BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tưởng niệm nghệ sĩ Võ Đình

04 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 1218)
Tưởng niệm nghệ sĩ Võ Đình
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00


Nhà văn/ họa sĩ Võ Đình

Nghệ sĩ Võ Đình.


Tên thật là Võ Đình Mai sinh năm Quý Dậu 1933 tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm của thập niên 1950 du học ở Lyon và Paris, Pháp. Năm 1961, triển lãm họa phẩm đầu tiên ở New York City. Từ đó tham dự hơn 40 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở Châu Âu, Châu Á, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ.

Năm 1970, hai tác phẩm đầu tiên được xuất bản The Jade Song (nhà xuất bản Chelsea và The Toad Is The Emperor's Uncle (nhà xuất bản Double Day). Tổng cộng đã có hơn 40 tác phẩm được ấn hành từ sáng tác, dịch thuật, minh họa, trong đó có ấn bản Anh, Pháp, và Việt ngữ. Những tác phẩm Việt ngữ có thể kể đến là Tuyển Tập Võ Đình, Lầu Xép, Xứ Sấm Sét, Sao Có Tiếng Sóng, Rừng Mắm Văn Nghệ, Mây Chó, Huyệt Tuyết.
 
Võ Đình là một họa sĩ và dịch giả chuyên nghiệp, nhưng cũng là một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam.
 
Ông từ trần ngày 31 tháng 5 năm 2009 ở tuổi 77.






Tại sao tôi không gọi là Võ Đình họa sĩ, Võ Đình nhà văn, Võ Đình thi sĩ, Võ Đình dịch giả, mà gọi là Võ Đình nghệ sĩ? Bởi, tôi thấy chất nghệ sĩ trùm lấp trong văn chương ông và cả cuộc sống ông. Vẽ tranh, viết truyện, dịch sách, làm thơ, ông đều có cái phong thái của một người vừa đam mê, vừa trân trọng, nhưng lại có một chút mơ mộng của những người muốn vượt qua cảnh giới hiện tại để đi đến một bến bờ nào xa xăm và nhiều khám phá hơn.
…
Võ Đình thỉnh thoảng mới làm thơ, nhưng thơ ông như một bức tranh mà những gam màu hài hòa giữa thiên nhiên và nội tâm con người. Thơ ông ở trong trạng thái tĩnh, nhưng lại có tác dụng mạnh mẽ vào cảm quan người đọc.
 
Đọc thử một bài “Nắng Thu Phong”, tôi cảm thấy một không gian rất tĩnh lặng nhưng lại ngầm chứa nhiều xung lực. Giữa lá bay và lá rụng, có điều gì như chống chỏi nhau nhưng lại hài hòa với nhau. Lá không bay nữa mà lá rụng, như cuộc tử sinh đã sẵn bày rồi ai ai cũng phải đi qua. Thực tình, diễn dịch thơ là điều không bao giờ chính xác, tôi biết thế. Nhưng, tôi muốn nói lên một ít suy nghĩ chủ quan của mình, một độc giả yêu thơ:
“
Từ miền xa ta đến chốn này
rừng phong xơ xác lá vàng bay
ngồi coi mây trắng bay qua núi
cười cuộc ba sinh luống tháng ngày
ngày đêm mây trắng ngủ trên ghềnh
trời thở dài đất cũng làm thinh
lá rừng phong lá không bay nữa
lá rụng tơi bời lối tử sinh”
 
Với Võ Đình nhà văn, cái cảm nhận đầu tiên từ những bài viết của ông là một không gian lãng đãng của một khí hậu văn chương tạo cảm giác man mác, có hiện thực và mơ mộng. Ông đi nhiều, sống ở nhiều nơi, nhiều đất nước nên kinh nghiệm đời phong phú đã thành vốn liếng để ông sử dụng trong thơ văn và hội họa. Truyện ngắn của ông, là những mảnh phác họa đời sống và hơn nữa, lẩn khuất những phần nội tâm sâu kín.
 
Phần đông những bài viết của Võ Đình ở thể đoản văn, gọi là tùy bút cũng đúng mà gọi là tản văn hoặc tiểu luận cũng không sai. Ông thường nhấn mạnh đến hai thể loại. Truyện và chuyện. Truyện là những sự kiện đã qua được viết ra có bố cục lớp lang và có cả những hư cấu nữa. Còn chuyện là nghĩa từ chuyện trò, chuyện vãn, là những chuyện bàn bạc về những đề tài có khi là từ cuộc sống, có khi là từ văn chương.…

Dù là truyện hay chuyện, tất cả những đoản văn của Võ Đình đều phát xuất từ những kinh nghiệm riêng của những năm ăn nằm với nghệ thuật với sách vở. Thêm nữa, là tình quê hương của một người xa xứ quá lâu, nồng đượm trong từng câu văn từng nét bút.

Đọc “Một món tết thật mặn mà”, để thấy một Võ Đình tha thiết với quê hương đến bực nào. Món ăn, không là thuần túy thực phẩm, mà còn là những cái để nhớ về, để gợi lại một thời kỳ xưa, không chỉ ở trong những tấm ảnh quê hương bạc màu thời gian. Món ăn mặn mà ấy, giản dị:
“…
Trên cái mâm sơn tróc vỏ là một đĩa rau luộc. Một đĩa rau dền đỏ. Và bên cạnh là một chén nước tôm kho đánh. Mùi rau dền chính cống và mùi nước ruốc chính hiệu nai vàng thơm lừng. Rau mới luộc tươi ngon. Nước mắm mới kho, lấm tấm màng mỡ ớt đỏ rực, còn nóng, còn bốc khói. Cô Tâm nói:

-Em bưng qua Anh thời cơm túi. Anh đừng cười Anh hí! Em mô dám bày vẽ.

Tôi nhìn cô Tâm, rồi nhìn cô Hằng em tôi, rồi tôi nhìn xuống đĩa rau và chén nước chấm. Tôi muốn khóc nhưng tôi chỉ cười. Tôi nói:

-Trời ơi! Ngon quá ri!
….
 
Võ Đình người Huế và ông yêu nơi chốn mà ông đã sinh ra và lớn lên. Nhưng không phải như vậy mà ông thành người viết mang chất đặc thù địa phương của sông Hương núi Ngự. Từ những cảnh thổ, của đất nước Việt Nam hay xứ người, ông đều yêu mến thật tình và gắn bó với cái tâm của một người …. Phương Đông hay phương Tây, quê cũ hay xứ người, nếp sống cổ kính xứ Huế hay những phong tục ở những xứ lạ mà ông từng đến, từng sống để viết và vẽ,..
 
Nhà thơ Crystal Brown, một trong những chủ biên của tạp chí Antietam Review đã hỏi Võ Đình:
“
“-Thời gian xa cách Việt Nam yêu dấu thật sự đã ảnh hưởng anh như thế nào. Anh, như một nghệ sĩ. Và ngay trong lòng anh, có sự xung đột Đông Tây nào chăng?
 
Võ Đình: Không, không có, không còn sự xung đột nào chị ạ! Hai con sông Đông và Tây đã hợp lại với nhau và xuôi dòng qua tôi. Đối với tôi, chuyện cầm bút, cầm cọ, thật ra đâu có khác gì cuộc sống hàng ngày, chuyện làm vườn, làm việc nhà. Giả sử tôi đang lau sàn nhà đi. Tôi không thắc mắc giờ này phải cầm cọ vẽ hay cầm bút viết. Không phải lúc cầm cái cán ‘mốp’ lau nhà. Lau nhà lúc đó cũng là một công việc quan trọng như vẽ hay viết thôi.””
 
Tùy bút là một thể văn viết dễ mà khó. Viết về cái mình nghĩ, cái mình cảm, có lẽ dễ hơn là dùng trí tưởng tượng để tái tạo lại những sự kiện thành một thế giới riêng. Nhưng, cái khó là viết được những điều mà người khác cũng cảm được, cũng chia sẻ cái nghĩ cùng mình. Với Võ Đình, qua gần nửa thế kỷ cầm bút và cầm cọ, từ 20 năm văn học miền Nam đến gần 30 năm văn học hải ngoại, đã tạo riêng cho mình một sắc thái nghệ thuật độc đáo. Ông viết tùy bút bằng nghệ thuật của một người cầm cọ vẽ và tâm hồn lãng mạn của người làm thơ. Có thể, chỉ bắt nguồn từ một việc, một người mà chữ nghĩa đã phiêu du đi thật xa, đến thế giới nửa hiện thực nửa huyền ảo. Hiện thực vì nó mang hơi thở của cuộc sống. Huyền ảo bởi những nét vờn sương khói của những cơn mơ, của những tưởng tượng bước sải đi trong không gian nhiều chiều đầy cảm giác.
 
Đọc những truyện ngắn như “Chiếc Vòng” hoặc “Huyệt Tuyết” của Võ Đình, thấy được nét cẩn trọng trong suy tư cũng như tài hoa trong ngôn ngữ của ông. Những truyện ngắn có phong thái khác lạ làm người đọc lạc vào trong một thế giới lãng đãng phân hai giữa thực và mộng, giữa đêm Liêu trai phương Đông, giữa ngày náo động của phương Tây. 

 Những truyện ngắn tiêu biểu được chọn in trong Tuyển Tập Võ Đình gồm 30 truyện trích trong những tập in trong khoảng gần 30 năm: “Xứ Sấm Sét”, “Lầu Xép” , “Huyệt Tuyết”, “Mây Chó”, “Trời Đất”. Thật ra, nếu tuyển chọn rộng rãi một chút thì số lượng phải nhiều hơn. Tả cảnh, tả tình, kể chuyện, tất cả là một nghệ thuật được nâng cao với Võ Đình. Như, chỉ tả một con chim mà tạo được một không gian huyền ảo và gây được những kích động tâm lý người đọc trong truyện “G”. Phải là người yêu cái đẹp và có khiếu thẩm mỹ cao độ mới có thể viết được những đoạn văn đẹp như những câu thơ văn xuôi óng ả. Không gian mù sương của một nơi chốn yên tĩnh đã tạo thành hình ảnh không phải là một con chim bình thường mà còn là ảo giác cũa những cảm xúc tạo thành vẻ diễm lệ khó tìm được trong hiện thực. Từ nhìn ngắm cánh chim để suy nghĩ xa hơn, đến những điều tuy gần cận trong đời sống nhưng ít để ý, nay bỗng hiện ra trong cảm giác lạ lùng. Chỉ với một cái lông chim còn sót lại mà tạo thành một nỗi xúc cảm mạnh mẽ đến phát khóc:
 
“Tôi cúi nhặt một cái lông cánh, một cái lông dài màu lục mà tôi mà tôi vẫn thường ví với ngọc thạch ‘tourmaline’. Tôi nhìn cái cánh chim hồi lâu rồi tôi dim mắt chìa cái lông ra theo hướng ánh sáng mặt trời. Rồi tôi xoay nó lại qua chiều khác, để nó ngược lại hướng ánh sáng mặt trời. Nhưng cái lông chim tuyệt đẹp chỉ còn lại một màu lục tầm thường, không phản ánh hỏa hoàng và huyết dụ nữa như tôi đã từng thấy khi nó còn dính liền nguyên vẹn với hình hài của G….”
”
 Chắc chắn Võ Đình không phải người chỉ đơn thuần kể chuyện. Đọc truyện ngắn “Người Chạy Bộ” để thấy nhiều sự kiện cứ nối tiếp nhau với không gian khác, thời gian khác nhau. Người đàn ông tuổi ở giữa 40 và 50, mỗi ngày chạy bộ tập thể dục với hình ảnh người đẹp ám ảnh. Nhìn mây, anh ta cũng tưởng tượng như đang nhìn thấy một hình dáng cơ thể đàn bà gợi cảm. Để rồi tơ tưởng mãi một người đẹp mà anh ta gọi là Kiều, một người mỗi tuần gặp một lần trong chuyến xe lửa đi làm. Hình ảnh người đàn bà với sợi tóc mai phơ phất, với mùi hương nồng nàn, với nịt ngực màu cánh sen, cứ ám ảnh mãi trong tưởng tượng. Trong khi chạy bộ, anh nghĩ về mối tình chồng vợ của mình thuở vừa lớn, rồi lan man nghĩ đến chuyện tình giữa Cô Sao và Chú Chín mà anh biết đến lúc còn bé. Anh nhớ đến tuổi mười ba, nhìn thấy cái quần lót của cô Sao phơi trên giây khiến dục tính căng trào và đã xuất tinh trong cái cảm giác kỳ lạ. Kết truyện, khi nhìn thấy nàng Kiều trong mộng của mình lúc gặp chồng con còn quay ngước lại nhìn anh với cái nhìn giống y hệt mắt con nai bị săn đuổi ngày xưa ngước nhìn trước khi chết.
 
Không hiểu mẫu người đàn ông bị ám ảnh nặng nề của dục tính này có thực sự trong cuộc đời không? Tôi nghĩ có lẽ rất nhiều người trong chúng ta, ai mà chẳng có lúc bồi hồi xôn xao trong cái nửa kín nửa hở của ngọn vu sơn và lạch đào nguyên. Ai mà chẳng có lúc tưởng tượng đến điều xa hơn những phần da thịt ẩn hiện. Những cảm giác ấy, những liên tưởng ấy đã làm cho “truyện” của Võ Đình có chất lãng mạn. Trong những lần chạy bộ hoặc những chuyến xe lửa đi về có chất tĩnh trong cái động, con người như trong hai không gian, hai thái cực. Chạy bộ, di chuyển trong khung cảnh những ngã đường vắng vẻ. Đi tàu, di chuyển trong chỗ ngồi cố định, âm thầm suy nghĩ một mình....
 
Có người đọc truyện “Marie Louise” và cho rằng đây là một chuyện đậm đặc dâm tính. Nhưng có người lại cho rằng đó là một khám phá nội tâm con người qua chuyện sinh lý. Truyện một người đàn ông có một người tình “bé bự” và tìm khoái lạc trong cách làm tình với đôi vú khổng lồ. Người đàn bà dâng hiến thật tình trong khi người đàn ông thì lợi dụng thể xác một thời gian rồi cũng chán và không giao tiếp nữa. Truyện chỉ có thế nhưng qua lời kể của người đàn ông khi về già lại là những hồi ức về một xúc cảm đã có, cũng như đi vào những trạng thái tâm lý tuy có vẻ bất thường nhưng thực ra bình thường với một con người. Những khám phá tâm sinh lý đã làm nổi bật lên phong cách riêng của lối sử dụng con chữ thật lãng mạn và đầy cảm xúc.
 
Một truyện khác, “Án Mạng” lại có không khí nửa quái đản nửa hiện thực. Người đàn ông ghen giết vợ và tình địch bằng một cây gậy gỗ. Mà tình địch lại là một chú rùa già đang sống ở hồ nước sau nhà. Truyện kể người đàn ông lúc nào cũng bên cạnh một hỏa diệm sơn bốc lửa của thân hình sexy và tâm tính lẳng lơ của người vợ nên lúc nào cũng ghen tuông và rình mò trong cái thèm muốn ẩn ức sinh lý. Lần đánh chết con rùa và người vợ, anh gặp một cảnh thật ướt át gợi tình, người vợ thủ dâm với bàn tay và cổ của chú rùa.…
 
Truyện của Võ Đình là tổng hợp của hiện thực và hư cấu huyền ảo. Không gian của ông thường bàng bạc trong màn sương, của những gam màu mà bóng tối nhạt nhòa giữa ánh sáng. Và, nhân vật của ông, dù đầy ắp chất nhân bản nhưng cũng nhiều mặt trộn lẫn nhau. Những nhân vật ấy, sống nhiều với bản năng nhưng cũng suy tư và mơ mộng như những nghệ sĩ lãng mạn.
 
Với những tùy bút, viết từ những niềm hoài nhớ, từ đời sống đã xưa, từ quê hương đã khuất, tôi như nhìn thấy được một người lúc nào cũng băn khoăn và đi tìm cái mới trong chữ nghĩa. Đọc tác phẩm Võ Đình, tôi như lạc vào một thế giới mơ hồ nào, mà ở đó, âm thanh, màu sắc, tưởng tượng, suy tư, tất cả làm thành một không gian như đã có từ rất lâu trong hồi ức của một đời người.
 
Văn xuôi của Võ Đình, là tổng hợp của nhiều bộ môn thơ, họa, và văn. Từ bút pháp đến suy tưởng, đều ở trong hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Với ông, nghệ thuật nhiều lúc chẳng phải là những điều cao xa mà chính là những sự kiện rất bình thường của cuộc sống hàng ngày.

Nguyễn Mạnh Trinh

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn