BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62232)
(Xem: 39420)
(Xem: 31166)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xuân Trung và Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

25 Tháng Mười Một 199512:00 SA(Xem: 992)
Xuân Trung và Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
1/Hỏi : Ông nghĩ gì về thành phần các đảng viên cộng sản đã tuyên bố bỏ đảng và hiện đang tranh đấu cho dân chủ, như các ông Nguyễn Hộ, Bùi Tín.... Liệu rằng những người này mình có thể tin được không?

NCT : Theo tôi hiểu, những người này, trước kia thì tôi cũng nghĩ rằng là họ là gà cùng chuồng đá nhau, thế nhưng sau khi được tiếp xúc với một vài nhân vật, thí dụ như ông Hoàng Minh Chính, tôi có nói chuyện với ông 4, 5 tiếng đồng hồ trước khi ông ta bị bắt khoảng độ vài tuần, thì chính ông ta đã nói với tôi là ông ta đến bây giờ mới nhìn ra được mọi tai họa đều là do cái chủ nghĩa Mác-Lê, mà ông ta lại là viện trưởng viện Mác-Lê, ông ta đã nói như vậy. Thế tại sao đến bây giờ ông ta mới nhìn ra? Ông ta có nói là ông ta đã bị cái chủ nghĩa Mác-Lê nó huyễn hoặc từ thời thanh niên, cho nên nó như cái vòng mũ kim cô nó đóng chặt vào đầu ông ta, gỡ ra rất khó, mãi đến tận gần đây thì ông ta mới thấy rõ nguồn gốc và thấy rõ cái chủ nghĩa Mác-Lê, là cái chủ nghĩa độc đảng, cái chủ nghĩa chuyên chính vô sản, nó gây ra tất cả những cái thảm họa, gây ra tất cả vi phạm nhân quyền, gây ra tất cả những cái đau thương cho dân tộc. Ông ta có tâm sự riêng với tôi như vậy, và ông ta rất thành khẩn khi ông ta nói. Ông ta có nói rằng, bây giờ tất cả các phương tiện báo chí ngôn luận họ nắm lấy hết tất cả thì chúng ta chỉ có mỗi một cái photocopy thôi, thế thì chúng ta phải tích cực làm thế nào mà dùng cái photocopy ấy để mà phổ biến rộng rãi những cái tư tưởng dân chủ, những cái tư tưởng tiến bộ, mà trào lưu thế giới đang cuồn cuộn dâng lên, cho tất cả mọi người dân và nhất là cho các đảng viên rõ để họ thức tỉnh, cho nên ông ta tích cực hoạt động lắm. Và cũng chính vì tích cực hoạt động cho nên chỉ 3, 4 tuần lễ sau khi ông nói chuyện với tôi thì ông ta bị bắt ngay. Tôi nghĩ rằng đó là những người mà họ ít nhiều cũng có thức tỉnh. Thức tỉnh nhiều hay thức tỉnh ít thì nó tùy từng trình độ giác ngộ của từng người, cũng có những người vẫn chống lại đảng nhưng mà ngược lại vẫn có những nhận thức sai lầm là vì lớn lên từ lúc quàng khăn đỏ mà, đã được đảng giáo dục, được đảng tuyên truyền nhồi nhét vào sọ rồi, cho nên bây giờ muốn dứt bỏ hết tất cả những thứ đó rất khó khăn, họ chỉ nhìn thấy những thối nát, những cái bẩn thiểu của cái xã hội trong mười mấy năm nay thôi, nên nhiều người còn ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là thần thánh. Thậm chí nhiều người còn ngộ nhận là Hồ Chí Minh là người có công và những cái việc sai trái là do ở bên dưới làm ra thôi, thì cái này là do trình độ của họ, mình phải thông cảm với họ mới được, họ không thể nào có được cái nhận thức sâu sắc đâu vì họ đã bị ngộ độc quá nặng rồi, và đến bây giờ mà đã giải độc được như thế là do những cái thông tin bên ngoài đưa vào, cho nên họ cũng đã nhìn thấy phần nào, thế còn nhìn thấy nhiều hay ít là do tùy từng người.

2/ Hỏi: Theo kinh nghiệm các nước Đông Âu, thành phần trí thức và văn nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ chế độ cộng sản các nước đó, theo ông thành phần trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam có làm được nhiệm vụ đó hay không?

NCT : Theo tôi, có một điều hơi đáng buồn - ở nước ngoài thì tôi không nói vì nước ngoài xa xôi, sách vở tài liệu không đưa vào trong nước là bao - ở trong nước, bây giờ cũng có một số người dám nói lên một chút, tuy rằng nói bóng gió nhưng mà còn dám nói, mà nói thì lại không có phương tiện phổ biến rộng, chỉ có photocopy thôi, thế mà tiền thì ít, in photocopy thì giỏi lắm được độ 5, 7 chục bản rồi phân phối, rồi người ta lại in lên thêm, mà phải lén lút lắm! Những cơ quan xuất bản ở trong nước, hay là nhà in..., mọi người đều trong tay đảng cả, đa số những người trong hội nhà văn, những người gọi là có khả năng để mà xin in ấn, xin xuất bản thì đều dựa vào cái hội nhà văn mà sống. Nếu bây giờ mà viết "láo", nhẹ thì cũng bị đuổi ra khỏi, tôi chưa nói là chống đối đâu nhé, viết chỉ gọi là hơi không phù hợp một tí thì có thể là miếng cơm manh áo sẽ bị đe dọa, bị ra đường bơm xe, có thể là đi đạp xích lô cũng nên. Cho nên nói đến sĩ khí của Việt Nam thì bây giờ còn đáng buồn lắm! nhưng bây giờ nó còn hơn trước, còn có những người dám nói lên một chút. Nhưng tôi tin rằng trong tương lai những người cầm bút vẫn đóng một vai trò quan trọng, họ sẽ mạnh dạn hơn khi mà sức ép của thế giới không cho Việt Nam bắt bớ bừa bãi như vậy nữa, sức ép này là sức ép về kinh tế, sức ép như về tối huệ quốc, như bang giao với kinh tế vào hội nọ hội kia, thì người văn nghệ sĩ được nới lỏng một tí và họ sẽ làm công việc này tích cực. Chính những người văn nghệ sĩ hay những người trí thức nói chung như nhà báo, nhà sử học, dám nói lên tất cả những sự thực, dám đem ánh sáng hiểu biết của mình soi rọi vào quần chúng, rọi vào cả những đảng viên, thì nó là những người đi tiên phong, không thể thiếu được lớp người này. Cái sức mạnh của nó vô hình, nhưng nó lại là cái sức mạnh đầu tiên để mà làm thay đổi mọi chế độ.

3/ Hỏi: ông Nguyễn Chí Thiện có theo dõi hai đài phát thanh Chân Trời Mới phát từ Nhật và Diễn Đàn Dân Chủ phát từ Hoa Kỳ hay không? Ảnh hưởng của các chương trình phát thanh này về Việt Nam trong dân chúng như thế nào?

 NCT : Tôi thì chỉ được nghe đài Chân Trời Mới thôi, cái đài Chân Trời Mới là cái đài rất hay, phát thanh về Việt Nam toàn là phân tích, vạch rõ những thối nát mà chính những người dân trong nước không biết, mà chính bản thân tôi nhiều khi cũng không biết nữa, thế nhưng nhờ đài Chân Trời Mới mà tôi được biết rõ. Đài Chân Trời Mới rất có giá trị, nhưng phải một cái là hơi khó bắt, thế nhưng chúng tôi cũng mách nhau biết làn sóng của nó, nhưng nhiều người không bắt nổi. Bản thân tôi là người hay nghe cái đài đó lắm, nó phát thanh từ 10 giờ đến 10 giờ 30 Việt Nam, thì tôi thường xuyên nghe. Còn đài Diễn Đàn Dân Chủ thì tôi lại không bắt được, nhưng mà nhiều người khác bắt được. Nói chung những đài này có một tác dụng tương đối to lớn với tình hình trong nước, vì nó cung cấp cho người dân, thậm chí những người dân để ý đến chính trị mà nhiều vấn đề không biết, thì chính những cái đài đó phát hiện ra để cho nhân dân biết.

4/ Hỏi: Xin ông cho biết cảm tưởng của ông khi ông được đặt chân đến đất nước tự do?

NCT: Tôi đặt chân lên đất Mỹ này thì tôi cũng thấy rất là vui, vì nó tạo cho tôi điều kiện làm việc, vì đối với người viết văn hoặc là làm báo gì đó, nói chung là cầm bút, thì tự do ngôn luận quan trọng lắm, không thể thiếu được. Để cho họ viết văn tự do mà còn chưa hay được, huống chi lại còn bị trói chân, trói tay, bịt mồm, bịt miệng như là ở trong nước thì làm thế nào có văn chương được nữa! Cho nên là tôi rất lấy làm vui, mình có điều kiện để mà làm công việc của mình nó tốt. Sang đây tôi nhận thấy Việt kiều chúng ta rất là giỏi, nhiều người thành đạt, trí thức, đỗ đạt cao, có tài năng thì tôi nghĩ rằng đây là cái vốn vô cùng quý báu của dân tộc. Sau này, cái thời hậu cộng sản mà muốn xây dựng lại đất nước thì những người Việt kiều, những đồng bào hải ngoại là lực lượng nồng cốt không thể thiếu được, mới có thể biến đất nước mình thành những con rồng nọ, những con hổ kia được. Chứ còn ở trong nước bây giờ thì người ta lạm phát Tiến sĩ, bằng cấp thì mua được đấy, muốn mua một cái bằng dễ lắm, bằng Anh văn rồi kể cả bằng Thạc sĩ, kể cả những bằng tốt nghiệp đại học đều có thể chi tiền ra mà mua được cả, thế cho nên gọi là nó tạp nhạp, không có đủ năng lực làm việc đâu. Nên những người sống ở hải ngoại sau này sẽ là tương lai của đất nước, là đầu tàu để kéo đất nước đi lên thật nhanh, bắt kịp các nước khác vì đất nước ta đang tụt hậu quá nhiều rồi. Đó là niềm tin mà chúng tôi, những người trong nước vô cùng tin tưởng, và khi đặt chân đến đây thì tôi cũng rất là phấn khởi, vì nhìn thấy nhiều con em chúng ta, nhất là những lớp trẻ, những lớp trung niên có một trình độ cao về khoa học kỹ thuật, và nói chung thì tôi lấy làm lạ một điều là nhiệt tình của đồng bào đối với quê hương đất nước phải công bằng mà nói là nó lại lớn hơn là ở trong nước nữa, có lẽ là vì ở xa tổ quốc cho nên tình cảm nó mãnh liệt hơn, cũng chính vì tình cảm mãnh liệt hơn đó cho nên hành động nó tích cực hơn, và nó có thể mang lại hiệu quả to lớn, miễn là chúng ta hành động đúng hướng, và biết nhất trí với nhau, thống nhất với nhau.

5/ Hỏi: Thưa ông Nguyễn Chí Thiện, dự tính trong chương trình hành động của ông trong tương lai ra sao, thưa ông?

NCT: Tôi chỉ là một người làm thơ thôi, trong tương lai thì tôi cũng sẽ xuất bản những tập thơ của tôi đang để trong đầu. Nếu có sức khỏe tốt hơn nữa thì tôi sẽ viết thêm một số hồi ký hoặc những bài bàn về thời cuộc, bàn về chính trị hoặc là phê bình văn học, vì những cái đó là những cái dễ làm hơn thơ. Vì bây giờ nó cũng cạn nguồn rồi, với lại người cũng yếu không còn có được sinh lực nữa để làm thơ cho hay, tôi chuyển sang lãnh vực thuộc về lý trí nhiều hơn, chương trình của tôi như vậy.

Xuân Trung và Kiều Mỹ Duyên thực hiện

1995

Ngày 8 tháng 11 năm 1995, ông Nguyễn Chí Thiện được mời tường trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông đã tố cáo những chính sách dã man của đảng Cộng sản Việt Nam như Cải Cách Ruộng Đất năm 1953, chính sách tập trung cải tạo năm 1961 và 1975, ngăn cấm tất cả các quyền tự do căn bản của con người như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, đàn áp tất cả mọi người đòi hỏi tự do dân chủ cho dù người đó có công hay tội với đảng... Ngoài ra ông cũng tố cáo sự quyết tâm không rời bỏ quyền lực độc tôn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để củng cố quyền lực của đảng cộng sản Việt Nam. Ông kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và thế giới hãy can thiệp để buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải thả tất cả những tù nhân lương tâm nhanh chóng và vô điều kiện vì tình trạng sức khỏe của họ đang trong tình trạng vô cùng bi đát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn