BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xây dựng lòng tin với nhân dân trước đã

09 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 922)
Xây dựng lòng tin với nhân dân trước đã
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

 


Bài diễn văn đọc tại lễ khai mạc Đối Thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore tối 31 Tháng Năm của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo chí lề phải ra sức ca ngợi.

Ngay một số người từng chỉ trích, lên án những chính sách sai lầm trong kinh tế, trong việc xử lý tham nhũng... gây tai họa cho đất nước của ông thủ tướng cũng cho rằng nên khen ngợi. Vì ông thủ tướng đã dám bóng gió đến những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông, để ngỏ thái độ trước sự can dự của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định đường lối ngoại giao quốc phòng tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc Trung-Mỹ của Việt Nam.

Những người biểu tình chống Trung Quốc thế này ở Hà Nội tiếp tục bị nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

 


Một khái niệm được ông thủ tướng nhắc đi nhắc lại trong bài là “niềm tin chiến lược,” cũng được báo chí lề phải ca ngợi hết lời.

Trong khi đó, những người chỉ trích nhận định bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn chung chung. Ông Dũng vẫn không dám nêu đích danh Trung Quốc là kẻ có mưu đồ độc chiếm biển Đông, không dám nhắc đến dù chỉ một lời những hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam từ xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cho đến việc tìm mọi cách đuổi dạt ngư dân Việt Nam ra khỏi khu vực thuộc lãnh hải của Việt Nam... Ông thủ tướng đã bỏ lỡ một cơ hội tố cáo Trung Quốc với thế giới cũng như công khai bày tỏ mạnh mẽ hơn lập trường, quan điểm của Việt Nam.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc kêu gọi xây dựng “lòng tin chiến lược” với nhà cầm quyền Trung Quốc. Khi từ trước đến giờ Bắc Kinh luôn luôn nói một đằng làm một nẻo, luôn luôn tuyên bố trỗi dậy hòa bình không gây phương hại đến bất cứ quốc gia nào nhưng những hành động trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Riêng người dân Việt Nam đã có quá đủ những kinh nghiệm cay đắng về việc đảng và nhà nước cộng sản ngây thơ đặt lòng tin sai chỗ vào đảng và nhà nước Cộng sản Trung Quốc. Tin vào việc cùng ý thức hệ, cùng một học thuyết, một mô hình thể chế chính trị giống nhau, sau đó lại tin vào mối quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng giữa hai nước, đúng ra là giữa hai đảng.

Lòng tin ấy đã đem lại những gì, từ việc hy sinh xương máu của nhân dân lao vào cuộc chiến với Mỹ đến cùng để cuối cùng Trung Quốc là kẻ hưởng lợi lớn nhất, cho đến việc Hoàng Sa, Trường Sa bị mất vào tay Trung Quốc, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và vô số bằng chứng khác nữa. Liệu có thể nào đặt lòng tin ở một “đối tác” như vậy?

Thực tế cho thấy, mọi liên minh giữa các quốc gia dù sâu sắc đến đâu chăng nữa cũng không thể lớn hơn lợi ích của mỗi nước, huống hồ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có xung đột lợi ích là lãnh hải.

Đó là chưa kể, muốn kêu gọi lòng tin ở nước khác thì trước hết, chính mình phải đáng tin. Trong đối ngoại từ trước đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam có khiến cho thế giới tin cậy chưa khi đường lối chính sách của họ thường không rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Còn trong những vấn đề khác thì Hà Nội đã nhiều lần chứng tỏ họ cũng không khác Bắc Kinh khi thường xuyên “nói một đằng làm một nẻo.” Họ chẳng coi luật pháp, quy ước quốc tế mà chính họ cũng đã đặt bút ký ra cái gì khi thẳng tay đàn áp tự do ngôn luận, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, đàn áp tôn giáo, chà đạp lên nhân quyền...

Giữa lúc Myanmar ngày càng có những bước tiến bộ rõ ràng về hướng tự do dân chủ thì ngược lại, hồ sơ về nhân quyền, tự do dân chủ của Việt Nam ngày càng có chiều hướng xấu đi.

Ngay sau khi ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi xây dựng “niềm tin chiến lược” với kẻ đang bắt nạt và có mưu toan thôn tính Việt Nam lâu dài, thì người dân Việt Nam đã biểu lộ thái độ theo cách của mình. Đó là biểu tình nhằm phản đối những hành động vi phạm lãnh hải, bắn phá tàu cá của ngư dân Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều từ phía Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Như dự đoán trước, cuộc biểu tình xảy ra vào sáng ngày Chủ Nhật, 2 Tháng Sáu tại Hà Nội, đã bị đàn áp dữ dội và dập tắt nhanh chóng. Nhiều người bị bắt đưa về trại “phục hồi nhân phẩm” Lộc Hà, nay được đổi tên là Trung Tâm Lưu Trú Lộc Hà, ở ngoại thành Hà Nội, bị thẩm vấn và giữ đến chiều tối mới thả ra. Một số bị đám công an, an ninh và côn đồ được công an thuê, đánh đập dã man.

Thời buổi Internet, ngay lập tức những hình ảnh về sự đàn áp của công an Việt Nam đối với người biểu tình đã được đưa lên mạng, cùng với những câu chuyện kể chi tiết, sinh động của những người trong cuộc bị bắt, bị đánh. Một lần nữa, không chỉ trong nước mà cả thế giới lại được chứng kiến sự thật về đường lối, chính sách trước sau như một “hèn với giặc, ác với dân” của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Nếu như hành động của đám công an, an ninh, dân phòng... đối với người đi biểu tình ngày càng trở nên tàn bạo, vô văn hóa, bất chấp luật pháp, lẽ phải, lương tri-chứng tỏ đang ở vào thế phi nghĩa, thì những lập luận của họ cũng vậy.

Đọc những bài viết của người biểu tình về những lần tranh luận với đám công an, an ninh, hoặc nếu đọc qua những phản hồi của đám “dư luận viên” nhan nhản ở trên mạng, người ta nhận thấy họ chỉ lặp đi lặp lại một số luận điệu cũ rích đến nhàm tai, chứng tỏ đã cùn lý lắm rồi.

Chẳng hạn, với những người đi biểu tình, thì phủ dụ: “Chuyện biển đảo, chuyện bảo vệ đất nước đã có nhà nước lo, hãy lo làm việc cho tốt, giúp đất nước trở nên giàu mạnh đủ sức đương đầu với Trung Quốc. Như thế mới là yêu nước một cách thiết thực...” Hoặc: “Về những chuyện này, đảng ta, nhà nước ta đã có chủ trương, đường lối hết cả.

Biểu tình như thế có ích gì, bộ biểu tình thì Trung Quốc sợ hay sao.” Hoặc khích bác: “Các nhà dân chủ bàn phím đừng yêu nước bằng máu của người khác, đừng lợi dụng hai chữ yêu nước.”

Hai luận điệu thường gặp nhất, một là hèn nhát, tự hù dọa mình: “Trung Quốc bây giờ mạnh lắm, to lắm, cả thế giới đều phải sợ, bà con biểu tình như vậy chỉ tạo cớ cho Trung Quốc đánh ta, mà đánh nhau bây giờ là hao tốn xương máu nhân dân.” (Giá mà trước kia, trong cuộc chiến tranh với Mỹ, đảng cộng sản cũng biết nghĩ đến cái giá máu xương của dân tộc thay vì đánh đến cùng, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn,” hoặc xua cả dân tộc vào cuộc chiến với niềm kiêu hãnh Việt Nam là tuyến đầu, ta đánh đây là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc!).

Thứ hai là bôi nhọ những người biểu tình: “Biểu tình là làm loạn, những người đi biểu tình là do các thế lực thù địch bên ngoài xúi giục, cho tiền, lợi dụng phản đối Trung Quốc nhưng thật ra là chống phá chế độ” v.v...

Chúng ta thấy gì qua tất cả những lập luận được nhai đi nhai lại này?

Nói một cách ngắn gọn, nếu như những hành động đàn áp, đánh đập người biểu tình chứng tỏ nhà nước này đã tự đứng về phía đối lập với nhân dân, chống lại người dân yêu nước cũng có nghĩa họ là những kẻ phản nghịch, tay sai cho Trung Cộng, thì những lập luận trên dù cùn nhụt, sai lè lè nhưng nó phản ánh cái suy nghĩ thật của đám công an, an ninh nói riêng và nhà nước này nói chung.

Đó là sự khiếp nhược trước nước láng giềng phương Bắc, chưa đánh đã hàng. Là chỉ lo sợ cho sự an toàn của đảng, của chế độ. Còn đối với người dân, không tin dân, coi dân như kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch xui giục.

Kể cũng lạ, với nhân dân mà nhà nước không tin, lại đi tin nước láng giềng. Sao không tìm cách sửa đổi, xây dựng lòng tin chiến lược với nhân dân mình trước đã mà lại đi kêu gọi niềm tin chiến lược với kẻ thù truyền kiếp?

Có niềm tin của nhân dân, một chế độ mới có thể tồn tại lâu dài và có đủ sức mạnh tinh thần, nội lực để đương đầu với mọi âm mưu xâm chiếm lãnh thổ từ bên ngoài. Không tin vào chính mình, không có lòng tin của nhân dân, cũng không có sự hỗ trợ của các nước đồng minh thực sự, điều đó lý giải thái độ “hèn với giặc ác với dân” của nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay.

Và khi còn tiếp tục theo đuổi đường lối chính sách này thì chỉ càng thất bại với nhân dân và khiến cho Trung Cộng được nước lấn tới mà thôi.

 Song Chi

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn