BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nồi Bánh Đúc

15 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1348)
Nồi Bánh Đúc
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sau cái ngày "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi" ba mươi tháng tư đau thương của cả dân tộc thì những chàng "Anh là lính đa tình" đều lần lượt bị tó vào các nhà tù nằm "đếm rệp"!? Bọn Hoàng cũng không thoát khỏi cảnh ngộ nghiệt ngã này.

Bốn đứa học cùng lớp gồm Viễn, Trần, Ngô và Hoàng gặp lại nhau ở Sàigòn sau cuộc chiến tranh khốc liệt với kết thúc bằng "tan đàn rã nghé" với bao đau thương cho tới tận bây giờ! Đứa nào cũng bơ phờ vì phải thay đổi chỗ ở nên thiếu ngủ triền miên để trốn tránh bọn "cán ngố" nằm vùng.

Sau thời gian miệt mài cắp sách đến trường bỗng một ngày mất hút nhau trong chiến tranh. Thoảng gặp lại ở một nơi nào đó cũng chỉ đủ thời gian để nắm tay nhau, để biết nhau vẫn còn sống, không đủ thời gian để ngồi uống hết ly cà phê. Thế rồi cuộc chiến tàn, gặp lại nhau sau ngày gãy súng gươm, trên thân thể còn ghi dấu những vết thương của chiến tranh, mà vết thương trong hồn là nặng nhất!

- Tao theo đơn vị từ miền Trung về tới Phú Quốc, trong lúc mọi người chen chúc kiếm đường thoát đi thì tao lại tìm đường về Sàigòn kiếm vợ con. Khi về đến nhà mới biết vợ con tao đã theo ông anh bên Hải Quân dông mất khi bọn "dép râu" vừa lấp ló ngưỡng cửa thành phố. Tao đang chạy ngược chạy xuôi kiếm đường tẩu thì gặp tụi mày. Viễn rầu rầu kể.

- Còn thằng Hoàng ở ngay Vũng Tàu sao chẳng chịu biến cho nhanh để giờ này lang thang với tụi tao. Trần hất hàm hỏi?

- Vợ con tao không chịu bỏ tao ở lại để xuống tàu trước nên cuối cùng kẹt luôn. Mình là cấp chỉ huy mà bỏ lính tráng lại chạy thì hửi thế đ. nào được. Âu cũng là cái số tụi mình còn gặp lại nhau trong hoàn cảnh đau thương này.

Tất cả đang ngồi tâm sự cùn, nhâm nhi ly cà phê "bít tất" trên lề đường Gia Long thì bị mũi súng AK.47 dí vào mạng sườn bắt dẫn đi.

Bước vào cái đồn Cảnh Sát cũ trước cửa nguệch ngoạc dòng chữ "Ủy ban quân quản phường" cả bốn đứa đều nghệt ra khi thấy Nguyễn, học cùng lớp đang ngồi chễm trệ sau cái bàn. Trên bàn là cái nón cối, cổ áo gắn những ngôi sao trên cái nền màu máu. Nguyễn lạnh lùng hất hàm hỏi:

-Tại sao các anh trốn tránh không ra trình diện "học tập cải tạo"? Các anh chống đối lệnh tập trung của "chính quyền cách mạng" hả?

-Chúng tôi mắc tội gì mà phải đi trình diện. Mà "học tập cải tạỏ là cái gì"? Viễn lừng khừng hỏi.

-Tới giờ này mà các anh vẫn còn ngang bướng, cố tình chống đối. Tội của các anh là tội ôm chân đế quốc, chống lại nhân dân, chống lại cách mạng. Tội của các anh là tội chết. Hiểu chưa? Cách mạng nhân đạo nên không ghép các anh vào tội chết mà chỉ muốn cải tạo các anh để trở thành những công dân tốt.

Trần "Biệt Động Quân Sát" hầm hầm:

-Thôi hãy dẹp cái màn kịch nhân nghĩa đạo đức của tụi mày lại. Nghe bẩn cả cái lỗ tai. Muốn bắn muốn giết gì cứ việc tự nhiên. Những tên "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" như cái bản mặt mày mà đòi cải tạo các ông à. Người lính Việt Nam Cộng Hòa cầm súng để chống lại bọn ăn cướp chúng mày để bảo vệ xóm làng, bảo vệ những người dân lương thiện. Các ông không sợ chết đâu, đừng có hù dọa kiểu con nít đó.

Tên Nguyễn đứng bật giậy, cặp mắt đầy sát khí. Vừa lúc đó thì cánh cửa hông mở, một tên mặc đồ "đại cán" lưng đeo "súng ngắn" bước ra hất hàm hỏi:

-Cái gì mà ồn ào ngoài lày vậy?

Nguyễn đứng giậy khúm núm:

-Báo cáo thủ trưởng, các đồng chí tuần tra phía ngoài mới giải về mấy tên :Ngụy trốn tránh học tập cải tạo" chống đối lại chính quyền cách mạng. Xin thủ trưởng xử lý bọn ngoan cố này.

Hắn quay qua mấy tên vừa giải bọn Viễn về ra lệnh:

-Các đồng chí tạm giam mấy tên lày nại chờ tôi báo cáo nên trên để "xử ný".

Bốn tên bị đẩy vào một căn phòng tối mò, sau đó là tiếng lách cách khóa cửa phía ngoài.

-Bây giờ tụi mày tính sao? Ngô thì thầm trong bóng tối..

-Trăng sao cái con mẹ gì. Tối như bưng thế này đâu có trăng với sao. Kiếm giấc ngủ đi cho khỏe, đến nước này còn tính với toán cái đ. gì nữa. Chắc chút nữa bọn mình bị bịt mắt đưa tới chỗ nào đó. Một loạt đạn nổ ròn. Chấm hết. Tao đ. thích chết kiểu này! Hoàng "xổ nho".

Một đêm nằm phập phồng đập muỗi cũng qua đi. Khi ánh sáng mờ mờ xuyên qua khe cửa bốn đứa bị lôi ra khỏi phòng giam ngồi viết "Lý lịch trích ngang". Sau đó bị tống lên chiếc GMC cùng với cả chục tên đang ngồi chờ trên xe. Hai tên nón cối non choẹt ngồi ngoài cùng, mũi súng AK.47 lăm lăm chĩa về những người lính thua cuộc với cặp mắt hận thù sẵn sàng nhả đạn.
Trước khi xe di chuyển tất cả bị bịt mắt, hai tay bị trói quặt ra phía sau. Tên Ngô "Nhảy Dù cố gắng" thở dài có vẻ bực bội:

-Bị bó giò thế này còn làm ăn cái chó gì được nữa!

Chiếc xe chạy rất lâu, Hoàng đoán là vượt qua khoảng đường nhiều chục cây số, cuối cùng ngừng lại. Khi chiếc khăn bịt mắt vừa mở ra, ánh sáng chói lòa của buổi trưa làm tất cả bị lóa mắt. Trong nhất thời chưa ai định được vị trí nơi đến, có điều chắc chắn đây là khu vực đóng quân cũ của "phe ta" vì có những hang rào kẽm gai. Trên xe có khoảng hơn mưòi người bị phân tán mỗi người một nơi. Bộ tứ Viễn, Trần, Ngô, Hoàng xa nhau từ lúc đó.

Mãi một năm sau Hoàng mới gặp lại Ngô trên chuyến tàu Sông Hương ra đất Bắc. Cả Ngô cũng không biết Viễn và Trần bị đưa đi trại tù nào nữa.

Ngô và Hoàng đã theo sát bên nhau từ Long Giao ra tận các trại tù Hoàng Liên Sơn. Cuối năm 78 một lần nữa đành xa nhau. Khi rời trại tù Phong Quang trên Lào Cay thì hai đứa bị thất lạc. Nhóm của Hoàng di chuyển buổi sáng về trại tù Vĩnh Quang, còn Ngô đi buổi chiều sau này Hoàng mới biết là chuyển về trại tù Nam Hà.

Sau mười năm bầm dập trong các trại tù Hoàng đã thoát khỏi "chin tầng địa ngục" từ trại tù Z.30A giữa năm 1985, sau Ngô hai năm. Còn hai tên bạn Trần và Viễn thì vẫn biệt vô âm tín kể từ sau ngày bốn đứa bị tống vào Long Giao.

Trên chuyến xe đò từ Ngã Ba Ông Đồn trở về thành phố cũ, tất cả cảnh vật lướt qua trước mắt Hoàng thật xa lạ. Mười năm trôi qua kể từ ngày miền Nam rơi vào bàn tay cai trị của cộng sản, tất cả đã biến dạng. Hoàng như đi lạc vào một đất nước xa lạ xơ xác không phải quê hương mình.
Đàng sau chiếc xe đò đeo theo một cái bình như một trái bom hừng hực nóng. Những cục than hồng rơi rớt dọc đường túa ra những đốm lửa. Hình ảnh này đầy Hoàng trở về với những ngày xưa rất xa. Sự vui vẻ nói cười của những người dân chất phác miền Nam như đã biến mất để chỉ còn những gương mặt bơ phờ, tỏ ra dè dặt với những cặp mắt ngơ ngác thất thần lo sợ vẩn vơ; đầy nghi kỵ.

Xe ngừng lại ở ngã ba đường đi Đà Lạt. Mọi người túa xuống cái quán bên đường ngoại trừ ba người mới từ trong nhà tù ra. Người lơ xe bước đến gần nói nhỏ:

-Mời các "ông thầy" xuống giải khát. Thằng em này xin phép được bao các "ông thầy" hôm nay.

 Cả ba còn lưỡng lự nhưng cuối cùng theo nhau xuống xe bước vào cái quán lá có hai cái bàn và mấy cái ghế lung lay như thân xác những người tù.

-Có lẽ đây là tô mì ngon nhất trong cả cuộc đời. Hoàng như cảm nhận được những sợi mì với nước súp béo ngậy trôi nhanh xuống bao tử. Hoàng thấy nghẹn ngào, dường như hai người bạn cùng cảnh ngộ cũng cảm thấy như vậy. Vì đây là tô mì tình nghĩa, tô mì đầu tiên sau mười năm ngục tù; tình nghĩa của những người lính đã một thời cầm súng ngăn giặc, sống chết bên nhau.

Hai người Thương Phế Binh "phe ta", Hoàng chắc như vậy vì bộ quân phục trên người họ, dù đã sờn rách nhiều nơi. Cả hai đến bàn Hoàng ngồi, anh mắt sáng dựa trên cây nạng đưa tay chào. Cả ba tự động đưa tay chào lại. Hoàng ứa nước mắt, cả hai người bạn cũng không ngăn được xúc động! Anh mù dạo đàn rồi cất tiếng hàt. Bây giờ thì Hoàng và hai người bạn đã không còn ngăn được giòng nước mắt chạy dài trên những gương mặt hốc hác! Tiếng hát vang lên:

"Rồi có một ngày , có một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi, ngoài con tim héo em ơi!..."

Giọng tên bạn tù nặng chĩu nước mắt:

- Chúng tôi chẳng có gì cho các bạn.

- Tụi em biết, chúc các ông thầy gặp nhiều may mắn. Các ông thầy cầm lấy món quà nhỏ của tụi em!

Đó chính là những tờ giấy bạc nhăn nhúm. Tên bạn tù còn ngập ngừng thì hai người Thương Phế Binh đã ôm đàn bước sang bàn khác.

Xe bắt đầu lăn bánh, nỗi bàng hoàng vì xúc động vẫn còn đọng lại trên gương mặt của những người vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa địa ngục.

Hoàng về căn nhà xưa, căn nhà ngày cuối cùng người vợ thân yêu đã tiễn Hoàng ra đi. Mặc dù đã biết trước vợ đang bị giam trong Chí Hòa nhưng cũng không tránh được hụt hẫng khi bước chân vào nhà.

Những đứa con xơ xác, đã mất cha trong mười năm trời đằng đãng, còn lại người mẹ để nương tựa cũng lại bị cái chính quyền thổ tả gọi là "cách mạng" nhốt tù với cái tội danh của xã hội rừng rú: Tội buôn bán " lậu"! Là một công chức, ngay sau ngày cộng sản vào bị cho nghỉ việc chỉ vì "Chồng là Sĩ Quan Ngụy!" Biết làm gì để nuôi bốn đứa con. Những món đồ dùng trong nhà tuần tự giắt tay nhau ra chợ trời. Rồi đến những bộ quần áo còn lành lặn cũng theo nhau để đổi lấy những ký gạo sống cầm hơi. Sau đó là cảnh "Mua đầu đường bán cuối chợ" kiếm sống. Đó chính là tội danh "buôn lậu" của cái chính quyền bất nhân, của một chế độ rừng rú với một bầy thú đội lốt người!



Sau này Hoàng còn nhận ra những điều luật quái dị của cộng sản. Luật lệ của cộng sản được đặt ra chỉ để trói buộc những người đi ngược lại với mưu đồ bán nước của chúng. Luật lệ của cộng sản nhắm mục đích hù dọa, bỏ tù những người yêu nước, những người dám chống lại chúng theo "bộ luật rừng rú!".

Ngày trở về Hoàng gặp lại những đứa con cũng là thời gian chờ đợi ngày cuối tuần đi thăm vợ trong tù! Hoàng cố cầm nước mắt khi những bức tường cao vút và những vòng kẽm gai ở khám Chí Hòa đã chia cách nỗi nhớ thương vợ chồng!

Công việc đầu tiên Hoàng phải nghĩ đến là kiếm kế sinh nhai để tiếp tục nuôi các con. Trong một xã hội đầy hận thù không dành cho những người như Hoàng có cơ hội làm bất cứ việc gì. Chúng đã không dám thi hành cái chính sách "giết lầm hơn bỏ sót" mà chúng đã thi hành theo giáo điều của các quan thầy cộng sản. Chúng tìm đủ mọi âm mưu để tận diệt đến ba đời những người đã chống lại sự xâm lược của chúng.

Khởi đầu Hoàng đi học "nghề hàn nhựa" với người anh họ. Cái nghề quái đản này chỉ có trong cái đất nước "Xuống Hố Cả Nút" mà thôi. Dù sao đây cũng là nghề kiếm sống hàng ngày trong thời gian đầu bước chân ra khỏi nhà tù cộng sản. Nơi "hành nghề" cũng là "điểm hẹn" của bạn bè tìm đến mỗi lần có dịp đi ngang qua.

Sáu tháng sau ngày bước vào "nhà tù lớn" Hoàng mới được ôm gọn tấm thân của "Người vợ than yêu" trong vòng tay. Sau hơn một năm nằm trong "lầu bát quái" thiếu ánh nắng mặt trời nên gương mặt vợ xanh mướt. Nằm trong vòng tay nhau mà nước mắt rưng rưng, cố quên đi một đoạn đời nghiệt ngã, xót xa với bao nhiêu thương nhớ. Làm sao nói hết nỗi ê chề của hơn mười năm xa cách! Hoàng thì thầm bên tai vợ:

-Hãy vui lên để nụ cười ngày xưa em đã dành cho anh trong mỗi lần về phép. Đừng để những giọt nước mắt rơi vô ích trong cái xã hội khốn kiếp này.

Mỗi buổi chiều "Nữ quản giáo" riêng giao cho trách nhiệm khuấy nồi bánh đúc. Công tác này tưởng dễ nhưng không dễ chút nào. Trời Sàigòn nóng như đổ lửa, hai tay cầm đôi đũa lớn khuấy liên tục. Mồ hôi chảy ra như suối mà chẳng dám càm ràm. Người Tình lên tiếng "động viên" liên tục. Thỉnh thoảng còn cầm cái quạt phe phẩy một cách âu yếm. Chỉ cần ngừng khuấy một chút là bánh đúc có thể bị khê .

"Nữ quản giáo" thì thầm

-Hồi trước em khuấy một mình còn được cơ mà?!

Với đôi tay của nam giới mà còn rã rời huống chi với phụ nữ, Hoàng nuốt xuống nỗi xót xa. Khi nồi bánh đúc bắt đầu sôi, đôi đũa phải khuấy liên tục để nồi bánh đúc không bị cháy. Khổ nỗi lúc đó bột đặc lại nên càng ngày càng nặng. Chỉ cần ngưng tay khuấy một chút là coi như nguồn tài chánh bị cắt. Khi bánh đúc có mùi khê là coi như công toi, vì có ai mà đi mua bánh đúc khê về ăn bao giờ.

"Kinh qua" một thời gian, dường như đôi tay khỏe hơn hay là vì quen dần với động tác nên công tác của "Nữ quản giáo" giao cho coi mòi trở nên suông sẻ hơn.

Nồi bánh đúc vừa chín, loáng một cái đã bán sạch. Bánh đúc là món ăn rẻ tiền, lại lành; hay tại lối xóm muốn ngầm giúp đỡ nên nồi bánh đúc ngày nào cũng được chiếu cố một cách tận tình.

- "Thưởng công cho mấy bố con tảng cháy này". Người "nữ quản giáo" âu yếm lấy khăn lau mồ hôi cho Hoàng, cười thật tươi.

Cháy bánh đúc thật tuyệt. Sau khi bánh đúc đã bán hết, quét lên một lớp mỡ hành, để lửa riu riu cho tảng cháy bong ra thành một về tròn khoảnh. Mấy cha con ngồi nhai vừa thơm vừa bùi vừa béo lại vừa no bụng!

Nhưng hạnh phúc cỏn con này chẳng kéo dài. Nhiều ngày hàng xóm tới mua bánh đúc không còn, mua luôn cả cháy! Sau khi thưởng thức mọi người thấy, ngon quá. Thế là "Người nữ quản giáo" cúp luôn cái khoản "cháy bánh đúc" của mấy cha con Hoàng.

-Kiếm thêm được chút tiền mua tí cá thịt cho các con. "Người Tình" vỗ vai Hoàng dỗ dành.

Nghe vợ âu yếm thì thầm bên tai Hoàng xúc động đến rơi nước mắt. Dù sống trong thiếu thốn nhưng niềm hạnh phúc mà Hoàng tưởng không bao giờ còn với tới đã tràn ngập trong ngôi nhà với nụ cười rạng rỡ của vợ con! Hoàng lại nuối tiếc khoảng thời gian hơn mười năm bị đánh mất những điều trân quý này vì sự trả thù tàn độc của cộng sản bằng những năm tháng dài trong tù.

Như định mệnh an bài, cuối cùng Hoàng cùng vợ và các con đã phải rời bỏ quê hương đi định cư ở xứ người! Có nhiều ý kiến cho đây là may mắn, nhưng với Hoàng đây lại là điều bất hạnh nhất trong đời! Hoàng đã phải đau đớn bỏ lại tất cả để ra đi. Cuộc đời của Hoàng chưa bao giờ có một căn nhà riêng cho mình và vợ con, không một chút tài sản nào trong tay trên quê hương của chính mình. Nhưng Hoàng đã không muốn rời bỏ quê hương. Hoàng đã có nhiều phương tiện để rời bỏ quê hương trong những ngày ba mươi tháng tư đau thương năm bảy lăm, nhưng Hoàng đã chọn thái độ ở lại. Hoàng không ngờ được sự trả thù của cộng sản lại tàn độc đến mức độ đánh mất nhân tính đến như vậy. Cuối cùng Hoàng đành phải chấp nhận rời bỏ quê hương để ra đi, chấp nhận cuộc sống lưu vong để tìm lại cho vợ con và bản thân hai chữ tự do và tương lai.
Chiếc phản lực cơ dân sự do Liên Xô chế tạo đã ì ạch chở gia đình Hoàng rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi sáng ngày bốn tháng ba năm chin ba. Hình ảnh quê hương mờ dần phía dưới, cho đến lúc bị những đám mây che khuất! Những cánh đồng bát ngát một màu xanh, nhà cửa và con sông Đồng Nai quanh co như con rắn khổng lồ cũng đã nằm dưới những đám mây của bầu trời quê hương ngày hôm đó.

Vĩnh biệt quê hương Việt Nam!

Gần hai mươi năm trôi qua nhưng niềm đau mất quê hương chẳng những không thuyên giảm mà còn sưng tấy mãi lên. Mỗi ngày trôi qua Hoàng cảm thấy hình ảnh quê hương lại càng trôi xa hơn. Quê hương, nơi đó có những người dân đang từng ngày bị bọn tội đồ cộng sản đàn áp bọc lột một cách dã man còn hơn cả trong thời thực dân Pháp. Người dân đứng lên chống lại bọn xâm lược Trung cộng bị bắt nhốt, người dân cất tiếng đòi hỏi quyền căn bản của mình bị hù dọa bị đánh đập dã man. Người dân bị bọn cường quyền ác bá ăn cướp đất đai ruộng vườn, bị ra tòa với những bản án có sẵn của thời tiền sử!

Tóm lại người dân dưới chế độ cộng sản đã không còn con đường sống nếu không ngoan ngoãn nghe theo lệnh của chúng.

Dù nơi này, con cái Hoàng đã có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội, một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng Hoàng vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn vì sự mất mát không gì bù đắp nổi: đó chính là Quê Hương. Hoàng ước mơ một ngày không xa nữa được trở về với quê hương khi không còn chế độ cộng sản phi nhân hiện diện trên mảnh đất của ông cha bao đời bồi đáp gìn giữ bằng chính xương máu của họ.

Hoàng khao khát được hít thở mùi khói nồng nàn của bếp lửa quê hương, được mỗi chiều ngồi khuấy nồi bánh đúc. Hoàng thèm khát giây phút ngồi nhâm nhi miếng cháy bánh đúc phết mỡ hành ròn tan, béo ngậy ngọt ngào, bên cạnh vợ con.

Làm sao còn tìm lại được giây phút hạnh phúc này trong đời! Người "Nữ quản giáo" của Hoàng đã vội bỏ cõi trần ai khoai sắn để ra đi một mình. Bỏ lại cuộc sống với hạnh phúc nhỏ bé, bỏ lại chồng con và một đàn cháu với những giòng nước mắt tiễn đưa trong giờ ly biệt!

Không còn bao giờ nữa trong cuộc đời này còn có nhau!

Ngũ Lang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn