BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76180)
(Xem: 62953)
(Xem: 40364)
(Xem: 31960)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thà chết trên biển cả!

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2765)
Thà chết trên biển cả!
52Vote
40Vote
32Vote
21Vote
10Vote
3.65
Một đêm hãi hùng vào năm 1964, trong khi cha mẹ tôi đang ngồi ăn cơm trong nhà tại thành phố Nha Trang thì có 2 cán bộ Cộng sản vào nhà bắn chết cha tôi. Chúng định giết mẹ tôi luôn nhưng mẹ tôi lúc đó đang mang thai nên chúng bỏ đi.

Ba tháng sau, vào tháng 12 năm 1964 tôi chào đời, không bao giờ được trông thấy mặt cha tôi cả. Trước đó cha tôi làm việc cho người Mỹ tại Nha Trang. Đến năm 1967 thì mẹ tôi tái giá và tôi được đưa về ở với bà ngoại tôi.

Khi về ở với bà ngoại thì tôi phải tự lo lấy mọi việc một mình, không ai giúp đỡ cả. Sau đó bà tôi quyết định gửi tôi vào nhà tu Công Giáo tại Nha Trang. Tôi đi tu từ lúc 5 tuổi và mỗi tháng về nhà 1, 2 lần để thăm bà ngoại tôi thôi.

Khi Cộng Sản chiếm miền Nam vào năm 1975, tu viện phải đóng cửa và tôi phải về nhà bà ngoại tôi. Lúc đó tôi đã 11 tuổi rồi. Khi xong Trung Học, muốn vào trường Đại Học rất khó khăn. Mặc dù tôi đã thi đậu, nhưng vì lý lịch cha tôi không phải là đảng viên Cộng sản nên tôi không được nhận. Nhưng khi tôi đậu được điểm rất cao vào kỳ thi năm sau thì họ cho tôi vào học. Tôi học môn văn chương Việt-Nam và sau khi tốt nghiệp cũng không kiếm được việc làm vì gia đình tôi không phải thuộc thành phần đảng viên Cộng Sản.

Trong khi tôi học ở Trung Học và Đại Học tôi đã định vượt biên nhiều lần mà không được Lúc tôi học lớp 11 tôi vượt biên bằng thuyền thì bị bắt. Họ nhốt tôi 3 tháng, mỗi ngày cho ăn 2 bát cơm không, sau đó mẹ tôi và bà tôi lo đút lót tiền cho công an nên họ thả tôi ra.

Sau khi xong Trung Học tôi lại vượt biên lần nữa và cũng bị bắt. Lần này vì tôi đã trên 18 tuổi nên họ giam tôi 1 năm. Mẹ tôi và bà ngoại tôi lại phải chạy tiền đút lót để tôi được thả. Vào tù nếu không có tiền thì sẽ bị công an đánh đập, nếu có tiền thì cái gì cũng xong hết. Khi tôi tốt nghiệp xong Đại Học được đi dậy học tại trường Trung Học Lý Tự Trọng. Sau đó một năm tôi lại vượt biên lần thứ tư và lần này tôi đã may mắn đi thoát.

Tôi phải vuợt biên vì ở Việt-Nam tôi không thể làm gì được mặc dù tôi có bằng cấp nhưng vì không phải đảng viên Cộng Sản nên không thể nào thăng tiến được. Do đó tôi liều mình vượt biên, Thà chết trên biển cả hơn là sống tại Việt-Nam. Chúng tôi có tất cả 42 người trong chuyến đi. Gom góp tiền bạc mua tầu để vượt biên. Chúng tôi khởi hành ngay tại bờ biển Nha Trang lúc 4 giờ sáng. Khi được hiệu lệnh cả 42 người chúng tôi chỉ có đúng 5 phút là phải leo lên tầu.

Chúng tôi lênh đênh trên biển cả 2 tuần lễ. Hai ngày đầu ai cũng bị say sóng. Chung quanh, trên dưới chúng tôi chỉ có trời và biển. chúng tôi bị một cơn bão lớn nhưng may mắn qua khỏi. Chúng tôi đã chấp nhận cái chết từ ngay lúc bước chân lên tầu rồi nên tâm hồn rất thanh thản.

Sau 1 tuần, thì chúng tôi hết nước và lương thực, chúng tôi phải tìm cách bắt cá và ăn cá sống. Đến ngày thứ 10 thì tầu của chúng tôi chết máy. Chúng tôi không biết làm gì nữa. Qua đến ngày thứ 11 thì chúng tôi gặp một chiếc tầu lớn, họ cho chúng tôi nước uống và thực phẩm nhưng không giúp sửa máy móc của tầu chúng tôi được. Đến ngày thứ 12, chúng tôi gặp được 3 ghe đánh cá của người Phi Luật Tân, chúng tôi vời họ lại và điều đình xin họ kéo chúng tôi vào bờ và chúng tôi sẽ trả tiền. Họ bằng lòng và chúng tôi vào được một hòn đảo.

Trong 2 tuần lênh đênh trên biển cả thì nhóm chúng tôi có 2 người chết vì uống nước biển, chúng tôi phải liệng xác họ xuống biển. Khi đến bờ biển chúng tôi lăn quay ra ngủ trên bãi cát vì kiệt sức, sau đó mở choàng mắt dậy thì thấy nằm trong nhà thương và 2 ngày sau người ta chuyển chúng tôi đến trại tị nạn, ở đây chúng tôi gặp rất đông người tị nạn đã đến trước chúng tôi.

Tại trại định cư trên đảo Palawan người ta cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng, cung cấp chỗ tắm rửa và ngủ nghê. Chúng tôi cảm thấy sung sướng vì đã thoát tay Cộng Sản nhưng vẫn ưu tư về tương lai. 40 người chúng tôi được chia vào những căn lều khác nhau. Sau 3 tuần chúng tôi được đi học tiếng Anh mỗi tuần 1 giờ. Trong khi đó thì có rất nhiều phái đoàn từ mọi quốc gia đến thẩm vấn nhận người tỵ nạn. Tôi mới đầu được phái đoàn Pháp Quốc phỏng vần nhưng họ không nhận, cũng may vì tôi chỉ thích vào Mỹ thôi. Lần sau tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn nhưng cũng không được nhận. Họ nói rán đi chờ lần tới. Tôi ở thêm một năm tại trại Palawan qua 5 lần phỏng vấn và lần sau cùng tôi được chấp nhận cho định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi được chuyển sang trại Bataan để chờ vào Mỹ. Tính lại tôi đã phải ở Phi Luật Tân gần 3 năm.

Tôi sung sướng rời khỏi Palawan nhưng phải công nhận tôi có rất nhiều kỷ niệm ở đó. Khi đã quen thuộc với nếp sống, tôi đã giúp rất nhiều người cùng hoàn cảnh bớt nhớ nhà, khuyên nhủ họ chấp nhận và làm quen với nếp sống mới. Tại đây chúng tôi luôn luôn có hy vọng được một nước thứ ba chấp nhận cho vào định cư, dù không biết là đi đâu, nhưng luôn có hy vọng .

Tôi phải ở lại Bataan hơn 1 năm vì giấy tờ trục trặc phải làm đi làm lại. Tại đây tôi đi học buổi sáng để trau dồi thêm tiếng Anh, đến chiều tôi lại giúp giáo sư Mỹ dịch cho người Việt biết nếp sống và phong tục nước Mỹ. Ngoài ra tôi còn giúp phái đoàn Mỹ thẩm vấn người tị nạn. Buổi tối tôi giúp dậy tiếng Việt cho trẻ em và cuối tuần tôi giúp nhà thờ. Khi tôi rời Bataan tôi hơi buồn vì ở đó tôi đã có quá nhiều kỷ niệm và suy nghĩ nhiều về tương lai khi vào Mỹ là đi học thêm hay kiếm việc làm ngay.

Khi tôi đến thành phố Buffalo, TB. Nữu Ước, tôi đã khóc rất nhiều vì tôi không hiểu người ta nói gì và người ta cũng không hiểu tôi nói gì vì giọng nói quá khác biệt. Tôi lo lắng không biết tôi sẽ sống làm sao tại nước Mỹ này. Ngày nào tôi cũng lo âu và khóc lóc. Sau đó một tuần tôi thầm nghĩ mình phải làm cái gì chứ để sống còn. Hai tuần lênh đênh trên mặt biển và 3 năm ở đảo tôi sống được cơ mà. Thế là dưới cái lạnh lẽo tuyết giá tại Buffalo, mỗi ngày tôi lội bộ 30 phút để đến trường, học thêm tiếng Mỹ từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, Sáu tháng sau tôi đã tự túc được nhiều và tôi quyết định ghi danh học tại Đại Học Buffalo để lấy bằng cấp.

Năm đầu tiên thật là khó khăn, vì vị giáo sư nói nhanh quá tôi không theo kịp. Tôi phải đem vào lớp máy thu băng để về nhà học thêm và đọc nhiều sách hơn. Sau một năm cố gắng như vậy, điểm trung bình của tôi đã khá hơn nhiều. Tôi cảm thấy sung suớng và tự tin hơn. Tôi đã có bạn bè người Mỹ và vì đó tôi trau dồi thêm tiếng Mỹ. Tôi lại phải tìm việc làm bán thời gian để kiếm tiền để sinh sống và thỉh thoảng gửi về giúp mẹ và bà ngoại tôi.

Sau 4 năm chuyên cần học tập tôi đã ra truờng và tìm được việc làm tại Memphis là nơi ấm áp hơn và tôi nghĩ là tôi đã thực sự may mắn.

Anton Vo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn