BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76371)
(Xem: 63032)
(Xem: 40422)
(Xem: 32018)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Buồn Vui Tháng Tư

02 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1466)
Buồn Vui Tháng Tư
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
12Vote
3.76
Như những người bị dị ứng với phấn hoa vào mùa xuân mỗi năm tại Vùng Hoa-thịnh-đốn, tôi nghe một nỗi buồn sâu thẳm thấm tận đáy lòng vào tháng tư mỗi năm. Cái cảm giác vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài-gòn lại trở về với tôi. Nó giống như cảm giác khi cha tôi qua đời, một sự mất đi ghê gớm mà một đứa bé hơn mười tuổi lúc ấy không bao giờ nghĩ tới và không thể tin, nhưng nay với tầm vóc lớn lao khủng khiếp hơn.Mình cảm thấy thế giới chung quanh như không còn nữa, hay tất cả đã rơi xuống địa ngục. Một thảm kịch còn bi thương hơn sự chết. Và cái cảm giác ấy cứ theo tháng tư mỗi năm mà trở lại với tôi cùng với câu hỏi: tại sao thảm kịch ấy có thể xảy ra?

 


Tôi không ngừng tìm hiểu sự thực và đào bới trong sách báo từ mọi phía. Trong nhà tôi ở Virginia, vùng ngoại ô Washington D.C., có một thư viện nhỏ chiếm hết căn hầm bên dưới, trong đó có nhiều sách báo về cuộc chiến tranh Việt Nam, bằng Việt ngữ và ngoại ngữ. Những sách báo này, được cập nhật hàng năm, đã soi sáng nhiều sự thật vào thảm kịch Việt Nam, trong đó có mấy cuốn của Phạm Kim Vinh thường được tôi đọc đi đọc lại vì tác giả không phải chỉ viết sự thật mà còn thể hiện một lòng yêu nước nhiệt thành, rất nhân bản và một sĩ khí hiếm có trong thời hiện đại.

Học giả Phạm Kim Vinh đã có 37 cuốn sách viết về Việt Nam, thời chiến và hậu chiến, vừa bằng Việt ngữ và Anh ngữ. Ông qua đời năm 2000 khi đang viết cuốn thứ 38, America: From the Vietnam War to the 21st Century.

Trong tất cả những sách đã xuất bản, ông Phạm Kinh Vinh, không nhiều thì ít, đều nêu cao chính nghĩa của miền Nam Việt Nam, đặc biệt vinh danh những người lính VNCH trong cuộc chiến đấu gian khổ và luôn luôn chịu thiệt thòi trước mắt thế giới vì tuyên truyền bất lương của cộng sản và sự thiên lệch của giới báo chí thiên tả Âu Mỹ.

Đã có rất nhiều người viết về nguyên nhân đưa đến cái chết của Việt Nam Cộng Hoà, nhưng có lẽ đoạn dưới đây (trích từ cuốn Thiên Anh Hùng Ca Viết Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Phạm Kim Vinh 1984) đã nói lên thực nhất về bi kịch Việt Nam:

(trích)

“Sử gia kiêm nhà báo Pháp Pierre Darcourt đã mang quân phục quân đội viễn chinh Pháp để đánh cộng sản tại VN năm 1946. Sau đó, khi giải ngũ, ông ta lại hùa theo một tác giả khác của Pháp là Bernard Fall để viết sách, báo ồn ào ca tụng cuộc chiến đấu của cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhưng vào những ngày chót của miền Nam VN tự do, Pierre Darcourt đã cùng với Jean Lartéguy, một nhà báo Pháp khác trước kia cũng đã ồn ào ca tụng Hồ Chí Minh, lại trở thành những người hăng hái nhất để bênh vực cuộc chiến đấu của Nam VN. Cả hai đều đã nhiều lần đi tới tận mặt trận Xuân Lộc và tới một số trận địa khác ở quanh thủ đô Sài-gòn để được thấy tận mắt cuộc chiến đấu thật dũng cảm, và cũng thật tuyệt vọng của nhiều đơn vị Quân lực VNCH.

Cái thông điệp không cần lời nói ấy đã tỏa ra rõ rệt từ cử chỉ giác ngộ của hai người: từ đây, họ sẽ là nhân chứng để nói cho thế giới bên ngoài biết rằng họ đã được thấy tận mắt những người lính VNCH chiến đấu cho tới phút chót, và rằng muốn giải thích sự sụp đổ của Nam VN năm 1975 thì người nào tìm hiểu sự sụp đổ ấy sẽ phạm tội bất lương, nếu cứ nằng nặc đổ diệt cho quân lực Nam VN cái tội ‘không chịu chiến đấu’.

Pierre Darcourt tìm được thứ chất liệu rất sống cho thông điệp của ông ta bằng cách gửi cho thế giới bên ngoài lời trăn trối của một sĩ quan trẻ tuổi trong Quân lực VNCH. Sĩ quan ấy không chỉ huy một đơn vị lớn, nhưng hoàn cảnh chiến đấu tuyệt vọng của ông ta là hoàn cảnh của hàng trăm, hàng ngàn quân nhân VNCH khác ở những ngày cuối cùng của miền Nam tự do. Darcourt đã tìm gặp ông Trần Quốc Bửu, cựu chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công VN. Ông Bửu có người con trai nhập ngũ từ nhiều năm trước. Đó là một đại đội trưởng, chỉ huy một đồn trong tỉnh Bà Rịa.

Ông Bửu tiếp Pierre Darcourt tại văn phòng của ông ta ở Sài-gòn. Trên một kệ sách, Darcourt trông thấy hình một sĩ quan VN trẻ tuổi. Một miếng vải đen cột chung quanh bức hình. Ông Bửu nói:

- Đó là hình con trai tôi, tử trận hồi tháng 10 năm ngoái (1974). Coi nó bảnh trai đó chứ, phải không ông? Nó can đảm, rất lanh lợi, và thẳng thắn. Nó có người vợ đẹp và hiền, và được đứa con trai ba tuổi. Nó là đại đội trưởng, chỉ huy một đồn tại Bà Rịa. Nó vừa được 27 tuổi lúc nó… Nó đã chọn quân đội không phải vì nó thích chiến tranh mà là vì chúng tôi đang có chiến tranh… Nó chiến đấu giỏi, và được thưởng nhiều huy chương. Chúng tôi rất thương nhau. Nó thường viết thư cho tôi. Vài tháng trước khi chết, nó lo âu và bồn chồn nữa… Hồi đầu tháng 10, nó gửi thư cho tôi. Để tôi đọc ông nghe (Darcourt sanh tại Sài-gòn, đọc, nói và viết tiếng Việt rất thông thạo):

Kính thưa cha,

Tình thế đang tồi tệ trong khu vực của con, không phải vì dân chúng đã trở mặt vì bị địch tuyên truyền mà là vì chúng con thiếu nhiều phương tiện để chiến đấu. Các nông dân thuộc lực lượng tự vệ không có đủ đạn để bắn… Quân chính quy không tránh né cuộc chiến đấu, nhưng mỗi khi đụng độ thì họ thường bị thiệt hại nặng vì địch quân trội hơn hẳn về vật liệu và về chiến cụ.

Để cha hiểu rõ về tình thế của chúng con, con thấy cần phải ghi vài lời giải thích về kỹ thuật. Cộng quân dùng xe tăng T-54 và đại bác 130 ly. T-54 là một loại chiến xa rất tốt, rất lưu động, vỏ thép dày, và được trang bị một đại bác 100 ly, hai đại liên 30, và một đại liên 50. Tầm hoạt động của nó là 400 cây số, và hầm đạn chứa được 34 quả đạn đại bác. Khi bị tấn công thì chúng con chỉ có thứ bazooka M-72 để tự vệ. Súng ấy chỉ có hiệu quả bắn mục tiêu trong vòng 100 thước. Vậy phải đến thật gần xe, và phải bắn thật trúng. Nhưng xe tăng của địch thường có bộ binh hộ tống nên M-72 không chắc gì đã bắn được xe tăng trong khi người bắn lại dễ chết…

Mặc dầu được chế tạo cách đây hai chục năm nhưng đại bác 130 ly là một khí giới rất đáng sợ. Nó nặng 8 tấn, có xe xích kéo, tầm bắn xa 27 cây số, nhịp bắn mỗi phút 6 viên. Chỉ cần có 3 khẩu 130 ly, ngụy trang trong rừng, rồi bắn trong một giờ là có thể phá nát một quận lỵ bằng một ngàn trái đạn. Vì đạn ấy có thể xuyên phá 27 ly thép dầy cho nên đạn ấy phá được mọi thứ kiến trúc hiện có cho tới nay. Dân chúng chỉ biết chạy trốn, còn binh sĩ thì chỉ có chờ chết vì chỉ được trang bị đại bác 105 ly, yếu hơn nhiều. Đạn của chúng con đếm từng viên, mỗi khẩu đại bác chỉ được bắn 3 viên mỗi ngày. Còn địch quân thì dư thừa đạn.

Trên lý thuyết thì chúng con có ưu thế không quân để diệt pháo binh địch. Nhưng trong thực tế, điều ấy sai. Từ khi có cuộc khủng hoảng dầu lửa, phi cơ trực thăng chỉ được bay mỗi ngày 3 giờ. Hơn nữa, địch quân lại được trang bị hoả tiễn SA-7 có đầu đạn tự tìm máy bay, bắn rớt dễ và rất trúng.

Thưa cha, con biết là cha quen biết người Mỹ rất nhiều. Địa vị chủ tịch TLĐLC của cha sẽ làm cho tiếng nói của cha thêm sức mạnh. Phải giải thích cho họ hiểu tính cách nghiêm trọng của tình thế. Họ phải cho chúng con những khí giới tối tân. Họ có những thứ đó, tại sao lại không cho chúng ta? Họ phải viện trợ quân sự và kỹ thuật cho chúng ta, như họ đã hứa. Chúng con không hèn, và không sợ chết. Miễn là cho chúng con cơ hội để thắng, hoặc là để chống cự hữu hiệu. Cha thứ lỗi cho con đã bắt cha phải đọc bản tường trình quân sự quá dài này. Trong khu vực của con, đụng độ và pháo kích diễn ra liên tiếp. Dầu sao, con cũng nhất quyết giữ đồn của con, và còn sống thì không khi nào rút bỏ.

Binh sĩ của con theo con, và dân chúng tin ở con.

Ông Bửu từ từ gấp lá thư lại, ho nhẹ để bớt xúc động, trước khi nói tiếp:

- Tất cả lịch sử bại trận của chúng tôi ở trong vài giòng đó. Tôi nhận được thư của con tôi khi tôi từ một chuyến đi Âu Châu và Á Châu trở về. Lúc tôi đọc thư của con tôi thì nó chết đã được ba ngày.

- Ông có nói cho người Mỹ biết không?

- Tất nhiên là có. Tôi đã gặp Đại sứ Martin, gặp các tùy viên quân sự, tôi đã viết thư cho nước Mỹ. Không ai nghi ngờ các tin tức tôi gửi họ. Đại sứ Mỹ và các tùy viên của ông ta đã ghi chép. Họ có vẻ băn khoăn thật lòng. Nhưng lại không ai có thể làm được điều gì. Tôi muốn nói rằng không có biện pháp cụ thể nào đã được thi hành.

- Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Ông Bửu có một cử chỉ mệt mỏi và chán nản:

- Bất cứ chuyện gì! Các nhân vật dân cử sẽ giao động, Tổng thống Ford sẽ đưa ra những lời tuyên bố cao cả, Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận cù cưa để khỏi cấp ngân khoản, Thiệu sẽ phải ra đi, hoặc sẽ bị giết. Sĩ quan và binh sĩ trẻ như con tôi sẽ chết cho danh dự… hoặc chết để cho vài chánh khách rẻ tiền có thời giờ leo lên cầm quyền. Đủ thời gian để dựng một vở kịch ứng khẩu, nhưng thực ra đã được viết sẵn từ trước. Người Mỹ sẽ đóng cửa văn phòng chót của họ, Hạm đội số 7 sẽ lượn vòng vòng ở Nam Hải. Và cộng sản sẽ chiếm Sài-gòn. Và chúng tôi sẽ chịu lỗi về mọi điều…

Chủ tịch TLĐLC tiễn Pierre Darcourt ra cửa, nắm tay ông ta rất lâu, rồi nói thêm trước khi từ biệt:

- Nếu ông có tới mặt trận thăm anh em binh sĩ, xin đừng kể cho họ nghe những lời tôi nói. Tôi đã cho ông biết tâm sự thầm kín của tôi. Những người sắp chết cho một chính nghĩa mà họ tin là đúng và thiêng liêng thì không cần biết trước rằng chính nghĩa ấy sẽ thua. Nói trước với họ như thế là độc ác, và vô ích. Tôi đã không nói trước như thế với con tôi.”

(hết trích)

Thật đau lòng và cũng thật đáng tự hào cho những người đã đứng trong hàng ngũ “bên thua cuộc” vào ngày 30.4.1975.

Nhưng không bao lâu sau, “bên thắng cuộc” đã dần dần biến thành thua bại. Bắt đầu tuột giốc không thể kìm hãm. Từ tháng 4.1975, hàng triệu người đã tìm mọi cách ra đi, không chấp nhận đời sống nô lệ. Đến nay đã có khoảng ba triệu người sống ở hải ngoại. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường vượt thoát. Cái nhìn của thế giới đã xoay chiều đối với “giải phóng”, kể cả một số khuôn mặt phản chiến cỡ lớn trước kia. Nền kinh tế quốc doanh đã tới bên bờ vực thẳm để chôn vùi tất cả những giấc mơ điên rồ khiến cộng sản phải “đổi mới” kinh tế, trở lại làm ăn kiểu “kinh tế thị trường” của tư bản, nhưng lại theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (!), khai sinh ra giai cấp tư bản đỏ, tệ hại gấp ngàn lần lớp tư bản cũ mà Karl Marx lên án. Cuộc cách mạng nhân danh giai cấp vô sản đã biến thành con quái vật hung bạo dày đạp trên lưng đám dân nghèo.

Có lẽ Dương Thu Hương là người đầu tiên công khai lên tiếng tố cáo đã bị “đảng” lừa, mở đường cho những cán bộ viết khác nói lên sự thật, nhưng niềm tin vào “đảng” đã đổ vỡ rất sớm.

Chỉ ba năm sau ngày “thắng cuộc”, phi công Đinh Công Giểng, Thượng úy VC với 17 tuổi đảng, trong khi đang được Trung tá Lại Đắc Ngọc (thuộc Không lực VNCH, được đưa ra khỏi trại cải tạo) huấn luyện cho lái phi cơ C-47, nhân một chuyến bay tới Cà-Mau đã cùng nhau bay sang Thái-lan rồi Singapore tìm tự do. Cuộc vượt thoát táo bạo tuyệt vời này đã làm giới lãnh đạo đảng CSVN giật mình hoảng sợ, và phản ứng đầu tiên là nhắm vào Nguyễn Thành Trung, kẻ được VC gài vào Không Quân VNCH và đã được thổi lên tận mây xanh với “chiến công” thả vài quả bom xuống Tân Sơn Nhất trong mấy ngày hỗn loạn cuối tháng 4.1975. Sau vụ đi tìm tự do của Đinh Công Giểng, Trung đã bị cắt cánh, cấm bay, cho nằm dưới đất để gặm nhấm thân phận cỏ rác của một tên ngu thời đại.

Ảnh hưởng to lớn của vụ vượt thoát nói trên đã được xác nhận trong một bài trên báo Người Lao Động và một tài liệu của Không quân CSVN mang tên “Lịch sử Trung đoàn Không quân 918 (1975-2005)”, trong đó có đoạn nguyên văn như sau: “Trong lúc toàn trung đoàn tập trung cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và vận chuyển quân sự, tại sân bay Cà Mau đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Ngày 22 tháng 3 năm 1978, trong chuyến bay nhiệm vụ đến sân bay Cà Mau, lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý máy bay và quản lý vùng trời, một phi công thoái hoá về chính trị cùng một tên nguyên trung tá ngụy cướp chiếc máy bay C-47 chạy trốn ra nước ngoài. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức chiến đấu của đơn vị và tác động về tâm lý đối với đội ngũ phi công và ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần trung đoàn.”

Đinh Công Giểng đã làm lại cuộc đời trên đất Mỹ, cựu Trung tá Lại Đắc Ngọc hiện đang ở Virginia, thỉnh thoảng cùng bạn hữu ôn lại dĩ vãng một thời liệt oanh và những kinh nghiệm của cả một đời gắn liền với nửa thế kỷ biến động trên quê hương Việt Nam bất hạnh, nay không hiểu sao mình còn sống sót.

Tác giả


Đó là những niềm vui thoáng chốc trong nỗi buồn tháng tư. Nhưng, tháng 4 năm 1993 tôi đã có một niềm vui lớn như một giấc mơ, mà như tôi thường nói, “không thể thấy kể cả trong khi ngủ”. Tôi đã đặt chân lên Công trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa mà chế độ cộng sản không còn!

Vâng. Tôi đã nhìn thấy Điện Kremlin trước mặt mà không có cờ đỏ với búa liềm, đã xem xác Lê-nin còn nằm trong lăng nhưng đế quốc tội ác mà hắn dựng lên với hàng chục triệu xác chết đã sụp đổ tan tành. Và thật kỳ diệu, tại thủ đô nước Nga vừa được tự do lại có một đài phát thanh do Nữ Ký giả Nga Irina Zisman thành lập, hướng về Việt Nam cổ vũ nhân quyền.

Khi ấy, lần đầu tiên tôi tin chắc rằng có ngày tôi cũng sẽ trở về Việt Nam, không phải với danh nghĩa “Việt kiều” xin-cho, nhưng với tư cách một người ở “bên thắng cuộc”.

Tháng tư năm nay tôi càng tin chắc như vậy, với những gì đang diễn ra tại Việt Nam đã chứng tỏ người dân trong nước không còn sợ bạo lực. Số người dõng dạc đứng lên ngày càng đông, những tiếng nói đòi Tự Do ngày càng lớn và dũng mãnh.

Ở hải ngoại, có những người vẫn tiếp tục chiến đấu, trên một mặt trận khác, tuy không có tiếng súng nhưng không phải là thiếu cam go, đòi hỏi ý chí, và hy sinh.

Tháng tư là mùa hoa anh đào nở tại thủ đô nước Mỹ, có đông du khách và cũng có nhiều sinh hoạt của cộng đồng người Việt trong vùng.

Trước đây vài hôm, tôi đã tới dự tiệc sinh nhật thứ hai của đài phát thanh NVR (Nationwide Việt Radio), tên mới của Việt DC Radio, được thành lập do một nhóm người, đứng đầu là Tổng giám-đốc Lưu Lệ Ngọc, đã bỏ cuộc sống bình an và tiện nghi để dấn thân vào con đường đầy bất trắc nhưng cũng lắm say mê vì muốn góp phần phục vụ cộng đồng và phát huy tự do. Sau hai năm hoạt động, đài đang trên đà phát triển, điều đã làm nhiều người ngạc nhiên vì đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn – về kỹ thuật, tài chính, nhân sự… đã khiến lắm người không dám bước chân vào.

Ngày hôm sau, cũng tại Vùng Hoa-thịnh-đốn, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật và Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã tổ chức một buổi sinh hoạt văn học rất khác lạ. Có vẻ như một buổi ra mắt sách, nhưng lại không có những bài phát biểu đánh bóng tác phẩm và tâng bốc tác giả. Trái lại, các diễn giả đã nói ra nhiều sự thật màu đen khiến chính họ đôi khi đã phải nghẹn lời và người nghe chấm nước mắt. Người thì cho biết mình mắc bệnh ung thư vào thời kỳ kết thúc, người thì thú thật tuổi tác đã cao và đây là lần xuất hiện cuối cùng, hay nói về thực trạng buồn thảm của công việc xuất bản sách, về hiện tượng chỉ có những mái đầu bạc trong hội trường này. Có diễn giả đã viết xong bài nói thì được đưa vào bệnh viện cấp cứu, phải nhờ người khác đọc.

Người nói sau cùng là Nhà văn Uyên Thao, nhân danh Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương. Ông cũng là người mang bệnh nan y từ hơn mười năm nay, vừa chiến đấu với căn bệnh ngặt nghèo vừa lo điều hành việc xuất bản sách mà ông nói rằng không thể không làm để chống lại cái ác thể hiện qua một bài thơ đã ám ảnh ông từ nhiều năm qua. Ông đã lấy trong túi ra bài thơ có tựa đề là “Nước”(*) và đọc cho cử tọa nghe:

Người ta gọi tôi là địa chủ
Đây một lũ người tự xưng là cùng đinh
Đem bắt trói tôi vào một cột đình
Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
Số là tôi khát nước lắm rồi
Ôi chao, tôi ước ao tôi ao ước
Và không thể cầm lòng tự cao
Tôi kêu: “Hãy cho tôi nước, nước, nước!”
Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời: “Được!”
Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
Lúc đứng gần sau lưng tôi, gã nói thỏ thẻ :
“Hãy hả họng cho tao đổ, tội nghiệp đồ chết khát!”
Tôi cảm động nhắm mắt run run hả họng khô rát
Nó hắt ngay vào một nắm cát.


Có thời đại nào và vì đâu đã khiến con người mất hết nhân tính để đối xử với đồng bào mình độc ác đầy hận thù như vậy? Có lẽ người Việt Nam nào còn lý trí cũng có thể trả lời.

Một buổi sinh hoạt văn học trong bầu không khí thật buồn, nhưng với tôi, nó là một điểm sáng trong bức tranh u ám của tháng tư năm nay. Và tôi nhớ tới câu nói đầy bi phẫn của ông Trần Quốc Bửu năm 1975: “Những ngưòi sắp chết cho một chính nghĩa mà họ tin là đúng và thiêng liêng thì không cần biết trước rằng chính nghĩa ấy sẽ thua.”

Sau 38 năm, những người lính già vẫn tiếp tục âm thầm chiến đấu trên một mặt trận khác cho chính nghĩa mà nay họ tin cuối cùng sẽ thắng.

Có thể họ không sống tới ngày nhìn thấy chiến thắng, nhưng họ đã trông thấy ánh sáng chói lòa ở cuối đường hầm (như lời một diễn giả).

Sơn Tùng
Tháng 4, 2013
(*) Tác giả Quách Thoại
“Tôi đã đặt chân lên Công trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa mà chế độ cộng sản không còn.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn