, chẳng hiểu nhờ lộc rừng hay lộc của lâm tặc.”
Chúng ta nên giải thích hiện tượng ấy ra sao?
Trong bài “Nói và làm”, Phan Hồng Giang liệt kê theo kiểu “nhớ gì nói nấy” một số lãnh vực ở đó người ta thấy rõ “độ vênh đến dễ sợ” giữa lời nói và việc làm của đảng và nhà nước.
Xin trích nguyên văn mấy đoạn chính trong bài viết của ông:
“Không ngày nào chúng ta không nghe nói đến quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng. Nhưng lạ thay, tham nhũng như một quái vật có phép màu, cứ phổng phao, đâm thêm nhành ngọn, vụ sau to hơn vụ trước, cấp sai phạm không dừng lại ở cỡ quan chức thường thường bậc trung. Và bây giờ người ta có thể không ngần ngại mà gán cho nó hai chữ "quốc nạn".
Đi ra đường phố, thấy cảnh ô tô, xe máy, xe lam, xe đạp, xích lô, xe thồ ngược xuôi, lạng lách, rẽ ngang rẽ trái không theo một luật lệ nào, rồi thì chợ cóc, chợ xanh, chợ hoa dưới lòng đường, hàng hóa bày ra choán hết vỉa hè…, chúng ta hoang mang tự hỏi Nghị định về lập lại trật tự giao thông dân quên rồi sao? Mật độ dày đặc đứng đường (có lẽ là cao nhất thế giới) của cảnh sát giao thông cũng không làm giảm bớt bao nhiêu những ách tắc. Rồi cái nạn đua xe của mấy cô mấy cậu rửng mỡ, con nhà giàu, con ông cháu cha gây nhức nhối bao năm, sau rất nhiều lời hứa hẹn "kiên quyết chấm dứt" vẫn diễn ra như trêu ngươi; các thứ thư tay, điện thoại riêng "đề nghị chiếu cố, nương nhẹ" vẫn tồn tại sau mỗi lần Công an bắt giữ người, xe…
"Chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân", - câu nói đẹp nức lòng người dân mau chóng bị sao nhãng khi người dân đến cửa quan gặp phải những bộ mặt lạnh tanh, những câu trả lời nhát gừng và những kiểu đùn đẩy hồ sơ hết phòng, ban nọ sang phòng ban kia, những kiểu hẹn lần lữa không có hồi kết thúc như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Kết quả là đơn thư khiếu nại chất thành đống, năm này qua năm khác, và cảnh ăn chực nằm chờ để khiếu kiện vượt cấp là tất yếu….
"Lương y như từ mẫu", câu khẩu hiệu gặp ở mọi bệnh viện, trên thực tế liệu đã làm yên lòng bệnh nhân chưa? Chắc chắn là chưa. Thế nên hầu hết người bệnh khi chẳng may phải lên bàn mổ, hay gặp bệnh hiểm nghèo, đều phải cố lần những đồng tiền còm cõi cuối cùng, kín đáo bỏ vào phong bì, rồi tìm kiếm cơ hội tiếp cận vị "lương y như từ mẫu" kia để mà nài nỉ, khẩn khoản họ nhận cho "tấm lòng thành" với mặc cảm của người có lỗi. Thật đáng thương thay! Rồi những tin bệnh nhân này, sản phụ nọ mất mạng vì sự thờ ơ, tắc trách của một số vị y, bác sĩ đâu còn là chuyện lạ…
"Cải cách giáo dục", "Nâng cao chất lượng dạy và học", "Giáo dục là quốc sách"… Những lời lẽ này được lặp lại ngày này qua ngày khác, nhưng những phiền muộn do giáo dục mang lại cũng không giảm. Nào là "quá tải phải giảm tải", "học thêm, dạy thêm", nào là sách giáo khoa viết sai in sai, đề thi ra nhầm lẫn, lộ đề trước khi thi, nào là các "lò luyện thi" thương mại hóa một cách lộ liễu đến trơ tráo, nào là bằng giả chứng chỉ giả, và nguy hiểm nhất là bằng thật nhưng học giả, học quấy quá, học chiếu lệ, vừa bận rộn công tác quản lý mà vài năm vẫn kiếm được vài cái bằng thật để rồi tiếp tục leo cao trên nấc thang danh vọng…
[…]
Có thể liệt kê dài dài những khập khiễng giữa lời nói và việc làm. Nào "Sống và làm việc theo pháp luật", nào là "Cán bộ là đầy tớ của dân, lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ…", nào là "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"…
Nguyễn Quang Lập và Phan Hồng Giang viết như vậy là quá đủ. Tôi cảm thấy không cần phải nói thêm điều gì nữa cả.
Tôi chỉ xin viết thêm vài câu để giải thích tại sao ở trên (đoạn thứ ba) tôi viết là có hai người rưỡi lên tiếng về khoảng cách giữa lời nói và việc làm của nhà cầm quyền Việt Nam. Tại sao lại là hai người... rưỡi?
Cái nửa còn lại chính là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Bài viết “Nói và làm” của Phan Hồng Giang được đăng tải đầu tiên trên blog của Nguyễn Xuân Diện (ở Hà Nội). Khi đăng, Nguyễn Xuân Diện viết thêm lời chú thích ngắn: “Bài do tác giả gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện Blog. Xin chân thành cảm ơn TS. Phan Hồng Giang.”
Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất là, ở đầu bài viết, ngay trên nhan đề “Nói và làm” của Phan Hồng Giang, chủ nhân của cái blog này lại viết thêm một cái đầu đề khác, gồm mấy chữ như sau:
“ĐỪNG NGHE ... NÓI - HÃY XEM ...LÀM”
Cái nhan đề ấy là đóng góp của Nguyễn Xuân Diệu.
Một đóng góp nhỏ nhưng rất thâm thuý.
Trong bài này, tuy tôi chỉ trích dẫn Nguyễn Quang Lập và Phan Hồng Giang nhưng lại tính là hai người rưỡi là vì vậy.
Nguyễn Hưng Quốc
17-08-2010
Theo VOA
Chú thích:
Đây là trang đầu trên blog của Nguyễn Xuân Diện.
Gửi ý kiến của bạn