Ký sự pháp đình của Nguyễn Thượng Long.
Sẽ không bao giờ tôi có thể quên được những gì đã diễn ra trong cái buổi sáng thứ 3 ngày 27 tháng 11 năm 2007 đó. Tôi đến thì phiên Toà phúc thẩm xử 2 luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân lúc vừa bắt đầu. Từ xa tôi đã cảm nhận được một điều gì đó thật khác thường.
Dọc vỉa hè đường Lý Thường Kiệt và đoạn phố ngắn đối diện với cổng sắt của Toà an tối cao là tràn ngập bóng công an mang sắc phục và không mang sắc phục. Trong tay họ lăm lăm dùi cui điện, dùi cui gỗ. Ven đường là hàng dẫy xe hơi bịt bùng, xe kỹ thuật, xe của cảnh sát 113. Công an chìm, an ninh, đủ loại đi đi lại lại rò xét mọi người. Trong tay họ là các loại bộ đàm. Tức là có một trung tâm đặc biệt khống chế toạ độ bí mật này. Tôi thấy rất nhiều những an ninh trẻ trong tay là những chiếc sony, canon, cameraKTS đặc biệt đang ngăn cản mấy vị khách ngoại quốc đang có ý định chụp ảnh dãy ô tô mang dòng chữ Police đậu gần đó. Càng đến gần cổng Toà, không khí như càng nóng lên một cách rất không bình thường. Tôi bỗng thấy tự hào, tự hào thay cho 2 vị Luật sư trẻ. Họ còn quá trẻ, quá mong manh mà làm sao Nhà nước CHXHCNVN lại phải hoảng hốt mà “Săn sóc” họ đặc biệt đến thế này!? Chưa kịp dừng xe, đám đông trước mặt tôi bỗng rất nhốn nháo, dường như đã có một sự xô đẩy nào đó mà tôi chưa cảm nhận được. Tôi cuống cuồng lạng xe vào hè đường trước cửa Sở tư pháp Thành phố và Toà soạn báo Công lý, chưa kịp hãm xe thì 1 chiếc Zip loại xe của cảnh sát Sài Gòn thời chế độ Việt Nam Cộng hoà hay đi đỗ xịch bên cạnh xe tôi. Tôi thấy 2 người đàn ông mặc áo da đen mang kính đen hùng hổ nhảy xuống xông vào đám đông và nhanh chóng trấn áp rất quyết liệt một thanh niên có dáng dấp rất trí thức đeo cặp kính trắng. Sau này Phương Anh cho tôi biết đó là Luật sư Lê Quốc Quân 1 nhà hoạt động dân chủ trẻ rất xuất sắc. Trong nháy mắt 2 nhân viên công lực đã kè cứng hai bên người thanh niên. Hai tay anh ta bị bẻ quặt ra sau. Gáy anh ta bị 2 bàn tay của cả 2 người bóp chặt. Anh ta đau đớn giẫy giụa và bị đẩy đi theo tư thế cúi gục như vậy . Cửa hậu xe Zip bật mở. Những chuyên gia ” Tìm và diệt” nhanh chóng đẩy anh ta vào và cả 2 cùng nhảy lên ép cứng 2 bên. Phía trước là người lái xe lực lưỡng trong bộ đồ rằn ri loang lổ, râu ria rất xì ngàu, mang kính đen to bản. Bộ dạng chẳng khác mấy người hùng Nguyễn Cao Kỳ ngày ông Kỳ tự lái AD6 ra Đà Nẵng ký tên mình lên thân những trái bom sẽ được ném xuống đầu dân Đồng Hới Quảng Bình năm xưa. Chiếc xe “Tìm và diệt” các nhà dân chủ đó rồ máy rú còi rông thẳng. Bị hút cứng vào trường đoạn trấn áp dữ dội đó, tôi không kịp biết rằng đã có rất nhiều máy ảnh, cameraKTS ở các ô cửa sổ các Toà nhà cao tầng 2 bên đường và cả khách đi đường cũng đã bắt gọn những hình ảnh này. Đó là những trường đoạn như được bóc ra từ những phim hành động khét lẹt mùi bạo lực đang tràn ngập đời sống chúng ta.
Xin những ai đã vì nỗi đau xót cho đồng bào mình mà quay được trường đoạn bắt giữ đó, xin họ hãy công bố rộng rãi để dẫn chứng cho lời nói của phát thanh viên VTV hay của người phát ngôn BNG có thể vào tối nay rằng: “Phiên Toà phúc thẩm xét xử đã thành công tốt đẹp. Một bản án thích đáng hợp lòng dân đã được tuyên….”.
Tôi dừng xe bước lên hè phố để những xúc động trào dâng trong tôi lắng đọng vào từng tế bào, để nó sẽ sống cùng tôi, một kỷ niệm dữ dội không thể nào quên được. Ông chủ quán nước vỉa hè, đẩy vào tay tôi chiếc ghế nhựa và bảo tôi ngồi. Tôi nghe ông ta như một chiếc máy. Đám đông xung quanh tôi sau chầu phim hình sự miễn phí đó lại rì rào bên cốc trà nóng những câu chuyện bên sàn chứng khoán, những cổ phiếu trồi thụt, những cái gì nữa có trời mà biết. Tôi đột ngột quay sang hỏi mấy bà cụ ngồi tắm nắng gần đó: Người ta vừa mới bắt ai đấy các bà? Một bà gầy gò chép miệng : “Công an người ta bắt mấy thằng nói năng linh tinh”.Một bà khác to béo nhìn tôi lom lom, nhả bã trầu rồi đon đả:
“Sớm ông chẳng ở đây ngay cổng Toà người ta đã xích 3 - 4 thằng rồi đấy. Rõ khổ nghe đâu có cả cái ông nhà văn nào đấy bị đá vào…. đau quá”. Sau này tôi mới được biết, bị bắt ngay trước cổng Toà là người làm chứng Phạm Văn Trội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, BS Phạm Hồng Sơn.
Người bị đá là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa của Hải Phòng. Tôi chẳng còn hơi sức đâu mà đàm đạo với các cụ già này nữa. Tôi nóng ruột quá, gọi Phương Anh cuộc gọi nào cũng không thành công. Phương Anh và các bạn của em lúc này đang ở đâu? Sao không phát hiện ra tôi hay là các em đã bị “Tìm và diệt hết cả rồi”. Bỏ lại cốc trà còn bốc khói, trả tiền ông chủ tôi rông xe về phía cổng Toà. Tìm một vị trí thuận lợi để quan sát. Tôi lặng lẽ đứng viễn thám bằng tư duy về những gì đang diễn ra trong Toà nhà đồ sộ kia. Tại sao? Tại sao người ta lại xử tội những người đọc sách nhỉ? Những người viết ra những cuốn sách đó thì vẫn được tự do, người đọc sách thì lại phải ở đây? Nếu Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân họ mở ra những lớp huấn luyện cách thức tham ô, tham nhũng, cách biến tiền của đất đai của Nhà nước của nhân dân vào tay cá nhân, cách đặt bom khủng bố… thì họ đúng là có tội. Đây là những lớp học để họ giới thiệu cho lớp trẻ hiểu thế nào là nhân quyền thì lẽ ra Đảng phải khen ngợi người ta mới phải chứ. Đang miên man trong những suy tưởng thì góc bên phía hoả lò cũ có đám đông nhốn nháo. Nhìn kỹ tôi biết đó là một đám dân oan lam lũ và tiều tuỵ, lẫn trong là một số nhà sư nữ đang đứng ngồi lố nhố. Tức thì một chiếc xe bịt bùng đỗ xịch bên cạnh họ. Đám thanh niên bên tôi đổ dồn về góc đó để quay cảnh bốc xúc dân oan. Cuộc bốc xúc diễn ra rất nhanh và đã trả lại cho góc phố đó sự im lặng tạm thời đầy đe doạ.
Tôi quá buồn và mệt mỏi. Chiếc răng hàm bị viêm tuỷ răng đang hành hạ tôi đến tội tình. Người tôi sốt nóng rồi lại sốt lạnh đùng đùng. Dốc sức dựng chân chống xe tôi đứng tựa vào nó. Nhiều nhân viên an ninh chìm đi qua đi lại soi xét tôi, tôi biết hết. Có kẻ còn móc túi lấy tập ảnh ra để nhận diện, tôi phớt tỉnh. Tôi đang đau đây các người muốn làm gì tôi thì làm. Cầu được ước thấy ngay, một cậu thanh niên nom rất thư sinh đến hỏi tôi: Bác đứng đây làm gì? Tôi giữ nguyên tư thế mắt không rời cổng Toà trả lời “Tôi đứng đây, đứng trên đất nước thân yêu và đau khổ của tôi để suy ngẫm về cuộc đời này”. Cậu trai thư sinh đó không hề sẵng giọng: Bác vui lòng đứng lùi vào trong một chút để cho vỉa hè được thông thoáng.
Một lúc sau lại một gã trai khác quần bò Jean áo phông mang kính đen dáng dấp như các hảo thủ Đài Loan, Hàn Quốc đeo khuyên tai bạc tiến về phía tôi hỏi: “Thưa ông giáo! Người đương thời GDĐT 2006! Thanh tra giáo dục! ứng cử ĐBQH 12 Nguyễn Thượng Long… xin mời ông ra khỏi khu vực này để chúng tôi làm việc”. Tôi chột dạ xong cố tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến những gì mà cậu trai vừa đọc vị trúng phóc về tôi. Tôi nhăn nhó vì hàm răng đau đớn và trả lời: “Hãy để tôi đứng đây để tôi chứng kiến cái pháp thứ 3 (Tư pháp) của chế độ này nó dám phân lập như thế nào với 2 pháp kia (Lập pháp và hành pháp), hay là nó cũng chỉ là của Đảng như cả 2 pháp kia mà thôi”.Tôi và cậu trai cứ lằng nhằng với nhau như thế một lúc thì cổng Toà bật mở. Đám đông từ phía trong Toà vỡ oà ra. Tôi thấy cụ luật sư Trần Lâm tóc trắng xóa bước ra. Tôi giật mình quên cả chiếc răng đau khi thấy nét mặt cụ Lâm rất buồn. Bên cạnh là bà Trần Thị Lệ mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân lại có vẻ tươi tắn hơn đôi chút so với lần tôi gặp bà ở nhà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Quay lại chả thấy gã trai quần bò đâu nữa, tôi lững thững đi tìm chỗ nghỉ trưa. Mọi người tan tác, dòng đời lại như vô sư vô sách, vô cảm vô ưu, vô thường vô ngã vô tư lự… lại mênh mang buồn trôi về nơi cuối trời…Ngay tối hôm đó, qua ti vi tôi biết cảm nhận của tôi lúc trưa hoàn toàn đúng. Cụ Lâm buồn vì ước vọng trả lại tự do cho các thân chủ của cụ có thể sẽ không đến đích được. Bà Lệ tươi tắn hơn vì bà vội tin con gái bà có thể sẽ đỡ đi được một phần lao lý. …
Thấy tôi cao lớn bệ vệ như tây lại búi tóc như mấy ông Việt Kiều vai khoác ba lô rằn ri sành điệu, một bà nom rất lam lũ và tiều tuỵ đến sau tôi nói thầm : “Cháu là Đỗ Thị Thông bị chính quyền xóm Tân Việt, thôn Trưng Trắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình dỡ nhà cướp đất. Cháu gửi ông cái đơn này” Tôi vui vẻ nhận và động viên an ủi bà. Thấy chúng tôi tụ tập có vẻ đông dần, phía bên kia đường đã xuất hiện ” Những kẻ tìm diệt” buổi sáng.
Họ đang chụp ảnh chúng tôi. Tiến Trung cũng giơ máy chụp lại họ. Tình hình có vẻ nóng dần, Phương Anh tỏ rõ khả năng bao quát rất tốt bảo tôi : Chú lấy xe và về trước đi, nom chú ốm lắm rồi. Anh em mình chia tay thôi. Mọi người giải tán. Một lúc sau ô tô chở 2 oan phạm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cũng hú còi lao về nơi nó đã ra đi.
Tôi mệt lử, cố vận hết nội công còn lại để chặn đứng cơn sốt kịch liệt sắp nổ bùng vì hàm răng tôi tê dại. Trong đầu tôi ong ong những câu hỏi, những lý giải, những hy vọng và thất vọng.
Chúng tôi tự nguyện đến đây. để thêm 1 lần nữa khẳng định khát khao về một nền dân chủ thực sự của nhân dân vì nhân dân là không thể phủ nhận.
Thưa Đảng cộng sản Việt Nam! Đảng Cộng sản đừng nghĩ những người dân chủ chỉ là mấy thằng đứng chụp ảnh vừa rồi đâu. Đảng Cộng sản có thể bốc xúc trong nháy mắt tất cả lũ chúng tôi nhưng Đảng cộng sản không bao giờ gọt hết được những gì ở tảng băng dân chủ chìm được. Đảng cứ gọt được phần nổi thì núi băng dân chủ lại chồi lên một đoạn như vậy. Đảng làm sao mà gọt hết được cả nước của Đại dương thời khí hậu trái đất đang nóng dần.
Đã đến lúc cần nói thẳng với nhau rằng: “Một thể chế chính trị lành mạnh và hữu dụng phải là một thể chế luôn luôn có đối trọng. Rất cần phải chấp nhận và trân trọng các ý kiến khác biệt, đặc biệt là các phản biện tích cực. Hãy đi theo thế giới văn minh thôi, đừng cố khẳng định thiên tài Đảng ta bằng cách dò dẫm tìm đường đi lên ấm no hạnh phúc theo kiểu cách mà rất nhiều các đồng chí quốc tế của Đảng đã vứt bỏ gần hết cả rồi”
***
Về đến nhà, tôi ngã xuống giường, nhanh chóng chìm trong cơn sốt hầm hập tới 400C. Bà vợ tôi hốt hoảng khi thấy tôi có hiện tượng mê sảng. Nước đá đã làm tôi tỉnh lại. Thuốc hạ sốt liều cao được bơm vào tĩnh mạch đã rằn mặt được “mấy thằng” răng gớm ghiếc của tôi đang phản thùng dở quẻ đòi li thân sau 60 năm chung sống. Tôi gượng ngồi dậy viết:
Em ơi!
Cuộc sống vốn đã quá khắc nghiệt, dấn thân tranh đấu để cải tạo cuộc sống lại cả ngàn lần khắc nghiệt hơn. Tôi dấn bước lâu nay là một sự tự nguyện, là thôi thúc của nội tâm không thể cưỡng lại nổi. Tôi dặn riêng em: Nếu có điều gì đó bất ngờ đến với tôi, em thay tôi trông nom chị và các cháu. Tôi có trở về hay không bao giờ trở về nữa cũng là một lần dâng hiến và cũng là một điều rất bình thường.
Thầy giáo cũ của em.
Hà Đông, ngày 28 tháng 11 năm 2007
Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên PTTH của Tỉnh Hoà Bình và Hà Tây
Thanh tra chuyên môn kiêm nhiệm Hà Tây
Người đương thời GDĐT 2006
Ứng cử ĐBQH 12
Địa chỉ : Thôn Văn La - xã Văn Khê - TP Hà Đông
NR: 034.3521066 - DĐ: 0953298198
Gửi ý kiến của bạn