BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77114)
(Xem: 63206)
(Xem: 40609)
(Xem: 32244)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đài phát thanh Sài-gòn Tết Mậu Thân

12 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1519)
Đài phát thanh Sài-gòn Tết Mậu Thân
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
2.73
Vũ Đức Vinh


Trung tá Vũ Đức Vinh , bút hiệu Huy Quang , Tổng Giám Đốc Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà gồm đài phát thanh Saigon và trên 10 đài khác từ 1965 đến 1968 . Trước đó ông phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội từ 1955-1956 , biên tập viên của đài Saigon trong phần thời sự từ 1957-1959 , thành viên của ban Tao Đàn trên đài Saigon từ 1956-1965 . Tác phẩm : truyện ngắn trên các báo ở Hà nội trước 1954 , " Đôi Ngả " , " Những Mái Đầu Xanh … " . Mất ngày 9 tháng 12, 2005 tại Seattle tiểu bang Washington .

***


Ngày mồng Một Tết Mậu Thân nhằm ngày 31 tháng Giêng năm 1968 tại Sài-gòn là một ngày ngập nắng vàng tươi , màu nắng điển hình trên bầu trời xanh trong của quê hương miền Nam mỗi độ xuân về . Người dân Sài-gòn năm đó đón Tết trong tâm trạng quẳng gánh lo đi để vui hưởng cái hương vị yên bình của ngày đầu năm . Ít ra trên nguyên tắc , cuộc chiến cũng đã tạm thời ngưng lại qua thỏa hiệp hưu chiến được loan báo từ ngày hôm trước .

Nhưng riêng tôi từ sáng sớm ngày Một Tết đã cảm thấy có điều không ổn . Nhân viên trực phòng Thâu Tin của đài Sài - gòn điện thoại cho tôi biết đài Qui-Nhơn đã bị đột nhập đêm Giao thừa . Sau đó tài xế trực của đài mang một bản tin thâu được hồi đêm đến nhà cho tôi đọc . Thường ngày các bản tin được phòng Thâu Tin ghi thành hai bản , một bán dành cho phòng Tin Tức Thời Sự để khai thác làm tin , còn một bản dành cho Tổng Giám Đốc để theo dõi . Bản tin này gồm đủ các loại tin của các hãng thông tấn quốc tế như AP , AFP , UPI , Reuters , và các đài phát thanh như BBC ( Anh ), VOA ( Mỹ ), NHK ( Nhật ), Hà-nội , Bắc-kinh , v.v… . Bản tin tôi nhận được cho biết trong đêm Cộng quân đã có nhiều hoạt động vi phạm ngưng chiến ; chẳng những ở Qui-Nhơn mà còn ở các tỉnh khác , như Pleiku , Khánh-Hòa , Darlak , và Quảng-Trị . Tôi tự hỏi liệu sẽ còn những vi phạm nào nữa trong chiều tối nay không ?

Tôi không có dữ kiện nào khác để lượng định mức độ khẩn trương của chiến sự ngoài các bản tin . Mối lo của tôi sau khi đọc tin thật ra chỉ là mối lo thông thường của người có trách nhiệm về những cơ sở nằm trong mục tiêu xung kích của địch mà thôi . Hệ thống truyền thanh quốc gia là một trong những mục tiêu chọn lựa của địch, gồm có 7 đài phát thanh địa phương , 5 đài tỉnh và đài trung ương nằm tại số 3 đường Phan Đình Phùng (1) Sài-gòn , được kêu là đài Sài-gòn . Mặc dù đã được các giới chức quân sự bảo đảm tăng cường hệ thống phòng thủ các trụ sở phát thanh trên toàn quốc , tôi không thể yên tâm sau khi đài Qui-Nhơn bị tấn công .

Cơ sở bị tấn công là điều đáng lo , nhưng còn lo hơn là nếu chẳng may làn sóng phát thanh bị đối phương sử dụng để dấy động quần chúng thì hậu quả hẳn khó lường . Tôi liên lạc với đài Qui-nhơn không được , đường điện thoại tại đó đã bị cắt .

Đến trưa , như chương trình đã định trước , tôi tới nhà riêng của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong căn cứ Tân Sơn Nhất để dự cuộc tiếp tân do ông khoản đãi .

Tướng Kỳ là Phó Tổng Thống , từ mấy năm trước cứ vào ngày đầu năm ông mở tiếp tân tại tư gia để họp mặt với bạn bè cùng các người cộng sự . Đây là một sinh hoạt đã trở thành thông lệ của ông . Tại đây tôi gặp một số tướng lãnh như các tướng Nguyễn Ngọc Loan , Lê Nguyên Khang , Trần Văn Minh cùng một số giới chức quân sự cao cấp .

Tôi được biết thêm một số tin tức về tình hình chiến sự trong đêm , và theo nhận định chung của các sĩ quan có thẩm quyền thì không có dấu hiệu gì khiến phải lo ngại quá đáng Không khí buổi họp mặt đầu năm vui tươi thích hợp với ngày Tết . Pháo đốt liên tiếp phủ đỏ khoảng sân rộng trước nhà tướng Kỳ .

Nhưng những điều đọc được qua bản tin hồi sáng còn ám ảnh tâm trí tôi . Nấn ná một lúc , tôi rời nhà tướng Kỳ lên đài Sài - gòn để từ đó điện thoại liên lạc với các đài địa phương . Tôi vẫn không kêu được đài Qui-Nhơn nhưng liên lạc được với Ty Thông Tin gần đó để dò hỏi tin tức . Được biết không có thiệt hại nhân mạng nào bên đài phát thanh , tôi tạm yên tâm. Sau đó tôi lần lượt liên lạc với các đài khác . Hầu hết các ông quản đốc đài đều có mặt , như ông Nguyễn Cửu Tú đài Huế , ông Nguyễn Hân đài Ban Mê Thuột , ông Hoàng Anh Tuấn đài Đà-lạt , ông Vương Đức Lệ đài Long An . Chúng tôi trao đổi tin tức và kiểm điểm lại phương thức liên lạc khi cần thiết . Lúc đó, ngay tại đài Sài-gòn cũng có mặt các ông Võ Hồng Chí phụ trách Sở Tin Tức Thời Sự , ông Trần Ngọc Vân phụ trách Phòng Bình Luận , ông Lê Thái Tuế và một số biên tập viên , và ông Phạm Thái Thủy bên Sở Chương Trình . Tuy là ngày lễ nhưng tùy theo công việc mỗi người chúng tôi vẫn có mặt khi tự thấy là cần thiết . Tôi họp với các người có mặt lúc đó, nói về trường hợp Đài Qui Nhơn và bàn về những bất trắc có thể xảy ra , nhất là làm sao duy trì liên lạc và có tin tức trong mọi trường hợp bất thường .

Vào thời gian đó điện thoại tại tư gia còn hạn chế ; chỉ các công chức cấp chánh sở xấp lên và các sĩ quan cao cấp mới có điện thoại gắn tại nhà . Không phóng viên Vô Tuyến Truyền Thanh nào có điện thoại riêng , nhưng ông Võ Hồng Chí cho biết các phóng viên của ông đã sắp xếp để khi cần có thể tới kêu nhờ điện thoại của một nhà buôn cùng khu phố , hoặc của một thân nhân là sĩ quan hay công chức cao cấp .

Thường ngày sinh hoạt tại đài Sài-gòn rất tấp nập . Ngoài số nhân viên đông đảo còn các ban nhạc, ban kịch thay phiên ra vào theo giờ thâu thanh dành cho từng ban. Nhưng vào chiều mồng Một Tết này , chỉ có một số nhân viên biên tập, xướng ngôn và hòa âm có mặt mà thôi . Chiếc cổng sắt được kéo lại còn vừa lối ra vào cho một người đi lọt, và tại đó có vài ba người cảnh sát công an túc trực . Trên phía vỉa hè ngoài cổng sắt rào cản kẽm gai kéo dài ra tới vọng gác nằm trên ngã ba đường Phan Đình Phùng và Phan Kế Bính , tại đó có một quân nhân thuộc đơn vị phòng thủ đứng gác . Quán phở trước cổng đài luôn đông đảo khách ra vào ngày thường , hôm nay đóng cửa im lìm . Khung cảnh trước cổng đài chiều nay phảng phất cái không khí heo hút của một tiền đồn nơi chiến tuyến .

Khoảng 5 giờ tôi ra về , nhưng trước khi rời khỏi đài tôi dạo một vòng lên khu sân thượng và khu sân sau là nơi các quân nhân thuộc đơn vị phòng thủ thường trải chiếu hoặc pông - sô để ngủ tối . Tôi nhận thấy số người quá ít so với quân số một trung đội . Hỏi một quân nhân tôi được biết số còn lại sẽ tới vào buổi tối .

Tôi rời khỏi đài mà lòng không yên. Con đường Phan Đình Phùng khúc gần đài có nhiều cây cao dọc hai bên , tỏa bóng che mát mặt đường . Trong cái không khí êm ả , tĩnh mịch của khu phố thỉnh thoảng vẫn ròn rã vọng về từng loạt pháo đón xuân từ các khu phố xa .

Tôi về nhà dự phần giỗ tết trong gia đình xong thì trời đã tối hẳn. Điện thoại lên đài Sài - gòn nói chuyện với một nhân viên trực, tôi được biết anh em quân nhân thuộc đơn vị phòng thủ vẫn chưa tới đủ . Điều này khiến tôi thật không yên tâm , Tôi lái xe lên đài .

Nhà tôi ớ đường Tô Hiến Thành , phía Ngã Bảy, cách đài khoảng 20 phút lái xe . Khúc đường Phan Đình Phùng gần đài tối hơn các khúc đường khác , nhưng nhân viên đài đã báo cho lính canh vọng gác phía ngoài biết . Người lính gác kéo rào cản kẽm gai cho xe tôi vào thẳng cổng đài . Lúc đó ông Trần Công Thân , Giám Đốc Kỹ Thuật đã có mặt trong đài . Ông đã liên lạc với tôi từ lúc trưa và chia xẻ nỗi lo âu của tôi sau khi được biết đài Qui Nhơn đã bị tấn công đêm Giao thừa . Ông Thân đến Đài để kiểm soát lại hệ thống liên lạc từ đài với các trung tâm phát tuyến Phú Thọ và Quán Tre . Hai trung tâm này nằm cách Đài Sài-gòn khoảng 10 và 16 cây số về hướng tây bắc, có trang bị các máy phát thanh có công suất cao từ 10 , 50 đến 100 kilowatts .

Ông Thân cho tôi biết đã liên lạc với ông Đào Văn Nam , Quản Đốc Trung Tâm Quán Tre , và ông Hồ Văn Huệ , Quản Đốc Trung Tâm Phú Thọ và được xác nhận có đầy đủ nhân viên tức trực. Tôi cảm thấy yên tâm , nhưng còn việc canh phòng ngay tại đài trung ương này ! Tôi đi vòng ra khoảng sân phía sau đài . Có một vài binh sĩ mặc đồ trận đang ngon giấc trên những tấm bạt nhà binh trải trên nền xi-măng . Hẳn những anh em này ngù trước để rồi lo các phiên gác vào đêm .

Tôi cũng lên sân thượng của đài và thấy khoảng trên 10 binh sĩ đang tụ tập đánh bài . Trở lại văn phòng ở tầng dưới, tôi nhờ một nhân viên an ninh kêu sĩ quan chỉ huy trung đội phòng thủ tới gặp. Sĩ quan này là một trung úy ở tuổi ngoài hai mươi . Tôi lưu ý ông về tính cách quan trọng của trụ sở phát thanh, và cho ông biết mối lo ngại của tôi , về những vụ cộng sản vi phạm hưu chiến trong đêm Giao thừa . Ông trung úy đoan chắc với tôi là các trạm canh được trấn gác cẩn mật và hứa sẽ cho các binh sĩ đi ngủ sớm .

Mặc dầu vậy, tôi vẫn kêu điện thoại nói chuyện với một sĩ quan cao cấp bên Cục An Ninh Quân Đội có thẩm quyền giám sát việc phòng thủ khu vực quanh Cục An Ninh Quân Đội và đài Sài-gòn . Hai cơ quan này nằm trong vị trí cách nhau có một con đường . Vị này cho tôi biết chẳng nên lo ngại quá đáng. Ông còn nói trung đội phòng thủ đài phát thanh mới từ mặt trận về , “ nhân ngày Tết cũng nên cho đàn em nó được xả hơi một chút ! ” . Lúc đó đã hơn 11 giờ khuya , nhưng tôi còn nấn ná chờ đọc bản tin mới nhất mà Phòng Thâu Tin đang thâu .

Khoảng 11 giờ 30 phút , vợ tôi từ nhà kêu điện thoại nhắc tôi ngày mồng Một Tết nên về nhà mà ngủ . Nhà tôi đã quen lối làm việc bất kể giờ giấc của tôi, và thông cảm với sự bề bộn công việc do tôi đảm trách , nhưng vẫn không thể bỏ qua chuyện dị đoan cho rằng ngày đầu năm mà không ngủ nhà là sẽ dông cả năm , không tốt . Liền sau cú điện thoại tôi ra về . Qua khung cửa kính của phòng vi âm nhỏ bên cầu thang đi xuống tầng dưới tôi thấy xướng ngôn viên Minh Diệu đang giới thiệu một chương trình nào đó. Bà Minh Diệu là vợ của nhạc sĩ Mạnh Phát thường làm việc trong các phiên chiều tối .

Sinh hoạt chính của ngành phát thanh như đọc tin, đọc bình luận hội luận , thoại kịch, ngâm thơ , ca hát , trình diễn cải lương đều thực hiện trong các phòng vi âm, cách âm với bên ngoài . Vì vậy không khí làm việc trong đài phát thanh thường yên tĩnh . Lúc này gần nửa đêm càng yên tĩnh hơn .

Từ cổng đài tôi lái xe về phía trái ra ngã ba Phan Đình Phùng và Phan Kế Bính . Người lính gác từ trong vọng gác bước ra phụ giúp nhân viên an ninh kéo rào cản cho xe tôi ra . Đường khuya vắng , nhưng tiếng pháo từ các khu phố xa vẫn lác đác vọng tới nghe rất rõ .

Tôi về nhà , sắp lên giường thì chuông điện thoại reo . Bên kia đầu dây là tiếng nói quen thuộc của nhân viên trực điện thoại đài Sài-gòn : “ Thưa ông , Việt Cộng đã lên lầu hai ” . Cùng với lời báo cáo khẩn cấp này , qua đường dây tôi nghe rõ những tiếng nổ chát chúa. Liền đó tiếng điện thoại tắt ngay .Phản ứng đầu tiên của tôi là ra phòng ngoài dừng chiếc máy truyền tin siêu tần số FM5 mà phòng kỹ thuật của đài đã trang bị cho tôi . Tôi liên lạc được ngay với ông Trần Công Thân và ông Đào Văn Nam . Tôi được hai ông đoan chắc là nhân viên kỹ thuật đã cắt hệ thống chuyển âm từ trụ sở đài tới trung tâm phát tuyến , nghĩa là địch sẽ không sử dụng được làn sóng . “ Chúng không làm gì được ! ” ông Thân cho tôi biết . Liền đó tôi yêu cầu ông Nam cho chạy ít đĩa nhạc trong khi chờ đợi bản tin. Tiếp theo, giới chức cao cấp đầu tiên trong chính phủ mà tôi liên lạc là ông Đoàn Bá Cang , Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng . Vì Cục Vô Tuyến Truyền Thanh bao gồm đài Sài-gòn mang quy chế tự trị nên chúng tôi nằm trong sự thống thuộc của Phủ Thủ Tướng và ông Cang là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị . Theo hệ thống làm việc tôi điện thoại cho ông Cang trước và trình bày tóm gọn với ông sự kiện đặc công cộng sản đã đột nhập đài Sài-gòn , giao tranh đang diễn ra ngay trong đài . Tôi cũng cho ông biết đài vẫn bảo vệ được làn sóng, và chúng tôi xin chỉ thị của Thủ Tướng . Ông Cang là một người trong ngành ngoại giao lâu năm nên nói năng lúc nào cũng trịnh trọng . Ông nói :

- Việc này liên quan đến tình hình quân sự , ông Tổng giám đốc cứ trình thẳng Thủ Tướng .

Tiếng súng lúc đó đã nghe rõ từ nhiều nơi trong thành phố, kể cả tiếng pháo kích từ ven đô dội vào . Tôi quay số điện thoại của Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc . Nghe tôi trình bày xong , Thủ Tướng nói :

- Việc quân sự quan trọng tôi không nắm vững. Ông Vinh có thể trình thẳng Tổng Thống .

Tôi điện thoại cho Đại Tá Võ Văn Cầm , Chánh Văn Phòng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu . Ông Cầm nói sẽ trình Tổng Thống rồi kêu lại tôi ngay .

Trong khi chờ đợi , tôi được điện thoại của ông Võ Hồng Chí cho biết ông đã thu thập được một số tin tức từ quanh chỗ ông cư ngụ trong vừng Phú Nhuận , và ghi nhận có tiếng súng lớn từ miệt Gò Vấp . Chúng tôi trao đổi tin tức , rồi sau đó ông Chí tìm cách liên lạc với các phóng viên trực thuộc ông .

Nóng lòng chờ tin phủ Tổng Thống tôi lại điện thoại cho Đại Tá Cầm . Ông Cầm nói vẫn đang chờ lệnh Tổng Thống và đoán chắc sẽ có chỉ thị của Tổng Thống trong vài phút nữa . Chiếc máy truyền tin siêu tần số FM5 và máy điện thoại của tôi đặt trên chiếc bàn viết trông ra khoảng vườn nhỏ trước sân nhà trong khu cư xá Phú Thọ trên đường Tô Hiến Thành . Con đường này lúc đó không một xe qua lại .

Từ giây phút đầu biến cố tôi vẫn đứng bên bàn viết . Vợ tôi đang ngồi bên phòng khách theo dõi lo lắng . Bốn đứa con trên dưới 10 tuổi của chúng tôi vẫn ở trong phòng ngủ của chúng . Nhà tôi đã cấm chúng không được ra khỏi phòng ngủ, và chắc chúng đã ngủ trở lại . Tôi chợt nhớ và tự hỏi nếu hồi nãy cứ nấn ná ở trên đài lâu hơn , liệu có thể tôi đã bị kẹt lại trong đài không .

Từ chiếc máy thu thanh hiệu Zenith bên phòng khách vẫn réo rắt tiếng nhạc êm dịu . Đó là những bản nhạc được phát ra từ trung tâm phát tuyến Quán Tre . Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên bàn viết . Từng phút qua đi , dài đằng đẳng Không thể chờ lâu hơn , tôi lại kêu Đại Tá Cầm , nhưng lần này chuông reo rất lâu mà không có trả lời. Tôi nghĩ chắc phải có chuyện bất thường .

Sau đó tôi điện thoại vào tư gia của Tướng Nguyễn Cao Kỳ , Phó Tổng Thống . Người nhấc ống nói là Đại úy Hồ Đăng Trí , tùy viên Tướng Kỳ . Ông Trí cho tôi hay là Tân Sơn Nhất đang bị pháo kích dữ dội, gia đình ông tướng đang chờ trực thảng tới bốc di tản , và ông tướng không thể nói chuyện với tôi .

Không thể nói chuyện với Tướng Kỳ nhưng tôi đã biết thêm một điều qua ông Trí là Tân Sơn Nhứt đang bị pháo dữ dội . Dữ kiện này cho thấy tình hình thêm nghiêm trọng . Tới lúc đó đã 10 phút trôi qua . Tôi thấy tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy thu thanh bên phòng khách thật lãng nhách . Tôi muốn sớm có ngay một bản tin .

Tôi không sao liên lạc được với Tướng Nguyễn Ngọc Loan , Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia và Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội . Người Phụ Tá của ông cho biết ông đang ở ngoài đường điều động các lực lượng cảnh sát . Tôi kêu tới tư thất của Tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Trấn Sài-gòn . Chính tướng Khang trả lời điện thoại . Tôi trình bày với ông là Cộng quân đã xâm nhập đài Sài-gòn . Tôi nói chưa hết câu thì ông ngắt :

- Toa ( toi ) nói sao ? . Đài của toa vẫn đang phát nhạc đấy thôi .

Hậu trường có tiếng nhạc . Hẳn lúc đó Tướng Khang đang nghe đài Sài-gòn , và không ngờ đài đã bị đặc công đột nhập .

Tôi tường thuật vắn tắt sự việc cho Tướng Khang rõ . Tướng Khang nói tôi thử kêu Biệt Khu Thủ Đô xem sao . Tôi liền kêu Đại Tá Nguyễn Văn Giám bên đó . Ông Giám cho biết có nhiều tiếng súng trong thành phố , nhưng ông chưa nhận được báo cáo nào .

Đến lúc đó tôi thấy không thể chờ đợi lâu hơn . Tôi quyết định cho loan tin căn cứ trên những tin chúng tôi đã thâu thập được qua các cuộc điện đàm dù rất ít .

Đúng lúc đó , ông Chí đài Sài-gòn kêu lại cung cấp thêm một số tin mà ông đã được các phóng viên của ông chuyển về . Theo tin của một phóng viên cư ngu trong quận Nhất thì có nhiều tiếng nổ ở phía cuối đường Thống Nhất , tức nơi tọa lạc tòa đại sứ Hoa Kỳ . Tôi liền soạn ngay bản tin ngắn đại ý loan báo khoảng 20 phút trước , vàn thời gian nửa đêm Cộng quân đã tấn công vào thủ đô , pháo kích căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất , công phá một số cơ sở thuộc trung tâm thành phố , và xâm nhập đài phát thanh Sài-gòn , nhưng tại mọi nơi mưu toan của chứng đã bị chặn đứng . Bản tin viết tiếp là các đơn vị thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn giũ vững vị trí và đồng thời khuyến cáo đồng bào không nên đốt pháo .

Tôi chuyển ngay bản tin cho ông Nam tại Trung Tâm Quán Tre để loan đọc . Liền đó từ chiếc máy Zenith của tôi tiếng nhạc ngưng lại , nhường làn sóng cho bản tin .

Tôi lắng nghe từng lời và cảm thấy nhẹ nhõm khi bản tin chấm dứt . Đài Sài-gòn đã có tin nhanh nhất cho thính giả . Tôi yêu cầu ông Nam cho đọc bản tin nhiều lần , cách quãng chừng một hai phút . Ông Chí vẫn giữ liên lạc với tôi, cho biết thêm tin có một vài phóng viên của đài ra khỏi nhà là bị lính gác từ đầu phố đuổi về . Tôi yêu cầu ông Chí liên lạc với ông Nam để cho thêm chi tiết đó vào bản tin , để người nghe thấy có sự hiện diện của quân đội và lực lượng an ninh ngoài đường phố , đồng thời cũng để cảnh giác đồng bào không nên ra khỏi nhà . Tôi cũng kêu lại Đại Tá Cầm và vẫn không thấy trá lời .

Sau khi bản tin đọc trên đài vài ba lần , tôi nhận được điện thoại của Tướng Kỳ . Ông nói với tôi :

- Bản tin trên đài như vậy là được lắm ; nhưng anh cho loan thêm là tôi thừa lệnh Tổng Thống vắng mặt khỏi thủ đô ra lệnh cho các đơn vị ta nằm trong khu vực xung kích của địch phải giữ vững vị trí và phản công . Tôi cũng kêu gọi đồng bào trên toàn quốc tin tưởng vào sự bảo vệ của quân đội .

Tôi ghi ngay những điều ông Kỳ nói , đồng thời cũng tin ông biết là tôi dã liên lạc với Đai Tá Cầm và ông Cầm cho biết sẽ có chỉ thị của Tổng Thống . Tôi cũng nêu thắc mắc nếu không nói lý do Tổng Thống vắng mặt có thể khiến dân chúng hoang mang . Tướng Kỳ cao giọng :

- Ông Tổng Thống về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết rồi . Nếu tôi không thừa ủy nhiệm mà lên tiếng thì chẳng những dân mà quân cũng hoang mang luôn , còn mệt nữa . Anh cứ cho loan như vậy đi .

Trước khi đặt máy , tôi hỏi thăm Tướng Kỳ về tình hình pháo kích trong Tân Sơn Nhất , ông cho hay :

“ Khu trục lên , chúng nó câm rồi ” . Ông cũng cho biết gia đình ông không phải di tản .

Tôi thi hành chỉ thị của ông . Bản tin đài Sài-gòn liền đó có thêm lời hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ . Tôi cũng cho loan thêm tin máy bay khu trục của Không Quân đã truy kích các ổ súng pháo kích , và pháo kích từ ven đô đã ngưng lại .

Sau này tôi được biết nhiều tướng lãnh và chỉ huy trưởng các đại đơn vị từ nhiều nơi trên khắp bốn vùng chiến thuật đã liên lạc với Tướng Kỳ ngay sau khi nghe lời hiệu triệu của ông trên đài Sài-gòn ; và Tướng Kỳ cho hay , “ nhờ vậy đã tránh được tình trạng hoang mang trong quân đội để từ đó việc phối trí phản công được mau chóng hơn ” .

Cứ thế , mỗi khi có thêm tin , chúng tôi lại cập nhật hóa bản tin . Các phóng viên đài Sài-gòn tuy không thể đi xa khỏi khu phố nhà họ , nhưng vẫn nghe ngóng thu thập tin và liên lạc chuyển tin về ông Chí hoặc ông Nam . Bản tin mỗi lúc một phong phú hơn .

Khi gần sáng chúng tôi liên lạc và nhận được những tin tức từ các sĩ quan trực bên Bộ Quốc Phòng , Tổng Nha Cảnh Sát , Tòa Tồng Trấn và Biệt Khu Thủ Đô. Tôi cũng được tin một đơn vị Nhảy Dù đã được phái đến để lấy lại đài Sài-gòn .

Cho đến lúc đó tôi vẫn giữ liên lạc điện thoại với hai ông Thân , ông Chí . Tôi ngỏ ý định lên đài để theo dõi tại chỗ cuộc phản công của đơn vị Dù . Ông Thân và ông Chí đều hưởng ứng . Ông Chí từ Phú Nhuận sẽ lên thẳng đài ; còn ông Thân từ Chợ-lớn sẽ ghé nhà tôi để cùng đi . Tôi phải chờ khá lâu mới thấy ông Thân đi bộ tới . Thì ra ông đã bị lính Mỹ chặn xe tại chợ Trần Quốc Toản, và ông phải bỏ xe tại đó đi bộ một cây số đường vào nhà tôi .

Khi ra khỏi khu phố nhà tôi , trời đã sáng rõ mặt người, toán lính Mỹ chặn ông Thân tại khu chợ cá Trần Quốc Toàn hồi nãy đã rút đi . Tôi lái xe qua Ngã Bảy , theo đường Hồng Thập Tự , và quẹo vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm dừng lại trước cổng trụ sở Cục An Ninh Quân Đội . Nơi này cách cổng sau đài Sài-gòn khoảng 100 thước .

Ra khỏi xe , nhìn về phía đài , tôi thấy một vài quân nhân Nhảy Dù hoặc đứng nấp sau thân cây bên đường , hoặc nằm úp trên mặt đường , miệng súng chĩa vào phía trong đài . Tất cả đang ở trong vị thế sửa soạn tấn công , trong khi tiếng loa từ phía chòi canh trên cao bên An Ninh Quân Đội đang hướng qua đài phát thanh kêu gọi các đặc công cộng-sản buông súng . Tại ngã tư, bên lề đường Phan Đình Phùng , tôi nhìn thấy ông Chí , các phóng viên Lê Phú Nhuận , Nguyễn Thiên Ân, Vũ Ánh , Nguyễn Mạnh Tiến ; một số giới chức thuộc đài như các ông Lã Huy Quý , Trần Ngọc Vân , Uyên Thao , Thái Thủy , cùng một số anh chị em biên tập phụ trách ca sáng. Đài chưa được giải tỏa nhưng quý vị này đã sẵn sàng làm việc lại .

Tôi tiến đến gần cổng đài , và nhận ra Tướng Nguyễn Ngọc Loan đang ngồi trên chiếc ghế kê sát cạnh tường phía bên kia cổng với khẩu súng tiểu liên trên đùi. Ông mặc bộ đồ dã chiến có áo giáp quanh ngực , nét mặt so với lúc thường không thay đổi , vẫn cái nhìn linh động tự tin, vẫn nụ cười hóm hỉnh , Ông vẫy tôi qua . Tôi và ông Thân băng nhanh qua cổng . Một binh sĩ Nhảy Dù theo bén gót chúng tôi đã bị đạn trúng chân do một đặc công từ cầu thang trong sân đài bắn ra . Anh chiến sĩ bị thương được đưa đi cấp cứu tức thì . Súng tiếp tục nổ nhưng Tướng Loan cho biết bên trong chỉ còn một hoặc hai tên đặc công mà thôi .

Khoảng một tiếng đồng hồ sau thì đơn vị tăng cường tái chiếm đài phát thanh đã thanh toán xong tên đặc công cuối .

Tôi cùng Tướng Loan vào Đài và đi thẳng lên lầu hai là nơi trang bị các tiện nghi hạ tần . Trong một phòng hòa âm nhỏ chúng tôi thấy trên bàn một cuốn băng lớn mà băng được kéo gỡ ra khá dài và rối tung . Cuốn băng này khác với loại băng thường được sử dụng tại đài . Người hòa âm của đài bị kẹt đêm hôm trước cho hay đó là cuốn băng mà mấy đặc công định cho chạy nhưng không được . Tướng Loan bảo một tùy viên lấy cuốn băng đó mang về Tổng Nha Cảnh Sát. Ít ngày sau tôi được Tướng Loan cho biết cuốn băng mang lời kêu gọi quân dân Miền Nam “ vùng dậy lật đổ chế độ Thiệu Kỳ ” .

Kiểm kê tại chỗ những tổn thất của cộng-sản , đơn vị tái chiếm đài cho biết đếm được 6 hay 7 ( đến nay tôi không còn nhớ rõ ) tử thi đặc công . Tôi cũng được biết có vài ba quân nhân thuộc lực lượng phòng thủ đã hy sinh. Riêng đài Sài-gòn có một mất mát là anh Hửng , người tài xế trẻ tuổi đã mang bản tin đến nhà tôi hôm trước . Các nhân viên khác làm việc trong ca đêm hôm đó như biên tập viên , hòa âm viên , phụ trách thâu tin , điện thoại , và bà xướng ngôn Minh Diệu đã tìm cách ẩn nấp an toàn giữa các lằn đạn giao tranh . Họ đã trải qua một đêm hãi hùng . Về thiệt hại vật chất , các phòng vi âm và máy móc kỹ thuật trên lầu hai bị hư hại nặng không còn sử dụng được .

Khi Tướng Loan ra về thì nhân viên đài cũng đã tề tựu đông đủ . Chúng tôi họp các giới chức điều khiển đài bàn cách thích ứng với các điều kiện làm việc mới thiếu thốn tiện nghi máy móc . Vì cần thời gian chấn chỉnh kỹ thuật tại trụ sở hạ tần, chúng tôi quyết định tạm thời phát thanh trực tiếp từ trung tâm phát tuyến Quán Tre , và tôi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân xin cho trực thăng chuyên chở phóng viên , biên tập viên cùng chuyên viên kỹ thuật xuống làm việc tại trung tâm ngay buổi sáng hôm đó . Sở dĩ cần phương tiện chuyên chở của Không Quân vì cho tới lúc đó giao tranh còn tiếp diễn làm tắc nghẽn trục giao thông đường bộ Sài-gòn – Quán Tre .

Quãng gần trưa tôi được điện thoại của phòng Báo Chí Phủ Tổng Thống yêu cầu tới Bộ Tổng Tham Mưu để thâu băng lời hiệu triệu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu .

Tôi lên xe cùng ông Trần Công Thân và một nhân viên kỹ thuật phụ trách thâu băng vào Bộ Tổng Tham Mưu .

Tại đại sảnh kế cận bên văn phòng Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên , tôi thấy rất đông các giới chức lãnh đạo chính phủ gồm Tổng Thống Thiệu , Phó Tổng Thống Kỳ , Thủ Tướng Lộc , Đại Tướng Viên , các bộ trưởng , một số tướng lãnh như Nguyễn Bảo Trị , Đặng Văn Quang , Nguyễn Đức Thắng , Lê Nguyên Khang . Chắc quý vị này mới họp xong .

Tôi trao đổi đôi câu chào hỏi với một vài vị đứng ngay phiá ngoài , rồi do sự hướng dẫn của một sĩ quan tùy viên , chứng tôi đi thẳng vào một phòng họp nhỏ ở phía trong .

Khi nhân viên kỹ thuật của chúng tôi đặt máy ghi âm trên một chiếc bàn lớn kê giữa phòng , ông Thân nhắc tôi trình Tổng Thống diễn tiến về việc liên lạc với Đại Tá Cầm đêm hôm trước . Lời nhắc ấy khiến tôi nhớ lại đoạn viết về sự vắng mặt của Tổng Thống khỏi thủ đô mà Phó Tổng Thống Kỳ yêu cầu tôi ghi vào bản tin , Tôi gật đầu hiểu ý .

Khi máy đặt xong , sĩ quan tùy viên bước ra mời Tổng Thống , và ông Thân cũng ra theo . Trong phòng chỉ còn lại tôi và nhân viên kỹ thuật . Một phút sau Tổng Thống Thiệu bước vào . Ông mặc bộ đồ kaki , áo ngắn tay , khóe nhìn có phần đăm chiêu . Theo sau là Trung Tá Trần Văn Lâm , Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã và cũng là Giám Đốc Báo Chí Phủ Tổng Thống .

Là quân nhân biệt phái tôi thường mặc y phục dân sự , nhưng hôm đó tôi mặc quân phục . Tôi chào Tổng Thống theo quân cách, và ông giơ tay bắt tay tôi .

Tôi đã có dịp diện kiến Tổng Thống vài ba lần trong những năm trước , kể cả lần ông mở tiếp tân khánh thành Dinh Độc Lập tái thiết . Lần nào cái siết tay ông dành cho tôi cũng chặt chẽ , chưa bao giờ lỏng lẻo hờ hững như lần này . Tôi nhớ ngay đến bản tin đêm trước và lời nhắc của ông Thân . Hẳn rằng bản tin đã làm Tổng Thống không vui vì loan tin ông không có mặt tại thủ đô vào lúc mà sự có mặt của ông rất cần thiết . Nhưng tôi vẫn muốn nghĩ ông không vui vì đã thức trắng đêm , rồi lại họp suốt buổi sáng nên tâm thần mệt mỏi không còn như lúc thường .

Tôi không đề cập gì đến bản tin đêm trước , và cũng không giải thích gì cả . Tôi mời Tổng Thống vào bàn thâu băng . Trung Tá Lâm đi lên trước đặt bên chiếc máy vi âm một bài viết soạn sẵn .

Bài hiệu triệu lâu khoảng mười phút . Khi Tổng Thống đọc xong , người chuyên viên quay lại đoạn băng để ông nghe . Ông gật đầu hài lòng rồi đứng dậy hướng ra phía cửa . Lúc đó tôi đã di chuyển về góc bàn ở phía trong đứng bên ông Lâm . Từ vị từ đó tôi giơ tay ngang tầm trán chào Tổng Thống khi ông bước ra cửa . Nét mặt ông bình thản, khó đoán ông đang nghĩ gì . Đó cũng là lần chót tôi gặp Tổng Thống Thiệu . Lời hiệu triệu của Tổng Thống đã được phát thanh ngay sau đó trên các làn sóng phát thanh của đài Sài - gòn và đài Quân Đội .

Sau này , đôi khi nhớ lại nét mặt và thái độ của Tổng Thống Thiệu trong cuộc gặp gỡ này tôi thấy rõ ràng hơn cái khó khăn của những người phục vụ trong ngành truyền thông báo chí dù ở bất cứ cương vị nào . Khó mà chiều hết được áp lực từ mọi phía . (2)

Trên đường về đài Sai-gon , tôi cho ông Thân hay tôi đã không nói gì với Tổng Thống cả . Tôi nghĩ hãy cứ làm việc hết mình và phục vụ ngay thẳng chứ giải thích mà làm gì . Rồi chúng tôi vùi đầu vào công việc . Lời hiệu triệu của ông Thiệu được phát thanh liền ngay xế trưa hôm đó trên các làn sóng quốc gia và quân đội. Tôi cũng chẳng có việc gì để kêu lại ông Cầm .

Nhưng gần 20 năm sau , tình cờ tôi gặp lại ông trong tiệc cưới , con của một người bạn tại thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon , Hoa Kỳ . Thoạt nhìn chúng tôi nhận ra nhau ngay , có già đi nhưng chẳng thay đổi bao nhiêu . Không hiểu nghĩ sao , trong cái bắt tay chặt chẽ , câu nói đầu tiên của ông Cầm với tôi là : “ Đất nước như vậy làm sao hơn được ! ” . Tôi không rõ cái ý đích thực của ông trong câu nói nhưng tôi cũng chẳng muốn khơi lại chuyện cũ . Khách dự tiệc nối tiếp tới và chúng tôi được mời vào bàn . Trong cái không khí ồn ào vui tươi của tiệc cưới , chúng tôi nói đủ chuyện , nhưng thảy đều là chuyện về nước Mỹ , kể cả những chuyện thời tiết ngộ nghĩnh về thành phổ sương mù San Francisco nơi ông Cầm cư ngụ , và thành phố Seattle với biểu tượng cây dù che mưa nơi tôi sinh sống .

Vũ Đức Vinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn