BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mừng đảng, mừng xuân

15 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1400)
Mừng đảng, mừng xuân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
12Vote
2.33
 



 

Đó là dòng chữ in trên những tấm biểu ngữ, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở những nơi khác, ở khắp cả nước. Sự ngẫu nhiên của lịch sử khiến cho ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, mùng 3 tháng 2 thường trùng với thới khắc sang xuân của đất nước. Sau gần 3 thập niên ‘đổi mới’, Việt Nam đã hội nhập với thế giới trên nhiều lĩnh vực nhưng công tác tuyên truyền dường như không có nhiều thay đổi. Cuộc cách mạng về truyền thông thông tin với sự kết nối điện thoại và Internet tới mọi ngõ ngách của đất nước đã không hề làm cho những tấm băng- rôn, khẩu hiệu bị ‘mất giá’. Trái lại, so với thời kỳ vải vóc phải phân phối từng mét, ngày nay chúng đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Trên mỗi tuyến phố tại Hà Nội vài dịp này, có thể thấy hàng chục tấm băng rôn căng ngang mặt phố và những tấm nhỏ hơn treo dọc theo các cột đèn ven đường.

4 “mừng”

Ngôn ngữ trên những tấm biểu ngữ không khác bao nhiêu so với những thập niên trước kia. Nó vẫn là thứ kêu loảng xoảng, rổn rang. Nào “quang vinh”, “muôn năm”, “vĩ đại”, “sáng ngời”, “quyết tâm”.v.v. Và tình cảm, tất nhiên là vui mừng, phấn khởi, tin tưởng.

Mừng đảng…


Người ta có thể đọc thấy 4 cái mừng. “Mừng xuân Quý Tỵ, Mừng Đảng quang vinh, Mừng đất nước, Mừng thủ đô đổi mới”. Trên một số biểu ngữ khác, thứ tự này được đảo ngược, đảng đứng ở vị trí đầu tiên trong 4 điều mừng rỡ của dân chúng.
 



Mừng xuân…



 

Mầu đỏ của những tấm băng rôn đập vào mắt tất cả mọi người và làm thủ đô thêm rực rỡ, nhưng không phải ai cũng chú ý kỹ càng tới nội dung của nó. Dòng người luôn hối hả, chen lấn trên các tuyến đường càng trở nên vội vã những ngày giáp Tết. Mấy anh taxi được hỏi đều lắc đầu: “hơi đâu mà nhìn, hả chị. Lái xe thế này căng thẳng lắm rồi, lần nào lễ lạt các ổng cũng căng, nên cũng không để ý nữa”.
 



Mừng Thủ đô…



 

Nhưng dù không để ý bằng mắt thì người ta vẫn có thể thấy bằng tai. Trên các phương tiện truyền thông, những bài hát về xuân, về đảng, ca ngợi công lao Hồ Chủ Tịch liên tục vang lên, hết lần này tới lần khác, hết kênh này tới kênh khác, cả phát thanh lẫn truyền hình.

Bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên được lặp đi lặp lại nhiều lần vào dịp “mừng đảng, mừng xuân”.

“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi
Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non
Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời

Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân
Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm
Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng
Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang”.

Hệ thống loa phóng thanh ở Hà Nội tồn tại từ thời chiến tranh và gây nhức đầu cho dân chúng suốt mấy chục năm hòa bình đã bị dỡ bỏ gần hết trong thời gian vừa qua, sau khi có sự phản ứng rộng khắp của người dân và sự lên tiếng của báo chí, nhưng nó vẫn còn rất phổ biến ở nông thôn. Cách Hà Nội vài chục km, những chiếc loa này vẫn mở hết công suất từ 4h 45’ phút sáng và bắt đầu bằng bài tập thể dục buổi sáng, sau đó là các bài hát mang tính tuyên truyền, phần lớn được sáng tác từ mấy thập niên trước ca ngợi công lao của Đảng và Bác.

Nhưng lâu lâu sau đó, giai điệu vui nhộn của Gangnam style lại vang lên, nó giúp người nghe dễ dàng xác định được chính xác thời đại mình đang sống.

Và một ý nghĩa khác

Tuyên truyền luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ở các nước cộng sản như Việt Nam và băng rôn, khẩu hiệu là một hình thức không thể thiếu được. Nó được trưng ra mọi dịp, từ 30/4, Quốc tế Lao động, Quốc khánh, đón khách quốc tế.v.v. Có thể nói, nó như một “đặc sản” của thể chế chính trị và chỉ còn ở vài nơi trên thế giới này. Ở những nước đông Âu, khi thoát khỏi chủ nghĩa CS, văn hóa khẩu hiệu đã biến mất, không để lại tăm tích.







Nhưng, nhiều thứ liên quan tới chế độ trước đã được người dân đông Âu khai thác dưới góc độ thương mại. Dân Đức bán những mẩu tường Berlin với giá cắt cổ cho khách du lịch; dân Nga bán những chiếc cốc, chiếc áo lưu niệm mang hình búa liềm, mũ áo, huy hiệu của hồng quân Xô Viết cũng là thứ được khách phương Tây mua chơi…

Xét ở góc độ này, người dân Việt Nam- rõ ràng- năng động hơn. Họ không phải chờ đợi tới cuộc cách mạng hoa Sen hay hoa Nhài đầy tranh cãi gì đó, mà đã biết dùng những hàng chữ kia vào mục đích thiết thực hơn, đem lại lợi ích kinh tế.

Nông dân nhiều nơi dùng chúng để che sương, che gió cho hoa mầu hay trám những lỗ thủng trên tường rào hay quán nước nhà mình.





Trên nhiều con phố cổ ở Hà Nội, nơi tấp nập khách du lịch, những chiếc áo phông lưu niệm mang tính tuyên truyền luôn gây được sự chú ý bởi tính độc đáo pha lẫn hài hước.

Có thể thấy những chiếc áo phông nam nữ đủ kích cỡ mang những dòng chữ: “có Đảng cuộc đời nở hoa”, “Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức sáng ngời”, “tiến lên, ta quyết tiến lên”, “Đảng là đạo đức, văn minh”.v.v. Bên cạnh tiếng Việt, có nhiều áo in bằng tiếng Anh.

Ở một tiệm trên phố Hàng Bông, vào một ngày cuối năm, 2 chị khách Việt kiều vừa cẩn thận chọn lựa từng chiếc áo làm quà tặng cho bạn bè bên Đức, vừa khúc khích cười và bình luận. Trong khi đó, mấy anh Tây dán mắt vào chiếc áo in hình búa liềm và chiếc khác in hình bác Hồ cùng dòng chữ “Ho Chi Minh is great” rồi không ngần ngại rút ví.

Những dòng khẩu hiệu ở đây hình như đã tìm được giá trị thật của chúng.

Mạc Việt Hồng

Hà Nội, xuân Quý Tỵ 2013

Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn