Câu trả lời của ông Huỳnh Công Minh làm nhiều đại biểu cười ồ; còn tôi, sau khi đọc được lòng như se lại. Té ra, ông Minh vẫn còn sống trong thời bao cấp, thời mà cán bộ làm việc theo kế hoạch từ trên đưa xuống; vì vậy ông ta cần phải làm hài lòng cấp trên chứ không phải làm được việc. Câu nói của ông ta chứng tỏ rằng nền giáo dục VN vẫn còn bao cấp “dữ” lắm. Trong chế độ độc tài CS, sự hài lòng cấp trên là cái bùa hộ mệnh trên con đường danh vọng nhưng lại là mầm mống cho sự thối rửa tinh thần. Ông Minh, một quan chức làm việc ở thành phố được coi là trung tâm văn hóa kinh tế của quốc gia mà còn lấy cái khen của những ông ở tận Hà Nội để bào chữa cho việc làm của mình; huống hồ gì, những ông ở vùng sâu vùng xa; có lẽ, sẽ lấy con “ngáo ộp” CS ra để bảo vệ những sai trái của họ. Mấy ông này đe dọa dân chúng rằng: “Mày nói tao sai hả? Tao sẽ sai Công an trị mày!” Do vậy, những cái sai của quan chức đảng không ai dám đụng đến nữa!
Những lời nói như kiểu ông Minh chứng tỏ rằng quyền lực CS còn hoành hành dữ dội lắm! Ông ta làm việc là vì quan chứ không phải vì dân; dân chúng ở xứ sở này như là cỏ rác chỉ có quyền lực của Đảng là vĩ đại mà thôi. Ở VN, không có sự vừa lòng của cấp trên thì khó mà làm việc, chứ đừng nói gì đến thăng tiến. Guồng máy của Đảng đã vận hành như vậy nên phải chấp hành như vậy. Xã phải được lòng Huyện, Huyện phải được lòng Tỉnh… cứ như vậy làm vừa lòng lên cho đến Thái thượng hoàng. Mỗi một ông quan tỉnh lẻ luôn có một Thái thượng hoàng ở Kinh đô đỡ đầu, vì vậy phải thường xuyên cống nạp.
Bộ khen, vậy được rồi! Bộ ở đây chắc là Bộ Chính trị chứ không phải bộ Giáo dục- Đào tạo; vì nếu hỏi ông Nguyễn Minh Hiển, chắc là ông ta từ chối trả lời; còn hỏi bộ Chính trị thì gần hai chục con người, biết tìm ai mà hỏi. Ông Minh quả là người láu cá! Ủy viên Bộ chính trị mà muốn khen là phải lấy cẩm nang, di chúc của ông Hồ ra nói; ví dụ “Non sông VN có vẻ vang hay không. Đất nước VN có sánh vai các cường quốc năm Châu được hay không là nhờ công học tập của các cháu.” Thành tích của các cháu nhưng công lao là của đảng, vì vậy cần phải “bơm” cái thành tích này lên. Thành tích càng cao thì công lao đảng càng lớn. Bệnh thành tích đã nhiễm vào máu những người CS rồi. Không có thành tích thì CS chẳng bao giờ lừa bịp được dân chúng ?
Nền kinh tế hay nói đúng hơn là thể chế chính trị-xã hội của VN đang vận hành theo hai quy tắc; một quy tắc trong Đảng và một quy tắc trong Dân. Quy tắc trong Đảng là cần phải vừa lòng cấp trên, bất chấp cấp dưới có bằng lòng hay không; tỷ như cái chuyện đào đường ở thành phố, dân kêu la quá trời nhưng mặt đường cứ bị đào, vẫn cứ bị băm nát… Còn quy tắc trong Dân thì không có cái chuyện vừa lòng cấp trên mà phải vừa lòng nhau, dù đối tượng này có thể là khách hàng hay hàng xóm. Một ông đến cơ quan được nhiều người xun xoe giành nhau chào hỏi, nhưng khi về tổ dân phổ thì chẳng ai thèm nhìn mặt ông ta. Trước đây, nhiều người muốn làm quen với vợ ông ta để đến khi gặp chuyện thì nhờ vả; nhưng từ thời mở cửa đến nay, việc đó chẳng cần nữa vì đã có “cò” làm. “Cò” làm còn nhanh hơn người trong nội bộ làm. Đưa cho “cò” nắm tiền là xong mọi việc, số tiền ít hay nhiều là tùy vào việc dễ hay khó. “Cò” ngồi ở vỉa hè nhưng đường đi nước bước trong cơ quan cò rành rọt lắm. Nếu có vị nghiên cứu sinh nào làm luận án Tiến sĩ, tôi xin mách nhỏ một đề tài có tên là: “Vai trò của “Cò” trong nền kinh tế chuyển đổi.” Với đề tài này, quý vị tha hồ viết, chẳng cần phải copy của người khác hoặc download từ Internet (vì làm gì có mà ăn cắp). “Cò” ăn chia với quan, vì vậy “Cò” được các quan khen dữ lắm!
Một chính sách được đưa ra thực hiện thì năm, ba năm sau mới họp tổng kết. Muốn tổng kết phải có nghị quyết từ trung ương, rồi phải có trung ương về đánh giá. Ông ta nói tốt là phải tốt, còn nói xấu là có chuyện rắc rối. Vì vậy, cái quan trọng là phải làm vừa lòng cấp trên chứ không phải làm được việc. Cán bộ địa phương không muốn làm vừa lòng dân, nhưng phải làm vừa lòng trung ương; vì vậy mới có chuyện báo cáo láo, thành tích giả, đến lượt trung ương về đánh giá, thanh tra… thì họ lại xít xoa: Cái sai này là do địa phương; chứ chính sách Đảng, nhà nước không phải như vậy. Coi như huề, ai chết ráng chịu! Trong guồng máy đảng, một vòng tròn khen tặng khép kín từ trên xuống dưới; vì vậy, bà con vùng sâu vùng xa thường nhắc đi, nhắc lại rằng: “Cám ơn đảng, cám ơn nhà nước! Nhờ có Đảng, nhà nước mà chúng con mới được như ngày hôm nay…” Trong những lần Đại biểu quốc hội về tiếp xúc cử tri ở địa phương, không phải ai muốn gặp “vị đại diện” của mình cũng được đâu? Mặt trận Tổ quốc sắp xếp, bố trí những người của họ và những câu hỏi chất vấn cũng được gợi ý trước. Nhờ vậy, không có cái chuyện Dân hỏi một đường mà Đảng trả lời một nẻo. Lòng Dân và ý Đảng trùng phùng ở đây!
Năm 1978, nông thôn miền Nam bước vào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Tôi may mắn được làm một chân thư ký. Công việc hàng ngày là ghi báo cáo, viết kế hoạch, tính công điểm, sản lượng… cho các đội sản xuất. Một điều làm tôi ngạc nhiên là khi mỗi đội làm ra cái gì ngon đều dâng lên cho ban Chủ nhiệm; từ củ khoai to cho đến con cá béo… Đến nỗi; khi lên không gặp được ban chủ nhiệm, họ viết giấy để lại là quà này của ông X đội Y… Lúc đó, tôi không hiểu tại sao bà con nông dân phải làm cái chuyện này? Đến khi xuống thăm các đội, tôi thấy cuộc sống của nông dân vô cùng khó khăn; trưa ở lại ngoài đồng phải ăn cơm ghế sắn lát mốc gói trong tàu lá chuối. Củ khoai to, con cá béo… là những cái cao sang mà họ không dám đụng đến. Lúc đó, tôi cứ nghĩ tâm lý thật thà của người nông dân là muốn chứng tỏ đội của họ đã sản xuất được những nông sản có năng suất cao, giá trị lớn; nhưng sau đó tôi mới biết là các ông đội trưởng có ý đồ xây dựng thành tích cho họ. Họ cần phải được trên khen! Họ cần phải lấy lòng ban chủ nhiệm thì mới thuận lợi cho công việc. Một Hợp tác xã có 8 đội sản xuất nhưng chỉ có một cái máy bơm nước, nếu không có sự quan tâm của ban Chủ nhiệm thì đến lúc nào mới có nước để cấy cày đây?
Một kiểu làm không cần hiệu quả mà chỉ cần “trên khen là được”, vừa mới nêu hậu quả là chuyện Pacific Airlines. Đây là bài học của chính phủ VN về việc phô trương chính sách kinh tế thị trường. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, họ cũng cho rằng độc quyền kinh doanh là một việc làm không tốt, một mình một chợ không thể tác động tích cực đến nền kinh tế; cho nên họ mới lập ra Pacific Airlines (PA) để cạnh tranh với Vietnam Airlines. Lúc đó chẳng ai biết công ty PA do ai thành lập; hành khách chỉ biết rằng, có thêm một hãng máy bay để họ lựa chọn. Sau hơn mười năm hoạt động, PA nợ lên đến 251 tỷ nhưng vốn chỉ có 40 tỷ; trong đó Vietnam Airlines (VN) chiếm hơn 40%, phần còn lại là của năm công ty khác cũng là của nhà nước. Ở đây tuyệt nhiên không có cổ phần của tư nhân hay của nước ngoài. Cuối cùng, họ rút ra bài học là không bao giờ một công ty bỏ vốn ra thành lập một công ty khác để cạnh tranh với mình mà thành công cả. Điều đó là đương nhiên! VA ngu gì mà bỏ tiền, bỏ công sức ra xây dựng một công ty để chiếm đoạt sự độc quyền của họ. Hiện nay, PA đang đứng trước câu hỏi là nên phá sản hay bơm thêm tiền để tiếp tục hoạt động? Và ngày hôm qua, Đại hội cổ đông đã thống nhất là không giải thể, nhưng hoạt động như thế nào thì cũng chưa có phương hướng. Đây là quyết định mà nhiều người đã đoán trước được, bởi vì các công ty nhà nước ngu gì giải tán để các quan thất nghiệp. Việc còn lại là lốp-bi để Tổng cục hàng không, Bộ giao thông vận tải và Chính phủ chấp thuận bơm thêm tiền. Cái ranh ma của PA là đại hội cổ đông sớm để đặt Chính phủ vào chuyện đã rồi! (Bản chất của CS là luôn đặt mọi chuyện trong một kết cục đã rồi.)
Hiện nay, chính phủ VN đang đứng trước khó khăn là rót thêm tiền để cứu các công ty làm ăn thua lỗ và xây dựng các công trình không có tính khả thi, trong khi ngân sách ngày càng thiếu hụt. Bỏ thì vương thương thì khổ! Thôi thì sống cùng sống, nhưng chết thì thằng nào yếu chết trước!
Trong cái ủy ban thể dục thể thao mà ông Lương Quốc Dũng làm phó chủ nhiệm, có một Vụ gọi là Vụ thể thao thành tích cao. Tôi không biết cái Vụ này làm công việc gì? Thể thao nào mà không muốn đạt đến thành tích cao? Thể thao nào mà không có giải, giải để biết anh xếp hạng thứ mấy mà còn cố gắng tập luyện chớ; do đó cần bỏ ngay cái Vụ thành tích này đi. Ở VN, không chỉ đội tuyển bóng đá quốc gia là “xây nhà từ nóc” mà những chương trình, chính sách khác đều “xây nhà từ nóc”; từ việc xây dựng đội bóng đá phong trào cho đến kế hoạch năm năm… “Xây nhà từ nóc”, không sớm thì muộn, chỉ có sụp mà thôi! Họ lấy thành tích là cái cần phải đạt được trước mắt, đến khi thất bại thì đổ lỗi cho nhau. Đội tuyển bóng đá VN thua Indonesia; Liên đoàn bóng đá VN (VFF) đổ lỗi cho huấn luyện viên, huấn luyện viên đổ lỗi cho cầu thủ… Rồi báo chí cũng có lỗi là ém nhẹm những thông tin tiêu cực về VFF, báo chí có lỗi là không đưa những tin tức về ông huấn luyện viên có tâm tính bất thường mà khen tặng ông ta quá mức; nào là ông Tavares, một huấn luyện viên người Brazil có trái tim VN. vv và vv…
Con đường XHCN là một con đường đầy thành tích. Thành tích đưa ra trước, mọi chuyện khác tính sau… Hàng trăm hàng ngàn công trình nằm chơ vơ, đội mưa chịu nắng mà chẳng ai thèm sử dụng là do cái bệnh thành tích của đảng. Đảng xúi Dân làm công việc “đội đá vá trời”, đến khi kết quả thê thảm thì bắt đầu “vạch lá tìm sâu”, rút kinh nghiệm… Ngày ông Hồ còn sống, đã có tình trạng “tranh công đổ lỗi” này rồi! Lỗi là của ai không biết, chứ công lao chắc chắn là của đảng. Thằng nào mạnh thì giành được “cái công”, còn thằng yếu thì phải chịu “cái lỗi”; vì vậy dân chúng đương nhiên trở thành kẻ có lỗi và phải sám hối trước bàn thờ Đảng. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến những lần kết nạp Đoàn viên; chúng tôi phân công cho cô phụ trách văn hóa-văn nghệ của Chi đoàn chăm lo cái bàn thờ này. Một bộ đồ nghề gồm; một tấm ảnh, một lá cờ, một khăn trải bàn bằng ni-lông và vài cành hoa nhựa …
Bài học thua xiểng liểng và xì như quả bóng không chỉ đúng trong bóng đá mà còn đúng trong bất cứ cuộc ganh đua nào; dù cho đó là thể thao, kinh tế hay chính trị. Thể thao là tấm gương phản chiếu bộ mặt xã hội, vì vậy nó biến đổi theo cái bộ mặt đó. Bóng đá ở VN là niềm say mê của cả dân tộc, cho nên có thể nói chủ nghĩa dân tộc đã bị khủng hoảng và chưa tìm thấy lối ra. Khi thắng cuộc thì dân chúng đổ ra đường la hét nhảy múa, tung hô cờ đỏ sao vàng; đây là cơ hội để đảng tuyên dương thành tích và tính dân tộc của họ. Nhưng khi thất bại thì yểu xìu xìu, mất hết tinh thần; một sự hụt hẩng khổng lồ trong tâm trí dân chúng. Tôi còn nhớ năm ngoái, bóng đá VN đoạt huy chương bạc ở Sea Games 22 thì báo chí ca ngợi rằng: “VN, từ con Rồng bóng đá đến con Rồng kinh tế.” Rồng phượng ở đâu mà đến nhanh thế nhỉ?
Cùng một thời điểm, khác nhau về hai lãnh vực; một cái là thể thao và một cái là hàng không nhưng cả hai cùng thất bại trên sân nhà và phe ta lại đè bẹp phe mình… Đây là những thất bại đã thấy trước nhưng chính quyền CS chẳng rút được bài học nào cả. Bản chất chế độ CS đã sản sinh ra một kiểu làm như vậy nên họ phải chấp nhận hậu quả của nó; chứ còn kêu ca gì nữa! Những người có đầu óc phán đoán thường nêu được mối liên hệ giữa hiện tượng và bản chất; không có hiện tượng nào là không báo hiệu một điều gì đó, và không có bản chất nào là không bao gồm các hiện tượng. Khi thắng cuộc thì khua chiêng gõ trống, khen không biết ngượng mồm; còn khi thua cuộc thì cứ chối quanh, thằng này đổ lỗi cho thằng kia… để cuối cùng phải bể tanh banh. Chính quyền CS đang gồng mình chịu đựng những cú va đập từ bên trong như vậy? Một tầng lớp lãnh đạo không có thói quen chịu trách nhiệm, nhưng lại có tham vọng “biến” đất nước trở thành rồng, thành cọp thì “hơi bị” bùa phép đấy!
Tục ngữ VN có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” nhưng trong guồng máy của đảng lại thích khen, mới lạ. Khen mà ai không thích, nhất là những người không làm được việc càng thích được khen hơn. Phụ nữ thích được khen hơn đàn ông ? Lời khen của CSVN bây giờ sao giống những viên đạn bọc đường quá!
Chính phủ VN không có những lý thuyết về nền kinh tế trong thời kỳ quá độ, thời kỳ phải chuyển từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới! Họ cố gắng định hướng XHCN cho một nền kinh tế thị trường, nhưng thị trường lại có những quy luật riêng của nó. Thị trường làm thay đổi những nhu cầu, suy nghĩ và dự đoán của chúng ta; vì vậy có thể nói, thị trường là “người” làm ra chính sách kinh tế, chứ không phải bộ máy quan liêu. Không có quyền lực nào có thể áp đặt lên thị truờng được, dù cho đó là quyền lực sinh sát của đảng ?
Ở VN hiện nay, cùng tồn tại hai thành phần kinh tế rõ rệt; thành phần kinh tế bao cấp của các công ty nhà nước, và thành phần kinh tế thị trường của các công ty tư nhân. Ở chợ thì tư nhân thắng nhà nước, nhưng vào cơ quan hành chánh thì nhà nước lại thắng tư nhân. Các công ty nhà nước được ưu đãi đặc biệt về vốn liếng, đất đai, chính sách; nên các quan chức lấy sự khen-chê của cấp trên làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Chỉ cần trên khen là được! Còn những công ty tư nhân thì lấy những giá trị của thị trường làm phương châm kinh doanh, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo doanh thu của mình. Khách hàng khen thì ổn chứ chê là coi chừng bị phá sản? Hiểu được ý đồ của Đảng là luôn lấy ngọn đuốc XHCN soi đường cho những bước đi của mình, nên nhiều ông quan tư bản tranh thủ giữ lại các công ty làm ăn thua lỗ để hoạt động. Đã nói định hướng XHCN mà không có các công ty độc quyền quan liêu thì làm sao định hướng được ?
Trong nền kinh tế tập trung, cơ quan chủ quản áp đặt kế hoạch sản xuất cho cấp dưới; còn trong nền kinh tế thị trường, người ta phải đi tìm nhu cầu của thị trường để sản xuất. Hàng hóa do nền kinh tế tập trung làm ra là để phân phối, dù cho người dân chẳng cần thứ hàng hóa đó. Còn trong nền kinh tế thị trường hàng hóa làm ra để bán; ai cần thì mua, không cần thì thôi. Tiêu xài cũng phải tính toán. Hàng hóa làm ra phải tốt, rẻ, đẹp, bền… thì mới có người mua; còn không họ sẽ chọn mua món hàng khác có cùng chức năng, công dụng nhưng của một công ty khác. Trong nền kinh tế tập trung, người dân không có quyền chọn lựa mà bị ép buộc tiêu dùng những thứ do nhà nước cung cấp. Thị trường VN có nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… là do lỗi của con đường kinh tế thị trường định hướng XHCN này ?
CSVN quyết tâm mang gánh nặng “Xã hội Chủ nghĩa” trên lưng, chạy theo con đường kinh tế thị trường. Lâu lâu, họ ngoái đầu nhìn lại để kiểm tra xem cái CNXH vẫn còn hay đã rơi mất rồi. Chạy trong tư thế như vậy thì làm sao mà chạy nhanh được!
Sống trong nền kinh tế bao cấp chỉ cần Đảng khen là được. Đảng khen thằng này là thành phần bần cố nông, như vậy là tốt cho nó; còn ngược lại, phê lý lịch cha nó là Ngụy quyền phản động thì coi như tiêu. Sau này, nếu ai hỏi là tại sao tôi có năng khiếu viết văn làm báo. Tôi xin trả lời là nhờ hồi trước viết lý lịch đi xin việc làm. Lý lịch cha tôi là Ngụy quyền, nên tôi phải cố nặn ra từng câu từng chữ; viết như thế nào để mấy ổng phê không phải con Ngụy quyền thì tôi mới có cơ may xin được việc (Có việc làm là có 18 cân gạo, không có gạo là đói.} Đọc lời phê thấy nặng nề quá, đi xin việc mà nộp cái lý lịch như vậy thì ai mà nhận; thà xé đi còn hơn. Về nhà viết lại, ngày mai đưa lên ký tiếp với hy vọng lần sau sẽ được phê tốt hơn. Nhưng dù có tốn bao nhiêu công sức, tôi cũng không thoát được những lời phê lý lịch hẩm hiu. Cứ viết viết mãi, nhờ vậy mà hôm nay tôi trở thành… một thằng hay viết.
Để giảm bớt các công ty hoạt động theo tiêu chí “trên khen là được”, nhà nước đưa ra chính sách cổ phần hóa. Kế hoạch cải cách, sắp xếp các công ty làm ăn thua lỗ đã đề ra năm năm nay, nhưng tiến độ vẫn ì à ì ạch. Chính phủ cứ thúc bên đít, nhưng mấy ông quan kinh tế ngu gì mà cổ phần, giải thể. Làm ăn không được nhưng cứ để đó, lời mình ăn lỗ đã có nhà nước chịu. Càng kéo dài thời gian quan ta càng hưởng lợi, nước càng đục thì mới có cá để câu. Ngay cái mặt bằng, diện tích sử dụng cho các công ty tư nhân thuê lại mỗi tháng cũng bỏ túi được mấy chục triệu, cần gì phải tính chuyện sản xuất kinh doanh cho mệt.
Nếu Mỹ cho bộ bài năm mươi hai con, tôi sẽ chọn những vị ở Ban tư tưởng văn hóa làm con Xì; Nguyễn Khoa Điềm là con Xì cơ, Hồng Vinh là con Xì rô, Đào Duy Quát là con Xì chuồn… còn ông Mạnh, ông Khải như vậy nhưng chỉ là những con Bồi, con Già đáng thương. Vừa rồi, họp tổng kết 3 năm thực hiện nghị quyết TW 5 về công tác tư tưởng, lý luận. Ông Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra nhiều yếu kém, khuyết điểm của báo chí là; “Nhiều tờ báo bị khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo kinh tế thị trường, hoạt động không đúng tôn chỉ , mục đích; một số tờ báo chưa tự giác chấp hành các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa và nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng; đưa tin giật gân câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng về thông tin những mặt trái tiêu cực, khuyết điểm của xã hội. Một số tờ báo còn đăng tin sai sự thật, thổi phồng, khoét sâu các thiếu sót, khuyết điểm…” Theo tôi, những chuyện như trên là đương nhiên trong một nền kinh tế chuyển đổi! Ông Điềm cho rằng; những hiện tượng trên không chỉ là phổ biến mà còn tồn tại rất dai dẳng trong một số cơ quan báo chí; nhiều cán bộ, đảng viên còn mơ hồ trong nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Ông ta còn nói rằng; báo chí không chỉ là người đưa tin mà còn là những người hoạt động chính trị. Ừ, câu này cũng đúng cho những nhà hoạt động dân chủ.
Chúng ta thường phê bình báo chí CS là những tên bồi bút, nhưng như ông Điềm đã cảnh cáo thì họ cũng chẳng sung sướng gì. Họ muốn viết một bài báo theo đúng chính sách của Đảng thì lại không đúng thực tế; còn phản ảnh đúng hiện thực thì lại ngược với tinh thần của Đảng đề ra. Đường nào cũng khó cho họ, vì thực tế cuộc sống và lý tưởng của đảng đang choải nhau quá! Đảng chê bai họ rằng, trong thời kỳ chống Mỹ đã có nhiều tác phẩm văn học xứng đáng với tầm vóc của dân tộc; nhưng trong thời kỳ đổi mới, gần hai chục năm nay, chẳng tìm thấy “thằng” nào cả. Nhiều cuộc họp báo nhưng chỉ có phóng viên của cơ quan thông tấn nhà nước mới được tham dự; còn những phóng viên tỉnh lẻ thì ngồi vỉa hè uống trà đá, và chờ… lấy lại thông tin.
Làm việc trong guồng máy CS chỉ cần trên khen là được, họ có cả một Hội đồng thi đua khen thưởng nhà nước; họ có đủ thứ huy chương, huân chương, danh hiệu, bằng khen, giấy khen… từ tổ dân phố đến cấp nhà nước để khen tặng lẫn nhau. Câu trả lời của ông Minh là câu nói ngắn nhưng có nhiều dấu hỏi chấm than (?!) làm nhiều người không khỏi ngớ ngẩn. Thời trước, chẳng có ông quan Tỉnh nào dám nói toạt ra là được trung ương khen đâu, nói như vậy là không khiêm tốn; nhưng hôm nay, còn gì nữa đâu mà phải kiêng khem. Nếu ai đó hỏi rát quá thì cứ trả lời; trên khen là được. Không tin thì cứ lên trên mà hỏi.
Có một con đầm Cơ thích được khen là con mệ Tôn Nữ Thị Ninh. Họ Tôn ở Huế, ai mà không biết cái dòng dõi hoàng thân quốc thích này. CSVN lấy con đầm Cơ họ Tôn làm con át chủ bài để tuyên truyền cho chính sách lôi kéo trí thức hải ngoại. Đảng nói là bà ta ăn học và làm việc ở đâu bên Châu Âu, nhưng giác ngộ cách mạng và quay về phục vụ Đảng. Thật là triệu người chỉ có một! Đây là nhân vật để Đảng tuyên truyền rằng, cứ nhìn con mệ đầm Cơ này mà các anh (chị) trở về với chúng tôi. Tôi không tin là người Huế có thể làm cách mạng theo đúng nghĩa của nó; nếu nói miền Trung là cái nôi cách mạng thì phải chừa đất Huế. Ai đã đọc quyển “Học phí trả bằng máu” rồi? Quyển sách này nói về nhân vật Lê Công Cơ, hiện nay là hiệu trưởng trường Đại học dân lập Duy Tân. Ông ta là người Quảng Nam nhưng học ở Đại học khoa học Huế; trong những năm 1970, ông ta xây dựng phong trào sinh viên chống chính quyền ở Huế nhưng nhiều lần bị “bể” là do phản bội. Cuối cùng, ông ta kết luận một điều là; ở Huế làm cái chi thì được, chứ làm cách mạng thì không. Như vậy, vì động cơ gì mà con mệ họ Tôn lại qua bên Mỹ tranh luận với chính khách và sinh viên Mỹ về nhân quyền và tôn giáo ?
Tôi nghĩ nước Mỹ là đất nước tự do và văn minh. Ai muốn nói gì cứ đến đó nói, dù có nói xấu người của họ cũng chẳng sao. Còn ở VN đó hả, chạy qua địa phương khác nói thử coi? Có ngày bị đánh phù mỏ! Bà ta qua “bên nớ” nói cái chi không biết, miễn là về “bên ni” Đảng khen là được. Cô gái Huế dịu dàng e thẹn, nép đầu bên chiếc nón bài thơ ngày xưa; nay đã trở thành con mệ đầm Cơ. Đất Huế là đất kinh kỳ, nơi sinh ra những danh sĩ tài hoa; chứ không phải là đất của anh hùng hào kiệt. Chính trị không phải là món quà khen tặng cho tính cách Huế. Bà Ninh không hiểu con đường chính trị vô thì dễ nhưng lại không có lối ra, nếu ráng mà ra thì cũng thân bại danh liệt. Bà Nguyễn Thị Bình trước đây làm chính trị có thể giải thích được, chứ bà Ninh làm chịnh trị là một hiện tượng hiếm thấy; không biết bà ta có bị “vô thế” không ?
Bộ khen là được rồi, vì vậy báo Tuổi Trẻ mới dành một góc cho “Chương trình ký tên vì công lý” và “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Hằng ngày đọc báo, độc giả sẽ thấy được con số người ký tên và số tiền quyên góp được. Họ đã lôi kéo hơn 1 triệu chữ ký và quyên góp trên 5 tỷ đồng. Đây là kỹ thuật tuyên truyền sặc mùi CS nhưng lại thiếu bằng chứng khoa học để thuyết phục. CS gom hết những người đui què mẻ sứt… bẩm sinh ở VN và cho đó là nạn nhân chất độc da cam; con số này ước chừng trên ba triệu. Họ không thèm xem xét cơ chế tác động của độc chất, không cần nghiên cứu là còn một thứ chất độc nào khác gây đột biến cho bào thai hay không? Lẽ ra, trước khi kiện các công ty Mỹ, người ta phải làm một nghiên cứu để chứng minh những di chứng này là do chất độc da cam chứ không phải là những độc chất khác. Nghiên cứu này sẽ thuyết phục được các công ty Mỹ bồi thường. Phương pháp nghiên cứu có thể là hồi cứu hoặc là đối chứng, nhưng kết quả nghiên cứu phải có ý nghĩa thống kê. Nước Mỹ là một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật hàng đầu, cho nên mọi chuyện phải có chứng cứ đàng hoàng; chứ không phải hàm hồ là thắng.
Nếu là chất độc da cam thì tác động trên cơ thể con người phải giảm dần theo thời gian, vì nồng độ chất độc ngày càng giảm; đằng này, Mỹ rải chất độc gần 40 năm rồi, nhưng di chứng ngày càng nặng. Vì vậy, tôi không tin những di chứng hiện nay là hoàn toàn do chất độc da cam. Ở VN, các bà mẹ mang thai vẫn tiếp xúc với thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ một cách “vô tư”; chưa thấy chính phủ có một khuyến cáo nào ngăn cấm chuyện này cả? Và tôi cũng tin chắc rằng, nồng độ hóa chất nông nghiệp trong tinh dịch của người nông dân cũng cao đáng kể. Ở VN, việc dùng hóa chất để chế biến, bảo quản thực phẩm là phổ biến; những hóa chất đã bị thế giới cấm đoán từ những năm 1960 nhưng vẫn được dùng để chế biến thức ăn, nước uống một cách thoải mái. Do vậy, những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xãy ra như cơm bữa; những vụ ngộ độc cấp tính dễ được phát hiện bằng các triệu chứng như: nôn, ói, đau bụng quằn quại, mặt mày tái xanh tái mét… còn những vụ ngộ độc mãn tính thì giải thích sao đây ?
Không thể nói, ở VN, không có ngộ độc mãn tính; nhưng trong suốt thời gian qua chẳng có cơ quan nào nghiên cứu, phát hiện và cảnh báo tình hình này cả. Ngộ độc mãn tính là tình trạng chất độc tích tụ từng ít một, từ ngày này sang ngày khác sẽ tác động lên nhiễm sắc thể và gây đột biến gen trong quá trình sao chép. À quên! Còn cái chuyện sử dụng dược phẩm một cách vô tội vạ nữa… Vì vậy, xin đừng ai ngạc nhiên là tần suất mắc một bệnh bẩm sinh nào đó ở VN, cao hơn các nước khác. Dù cho chiến tranh đã qua 30 năm nhưng cứ đổ hết mọi tội ác lên đầu Mỹ-Ngụy, thế là yên chuyện. Chất độc da cam: Một phát đạn ngắm bắn hai mục tiêu!
Trong cơ chế bao cấp, mọi người sống được là chờ cấp trên ban ân huệ; sự ban ân cứ như thế mà đi xuống. Vô hình trung đã tạo ra tầng lớp bên dưới chờ được ban ân, cái tầng lớp này chính là nhân dân. Sự ban ân đã giết dần nội lực cạnh tranh và sự áp đặt đã bóp chết tính sáng tạo. Có một cái bánh thật to, thằng trên cao lấy bớt một miếng rồi đưa cho thằng ở dưới; thằng dưới lấy bớt một miếng rồi đưa cho thằng dưới nữa… cứ thế, cho đến thằng Dân chỉ còn một chút chun; thậm chí không ai nhận ra là cái bánh. Nếu có ai hỏi, CS là những người như thế nào? Tôi xin trả lời họ là những con người có nhân cách phân liệt (schizophrenial personality). Họ dông dài, ngụy tạo, xa rời thực tế, nói một đường làm một nẻo… làm cho những ai tin họ, đi theo họ cũng khùng luôn. Hoàn cảnh lịch sử đã tác động đến việc hình thành một nhóm người có nhân cách như vậy?
CS đã thay đổi chiến thuật đối phó với dân chúng, nhưng bản chất của CS vẫn còn giữ nguyên. Họ không còn đe dọa, đàn áp mà xoa dịu dư luận, vuốt ve dân chúng… Những trò này, mới đầu có vẻ hay hay nhưng sau một thời gian trở nên nhàm chán.Với cái triết lý chỉ cần trên khen là được, CS đã kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc. Khen thì trên khen xuống, nhưng phá thì dưới phá lên; Dân phá Xã, Xã phá Huyện, Huyện phá Tỉnh, Tỉnh phá Trung ương; còn Trung ương thì xâu xé, đấu đá lẫn nhau. Như vậy mới gọi là diễn biến hòa bình chớ! Chuyện tôn giáo, nhân quyền thì còn cãi chày cãi cối; chứ diễn biến hòa bình thì CSVN đi đúng theo lộ trình của Mỹ.
CS giành được chính quyền là phải hy sinh xương máu của nhiều thế hệ, nhưng mất chính quyền thì dễ như trở bàn tay. Bài học sụp đổ của các nước XHCN cho thấy rằng; khi xã hội CS tích tụ đến một mức độ nào đó thì sự thay đổi chính quyền sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ cần một đêm đến sáng mà thôi.
Để kết thúc bài viết này; tôi xin lấy hai câu thơ của ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc hội, đọc tại Hội nghị ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chống lãng phí, hội hè, quà cáp, biếu xén: (1)
Ngày tết – ngày hội họ gia
Cấp dưới không phải đến nhà cấp trên
Ồ ố ô… Ở đây, tôi không bàn luận đến câu cú và cách gieo vần trong thơ lục bát mà chỉ nhấn mạnh đến “tinh thần” của hai câu thơ. Rất nhiều người vỗ tay khen ngợi cái tài làm thơ của ông Chủ tịch Quốc hội, trong đó có cánh nhà báo; còn tôi thì nghi ngờ: Đảng nói vậy chứ không phải vậy. Ai làm trái ý Đảng, Đảng để bụng thù giặc dữ lắm!
Nguyễn Hải Sơn
Saigon ngày 25/12/2004
(1). Báo Tuổi Trẻ ngày 25.12.2004, trang 14.
Gửi ý kiến của bạn