BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

29 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1276)
Vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
2.52
Có thể nói rằng, so sánh với các quân đội khác trên toàn thế giới thời cận đại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong gần hết thời gian có cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), là lực lượng quân sự duy nhất mang trên vai hai trọng trách cùng một lúc: bảo vệ an ninh quốc gia và quản trị guồng máy hành chánh đất nước.



Việc thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ nặng nề này, tức là việc các thành viên thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa đánh giặc vừa trị nước, có vẻ như đã đặt chế độ quân nhân (military regime) tại Miền Nam Việt Nam vào vị thế của những chế độ quân phiệt (militarism, militaristic regime) cùng thời hay sau này trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia kém mở mang ở Nam Mỹ (Argentina [Á Căn Đình], Brazil [Ba Tây], Chile [Chí Lợi], El Salvadore, Haiti, Nicaragua, Panama, Peru...), Á Châu (Bangladesh [Đông Hồi cũ], Indonesia [Nam Dương], Iraq, Myanmar [Miến Điện cũ], Nam Hàn, Pakistan [Hồi Quốc], Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...) hay Phi Châu (Algeria, Cộng Hòa Trung Phi, Congo-Brazaville và Congo-Kinshasa, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Libya, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Uganda...), và ngay cả tại những quốc gia không Cộng Sản và tân tiến ở Âu Châu như Hy Lạp (1967-1974), Bồ Đào Nha (1926-1974) và Tây Ban Nha (1923-1975).

Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Dù Miền Nam Việt Nam luôn nằm trong tình trạng chiến tranh - đất nước đã được Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần thời Đệ Nhất Cộng Hòa tuyên bố nằm trong “tình trang lâm nguy” từ năm 1963 - chế độ quân nhân dưới quyền các sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đem lại nhiều tự do, dân chủ hơn cho người dân so với các quốc gia cùng thời nằm dưới các chế độ quân phiệt trên toàn thế giới và vẫn được đại đa số dân chúng kính trọng và thương yêu, đi đâu theo đó, từ trong nước ra tới hải ngoại. Còn nếu có một số thành phần dân chúng tại Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích quân đội này trong nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa cai trị đất nước thì đó cũng chỉ là chuyện bình thường trong một quốc gia thực sự có tự do, dân chủ.

Riêng trong hoàn cảnh đặc biệt của Miền Nam Việt Nam, những lời chỉ trích nào nhắm vào tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà không nằm trong các quyền tự do, dân chủ hiển nhiên kia của dân chúng thì đều phát xuất từ luận điệu tuyên truyền của phe cộng sản -mà vào lúc đó đang là kẻ thù nỗ lực thôn tính Miền Nam tự do - hay từ những lời chỉ trích đầy ác ý và mang tính đạo đức giả của phe tả trên toàn thế giới chỉ mong sao Cộng Sản sớm chiến thắng tại Việt Nam rồi hậu quả ra sao thì cũng mặc kệ, bởi vì chính dân chúng Miền Nam Việt Nam, chứ không phải họ, là kẻ phải hứng chịu tai họa - như thực tế đã chứng minh từ hơn ba thập niên qua - trong khi về phần họ thì bất quá chỉ việc chịu khó lên báo, lên đài đặng biểu tỏ lòng ăn, năn hối hận qua quýt cho việc làm xuẩn động của mình trước kia là xong (như Joan Baez - và cả Jane Fonda nữa - đã làm, chứ John F. Kerry thì chưa).

Bài viết sau đây có mục đích làm sáng tỏ chính nghĩa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt giai đoạn lịch sử bi tráng vừa qua của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khẳng định rằng chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa là nhu cầu tất yếu của lịch sử, là lẽ sống còn của một đất nước đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình và chỉ là một hiện tượng tạm thời chứ không mang tính lâu dài. Và dĩ nhiên là chế độ quân nhân lãnh đạo tại Miền Nam Việt Nam không hề là chế độ quân trị (military rule) hay chế độ quân phiệt (militarism).

* Vai trò vừa quân sự vừa hành chánh của Quân Lực Việt Nam có tự bao giờ?

Những người Miền Nam Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, trước và sau năm 1975, vẫn coi ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, Ngày Quân Lực của Miền Nam Việt Nam, là ngày tập thể chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức đảm nhiệm vai trò lịch sử điều khiển đất nước và chỉ huy nỗ lực chiến đấu tự vệ của Miền Nam tự do chống lại cuộc chiến tranh thôn tính của Cộng Sản Bắc Việt, có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Miền Nam Việt Nam hỗ trợ. Sự thực thì thời điểm kể trên không phải là ngày quân đội bắt đầu đảm đương cùng một lúc cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại Miền Nam Việt Nam mà chỉ là ngày mà tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chính thức lên nắm giữ vai trò đó qua buổi lễ ra mắt trước quốc dân và quốc tế Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch) tại thủ đô Sài Gòn. (Trước đó, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đã ra tuyên cáo “long trọng trao trả lại cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia đã được Hội Đồng Quân Lực ủy thác” cho chính quyền dân sự dưới quyền lãnh đạo của hai vị chiếu theo Quyết Định Số 4 ngày 16 Tháng Hai năm 1965, tức là cách đó ba tháng.)

Cái ngày mà giới quân nhân trong quân đội bắt đầu đảm đương cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại Miền Nam Việt Nam thật ra đã xảy ra từ sáu, bảy năm trước đó, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau khi Cộng Sản Bắc Việt chính thức cho ra đời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 20 Tháng Mười Hai năm 1960, đặng làm bình phong che đậy việc chính họ đưa quân vào đánh chiếm Miền Nam Việt Nam để đặt miền đất tự do này dưới quyền cai trị độc tài của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước tình hình các lực lượng Việt Cộng (Mặt Trận Giải Phóng) ngày càng gia tăng các vụ ám sát viên chức xã, ấp rồi đánh chiếm các làng mạc và cả các quận lỵ tại Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong vai trò tổng tư lệnh quân đội chiếu theo Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa, đã phải thay thế các chức vụ quận trưởng và tỉnh trưởng tại những vùng chiến sự đang sôi động do các viên chức dân sự (ngạch phó đốc sự hành chánh trở lên) đảm nhận sang cho các sĩ quan quân đội, với các sĩ quan cấp đại úy đảm nhiệm chức vụ quận trưởng và sĩ quan cấp tá làm tỉnh trưởng. (Vị đại úy quận trưởng danh tiếng nhất thời đó là Đại Úy Bùi Thụ, quận trưởng Quế Sơn tại Quảng Nam, đã tử trận sau khi ông tình nguyện ở lại tử thủ với vị đại úy quận trưởng kế nhiệm trong đêm Việt Cộng tấn công tràn ngập quận lỵ Quế Sơn vào đầu năm 1962, chỉ mấy tháng trước khi chính vị tổng tư lệnh quân đội bị quân đảo chánh hạ sát). Phải biết rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu rất cảnh giác trong chuyện trao cho giới quân nhân quyền hành lớn trong một đất nước mà hai nhà lãnh đạo này đang muốn chuyển đổi từ một quốc gia bất an về chính trị sau năm 1954 để trở thành một nền dân chủ trẻ trung tại Đông Nam Á. Nhưng chuyện chính quyền Ngô Đình Diệm đã phải chấp nhận giao quyền hành chính và quân sự cho giới quân nhân cho thấy vai trò của quân đội từ những năm đầu thập niên 1960 đã trở nên vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của Miền Nam tự do giữa lúc các lực lượng cộng sản từ Miền Bắc đang gia tăng nỗ lực thôn tính Miền Nam. (1)

Mới cách đó ít lâu thôi, vào năm 1955, chính Đại Tá Dương Văn Minh, vị anh hùng Rừng Sát, đã là một đại biểu sáng chói của tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò bảo quốc an dân, đánh dẹp nội loạn để bảo vệ chính quyền tự do, dân chủ còn non trẻ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm qua cơn nội loạn trong buổi giao thời lúc chính quyền Miền Nam Việt Nam vừa mới được hình thành sau Hiệp Định Geneva năm 1954.

Cuộc đảo chánh chống chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 do Trung Tướng Dương Văn (Big) Minh và các Tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thực hiện - có sự yểm trợ của chính quyền Kennedy từ Hoa Kỳ thông qua Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam - và những năm tháng sau đó có thể được coi là thời điểm duy nhất mà Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã tóm thâu mọi quyền hành chánh và quân sự vào trong tay họ và đặt Miền Nam Việt Nam dưới một chế độ quân trị (milirary rule) mang tính cách quân phiệt (militarist) trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Tình thế hỗn quân, hỗn quan lúc bấy giờ tại Miền Nam Việt Nam (đảo chánh và chỉnh lý liên tiếp ngay bên trong hàng ngũ các Tướng lãnh đã lật đổ Tổng Thống Diệm, với quyền lãnh đạo phe quân nhân cầm quyền từ tay Trung Tướng Dương Văn Minh chuyển sang Trung Tướng Nguyễn Khánh rồi sau cùng là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu) cộng với các cuộc tấn công dồn dập về mặt chính trị (Cộng Sản xúi giục dân chúng biểu tình gây rối loạn trên đường phố, tại các học đường và trong các chùa chiền...) và quân sự (với những vụ ám sát các viên chức xã, ấp cùng những cuộc tấn công tràn ngập các tiền đồn hẻo lánh, xã ấp riêng rẽ và cả những quận lỵ và tỉnh lỵ phòng thủ yếu kém...) là động cơ chính yếu buộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa phải nắm quyền cả về mặt quân sự lẫn mặt hành chánh.

Nhưng sau thời gian xáo trộn và náo loạn ngoài ý muốn của tất cả các thành phần quân sự cũng như dân sự tại Miền Nam Việt Nam, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, ít nhất cũng đã một lần, chứng tỏ thiện chí muốn trao trả quyền hành lại cho phe dân sự để dành thì giờ chiến đấu chống cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt từ Hà Nội (mà vào lúc đó đã trở thành công khai với việc Cộng Sản Bắc Việt thiết lập Đường Mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo sườn phía Tây của dãy Trường Sơn đặng đưa người và vũ khí xâm nhập vào Nam, yểm trợ tối đa cho các lực lượng du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở những cuộc tấn công quy mô vào các làng mạc và thành thị tại Miền Nam Việt Nam). Đó là vào ngày 5 Tháng Năm năm 1965 khi Hội Đồng Quân Lực (trước đó là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng) dưới quyền các Tướng lãnh trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã trao quyền cai trị đất nước về cho các chính trị gia thuộc phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam với một chính phủ dân sự dưới quyền Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát.

Điều không may là phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù gồm nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều chuyên gia lỗi lạc và nhiều nhà khoa bảng từ ngoại quốc trở về, đã không thể nào vừa điều hành đất nước một cách hữu hiệu vừa bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, bởi vì tình trạng “thù trong, giặc ngoài” chẳng những đã không giảm bớt mà ngày một gia tăng, với tình hình an ninh đất nước lúc đó được mô tả là hết sức nguy ngập khi cường độ tấn công, phá hoại của Cộng quân tại các địa phương đã gia tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và các lực lượng quân sự tại chỗ. Việc gì phải đến, đã đến. Sau mới ba tháng đứng ra “lèo lái con thuyền quốc gia” mà không xong, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, phe dân sự, dưới quyền của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát, đành phải ra tuyên cáo trao trả lại quyền cai trị đất nước cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. (2)

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò lãnh đạo đất nước chiến đấu chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược.
Sau khi được trao quyền, vào ngày 12 Tháng Sáu năm 1963, trong một cuộc họp quy tụ tất cả những tướng lãnh đang nắm các trọng trách trong quân đội từ cấp tổng tham mưu trưởng, tư lệnh các vùng chiến thuật cho đến các tư lệnh quân, binh chủng, Hội Đồng Quân Lực đã đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (tương đương tổng thống), và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương thủ tướng) mới được giao, đã tiến hành thiết lập thể chế và các cơ cấu quốc gia cùng lập nên một Nội Các Chiến Tranh để thực hiện việc tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng Sản xâm lược và phát triển đất nước.

Ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, trong một buổi lễ ra mắt được long trọng tổ chức tại thủ đô Sài Gòn, các thành phần trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, nhận trách nhiệm làm thành phần tiền phương của quân, dân Miền Nam Việt Nam trong vai trò chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ đất nước và điều khiển chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục để xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường có thể sánh vai cùng các quốc gia khác trong cộng đồng thế giới.

Trong vai trò mới, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở hậu phương thì lo xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, diệt trừ những mầm mống nằm vùng bạo loạn và phát triển kinh tế, ngoài tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống những đợt sóng xâm lăng của cộng sản ngày càng mãnh liệt từ Miền Bắc tràn vào. Như vậy, ngày 19 Tháng Sáu năm 1965 là ngày đánh dấu sự kiện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng lên gánh vác trách nhiệm lớn là bảo vệ nền tự do và độc lập của Miền Nam Việt Nam đồng thời làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng cộng sản tại Đông Nam Á.

Nhưng giới lãnh đạo quân sự tại Miền Nam Việt Nam, tức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì ý thức cao độ rằng cuộc chiến đấu tự vệ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản từ ngoài Bắc vào không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quân sự mà là một trận chiến phối hợp giữa các mặt trận quân sự và chính trị cũng như kinh tế, đồng thời còn cảnh giác cao độ về vai trò sinh tử của một chế độ tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh một mất, một còn với phe Cộng Sản quốc tế, đã phải tìm cách chuyển đổi chế độ hội đồng quân nhân cầm quyền (military junta) hiện có sang một thể chế dân chủ hợp hiến và hợp pháp mới mong nâng cao uy tín của Việt Nam Cộng Hòa trên trường quốc tế.

Từ 1966 tới 1967, mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng ác liệt trên khắp các mặt trận tại Miền Nam Việt Nam - với sự can dự trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng Đồng Minh như Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, và Thái Lan - chính quyền Miền Nam Việt Nam dưới quyền của các Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với sự hỗ trợ của chính phủ, dân chúng và quân đội Đồng Minh Hoa Kỳ, quyết tâm tổ chức các cuộc tuyển cử tự do để thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa thay thế cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cáo chung sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1963.

Với các chủ trương và đường lối đúng đắn đó, lần lượt các cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Hội và Hội Đồng Tỉnh, Thành được mở trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa để bầu ra, trước hết, một Quốc Hội, rồi sau đó là một vị tổng thống dân cử đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam, mặc dù các chức vụ quan trọng như tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh cảnh sát, đại biểu chính phủ tại các vùng chiến thuật, tỉnh trưởng và quận trưởng... đều do giới quân nhân nắm giữ, nhưng nhờ có bộ mặt dân sự hợp pháp và hợp hiến, nước Việt Nam Cộng Hòa mới thời hậu Tổng Thống Diệm đã lần lượt có được sự thừa nhận của nhiều quốc gia thân hữu trên trường quốc tế, trong đó phải kể tới một số nước Ả Rập mà tiêu biểu là Vương Quốc Ả Rập Saudi kiên quyết chống Cộng ở Trung Đông.

Tháng Mười Một năm 1967, sau khi đắc cử vào chức vụ tổng thống đầu tiên của Đệ Nhị Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, trong vai trò tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội, tiếp tục cho tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm hàng năm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu với những cuộc diễn binh của tất cả các đơn vị và quân, binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để biểu dương sức mạnh và ý chí quyết thắng của dân chúng Miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lược kéo dài của Cộng Sản Bắc Việt.

Trong khi đó, tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam vẫn đều đặn diễn ra, với những cuộc bầu cử từ Tổng Thống cùng Phó Tổng Thống và các đại biểu lưỡng viện Quốc Hội cho tới các nghị viên hội đồng thành phố và tỉnh trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam. Cho dù Miền Nam Việt Nam vẫn đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh - với những trận chiến ác liệt như chiến dịch Bắc phạt của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa (1966-1967), cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng Sản (1968), cuộc hành quân đánh sang Căm Bốt của Quân Đoàn 3 (1970), cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đánh sang Hạ Lào (1971), cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), cuộc không tập và phong tỏa Bắc Việt của Hoa Kỳ vào Giáng Sinh 1972... và với những biến cố chính trị lớn lao như cuộc Hòa Đàm Ba Lê (1968-1972), việc ký kết Hiệp Định Ba Lê 1973, cuộc trao trả tù binh các bên lâm chiến (1973), những vụ cộng sản lấn đất, giành dân, vi phạm hiệp Định Ba Lê mà cao điểm là cuộc tấn công đánh chiếm Phước Long (1974)à tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam đã diễn ra khá tốt đẹp dưới quyền lãnh đạo của một chính quyền mà đa số các giới chức cao cấp đều là sĩ quan hiện dịch trong quân đội hoặc có gốc gác nhà binh. Mấy ai có thể tưởng nghĩ được rằng, vào năm tồn tại cuối cùng của mình là 1975, guồng máy chính quyền Miền Nam Việt Nam, tuy do các “chính trị gia” gốc quân nhân lãnh đạo, lại có thể bao gồm một quốc hội với sự hiện diện của không ít các nghị sĩ và dân biểu đối lập (như Nguyễn văn Huyền, Vũ văn Mẫu, Trần văn Đôn, Hồ ngọc Nhuận, Dương văn Ba, Nguyễn hữu Chung, Lý Quý Chung, Kiều mộng Thu,à) và vô số các đảng phái cũng như chính trị gia đối lập (cỡ Linh Mục Trần Hữu Thanh, LM Chân Tín, LM Nguyễn Ngọc Lan, và nhà báo Ngô Công Đức,...) ngày đêm chỉ trích và “mắng mỏ” từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho tới Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Phụ Tá An Ninh Tổng Thống là Trung Tướng Đặng Văn Quang?

(Còn tiếp)

Vann Phan

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn