BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73362)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kỷ niệm về một cái Tết

14 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1493)
Kỷ niệm về một cái Tết
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Sáng sớm thức dậy, giọng hát Duy Khánh vang từ đài phát thanh, “Xuân này con không về” nhắc tôi một cái Tết ly hương đang đến.

Xuân và Tết hải ngoại không trùng nhau như những ngày tháng ở quê nhà, cái Tết ở đây đến trong mùa đông giá lạnh. Thời tiết khác, Tết cũng khác. Qua rồi những ngày tháng Tết ở quê nhà, ra ngoài cổng là Tết, bước vào nhà là Tết với cái không khí Tết lảng vảng, còn chăng là những rộn ràng trong lòng đón Tết sắp đến với những tục lệ xưa còn cố giữ. Hai mươi ba, đưa ông Táo về trời, vào nhà là thấy Tết với hoa quả, bánh chưng, mứt và những cành mai nhưng không khí đón Tết vắng đi không còn vui, hội chợ Tết hải ngoại không còn đem lại niềm vui mặc áo mới, đi ngắm hoa trên đường Nguyễn Huệ. Đêm giao thừa thiếu hẳn những tràng pháo rộn ràng trong xóm cũ. Đêm giao thừa thiếu cảnh một ông bố mặc bộ đồ “vét” trang trọng, năm này qua năm khác không đổi, cà vạt, giầy đen được các con đánh bóng bằng xi-ra kiwi ngồi cùng bà mẹ áo dài tươi tắn đợi các con đến mừng tuổi với những bao đỏ lì xì và những lời chúc trang trọng đầu năm trong phòng khách đã được sửa soạn từ nhiều tuần trước với những nén nhang đốt trên bàn thờ, những cọc nến, lư đồng được các con đánh bóng mỏi tay để đón ông bà. Tục lệ cũ vẫn cố giữ, Tết vừa như vẫn ở quanh đây mà vừa như ở xa không thật.

“Đón Xuân này lại nhớ Xuân xưa,” bài hát quen thuộc đã làm tôi nhớ lại những kỷ niệm của một cái Tết ngày còn trẻ và mới đây lời tuyên bố của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã khơi tôi về một cái Tết 45 năm trước, Tết của năm tôi rất trẻ, còn rất trẻ, 18 tuổi trong năm Mậu Thân 1968 với những vui buồn của thời sinh hoạt sinh viên học sinh và những giấc mơ rất lãng mạn trong một năm đầy xáo trộn.

Năm 1968, tôi làm phó tổng thư ký ban đại diện trường Chu Văn An với Nguyễn Đức Thọ làm tổng thư ký. Tết đến giống như mọi năm, văn nghệ và báo chí tất niên không thể thiếu. Phạm Ngọc Bảo làm trưởng ban báo chí và văn nghệ đóng một vai trò quan trọng, cả Thọ và Bảo đều học ban C, ban văn chương nên báo chí là nghề của các chàng, viết bài, đưa báo đi in, mỗi đêm đến nhà in đến nửa đêm giới nghiêm mới về nhà. Say mê làm báo, viết báo từ 16 tuổi như tôi, không quên được những giây phút đầu từ khi báo được in, được đóng tập, cầm tay tờ báo xuân mới in với mùi giấy thơm phức với những bài thơ và những chuyện ngắn của những anh chàng văn sĩ học trò mơ có ngày vào văn học sử! Báo in xong chỉ là bước đầu, tiếp theo là bước vừa nhọc nhằn, vừa vui, bước bán báo nhất là bán báo ở các trường nữ trung học, giành nhau đi bán báo và giành nhau đi dự tiệc tất niên. Cả một kỷ niệm của một thời “bước đầu lưu luyến ấy.”

Nhưng vui nhất là “đại nhạc hội liên trường” của các trường trung học Saigon do các ban đại diện trường đứng ra tổ chức với giáo sư cố vấn văn nghệ làm cố vấn. Giáo sư cố vấn của trường Chu Văn An là thầy Cung Nhật Tân. Mỗi trường có một màn chính đóng góp tiêu biểu cho ngôi trường. Tôi và Bảo đi tìm đề tài, suy nghĩ đến bạc đầu. Chu Văn An từ xưa nổi tiếng học giỏi, thông minh phá phách, viết báo viết văn hay nhưng văn nghệ không sánh được với các trường bạn nhất là văn nghệ của trường trung học Mạc Đĩnh Chi với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, những năm 60, Mạc Đĩnh Chi bao giờ cũng đoạt giải đầu với những hoạt cảnh. Năm 68 là năm trăm hoa đua nở của nhạc miền Nam với những nhạc sĩ nổi lên trong thời kỳ chiến tranh với tình tự dân tộc, từ Phạm Duy nhạc sĩ lão thành đến Trịnh Công Sơn qua Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên. Hát ở đại nhạc hội liên trường các ca sĩ học trò như Việt Hải, Trưng Vương, năm ấy nổi tiếng với “Bài Không Tên Thứ Nhất” của Vũ Thành An, các cô với “Tuổi Mười Ba” thơ Nguyên Sa nhạc Ngô Thụy Miên hay “Giáng Ngọc” (sau này mới biết Ngô Thụy Miên làm bài hát cho Minh Ngọc của Trưng Vương cùng thời). Các cô Gia Long múa nến, múa hoa sen, múa nón lá, múa quạt. Nam ca sĩ các trường bạn hát những bài tiền chiến, Tết là có “Tà Áo Xanh” là có “Gái Xuân”... Chu Văn An vì vậy phải có một màn trình diễn khác với các trường bạn. Bảo đúng là trưởng ban văn nghệ của năm 1968, với đầu tóc dài, dáng người cao nghệ sĩ và có một ý kiến táo bạo. Những ngày trước đại nhạc hội, ban văn nghệ đã sửa soạn bí mật không cho giáo sư cố vấn biết, chương trình được đưa lên cho thầy xem là những bài hát Xuân. Tôi nói với Bảo tôi sẽ chịu trách nhiệm với ông hiệu trưởng và thầy Tân nếu ban văn nghệ bị la rầy.

Ngày đại nhạc hội liên trường đến, đúng như dự đoán các trường trình diễn các bài hát Xuân, các vở kịch có dân tộc tính, Mạc Đĩnh Chi cầm chắc giải đầu năm ấy với hoạt cảnh của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đạo diễn. Và khi Chu Văn An xuất hiện, ban nhạc đàn, trống, guitar điện với 4 chàng Beatles Chu Văn An “Love Me Do.” CVA Beatles nổi đình đám, lần đầu tiên những tiếng đàn guitar điện đã làm sân khấu sôi động và máu của các giáo sư Nguyễn Xuân Quế và Cung Nhật Tân cũng sôi lên! Dĩ nhiên là CVA không được giải thưởng văn nghệ. Ban văn nghệ bị các thầy mắng, Bảo và Thọ xanh mặt ngồi nghe, tôi đã hứa với các bạn phải giải thích cho các thầy: “Đi thi đấu biết thua chắc thì mình phải chơi nổi cho mọi người biết, đã biết thua Mạc Đĩnh Chi thì Chu Văn An phải được mọi người nhớ đến màn đặc biệt và Beatles không phải là dở, Beatles tượng trưng cho phong trào văn hóa trẻ đang lên, tượng trưng cho giới trẻ trên thế giới, CVA hát Beatles là CVA đi tiên phong mở đường cho một trào lưu văn nghệ mới.” Các thầy không bị tôi thuyết phục nhưng cũng có lòng rộng lượng không phạt bọn chúng tôi, cầm đầu là tôi, một học sinh dốt nhạc.

Năm 1968 là một năm chiến tranh và cách mạng của thập niên 1960. Năm ấy bọn tôi không hiểu hết bản nhạc của Beatles trừ Thọ đi học bổng AFS một năm ở Mỹ về. Bài “Love Me Do” với lời hát “Love, love me do, you know I love you. I'll always be true. So please, love me do” (Hãy yêu anh đi em ơi, em biết là anh yêu em. Anh sẽ luôn luôn thật lòng, cho nên hãy yêu anh đi) Bài hát vào ngày 5 tháng 10, 1962 đánh dấu một thế hệ hậu chiến 17 năm sau ngày đổ bộ ở Normandy của Đồng Minh chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai. Theo dòng thời gian, hai sự kiện văn hóa, phim James Bond đầu tiên “Dr No” cùng năm và Beatles đánh dấu chuyển động thập niên 1960. Một thập niên chiến tranh lạnh bắt đầu với vị tổng thống trẻ tuổi John F. Kennedy tranh cử ngày 31 tháng 1, 1962. Tháng 2, 1962, phi hành gia John Glenn lên không gian đưa đến cuộc chạy đua lên mặt trăng và bức tường ô nhục Bá Linh được Đông Đức xây vào ngày 6 tháng 6, 1962. Sức mạnh của TT Kennedy và phi hành gia John Glenn trên không gian đụng bức tường Đông Bá Linh và hỏa tiễn Nga ở Cuba. Thế giới nín thở, nhưng cuối cùng Tổng Bí Thư Nikita Khrushchev trong một “nháy mắt” phải nhượng bộ. Một cuộc chiến khác bắt đầu gia tăng từ 1962, với con số 700 cố vấn quân sự Mỹ tăng lên 12,000 ở Việt Nam, TT John F. Kennedy tuyên bố ủng hộ cuộc chiến cho lý tưởng tự do của miền Nam Việt Nam. Phong trào phản chiến bắt đầu với 8,000 sinh viên biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn.

“Thập niên 1960 là thập niên hy vọng” nhưng hy vọng của TT Kennedy ngắn ngủi sau cuộc ám sát TT Ngô Đình Diệm và sau đó đến lượt ông.

Hai chàng trẻ tuổi Beatles, John Lennon 22 tuổi và Mc Carty 20 tuổi với “Love Me Do” trong 3 tuần đã chinh phục con tim của cả thế hệ thanh niên thập niên 1960. Gọi Beatles phản chiến, báo chí Việt Nam thời đó sai. Hãy nghe lại bài “Cách Mạng” “Revolution”: You say you want a revolution, well, you know, we all want to change the world. But when you talk about destruction, you count me out.” Các ông muốn làm cách mạng, muốn thay đổi thế giới nhưng phá hoại thì không có tôi! Cách mạng bất bạo động của Beatles khác với cách mạng bạo động quỷ quái cộng sản khi thế giới bắt đầu thấy qua truyện “Một ngày trong đời của Ivan Denisovitch (tháng 10, 1962) của nhà văn Solzhenitsyn được Tổng Bí Thư Khrushchev cho phép ấn hành, phơi bày bộ mặt thật trong trại học tập cải tạo Cộng Sản của Stalin. Cách mạng bất bạo động của Beatles khác với cuộc cách mạng bạo động xương máu của Cộng Sản Việt Nam Mậu Thân 1968 với mồ chôn tập thể ở Huế và những tội ác ở miền Nam Việt Nam qua cuộc tổng công kích thất bại.

Sau đại nhạc hội liên trường là đêm văn nghệ của Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Saigon. Thọ học nhảy vào Văn khoa, tôi thay làm tổng thư ký ban đại diện trường CVA và đại diện cho trường trong tổng hội nhờ đó tôi biết các anh Nguyễn Trọng Nho, chủ tịch tổng hội, Nguyễn Hòa Quang đại diện khoa học, Tô Thị Thủy văn khoa, Bùi Quốc Châu luật và bộ ba Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Thanh Công y khoa. Chương trình đêm văn nghệ tất niên gồm các bài hát tình tự quê hương từ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương qua các bài tình ca của các nhạc sĩ nổi tiếng thời 1960, Từ Công Phụng với “Bây Giờ Tháng Mấy,” Vũ Thành An với các “Bài Không Tên,” Ngô Thụy Miên “Áo Lụa Hà Đông” nhưng màn chính là vở nhạc kịch “Bà Mẹ Gio Linh” với nhạc Phạm Duy, quyết định đến từ các sinh viên tranh đấu Mẫm, Châu, Thủy, các chị Văn khoa và Luật khoa mặc áo nâu, đầu quấn khăn, múa “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày...” Đêm nhạc thành công, rất đông sinh viên học sinh tham dự. Thành phần sinh viên tham gia vào tổng hội rõ ràng có hai thành phần, hai khuynh hướng khác nhau. Sau đêm văn nghệ, sinh viên học sinh rủ nhau về trường Quốc Gia Hành Chánh tham dự đêm không ngủ. Tại đây những bài hát tranh đấu của Trịnh Công Sơn với “Nối Vòng Tay Lớn,” của Miên Đức Thắng “Hát Từ Đồng Hoang”: “Từ ruộng đồng hoang vu hôm nay, ta cùng hát với nhau lời này, ta cùng tiến bước cho ngày mai...” qua đến những bài của Tôn Thất Lập “Hát Cho Dân Tôi Nghe”: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù...” từ tranh đấu ca đến tình ca “Mưa thì thầm làn mưa rất xa. Tình như không nói là tình trăm năm...” Đến nửa đêm thì cả trại vỗ tay ca bài hát chính của đêm không ngủ: “Hội Trùng Tu” của Tôn Thất Lập.

Vài tuần sau, tiếng súng nổ đầu năm thay tiếng pháo. Tổng công kích diễn ra. Chiến tranh trong thành phố. Saigon bị tàn phá vì mìn đạn của Việt Cộng và sau đó là pháo kích. Các trại tị nạn lập ra mọi nơi, trường học đóng cửa. Mậu Thân cũng là một dịp để sinh hoạt thanh niên học sinh. Tôi phụ trách trại tạm cư ở trường CVA, có mặt đóng góp xây cất nhà tiền chế ở đường Petrus Ký, ngồi chung ban điều hành trạm tạm cư ở trường tiểu học Phan Đình Phùng với nhóm sinh viên y khoa Mẫm, Công, Đầy và sinh hoạt xã hội với Hướng Đạo. Ngoại ô Saigon đầy những cảnh nhà bị tàn phá, vì pháo kích. Tôi viết “Bài Viết Từ Cánh Đồng Hoang” tả những cảnh tàn phá, người chết ở vùng Gò Vấp đăng trên báo Chính Luận với bút hiệu Một Bê Hai.

Dân chúng chạy loạn trên cầu chữ Y, Sài Gòn, trong trận Mậu Thân 1968.


Sau Mậu Thân thì sinh viên hiểu rõ “Hội Trùng Tu” ngồi đợi VC vào Saigon “như ngày xưa Quang Trung ta vào thành” và khuynh hướng yêu nước của các sinh viên tranh đấu qua “Bà Mẹ Gio Linh,” ngày xưa Mẹ nuôi con đánh Pháp giờ đây Mẹ nuôi con đánh giặc Mỹ.

Tấm hình của hãng AP, chụp ngày 1 Tháng Hai, 1968 ở Sài Gòn: Cả gia đình 8 người của một sĩ quan VNCH bị Việt Cộng thảm sát.


Vào Y khoa năm 1968, tôi làm chủ tịch ban đại diện APM, ngồi trong ban đại diện y khoa của anh Nguyễn Hoàng Mai với anh Huỳnh Tấn Mẫm làm tổng thư ký, nhờ đó biết rõ 3 anh Mẫm, Công, Đầy nhiều hơn ngày học CVA. Và từ 69, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập bị bắt. Huỳnh Tấn Mẫm sau làm đại diện Y khoa rồi chủ tịch tổng hội. Các sinh viên tranh đấu từ từ bị chính quyền miền Nam bắt. Các sinh viên phe tự do bị ám sát cho đến giờ vẫn chưa rõ kẻ nào sát hại như sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật. Chính quyền Mỹ áp lực chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thả các sinh viên tranh đấu cho rằng chính quyền bắt lầm sinh viên tranh đấu yêu nước không cộng sản. Mùa Hè đỏ lửa, các sinh viên tranh đấu, Mẫm, Công, Đầy, Thủy, Châu v.v... được thả ở Tây Ninh trao trả với tù binh Mỹ. Tháng 4 năm 1975, Việt Cộng vào Saigon, các sinh viên y khoa Mẫm, Công, Đầy được Giáo Sư Đào Hữu Anh bảo đảm với Thiếu tướng cảnh sát Nguyễn Khắc Bình lý lịch tốt không cộng sản để về trường y khoa học lại nay được Bác Sĩ Bảy Thủ khoe với chúng tôi ngày tiếp quản ở hành lang trường Y Khoa: “Cán bộ tranh đấu tốt vào đảng tuyên thệ trong rừng năm Mậu Thân 1968.” Năm 2009, cựu dân biểu thành phần thứ ba Hồ Ngọc Nhuận nhóm báo Tin Sáng viết hồi ký có đề cập đến các lãnh tụ sinh viên phe tự do bị ám sát khi tranh cử có phần thắng (chức chủ tịch tổng hội sinh viên Saigon), ông viết Huỳnh Tấn Mẫm không phải là thủ phạm nhưng biện minh cho ông Mẫm mà ông Hồ Ngọc Nhuận cũng chưa biết hung thủ hay ai đứng sau lưng?

Huỳnh Tấn Mẫm đã mang theo cả chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh khi xuống đường tại Miền Nam trước năm 1975


45 năm sau Tết Mậu Thân năm 1968, các ông Hồ Ngọc Nhuận và Huỳnh Tấn Mẫm xuất hiện lại trong những vụ biểu tình yêu nước chống Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông. Các cựu sinh viên tranh đấu khác vắng mặt còn các ông Lý Quý Chung. Ngô Công Đức đã qua đời từ nhiều năm.

45 năm sau Tết Mậu Thân năm 1968, Tôn Thất Lập tuyên bố: “Chính nghĩa thuộc về Cộng Sản Việt Nam khi nhìn lại chiến tranh Việt Nam và nhắc lại những bài ‘Hát Cho Dân Tôi Nghe’, ‘Hát xuống đường’, ‘Hát Trong Tù là những tác phẩm đặt những vấn đề của đồng bào, của nhân dân như là nhân dân miền Nam đang bị sưu cao thuế nặng (trước 1975) đang bị áp lực, đang bị bắt đi lính cầm súng bắn lại người Việt của mình.” Lời tuyên bố của ông phó chủ tịch hội âm nhạc bị chứng “não chết” khác với những suy nghĩ của những người lớn lên trong xã hội cộng sản như cậu bé Huy Đức năm 13 tuổi đã nhận thức được “miền Nam giải phóng miền Bắc năm 1975” hay dân Nghệ An, huyện Nghi Lộc quê của cha tôi, những người dân từ cái nôi cộng sản “Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh” của ông Hồ đang biết vùng dậy vì bị chiếm đất và sống không có không khí tự do gần 70 năm.

45 năm sau Tết Mậu Thân 1968, hãy để Khánh Ly về lại đi chân đất hát lại bài “Ca Khúc Da Vàng” của Trịnh Công Sơn “Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như đã yêu mình...” để tặng cho những cô gái Việt yêu nước viết blog không chấp nhận theo đảng để bán nước cho Trung Cộng, phải chịu những cảnh tù đày đánh đập.

45 năm sau Tết Mậu Thân 1968, hãy để Miên Đức Thắng từ Đức về “Hát Từ Đồng Hoang”: “Đất ta ta sới, đất ta ta bồi. Đất ta ta ngồi, đất cho ta sống quê hương ta bồng. Đất cho ta chết, quê hương ta về. Rồi ngày mai quê hương ta xanh lên màu sông núi.” Hát cho những người bị đảng cộng sản đã cướp đất của họ, bọn cán bộ “lưu manh đỏ” xem của công như của tư.

Và 45 năm sau Tết Mậu Thân 1968, Tôn Thất Lập hãy ngồi xuống, bên đốm lửa, ở các đại học Sàigòn và Hà Nội hát bài “Hội Trùng Tu”:

“Người đợi người trong ngày hội Trùng Tu

Người đợi về Thăng Long một tối

Người đợi ăn Tết vui mùa đông

Như ngày xưa Quang Trung ta vào thành”

Hãy hát những bài ca yêu nước chống quân xâm lược, nhưng tôi biết, Việt Cộng, khác với chính quyền miền Nam yêu tự do 45 năm trước, sẽ không cho phép chính đảng viên của họ yêu nước!

Việt Nguyên

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn