BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phóng viên VNN phỏng vấn Nguyễn Chí Thiện và Vũ Thư Hiên

25 Tháng Mười Hai 199812:00 SA(Xem: 2210)
Phóng viên VNN phỏng vấn Nguyễn Chí Thiện và Vũ Thư Hiên
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nhân dịp cuối năm 1998, bước qua năm cuối cùng của thiên niên kỷ XX, Phóng viên VNN đã làm một cuộc phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, hai nhân vật quen thuộc của độc giả Việt Nam ở hải ngoại.

Cuộc phỏng vấn diễn ra trong phòng khách một biệt thự nằm bên bờ sông Rhin êm đềm chảy ngang đường biên giới Pháp - Đức của châu Âu thống nhất - không rào chắn, không lính biên phòng, không hải quan.

***


Phóng viên : Thưa hai anh, được biết hai anh sống ở đây với tư cách khách mời của Nghị hội các nhà văn quốc tế và chính quyền thành phố Strasbourg. Ý nghĩa việc mời này thế nào?

Nguyễn Chí Thiện


Nguyễn Chí Thiện : Nghị hội các nhà văn quốc tế là một tổ chức phi chính phủ, được các nhà văn lập ra để ủng hộ các bạn đồng nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sáng tác tại các quốc gia không có những điều kiện cho tự do sáng tạo. Sự giúp đỡ này xuất phát từ quan niệm "hoạt động sáng tạo là hoạt động hữu ích và là rường mối của sự tiến bộ". Hoạt động không vụ lợi, vì sự tiến bộ của nhân loại đã được nhiều thành phố và nhiều quốc gia trên thế giới hoan nghênh và hợp tác. Ngoài hai chúng tôi ra, vừa qua Nghị hội các nhà văn quốc tế còn mời 6 nhà văn Việt Nam nữa là các anh chị: Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Ngọc Tấn, Hà Sĩ Phu sang những thành phố khác nhau, là những thành phố ủng hộ sáng kiến của Nghị hội các nhà văn quốc tế, để nghỉ ngơi và sáng tác. Những thành phố này có nhiều nhất ở châu Âu, sau đến châu Mỹ. Rất tiếc là chính quyền Hà Nội đã tìm mọi cách ngăn cản các nhà văn Việt Nam được mời, cho nên tới nay chưa có ai sang được. Vừa rồi chúng tôi có nhận được thư của nhà thơ Bùi Minh Quốc, anh cho biết giấy mời đã không đến tay anh, anh chỉ biết tin qua các đài RFI và AẴ Châu Tự Do.

Phóng viên : Như vậy là Hà Nội vẫn chưa hết sợ các nhà văn ?

Vũ Thư Hiên


Vũ Thư Hiên : Mọi chế độ độc tài toàn trị đều sợ trí thức. Tri thức là ánh sáng, mà họ bọn độc tài chỉ quen sống trong bóng đêm của chính sách ngu dân do chúng tạo ra. Trong bóng đêm chúng cảm thấy vững dạ - dân chúng không nhìn thấy mặt thật của chúng, chúng cũng không thấy bộ mặt gớm ghiếc của chính mình. Tôi chưa thấy ở đâu có tên độc tài nào trọng trí thức. Trong các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây, tỉ lệ người bị "xử trí" (xử bắn, tù, đầy) trong giới trí thức cao hơn hẳn so với các giới khác. Bạo chúa Mao cũng còn sợ trí thức, huống hồ đám đẹ tử, con cháu.

Phóng viên : Trong tình hình giới trí thức bị o ép như vậy, các anh có còn giữ được liên lạc với bè bạn trong nước không?

Nguyễn Chí Thiện : Thời thế đã khác trước. Trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, làm sao có thể ngăn nổi người ta liên lạc với nhau. Này nhé: Hà Nội cắt điện thoại của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, nhưng những bài viết của các anh ấy vẫn lọt được ra ngoài như thường. Tập thơ "Thơ Vụt Hiện Trong Phòng Thẩm Vấn" là một thí dụ. Tập thơ này được phổ biến rất rộng rãi ở Việt Nam, và đó là một đòn rất đau cho nhà cầm quyền Hà Nội. Lại còn những bài viết tâm tình mà nẩy lửa của tướng Trần Độ nữa chứ. Tất cả những cái đó nói lên sĩ khí bất khuất của văn nghệ sĩ Việt Nam. Còn chuyện cắt điện thoại, bóc trộm thư, khám xét nhà cửa của công dân là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam, là chuyện cơm bữa. Ơ' Việt Nam, người ta gọi đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Vũ Thư Hiên : Người ta không thèm nghe trộm điện thoại, bóc trộm thư đâu, chuyện đó người ta làm công khai, giữa ban ngày ban mặt. Theo dõi công dân cũng vậy, cứ tưng tửng, nghễu nghện đi theo, không thèm giấu giếm. Nhà cầm quyền tự cho mình cái quyền đó. Đến cả những người Việt, nhưng mang quốc tịch nước khác về Việt Nam khi không họ cũng mời ra đồn công an làm việc, coi họ như nằm trong quyền cai quản của mình. Chắc anh đã biết chuyện xảy ra với nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến? Nghe trộm điện thoại là cái mà ở nước khác là tội hình sự đấy. Là cái làm cho tổng thống mất chức đấy. Nhưng ở Hà Nội người ta bình chân như vại. Cũng còn may là bây giờ kiểm duyệt xong người ta ít vứt đi, mà dán lại, rồi cho người nhận được đọc. Đấy là đối với dân thường. Chứ đối với những nhân vật có tư tưởng bất đồng với chế độ, lại bị nhà cầm quyền để ý, thì tuy chưa quyết định cắt điện thoại, họ cũng cho người canh chừng trên đường dây 24/24. Mới đây chẳng hạn, một lần tôi gọi điện thăm anh Hoàng Minh Chính (đường điện thoại của anh Chính mới được lập lại sau một thời gian dài bị cắt), chúng tôi đang nói chuyện giữa chừng thì bỗng nghe vang lên một khúc dân ca, rồi cuộc nói chuyện kết thúc bằng cái thứ âm nhạc ba que đó, tôi không nói bài dân ca, mà nói cái sự bắt người ta nghe nhạc không đúng lúc và đứng chỗ. Thì ra vào lúc ấy anh Chính mải vui chuyện đã nhắc tới tên Trần Độ.

Phóng viên : Họ cho anh nghe bài "Cò Lả"?

Vũ Thư Hiên : Không, "Người Ơi Người Ở Đừng Về!'. Mà tôi có định về đâu.

Phóng viên : Các anh nghĩ gì về tình trạng quyền tự do ngôn luận hiện nay ở Việt Nam ?

Vũ Thư Hiên : Ủa, anh nghĩ ở Việt Nam ta có cái quyền đó sao?!

Nguyễn Chí Thiện : Tôi vẫn thường xuyên đọc báo Hà Nội, nhờ người bà con ở Paris mua cho tại cửa hàng Vietnam Diffusion. Báo chí Việt Nam vẫn y như ngày tôi rời Việt Nam, ba năm rồi. Tôi cũng không chờ đợi nó khá hơn. Tôi biết báo chí Việt Nam quá. Mà khá hơn làm sao được, tôi hỏi anh, trong khi mọi phương tiện truyền thông nhất nhất nằm trong tay Đảng cộng sản ? Nói tờ Văn Nghệ làm ví dụ. Nó là tờ báo của Hội nhà văn Việt Nam. Vậy mà nhà văn đâu hết cả, đến nỗi tờ báo phải đăng cả những bài của cô con gái cưng cố tổng bí thư Lê Duẩn ca ngợi "ba tôi", của bà quả phụ cố bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ca ngợi "nhà tôi"? Mà Trần Quốc Hoàn là ai thì chắc anh biết rồi. Những người tù nhiều năm như tôi gọi hắn là đao phủ, còn những người cộng sản Việt Nam, cũng đi tù như tôi, thì gọi hắn là Beria của Việt Nam... Bây giờ các báo đăng nhiều lời kêu ca, phàn nàn của những người dân bị oan khuất, đăng nhiều bài chống tham nhũng. Nhưng đó là trong mức độ cho phép thôi. Quá chút nữa là không xong đâu. Vụ nhà báo Nguyễn Hoàng Linh bị xử án vừa rồi là điển hình. Mặc dầu Nguyễn Hoàng Linh chỉ chĩa mũi nhọn vào Tổng cục Hải quan, nhưng rõ ràng đàng sau cái Tổng cục ấy là một cái gì khác. Đồn rằng có một mệnh phụ phu nhân làm môi giới cho việc mua mấy cái tàu cũ này. Nếu phanh phui mọi chuyện ra thì nhà lãnh đạo quốc gia kia mất mặt. Và thế là Nguyễn Hoàng Linh nằm nhà đá. Trong khi Nguyễn Hoàng Linh nằm trong tù, người ta phao tin đồn, tôi nghĩ thế, là Hải quan đã "đấm mõm" cho anh ta im đi, đừng khui vụ này ra nữa, nhưng Nguyễn Hoàng Linh không chịu, chê quá ít...

Vũ Thư Hiên : Dù sao mặc lòng, cũng đã có một chút nới lỏng sợi dây trói đối với ngành truyền thông. Công bằng mà nói, báo chí bây giờ cũng không đến nỗi bị gò bó quá trong khuôn phép. Ngay cả vụ Nguyễn Hoàng Linh cũng có thể là mjnh chứng cho sự nới lỏng ấy. Vào thập niên 60, khi tôi còn làm báo, những vụ như thế là không thể có được, người ta đã chặn nó từ bàn viết của nhà báo rồi, ra làm sao nổi. Tôi còn nhớ ở báo Quân đội Nhân dân, người chủ trì số báo có đăng tấm hình một khẩu pháo ờ cuối trang với tấm hình lãnh tụ ở đầu trang, đã bị kiểm điểm lên xuống vì một sự sơ ý rất vô tội của anh ta. Sự sơ ý ấy là thế này : nếu ta kéo dài một đường thẳng từ nòng pháo lên trên, coi như đường đạn chẳng hạn, thì viên đạn kia nhắm đúng vào thân lãnh tụ. Anh định xỏ lá phỏng? Người ta cật vấn. Anh nhà báo thề sống thề chết, rằng anh không hề có ý đó. Xem đi xem lại lý lịch, người ta tha. Hú vía. Lại còn chuyện một anh thợ sắp chữ bị đuổi việc vì vô tình thế nào lại sắp nhầm "sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương" thành "sự cần thiết của Mỹ vào Đông Dương". Chắc anh ta buồn ngủ quá, tôi nghĩ thế, chứ phạm phải những lỗi như thế bị đuổi việc còn là may. Nhâm một lần nữa như thế đi tù là cái chắc.

Nguyễn Chí Thiện : Tôi đồng ý với anh Vũ Thư Hiên. Đã có sự nới lỏng hơn trong sự trói buộc báo chí. Nhưng, tôi nhấn mạnh, nới lỏng thì nới lỏng, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi. Là vì Đảng cộng sản không còn mạnh như trước. Chứ đến như cụ Nguyễn Văn Trấn, một người cộng sản cựu trào, tiền bối của cả đám Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu bây giờ mà cũng phải kêu lên: "Thời thuộc Pháp còn tự do hơn, tôi muốn ra báo thì ra, không bị ai cấm đoán". Cụ Trấn đã viết đúng như thế trong cuốn "Gửi cho Mẹ và Quốc Hội", ở ngoài này mọi người đã được đọc. Hồi tôi còn ở trong nước, trước năm 1995, đã có hiện tượng này : ở hàng nước, người ta ăn nói bạo miệng lắm, có khi cả các sĩ quan quân đội, thậm chí cả công an nữa, cũng góp lời. Những năm trước nữa, vào hai thập niên 50, 60, nói như thế có mà rũ tù. Tôi đã gặp một người đi tù chỉ vì viết bưu thiếp vào Nam rằng ở nhà anh ta trồng toàn "mướp" với "mồng tơi". Người ta biết anh ta muốn nói gì: "rách như xơ mướp", nghèo "rớt mồng tơi". Tôi không rõ về sau anh ta có trở về được với vợ con hay không?

Phóng viên : Hiện nay, ở trong nước rộ lên phong trào viết thư, đơn tố cáo tham nhũng. Các anh nghĩ gì về hiện tượng này ?

Nguyễn Chí Thiện : Đó là cách vạch trần sự bất nhân, vô đạo của chính quyền cộng sản một cách hợp pháp. Người ta không thể bỏ tù tất cả những người viết đơn, viết thư tố cáo gửi thẳng lên các cấp chính quyền được. Bỏ tù như thế sẽ dấy lên một làn sóng đấu tranh phản kháng. Có thể là một sự bùng nổ bắt nguồn từ nỗi bất bình của số đông dân chúng. Mà cách đối phó của chính quyền hiện nay không thể là như thế. Như thế vô cùng nguy hiểm. Cách đối phó của chính quyền bây giờ là tạm thời lui bước, xoa dịu, ngấm ngầm trấn áp, vào lúc mà phong trào lắng xuống. Sau đó mới đàn áp. Nhưng cũng không đàn áp tràn lan, mà chỉ một số nào đó, những người không có nhiều ảnh hưởng trong quần chúng. Cách họ đối phó với cuộc vùng lên của nông dân Thái Bình đáng để cho những người đang đấu tranh hiện nay rút kinh nghiệm.

Vũ Thư Hiên : Tôi thấy VNN đã chú ý theo dõi và phổ biến kịp thời những tài liệu liên quan tới vụ khiếu tố đang gây ra dư luận ồn ào trong cả nước là vụ Thuỷ Cung Thăng Long. Đó là sự ủng hộ tốt cho những người đang đấu tranh. Khoan nói tới mục đích cuối cùng mà những cuộc đấu tranh hòa bình hướng tới. Nó là cái mà những người đang đấu tranh không nói ra, thì ta cũng công nhận rằng nó mới là như thế, mới có tới mức đó. Tôi cho rằng phong trào phản kháng đòi lại quyền con người ở trong nước sẽ dần lớn lên bằng những hình thức đấu tranh tương tự như vậy. Đàng sau những đòi hỏi chống tham nhũng, tất nhiên ta thấy có bóng dáng những đòi hỏi cải cách về chính trị, bởi vì chính trị bất minh là một trong những nguyên nhân đẻ ra tham nhũng. Hãy tạm vui trước hiện tượng này: dảng cộng sản đang lui bước, nó sẽ còn phải lui nữa, lui nhiều nữa, cho tới chỗ đứng đúng với nó, chỗ mà lịch sử dành cho nó. Việc quản lý đất nước không thể là việc của một đảng, tệ hơn nữa, của một nhúm người trong Bộ Chính trị. Cái chân lý sơ đẳng này sao mà khó hiểu đến thế đối với những bộ não bị xơ cứng!

Phóng viên : Ai là người đi đầu trong cuộc đấu tranh ở trong nước chống lại chế độ độc tài đảng trị hiện nay ?

Nguyễn Chí Thiện : Cho dù đó có là một nghịch lý lớn đến thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cứ vẫn phải thừa nhận rằng chính những người cộng sản thuộc thế hệ già, những cựu chiến binh trong hai cuộc chiến tranh, sẽ là lực lượng xung yếu trong cuộc đấu tranh đó. Tôi nói lực lượng xưng yếu không có có nghĩa những người nói trên là kiên quyết nhất, đến cùng nhất trong chống cộng. Rất có thể trong họ còn nhiều hi vọng cải lương, còn mưu toan sửa chữa chế độ này, bằng cách vá víu những chỗ rách của nó, để cho nó trở thành tốt, đúng như ý nguyện ban đầu của họ khi đi theo chủ nghĩa cộng sản, lầm coi nó là cứu cánh tốt nhất trong sự mưu cầu độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Có thể, trong họ còn có mặc cảm tội lỗi đối với nhân dân, đối với chính gia đình họ, khi nhìn thấy cả dân tộc chìm đắm trong điêu linh. Như Bùi Minh Quốc đã viết:

Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt

Lại đúc nên chính cỗ máy này !

Cái cỗ máy phi nhân ấy không phải chỉ nghiền nát cuộc đời ta mà cuộc đời của cả những người thân của ta. Và thế là họ, chính những người cộng sản đáng trọng bởi lòng trung thực, mặc dầu tuổi già sức yếu, đã muốn làm một cái gì đó để phủ nhận cái chế độ hôm nay, bị bọn cơ hội trong hàng ngũ họ manh tâm chiếm đoạt, đang đè nặng lên dân tộc.

Phóng viên : Vậy chúng ta, những người Việt hải ngoại, chúng ta nên có thái độ thế nào trước nghịch lý này ?

Nguyễn Chí Thiện : Những người Việt ở hải ngoại, dù xuất xứ không giống nhau, nhưng đại đa số là những người không thích sống trong xã hội cộng sản, nếu như chưa dấn thân chống lại nó. Tôi nói người Việt ở hải ngoại đây là bao gồm cả số anh em Việt Nam trẻ tuổi đi làm đi học ở các nước Đông Âu cũ đã bỏ sang các xứ dân chủ sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Những anh em này, mà tôi có dịp gặp gỡ, tâm sự, là những người ra đi từ nước Việt Nam cộng sản, trước hoặc sau năm 1975. Họ là những người rất gắn bó với chế độ Hà Nội, bởi những mối quan hệ ruột rà, bởi họ lớn lên, như họ nói, "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa" Họ thành thật thừa nhận rằng với tôi rằng quá trình thay đổi tư tưởng của họ rất nặng nề. Chỉ tới khi sống qua một thời gian, được nhìn thấy dân chúng ở các nước dân chủ được sống trong tự do như thế nào, họ mới biết họ đã lầm. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam còn nhiều người mang ý nghĩ giống như anh em Việt Nam mình ở các nước Đông Âu cũ, và không phải mọi người đều nhận ra chân tướng của chủ nghĩa cộng sản mà Đảng cộng sản đã khoác cho nó một bộ mã đẹp đẽ. Chính vì vậy, phương pháp đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ độc tài hiện tại không thể cứng nhắc, mà phải mềm dẻo, chiếu cố đến tình hình cụ thể, đến dân trí, để có những biện pháp thích hợp.

Vũ Thư Hiên : Có những người nô lệ không ý thức được tình trạng nô lệ trong đó mình phải sống, có khi lại còn nghĩ rằng mình đang sống tự do nữa kia. Không phải cứ chỉ vào mặt họ mà thuyết giảng cho họ nghe rằng đang là nô lệ đấy là họ khắc tỉnh. Tôi cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh gay go và lâu dài. Khi chế độ độc tài kết thúc không có nghĩa là dân chủ sẽ có ngay lập tức. Nước Nga cho ta một kinh nghiệm đáng để học trong chuyện này. Ơ' đó ý tưởng dân chủ đã bị lợi dụng bởi đám lưu manh, hôm trước còn mang thẻ đảng. Chúng ta phải làm quen với ý nghĩ đó ngay trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay. Ngày xóa bỏ chế độ độc tài có thể chỉ là ngày mà sự xây dựng chế độ dân chủ thật sự bắt đầu.

Nguyễn Chí Thiện : Tôi xin nói thêm: đối với một số người Việt ở hải ngoại, tôi thấy họ cần có cái nhìn thực tế hơn đối với tình hình đang diễn ra trên đất nước. Tinh thần chống cộng được coi là triệt để và quyết liệt, trên thực tế lại là sơ cứng, thiếu linh hoạt, của nhiều người Việt hải ngoại hiện nay còn là xa lạ đối với người Việt trong nước, nơi những khẩu hiệu đấu tranh có vẻ không triệt để bằng, nhưng lại hữu hiệu hơn trong mục tiêu xóa bỏ chế độ độc tài. Cần nghiêm túc nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh của phong trào dân chủ ở Đông Âu. Những người dân chủ ở đây tiến hành cuộc đấu tranh của mình một cách rất kiên quyết, đồng thời rất uyển chuyển. Mở đầu cho Hiến Chương 77 Vaslav Havel cùng mấy trăm trí thức, gồm cả các đảng viên cộng sản, lớn tiếng xác định họ không chống lại chính quyền, mà chỉ đòi dân chủ hóa. Nhưng kết quả cuối cùng là thế nào ở Tiệp khắc thì các bạn đã biết.

Phóng viên : Vậy người Việt hải ngoại nên có những hành động gì để phối hợp với đồng bào trong nước trong cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ ? Anh Vũ Thư Hiên nghĩ sao về chuyện này ?

Vũ Thư Hiên : Tôi xin nhường lời cho anh Nguyễn Chí Thiện. Anh ấy có nhiều thẩm quyền phát biểu hơn tôi, ít nhất thì cũng gấp ba lần tôi, vì tôi ở tù chỉ bằng một phần ba anh ấy. Hơn nữa,từ khi ra ngoài này anh Thiện có nhiều dịp quan sát hoạt động của người Việt hải ngoại kỹ hơn tôi. Sự suy ngẫm của anh Thiện trong 27 năm ở tù về rất nhiều vấn đề xã hội ở Việt Nam rất đáng để cho chúng ta lắng nghe.

Nguyễn Chí Thiện : Tôi cho rằng vai trò của người Việt hải ngoại trong cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ đang diễn ra trong nước (tôi nhấn mạnh:đang diễn ra trong nước), là vai trò yểm trợ. Không hơn. Yểm trợ hết lòng, không phân biệt anh là ai, trong quá khứ anh đã làm cái gì. Chỉ một sự đoàn kết đầy bao dung như thế mới mang lại sức mạnh đủ để xóa bỏ chế độ độc tài đã được xây dựng vững chắc trên đất nước ta. Tôi không tán thành sự xóa bỏ hận thù mà Đảng cộng sản Việt Nam hô hào. Đó là sự xóa bỏ hận thù để trở thành lao nô cho kẻ thù hôm qua. Nhưng tôi chủ trương xóa bỏ hận thù và hơn nữa, xóa bỏ mọi khoảng cách giữa những người cùng chung một mục tiêu tranh đấu.

Vũ Thư Hiên : Chúng tôi thường có những cuộc trò chuyện tâm tình trong khi ở gần nhau. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của anh Nguyễn Chí Thiện. Anh Thiện thường nói rằng anh rất buồn lòng khi ra tới đây vẫn còn phải chứng kiến những cuộc cãi vã vô bổ, tốn không biết bao nhiêu giấy mực và thời gian, chỉ cốt để chứng minh: tôi chống cộng hơn anh. Mà chứng minh cái đó để làm gì kia chứ, khi bọn độc tài không hề rụng một cái lông chân vì những cuộc cãi vã đó. Trở lại câu hỏi : người Việt hải ngoại nên có những hành động cụ thể gì để phối hợp với đồng bào trong nước. Qua quan sát thực tế, và được biết ý kiến anh em ở trong nước, tôi thấy chúng ta nên tận dụng thế mạnh của chúng ta ở hải ngoại là thông tin. Hãy sử dụng một cách hữu hiệu nhất các phương tiện truyền thông mà chúng ta có để giúp đồng bào quảng bá những tài liệu, văn kiện, vốn là vũ khí hiện tại của đồng bào trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài. Rất nhiều văn kiện ở Việt Nam đã không phổ biến rộng rãi được, bởi vì mang đi làm photocopy để chuyền tay nhau, nhất là trong trường hợp mang đi xa, dễ bị khép vào tội tán phát tài liệu chống Đảng, chống nhà nước lắm. Nhưng nếu nhận được qua đường fax hay lấy xuống từ mạng WEB thì ở mọi địa phương trên toàn quốc đều có thể có tài liệu đồng thời. Tài liệu lấy từ WEB xuống để trong đĩa mềm, khi cần mới in ra, rất dễ phổ biến. Dùng thông tin trong ngoài kết hợp để kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của thế giới chống đàn áp, đòi thả tù chính trị, đòi tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, bảo vệ quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Chí Thiện : Anh em ở Việt Nam cho biết cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của anh Vũ Thư Hiên được rất nhiều người đọc. Phần lớn người ta đọc được cuốn đó bằng bản photocopy từ những cuốn sách in ở hải ngoại do bà con mang về, hoặc lấy từ WEB xuống. WEB thật là một vũ khí độc đáo cho cuộc đấu tranh hiện tại của chúng ta. Nhà cầm quyền luôn dọa nạt về "bức tường lửa" có khả năng ngăn chặn những thông tin từ bên ngoài thâm nhập Việt Nam, nhưng trên thực tế đó vẫn chỉ là lời hù dọa. Người ta có vô vàn cách để lấy những thông tin bị bưng bít, mà nhân dân muốn biết. Ngay cả những tên lính giữ bức tường lửa cũng không thể tin cậy. Có những nhân viên hải quan, lính biên phòng đã mang sách báo tịch thu được ở cửa khẩu mang bán cho những đầu nậu, những đầu nậu này làm phóng bản để cho thuê. Khi còn ở trong nước tôi được đọc hầu hết những sách báo xuất bản ở hải ngoại là nhờ những mối đó. Ngoài ra còn có biết bao nhiêu hình thức khác. Đồng bào về thăm quê hương có thể kể chuyện cho bà con trong nước nhiều chuyện ở bên này, mà không phải ở trong nước những chuyện bình thường ở thế giới ngoài Việt Nam ai cũng biết. Ơ' Việt Nam, một quan chức lãnh đạo văn hóa - tư tưởng mới đây còn phàn nàn chuyện báo chí Việt Nam viết nhiều về vụ Clinton-Monica Lewinsky, coi đó là nêu gương xấu cho nhân dân, coi đó là làm hư dân chúng, để họ rồi cũng đòi phê phán lãnh đạo như dân Mỹ. Chuyện tưởng như đùa, mà là chuyện thật đấy.

Hãy đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh này. Còn những phương pháp đấu tranh thì hãy tìm đi. Nếu chịu tìm, chắc chắn ta sẽ thấy.

VNN

1998
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn