BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tài nguyên tinh thần

05 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 1021)
Tài nguyên tinh thần
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tài nguyên vô hình

Khi tôi viết cuốn Câu Chuyện Kinh Tế Việt Nam - mà phần I vừa đăng trên báo AV - thì nhiều thân hữu hỏi tôi rằng, với nền kinh tế Việt Nam bi đát đến như vậy thì liệu có một giải pháp nào để thay đổi thực trạng đó không ? Nhiều người cho rằng họa chăng chỉ có một phép mầu !

Những người đó hoàn toàn có lý bởi tài nguyên vật chất của đất nước chúng ta hầu như ngày càng cạn kiệt. Và các giải pháp mà chúng ta vẫn thường đọc trên báo chí dường như rất kém thuyết phục. Một nền kinh tế đã lâm bệnh – cũng giống như một người bệnh – không thể nào đủ sức để cạnh tranh, để đột phá, để đi tắt đón đầu, để ....vân vân và vân vân…

Tuy nhiên sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ tùy thuộc vào tài nguyên vật chất mà còn tùy thuộc vào tài nguyên tinh thần, một loại tài nguyên vô hình nhưng có sức mạnh vô biên. Chính nó quyết định sự tồn vong của đất nước. Vậy tài nguyên tinh thần là gì và ở đâu ? Đơn giản đó chính là lòng yêu nước của mỗi một con người Việt Nam. Có thể khẳng định rằng chừng nào lòng yêu nước còn thì Việt Nam vẫn còn cơ hội để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Và dấu hiệu của lòng yêu nước chính là sự rung động với cái đẹp, sự đồng cảm với khổ đau trong cộng đồng. Trong xã hội của chúng ta hiện tại, vẫn còn một mạch ngầm mãnh liệt dữ dội và thiết tha những thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Sức mạnh ấy hiện diện khắp mọi nơi, có cả trong những giọt nước mắt rơi ra ngoài, và cả rơi vào bên trong trái tim chúng ta khi tiếp nhận với những cảnh thực của đời. Sự tàn phá của sự vô cảm sẽ bị đẩy lùi. Một đất nước mà nhân dân biết yêu, biết ghét rõ ràng như vậy, đất nước ấy còn tương lai. Chúng ta hãy thử đọc một số mẩu chuyện rất ngắn sau đây nhé. Nếu các bạn cảm thấy suy nghĩ, nếu các bạn thấy rưng rưng thì chúng tôi xin chúc mừng bạn. Chúc mừng đất nước chúng ta.



1. Lời con trẻ

Hai mẹ con chị vừa ăn cơm vừa xem tivi. Chị vô ý đánh rơi muỗng, cơm văng tung toé.

Thằng bé nhanh nhẫu đứng dậy:

- Má làm rớt muỗng à? Tại má cầm lâu mỏi tay đó mà! Để con lấy khăn lau, chớ hổng sao đâu !

Chị sững người nhìn theo cái dáng nhỏ bé gầy gò của thằng bé.

Mới hôm qua khi con mình vô ý đánh đổ thức ăn, chị đã giận dữ cho nó hai bạt tai xiểng niểng ! Lẽ ra tấm lòng độ lượng này phải là của người lớn chúng ta.

2. Cô tôi

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ dằn, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ, có một đứa con trai tên Lộc.

Lên 6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà vết roi mới chồng lên vết roi cũ.

Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi, nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:

- Này thằng kia, có muốn về với bà ngoại mày không đấy?

Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:

- Con đi rồi, mẹ ở với ai?

Sau câu nói ấy, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ, còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu.

3. Thầy tôi

Cuối cùng cô cũng dứt khoát bỏ thầy để đi định cư ở nước ngoài. Thầy ở lại vò võ một mình. Một lần gọi điện về thăm, cô nói : “ Anh cần gì cứ nói em gởi về liền ” . Thầy nói :

“ Anh chỉ cần em ! ”

4. Cha tôi

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi hơn 20 năm. Năm 60 tuổi bỗng dưng có tháng nọ ông lại đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghi ông có nhân tình nên gạn hỏi. Nhưng ông không nói. Chúng tôi tìm đến bệnh viện quyết cho người tình của cha một trận.Khi đến nơi chúng tôi lặng cả người khi thấy cái người héo hắt đang nằm trên giường bệnh mà cha đang săn sóc lại là… mẹ ! Cha cười gượng gạo : “ Ba sợ các con còn giận mẹ …”

5. Chồng tôi

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện có, mẹ chối bỏ anh. Anh quay ra, không một giọt lệ. Năm anh 40 tuổi đọc thấy tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc nức lên. Hỏi tại sao, anh nói : “ Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn cả anh ”

6. Em tôi

Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nghèo lắm, không phải thèm ăn là được. Có bữa ba đến trường đón nó về và ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì và đẩy về phía nó :

“ Con ăn đi , ba no rồi ”.

15 năm trôi qua, em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên, nó cầm xấp tiền tần ngần hoài. Tôi hỏi :

- Nhỏ định sắm gì đây ?

- Em sẽ mua một tô mì thiệt ngon để cúng ba !

Rồi nó quay mặt sang hướng khác, mắt đỏ hoe.

7. Lòng mẹ

Thanh đi xuất khẩu lao động. Nhưng xứ người chẳng phải thiên đường. Thanh phải làm việc quần quật và dành dụm từng đồng để gởi về nhà. Trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống đẹp như mơ. Ngày Thanh về phép, mọi người tới mừng rỡ nhận quà. Đêm chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói : “Dối mẹ làm gì . Gầy giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con ! ”

[Những mẩu chuyện rất ngắn nói trên, số thì thân hữu gởi đến cho tôi, số thì tôi nghe kể lại. Và đến lượt tôi, tôi có chỉnh sửa biên tập lại đôi chút,. Bởi nhiều lý do, tên tác giả của những mẩu chuyện chưa được ghi vào đây. Xin chân thành cáo lỗi cùng quý vị tác giả . Hy vọng người viết bài này sẽ có dịp bổ chính sau].

NGUYỄN ĐẠI HOÀNG
3/2013

Theo BlogAnhVu

-------

P/S : Khi bài Tiếng Piano nửa đêm được post lên thì có lời chia sẻ của anh HuyQuang, anh đã cho tôi nghe lại những bản nhạc chủ đề về papa rất hay. Và những video clip cảnh các bạn trẻ Việt Nam đang tập những bản nhạc về người cha. Tôi thực sự rất xúc động. Xin cám ơn anh Huy Quang. Và như phần trên đã nói, tôi tin rằng, và tôi xin nhắc lại rằng : Xã hội mà có nhiều người biết rung động trước cái đẹp, cái đau khổ thì xã hội ấy còn có cơ hội. Vâng chúng ta hãy tin như thế !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn