Bạn hỏi tôi phải chăng vì chúng ta yếu, chưa đủ mạnh để làm nên cuộc cách mạng dân chủ? Phải chăng sống trong lòng kính “xin cho” nhiều năm nên nhân dân trở nên vô cảm như chính bọn đảng viên, cán bộ nhà nước? Phải chăng chúng ta hèn sau bao năm bị cai trị dưới bạo lực, ý chí chiến đấu chống độc tài đã bị triệt tiêu? Phải chăng vì lệ thuộc quá nhiều tinh thần “sống chết mặc bây”, nên ù lì, sợ hãi, chấp nhận đời an phận thủ thường? Phải chăng chúng ta “khôn vặt”, ai ngu cứ đấu tranh chống độc tài thiệt thân, còn ta “khôn” lo cho bản thân, gia đình, vinh thân phì gia trước? Phải chăng quốc gia, dân tộc, tự do dân chủ, chủ quyền đất nước chỉ là chuyện hảo. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực là chuyện thực?
Bạn tự hỏi, cái gì đã kéo lùi cả dân tộc từng lao vào chiến tranh dành độc lập nhưng lại dửng dưng, quay lưng trước cuộc chiến đòi tự do và dân chủ? Có phải chỉ một bộ phận dân tộc ý thức và muốn đấu tranh dân chủ hay nhân dân cả nước? Nếu cả nước, thì tại sao nhân dân lại cam chịu và hèn nhát trước độc tài? thờ ơ với cuộc đấu tranh của chúng ta? Thôi thì trách mình trước, trách người sau. Hay vì lực lượng dân chủ đã chưa truyền hết lửa đấu tranh trong nhân dân? Vì còn sai lầm, thiếu sót, ích kỷ, cá nhân. Còn đang mò mẫn chưa biết lối đi nên đường tranh đấu vẫn còn trở ngại? Bạn cho biết “nhân dân căm phẩn lắm rồi anh à nhưng chưa dám công khai đối đầu vì chưa có đường lối đấu tranh, vì thiếu tổ chức dẫn dắt “. Bạn hỏi “tuổi trẻ chúng em phải làm gì đây anh? đấu tranh thế nào cho an toàn mà vẫn đạt hiệu quả “. “Cái yếu huyệt của con thú CS nó nằm ở đâu vậy? Ai sẽ đánh và đánh lúc nào cho nó triệt? “
Có bạn thắc mắc “Hay là đạo Dân chủ, Tự do không phải là giá trị nhân dân mình quan tâm lúc này? Có thực là nhân dân Việt Nam anh hùng với 4000 năm văn hiến không?” Bạn khác tâm sự “Anh thuyết phục chúng em đi? Thực tế chúng em chưa thấy thuyết phục anh ạ, vì còn khối kẻ trí thức vẫn đứng bên lề.”
Bạn hỏi “Tại sao mình đấu tranh gian khó nhưng chẳng ai dám yễm trợ, còn kêu gọi từ thiện thì quá nhiều người đồng tình? họ không tin mình hay yễm trợ chống độc tài thì sợ không về được Việt Nam? “
Có bạn băn khoăn “Sao bác này dân chủ bác kia cũng dân chủ mà mấy bác chửi nhau gấu ó vậy? Tin ai đây anh? “ Tại sao “có nhiều nhà dân chủ nhưng ít tổ chức dân chủ? Thiếu tổ chức vì sợ cộng sản trấn áp hay vì ai cũng thích làm lãnh tụ, không ai phục ai. Mình hay nói, thà làm đầu gà hơn đít vịt phải không anh? “
Bạn thân mến;
Bạn hỏi tôi lời khuyên? Còn tôi? Ai sẽ cho tôi lời khuyên đây? Trời ạ, nhiều lúc tôi cũng không biết tôi sẽ xin ai một lời khuyên bây giờ? Trong thế giới đấu tranh này tôi cũng cô đơn không kém bạn đâu. Tôi cũng có lúc tuyệt vọng khi thấy chung quanh mình họ chỉ biết lo thân của họ. Tôi cũng có lúc tự vấn rằng chúng ta đang đấu tranh cho chúng ta hay cho chính họ? hay cho cả hai?
Có thực đời sống là chiến đấu và chết cho niềm tin của mình không? Khi mà niềm tin đó cũng là niềm tin của nhiều người khác nhưng họ lại quay lưng và phỉ báng mình? Có thực là nhân dân căm phẩn lắm rồi không ? Nhân dân đó ở đâu sao không lao vào cuộc như mình? Có thực là giá trị Tư do, Dân chủ cao quý hơn bát cơm manh áo không? Hay là ngược lại? Có thực mới vực được đạo? Nhưng mà khối nhân dân có thực rồi họ có vực đạo đâu? Có biết bao câu hỏi xoáy ở trong đầu tôi không thể trả lời.
Bạn à, chế độ độc đảng này đang trong thời kỳ thoái trào. Dù vậy, cộng sản vẫn còn sức mạnh của chế độ toàn trị. Nhà tù, súng đạn và bộ máy an ninh sẳn sàng đè bẹp, trấn áp các lực lượng đối kháng. Bạn thấy đấy, chúng ta đã có biết bao anh em đang bị giam trong nhà tù Cộng sản. Việt Nam mang bản chất hậu CS. Trong đó, kinh tế xã hội chủ nghĩa bị vứt bỏ để chạy theo kinh tế thị trường, nhưng chính trị vẫn không thay đổi. Ở thế kỷ 21, CSVN đã lột xác nhưng tinh vi hơn, cai trị nhân dân Việt Nam khắc nghiệt và chuyên chính không khác gì thời cực thịnh của những tên CS độc tài Stalin, Mao hay Fidel Castro. Đằng sau những nụ cười hả hê của Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, có rất nhiều chiến sĩ dân chủ đang bị đoạ đầy. Chỉ trong năm 2010, cộng sản Việt Nam đã tuyên án gần 200 năm tù dành cho các chiến sĩ đấu tranh cho Dân chủ.
Bên cạnh bản chất tàn bạo và thâm độc, Việt Nam có đầy đủ yếu tính “bệnh hoạn” của nhà nước hậu CS. Trong đó, sự cám dỗ của kinh tế thị trường đã lũng đoạn và lây lan hầu hết tầng lớp đảng viên, cán bộ nhà nước. Bệnh tham nhũng lan tràn, bệnh quan liêu, bệnh vô cãm với nhân dân, bệnh bất tài nhưng nắm quyền lực, vô trách nhiệm v.v…Tất cả những căn bệnh này đang làm mục ruổng chế độ và phá nát tương lai đất nước. Nhưng đồng thời, cái cặn bả của chế độ toàn trị hậu cộng sản, cũng nhiễm qua nhiều bộ phận tiên tiến của dân tộc. Thực tế, sau nhiều năm bị cai trị trong chế độ độc tài, con người bị mềm ra. Ý chí phản kháng gần như bị triệt tiêu. Trí thức, bộ phận tiên phong nhất, có ảnh hưởng và làm nhiệm vụ cảnh báo cho tương lai dân tộc hầu hết đã bị chế độ CS thuần phục. Trí thức, có bằng cấp, trí tuệ, có điều kiện và phương tiện tiếp cận thông tin. Nhưng vì quyền lợi, đã đi đầu gối với chế độ toàn trị để yên thân.
Họ ca ngợi lòng yêu nước ghê gớm lắm, nhưng khi Trường Sa, Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm thì không phải việc của họ. Nhiều cuộc xuống đường, hầu hết do thanh niên sinh viên chủ động nhằm đòi lại chủ quyền đất nước bạn có thấy các bậc trí thức này không? Tôi thấy bạn trong số những thanh niên sinh viên tham gia biểu tình, đỏ mắt trông chờ đàn anh nhập cuộc. Bạn ạ, trí thức loại đó đừng để họ làm bạn phân tâm. Hãy cứ để họ yên, sống bằng đấu gối cho được việc.
Bạn, nhà tù và súng đạn chính là vũ khí của bạo lực để giử chế độ tồn tại. Đó cũng là sức mạnh của con thú Cộng sản. Chế độ toàn trị hiện hữu nhờ vào lòng sợ hãi của quần chúng. Khi nào quần chúng hết sợ hãi, lúc đó súng đạn và nhà tù không còn là sức mạnh của bạo lực. Hay nói cách khác, bạn nói riêng và nhân dân nói chung, có quyền lực chính trị nhưng chưa khai dụng hết sức mạnh để chống lại chế độ toàn trị.
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để chính mình có thể vượt ra khỏi nổi sợ hải. Khi nào mình hết sợ thì mới truyền được sức mạnh đó đến quảng đại quần chúng. Là kẻ đầu hàng chế độ hoặc bị sợ hải ám ảnh, bạn không đủ uy tín thuyết phục nhân dân tin theo. Vì chỉ khi nào nhân dân có được niềm tin, khi nào họ ý thức được tiềm lực của họ, cùng vượt qua nổi sợ hải để tham gia đấu tranh. Lúc đó, chúng ta mới có sức mạnh tổng hợp, để đẩy chế độ ra khỏi vị trí độc tài.
Trừ khi có đột biến chính trị và kinh tế. Tình hình hiện nay cho thấy lực lượng dân chủ chưa đủ sức mạnh làm bùng dậy tinh thần “không sợ hãi” trong quảng đại quần chúng. Do đó, mục tiêu trước mắt vẫn nổ lực xây dựng và phát huy tinh thần “phản kháng” bằng nhiều hành động cụ thể, bằng sự dũng cảm, hy sinh của chính mình, bằng các nổ lực đấu tranh tích cực, lâu dài và thuyết phục chứ không thể bằng các bài văn bóng bẩy, bằng các lời tuyên bố thừa và những tuyên cáo cũ rích.
Chống lại bộ máy toàn trị, một cá nhân không đủ sức. Bỏ đi tinh thần cá nhân chủ nghĩa, vượt qua được văn hoá anh hùng tính, đề hoà đồng vào tập thể, cùng chịu kỷ luật, cùng nương tựa và bảo bọc nhau trong đấu tranh. Cần phải ý thức rằng giai đoạn viết, nói, tuyên bố, xin cho.. v.v… đã qua. Đã đến lúc, cao trào dân chủ cần thể hiện bằng những hành động tích cực mang tính tổ chức, vận dụng và phối hợp nhuần nhuyễn các mặt đấu tranh trong và ngoài nước để hổ trợ nhau. Tập thể, mới mang lại sức mạnh, đối đầu hiệu quả với cơ chế toàn trị. Nó vừa có khả năng bảo vệ cá nhân, vừa nhân rộng tính chiến đấu và tạo thành sức mạnh tổng hợp, đủ sức thuyết phục quần chúng yễm trợ và nhập cuộc với chúng ta, quật ngã chế độ độc tài. Bạn, đấu tranh chống lại chế độ toàn trị cần nhiều anh hùng, nhưng anh hùng dễ bị đầu hàng, tha hoá và triệt tiêu. Tập thể mang tính tổ chức, có khả năng sống sót để đối đầu với chế độ toàn trị.
Bạn, đẩy mạnh các hoạt động dân chủ một cách tích cực cần phải vượt qua phạm vi đấu tranh riêng lẻ, tự phát. Hay nói cách khác, các chiến sĩ dân chủ chưa ra mặt hay đã công khai cần nhắm đến hướng đấu tranh tập thể, tránh đi theo hình thức cá nhân chủ nghĩa, vì lo sợ bị đàn áp hay vì những lý do thầm kín khác. Thực tế, nhà nước độc tài nào cũng tìm cách đàn áp đối lập, bất kể ở hình thức đấu tranh cá nhân hay tập thể. Khi mình rút vô trong vỏ bọc cá nhân, lại càng dễ cho họ đàn áp. Và nếu cứ tiếp tục như vậy, dù biện minh bằng lý lẽ nào thì hậu quả là khó lòng gây dựng được tiềm lực và tầm vóc cho lực lượng dân chủ.
Để tập trung và phát huy sức mạnh, nên đấu tranh có tổ chức, phối hợp và yễm trợ trong ngoài. Làm được điều này, các cá nhân, lực lượng dân chủ hiện đang hoạt động công khai và ngầm phải chủ động bức phá, tạo điều kiện tìm đến nhau, nổ lực vượt qua khó khăn, cái tôi, sự khác biệt, mạnh dạn ngồi lại, cùng hổ trợ và có chung phương thức đấu tranh. Chúng ta có nhiều lãnh tụ nhưng thiếu lãnh đạo. Hiện nay, khó khăn của phong trào là thiếu một số khuôn mặt có uy tín, tầm vóc đế qui tụ lực lượng. Nhà cầm quyền Hà Nội họ biết điều này, vì thế có ai công khai, có chút uy tín thì lực lượng an ninh ra tay triệt, hoặc cô lập, tạo chia rẽ, gây hiềm khích để làm xói mòn niềm tin và suy yếu lực lượng.
Tâm lý kỳ vọng một Việt Nam Gorbachev, hay một đột biến chính trị từ chính quyền cũng là hy vọng ảo. Hãy đứng vững trên đôi chân mình trước đã. Kinh nghiệm lịch sử từ các nước cộng sản, các cuộc cách mạng Đông Âu cho thấy khó có điều này. Nếu có một hay hai cá nhân cộng sản, ở vị trí lãnh đạo đột nhiên tỉnh thức, thì sự tỉnh thức đó phải trùng hợp với xu thế của dân chủ đang tác động vô họ một cách cấp bách. Nói cách khác, nếu ta muốn có cá nhân hay lực lượng dân chủ xuất phát từ chính quyền, từ đảng CSVN, thì ta lại càng đấu tranh mãnh liệt hơn nữa để tạo điều kiện cho họ ra mặt. Lúc đó, với sự công khai đối đầu của họ cùng với cao trào dân chủ, may ra có thể xoay chuyển tình thế. Còn không dám đấu tranh, sợ hy sinh, chưa tạo ra áp lực chính trị thì sẽ không có một Việt Nam Gorbachev hay một thế lực từ trong đảng CSVN quay về với Nhân Dân. Nếu giả sử đang có một bộ phận tích cực như vậy, thì chính họ cũng không dám ra mặt vì sợ bị đàn áp, tiêu diệt.
Bối cảnh đấu tranh hiện nay phải gồm hai vế. Vế quốc nội và hải ngoại, cùng phối hợp và yễm trợ nhau. Thiếu một trong hai vế này, cục diện đấu tranh không biết bao giờ mới có kết quả. Kinh nghiệm thời gian qua đã chứng minh điều này. Dĩ nhiên cũng không cần tranh luận, vế nào giữ vị trí chủ đạo và vế nào chỉ nên làm nhiệm vụ yễm trợ. Không biết mình biết ta, không biết sở trường, sở đoản thì khó nắm bắt được thế mạnh và yếu. Hậu phương, lại muốn đóng vai tiền tuyến hay ngược lại, vai trò trực diện nhưng chỉ muốn đứng trong hậu trường cho an thân, chờ thời. Hậu quả là chiến lược, chiến thuật sai, tự huyễn hoặc lấy mình, đánh giá mình cao vì chủ quan. Qui luật đã khẳng định, đấu tranh sa long, xa rời thực tế, đánh võ mồm, bàn giấy, chủ quan v.v… khó lòng tạo ra được ảnh hưởng thuận lợi.
Có nhiều bạn đặt niềm tin vào sự đoàn kết của các tổ chức. Bạn ạ, kỳ vọng vào sự thống nhất các lực lượng dân chủ ở trong nước hay hải ngoại cũng giống như kỳ vọng ở Việt Nam Gorbachev vậy. Điều này sẽ không tự nhiên xảy ra nếu không có sự tác động từ nhiều phía, nhiều môi trường. Hy vọng riêng chỉ ở ý thức “đoàn kết là sức mạnh” thì các tổ chức, đảng phái có thể tự dẹp những dị biệt, hiềm khích, tạo thành sức mạnh tổng hợp là điều không thực tế, mơ mộng.
Nhìn chung, có thể đau xót mà nói rằng vì bản chất chúng ta, ở trong nước hay ở ngoài nước, hầu như có phần giống nhau. Bệnh chia rẽ, thích tranh cải, hơn thua cái vụn vặt, tôi mạnh hơn cái ta, giỏi vun vén cho riêng mình, nhưng không dám hy sinh cho cái chung. Nặng cho mình mà nhẹ cho tập thể, thích chạy theo ngắn mà không thấy cái dài hạn, tâm lý đảng tính, cục bộ còn nặng nề. Vì vậy, có một tập thể coi tổ chức, đảng phái chỉ là phương tiện, dân tộc mới là cứu cánh, đặt quyền lợi đấu tranh dân chủ trước, lợi ích tổ chức, đảng phái sau, khó lắm. Phải thấy thực tế để khỏi hụt hẩng và thất vọng, bạn ơi.
Tôi cũng không nghĩ là phải có nhất nguyên, tức một Tổ Chức mạnh thì mới đối đầu được với chế độ CS, như có bạn đã từng đặt vấn đề. Khi xã hội đã dân chủ (môi trường hải ngoại) và đi vào qũy đạo đa nguyên, tìm kiếm cái ngược lại tức là trái với qui luật. Chế độ độc tài nhất nguyên CSVN, đã và đang bị thử thách từng ngày chính vì họ đang đi ngược xu thế lịch sử. Nếu có nhắm đến, thì đó là xây dựng nhiều cái “nhất nguyên” mạnh, tốt nhất trong môi trường đa nguyên. Mục tiêu vẫn là chủ động tự xây dựng lấy cái nguyên mạnh, nổi bật trong môi trường đa nguyên gồm nhiều tổ chức, đảng phái, phong trào chứ không kỳ vọng vào phép lạ từ các nhà dân chủ, các tổ chức đảng phái hải ngoại (hay quốc nội) cùng tự nguyện kết hợp thành một “nhất nguyên” để thống nhất đấu tranh đối đầu chế độ độc tài.
Về lâu dài, khi tạo được một “nguyên” mạnh trong môi trường đa nguyên thì hiệu qủa thấy được là có nhiều cái “nguyên” nhỏ, yếu kém, rời rạc, giác ngộ đến với nhau, vì ý thức được tự bản thân không thể đi một mình. Nói cách khác, quá trình tự hủy “cái riêng” để hội nhập “cái chung”, tự “đoàn kết” cần yếu tố “giác ngộ” và “môi trường chính trị” để tác động. Cả hai yếu tố đó hiện nay không có và chưa biết đến bao giờ mới có.
Bạn thân mến;
Tôi không khuyên bạn theo kiểu lên gân. Những người như bạn thì sáo ngữ, vỗ ngực xưng tên, dao to búa lớn chỉ bằng thừa? Tôi ghét kẻ thích nói chứ không thích làm, văn hoá xúi trẻ ăn cứt gà, thích dạy khôn chí phèo phải mất vài cuộc cách mạng mới thay nảo trạng. Đấu tranh gian khó, vợ con nheo nhóc, thiếu thốn mà vẫn dũng cảm treo biểu ngữ kêu gọi dân chủ, bày tỏ lòng yêu nước. Biết sẽ bị trấn áp, nhưng vẫn can đảm rải truyền đơn chống bán nước, độc tài. Cả tháng trốn công an mật vụ, thèm bữa cơm ngon cũng không có thì đầu môi chót lưỡi chẳng giải quyết được gì.
Thư này tôi viết cho các bạn, những người bạn còn đang ngồi tù vì tranh đấu cho lý tưởng và niềm tin, có người đang bôn ba, trốn chạy, không biết tương lai. Có người miệt mài, khắc khoải. Người hy vọng nhưng cũng có kẻ hoài nghi, tuyệt vọng. Và có cả các bạn đang muốn nhập cuộc đấu tranh nhưng còn lưỡng lự, chần chừ.
Bạn ơi, tôi chỉ khuyên bạn là hảy sống hết mình với chính bạn. Ranh giới giữa lòng trung thành và sự phản bội chỉ cách một đường ngang. Đời người cũng không dài. Nó có mặt trái và mặt phải đấy bạn. Có dối trá và sự thật, có bọn đạo đức giả và cũng có những nhà chân tu. Có tuyệt vọng và hy vọng, hạnh phúc lẫn khổ đau, phải kinh qua nếu bạn dám đi con đường gian khó. Trong thế giới cô đơn, chúng ta chỉ có một sự lựa chọn để sống. Hoặc đứng ưởn ngực trước bạo lực hoặc đi bằng đầu gối. Bạn cứ chọn và sống cho chính bạn, rồi sẽ cảm nhận được giá trị bạn đang sống một cuộc đời đáng sống.
Đỗ Thành Công
Gửi ý kiến của bạn