BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bastogne : Mùa hè đỏ lửa 1972

01 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 2627)
Bastogne : Mùa hè đỏ lửa 1972
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.36
Bastogne ở trong tiềm thức của tôi không dính dáng gì đến nước Bỉ hoặc Âu Châu mà là một địa danh lẫy lừng của hàng trùng trùng lớp lớp núi vùng Tây Nam Huế thuộc lãnh thổ trách nhiệm của SĐ1 BB QLVNCH mà tôi đã được vinh dự phục vụ suốt trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và ở lại bên cạnh các bạn tác chiến cho đến ngày mất nước.

Xong cái Tết vội vã với gia đình tại Sài Gòn, tôi trình diện đơn vị vào những ngày đầu năm 1972. Những tia nắng ấm lành lạnh đầu ngày mùa Xuân vẫn không che dấu được cái không khí ảm đạm. căng thẳng đến nghẹt thở của cuộc chiến đang tới hồi nặng nề nhất và từng lúc phủ trùm lên thành phố Huế thơ mộng, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên một thuở nào.

Những ngày đầu ở TĐ1 QY, buổi sáng tôi lên bệnh xá ngó các thương bệnh binh, buổi trưa và chiều đi loanh quanh trong doanh trại chầu rìa bàn mạt chược của các quan lớn. Chưa có nhiệm vụ gì nhất định nên tôi chỉ thẩn thơ chờ thôi.

Sáng vào đơn vị, chiều ra phố ăn bún bò Huế, tôi về nhà ông anh ngủ qua đêm, thời gian căng thẳng chờ đợi cứ thế dần dần trôi đi…

Tin chiến sự từ phía Tây Nam Huế bay về bộ Tư Lệnh Sư Đoàn dồn dập từng ngày, từng giờ. Thương bệnh binh chuyển về số lượng ngày càng nhiều. Bệnh xá của Tiểu Đoàn và hầm mổ chật cứng thương bệnh binh. Cho đến một buổi trưa vào khoảng cuối tháng 4, chúng tôi được tin căn cứ Bastogne bị tràn ngập!

Thưa quý vị, đây chỉ là một vài dòng đầu tiên trong những chuỗi flashback đã hiện rõ trong tâm tưởng của tôi khi đọc đến chữ Bastogne. Nếu quý vị muốn sống lại những giây phút oai hùng của quân lực chúng ta ngày xưa thì tôi sẽ cố gắng nhớ lại và viết lên để các chiến hữu cùng đọc và theo dõi. Hẹn lần sau.

Nguyễn Mạnh Khải - QYHD Khóa 18

Phần 1

" Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày...
Tìm đâu mùa cũ êm vui, tiếc thương biết bao giờ nguôi..."


Vâng, Hoài Cảm đó! Nhưng không giống như Cung Tiến. Tôi không có một mùa cũ nào yên vui của quá khứ để tìm về, mà giờ đây, tôi chỉ nhớ về những kỷ niệm trong quân ngũ ngày nào. Và tiếc thương cho những thế hệ trai trẻ hào hùng của chúng mình thời khói lửa chiến chinh. Nay, kẻ còn ngừơi mất, kẻ ở bên này, ngừơi ở bên kia, nhưng lúc nào tâm tư cũng nóng hổi tình Đồng Đội.

Cảm ơn các bạn đã khuyến khích tôi tiếp tục những giòng viết này. Nhưng chuyện kể sau đây xảy ra đã hơn 38 năm nay, trí nhớ đã mỏi mòn; nhớ cái gì kể cái ấy, có khi nhớ trật kể sai. Nếu có điều như vậy, mong các bạn chia xẻ, bổ túc và sửa chữa.

Và bây giờ mời các bạn cùng tôi vào trận thư hùng quyết liệt giữa các binh đoàn CSBV và các đơn vị cơ hữu, thiện chiến của SĐ1BB QLVNCH, xung quanh và ở ngay căn cứ Bastogne.

Những tin tức liên quan đến trận Bastogne được cung cấp bởi bạn tôi, Nguyễn Phú Thọ "râu," khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1, Trung Đoàn 54 BB ở thời điểm đó, đang đóng Bộ Chỉ Huy TĐ trên cao điểm 342, căn cứ Checkmate, tiền đồn bảo vệ cho căn cứ hỏa lực Bastogne. Anh đã được vinh thăng Trung Tá thực thụ ngay tại mặt trận. Theo lệnh của Tổng Tư Lệnh QĐ, một chiếc C119 đã bay vào và thả cặp lon Trung Tá cho anh trên đỉnh đồi. Trước đó anh đã có Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Quân Chương với ngành Dương Liễu cùng được vinh thăng tại mặt trận.

Bastogne là một căn cứ lớn, mạnh nhất về phương diện hỏa lực so với các CCHL (fire base) khác ở phía Bắc QĐ1/QK1 ( phia Bắc Đèo Hải Vân ), được thành lập vào năm 1968 do SĐ 101 Không Kỵ Dù của Hoa Kỳ mà lực lượng đồn trú của Mỹ lúc mới thành lập căn cứ là một Tiểu Đoàn (2/501) thuộc Lữ Đoàn 2/101 Không Kỵ Dù.

Địa danh Bastogne


Căn cứ nằm trên tỉnh lộ 547, giữa Huế và Ashaw, cách thành phố khoảng 17 cây số đường chim bay về hướng Tây Nam, cách căn cứ Birmingham (Lăng Tự-Đức) khoảng hơn 6 cây số đường chim bay về phía Tây, và cách căn cứ TBone cũng 6 cây số về hướng Nam.

Bastogne có một cao độ khiêm nhường, không quá 50 mét, bề mặt khoảng gần 1 cây số vuông nhưng hỏa lực phòng thủ thật vô cùng hùng hậu. Ngoài 3 pháo đội 105, 155 và 175 ly, còn có một dàn dusters ( phòng không ) và hai sân bay trực thăng rất lớn, hoạt động ngày đêm để tiếp tế nhu yếu phẩm và đạn dược. Với một tầm hỏa lực khủng khiếp như vậy, nó đã thường xuyên chế ngự, và cắt đứt làm nhiều đoạn cac đường tiếp viện của hậu cần Bắc quân cho các binh đoàn của họ lúc nào cũng luân phiên nhau tạo áp lực nặng nề ở vùng Tây Nam Huế.

Lực lượng 101 Dù của Mỹ đóng ở Bastogne một thời gian, về sau chuyển căn cứ lại cho QLVNCH cùng lúc với căn cứ Giạ Lê, mà sau này là nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh SĐ 1BB.

Lúc đầu khi mới chuyển giao căn cứ, áp lực của địch còn nhẹ, các lực lượng cầp TĐ của SĐ 1BB luân phiên nhau hành quân chỉ đụng độ lẻ tẻ. Căn cứ còn nhận được tiếp tế đạn dược, thuốc men và hàng quân tiếp vụ tương đối đều đặn, cho đến khi trận chiến thực sự nổ ra từ đầu mùa xuân 1972, khoảng cuối tháng 3 cho đến đầu tháng 4, Bắc quân tấn công liên tục không ngừng từ cấp Tiểu Đoàn đến Trung Đoàn, lực lượng địch áp sát vào thành căn cứ, phòng không của địch bắt đầu hoạt động hiệu quả và dữ dội, các chuyến tiếp tế tạm thời bị gián đoạn lẩn lần...cho đến hạ tuần tháng 4 thì dự trữ đạn dược, thuốc men và lương thực đã gần như kiệt quệ.. và căn cứ thực sự đã bị cô lập, cắt đứt với Sư Đoàn, hứng chịu từng đợt pháo và tấn công biển người ngày đêm của địch.

Bastogne - Pháo đội 175 ly khai hỏa


Nguy cơ bị tràn ngập có thể đến bất cứ lúc nào. Các đơn vị thiện chiến cấp Tiểu Đoàn của các Trung Đoàn 1 và 3 của Sư Đoàn 1BB luân phiên nhau tác chiến cận kề ngày đêm. Cuối cùng đơn vị trụ lại lần chót là Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 54 do Thiếu Tá Nguyễn Phú Thọ chỉ huy, cố thủ cho đến giờ phút cuối cùng và được lệnh rút lui, phá bỏ căn cứ vào đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4 năm 72.

Sư đoàn 1 Bộ Binh cố thủ Bastogne


Đó là trận chiến tràn ngập căn cứ Bastogne, mà trên phương diện chiến thuật, ý đồ của Bắc quân còn khủng khiếp hơn nhiều. Tôi xin hẹn các anh lần tới và sẽ nói rõ hơn tại sao Bắc quân phải dùng đến hơn 3 Sư Đoàn (308 Điện biên, 320 Sao vàng và 324 B) cùng một số lượng khổng lồ Thiết giáp, Pháo binh và Phòng không để chỉ đánh chiếm một căn cứ rộng không đầy 1 cây số vuông.

PHẦN 2: TÁI CHIẾM BASTOGNE


Cơn địa chấn Hạ Lào (Lam sơn 719) và các trận cuồng phong dữ dội sau đó đã thổi sập bức tường mong manh và mở tung cánh cửa biên giới Lào-Việt, tạo điều kiện cho SĐ324B CSBV chuyển quân ồ ạt và đánh phá không ngừng vùng lãnh thổ trách nhiệm của SĐ1BB nằm về phía Tây Nam Huế.

Trước đó và cũng trong lúc nầy, các SĐ 304, 308 chính quy Bắc Việt đã tràn ngập xuống từ thung lũng theo ngõ A Shaw, A Lưới ,chỉa nhiều mũi nhọn chọc thủng phòng tuyến bạn, chiếm giữ hầu hết 14 căn cứ hỏa lực của khu 11 chiến thuật (từ Bắc đèo Hải Vân cho đến khu phi quân sự phía nam sông Bến Hải), tạo nhiều áp lực liên tục và nặng nề đưa đến sự tràn ngập căn cứ Bastogne mà các bạn đã biết trong bài trước.

Dựa theo những tin tức tình báo chiến lược trao đổi giữa các cấp QĐ và Trung ương của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa thì ngoài ba sư đoàn kể trên CSBV còn có nhiều trung đoàn phòng không, pháo binh và một đội ngủ hậu cần hùng mạnh để bảo đảm tiếp vận liên tục và trường kỳ cho các lực lượng chính quy tham chiến ở chiến trường Trị Thiên. Và như thế họ đã không hề che dấu ý định hình thành một cuộc chiến tranh quy ước mà lực lượng tham chiến lên tới mức quân đoàn.

Ý đồ chiến thuật của Bắc quân là tổng tấn công và tràn ngập thành phố Huế, mong tái diễn một Mậu Thân thứ hai, nhưng lần nầy thì không có "tổng nổi dậy," vì rút kinh nghiệm của trận Mậu Thân trước (1968), không có một thành phần dân chúng nào nổi dậy cả. Ngoài ra họ còn có ý định bao vây chiếm giữ BTL/SĐ1BB ở căn cứ Giạ Lê, "nhốt và diệt gọn" 3 SĐ tinh nhuệ nhất của QLVNCH là SĐ Dù, SĐ TQLC và SĐ1BB hầu tạo thế mạnh quân sự bên bàn hội nghị Paris đang tới hồi kết thúc.

Trong cái chiến trận cực kỳ sôi động đó, tôi lên đường trình diện bộ chỉ huy hành quân của Trung đoàn 3 Bộ Binh đóng tại căn cứ TBone. Nhận công tác đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi: Y sĩ hành quân của trung đoàn, có nhiệm vu cấp cứu, lựa và tản thương các thương bệnh binh chuyển về từ mặt trận.

Giày sô (saut), áo trận, nón sắt, tôi xóc lại dây ba chạc và khẩu colt 45 bên hông, nhắm mắt thả hồn về quá khứ, đếm lại hành trang trước khi lên đường.

Tôi đây, "sặc mùi lính," trông thật khác hẳn và xa lạ với ngay cả hình ảnh của chính mình những tháng năm về trước, lúc tôi còn cùng vói các bạn đi "đo sàn nhảy" ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định...

Hành trang của tôi còn lại những gì:

Ba năm lang bang phá bĩnh, 7 năm trường thuốc, hai mùa Quân sự, một mớ quân phong quân kỷ, hành chánh quân y, vài tháng huấn luyện giải phẫu binh đoàn, tản thương và cấp cứu ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi giờ vào đời nhập cuộc gần như với…hai bàn tay trắng:

"Giã từ học đường, hai bàn tay trắng
Đi vào cuộc đời, trắng hai bàn tay!
Tôi vẫn nghe trong đêm dài về kể lễ
Tương tư cuộc đời, những đứa thương vay..."

Tôi mang tâm tư của người bạn trẻ trong nhạc phẩm "Đà lạt mưa bay" của Hoàng Nguyên mà tôi đã mê từ hồi còn trẻ và chủ quan cho rằng đó là nhạc phẩm hay nhất trong các bài ca mà tôi biết về Đà lạt.

Chỉ vì trong khung cảnh núi đồi rừng thông, đã nở rộ ra một mối tình bạn đẹp lạ lùng của những chàng trai thời chinh chiến. Tiễn bạn, người nầy hết người kia lên đường làm nhiệm vụ, anh chàng còn lại một mình thơ thẩn đứng đợi bạn ở sân ga để rồi đêm nào cũng:

"Tôi về nhà qua lối ngõ không tên!
Anh không về, nên chuyến tàu đêm
Bỏ xuống âm thâm...những người mình không quen."

Và cũng rồi hằng đêm những gì còn lại cho anh là:

"Tôi ngồi đây, bó gối , chong đèn
Nghe mưa về, gọi tên ngoài phố "
( Đà Lạt Mưa Bay- Hoàng Nguyên )

Tôi cũng thế, tràn ngập nhớ thương và kỷ niệm, tôi mang một khói óc và một tâm hồn trong trắng thản nhiên đi vào chiến tranh. Tôi không cổ võ cũng không phản đối chiến tranh, chỉ lặng lẽ chấp nhận nó, vì, cũng như hàng hàng lớp lớp các thế hệ trai trẻ cùng lứa với tôi, không chấp nhận cũng không được: chúng tôi đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh; cảnh đạn nổ bom rơi đến với chúng tôi chỉ như là "chuyện thường ngày ở huyện."

Tôi chỉ mong đem được mớ kiến thức thô thiển của học đường hòa với tấm lòng tận tụy nhiệt tình để cứu chữa cho đồng đội tôi, thực hành phương chăm trường Mẹ "Quên mình cứu người" mà chúng tôi đã trân trọng gắn lên chiếc nón kêpi cùng với bộ Quân phục đại lễ trong ngày lễ mãn khóa.

Tôi chưa có kinh nghiệm gì về Quân Y hành quân, nhưng cũng cảm nhận được là ngày hôm đó, trên đỉnh đồi TBone, tôi là người chỉ huy cao cấp nhất của Quân Y Binh đoàn, chịu trách nhiệm cấp cứu và tản thương cho binh sĩ và sĩ quan của 3 tiểu đoàn tác chiến và bộ chỉ huy hành quân của Trung đoàn, đang chuẩn bị cho cuộc hành quân tái chiếm căn cứ Bastogne mà chúng tôi đã mất vào tay địch hai tuần trước đây.

Những tin tức trong trận tái chiếm Bastogne sau đây đã được thu thập từ tài liệu tổng hợp của phòng 3 hành quân sư đoàn và của đơn vị trưởng các cấp đại đội và tiểu đoàn có mặt trên chiến trường vào thời điểm đó.

Lực lượng bạn tham chiến trong trận nầy chỉ có sáu tiểu đoàn BB của hai trung đoàn 1 và 3 của SĐ1BB. Trung đoàn 54 hiện đang trong tình trạng huấn luyện và bổ sung quân số tại căn cứ Giạ Lê. Liên đoàn 15 BDQ đang hành quân trong vùng được lệnh đặt dưới quyền xử dụng của SĐ1 BB và là lượng trừ bị cho cuộc hành quân sau nầy.

Rạng sáng ngày 15 tháng 5, không khí bộ chỉ huy hành quân Trung đoàn 3 BB thật vô cùng căng thẳng. Cuộc họp hành quân cuối cùng vừa chấm dứt lúc 9 giờ sáng, ba tiểu đoàn của Trung đoàn 3 BB được lệnh rời căn cứ tập trung di chuyển theo địa hình và tấn công thật mạnh từ hướng bắc dọc theo tỉnh lộ 547 xuống căn cứ Bastogne, sau khi đã được mở đường bằng hàng loạt pháo binh của pháo đội A tiểu đoàn 14 Pháo binh trên đỉnh TBone.

Trong lúc đó, 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 BB xuất phát từ căn cứ Birmingham theo hướng đông tiến về Bastogne cũng đang đụng độ ác liệt với đối phương. Đến khoảng quá trưa, các trục tiến quân của các tiểu đoàn dẫn đầu chậm lại vì chịu quá nhiều hỏa lực pháo và phòng không đủ loại của địch. Lúc nầy, một tiểu đoàn của Trung đoàn 3 BB đã vào căn cứ checkmate nhưng không trụ lại được, đành phải tản ra xung quanh phân tán thành đội hình nhỏ bám trụ chịu trận.

Về phía Trung đoàn 1 BB, ba tiểu đoàn xuất phát từ căn cứ Birmingham theo hướng đông đánh tràn lên nhưng cũng gặp trở ngại vô cùng lớn lao và tổn thất đến đây đã khá nhiều. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 1BB sau đó đã được trực thăng vận cấp tốc thả xuống căn cứ Bình Điền cách căn cứ Bastogne không quá một cây số về hướng đông, nhưng cuối cùng cũng phải bung ra từng toán nhỏ bám trụ quanh căn cứ. Các cánh quân khác của hai Trung đoàn đã phải chống đở vất vả và kịch liệt với hệ thống chốt kiền của đối phương đã được cài dày đặc trên dọc đường tỉnh lộ 547 nên cũng khựng lại, không tiến lên đuọc nữa.

Tất cả các đơn vị hành quân của 6 tiểu đoàn BB đã trụ lại tại chổ, không tiến lên thêm được một bước nào, phơi mình chịu trận, lấy mây trời che thân đỡ đạn pháo địch. Tình thế thật vô cùng nguy hiểm và hầu như là tiến thoái lưỡng nan, ở vào thế cùng lực tận.

Nhưng ngoài cái quy luật ngàn đời "cùng tắc biến, biến tắc thông," chúng tôi hình như đã linh cảm được hồn thiêng sông núi cùng anh linh các đồng đội đã bỏ mình vì tổ quốc xung quanh vùng đồi núi chiến trận nầy về đây che chớ khi BTL SĐ1BB ban một lệnh khẩn cấp cho con cái lui ra một khoảng cách vừa đủ từ các mục tiêu; nằm tại chỗ và chờ lệnh.

Trong khoảnh khắc bỗng có tiếng gầm gừ từ trên không trung và sau đó là hàng tràng bom trải thảm B52, xé mây trời vun vút vào hầu hết các mục tiêu, hất tung các công sự phòng thủ của các tuyến địch, lửa khói nóng hổi tạo thành từng đám mây bụi xám tro nổ tung trở lại từ mặt đất, nhận chìm quang cảnh trận chiến vào biển lửa.



Các không tuần chiến thuật B52 và Spooky (C130 có trang bị đại bác 105 ly) giờ phút nầy đang dồn nổ lực yểm trợ cho mặt trận Bến Hải và Cổ Thành Quảng Trị của Dù và TQLC, không còn đủ phương tiện để yểm trợ cho SD1BB.

Nhưng như đã nói ở trên, thật là một điều may mắn bất ngờ ngoài sức tưởng tượng: Hai pháo đài bay B52 cất cánh từ Thái Lan với nhiệm vụ trải thảm dọc theo bờ Bến Hải để làm tê liệt các đại đơn vị Bắc quân đã chiếm giữ trái phép và đóng dọc theo khu phi quân sự bờ Nam sông Bến Hải.

Khi đến mục tiêu, các phản lực từ hạm đội Thái Bình Dương không vào được để tạo đội hình không quân chiến thuật ở trên không, công tác phải hủy bỏ và hai pháo đài bay B52 được lệnh quay trở lại.

Khi đến vùng trời Trị Thiên, Tư lệnh SĐ 1BB, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú được tin này như bắt được vàng, vội vàng ra lệnh cho Trung tâm hành quân SĐ liên lạc khẩn cấp với QĐ1, xin can thiệp với QĐ24 HK để cho SĐ1BB được quyền xử dụng hai phi tuần B52 này. BTL/QĐ24 HK, đóng tại Đà Nẳng có nhiệm vụ chỉ huy và điều động tất cả các Lực Lượng Đồng Minh HK tham chiến tại vùng 1 chiến thuật gồm SĐ101 Dù, SĐ3 TQLC, các lực lượng chiến xa và bộ binh, ngoài ra còn điều hành hải pháo, phòng không và các phi vụ oanh tạc của Không lực HK kể cả các phi tuần Không quân chiến thuật pháo đài Bay B52.

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã đưa ra khỏi QĐ24 HK gần 80.000 quân Mỹ, tạo nhiều lổ hổng chiến thuật tại khu 11 chiến thuật mà sau nầy SĐ3BB phải trải mỏng để thay thế; vì vậy việc tái phối trí của SĐ nầy sau khi Quãng Trị bị chiếm cũng không phải là điều khó hiểu.

Sau khi nhận lệnh từ QĐ24HK, hai pháo đài bay B52 trực chỉ vùng chiến trận Bastogne làm nhiệm vụ trải thảm. Hàng tràng bom B52 chỉ cách phòng tuyến bạn 500 thước làm rung chuyển mặt đất từng hồi, biến cảnh chiến trường thành một địa ngục lửa. Vài phút im lặng rùng rợn trôi qua trong màn khói dày đặt, một quân lệnh khẩn cấp được ban ra từ BTL/SĐ1BB: hai trung đội của Trung đoàn 3BB nhảy diều hâu trực thăng vận ngay tức thì lên căn cứ Bastogne và làm lực lượng chủ động từ trong đánh ra ngoài, đồng thời các cánh quân tụ lại từ trước xung quanh căn cứ đã nhanh chóng xung phong cận chiến vô cùng ác liệt với địch, chiếm từng công sự còn lại trong chớp mắt, và không lâu sau đó, đã thực hiện được cú bắt tay ngoạn mục với Trung đội trưởng Hiệp, người đã nhảy toán đầu tiên vào căn cứ Bastogne.

Sư đoàn 1 Bộ Binh hành quân tái chiếm Bastogne


Hai mươi chín tiếng đồng hồ trôi qua kể từ 9 giờ sáng ngày 15 tháng 5; SĐ1BB đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Bastogne lúc 14 giờ ngày 16 tháng 5 năm 1972. Thiếu úy Hiệp đã được vinh thăng Trung úy thực thụ ngay tại mặt trận cùng Anh Dũng Bội Tinh với ngành Dương Liểu. Người sĩ quan tuổi vừa mới đôi mươi, đã được vinh thăng ba cấp chỉ huy trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú TL SĐBB, nét mặt còn mệt mỏi nhưng rắn chắc, tươi cười với báo chí: "Tôi đã nói với các Anh: SĐ1BB là SĐ thiện chiến vô địch, không thua bất cứ một sư đoàn nào của một quân đội nào trên thế giới."

Thưa các Anh,

Đã hơn 38 năm trôi qua, các căn cứ hỏa lực và các ngọn đồi chiến thuật, cũng như những mẩu chuyện kể về chiến tranh VN, nay chỉ còn lại xa mờ trong ký ức, tràn đầy những kỷ niệm hào hùng và đẫm máu lệ; chứng nhân cho một thời tuổi trẻ trong quân lực oai hùng của chúng ta. Tôi xin kết thúc bài viết này với lời chúc các Anh ngủ ngon và mong an lành đến cho mọi người chúng ta. Hẹn lần sau.

Thân ái,

Nguyễn Mạnh Khải QYHD 18


 
Ý kiến bạn đọc
02 Tháng Tư 20137:00 SA
Khách
Tôi đọc đến B-52 trải thảm VC mà thích,tôi cảm thấy mình lòng thù VC và chính chúng nó (VC) không phải là con người nhân bản như chúng ta, chúng nó là loại quỷ đội lớp người tàn phá quê hương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn