BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62240)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuối tháng 3/75 tuyến đầu thất thủ [2]

21 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 1876)
Cuối tháng 3/75 tuyến đầu thất thủ [2]
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nguyên nhân và hậu quả

Phạm Huấn nói:

“Tại những địa điểm tập trung quân, vô cùng hỗn loạn, đau thương khủng khiếp. Và hai Cửa Thuận An, Tư Hiền thật sự biến thành những “bãi chết”, trong vùng “Biển máu”

(Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 trang 58).

Theo ông triệt thoái vội vã, không có kế hoạch, lịch trình, sự phối hợp Quân đoàn và Hải quân lỏng lẻo, cuộc lui binh cũng hỗn độn y như cuộc triệt thoái Cao nguyên, nó cũng chỉ là cuộc hành quân phá sản.

Cuộc rút quân đã rối loạn, hỗn độn và thất bại ngay khi bước sang ngày thứ hai, 24-3-1975. Hệ thống chỉ huy, phối hợp giữa các đơn vị, vấn đề an ninh, tổ chức thật tồi tệ và bị tê liệt từ lúc khởi đầu. Các cấp chỉ huy ở những cấp cao nhất và có trách nhiệm về cuộc rút bỏ Huế, đã không thành thật với nhau, phản bội, dối trá và bỏ rơi cấp dưới.

Kế hoạch rút quân bằng đường biển, với hơn 20 ngàn Chủ lực quân, hàng mấy trăm chiến xa, đại bác, cùng với cả trăm ngàn dân chúng, các lực lượng địa phương quân, công chức và gia đình họ, nhưng hai cửa Thuận An và Tư Hiền không được phòng thủ bảo vệ. Sự phối hợp và chỉ huy giữa Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn và hải quân thật lỏng lẻo. Không có lịch trình lên tầu ưu tiên, rõ ràng cho các đơn vị. Các đơn vị Quân Đội và dân chúng cứ tiếp tục đổ về hai cửa biển này để rồi chết chồng chất lên nhau”

(Phạm Huấn, sách đã dẫn, trang 57)

Nói về nguyên nhân sự sụp đổ nhanh chóng của Quân đoàn I, ông Cao Văn Viên, cho rằng do sự rối ren của ta và nhất là lệnh của TT Thiệu không rõ ràng dứt khoát.

“Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV, Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự sa sút tinh thần và những rối ren, lúng túng của ta, hơn là áp lực địch. Lệnh tái phối trí – tuy cần thiết – không rõ ràng và dứt khoát”

(Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 183)

Theo Tướng Viên binh sĩ nhiều người bỏ hàng ngũ đi tìm gia đình trong làn sóng người tỵ nạn, họ quan tâm lo lắng về gia đình mình hơn là lo về đơn vị và sự tấn công của CS. Làn sóng người di tản làm náo loạn cả lên đã là một trong những nguyên nhân gây ra sụp đổ nhanh chóng cho cả Quân khu.

“Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở vùng Một xảy ra không phải vì áp lực của Cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa. Trong những ngày cuối cùng ở Vùng I, vị tư lệnh Quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tỵ nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ. Như chúng ta thấy, vấn đề tị nạn làm đảo lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I.”

(Cao Văn Viên. Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 184,185.)

Chúng ta thấy ông Cao văn Viên có nhiều mâu thuẫn, ông cho biết lực lượng địch tới hơn 8 sư đoàn (trang 160), gấp hai lần VNCH, ta không thể cầm cự lâu dài được, coi trên bản đồ ngày 19/3 (trang 166) ta chỉ còn kiểm soát được chưa tới 1/3 diện tích Quân khu I. Trong khi tại phía Bắc QK I phải rút từ Huế về Đà Nẵng, các tỉnh phía Nam Quân khu (Quảng Ngãi, Quảng Tín) đều phải hối hả rút về Chu Lai vì bị BV tấn công dữ dội mà ông lại nói không phải vì áp lực địch. Chẳng lẽ sự tấn công ồ ạt theo thế gọng kìm trên đánh xuống dưới đánh lên của BV không phải là áp lực gây hỗn loạn cho quân dân miền nam.

Tác giả Nguyễn Đức Phương (Sách đã dẫn trang 762, 763, 764) cho rằng Quân khu I thất thủ dễ dàng không có một lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn khi lui binh, theo ông có 4 nguyên nhân chính.

-Lực lượng Cộng Sản tại Quân khu I trội hơn nhiều so với sự phân tán mỏng của ta. Kế họach lui binh về các cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai có thể đúng tuy nhiên TT Thiệu chỉ chấp nhận lui binh cho đến giờ phút chót. Đến khi đã quá muộn ông lệnh cho Tướng Trưởng chỉ rút Sư đoàn TQLC còn tất cả bộ binh, thiết giáp, pháo binh đều bỏ lại, không có một kế hoạch nào để phối hợp Hải Lục Không quân trong trường hợp lui binh, hoàn toàn không có một sự tiên liệu nào.

-Ông Thiệu sai lầm trầm trọng khi cho rút Sư đoàn Dù về Vùng III quá nhanh, TQLC được đưa vào thay thế các vị trí của Nhẩy Dù khiến cho dân chúng hốt hoảng đổ dồn về Đà nẵng gây ra hỗn loạn. Đã phát thanh lời kêu gọi tử thủ Huế củaTổng thống sau lại cho lệnh bỏ Huế khiến dân chúng hoang mang mất tin tưởng vào chính phủ và quân đội, binh sĩ cũng mất tinh thần, hốt hoảng khi trông thấy trước nguy cơ sụp đổ như đã diễn ra tại Vùng II.

-Chiến tranh tâm lý có lẽ là nguyên nhân quyết định sự thất thủ Quân khu 1, tin đồn cắt đất nhường cho CS dồn dập từ Vùng II, nay Huế bỏ ngỏ khiến cho dân quân càng tin là đúng, dân di tản náo loạn cả lên, quân nhân bỏ hàng ngũ để tìm kiếm gia đình khiến cho đơn vị rã ngũ nhanh chóng.

-Hệ thống chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân đoàn I đã không chu toàn trách nhiệm trong giai đoạn khó khăn của cuộc lui binh, thiếu khả năng vô trách nhiệm là nguyên nhân chính khiến cho kế hoạch lui binh không thể thực hiện được. Vị Tư lệnh Quân đoàn thiếu khả năng điều động một bộ tham mưu hỗn hợp như Phạm Huấn đã viết.

Cũng theo Nguyễn Đức Phương nhiều sĩ quan cao cấp của Quân đoàn I mất tinh thần đào ngũ bỏ chạy, thiếu cấp chỉ huy các đơn vị lần lượt tan hàng, Cộng quân chiếm được đất mà không phải giao tranh.

Phạm Huấn nhân định rằng các Tướng Việt Nam gặp trở ngại khi lãnh đạo đất nước cũng như chỉ huy mặt trận.

“Một viên chức cao cấp của Mỹ, sau này đã phát biểu về cuộc rút quân tại Huế và Đà Nẵng:

‘Tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, hầu như không ai có đủ kinh nghiệm, để tự mình có thể chỉ huy một cuộc hành quân qui mô với nhiều đại đơn vị trên chiến trường!’.

Sự sụp đổ mau chóng của Quân Đoàn I, vỏn vẹn trong 9 ngày, sau quyết định rút bỏ Huế lần thứ hai ngày 20-3-1975, đã làm kinh ngạc mọi giới. Những người ngưỡng mộ và kính phục Tướng Ngô Quang Trưởng đều nghĩ rằng, sự thảm bại này là hậu quả của quyết định sai lầm, trong chiến lược “Đầu bé Đít to’ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nhưng theo thời gian, những bí mật được tiết lộ, Tướng Trưởng cũng là người phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất đối với những đau thương, kinh hoàng trong hai cuộc rút quân tồi tệ, thê thảm từ Huế và Đà Nẵng”

(Sách đã dẫn, trang 103, 104.)

Cuộc triệt thoái tại hai quân khu đều đã xẩy ra những biểu hiện tiêu cực của nhiều sĩ quan cao cấp bỏ đơn vị chạy, cả một quân khu không có ai chịu trách nhiệm.

“Kể từ ngày 15-3-1975, hệ thống chỉ huy tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I của Tướng Lâm Quang Thi và các Tư Lệnh Mặt trận 2 chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên đã không còn giữ đúng với trách nhiệm, quyền hành và vai trò của mình nữa. Không một Tướng Lãnh, một giới chức Quân sự cao cấp nào dám nhận trách nhiệm khi cần ban hành những quyết định quan trọng. Trung tá Đào Trọng Vượng, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói rằng: ‘Họ lặn hết. Tất cả những lệnh đều do các Sỹ quan Phòng Nhì, Phòng ba, cấp Thiếu Tá chuyển lại’.

Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân từ Quảng Ngãi ra thay thế Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, phòng thủ tuyến đầu Vùng Giới Tuyến. Lực lượng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân với quân số 100 phần trăm, và Pháo Đội đại bác 105 ly khoảng 1500 người, từ ngày đầu tiên, cho đến ngày rút quân 23-3-1975, gần hai tuần lễ, không nhận được bất cứ một lệnh chính thức nào của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, hoặc Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến”

(Phạm Huấn sách đã dẫn, trang 41.)

Nguyễn Đức Phương cùng một nhận xét như trên.

“Theo lời của Đại tá Nguyễn Huy Lợi thuộc Biệt Khu Thủ đô thì một số sĩ quan thuộc Quân đoàn I chạy thoát được về Sài Gòn cho biết tình trạng của quân đoàn như sau ‘Cấp tiểu đoàn không biết họ phải làm gì. Trung đoàn trưởng của họ đã đi mất và chính họ không biết phải đi đâu và không ai chỉ thị cho họ biết những gì phải làm. Sau quá nhiều chán nản tuyệt vọng, không một ai chịu trách nhiệm cho cả quân khu”

(Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 764, 765)

Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng cho rằng việc cấp chỉ huy bỏ đơn vị chạy trước là một nguyên nhân đưa tới sụp đổ Quân đoàn I, theo ông tại đây cấp chỉ huy không quân nhiều người đã lên trực thăng bay về phía Nam bỏ cấp dưới ở lại.

Sự thực khó thể chối cãi được là áp lực và hỏa lực vô giới hạn của BV đã khiến quân đội VNCH phải rút bỏ nhiều tỉnh, quận để co cụm lại lập phòng tuyến mới nên càng bị mất tinh thần. Các cấp chỉ huy không thấy một tia ánh sáng nào, ngay cả TT Thiệu cũng đã mất tinh thần rối trí chứ đừng nói các cấp thuộc hạ. Biết là tình thế không thể cứu vãn nổi nên nhiều người đành phải chọn kế “tẩu vi thượng sách”.

Theo ý kiến Tướng Toàn (trang 405, Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975), mặt trận Trị Thiên bỏ ngỏ vì TT Thiệu đã chủ trương rút bỏ những vùng rừng núi ít dân để bảo vệ những vùng trù phú. QK I chỉ giữ tới Đà Nẵng. Đó là một quyết định tai hại là nguyên nhân chính đưa tới thảm kịch như trên. Trang 407 ông nói đài BBC bình luận miền nam VN có thể sẽ chia cắt ngang từ vĩ tuyến 13, miền nam khó có thể tồn tại được, nguồn tin đã thúc đẩy quân dân hối hả chạy về phương nam. Quân đoàn II bị thảm bại trên đường triệt thoái cũng đã ảnh hưởng nặng đến tinh thần QK I. Sáng ngày 20/3, TT Thiệu đã tuyên bố tử thủ Huế đến chiều lại cho lệnh rút bỏ khiến người dân không ai còn tin tưởng vào chính phủ.

Phải nói đài BBC tuyên truyền xuyên tạc với mục đích phá hoại hơn là loan tin cũng là một trong những nguyên nhân chính đưa tới thảm cảnh hỗn loạn, tháo chạy tại miền Trung.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người đóng vai chính tại chiến trường Hoả tuyến có viết sách về cuộc chiến Mùa hè đỏ lửa 1972 nhưng không thấy, không nghe nói ông viết sách về sự sụp đổ Quân đoàn I năm 1975. Về Quân đoàn I trong trận chiến này chỉ thấy ghi lại trong một bài ngắn “Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn Một” đã đăng trên nhiều báo Việt Ngữ tại Hải ngoại từ nhiều năm qua. Nhưng bài này không phải do chính Tướng Trưởng viết ra mà do một người khác ghi lại (Lê Bá Chư, Lịch sử ngàn người viết) lời thuật của Tư lệnh nên cũng không thể coi đó là hoàn toàn ý kiến của ông.

Nội dung bài viết có nhiều điểm trái ngược với các tài liệu, sách vở nói về cuộc Triệt thoái này. Mở đầu bài viết nói.

“Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp. Tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp tổng thống và thủ tướng (Trần Thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh binh chủng khác. Lần này thì chỉ một mình tôi thôi”

Theo ông Cao Văn Viên, Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương và cả ý kiến của Thiếu Tướng Hoàng Lạc, Tư lệnh phó Quân khu I thì trong các buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại dinh Độc Lập ngày 11/3, ngày 13/3 và 19-3 do ông Thiệu chủ tọa như đã nói trên đều có mặt Đại Tướng Cao Văn Viên, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn quang, riêng buổi họp ngày 19-3 thì có thêm Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Tổng thống Thiệu không hề gặp riêng một Tướng nào, không nghe thấy một tài liệu nào nói như vậy. Về ngày 13/3 nêu trên, Tướng Hoàng Lạc, phó Tư lệnh Quân khu 1 cho biết Tướng Trưởng được mời về Sài Gòn trình bầy trước Hội đồng an ninh Quốc gia, các tài liệu của BộTTM, của Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương cũng đều nói như vậy.

Bài viết nói tiếp

“Nhưng khi tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng, và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi…..

… Tôi trình bầy cặn kẽ những ý kiến cũng như những dự định của tôi lên tổng thống nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút khỏi Quân Đoàn 1 càng sớm càng hay….

Lệnh của tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân Đoàn 1 vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn 2 vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc Lộ 22 làm ranh giới. Việt nam sẽ thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên”

Theo Tướng Cao Văn Viên, Tướng Hoàng Lạc, tác giả Nguyễn Đức Phương… trong phiên họp ngày 13/3 TT Thiệu chỉ mới lệnh cho Tướng Trưởng rút Sư đoàn Dù về Sài Gòn và báo cáo tình hình Quân sự của Vùng I, không nghe nói ông Thiệu cho lệnh rút bỏ Quân đoàn I ngay hôm 13/3 như trong bài của Tướng Trưởng. Theo ông Cao Văn Viên.

“Buổi họp ở Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3, 1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 xảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh tổng thống Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột”

(Những Ngày Cuối Của VNCH trang 162)

Theo như Nguyễn Đức Phương đã nói ở trên, Tổng thống Thiệu chỉ chấp nhận lui binh vào giờ phút chót. Ngày 13/3 ông Thiệu chỉ thị cho Tướng Trưởng trả Sư đoàn Dù về Sài Gòn và tái phố trí lực lượng tại Quân khu I chứ chưa hề cho lệnh rút bỏ bất cứ một tỉnh nào. Cho đến ngày 20/3 khi tình hình Huế khẩn trương ông lệnh cho Tướng Trưởng tùy cơ ứng biến, có thể rút về bảo vệ Đà Nẵng nếu tình hình đòi hỏi.

Trong một cuộc nói chuyện với một nhà báo tại Hải ngoại, cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cho rằng những bài nói về ông, khen cũng như chê có nhiều điều không đúng và ông không thích báo chí nói đến mình, như vậy bài trên đây có thể chưa chắc đã nói đúng ý của vị cựu Tư lệnh Quân khu.

Trong cuộc phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh, Tướng Cao Văn Viên đã kết luận.

“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim ‘Rashomon’. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”

(Lâm Lễ Trinh, Về Nguồn, trang 276).

Xem như thế sự thật chỉ là tương đối. Cũng trong bài phỏng vấn này, theo ông Cao Văn Viên, Tướng Trưởng cho biết Bộ tổng tham mưu không tăng viện theo lời yêu cầu của Quân khu I. Tướng Viên cho điều này không đúng vì ông đã tăng cường cho Tướng Trưởng cả hai Sư đoàn tổng trừ bị Dù và TQLC rồi. Bộ Quốc phòng Mỹ trả nhuận bút cho các Tướng lãnh lưu vong Việt Nam để viết tài liệu về chiến tranh Đông Dương. Trong một phiên họp thu thập dữ kiện cho Mỹ, Tướng Trưởng phát biểu sở dĩ thất bại là do lãnh đạo kém, chính phủ Trung ương thiếu nhân tài. Tướng Đồng Văn Khuyên, Trần Đình Thọ bênh vực cho Bộ TTM tranh luận trả lời ông Trưởng: Bộ Tham mưu đã yểm trợ hết mình cho Quân khu I, hai Sư đoàn Tổng trừ bị Dù và TQLC đều đã được tăng phái cho Quân đoàn I.

Như chúng ta đã biết năm 1972 cũng tại chiến trường Trị Thiên, hồi ấy VNCH có đầy đủ tiếp liệu đạn dược, được yểm trợ hùng hậu của không quân chiến thuật và pháo binh mà còn phải có yểm trợ của B-52. Tình hình tháng 3/1975 hoả lực VNCH bị cắt giảm 70%, áp lực và hoả lực BV lại mạnh hơn 1972 nhiều. Cái khó nó bó cái khôn, lãnh thổ quá rộng, lực lượng tổng trừ bị không còn. Ngoài ra TT Thiệu cũng không muốn giữ miền Trung nhưng tinh thần buổi họp ngày 11/3/1975 tại dinh Độc Lập. Cuộc lui binh của Quân đoàn I cũng chịu chung số phận với cuộc triệt thoái Cao nguyên chỉ là hành quân phá sản đã làm sụp đổ toàn bộ Quân khu khiến cho VNCH mất hơn một nửa các lực lượng tinh nhuệ.

VNCH mất khoảng 450 xe tăng , trên 400 khẩu đại bác, đạn dược, quân trang quân dụng coi như mất hết, phần đất còn lại của miền nam không thể nào tồn tại được nếu không có yểm trợ của B-52.

Dân tỵ nạn và di tản

Theo ông Cao văn Viên vị Tư lệnh Quân khu I trong khi đương đầu với địch ông còn phải quan tâm giải quyết vấn đề tỵ nạn đang trầm trọng (Những Ngày Cuối của VNCH từ trang 174-185). Khi Kontum, Pleiku mất người dân lo sợ chính quyền cắt đất nhường cho Cộng sản, hàng chục nghìn người đổ dồn về Đà Nẵng mua vé máy bay vào Sài Gòn, hôm 14/3 các Lữ đoàn Dù được điều động để về Sài Gòn khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau về Đà Nẵng. Ngày 19/3 Thủ Tướng Khiêm ra Đà Nẵng giải quyết vấn đề tỵ nạn, Thủ tướng cho thành lập Ủy ban Liên bộ để lo giúp dân tỵ nạn Quân khu để binh sĩ yên tâm chiến đấu. Thủ Tướng hứa sẽ tăng nhiều tầu chở dân di tản và giúp đồng bào tỵ nạn. Trong khi ấy tại địa phương các đoàn thể, hội từ thiện, phú thương… đóng góp vào cuộc cứu trợ hiệu quả hơn của Trung ương nhưng vấn đề tỵ nạn vượt quá khả năng của họ.

Từ ngày 17/3 đường Quốc lộ Một tràn ngập người và xe cộ, tại các bến cảng, tầu chở quân như quân dụng cho chiến trường Huế Đà Nẵng bị dân và lính ép phải chở họ rời bến, giới phụ trách bến tầu phải thuyết phục họ mãi. Ngày 21/3 BV cắt đường Quốc lộ I, dân tỵ nạn bèn đi về miệt biển, tầu bè được mướn hay bị cướp để chạy loạn nhưng không đủ. Ngày 23/3 tầu Trường Thanh do Bộ tổng tham mưu mướn chở được hơn 5,000 người. Huế bỏ ngỏ đêm 25/3, dân quân rút theo bờ biển về Đà Nẵng. Tam Kỳ mất 24 /3, Chu Lai di tản ngày 26/3, dân Quảng Ngãi, Quảng Tín chạy về Đà Nẵng. Ngày 26/3 Tướng Trưởng gửi Tướng Hoàng Lạc Tư lệnh phó QK I về Sài Gòn trình Tổng thống và Thủ Tướng giải quyết ngay vấn đề tỵ nạn vì thành phố sắp rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến Đã Nẵng sẽ tự sụp đổ không cần Việt Cộng tấn công. Lưu thông trong thành phố ứ đọng, dân số trước đấy chỉ có 300,000 nay có tới hơn một triệu, cướp của giết người giữa ban ngày.

Ngày 27/3 chuyến phi cơ dân sự đầu tiên mướn của Mỹ đáp xuống Đà Nẵng nhưng mỗi khi có máy bay xuống hỗn loạn diễn ra dữ dội. Các chuyến bay dân sự phải đình chỉ, giới hữu trách cho thay bằng 4 máy bay C-130, nhưng hỗn loạn liên tục nên 4 chiếc này chỉ cất cánh được một lần vào ngày 29/3. Bến tầu cũng hỗn loạn, các tầu thả neo ngoài khơi Đà Nẵng, dân dùng thuyền bè từ bờ ra tầu, mỗi tầu được chừng 10 ngàn thì nhổ neo về Cam Ranh, Vũng Tầu, Phú Quốc…

Việt Cộng pháo kích tấn công Đà Nẵng mạnh vào đêm 28 /3, dân chúng tiếp tục tìm đường lánh nạn bằng thuyền bè dưới những trận mưa pháo của địch, nhiều người chết chìm khi lội từ bờ ra tầu. Bộ TTM đề nghị Phó thủ tướng Phan Quang Đán trưng dụng 13 tầu thương thuyền để chở dân tỵ nạn và kêu gọi các nước đồng minh giúp chở dân ra khỏi vùng giao tranh . Các nước hưởng ứng lời kêu gọi nhưng không thể gửi tầu tới ngay được trong khi tình hình ngày một thê thảm. Với con số người tỵ nạn quá đông cuộc di tản không thực hiện được như ý muốn, dân tỵ nạn tràn ngập các trại ở Vùng III và Phú Quốc.

Tướng Viên nói khi chính quyền bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ, nó đã làm đảo lộn kế hoạch quân sự của Vùng I. Người dân bị ám ảnh của quá khứ, họ quá sợ hãi khi nhớ lại cuộc tàn sát tập thể của CS tại Huế hồi Mậu Thân 1968 cũng như tại Đại lộ Kinh hoàng Quảng Trị năm 1972 để rồi hối hả bồng bế nhau chạy về phương nam.

Cuộc di tản náo loạn khiến cho binh sĩ hoang mang không còn tinh thần chiến đấu đã là một trong những nguyên nhân chính yếu đưa tới sụp đổ cho cả Quân khu. Thầy Mạnh Tử nói Thiên thời bất như Địa lợi, Địa lợi bất như Nhân hòa. Khi kẻ địch cất quân đánh nước ta là chúng có Thiên thời, nước ta có hào sâu, thành cao là ta có Địa lợi, nhưng khi quân địch đến, quân ta quăng gươm giáo chạy là ta không có Nhân hòa.

Trọng Đạt

Theo Đàn Chim Việt

——————————————–

Tài liệu tham khảo

 

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.

Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến tranh Việt Nam 1963-1975, Đại Nam 2001.

Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003

Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.

Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987

Ngô Quang Trưởng : Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn I, do Lê Bá Chư ghi chép, (Lịch Sử Ngàn Người Viết) Sài Gòn Nhỏ Dallas ngày 26-1-2007.

Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản 2005.

Nguyễn Văn Toàn, Lê Bá Khiếu, Nguyễn Văn: Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975

Trần Văn Nhựt: Cuộc Chiến Dang Dở, nhà xuất bản An Lộc, 2003.

Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1991.

Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản QĐND Hà Nội, tái bản lần thứ tư, 2003

Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999

Lâm Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.

Marilyn B. young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents – Oxford University press 2002.

Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn, Ai Mất. Người Việt Dallas 7-10-2005.

Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.

Nguyễn Văn Châu: Nhớ Về Quân Đoàn I, Sài Gòn Nhỏ Dallas 25-8-2006.

Phan Nhật Nam: Một Đời Trung Liệt, Ba Lần Giữ Nước, Tướng Quân Ngô Quang Trưởng, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2-2-2007.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn