BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùa khai trường, mùa tham nhũng giáo dục

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 881)
Mùa khai trường, mùa tham nhũng giáo dục
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

 Phùng Thức/Người Việt


 Cuối tháng 8, dân Sài Gòn lại thấy trên đường phố hình ảnh những đứa trẻ đến tuổi vào lớp 1 đi tựu trường sớm. Nhiều bà mẹ, ông bố trẻ sau mấy mươi năm sống dưới chế độ này, không biết còn nhớ hay còn cảm xúc gì về một bài văn nổi tiếng: Tôi Đi Học của Thanh Tịnh. Nhưng bầu trời Sài Gòn cứ âm u một màu mây mưa tháng 8, chỉ gợi mỗi chuyện chạy trường cho con đi học và những vấn nạn giáo dục của thể chế này quả thật đã đến đỉnh điểm thảm họa, một thứ thảm họa không ồn ào nhưng đủ cuốn phăng tất cả những gì tạm gọi là còn chút giá trị trong hệ thống giáo dục và văn hóa.

 

 Mùa khai trường, học sinh đến trường với đồng phục mới, xe đạp nhưng là gánh nặng cho các gia đình nghèo ở Việt Nam. (Hình: Phùng Thức)


 Chạy trường

 Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam chia ra làm ba cấp. Sau năm 1975 thể chế này ra sức tuyên truyền đánh bóng việc dạy và học ở phổ thông không mất tiền, nhưng hiện nay cả hệ thống giáo dục của chế độ, không phân biệt cấp học nào đều tận thu tất tần tật.

 Một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, giọng phẫn nộ kể: “Con trai tôi thi chuyển cấp lên lớp 10, thiếu nửa điểm để vào trường công. Nghe lời khuyên bạn bè tôi chạy trường cho cháu. Một cái trường khác tuyến ở quận 11 đồng ý nhận nhưng đòi giá 26 triệu. Tôi không biết họ ăn chia số tiền này ra sao nhưng tôi biết chắc là họ, nói xin lỗi các thầy cô giáo còn lương tâm chớ bọn quan chức giáo dục ăn tiền tôi là một lũ mất dạy.”

 Một trường hợp khác được kể như sau. Em QA, học sinh lớp 9 một trường chuyên thuộc quận 8. vì lý do bị phê là hỗn với thầy giáo và vì lý do muốn học cấp ba gần nhà, tránh nạn kẹt xe, triều cường nên cha mẹ em phải chạy chuyển trường cho em. Một trường cấp 3 gần nhà em xét thấy em đủ điểm chuẩn học công lập nên nhận, nhưng kèm theo điều kiện phải chạy chung đủ số 26 triệu. Người cha làm nghề chạy xe ôm nghe đến số tiền thì hoảng hồn khiếp vía.

 Chúng tôi gặp một tay cò, chuyên chạy trường ở một quán nhậu. Tay này nghe xong một vài điển hình tham nhũng giáo dục nói tỉnh như ruồi: “Giá đó là bèo rồi, thử rớ vô mấy trường công có tiếng ở ngoài Sài Gòn (quận 1, quận 3...) coi, phỏng tay luôn.” Rồi tay này lanh miệng tiếp tục tính toán giúp cho chúng tôi hiểu được thế nào là tham nhũng trong giáo dục cũng có “cái lợi” cho người có thu nhập trung bình và thấp. Tay này nói: “Ông tính đi. Trường cấp ba tư thục ở khắp Sài Gòn này mỗi tháng lấy tiền học phí trên dưới 3 triệu, một năm học là gần ba chục triệu rồi, con ông học 3 năm thành ra lời được cả năm sáu chục triệu bạc. Tuy học cấp ba công lập cũng phải đóng tiền nhưng rẻ hơn nhiều.”

 Học sinh ở Việt Nam có ba đầu cấp là lớp 1, lớp 6, và lớp 10, riêng ở Sài Gòn những học sinh có hộ khẩu, học đúng tuyến, thi đủ điểm thì cha mẹ ít tốn, nhưng cũng vã mồ hôi chạy lo tiền đóng học phí công lập và nhiều khoản thu khác. Với những trường hợp thiếu tiêu chuẩn được chế độ và ngành giáo dục vẽ ra, phụ huynh đều phải chạy trường cho con.

 Khi nói chuyện chạy cho con vào lớp 1 thì người có hộ khẩu muốn được học trường khác tuyến (gần nhà hoặc trường điểm), người nhập cư chỉ có giấy tạm trú tìm cho con có trường học để khỏi dốt. Một điều rất kỳ quái là ở Việt Nam, nhiều phụ huynh muốn đem tiền đi chung chi để con mình được nhận vào những trường được đánh bóng là “trường điểm, trường chuyên,” trong khi thực chất cả nền giáo dục phổ thông đều tuột dốc tệ hại như nhau. Hơn nữa, cái danh trường đạt chuẩn quốc gia của một địa phương nào đó, giống như một thứ hàng hóa lấy vẻ ngoài của bao bì để xí gạt người nhẹ dạ, đó là chưa nói đến chuyện những trường càng nhiều danh hiệu lại càng là ổ tham nhũng cao cấp, nơi xem chuyện đi học của con nít được coi như là một thứ của cải hối lộ và câu kết bất lương của đám cán bộ tha hóa.



Đưa con đi học, đón con về mỗi ngày trong nạn kẹt xe kinh hoàng là nỗi khốn khổ mà cả cha mẹ hay học sinh đều gánh chịu dù nắng cháy da hay lội bì bõm trong mưa. (Hình: Phùng Thức)


 Một phụ huynh kể cho chúng tôi nghe chuyện như sau: Con trai anh đúng tuyến phải vô lớp 1 trường trong phường nhưng chỉ là trường nhỏ. Anh muốn gởi con qua một trường thuộc phường gần đó lớn hơn. Chầu chực xếp hàng đi xin đơn nhập học cho cháu 3 lần đều bị từ chối. Bạn anh làm quan chức cấp quận nói: “Mày chuyển hộ khẩu tạm thời cho con mày vô nhà tao, tao lo, khi nào vô học rồi chạy chuyển về lại nhà mày.” Thế là con anh được ban giám hiệu nhà trường “tận tình” cho vô học, “tận tình” đến mức cháu học bán trú mà hôm nào bỏ quên cái gối ở nhà, cô giáo hối hả điện thoại bảo mang lên trường để cháu quen mùi dễ ngủ trưa. Anh không cho biết chi phí “chạy” chỗ quan quận quen là bao nhiêu tiền. Nhưng anh kể tiếp: “Mỗi năm tới mùa nhập học, một thằng bạn nhậu của tôi lại tất bật làm một thứ dịch vụ giáo dục rất quái đản là: con cháu ngoài tuyến nhưng muốn vô cái trường điểm thuộc phường, anh lấy tiền dịch vụ cho nhập hộ khẩu nhà anh để họ chạy xin vô cái trường điểm thuộc phường anh.”

 Nhiều người tò mò muốn biết là liệu con em những gia đình nghèo ở Việt Nam chẳng may học kém, thì số phận những học sinh đó ra sao. Để tìm hiểu chúng tôi hỏi chuyện một phụ huynh có con không đủ điểm, không có tiền chạy vào trường cấp ba công lập. Người phụ huynh này cho biết: “Tui sợ con tui học dở sanh tật đi hoang nên vét tiền xin cho nó vào trường giáo dục thường xuyên. Tui cũng biết cái trường này không có giá trị gì nhưng đành phải chịu.” Ngay cả chúng tôi cũng ngớ người ra vì cái tên trường, loại trường được gọi là: giáo dục thường xuyên. Đây là một dạng giáo dục không phải công lập, không phải bán công hay tư thục và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có.

 Thực trạng tham nhũng giáo dục đã trở thành bình thường như ăn cơm, uống nước trong hệ thống giáo dục công lập ở Việt Nam nhưng phải đến thời gian gần đây, các tổ chức văn hóa-giáo dục quốc tế khi đến Việt Nam dự hội thảo, tham luận của các diễn giả chỉ ra những vấn nạn giáo dục hiện nay có nguyên nhân từ: tham nhũng giáo dục. Đó là định nghĩa chính xác nhất để qua đó dư luận không còn ảo tưởng về “thành tựu giáo dục Việt Nam.”

 13-08-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn