BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nói Chính Xác Không Bằng Nói Cho Hiểu Nhau

10 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 1202)
Nói Chính Xác Không Bằng Nói Cho Hiểu Nhau
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Trong một loạt bài gần đây, ông Nguyễn Hưng Quốc đã viết khá dài dòng để dẫn đến một kết luận đơn giản. Đó là kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Cộng Sản Việt Nam không còn là cộng sản theo đúng nghĩa của chủ thuyết cộng sản mà ông Karl Marx đề ra và ông Vladimir Lenin đã khai triển nữa, và vì thế những ai tự nhận mình đang làm việc chống cộng là đang làm việc vô nghĩa vì ngày ngay chẳng còn cộng sản đâu để mà chống. Theo ông Nguyễn Hưng Quốc, chính xác hơn là phải thay thế việc chống cộng sản với việc chống sự toàn trị.

 

Ông Nguyễn Hưng Quốc tự nhận ông là một nhà trí thức, một “kẻ lưu vong” đứng một mình. Tuy không hề quen biết gì với ông Nguyễn Hưng Quốc, sau khi đọc các bài của ông, tôi cũng phải công nhận ông ta là một người trí thức, vì chính đề của ông chỉ có thể dùng để bàn chơi những chuyện lý thuyết, chứ không hề có một giá trị nào khi áp dụng vào thực tế, chẳng giúp được gì cho công cuộc đấu tranh tiến đến một bực cao hơn. Là một người tự khoe là “không hề chống cộng”, sự góp ý của ông Nguyễn Hưng Quốc về việc đấu tranh không khác gì những lời của các đảng viên cao cấp sống trong mái nhà sang trọng, tách khỏi quần chúng mà kêu gọi toàn dân hãy tiến nhanh, tiến mạnh đến một thế giới đại đồng cộng sản.

 

Là một người sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, vốn phải dùng tiếng Việt trong gia đình và tiếng Anh ngoài gia đình, từ hồi nhỏ tôi đã rất để ý đến cách dùng chữ và sự chính xác của chữ được dùng. Mỗi khi học được một chữ mới trong tiếng Việt, tôi cứ phải bỏ công tìm hiểu từ đó trong tiếng Anh là thế nào, và ngược lại. Nhưng càng lớn lên, tôi càng hiểu được một điều: sự chính xác không bằng sự nói cho hiểu nhau, và việc dùng chữ theo ý mình không hay nếu người nghe không nắm được điều mình muốn truyền đạt.

 

Hồi nhỏ mỗi tối đi ngủ thì trong nhà tôi được đắp mền. Tới khi một hôm tôi đến nhà một người trông giữ trẻ em thì người ta lại làm tôi thắc mắc khi hỏi tôi ngủ có muốn thêm chăn không. Trong gia đình tôi khi uống nước thì dùng ly, nhưng có một hôm khách xa đến thăm và nhờ tôi lấy giùm họ cái cốc, khiến cho tôi lấy làm lạ, tưởng rằng vị khách này bảo tôi đi ra ngoài bắt cóc về ăn. Dần dần tôi mới hiểu là cái chính xác theo tôi không hẳn là chính xác theo người khác.

 

Khi tôi mới bắt đầu đi học, tôi cứ khoái ăn những thức ăn của trong trường vì thấy nó mới lạ. Trong khi ở nhà ngày nào cũng ăn cơm, vô trường thì được ăn những thứ chưa từng thấy như pizza, hamburger, và hot dog. Đến một hôm trong mùa hè nghỉ học, tôi mới bảo với mẹ tôi là tôi muốn ăn “chó nóng.” Dĩ nhiên, mẹ tôi không hiểu, mà còn lo vì tưởng tôi đòi ăn thịt cầy. Đến khi tôi giải thích là tôi muốn ăn “hot dog” thì bà cụ mới hiểu ý tôi. Và trong một dịp khác, cô giáo tôi có gởi thư về nhà bảo rằng bà ta không hiểu ý tôi muốn nói gì khi mét với cô ta là trong lớp có người “onion lower” tôi. Bố mẹ hỏi thì tôi mới giải thích là có người trong lớp hành hạ. Trải qua một thời gian dài tôi mới dần dần hiểu là dù chính xác, vẫn có thể là sai.

 

Rồi đến lúc tôi lớn lên, biết để ý gái, tôi vào trường có nhiều lúc cảm thấy khó xử. Vì đi học ở khu có nhiều người Việt, trong lớp tôi thường gặp các bạn Việt Nam. Có nhiều cô có tên rất xinh như Hiền, Thanh, Mỹ, nhưng trong thực tế các cô này chẳng có hiền, thanh, hoặc mỹ chút nào. Thế nhưng đã là tên của họ thì tôi vẫn cứ phải gọi, dù cảm thấy mình đang dùng sai tiếng Việt. Nếu mà tôi đã tự đặt cho các cô ấy một tên nào cho chính xác hơn thì lại mất lòng nhau.

 

Vì được sinh ra tại Hoa Kỳ, từ hồi nhỏ tôi rất hiếu kỳ về đời sống ở Việt Nam như thế nào, và lý do tại sao người Việt đã phải đi vượt biên. Vì thế, gặp những ai sẵn sàng kể chuyện xưa thì tôi sẵn sàng nghe. Một điều tôi để ý là đại đa số người Việt đi vượt biên, dù là những nạn nhân của chế độ cộng sản, đều gọi ngày 30 tháng 4 là ngày “giải phóng” thay vì ngày “mất nước.” Lúc đầu thì tôi còn ngắt lời để đính chỉnh, nhưng với thời gian thì tôi hiểu đây là hậu quả của sự tuyên truyền của Cộng Sản, khó đổi. Họ nói “giải phóng” như Cộng Sản nói, nhưng họ không hề nghĩ đó là giải phóng. Hai chữ giải phóng này chỉ để gọi ngày 30 tháng 4 của theo lối Cộng Sản thôi. Miễn sao tôi hiểu được họ là đủ rồi.

 

Kể một lượt các chuyện bên lề như thế để cho thấy là sự chính xác có thể là một thứ chủ quan, lệ thuộc vào cái tư tưởng của mỗi cá nhân và hoàn cảnh lớn lên của họ. Và như thế thì cái chính xác của một người sẽ không chính xác mấy đối với người khác. Lẽ khác, chính xác quá thì có thể làm cho phức tạp hoá vấn đề, làm người khác khó hiểu hơn, vì không phải ai cũng chú tâm suy ngẫm cho xa vời, mà cái thông thường, cái đơn giản đối với họ là đủ rồi. Thêm nữa, trong đời có những lúc phải chấp nhận sự thiếu chính xác vì cái quyền quyết định không có nằm trong tay mình, hoặc chọn cái chính xác sẽ mất tế nhị. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng hơn hết, cái mà một người cho là chính xác không cạnh tranh nổi với cái thứ thiếu chính xác mà đại đa số coi là đúng, hay là thông dụng.

 

Hiểu như thế thì sẽ thấy đề nghị của ông Nguyễn Hưng Quốc rằng chúng ta cần phải thay thế chữ “chống cộng” với chữ “chống toàn trị” phản ảnh một lối suy nghĩ sách vở, máy móc. Cho dù đảng Cộng Sản không còn bản chất “cộng sản” nữa theo đúng nghĩa từ điển của nó, ông Quốc quên rằng ý nghĩa của chữ có thể biến đổi theo thời gian và có thể chịu ảnh hưởng của lối dùng của giang hồ và từ đó có thể mang thêm những ý nghĩa mới.

 

Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay có thể không còn đề cao chủ nghĩa vô sản và đòi tất cả mọi thứ phải thuộc về cái chung, cái công cộng nữa. Thế nhưng, trong 38 năm qua, hai chữ cộng sản không còn được dùng để chỉ đến một chủ thuyết nữa, nhưng để chỉ đến một đối thủ, một lũ người tự cho mình quyền đứng trên đầu dân tộc, và một nguyên nhân tận gốc của các tệ nạn xã hội đang xẩy ra tại Việt Nam ngày nay. Làm theo đề nghị của ông Nguyễn Hưng Quốc và thay thế chữ chống cộng với chữ chống toàn trị sẽ giúp cho những đảng viên hiện nay và tương lai của chế độ thoát thân, trốn trách nhiệm cho bao nhiêu tội ác của cái đảng cộng sản mà ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng là không còn nữa.

 

Chúng ta không dại gì làm như thế. Nhất là khi chính cái tập thể thống trị đất nước vẫn còn tự xưng là đảng Cộng Sản. Và dù trong tương lai họ có đổi tên hoặc biến thái, chúng ta vẫn có thể thản nhiên tiếp tục làm việc chống cộng, vì nói như thế là mọi người sẽ tự động hiểu mình đang làm việc gì. Bất kể chuyện gì xẩy ra, cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ luôn luôn là cộng đồng tỵ nạn cộng sản, chứ không phải một cộng đồng tỵ nạn sự toàn trị. Những ai đã phải từng đi tù cải tạo hay vùng kinh tế mới, sẽ mãi là nạn nhân của chế độ cộng sản, chứ không phải một chế độ toàn trị. Nguyên nhân của cái sự xuống dốc của nước Việt Nam, thủ phạm của những chính sách tạo sự phân chia giai cấp, không cho phép người miền nam Việt Nam làm dân mà chỉ được làm ngụy - đó chính là đảng Cộng Sản, chứ không phải là sự toàn trị.

 

Kể cả cho đến ngày hôm này, những tệ nạn xã hội tại Việt Nam, từ việc nhiều cô gái phải bán thân mình trở thành cô dâu Đài Loan, đến việc các em phải sống trên các bãi rác tới việc nhượng đất biển cho Trung Hoa, và tất cả những toan tính và kế hoạch để mà khiến cho dân Việt Nam hôm nay không còn biết tử tế với nhau nữa... tất cả những cái đó là do bao nhiêu thế hệ đảng viên Cộng Sản tạo nên, chứ không phải cái sự toàn trị gì cả.

 

Việc chống cộng sản, cho dù có thể không còn mang ý nghĩa theo sách vở, vẫn còn mang nhiều ý nghĩa sâu đậm trong lòng người Việt. Nói đến việc chống cộng là nói lên bao nhiêu sự cay đắng, đau khổ, hy sinh và hy vọng của hơn nửa thế kỷ qua. Cho nên những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước cứ tiếp tục làm việc chống cộng - có lẽ không phải là cái Cộng Sản viết hoa của xưa, nhưng là cái cộng sản viết nhỏ, mà qua nhiều thập niên đã trở thành đối thủ của cộng đồng tỵ nạn, là cái lý do phải có lá cờ vàng để đối nghịch lại với bản chất phi dân chủ của chế độ cờ đỏ, và là ác mộng của gần 90 triệu dân hiện nay đang sống tại quốc nội.

 

Cho nên dùng từ “chống cộng” là trọn vẹn và dễ hiểu nhau nhất, vừa nói lên được cái lịch sử của cộng đồng tỵ nạn chúng ta, cái nguyên nhân của các tệ nạn xã hội Việt Nam hiện nay, và cái nguồn gốc của những kẻ cần phải chống đối và lật đổ ngày nay. Còn chuyển sang chống toàn trị là chống một cái khái niệm, một cái hậu quả, một cái mờ ảo. Nó hàm ý là nếu nhà nước Việt Nam không còn toàn trị nữa thì chúng ta sẽ bỏ qua quá khứ và chấp nhận sự lãnh đạo của những kẻ đã từng giúp cho bộ máy toàn trị hiện hữu trên đất Việt. Điều này hoàn toàn sai.

 

Một ngày nào đó, khi bỏ xuống quyển sách và tham gia vào việc đấu tranh một thời gian, có lẽ ông Nguyễn Hưng Quốc cũng sẽ thấy được thực tế này.



Vũ Nhân Phong

Theo tamthucviet.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn