Thiên Sầu (gởi Người Việt)
LTS: Blogger Mẹ Nấm là một trong sáu người Việt Nam được tổ chức Human Rights Watch (HRW), New York, chọn trao giải nhân quyền Hellman/Hammett năm nay.
Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 31 tuổi, từng bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam bắt bỏ tù 9 ngày hồi năm 2009, vì cùng vài người bạn in và mặc chiếc áo có ghi dòng chữ “No bauxite. Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.”
Blogger Mẹ Nấm, cùng con gái 4 tuổi, hiện cư ngụ tại thành phố biển Nha Trang, Việt Nam. Xin giới thiệu cùng độc giả bài phỏng vấn Mẹ Nấm, do blogger Thiên Sầu, cũng đang sống tại Việt Nam, thực hiện sau đây.
***
Thiên Sầu: Xin chúc mừng mẹ Nấm về giải thưởng Hellman/Hammett mà chị vừa nhận được. Chị nói gì về điều này?
Mẹ Nấm: Tôi bất ngờ với giải thưởng, và thấy vinh dự nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ, với giải thưởng này, vinh dự của một cá nhân lại là điều đáng buồn, nếu không muốn nói là đáng xấu hổ của một đất nước về tình trạng thiếu tự do, dân chủ.
Nếu có thể đổi lấy vinh dự của cá nhân mình, thì tôi ước rằng năm sau và nhiều năm tới nữa sẽ không còn có người Việt Nam nào được HRW vinh danh. Đó mới thực sự là phần thưởng lớn nhất mà tôi cũng như rất nhiều người mong đợi.
Thiên Sầu: Giải thưởng Hellman/Hammett lâu nay vẫn thường dành cho các nhà văn, lần này có 2 blogger được vinh dự trên, cùng với chị là anh Bùi Thanh Hiếu tức blogger Người Buôn Gió. Đứng ở vị trí của một blogger, chị nghĩ sao về điều này?
Mẹ Nấm: Đây là sự khích lệ tinh thần rất quý giá với blogger nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Có lẽ, HRW ủng hộ tinh thần “Who will speak if you don't.” (“Ai sẽ lên tiếng nếu bạn im lặng?”)
Blogger Mẹ Nấm trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hồi tháng 6 vừa qua tại Việt Nam. (Hình: Người Việt)
Thiên Sầu: Sau khi có tin tức chị được chọn trao giải thưởng cao quý này, cuộc sống của chị có gặp rắc rối nào từ phía chính quyền?
Mẹ Nấm: Tạm thời thì chưa, vì tôi quá bận nên từ chối vài cuộc điện thoại hẹn gặp và uống trà.
Thiên Sầu: Vài cuộc điện thoại hẹn gặp uống trà, ý của chị là...?
Mẹ Nấm: Một kiểu làm việc bán chính thức nhẹ nhàng và lịch sự hơn “giấy mời.”
Thiên Sầu: từ phía An Ninh?
Mẹ Nấm: ùh.
Thiên Sầu: Những người thân xung quanh chị, bạn bè chị, có gọi điện thoại hay nói gì về giải thưởng?
Mẹ Nấm: Bạn bè trên blog thì có nhắn tin, gọi điện thoại chúc mừng việc tôi nhận giải. Còn người thân xung quanh thì e ngại và lo sợ rằng giải thưởng này sẽ đem lại nhiều điều phiền toái cho tôi, bởi bằng chứng mọi người đưa ra là có đến bốn trong số sáu người lãnh giải thưởng kia đang phải chịu cảnh lao tù.
Thiên Sầu: Là một blogger trẻ, lại là phụ nữ, chị có thông điệp nào muốn nhắn nhủ hay chia sẻ với các bạn blogger trong nước?
Mẹ Nấm: Tỉnh táo, chừng mực để chuyển tải sự thật trong từng câu chữ thông qua blog đến với mọi người. Đó là điều nên và phải làm của một blogger mong muốn có tự do thật sự. Và thêm một điều nữa: đừng ngại ngần nói lên sự thật, bởi im lặng thỏa hiệp là điều kiện tốt nhất để sai trái tiếp tục lên ngôi.
Thiên Sầu: Trong tất cả những điều chị đã viết, sự phản kháng nó cũng bao gồm sự bất lực trước hoàn cảnh. Vậy, chúng ta nói để ta thán nỗi bất lực đó hay vì điều khác?
Mẹ Nấm: Hãy thử tưởng tượng điều này đi, nếu bạn nói sự thật và sự thật đó khiến xã hội thay đổi tốt đẹp hơn, thì bạn còn ngại ngần điều gì nữa? Một xã hội tiến bộ, không phải là mong mỏi của tất cả nhiều người sao?
Trong tất cả những gì tôi viết, chưa bao giờ tôi nghĩ đó là sự phản kháng. Bởi tôi nghĩ đơn giản đó là những ưu tư, trăn trở, thậm chí là gút mắc của một công dân bình thường mà thôi. Nhưng sau những gì đã trải qua, tôi nhận ra rằng, nói những điều chưa được phép nói, thì bị xem là phản kháng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là mình đang ta thán hay bất lực, mà lạc quan hơn là vận động sự thay đổi ngay trong chính suy nghĩ của những người xung quanh mình, những người mình biết.
Thiên Sầu: Xin cám ơn mẹ Nấm dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay. Chúc tinh thần, nghị lực của chị luôn mạnh mẽ để không đầu hàng trước bạo cường.
Mẹ Nấm: Cám ơn Thiên Sầu.
12-08-2010
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn