BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi Ký Dấu Binh Lửa (4)

27 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 2737)
Hồi Ký Dấu Binh Lửa (4)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

NGƯỜI CHỈ HUY VỀ GIÀ





 Có thể nói sếp cũ của tôi là một ông già, già nhất trong những người giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tác chiến. Ông đi lính từ một thuở thật xa, lâu lắm, cách đây hơn hai mươi năm lúc quân đội chỉ độc các loại commando, Lê-Dương, Nhẩy Dù thuộc địa... Đánh nhau bằng súng mút-cờ-tông từng phát một hay những cây FM đầu bạc bắn gật gù như ông già ho lao. Lúc chiến tranh còn nằm tít trên biên giới Lào - Việt - Trung, trận đánh toàn một cách xung phong ầm ầm, ào ào để giữ những làng, thị trấn mang tên lạ hoắc như Bản Hiu-Siu, Mường Phen, Thất Khê... Ông già sếp tôi thuở đó khởi nghiệp nhà binh với lon Cai ở Commando. Không rõ những ngày ở đơn vị đó ông có những gì đặc biệt, chỉ biết ông ta nhắc lại đoạn đời qua bằng một câu thật gọn: Cai thậttrẻ... Giọng Bắc Kỳ khàn khàn xuống mạnh vào chữ mang đầy kiêu hãnh và tự tín. Tước hiệu "cai thật trẻ" hình như là nỗi hãnh diện đầu tiên và đích thực nên sau này khi đã đóng đến lon "quan Năm", lúc say rượu, dù cơn say vào độ tơi bời tàn khốc, ông vẫn còn nhớ được: "Tao là Cai Hùng, đếch phải là trung tá cái củ c... gì ráo...". Cai Hùng! Cai Hùng! Một tuổi trẻ gió bão nào đó đã đi qua.

Lúc tôi đến đơn vị này, ông năm mươi tuổi; năm mươi tuổi để tất cả đầu tóc bạc trắng và những nếp nhăn cày sâu trên mặt, nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn thái độ nồng nhiệt đối với đời sống của ngày trai trẻ. Thời gian về trước ông đã nổi tiếng với những câu chuyện như sau: Quan Ba Nhảy dù nhưng vẫn đánh một chiếc xe đạp thổ tả cọc cà cọc cạch rong chơi với một con gà ở đằng sau porte-bagages. Thú nuôi gà của ông đã lên đến cao độ đến nỗi ông ta mang biệt hiệu "Hùng gà chọi". Nghe tiếng một con gà nào đó ở Bà Điểm nổi danh vì ngón đòn, ông lọc cọc chiếc xe vượt qua một quãng đường dài lồi lõm sống trâu để chứng kiến cho được ngón đòn của gà... Hãy nghe ông "luận" về gà: Nó là một guerrier, đấy là một combattant, không bao giờ lùi không bao giờ chịu thua... Đến chữ "thua" ông đưa một quả đấm lên trời, mắt long lên sòng sọc. Đúng là hình ảnh của một con gà chọi. Chẳng hiểu thằng nào gán cho ông cái biệt hiệu thật đúng phong phóc!!! Nó là một tay gan lì! C’est un type! Dù có bị đánh lê nhê, máu me đầm đìa, hắn ta vẫn nhẫn nha chiến đấu... Có con gà bị đánh mù mắt, hắn ta mù nhưng vẫn lừa đối thủ để kẹp lấy chiếc cổ và thế là a-lê-hấp nó phản đòn ngay. Ông có thể luận về gà đầy đủ chi tiết, nhại lại thế đứng,một ngón đòn hay của con gà... Không có gì phải bất tiện, hai tay là hai cánh gà, hai chân biến thành một cặp chân tưởng như có đủ cựa nhọn, đầu cúi xuống, ông diễn tả nhiệt tình và chi tiếp hấp dẫn của mỗi trận đấu. Thế giới loài gà nếu biết được sự ái mộ nồng nhiệt đó chắc hẳn không bao giờ buồn phiền nếu ở trong tường hợp "à la casserole" hay "à la gamelle"... sau khi bị thua trận. Sau đá gà là rượu, rượu là nước của ông, chiếc bi-đông sau lưng bao giờ cũng đầy rượu đế ngâm vài cục đường phèn. Nhấp một tí rượu, cắn một miếng cóc nhỏ là đủ sức đi thêm một đoạn đèo, vượt một rặng núi. Dừng quân, cởi chiếc nón sắt, ông rút bi-đông làm ngụm rượu, đốt điếu thuốc, loại thuốc đen Mélia hay Bastos ngồi lim dim đôi mắt...

- Trung tá có ăn cơm không?

Anh lính cần vụ lân la đến hỏi.

- Tớ đ... cần! - Trung tá có mệt không?... - Mệt chó nào được, ngày rút từ Lào về tớ chạy bộ suốt bao nhiêu ngày đêm cũng chẳng bõ bèm gì... -

- Chết mẹ... - Tụi lính xì xào...- Ông già lại nói chuyện bản Hiu-Siu thì chết cả lũ!

Đúng ngay bong! Ông bắt đầu kể chuyện Bản Hiu-Siu ở bên Lào...

- "Lúc đó tớ là thiếu úy, ban đêm Việt Minh ùa vào, dây kẽm gai giăng thấp chừng này, lính Bayonnette au canon! À la grenade... En assaut... Việt Minh lùa vào, mặc, tớ cứ tương lựu đạn đều đều...

Ông ta đứng dậy ngay trên sườn núi biểu diễn thế ném lựu đạn và đâm lưỡi lê, ngừng một chút để hớp thêm tí rượu. Thiếu tá cố vấn Mỹ đến hỏi một điều gì đó, ông cụt hứng gắt um:

- C... Đ.m cứ lẩm cà, lẩm cẩm cả ngày...

Anh cố vấn de lui, mặt mũi thộn ra trông "quê" một cục. Ở Phú Thứ, Thừa Thiên năm 1967, ông chỉ huy tiểu đoàn tôi cùng tiểu đoàn 7 Nhảy dù tiến đánh vào khu giải phóng của vẹm, lúc tiểu đoàn 7 đụng trận, ông đứng trên thiết vận xa nhảy cỡn lên vì thích thú...

- Đấy, tớ biết ngay, các chú (Việt cộng) đang ở chỗ này, nhất định là ở chỗ này... Thằng Bảy đụng ở đây, tớ dàn cậu (chỉ tiểu đoàn trưởng tôi) ở chỗ này là đi đoong đời các chú, tớ nghiền... Nghiền nát các chú ấy.

Chữ "nghiền" được diễn tả bằng hai bàn tay bóp chặt vào nhau và kéo dài theo hơi thở, mồm ông méo hẳn lại để diễn tả cảnh tan nát của các anh Việt cộng. Đại loại là như thế, ông sống ở đời với thái độ "Tiếu Ngạo Giang Hồ", nhân vật Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chắc cũng đến độ của ông già sếp tôi mà thôi. Năm 1965 hành quân tại Đức Cơ khi rút ra Pleiku nghỉ, không hiểu bị lôi kéo thế nào ông đi theo mấy đại đội trưởng vào hội quán Phượng Hoàng để khiêu vũ! Lệnh ông tướng vùng bấy giờ cấm mặc quân phục vào hội quán, anh quân trấn trưởng nói năng ra làm sao, ông nổi sùng...

- Đ.m Hùng đi hành quân chỉ có mỗi bộ quần áo nhà binh, không cho tớ mặc đồ trận thì tớ cởi truồng sao?

Thuận tay ông đưa luôn một qua dirrect, anh quân trấn trưởng nằm thẳng cẳng. Đóng quân ở Hương Trà, Huế, tiểu đoàn tôi làm tiệc mời ông ra hát. Hát không được thì tớ múa vậy! Nói là làm, ông đi một đường flammenco cũng lắc mông, lắc ngực, và kết thúc là một bài thuyết trình "Qu’est ce que L’armée?" Tiếp theo là những lời sỉ vả tàn tệ vua quan sĩ thứ người trong nước, ông nhớ đến ai ông chửi tơi bời hoa lá, chửi đích danh, chửi ngon lành, chửi như một cơn giận từ bao nhiêu lâu che dấu nay cho tuôn ra như dòng sông được mở... Đầu năm 1968, gần Tết Mậu Thân, lữ đoàn ông hết nhiệm vụ, từ Huế trở về Sài Gòn. Ông Tướng khu chiến thuật nhắc ông ở lại Huế để đón Tổng Thống cùng Thủ Tướng, ông hạ ngay một câu:

- Tớ hết hành quân là tớ về, Tổng thống đâu có thương tớ bằng mẹ đĩ được!

Nói xong ông leo lên tàu bay đi thẳng. Có một anh nhà báo lân la đến phỏng vấn...

- Xin trung tá cho biết ý kiến về cuộc hành quân vừa qua?

- Ý kiến hả...? - Đợi cho anh nhà báo sửa soạn ghi chép, ông "tuyên bố": Sướng nhất là đêm Noel tớ say rượu gọi máy truyền tin qua Bến Haœi chửi Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh!!

Nhưng đằng sau những cơn say, những màn tiếu ngạo ồn ào trên, thật dễ dàng nhận được niềm thiết tha, mối nhiệt tình nồng nàn đối với quân đội và quê hương. Thật lạ lùng với hai mươi năm ở đơn vị tác chiến, thời gian bằng số tuổi của một gã trai trẻ, một gã trai trẻ cỡ tôi nhưng lòng hiu hắt như cơn nắng quái sắp tàn. Hơn hai mươi năm nhà binh với năm mươi tuổi, một mái tóc bạc trắng, ông vẫn có một nụ cười thật tươi để thêm vào câu chuyện. Thế nào là một cán bộ giỏi? Thế nào là những nguyên tắc căn bản để chỉ huy? Thế nào là DOC (Dirriger, Organiser, Controler) ông nói say sưa, dẫn giải từng điểm chi tiết về bổn phận của người trung đội trưởng, đại đội trưởng. Khói thuốc lá làm ánh mắt thành hiền hòa, ông nói sang sảng, trình bày mạch lạc. Ông gây nơi tôi một sự xúc động kỳ lạ, nỗi xúc động khám phá được niềm tin vẫn còn trong lòng một người giáo tóc bạc da nhăn với hơn hai mươi năm đi khắp rừng sâu núi cả quê hương. Hơn hai mươi năm gánh chịu cơn đau yếu đỏ lửa của tổ quốc, cơn đau yếu nhọc nhằn của dòng sống dân tộc chông chênh. Chiến tranh vẫn chưa đốn ngã niềm tin trong lòng ông... Tớ chỉ là Cai Hùng... Cai thật trẻ!! Sau này ông bị ra khỏi binh chủng vì một lý do nào đó tôi không hiểu nhưng điều này chắc chắn là một vết thương lớn nhất trong đời ông. Ông im lặng ngồi trong chiếc phòng con nhìn xuống chân đồi doanh trại cười gằn uất nghẹn đau đớn. Làm sao nói cho hết nỗi cay đắng của người lính già khi phải từ bỏ đơn vị, binh chủng cùng sống trên hai mươi năm lúc tóc còn xanh như niềm hy vọng đến nay mái đầu nhuốm bạc trắng. Không những vì một tuổi già nhưng cũng là lớp sương giá chồng chất lên sau khỏang thời gian binh biến. Thường ngày trong cơn say ông hay mò đến văn phòng chúng tôi để tìm người nói chuyện, nhưng trong thời gian này ông ngồi im như một kiêu hãnh bị xúc phạm, tiếng hét được ghìm xuống giữa kẽ răng thành những tiếng cười gằn nhức nhối như lưỡi dao đâm vào qủa tim đang mở miệng cười.

Ông ra khỏi binh chủng, chỉ huy một đơn vị bộ binh nhưng vẫn mặc đồ ngụy trang và đội nón đỏ. Đâu còn là những kích thích về hình thức quyến rũ đối với ông. Nhưng phải nghe ông ta nói: "Tớ là Nhảy Dù... Tớ là Cai Hùng..." Tiếng "Nhảy Dù" nghe ngắn, chắc như xác định niềm hãnh diện có thật của một người đã sống hết đời cho tập thể. Sau một thời gian ở trung đoàn này ông bị tai nạn trầm trọng, tất cả cơ quan trong người bị đảo lộn. Ông phải chịu nhiều cuộc giải phẫu, thị giác trở nên yếu kém, mất phần lớn ý niệm về sự việc. Lúc chúng tôi đến thăm, ông không nhận ra, nhưng trong nỗ lực của trí nhớ, bỗng nhiên ông nhận ra Vinh "con", viên sĩ quan nhỏ tuổi nhất được ông thương mến như con cháu. Ông nhận ra nó đồng thời với một giọng nói run run:

- Tớ lúc này chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh!

Trong tận cùng của đổ vỡ, ông cũng không mất đặc tính khôi hài, dấu hiệu của tâm chất dũng mãnh dù hoàn cảnh đã đẩy đưa vào hố thẳm của tuyệt vọng. Sau này khi nhìn thấy được cảnh vật nhạt nhòa, ông đến trại thăm lại nhà cửa, hỏi thăm các hạ sĩ quan và lính cũ. Trí nhớ chưa phục hồi hẳn, ông mệt nhọc hỏi từng người với những câu nói rời rạc hỗn độn, sau cùng ông nói với tôi để xin người lính về giúp ông công việc riêng tại nhà. Lần đầu tiên nghe ông nói công việc liên quan đến gia đình. Khi tôi bảo người lính theo ông về nhà, ông vui vẻ ra mặt:

- Quý hóa quá, thế mới biết anh em Nhảy dù luôn giúp đỡ nhau...!

Lòng tôi trùng xuống như cơn mưa của ngày đông buồn bã. Tiễn ông xuống đồi, bóng người lính già khuất bụi mờ. Sau kiếp người đằng đẵng gian lao cho Tổ Quốc một khỏang trống xám đặc bụi mù.

Tháng 5-1969. Hậu cứ Long Bình.

Hậu Từ: Về Trung Tá Đào Văn Hùng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn II Nhảy Dù - Sau 30-4-1975, lực lượng Cộng sản vào khu ngã Ba Ông Tạ truy lùng và xét xử ông cùng gia đình. Do thương trận từ trước (bị mù mắt và tê liệt) nên bộ đội CS chỉ xử tử người con trai của ông tại Lăng Cha Cả ngay sáng ngày 30-4-1975.



LÀM GÌ SAU CHIẾN TRANH




Tổng thống Thiệu đọc thông điệp mới, báo hiệu một chính sách mở ngõ để Việt cộng tham dự vào hoạt động chánh trị của miền Nam, các chính khách, kinh tế gia chuẩn bị đường lối chính trị và kế hoạch kinh tế hậu chiến. Quân Việt Nam bắt đầu thay quân Mỹ. Những hiện tượng dồn dập xảy đến báo hiệu về thế sống mới. Tôi cũng có những ý nghĩ "hậu chiến" cho bản thân. Hậu chiến, sẽ không còn những đụng độ lớn, Việt cộng sẽ hoạt động dưới một hình thức đấu tranh khác về chính trị, kinh tế, có thể hạ tầng cơ sở du kích vẫn được duy trì. Nhưng dù sao đi nữa, tôi sẽ không còn cơ hội để chết non. Lẽ tất nhiên vẫn có những cái chết lãng nhách như rơi máy bay, lính làm nổ lựu đạn, cướp cò, nhưng chắc chắn chẳng còn những cái chết "bảo đảm" như bây giờ. Hậu chiến đặt ra trước mặt chúng tôi những vấn đề thật rõ rệt, nhìn thẳng thì khó chịu nhưng tránh đi thì nó vẫn còn đấy, như một hiện sinh phi lý nói theo kiểu của ông Sartre. Hậu chiến, một số lính cũng như quan sẽ được giải ngũ, tôi không thuộc thành phần này, vì là lính nhà nghề, sẽ nói rõ số phận này sau. Mấy anh được giải ngũ sẽ làm gì? Chẳng làm được cái gì hết trọi. Trừ một số nhỏ bị động viên sẽ trở lại nhiệm sở cũ, đi dạy học... Tôi không dám bàn rộng đến khía cạnh kinh tế, chỉ thắc mắc mỗi điều: Xã hội lúc bấy giờ có đủ khả năng để thâu dụng số nhân lực không sản xuất đó hay không? Tôi muốn nói đến các anh đi lính từ năm mười tám tuổi, giải ngũ ra các ông đó có nghề gì? Tập họp nào thâu dụng được đám người không nghề chuyên môn, đã quen với bom đạn trên dưới mười năm.

Hậu chiến, lính còn lại sẽ biến thành công chức; trung đội, đại đội, tiểu đoàn trưởng sẽ hàng ngày ngồi nhìn nhau tại hậu cứ, giày đánh bóng, búc nịt cũng đánh bóng kiểu như các sĩ quan ở quân trường. Lẽ tất nhiên rồi cũng sẽ quen đi. Nhưng thói quen nào được chấp nhận trong những tâm hồn đã chai cứng và cơ thể lệch lạc vì thương tích. Những người bạn thân hay không, khắp bốn vùng chiến thuật, ở các đơn vị chiến đấu, không ai không có mảnh đạn trong người. Dư và Năng ở Biệt động quân bị thương đến độ hết phương chữa, đứng bên cạnh cũng không nhận ra mặt. Gần gũi hơn là lũ bạn ở các tiểu đoàn Nhảy dù, không một thằng nào có thể gọi là mẹ tròn con vuông. Sơn "độc nhãn" người gầy như con mắm, con mắt bằng chai bỏ trong túi, vẫn hành quân chăm chỉ trong mười năm không một khóa học, phép thường niên do bệnh viện cấp. Đấy chỉ là hư hao thể chất, còn tâm hồn, âu cũng là khu rừng hoang cho cỏ lan. Không ai có thể tưởng được cảnh nổi loạn của Mễ, thưở đi học mẫu mực vào đến trường Võ Bị nên sinh viên sĩ quan cán bộ, con cưng của "Thạc sĩ Cơ bản thao diễn" Huỳnh Bửu Sơn, nhưng đến bây giờ trông cảnh nó chơi đòn giang hồ mọi người đều ngán ngẫm. Trời mùa đông ở Mỹ Chánh mưa giăng kín mặt sông, bên kia làng địch, Mễ cởi trần đeo súng Colt ở cổ, thổi phao bơi qua sông mua rượu. Chưa bao giờ tôi nghe nó thở than một điều gì nhưng trong đêm khuya, nơi căn trại vắng ở Tam Hiệp, trong bóng tối, nó ngồi im như một nỗi cô đơn.

Đại loại lũ chúng tôi "hư" đến như thế, trong mười thằng có đến chín sau bao nhiêu năm đi làm quan không mua được một cái đồng hồ, không biết giờ tan sở Chính phủ ấn định là mấy giờ. Như vậy làm sao kéo chúng tôi vào trong một sinh hoạt đều đặn của trại lính biến thành công sở. Rồi cũng xẩy ra những tỵ hiềm, những xung khắc ti tiện, nhòm ngó đàn bà... Chúng tôi đi lính bao nhiêu năm, lẽ tất nhiên quá quen với đời sống kỹ luật; nhưng kỹ luật này co giãn, thay đổi theo mỗi hoàn cảnh của mỗi người, không có kỹ luật nào bắt lính nhịn đói hai ngày, nhưng luật của đại đội trưởng là phải la hét, quát tháo, kích thích binh sĩ, phải dựng đứng thân thể họ dậy và đẩy về đằng trước. Lẽ tất nhiên kỹ luật của quân đội sẽ vô cùng xuống giá trước cảnh "diễn nghĩa" của Lô cùng với cả trung đội cởi truồng say khướt trong một thửa ruộng ở Vĩnh Lộc, hay của Năng lúc ở tiểu đoàn 52 Biệt động quân, nhưng ai cấm được binh sĩ của chúng cảm phục và hãnh diện vì có những đại đội trưởng sáng gia hào hùng. Kỹ luật của chúng tôi bất thành văn chỉ có giá trị cho riêng mỗi người. Thế cho nên nếu bắt chúng tôi về lại với thứ nguyên tắc cứng nhắc vớ vẩn đại diện là mấy anh quân cảnh, hỏi thằng lính tác chiến nào nuốt nổi.

Mãn sở rồi, cai, đội hồi hương

Trai lui về làm ruộng...

Hậu chiến thưở xưa được giải quyết êm đẹp như câu hò trên, nhưng hậu chiến bây giờ chúng ta sẽ làm được gì? Trung bình chúng tôi có tú tài, tú tài năm 1969 chỉ có thể đi làm thơ ký quèn, nhưng hậu quả trên dưới mười năm lính chúng tôi đã thành loại người để chỉ huy hoặc tuân lệnh. Giải ngũ trở lại với đời sống thường, nghe những anh già lẩm cẩm, những anh trai trẻ cù lần sai bảo chịu sao nổi?

Lũ bạn chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, một người đi đến, dẫn thêm một tên bạn mới. Làm gì? Làm sở Mỹ. Tôi lúng túng khổ sở không biết gợi chuyện với hắn ta như thế nào! Trường hợp gặp một anh nhà binh không ở đơn vị tác chiến tôi cũng chả biết có chuyện gì để nói với. Kể cho nghe những ngày phá phách ở Pleiku, cho biết tin một thằng ở Biệt kích chưa được lên lon, làm sao anh ta hưởng ứng với được? Chúng tôi đã có một lối sống thành nếp với một số bạn bè hạn chế, thói quen tật xấu cũng như tính tốt của mỗi người đều được biết rõ, một người lạ xuất hiện gây nên một cảm giác khó chịu kỳ quặc, cũng như cái cảm giác lạc lõng ngơ ngác khi tôi bước chân vào một sân trường để xin cho đứa em vào học. Thế giới chúng tôi kín cửa dù có nhọc nhằn phiền muộn cũng đã một chỗ ngồi quen hơi.

"Các anh là một giai cấp sĩ quan quí tộc..." Lúc xưa Đại Tá Huyến đã thổi chúng tôi lên như vậy. Sau này trong những ngày tang thương nhất của đời lính, đóng ở đài phát thanh Sài Gòn để chống biểu tình, căng chiếc võng ngủ ở chỗ nhà để xe của nhân viên trong đài, thấy giá trị của mình còn kém xa các anh thợ hát. Tôi đã gặp lại Đại Tá Huyến trong hoàn cảnh đó để đồng ý với ông ta rằng chúng tôi chẳng có tí ti "quý tộc" nào cả! Nhưng phải nói thật, ông đã gieo vào lòng trai trẻ của chúng tôi trong những năm đầu tiên niềm hãnh diện đích thực được làm một sĩ quan tình nguyện chọn binh nghiệp làm nghề - Một nghề đầy hy sinh và cao cả. Bố khỉ, đến năm nay thì chân lý cao cả kia trông yếu quá, lương quan ba "thiên thần mũ đỏ" không nuôi tấm thân tàm tạm, nhà phải đi ở thuê, nhỏ bằng hộp quẹt thở mạnh bung cả mái... Ở gần nhà có một bà nạ giòng, loại "nouveau riche" mở lò bánh mì, chẳng biết phát tài ra làm sao, con mẹ mua một lúc ba chiếc xe, trong đó có một chiếc Mercédes 220. Thấy cái nhan sắc hoàng hôn, trang điểm theo kiểu technicolor cuœa đào ciné già cỡ 1930 ngự trên chiếc xe, thật đau lòng cho giai cấp quý tộc của tôi quá! Chưa hết, có một ông trung tá biết bà ta buôn bán phát tài đến xum xoe xin hùn vốn. Ôi! Tôi nghĩ ra tương lai cũng sẽ là một anh trung tá đi mở lò bánh mì hay làm trại heo với điều kiện có tiền làm vốn. Nhưng con đường đã vạch ra rồi đấy, bạn bè tôi thậm chí đến cả Lô "lọ rượu" còn xúi tôi chạy áp-phe... Chạy áp-phe, chắc chắn không bao giờ có được trong chương trình huấn luyện của trường Võ Bị Quốc Gia và Đại Tá Huyến ắt sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Lã Quý Trang, sĩ quan á khoa của khóa tôi, một thằng nghệ sĩ đầy mình hát hay chẳng kém Duy Trác vẫn chạp áp-phe đều đều. Tôi không biết rõ nó có kiếm được tí nào không, nhưng nghe lời thở than...

- Không kiếm chác là đọi đấy mày ạ, tao vợ hai con rồi, nhà lại ở thuê...

Thôi xong rồi, ngày nó cầm gươm đi diễn hành sao mà đẹp đến thế. Đời đã giết nét tài tử trong tâm chất của nó.

Đấy, chưa là hậu chiến sĩ quan đã bơ vơ lếch thếch đến thế. Tưởng chỉ có ở trong tiểu thuyết Les frères của Karamazov, viên đại úy đi đòi nợ cho điếm. Hậu chiến chưa đến, nhưng con điếm trong xóm tôi đã đến nhà nhờ tôi lãnh dùm thằng chồng ma-cô của nó ra khỏi ty Cảnh sát. Xin Chúa hãy phù hộ cho con! May quá tôi cũng có vốn thanh liêm nên chối từ. Nhưng nếu hậu chiến, giải ngũ trong cảnh vợ con nheo nhóc, ai cản tôi áo hoa nón đỏ vào ty Cảnh sát lãnh hộ mấy thằng ma-cô kiếm tí tiền còm!

Cuối năm 1969



ĐI VỀ HƯỚNG TÂY...


Chiếc máy bay quay mũi về phía thành phố, mặt trời sau lưng bắt đầu chìm xuống bìa rừng. Lấy con lộ đá làm chuẩn hai anh phi công bắt đầu cuộc đua, hai chiếc trực thăng đâm chéo vào nhau, lướt trên ngọn cây, gần như chạm sát mặt đường, vạch đá đỏ dưới chân chạy ngược vùn vụt... Nhắm mắt, một ngày mệt mỏi và căng thẳng đang hết. Tôi sắp được nghỉ ngơi. Núi Bà Đen đã phủ hơi sương, khối đá, cây cỏ xanh rì thẩm dần vào bóng tối. Thành phố Tây Ninh vừa lên đèn.




Tây Ninh


Tây Ninh, thành phố không giống một nơi nào của miền Nam càng không giống một thị trấn nào của miền Trung. Thành phố biên giới theo lộ đất đỏ đi Katum, theo quốc lộ 1 từ Gò Dầu Hạ tiếp đường 22... Tất cả mọi nẽo đều dẫn đến biên giới. Biên giới, đồng cỏ ngút ngàn lặng lẽ váng vất khắc khỏai, hai đồn lính nằm trơ trọi, tấm bảng viết hai chữ Việt, Miên. Biên giới, nghe nao nao trong lòng cơn bồi hồi khi chân bước lên mặt nhựa sát gần cây cản đường, trên đồng cỏ thấp thoáng bóng người tới lui im lặng. Biên giới, âm thanh mang vẻ ngỡ ngàng hờ hững và không gian như bị bít lối. Trong không khí đặc dị đó Tây Ninh buổi sáng gây gây rét, trời im không gió, không nắng, xe nhà binh, lính mang súng đầy ắp con phố chính, thành phố bắt đầu ngày với mùi đao binh, tăng dần độ nóng bởi khói xăng pha nhớt. Thành phố căng thẳng như viên đạn đã lên nòng. Sáng qua, chiều tới và... Đêm xuống. Đêm xuống mau, thành phố vắng, ngọn đèn vàng khu chợ, bóng người lính lao xao thoắt ẩn thoắt hiện, lính mang giày há mõm, áo rách, mặt đen bụi đỏ trầy trụa vì gai rừng, đâu đây vang tiếng cười lanh lãnh chông chênh. Uống đi... Hơn hai tháng không ngậm được cục nước đá, uống đi, mai theo Chinook vô lại biết đâu trưa là chết. Uống đi, đ.. má cứ tưởng tượng "nhai" được miếng bia thì chết cũng đáng... Ha, ha cho thêm một hộp nữa. Đêm Tây Ninh với những người lính sống giữa khe hở của sống chết.

Tôi đứng trên đài cao, với một cái loa, lá cờ đỏ, những tấm bảng có kẻ chữ V,J,C,B... V là Vichy, Jackie, Carolyne, Barbara, những căn cứ hỏa lực cách biên giới vừa tầm súng cối địch. Zulu đây Nam Xương đang cần Class A. Zulu đây Nam Xương, Carolyne yêu cầu Hardmission... Zulu là tôi, Nam Xương cũng là... tôi. Zulu là tôi khi ở trên đài, trên đường đi, trên trực thăng, trên bãi Fox... Nam Xương là tôi ở nhà, ở trung tâm hành quân nhận yêu cầu từ các căn cứ, nơi có lính dưới hầm, lính đang chong mắt chờ pháo, lính đang liếm môi chờ nước. Class A là thức ăn, hard-mission là khẩn cấp, là đạn, không có không được. Như con thoi chạy mãi trên trục lửa: Căn cứ - Thành phố. Đài kiểm soát - Bãi bốc hàng. Phi trường - Phòng hành quân. Tôi lái xe như gió, hét như sấm, lồng ngực nổ máu nóng, cổ họng nghẹt cứng vì khói và hơi nóng phản lực của phi cơ. Tôi mờ mắt vì trên cao độ mông lung thấy đạn phòng không đan một lưới lửa dưới thân tầu và căn cứ Vichy bập bùng khói bụi... Địch đang pháo kích.

Ngày hết trở lại đêm, Tây Ninh âm ĩ như miếng sắt nóng đỏ đang nguội dần.

Trong bóng tối của nhà xác, tôi đứng tần ngần bên một gói poncho im lặng. Gói xác người lạ lẫm, không có khối tròn của chiếc đầu. Phước đã chết vì một qủa B.40 nhắm thẳng vào mặt. Hai chiếc giày của người chết đóng lớp đất vàng có những cọng cỏ còn tươi dính vào kẽ dây giày. Người chết sớm hơn cỏ cây, chưa kịp khô. Buổi trưa, trước khi chết khỏang nửa giờ tôi còn nghe tiếng nói của Phước vọng qua loa khuếch đại máy truyền tin tại phòng hành quân...

- Nam xương đó hả, cám ơn mi cho tao mấy hộp bia... Thôi nghe, tao đang "gom bi" (điều chỉnh pháo binh), hai ngày nữa ra gặp mi...- Hai ngày nữa, hai ngày nữa... Nghe lồng lộng trong không gian nỗi vui mừng sảng khoái tội nghiệp của kẻ sắp được uống nước đá, ăn cơm nóng và... quay cái cổ cho đã!!! Không có hai ngày hân hoan kia cho Phước nữa, chỉ còn nửa giờ cho một đời. Chỉ còn nửa giờ cho một người. Người rất muốn sống.

Ở Tây Ninh, buổi trưa trong những giờ tạm nghỉ trên đường đi đến nhà ăn, ngang qua những căn nhà lợp tôn, tường cói mỏng, nơi nghỉ ngơi cho lính Mỹ sau ba tuần trong rừng. Đi ngang qua các căn phòng hé cửa, sau bức tường mỏng manh nghe từ trong đó giọng cười hăng hắc khoái trá của giống cái Việt Nam được chạm vào nơi kích thích chen lẫn tiếng gầm gừ của những người trẻ tuổi tóc vàng vừa đến tuổi thanh niên, những người đang tập uống rượu say đắm cuộc đời qua thân thể một phụ nữ da vàng mốc thếch.

Sát biên giới, đuổi giặc ra khỏi biên thùy, đất đai như một kích thích tố cụ thể, lính Nhẩy dù chịu đựng như không thể chịu đựng hơn, tác chiến như không có đơn vị bộ binh nào tác chiến bằng. Cùng phối hợp hành quân với Sư đoàn Kỵ binh Không vận Mỹ, Sư đoàn Bộ binh số 1 của thế kỷ, tác phẩm toàn hảo nhất của Bộ trưởng Quốc phòng MacNamara; cũng là sản phẩm hãnh diện không nhược điểm của kỹ nghệ chiến tranh hiện đại. Đứng cạnh Không kỵ hay First CAV, những sư đoàn bộ binh Mỹ ngượng ngùng lép vế không cưỡng chế, Big Red One, Đệ Nhất Sư đoàn bộ binh với gần một thế kỷ truyền thống; Sấm Sét miền Viễn Tây,Sư đoàn 25 Bộ Binh, nổ lực chính của quân lực Mỹ trong trận chiến Cao Ly và ngay cả Thủy quân Lục chiến, biểu tượng anh dũng của quân lực Mỹ... Tất cả khi đứng trước First CAV cũng cảm thấy có một thua sút không bù trừ nỗi. Đệ Nhất Sư Đoàn Không vận có gần năm trăm phi cơ trực thăng, ba bộ chỉ huy lữ đoàn với khả năng tác chiến biệt lập có thể đảm trách vùng trách nhiệm cấp sư đoàn. Mỗi lữ đoàn Nhảy dù phối hợp với một lữ đoàn không kỵ, lữ đoàn tôi cùng với lữ đoàn 1 không kỵ Mỹ giữ vùng trách nhiệm bắc Tây Ninh, Lữ đoàn 1 Dù với 2 Không kỵ chịu phần Phước Long, Bình Long.

Các khu vực trách nhiệm của mỗiTiểu đoàn Dù và Không kỵ chen lẫn nhau trải qua ba tỉnh Phước Bình, Bình Long và Tây Ninh. Nguyên tắc là phối hợp hành quân, nên vùng trách nhiệm của Mỹ và ta rộng ngang nhau, nặng ngang nhau vì được đo lường... ngang sức nhau. Nhưng đấy chỉ là nguyên tắc,thực tế thì khác xa, xa diệu vợi, xa ngút ngàn. Khả năng của Không kỵ Mỹ vô cùng, Dù Việt Nam hạn chế, căn cứ Mỹ được 175 ly yểm trợ trực tiếp và 105 ly yểm trợ tăng cường, trong khi Việt Nam thì trái lại. Căn cứ hỏa lực của Mỹ là một thành phố thu hẹp với trạm cứu thương, bãi trực thăng Chinook, bãi trực thăng VIP, đường tráng nhựa, nhà bếp nấu thức ăn nóng cho toàn tiểu đoàn và máy bay riêng cho tiểu đoàn trưởng, trực thăng võ trang ưu tiên yểm trợ, tiếp cứu. Blue Max, Pink Max (trực thăng võ trang) thường trực trên không phận của mỗi khu vực hành quân của từng tiểu đoàn để yểm trợ chiến thuật ngay phút đầu chạm địch. Nhảy Dù Việt Nam tuy gọi là phối hợp hành quân nhưng lẽ tất nhiên không thể có ưu tiên tuyệt đối như Mỹ, căn cứ hỏa lực được kiến tạo do sức của đôi tay và yếu tố quyết định chiến trường nằm trên mũi súng của mỗi người lính. Và cách xa vật chất của hai loại lính trong cùng một chiến trường, cùng cường độ là khỏang trống không thể bù. Lính Mỹ, áo quần dơ được trực thăng đem về Tây Ninh giặt, hai tuần trong rừng, một tuần tại căn cứ hỏa lực, một tuần được về Tây Ninh nghỉ; chiều có thức ăn nóng với khẩu phần ẩm thực số 1. Lính Dù áo quần vá bằng dây thép, băng keo, uống nước hố bom cũng là huyệt người chết, một tháng về căn cứ hỏa lực (mỗi tiểu đoàn có một căn cứ) tạm nghỉ để có thể ngước mặt nhìn trời không bị cây rừng che khuất và uống nước ống đạn mang từ Tây Ninh mang vào với tiêu chuẩn mỗi người một nón sắt. Cùng cường độ chiến trường, vận tốc hành quân, cùng gánh nặng nhiệm vụ, dù thua xa bao nhiêu phương tiện, thiếu bao nhu cầu cũng phải gắng đến đuối sức. Phải gắng hết lực — Danh dự quân lực, quốc gia nằm trong lần phối hợp này. Thế nên trên chiều rộng gần một trăm năm mươi cây số từ Tây Ninh qua Phước Long từ biên giới vào nội địa người lính Dù Việt Nam cong lưng xuống dưới gánh nặng có mùi vị ẩm mốc của nước mắm, thịt, gạo, mỡ, tay cắp súng. Tay thêm thùng đạn tăng cường, bấm đôi chân trên mặt đất — Đi và đụng địch. Đụng liên miên, đụng dài dài... Tiểu đoàn 7 đang hối ARA (ám danh gọi trực thăng võ trang) vào vùng thì quanh căn cứ Carolyne của tiểu đoàn 11 Cộng quân đang thổi kèn xung phong. Tiểu đoàn 2 Dù đang hô: Phải cho thêm kẹo cho gà cồ gấp. (đạn pháo 105). Gà cồ gáy, bánh chưng nổ, đom đóm gần hết (đạn 105, mìn nổ, mìn chiếu sáng hết...) Tất cả hối thúc dồn dập vang vang trong máy truyền tin, tôi như có cơn sấm dậy trong đầu, mệt nhọc bỏ qua, phải bỏ qua vì ngày ngày bay trên rừng xanh, ngày ngày đáp trên đất vỡ, tôi gặp bạn bè, tôi thấy lại lính cũ để nghe những tiếng nói, những câu than nhỏ... Khổ quá, khát quá. Tôi nhìn những chiếc má hóp, những sợi râu úa, những ánh mắt khô... Từ tháng Mười 69 đến hôm nay tháng Một 70 không nhìn thấy một mảnh trời quang huống gì là một ngày bình yên. Cộng quân thật thâm độc, chúng gom lực lượng nhất định đánh vỡ vòng đai bằng cách cường tập vào các căn cứ Nhảy dù. Nếu quân ta vỡ, Mỹ sẽ mất tinh thần theo. Đánh Nhảy dù còn là đòn tâm lý độc hại cốt chứng tỏ sự hận thù nhắm mạnh hẳn về một hướng. Nhưng quân ta cứng như khối thép, mạnh như cuồng phong, từ các căn cứ các đại đội càng ngày càng bung rộng, đánh ngày không được, đợi đêm đánh. Tại trung tâm hành quân người ta nghe nhưng lời đối thoại chắc nịch:

- Tôi biết ở đấy có hai 12 ly 7 ( Phòng không 12 ly 7), Đại bàng (Vị chỉ huy) cho tôi và con cái (lính) ăn uống xong, đến đêm tôi sẽ xung phong.

Những lời nói rất thường ở ngôn từ nhưng lồng lộng ý chí quyết thắng. Sự can trường hình như làm căng mạch máu đoàn quân vì tiến quân lên hướng Bắc nhưng thật ra đi về phía Tây của Việt Nam, đoàn quân đang dẫm lên phần đất mông lung linh diện của biên giới — Đất vô hình nhưng khí thiêng Tổ quốc hình như lẩn khuất quanh đây — Lính Nhảy dù mạnh vì mang trong lòng tâm thức — Đuổi giặc ra khỏi biên giới. Tâm lý đắm chìm không phân tích, luận lý nhưng thôi thúc mỗi người trong mỗi ngày mỗi phút đừng ngã xuống để tiến lên. Số vũ khí tịch thu làm Không kỵ ngất ngư. Không thể ngờ có sức chiến đấu tuyệt vời như thế trong những cơ thể chỉ bằng đứa bé ở Mỹ Châu. Lính Không Kỵ giật mình — Huyền thoại về Nhảy Dù Việt Nam là một huyền thoại có thật.

Chiến dịch mở dài cho đến tháng Năm để tiến thành cuộc hành quân vượt biên đánh vào hậu cần Mặt Trận Giải Phóng ở đất Miên. Tôi không tham dự hành quân này và phải ra khỏi binh chủng. Mỗi ngày nơi phòng hành quân của chỗ làm mới nghe bàn tán xôn xao về những địa danh... Lưỡi Câu, Mõ Vẹt, đồn điền Mimot, Snoul... Tôi đứng ở trước tấm bản đồ phủ bụi dí ngón tay qua các điểm Tây Ninh, Katum, Sông Bé... thấy lại trước mắt dãy rừng miền đông Nam bộ chập chùng ngút ngàn mờ hơi khói, bập bùng những nấm khói đạn pháo binh và đoàn quân di chuyển âm thầm trong bóng lá, trên đất khô lẫn bụi vàng... Chỉ là hai tháng trước đây. Tôi vừa qua một cảnh đời của nghiệp lính.

Tháng 2-1970. Tây Ninh.

Căn Cứ Hỏa Lực Nhảy Dù Việt Nam


Phan Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Mười 202111:42 SA
Khách
Rất trân trọng, 2018 tôi có đến San Jose nghe tin anh PNN bệnh nhưng biết tin trễ trung ngay bay về Toronto nên không có duyên . Hy vọng lần dau
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn