BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76388)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32024)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tư, hòa giải và hòa hợp dân tộc

24 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1539)
Tháng Tư, hòa giải và hòa hợp dân tộc
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Nhân đọc bài viết “Chỉ đổi tên nước để làm gì?”, có thấy ông Tô Văn Trường đề cập đến chi tiết: “HÒA GIẢI rồi mới HÒA HỢP DÂN TỘC do Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đề xuất là thấu tình đạt lý và cũng rất biện chứng” (1). Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một vấn đề hệ trọng của quốc gia; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tại những tháng ngày này, rất đáng bàn thêm cho minh bạch.

Con người và dòng chảy lịch sử

Ông Võ Văn Kiệt không ít lần đề cập đến tinh thần hòa hợp dân tộc, giới truyền thông trong nước và quốc tế đều có các ghi nhận cụ thể. Lần đầu tiên, có lẽ ông Kiệt công khai quan điểm này là vào dịp gặp gỡ đầu năm Tết Quý Dậu (1993) với nhóm người Việt ở nước ngoài về Việt Nam ăn Tết tại Sài gòn. Ông Võ Văn Kiệt đã nói như sau: “Đoàn kết, hòa hợp dân tộc không chỉ là đường lối, chính sách mà còn là một truyền thống được hun đúc trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam" (2). Lời kêu gọi trên cương vị Thủ tướng vào thời điểm này, phải được hiểu là chính sách của ĐCS Việt Nam, chứ không phải là sáng kiến cá nhân của ông Võ Văn Kiệt. Đầu thập niên 90, sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, quan hệ đa phương trở thành một lựa chọn bắt buộc của giới cầm quyền Việt Nam. Trong tình huống mới, ngôn ngữ trịch thượng của ĐCS Việt Nam sau biến cố 1975 cần phải xuống giọng với chính đồng bào mình, trước khi bắt tay cùng quốc tế.

Ông Võ Văn Kiệt


Theo thời gian, quan điểm hòa hợp dân tộc của ông Võ Văn Kiệt có những biến chuyển nhất định. Các thay đổi này, người ta có thể nhận ra qua cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, vào thời điểm tháng 4/2007. Trong cuộc phỏng vấn trên, một mặt ông Kiệt nói rằng "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng". Mặt khác, ông lại cho rằng những người phục vụ chế độ VNCH là “bị bắt, bị ép”, “ở trong vùng tạm thời bị chiếm đóng nên phải tham gia nghĩa vụ quân dịch”… Trong phát biểu của ông Kiệt, không hề có những thừa nhận cần thiết về những thanh niên tình nguyện ra trận và đã đổ máu để bảo vệ một nền dân chủ còn rất sơ khai ở miền Nam. Theo ông Kiệt, phía bên kia là “người quốc gia thân Mỹ, người quốc gia thân Pháp” còn phe của ông ấy là những “người quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản”. (3) Liệu có hay không - một cuộc đối thoại sòng phẳng để hòa giải - từ cách đặt vấn đề không sòng phẳng như ông Võ Văn Kiệt đã phát biểu? Trong khi bản chất của cuộc chiến Việt Nam trước 1975 là: nội chiến giữa hai phe được các thế lực bên ngoài yểm trợ, với kết cục là phe được ngoại bang giúp đỡ tận tình đã thắng phe bị đồng minh bỏ rơi.

Điều này có nghĩa là ông Kiệt đề cập đến hòa giải như một từ cửa miệng khi nói đến hòa hợp dân tộc. Ở đây hoàn toàn không có tình huynh đệ đồng bào nhưng là lời phát biểu từ não trạng của kẻ chiến thắng, không có tinh thần “bao dung, độ lượng”, bỏ qua “tội lỗi” của phe bại trận. Trong khi đó, hòa giải chỉ có trên tinh thần đối thoại, tương kính. Hòa giải phải được chứng minh bằng những hành động cụ thể. Có ý kiến cho rằng ông Võ Văn Kiệt đã lầm lẫn về tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tinh thần hòa giải chân chính không hề có dính líu gì đến việc kêu gọi đầu hàng, phục tùng, bao dung dân tộc hay xót thương kẻ chiến bại… Tinh thần hòa giải chân chính phải và chỉ được hình thành trên nền tảng bình đẳng, tự do và dân chủ đa nguyên. Ông Kiệt không hề kêu gọi hòa giải dân tộc, ông chỉ kêu gọi hòa hợp dân tộc. Ông ấy không thấy cần phục hồi danh dự cho những người đã bị xúc phạm là một hành động cần thiết cho hòa giải. Nói cách khác, căn cứ trên chính mệnh đề của tác giả Tô Văn Trường đặt ra: một khi không có hòa giải thì làm sao có hòa hợp dân tộc?

Vậy quan điểm hòa giải, hòa hợp dân tộc của ông Võ Văn Kiệt xuất phát từ tâm thế nào; quan điểm này có “thấu tình đạt lý” và “biện chứng” như tác giả Tô Văn Trường đã viết hay chưa? Nelson Mandela là tổng thống da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi – người lập nên Ủy ban Sự Thật và Hòa giải Quốc gia. Nhiều phụ tá, quan chức da trắng trong chính phủ ông Mandela là những người có thực quyền. Còn những trí thức trong nhóm “Ngày Thứ Sáu” cộng tác với ông Kiệt giữ vai trò gì, ngoài công việc cố vấn bàn giấy tại “Văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế thuộc bí thư Thành ủy”. Mặc dù từ năm 1976, ông Kiệt đã là Ủy viên Dự khuyết bộ Chính trị; đến năm 1986, ông làm Thủ tướng…, ông có đủ mọi điều kiện để suy tư về vấn đề hòa giải và hòa hợp. Nhưng có lẽ đối với thành phần trí thức phi cộng sản, ông Kiệt chỉ sử dụng mà không trọng dụng đúng mực tài năng của họ.

Những uốn lượn của lịch sử

Tuy nhiên, mục đích của bài viết này đặt ra là không nhằm phủ nhận một quan điểm chính trị xét trong một bối cảnh lịch sử cụ thể - mà là muốn ghi nhận đúng tiến trình phát triển nhận thức của cá nhân ông Võ Văn Kiệt. Chẳng hạn từ góc độ kinh tế, cố giáo sư Đặng Phong - tác giả bộ sách Tư duy kinh tế Việt Nam nhận định về Đổi mới và Võ Văn Kiệt: “Ở Việt Nam không có ai là cha đẻ của Đổi mới. Ở miền Nam khi đó, Võ Văn Kiệt có vai trò như một chiếc xe tăng đỡ đạn cho những người xé rào, nhưng ông không phải là người đưa ra tư tưởng Đổi mới". Ông Đặng Phong khẳng định: "Đổi mới ở Việt Nam không bắt đầu từ tư tưởng của một nhà cải cách nào đó mà bắt đầu từ cuộc sống" (4). Ngoài ý nghĩa chính nhu cầu thực tiễn đã ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định của giới cầm quyền Việt Nam; nhận xét của giáo sư Đặng Phong liên quan đến trường hợp ông Võ Văn Kiệt còn có một giá trị khác. Có vẻ quan điểm hòa giải hòa hợp dân tộc của ông Võ Văn Kiệt không xuất phát từ sách vở kinh điển mà được hình thành từ những tác động quan hệ cá nhân…

Từ một nguồn khác, người ta có thể nhận ra điều này từ bài “Tưởng nhớ Đặng Phong, một trí tuệ và một tấm lòng”. Ở đây, ông Nguyễn Gia Kiểng có viết: “Ít ai biết rằng những bài viết và nói trong những năm cuối đời của ông Kiệt đều là của Đặng Phong. Anh có gửi cho tôi xem trước khi chúng được đưa ra trước dư luận” (5). Giáo sư Đặng Phong, tác giả của hàng chục ngàn trang sử kinh tế Việt Nam; từng được thỉnh giảng ở trường đại học Paris VII và đại học Irvine (Mỹ). Xem ra câu chuyện giữa Tổng biên tập tờ Vật giá của Ủy ban Vật giá Trung ương với ông Nguyễn Gia Kiểng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Vật giá thuộc bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, cũng từng dạy đại học ở Sài gòn, không chỉ dừng lại ở những vấn đề kinh tế. Họ tâm đắc với nhau trong chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc và các giá trị tư tưởng khác của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng, kể từ năm 2005 trở đi - những gì ông Võ Văn Kiệt nói và viết đều có sự tham gia của ông Đặng Phong; và ông Phong đều có hội ý với ông Kiểng, để xem nên để ông Kiệt nói và viết những gì. Thiển nghĩ đây là một chi tiết lịch sử cần công bố trước công luận, về những nhân vật đã thoát ly khỏi định kiến chính trị, hòng thực chứng tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Hòa giải sẽ là liều thuốc chữa lành những vết thương lở nát của dân tộc này, khi các chính sách hòa giải hòa hợp được hình thành trên tinh thần tôn trọng sự thật. Sự thật sẽ soi sáng công lý, đủ sức xoa dịu những khổ đau. Hòa giải và hòa hợp dân tộc không nên áp dụng như một trò xảo trá, để thêm một lần nữa chà đạp lên anh em đồng bào mình.

Văn tế tử sĩ nghĩa trang quân đội Biên Hòa và Trường Sơn

Để có thể hiểu như thế nào về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, người ta hay nhắc đến bài diễn văn Gettysburgc ủa Tổng thống Abraham Lincoln đọc tại Lễ Cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia ở Gettysburg, vào ngày 19/11/1863 – nơi chôn cất 7.500 binh sỹ cả hai bên tham gia nội chiến. Abraham Lincoln không bàn đến phe thắng hay thua trận; ông ấy đề cập vấn đề ở một góc độ thiết thực hơn: thái độ cần có của những người đang sống và ý nghĩa sự hy sinh của những người đã khuất:

“(…) nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã hiến dâng mạng sống mình để tổ quốc được sống. Đó là điều chúng ta cần phải làm.(...)

Những con người dũng cảm, đang sống hay đã chết, là những người từng chiến đấu ở đây, đã cung hiến nó, họ đã làm điều mà những con người yếu đuối như chúng ta không thể làm gì thêm hơn nữa. (…) Ấy là cho chúng ta, những người còn sống, cần cống hiến mình cho chính nghĩa vẫn chưa hoàn tất, mà những người từng chiến đấu ở đây đã cống hiến đời mình để sự thành công của chính nghĩa ấy mau đến. Ấy là cho chúng ta, những người đang hiện diện ở đây, tiếp nhận trọng trách đang đặt trước mặt chúng ta – chúng ta tiếp nhận từ những người đã khuất hiện đang được vinh danh lòng tận tuỵ với chính nghĩa mà họ đã cống hiến bằng chính sinh mạng mình – ngay tại đây, chúng ta quyết tâm không để họ chết vô ích (…)” (6).

Thực ra trong lịch sử Việt Nam, những hành vi hóa giải hận thù cũng từng được ghi nhận. Chẳng hạn sau khi lên ngôi hoàng đế vào năm 1428, Lê Lợi đã cho đốt danh sách những người theo hàng quân Minh. Năm 1789, vua Quang Trung đã từng ban sắc lệnh cử đại lễ cúng cô hồn tử sỹ, kể cả cho mấy vạn quân Thanh tử trận. Năm 1802, sau khi thống nhất toàn cõi, vua Gia Long cũng thiết lập đàn siêu độ cho “tướng sĩ trận vong và cô hồn thập loại”.

Rồi mai ngày ở Việt Nam, ai sẽ đọc một bài diễn văn có lời lẽ tương tự như Abraham Lincoln trước nghĩa trang quân đội Biên Hòa và nghĩa trang Trường Sơn? Người ta có thể trông đợi cử chỉ cần thiết này từ những người cộng sản đang cầm quyền hôm nay, hay một tổ chức chính trị dân chủ nào khác chăng? Liệu đâu là tiêu chí để phân định giữa một cử chỉ thành tâm hòa giải để hòa hợp dân tộc, với một phản ứng mang tính tình thế? Chính mức độ nhận thức về hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ là thước đo khẳng định về thực tâm các hành động. Trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, có lẽ Nguyễn Gia Kiểng hay các chí hữu của ông ấy - mới làm được điều này. Từ ngày thành lập năm 1982, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã lấy hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự làm lập trường nền tảng. Vấn đề này có ghi nhận trong tập tài liệu Cơ Sở Tư Tưởng, hoàn tất vào năm 1984.

Lập trường nền tảng về hòa giải và hòa hợp dân tộc được thể hiện xuyên suốt qua Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên 1992, đến Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên 1996, mang tên Thử Thách và Hy Vọng. Cuối cùng đúc kết tại Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên 2001, mang tên Thành Công Thế Kỷ 21, đã hoàn tất sau hơn một năm trao đổi của hơn một trăm chí hữu của THDCDN trong và ngoài nước. Đó không phải là "hòa hợp dân tộc" kiểu đoàn kết sau lưng kẻ chiến thắng mà là sự hòa giải thức tỉnh và giác ngộ của những người anh em bình đẳng:

Trong cuộc xung đột vừa qua chúng ta đã không có chọn lựa tốt nào. Chúng ta đã chỉ có những chọn lựa đau buồn, giữa cái dở và cái mà một cách chủ quan chúng ta thấy là còn dở hơn (...) Anh em ruột thịt, bạn bè thân thích đã chỉ vì một sự lượng định nặng nhẹ khác nhau, hay đã chỉ bị hoàn cảnh xô đẩy, mà phải quay lưng lại với nhau, mạt sát nhau, bắn giết nhau. Cho nên, ngoài những đổ vỡ về vật chất và sinh mạng, còn có một đổ vỡ lớn hơn trong lòng mỗi người Việt Nam. Để rồi, kẻ thì đã thua trận, bị tù đày và nhục mạ, người thì nhận ra tất cả những hy sinh của mình chỉ là để đóng góp cho một công trình đập phá đất nước. Chẳng có ai có lý do gì để bắt lỗi ai, tất cả chúng ta đều đã thất bại bẽ bàng. Chúng ta đều là nạn nhân. Chúng ta phải bắt tay nhau cùng làm lại lịch sử.” (7).

Nhưng làm lại lịch sử để làm gì? Đó là để thay đổi số phận của đất nước và con người Việt Nam. Dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 kết thúc như sau:

Làm người Việt Nam trong thế kỷ hai mươi đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong thế kỷ hai mươi mốt sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ hoang tàn và đổ nát.”

Với tâm tình của người Việt vào mỗi dịp tháng 4 và trước hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc, những giá trị tư tưởng đúng đắn về hòa giải và hòa hợp dân tộc rất đáng được ủng hộ và trân trọng.

Ngày 24/04/2013
Hoàng Tâm Nguyên

Chú thích:

1/ Chỉ đổi tên nước để làm gì?

2/ Hòa hợp dân tộc: vì mục tiêu chung vượt lên khác biệt.

3/ BBC phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt 

4/ Học và không học những gì từ Trung Quốc, Tống Văn Công.

5/ Tưởng nhớ Đặng Phong, một trí tuệ và một tấm lòng, Nguyễn Gia Kiểng.

6/ Diễn văn Gettysburg.

7/ Dự án chính trị - III. Đồng thuận nền tảng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn