Trong trại tù A-20 Xuân Phước, tôi bị nhốt chung với những thành phần bị nhà cầm quyền tiếp quản gọi là tư sản mại bản người Hoa có tầm cỡ như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên. Trước đó, khi còn bị tập trung ở trại Z-30C Hàm Tân, tôi cũng lại có sống gần một bạn đồng tù mà anh em chúng tôi thường gọi đùa là ông “rùa vàng”, tức cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy, một thượng nghị sĩ thân chính phủ, nổi tiếng vì hai chuyện: mỗi lần ông Nguyễn Văn Thiệu gặp khủng hoảng chính trị thì phủ Tổng Thống lại lôi ông cùng với những thượng nghị sĩ thân chính phủ khác lên đài truyền thanh và truyền hình để ông nói vài lời bênh vực, thứ đến ông có một người con trai khét tiếng vung tiền trong những chốn ăn chơi tại Saigon.
Bấy lâu nay, báo chí hay sách báo Việt ngữ tại quận Cam ít đề cập gì đến một sự kiện từng làm náo loạn đời sống của toàn bộ dân chúng Miền Nam Việt Nam là chiến dịch X-2 đánh tư sản mại bản, gian thương và cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Phần lớn những bài báo hay những cuốn hồi ký chỉ chú trọng tới chuyện tù cải tạo và vượt biển. Khi tìm nguyên nhân khiến chính quyền VNCH thất bại, phần đông các tác giả chỉ có một lập luận: Miền Nam Việt Nam là một vùng đất tự do, dân chủ, quân đội VNCH là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến, đánh đâu thắng đó nhưng cuối cùng VNCH thua trận vì bị Mỹ bỏ rơi, Dương Văn Minh lên nắm quyền có một ngày rưỡi và “dâng” Miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản nên chúng ta mất phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thật là giản dị và mọi người đều ngủ yên trên những lập luận này trong nhiều thập niên sau chiến tranh.
Nhưng nếu người ta chịu khó tìm tòi ở trong cái kho tài liệu chiến tranh Việt Nam ở Lubbock (Texas), Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, những tài liệu đã được công khai hóa của Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ hay những cuốn băng và hàng chục ngàn trang tài liệu mật đã được bạch hóa, cuốn hồi ký tương đối đứng đắn nhan đề “Can trường trong chiến bại” (của Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại), “Tháng Ba Gãy Súng” (Cao Xuân Huy), “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng), các tài liệu mật của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers của Beacon Press-Boston) một công trình tổng hợp những tài liệu thật về những quyết định của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từng giúp giải thích lý do tại sao mà Hoa Kỳ quay lưng lại với đồng minh VNCH một cách cạn tầu ráo máng như vậy vào năm 1975... thì hiển nhiên, chúng ta sẽ có được những chứng cơ hậu thuẫn cho suy nghĩ riêng của mỗi người, tránh được những định kiến và dễ dãi với chính mình là đổ tất cả cho Mỹ.
Nay có một tập hợp những tài liệu, các cuộc phỏng vấn và gặp gỡ nói chuyện với các nhân chứng của hai miền Nam Bắc lại xuất hiện ngay tại cái nôi của người tị nạn đề cập đến những biến chuyển tại Việt Nam, chủ yếu nhắm vào củng cố quyền lực của người Cộng Sản sau khi họ thắng trận. Theo cách nhìn của riêng tôi, thắng cuộc hay thắng trận chẳng có gì khác nhau cả. Nó cũng giống như một trận võ đài, một bên giơ cánh tay chiến thắng và một bên nằm lăn ra trên “ring” trọng tài đếm đến 10, vẫn không sao ngồi dậy được. Tôi cũng chỉ là một cá nhân rất nhỏ bé trong số những người thua trận và cũng rất muốn nói theo giọng điệu phủi tay, vuốt đuôi cho qua chuyện đồng thời cũng là phương thức tốt nhất để tránh bị mặc áo đội nón Cộng sản vốn bày bán đầy rẫy ở quận Cam nói riêng và trong những cộng đồng người Việt khác ở hải ngoại nói chung. Nhưng ở đời, lực bất tòng tâm, nhiều khi muốn mà không được vì mình đã lỡ theo đuổi cái nghề cầm bút, một nghề vốn bạc bẽo nhưng nó như ma túy, bập vào rồi khó bỏ được. Vì thế, khi đã đọc “Bên Thắng Cuộc”, tôi vẫn phải trình bày những suy nghĩ riêng của mình, suy nghĩ của một người đọc chứ không phải là một người làm tuyên truyền.
Thật sự, khi nói đến những người gọi là tư sản mại bản gốc Hoa như Huy Đức đã đề cập trong “Bên Thắng Cuộc”, tôi cũng thú thật là không biết họ giầu như thế nào, có giầu bằng những đại gia hiện tại ở Việt Nam như Bầu Kiên hay Đặng Thị Hoàng Yến hoặc Cường “đô la”... không, nhưng tôi nghĩ rằng dùng chữ đại gia đối với các nhân vật gốc Hoa như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên, Lý Long Thân, Trần Thành là điều không ngoa. Cái trại A-20 mà tôi bị giam là một trại khắt khe hàng đầu của Việt Nam. Thành phần giam ở đây gồm các cựu sĩ quan và cựu công chức trung và cao cấp VNCH từng tham dự các vụ nổi loạn ở những trại khác, cùng với các tù chính trị mang án rất nặng, thấp nhất là 10 năm cao nhất là chung thân và tử hình. Vào thời điểm của năm 1980, Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên với mức án từ 20 năm tới chung thân đã bị đưa về trại nhốt chung với các anh em tù chính trị có án. Cùng bị kết án nặng như Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên nhưng vào lúc bị đưa ra tòa, cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy đồng thời là chủ nhân của một đại công ty xuất nhập cảng đã ở tuổi 80 nên được chuyển thành án tập trung sau khi đã tịch thu trọn bộ gia sản khổng lồ của ông và vì thế bị đưa vào trại Hàm Tân Z-30C chung với các anh em “án cao su” tức tập trung cải tạo.
Trước hết, tôi nói về cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy khi bị giam trong trại Z-30C là trại lao cải đầu tiên mà tôi bị lưu đầy sau 2 năm nằm biệt giam tại các trại B-5 Tân Hiệp Biên Hòa và Chí Hòa, để nhà cầm quyền điều tra về quá trình hoạt động trong ngành truyền thanh của chính phủ VNCH. Trong suốt thời kỳ trai trẻ, tôi chỉ làm phóng viên mặt trận, sau đó bị động viên vào quân đội và trở về lại để làm công việc chuyên môn của mình tại Hệ Thống Truyền Thành Quốc Gia, nhưng cũng chính vì thế mà tôi đã bị đưa vào biệt giam để trả lời câu hỏi của những thẩm vấn viên công an Cộng sản: “Anh có biết anh nợ máu với nhân dân như thế nào không?”. Tôi nhắc lại chi tiết này vì nó cần thiết khi đề cập đến câu chuyện của nhà tư sản mại bản Việt Nam Hoàng Kim Quy.
Ở trại Z-30C, tôi ở khác đội lao cải với ông Quy nhưng ở cùng láng tức buồng giam, nằm cách ông có vài chiếu. Vị cựu thượng nghị sĩ này lúc đó đã quá già và yếu vì bệnh hoạn nên được cho đi nhặt rác loanh quanh trong trại. Là một trong những viên chức lãnh đạo của chính quyền VNCH và là chủ nhân một công ty lớn, giầu nứt đố đổ vách trước 30-4-1975, nhưng khi bị đưa ra trại lao cải, cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy rất hiếm khi được thăm nuôi. Ông sống rất cô đơn giữa các cựu sĩ quan và công chức bị đi tù cải tạo và luôn luôn trong tình trạng hốt hoảng và sợ hãi. Có một lần tôi hỏi ông:“Bác thừa phương tiện sao không di tản để ra nông nỗi này?” thì ông nói: “Ấy cũng chi vì tiếc của. Chúng (chính quyền Cộng Sản) lấy sạch sành sanh của tôi rồi ông ơi, tôi dại quá”.
Ngẫm nghĩ ra thì ông Quy dại thật. Bao nhiêu người kể cả những viên chức lãnh đạo cốt cán của chế độ Cộng Hòa như Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Trưởng, các tướng lãnh kể cả Tổng Tham Mưu Trưởng đa phần đều bỏ của chạy lấy người, còn cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Qui tuy chức có to, có giầu nhưng làm sao giầu bằng họ được, ấy vậy mà còn tiếc của thì quả đúng là dại rồi. Anh em chúng tôi ở Z-30C đều ái ngại cho hoàn cảnh của ông, nhưng chúng tôi không hề phục những con người này và vẫn coi ông là một trong những người chỉ biết làm giầu nhờ dựa vào ô dù của quyền lực cũ. Bởi vì làm giầu bằng cách dựa hơi nhà cầm quyền để được độc quyền hay ưu quyền hơn người khác đã không những không vinh hạnh gì cho những người quốc gia chống Cộng mà còn làm nhụt chí những người lính ngoài tiền tuyến.
Vì thế, với tư cách một người đọc sách, tôi cho rằng những trích dẫn của Huy Đức về thượng nghị sỹ Hoàng Kim Quy rất cần thiết dù rằng những nhân vật mà anh dẫn lời có thể làm cho tôi hay những người khác khó chịu. Chẳng hạn như đoạn thuật lại lời của Ủy Viên Công Tố Nguyễn Hoàn khi Tòa Án Nhân Dân Đặc Biệt đưa ra công khai xét xử cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy. Ông ta luận tội cựu thượng nghị sĩ VNCH này như sau, xin trích:
“Bức thư Hoàng Kim Quy gởi cho Tổng Trưởng Ngoại Giao Ngụy thúc giục chính quyền vay của Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) để mớm hơi cho chiến tranh Việt Nam Hóa của Mỹ đang phá sản và trả dài hạn bằng cách cho đầu tư khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam. Hoàng Kim Quy đã suy nghĩ và hành động như một tên xâm lược Mỹ với ý thức chống Cộng sâu sắc, cam tâm bán đứng cả Miền Nam để duy trì chế độ thối nát của Ngụy quyền...”.
Tuy nhiên, lời lẽ của ông Hoàn mà Huy Đức dẫn trong “Bên Thắng Cuộc” mới chỉ đúng một phần, đó là lá thư của thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy viết cho Tổng Trưởng Ngoại Giao VNCH lúc đó là luật sư Vương Văn Bắc, trước khi ông mở chuyến du hành dài ngày ở Trung Đông và Phi châu để yêu cầu Saudi Arabia cứu nguy, vì Tổng Thống Thiệu đã nhìn thấy Mỹ sẽ quay lưng với VNCH. Luật sư Bắc là nhà ngoại giao đầu tiên năng động nhận ra việc không thể chỉ trông cậy vào Mỹ và ông đã hăng hái mở rộng mối liên lạc với Saudi Arabia, Israel và một vài nước Phi châu, nhưng tiếc rằng sự xoay chuyển này quá trễ.
Đối chiếu với tình hình thực tế mà dân chúng Việt Nam phải trải qua khi Mỹ thực hiện sách lược Việt Nam Hóa chiến tranh thì lời của ông Nguyễn Hoàn quả có đúng phần nào nhưng bảo rằng thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy có “ý thức chống Cộng sâu sắc, cam tâm bán đứng cả Miền Nam Việt Nam” là cái thói quen cường điệu của những người Cộng Sản có nhiệm vụ làm cung từ. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là cách nâng quan điểm mà anh em chúng tôi cũng từng phải trải qua trong các trại tù Cộng Sản, chẳng hạn như đói quá tù nhân nhổ trộm một cây cải thì bị cáo “phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Thực tế, những tư sản gộc tại VNCH không chống Cộng, họ chỉ lo bảo vệ túi tiền của họ. Nay người Cộng sản chiếm được Miền Nam muốn lấy hết tài sản của họ thì nâng quan điểm như thế cho “oai”, ra cái điều ta đây “bắt được những tay tổ chống Cộng”chứ thực tình mà nói đợi mấy ông tư sản gộc ấy chống Cộng thì chúng ta mất Miền Nam từ lâu rồi chứ không phải đến ngày 30-4-1975 mới mất!
Ngẫu nhiên, những trích dẫn về các tư sản mại bản gốc Hoa như Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên trong tác phẩm“Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức diễn ra hơn 30 năm sau ngày tôi gặp lại các nhân vật này trong cùng một trại tù, đó là trại A-20 Xuân Phước một trại được xếp vào hàng khắt khe nhất trên toàn Việt Nam. Khắt khe là khắt khe với chúng tôi, những tù cải tạo từng tham dự vào những cuộc nổi loạn trong các trại khác bị đưa vào trừng phạt ở đây, chứ nó vẫn không thể khắt khe với những đại gia gốc Hoa nói trên. Chúng tôi bị cho ăn đói, làm việc nặng, ốm không có thuốc, có những lúc phải ăn cả cỏ kiểng, củ chuối, gia đình bị cấm thăm gặp. Nhưng mấy đại gia gốc Hoa này cũng phải sống trong trại trừng giới như chúng tôi nhưng vẫn no đủ như khi ở ngoài xã hội. Trước 30-4-1975, họ mua các quan chức VNCH để độc quyền nhập cảng những hàng hóa và nhu yếu phẩm chiến lược, tự do làm giá, thao túng thị trường, đầu cơ tích trữ, buôn lậu trốn thuế. Kết quả là trong khi những người lính của chúng ta đổ máu ngoài tiền tuyến để bảo vệ Miền Nam Việt Nam thì tại hậu phương gia đình họ méo mặt vì nạn khan hiếm giả tạo để tăng giá hàng của bọn gian thương và tư sản mại bản gốc Hoa. Nhưng khi vào tù với án nặng và gia sản bị tịch thu, họ vẫn là những đại gia, nhờ còn giấu được của nên có tiền mua từ trại trưởng lên đến Cục Trại Giam Miền Nam. Năm 1982, những đại gia gốc Hoa này khăn gói ra khỏi trại dù trên vai họ là những cái án từ 20 năm đến chung thân. Ít lâu, tin nhắn vào trại: các đại gia Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên “bị”tống xuất sang Hồng Kong sau khi thành thật khai báo gia sản còn giấu hay tẩu tán được.
Thái độ của chúng tôi lúc đó nhìn các ông tư sản mại bản gốc Hoa này như thế nào? Phần lớn các anh em đều tỏ ra vô cảm với những người bạn tù bất đắc dĩ này. Tuy nhiên, một số người cũng có cảm tình với các tù cải tạo tư sản mại bản gốc Hoa nói trên và dễ dãi cho rằng “dù sao họ cũng là phe ta”. Riêng tôi và một vài anh em mà tôi quen biết trong trại thì không bao giờ coi những đại gia này là những người đồng cảnh. Ngược lại chúng tôi coi họ là những người đồng lõa với các quan chức VNCH tham nhũng và góp phần vào sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Các bạn tù vốn là lính của tôi vì luôn luôn phải sống ngoài tiền tuyến, không có thời giờ nào để ý đến hậu phương. Họ không hề biết rằng đám tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn nói trên từng đâm vào lưng họ những vết dao sâu hoắm. Trong khi họ chiến đấu ngoài tiền tuyến, đổ máu để mong giữ gìn mảnh đất Miền Nam, thì tại hậu phương bố mẹ vợ con họ khốn khổ vì giá gạo, đường, xăng, sữa, bột ngọt... tăng lên vùn vụt và ba Tầu Chợ Lớn tha hồ đầu cơ tích trữ và làm giá. Ấy vậy mà các nhà cầm quyền VNCH chẳng làm gì họ được.
Ông Ngô Đình Diệm mới đầu cũng hung hăng mang một ông tư sản gốc Hoa được gọi là Huyện Thung (vua heo) ra bắn và ra lệnh cấm người Hoa làm 17 nghề, nhưng chỉ thời gian ngắn sau là đâu lại vào đấy và cuối cùng chính ông và người em là Ngô Đình Nhu lại phải nhờ đến sự bảo bọc của đại gia Mã Tuyên. Tướng Nguyễn Cao Kỳ khi mới lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã hô hoán “nhất quyết diệt gian thương Chợ Lớn” và ông lập tức đem Tạ Vinh ra pháp trường cát. (Tạ Vinh được mệnh danh là Vua Lúa Gạo, nhưng ở trong trại A-20 có lần Lưu Trung nói với tôi Tạ Vinh chỉ là tài phú chứ chẳng phải là vua hay quan gì trong các vụ đầu cơ tích trữ lúa gạo). Nhưng rồi sau đó, Quận 5, dưới thời ông Kỳ, trở thành vương quốc của các đại gia làm ăn kiểu mafia như ở New York.
Dưới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, các đại gia ở Chợ Lớn gần như nắm toàn bộ nền kinh tế miền Nam Việt Nam. Tình hình này tương tự như ở Jakarta, Indonesia vào thập niên 60, phải đợi đến khi dân chúng bực tức nổi loạn, họ mới lấy lại được các giềng mối kinh tế về cho người Indonesia. Nhưng tại Việt Nam, những người Cộng sản lại chính là những người làm công việc phá cái mạng lưới mafia của hệ thống tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn để rồi mấy chục năm sau chính họ lại hình thành một lớp “đại gia đỏ” mới mà những người nổi tiếng nhất trong giới này là Bầu Kiên và Đặng Thị Hoàng Yến, Cường “đô la”. Đây hẳn cũng là một trong những oái oăm của lịch sử, nhưng là một thực tế không thể phủ nhận. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là ngay dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, tệ nạn tư sản mại bản (lúc đó báo chí và chính phủ VNCH gọi thành phần này là gian thương) được báo chí đề cập hàng ngày và đưa ra khá nhiều lời kêu gọi “đã đến lúc đuổi gian thương ba Tầu ra khỏi nước, đưa họ về Hoa lục để họ tiếp tục làm gian thương”. Nhưng chính quyền VNCH, từ đệ Nhất đến đệ Nhị, đã không hề đem thêm một đại gia gốc Hoa nào khác ra tòa hay đem họ ra pháp trường.
Với tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức cũng đưa ra một phần hình ảnh của những vụ đánh tư sản mại bản bằng cách trích dẫn các nguồn của nhà cầm quyền Cộng sản, đối chiếu với những cuộc phỏng vấn nhân chứng. Trong khi một số người phản đối tác giả, chỉ biết giản dị đưa ra những lý do: Huy Đức là Việt Cộng và 9/10 nguồn viện dẫn là nguồn từ báo Cộng sản.
Đúng như vậy, Huy Đức là người Cộng Sản, nhưng Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Trần Độ, Tiêu Giao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy... có phải là người Cộng Sản không, mà một thời những người vỗ ngực là chống cộng vẫn coi những lời tuyên bố chống chính quyền Cộng Sản của họ là những khuôn vàng thước ngọ,c và người ta tự hỏi liệu ngay trong tổ chức 8406 có người Cộng sản không? Tại sao không ai phản đối lý lịch của những nhân vật vừa kể mà lại chỉ giận dữ với người mà họ gọi là “Việt cộng con Huy Đức”? Liệu trong những người phải bỏ nước chạy sang đây như chúng ta, có bà con hay thân nhân thuộc thế hệ thứ 2 nay đã trở thành những “Việt cộng con” không?
Ở thế hệ của Huy Đức, không trích dẫn nguồn từ chế độ mới đối với vụ đánh tư sản mại bản thì trích nguồn từ đâu trong khi tác giả chủ yếu viết về bên thắng cuộc chứ không phải viết về bên thua cuộc? Còn biết bao nhiêu điều mâu thuẫn khác diễn ra trong cộng đồng này từ lâu nay: Báo chí và truyền thông Việt ngữ ở Mỹ trích dẫn hay dùng những tin ở trong nước thậm chí trong nhiều trường hợp để nguyên văn, trong khi sách báo, băng đĩa sản xuất từ trong nước bày bán đầy rẫy ở ngay trung tâm Little Saigon, người Việt tị nạn ở đây vẫn có những phương tiện xem đài VTV-4 của nhà cầm quyền Việt Nam nhưng có người Việt tị nạn nào bỏ không xem hay không nghe truyền thông Việt ngữ hải ngoại đâu?
Mà có gì khiến những nhà hoạt động ở đây lo ngại đến thế? Ngày nay, nếu người Việt ở Mỹ có những chống đối nhà cầm quyền Việt Nam trong nước thì đó cũng chỉ là mặt trận tư tưởng, một loại mặt trận không bao giờ có giới tuyến rõ rệt. Biểu tình, viết biểu ngữ, hô khẩu hiệu, cấm đoán, tẩy chay sẽ không tạo ra ảnh hưởng quan trọng nào trong mặt trận tư tưởng nếu như những hoạt động này không thuyết phục được công chúng. Ngược lại nó chỉ làm cho người thật lòng chống Cộng chán ngán những hành động vô lối, trẻ con và nhỏ nhen của một vài nhà hoạt động chính trị mà cộng đồng đã nhẵn mặt.
Người dân Little Saigon bắt đầu đặt vấn đề: Nếu chúng ta có chính nghĩa và đoàn kết thì việc gì mà sợ hãi đối phương đến mức nhìn đâu cũng thấy Việt cộng? Thời gian tôi bị cùm tại “chồng cọp” ở trại tù A-20 Xuân Phước, người bạn tù chung hoàn cảnh với tôi ở chuồng cọp bên cạnh là linh mục Nguyễn Luân, một linh mục mới 36 tuổi bị suyễn rất nặng. Sáng nào mỗi khi viên sĩ quan công an trực trại vào mở cửa chuồng để điểm số, ngài cũng hỏi: “Tôi là tu sĩ, các anh có gì phải sợ đến nỗi nhốt tôi lâu đến như vậy”. Do lời nói của linh mục Nguyễn Luân chạm vào cái nọc của người Cộng Sản nên viên sĩ quan công an này ra lệnh không cấp thuốc suyễn cho linh mục Luân nữa, cho đến khi ngài chết vì một cơn suyễn làm ngài nghẹt thở. Cho nên, cuồng nộ và giận dữ chỉ biểu lộ được phản ứng sợ hãi chứ không thể che giấu được sự thật hay nói lên được sự thật.
Khi tác giả Huy Đức trích dẫn những diễn tiến của những vụ đánh tư sản mại bản trong “Bên Thắng Cuộc”, anh chỉ làm cái công việc lật lại những trang sử cũ đang đóng bụi thời gian ở phía những người thắng trận để “trình bày các nhân vật” của mình như đã viết trong Facebook. Những nhân vật trong “Bên Thắng Cuộc” phần lớn được hình thành ở hình ảnh của những hình nộm mù quáng và mê muội từ Lê Duẩn cho tới Đỗ Mười, Phạm Hùng, từ cách thiết lập các phương trình đấu tố cho tới hậu quả đầy cay đắng và bi phẫn của nó. Chẳng hạn ở trang 90 (bản thảo) của “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức viết:
“Những năm sau 1975, cứ mỗi khi có thành phần nào đó trong xã hội trở thành đối tượng của chính quyền, lại có một thành phần khác là quần chúng được đưa ra lên án. Chín mươi hai nhà tư sản mại bản vừa bị đánh vào rạng sáng 10-9-1975 thì sáng hôm sau 11-9-1975 ‘đã có 1,200 nhà tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ mở đại hội bất thường’ tại rạp Rex để ‘bày tỏ quyết tâm bài trừ bọn tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ, lũng đoạn và phá rối thị trường.”
Thậm chí: “Có giới người Hoa tỏ ý muốn chánh quyền công bố đầy đủ danh sách và tội trạng của tất cả những tên gian thương đã bị sa lưới. Giám đốc một xí nghiệp ở Chợ Lớn (xin giấu tên) là người Hẹ cho biết, theo ông ta, nên tịch thu toàn bộ tài sản của bọn gian thương, đem xử công khai trước nhân dân và cho bọn này đi cải tạo lao động lâu dài để chúng biết giá trị lao động”
Huy Đức nhận định: “Ông giám đốc người Hẹ này khi ấy chắc không ngờ có ngày ông cũng trở thành đối tượng của nhân dân lao động”.
Trong số những phần tử Cộng sản được gọi là Việt Cộng trong MTGPMNVN, có bao nhiêu người giầu có vì đánh tư sản mại bản cuối cùng cũng nhận lãnh số phận của ông Giám đốc xí nghiệp người Hẹ? Tôi không có con số thống kê này, nhưng vào năm 1987, khi từ trại Z-30A bị đưa trở lại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, để bị điều tra lại vụ làm tờ báo chui trong trại, tôi đã có bị giam chung với các “tư bản đỏ” trong các căn biệt giam. Họ bị bắt phần lớn vì bị ghép hai loại tội: “tham ô” và “phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Đông nhất, phải kể đến những người từng tổ chức các chuyến vượt biển “bán chính thức” bằng tầu sắt vào năm 1979. Vào lúc họ bị bắt thì người nào cũng là “đại gia” cả rồi. Đây là chuyến đánh tư sản sản mới gồm toàn những thành phần làm ăn kinh tế với giới tư bản đỏ và chính quyền quân quản.
Một trong những người chức vượt biển tầu sắt từ năm 1979 và sau đó chuyên đứng ra mua bãi bán bãi là Hải “nhí”, một người Tầu lai còn khá trẻ bị tạm giam vào xà lim số 5 khu C-1 cùng với tôi, vì lúc đó mới xảy ra ra vụ linh mục Thủ của dòng Don Bosco ở Thủ Đức nên các căn biệt giam ở trại số 4 Phan Đăng Lưu đều chật kín người, nên nhà tù tạm giam này phải nhốt những người mới bị bắt chung với những người bị bắt đã lâu. Theo lời Hải “nhí”, ngoài số vàng đã tẩu tán cho người thân, nhà cầm quyền còn tịch thu khoảng của anh ta 6,000 lượng vàng. Tôi không thể kiểm chứng được lời tiết lộ của Hải “nhí” nhưng theo cái cách sống thoải mái của anh ta khi bị tạm giam chung với tôi thì Hải “nhí” phải là người làm ăn lớn qua việc cán bộ vào nhận anh ta đi hỏi cung vẫn giữ thái độ nể vì đối với nghi can này. So sánh thời điểm thì đây là vụ kế tiếp vụ đánh tư sản mại bản lần thứ hai, cách nhau 11 năm. Nhưng dù trước hay sau thì mục tiêu của chiến dịch là vét hết vàng và đô la của những người cộng tác làm ăn với các viên chức chính quyền Cộng sản trong những vụ tổ chức vượt biển, buôn lậu. Vụ đánh tư sản mại bản lớn khi tiếp thu Miền Nam Việt Nam kết thúc vào ngày 10-9-1976 khi nhà tư sản Đào Tắc Kinh, Lý Hơn, Lâm Huê Hồ, Dương Hải, Trang Trịnh Nguyên, Mã Tuyên, Trần Thanh Hà, Lý Hấn, Trần Liệt Hồng... Mẻ lưới này, tuy là mẻ lưới vớt, nhưng nó cũng làm cho những tư sản người Hoa không nổi tiếng lắm cũng rất khốn đốn: Họ mất cả bất động sản lẫn đô la, vàng. Nhưng thái độ của dân chúng đối với những vụ bắt bớ những nhà tư sản gốc Hoa ra sao?
Huy Đức trích dẫn một phản ứng được báo chí thời đó trích thuật mà tất cả những điểm quan trọng đều được ghi trong ngoặc kép. Sáng ngày 11-9-1976, hàng ngàn người Hoa tại Chợ Lớn đã được chính quyền huy động trong một cuộc biểu tình được báo chí mô tả là “sôi sục căm phẫn tố cáo tội ác của bọn tư sản mại bản bóc lột và yêu cầu chính phủ bài trừ chúng tận gốc”. Tác giả gợi lại cách mô tả những bài báo của chính quyền để cho những nhân chứng nào vào thời gian đó thoát được ra hải ngoại có thể kiểm chứng. Chính một số người Hoa được báo chí dẫn lời cho rằng: “Bọn tư sản mại bản Hoa kiều càng giầu bao nhiêu thì chúng tôi càng cơ cực bấy nhiêu. Phải trừ hết bọn người này thì người Hoa chúng tôi mới có thể sống yên ổn”. Nhưng thực ra những hoạt động quần chúng này, theo Huy Đức không những chỉ là cách lý giải cho những hành vi bắt bớ mà còn chuẩn bị dư luận cho một chính sách sắp sửa ban hành: Cải tạo công thương nghiệp tư doanh, một hành động sai lầm nghiêm trọng đang là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi vào ngõ cụt.
Điểm đặc biệt nhất trong chương mô tả việc đánh tư sản mại bản, tác giả của “Bên Thắng Cuộc” đã đưa ra một vài điển hình từng uống phải những liều thuốc mê thuộc cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Đó là Lý Mỹ, con gái một nhà tư sản người Hoa vừa trở thành đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thay vì chỉ tuyên bố xuông để tỏ ra “tiến bộ”, đã dẫn các“đồng chí” về nhà chỉ những địa điểm cha mẹ mình chôn giấu tài sản. Cô được ca ngợi như sau, xin trích:
“Hai năm qua, đất nước ta được chuyển mình đi lên chủ nghĩa xa hội, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Lý Mỹ đã hòa mình trong ngọn lửa triều thời đại ấy. Nhưng cũng chính vì thế mà Mỹ đã phải trải qua những ngày trăn trở dằn vặt, đấu tranh với chính bản thân mình, đã chịu đựng được một số những mất mát thương tổn trong khi lôi kéo những người thân yêu theo bước đi của xã hội”.
Huy Đức tiếp tục mô tả tấn bi kịch này:
“Cái ngày mà toàn bộ gia sản bị kê biên, Lý Mỹ đã không giấu được niềm vui hoàn thành nhiện vụ: Mỹ kêu mẹ đi ngủ để c6 làm nhiệm vụ kê khai cùng với đoàn công tác đang đóng chốt tại đấy. Đêm 24-3-1978 Mỹ thức tới 3 giờ khuya, không phải để thao thức, trăn trở trong sự khổ sở mà để sao 4 bản kê khai trong sự vui sướng tràn trề. Lòng Mỹ rộng ràng như lần đầu tiên biết mình được đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Cuốn nhật ký của Mỹ khép lại vào lúc 3 giờ ngày 25 tháng 3 năm 1978: má đã yên tâm rồi, còn mình càng yên tâm hơn khi gia đình mình đã chấm dứt quá khứ từ ngày hôm qua để chuẩn bị bước vào tương lai. Mình không còn mặc cảm với bạn bè nhân dân lao động vì gia đình mình sống bằng nghề bất chính. Mình đã đấu tranh, đã thực hiện lý tưởng, ước mơ của mình. Hãy cất cao tiếng hát, hãy tiến lên, không gì có thể ngăn cản được bước tiến của mình. Mình trở lại phấn khởi rồi, vui quá”.
Tác giả Huy Đức viết câu kết cho sự kiện nói trên như một mũi tên:
“Nhưng điều mà Lý Mỹ lúc ấy tưởng là niềm vui rồi sẽ khoét vào lòng cô như một vết thương. Vết thương này không bao giờ có khả năng khép lại.”
Lời kết của Huy Đức mang đầy cái vẻ âm thầm, bình thản nhưng ở đằng sau đó rõ ràng là niềm đau của cuộc đời đổi thay, sóng gió. Theo lời tác giả Huy Đức, cho dù được báo Nhân Dân ca ngợi, được đoàn viên khắp nơi trong cả nước viết thư thăm hỏi bày tỏ lòng ngưỡng mộ, Lý Mỹ cũng chỉ là một sản phẩm hy hữu của Thành Đoàn. Con cái của những nhà tư sản khác, trong những ngày ấy đã bị buộc phải trưởng thành để cùng cha mẹ bảo vệ tài sản trước nguy cơ bị cải tạo. Một trong những gia đình đó là gia đình ông Võ Quang Trữ. Gia đình ông từ Quảng Nam di chuyển vào Saigon làm ăn với nghề dệt, tiền của làm ra từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu là dệt, kế tiếp là hồ rồi buôn bán hàng tơ sợi. Gia đình ông làm giầu nhanh, nhưng chưa được xếp vào danh sách các ông vua. Một ngày khi ông đi vắng, “cách mạng 30-4 đến chiếm tầng trệt căn nhà của ông để làm trụ sở công an, rồi treo bảng hiệu mà không cần chờ chủ nhà đồng ý.” Cũng vẫn theo Huy Đức, ngày 23-3-1978, một tổ cải tạo 5 người đã đến đóng chốt trước tiền sảnh ngôi nhà mà gia đình ông Trữ đang ở trên đường Hồ Tấn Đức. Họ ở đó liên tiếp trong 6 tháng. Tác giả trích dẫn lời ông Võ Quang Dũng kể lại tấn thảm kịch gia đình ông bị khảo của như thế nào. Họ lần lượt thẩm vấn từng người trong gia đình với một câu hỏi giống nhau: “Vàng giấu ở đâu?”.Không ai kể cả vợ con ông Trữ biết vàng giấu ở đâu. Dù các cán bộ cải tạo có khám từng ly từng tý, không còn viên gạch nào trong nhà mà không bị cạy lên, họ cũng không thể kiếm ra được vàng. Huy Đức kể lại: “Những mưu sâu kế dày mà các gia đình ‘cách mạng’ dùng để qua mặt cảnh sát Saigon, nuôi giấu cán bộ giờ đây được chính nhân dân áp dụng một cách triệt để để thoát khỏi “chính quyền cách mạng”. Cũng vì thế mà ông Trữ chuyển 10,000 lượng vàng từ căn nhà trên đường Hồ Tấn Đức lên một căn nhà khác ở Ngã Tư Bảy Hiền bằng cách dùng các đứa con của hai ông bà là Dũng và Đào vì quan sát thấy một sơ hở: Những cán bộ cải tạo chỉ khám người lớn chứ không khám trẻ nhỏ. Huy Đức đã dẫn một lời kết bằng câu chuyện kể lại của ông Võ Quang Dũng:
“Chúng tôi bị tước mất tuổi thơ kể từ đó. Vốn là những đứa trẻ vô tư, nhưng hàng ngày hai anh em vẫn phải đóng kịch, giả vờ vui vẻ ra khỏi nhà khi thì với quả bóng, khi thì với món đồ chơi để qua mặt tổ cải tạo đứng canh trước cửa. Từ cổng khi thì xích lô, khi thì taxi, khi thì chiếc xe ôm đứng đón. Họ chở tôi đi một đường, em gái tôi đi một đường, mỗi ngày chúng tôi đi đến mọt địa điểm mà ba tôi chỉ cho biết vài phút trước khi ra khỏi nhà. Ở đó, một người được ba tôi đặc biệt tín cẩn và được huấn luyện trước chờ sẵn đón chúng tôi, nhận hàng rồi đi ngay lập tức. Công việc chuyển vàng ra khỏi nhà trước mắt tổ cải tạo trong suốt 6 tháng khiến cho cha con ông Trữ trở thành những người có vẻ ngoài lạnh lùng. Năm 1979 khi anh em Dũng vượt biển không thành trở về, gặp nhau ngoài ngõ, nhưng cha con chỉ khẽ gật đầu như vừa đi đâu đó ngoài đường trở về. Mãi tới khi vào đến bên trong nhà, ông Trữ mới ôm lấy các con và cả mấy cha con cùng bật khóc”.
Ở vị trí của Huy Đức ngày nay, khi nhắc lại những sự kiện liên quan đến chiến dịch đánh tư sản, anh chỉ viết được đến chừng mực đó. Nhưng nó cũng đã đủ mô tả trọn vẹn một giai đoạn lịch sử trong đó thiện, ác, chính, tà lẫn lộn, lòng người khó đoán. Nếu chúng ta căn cứ theo những trích dẫn của Huy Đức không cần thêm thắt, bình luận, chúng ta cũng có thể hình dung ra ngay bối cảnh của một đám thảo khấu vừa mới lọt được vào nhà một gia chủ và bắt đầu khảo của. Tác giả đã vẽ ra được một bức tranh về hậu quả khốn đốn của một khối dân chúng mất đất và mất chính quyền. Hình ảnh của Lý Mỹ và Võ Quang Trữ đã cho thấy một sự cân bằng trong cách trình bày vấn đề của Huy Đức. Cùng một vấn đề đánh tư sản, nhưng các dữ kiện được khơi dậy khiến người đọc có thể có những cảm nghĩ khác nhau. Tác giả của “Bên Thắng Cuộc”không dùng những tĩnh từ để bày tỏ cảm tình với hai trường hợp, nhưng rõ ràng trong lối hành văn và dùng chữ để mô tả lại hai trường hợp điển hình trên, người ta thấy cảm tình của tác giả nghiêng về bên nào.
Ở vị trí của người viết ký sự lịch sử (cứ tạm gọi là như vậy), cách trình bày toàn cảnh vụ đánh tư sản mại bản như vậy là rất mực thước. Nhưng ở vị trí một người đọc tuy thuộc bên thua cuộc nhưng được sống trong một xứ tự do, tôi cho rằng không thể coi tất cả những gì diễn ra trong biến cố đối với tư sản mại bản đều là sai lầm của nhà cầm quyền Cộng Sản tiếp quản. Chúng ta nhìn những tư sản mại bản như Lý Sen, Lưu Trung, Lý Long Thân, Trần Thành, Trương Dĩ Nhiên, Hoàng Kim Quy và một loạt những tư sản mại bản “thấp cơ” với cảm quan nào? Bạn có thể bảo dù muốn dù không, họ cũng là những nạn nhân của Cộng Sản, có nghĩa là ở phe chúng ta? Nếu quả thật có một ai đó vì phản đối tác giả cuốn“Bên Thắng Cuộc” nên đành phải nhận những đại gia nói trên là phe ta thì theo tôi đó là cách nhìn lệch lạc. Những đại gia nói trên là người gốc Hoa và chính là những người mà trong khi các bạn phải miệt mài chiến đấu ngoài tiền tuyến thì ở hậu phương họ đầu cơ tích trữ để tăng gia nhu yếu phẩm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình các bạn. Đã có nhiều năm VNCH phải nhập cảng đến 50,000 tấn gạo để chống lại việc các chú ba Chợ Lớn đầu cơ bằng cách mua lúa non để đến sau thu hoạch tích trữ chờ đến khi khan hiếm lên cao, lúc đó họ mới từ từ bán ra với giá cắt cổ. Đó mới chỉ là vấn đề gạo, còn bao nhiêu thứ nhu yếu phẩm khác. Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa quyền lực như thế và có điều kiện để áp dụng thiết quân luật thời chiến lẽ ra đã có thể đưa mấy nhà tư sản mại bản này vào nằm khám lạnh, nhưng đáng buồn thay cả hai chế độ đều bất lực. Phải đợi cho đến khi Cộng sản vào Saigon, Chợ lớn, các tư sản mại bản gốc Hoa này mới bị khốn đốn và bỏ của chạy lấy người. Phải công bằng mà nói như thế !
Tuy nhiên, trong tất cả các chương trong “Bên Thắng Cuộc”, người đọc sẽ thấy tác giả trình bày vấn đề đánh tư sản mại bản rất khúc chiết, từ chủ trương được những nhà lãnh đạo chính sách của chế độ mới nói ra với nhau bên trong những cánh cửa đóng kín, việc thi hành các kế hoạch, những mưu mô săn vàng đầy bạo lực, những chủ trương được trình bày với ngôn ngữ hoa mỹ để che giấu một thực tế thô cứng, những thảm kịch và hậu ý thiếu lương thiện khi nhà cầm quyền quân quản đồng hóa tư sản mại bản với những người miền Nam có bát ăn bát để, nhằm tước đoạt những tài sản do mồ hôi nước mắt của họ làm ra. Tác giả Huy Đức đã sắp xếp những dữ kiện lịch sử sau 30 tháng 4 như một bản cáo trạng bày rõ những sai lầm của chính quyền được mệnh danh là “cách mạng”. Bản cáo trạng ấy không hề có lời lên án được đọc lên với giọng hùng hồn và ngược lại nó được kể lể với một giọng bình thản, thầm lặng lâu lâu lại xuất hiện một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng nó là những nhát dao sẽ để lại nhiều vết thẹo trên khuôn mặt cường quyền. Cho nên, nhất thiết, bản cáo trạng thầm lặng đó sẽ mở đường cho những người còn tha thiết với vận mạng Việt Nam lên tiếng để buộc nhà cầm quyền Việt Nam loại trừ những tư sản đỏ đang trở thành những tỷ phú đô la trên lưng những người Việt Nam lương thiện hiện nay.
Dù dư luận nhận định tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” như thế nào đi nữa thì trong cộng đồng vẫn có một số người không đồng ý với Huy Đức. “Không đồng ý” là một trong những đặc tính của nền dân chủ. Nhưng đi tìm kẻ thù từ một cuốn sách ghi nhận những diễn biến chính trị và xã hội sau sau 30-4-1975 cách đây 37 năm là một điều không tưởng. Trong lịch sử giữa thế kỷ 16 cuốn “Quân Vương” (The Prince) của Nicolo Machiavelli đã bị các vương triều tại Âu Châu phần lớn bị ảnh hưởng bởi nền chính trị Thiên chúa giáo săn đuổi để tịch thu và đốt cũng chỉ vì tác giả nói huỵch toẹt ra rằng nền cai trị và chính trị của vương triều nào đi nữa thì cũng chỉ gồm những phương pháp cai trị đầy thủ đoạn dơ bẩn. Nhưng điều ngược ngạo là trong suốt thể kỷ 16, lúc các ông vua từng căm ghét cuốn sách này băng hà, tìm trong thư phòng của mấy ổng, các sử gia mới khám phá ra rằng mấy ổng đều có giấu một cuốn “Quân Vương” dưới đầu nằm. Cuốn “Bên Thắng Cuộc” chỉ là một biên niên thời sự bình thường ghi lại những sự kiện hậu chiến cùng ảnh hưởng của nó với cả bên thua cuộc lẫn bên thắng cuộc, một tác phẩm chính văn không hề đóng lại mà luôn luôn “mở” để những nhân chứng của cả hai phía có thể góp thêm những bằng chứng và phân tích để hiệu đính lại những gì mà họ coi là sai lạc hay chưa nói đủ. Có gì mà phải to tiếng và giận dữ đối với tác giả “Bên Thắng Cuộc” như thế?
Cho nên, dù muốn dù không, “Bên Thắng Cuộc” cũng là một tài liệu để cho những sử gia hay những nhà nghiên cứu của những thế hệ người Việt Nam không còn dính dấp gì đến cuộc chiến Việt Nam có thể dùng để đối chiếu với những tài liệu khác. Đừng bao giờ lo sợ hão huyền rằng những thế hệ kế tiếp của người Việt Nam gồm con em cháu chắt của chúng ta ở Việt Nam hay ở hải ngoại chỉ dùng tài liệu của bên này hay bên kia vào cuộc nghiên cứu của chúng.
A20 Vũ Ánh
(Nguồn: Sống Magazine)
Gửi ý kiến của bạn