(Biệt Hải Tiếp Cứu Phi Hành Đoàn Hoa Kỳ Tại Cam Lộ Năm 1972)
Câu chuyện về cuộc tiếp cứu nhân viên phi hành đoàn Hoa Kỳ – Trung Tá Không Quân Iceal Hambleton, danh hiệu truyền tin BAT-21 Bravo – đã trở thành huyền thoại trong quân đội cũng như dân chúng Mỹ. Biến cố này xảy ra trong bối cảnh của những trận địa chiến qui mô giữa quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) tại vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. Nhiều bài viết, sách vở đã mô tả khá chi tiết về cuộc tiếp cứu được coi là lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam này. Hollywood cũng thực hiện một cuốn phim rất ăn khách mang tên “BAT-21″ do các tài tử Gene Hackman và Danny Glover thủ diễn vai chính. Các đài truyền hình chuyên về Quân Sử như Military Channel hay History Channel vẫn thường chiếu phim thuật lại công tác tiếp cứu, coi như chiến công lớn của Người Nhái Hoa Kỳ (Navy SEAL). Cho tới ngày nay, sau trên ba chục năm, vẫn còn những cuộc thuyết trình, hội thảo để bàn luận cũng như tuyên dương một số nhân viên hữu công.
Tuy chúng ta đã được đọc hay nghe nói nhiều về cuộc tiếp cứu, nhưng cũng giống như những sách vở, phim ảnh khác liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, đa số đều được mô tả cũng như nhận xét qua nhãn quan Hoa Kỳ, mặc dầu người Việt nắm giữ vai trò chính yếu. Rất tiếc, những quan điểm này thường nặng mang tích chất chủ quan, một chiều, đôi khi còn mang nặng kịch tính và thương mại hóa nên kém chính xác, thiếu công bằng với phần bất lợi cũng như ngộ nhận nặng nghiêng về phía Việt Nam. Điều này chúng ta cũng nên thông cảm vì người Hoa Kỳ có vị trí và quan điểm riêng của họ; hơn nữa, với mặc cảm bại trận, họ thường có khuynh hướng tìm “dê tế thần” để đổ lỗi.
Với kỳ vọng làm sáng tỏ sự thật, chúng tôi viết bài này dựa vào những chi tiết do nhân chứng trực tiếp tham dự cung cấp qua các cuộc phỏng vấn cộng với những dữ kiện cụ thể được phúc trình trong các văn kiện chính thức để hy vọng giúp độc giả có cái nhìn khách quan, chính xác về các diễn tiến xảy ra trong cuộc tiếp cứu. Khi đã nắm vững sự kiện, độc giả có thể tự nhận định và thấy rõ, mặc dầu lực lượng Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc tiếp cứu lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, bị tổn hại thêm nhiều phi cơ và nhân mạng, nhưng vẫn không cứu được BAT-21. Cuối cùng, khi người Mỹ không còn phương cách nào khác, chính toán Biệt Hải (BH) của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH) thuộc Nha Kỹ Thuật (NKT) đã xâm nhập v ùng đ ịch, cứu thoát BAT-21 và một phi công khác cũng bị bắn rơi trong vùng. Sau chuyến công tác thành công, sách vở, báo chí và phim ảnh Hoa Kỳ rầm rộ loan tin như chiến công riêng của Hoa Kỳ. Trong thực tế, toán BH/VNCH đã đóng vai chủ chốt, còn người Mỹ duy nhất đi theo toán chỉ giữ vai trò liên lạc.
Để dễ dàng theo dõi, trước hết chúng ta cần nắm vững một số chi tiết mấu chốt về bối cảnh tức là tình hình quân sự vùng Giới Tuyến vào mùa hè năm 1972 khi BAT-21 bị bắn rơi. Sau đó bài viết sẽ đi sâu vào diễn tiến của cuộc tiếp cứu dựa trên những chi tiết xác thực được ghi lại trong các nhật ký hoặc báo cáo hành quân cùng với lời thuật lại của các nhân chứng. Khi tìm tài liệu để viết bài này, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc để phỏng vấn 4 trong số 5 Biệt Hải tham dự và một người Mỹ trong vai trò cố vấn cùng đi trong chuyến công tác này.
Vì biến cố xảy ra cách đây đã trên 30 năm, nên một số chi tiết khó nhớ như ngày tháng, thành phần tham dự, vai trò của mỗi toán viên, đội hình di chuyển v.v… không hoàn toàn đồng nhất trong các câu trả lời cuộc phỏng vấn, nhưng những diễn biến chính đều được kể lại tương đối trung thực v à chính xác so với tài liệu giấy tờ. Điều này cũng dễ hiểu vì những nhân chứng chỉ hồi tưởng theo ký ức, không có những tài liệu trên giấy tờ như công điện, báo cáo, nhật ký hành quân để tham khảo. Tiện đây, tác giả thành thật cám ơn Hải Quân Đại Úy Vũ Ngọc Thọ, các Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt, Nguyễn Trâm và Nguyễn Châu đã sẵn lòng trả lời các câu hỏi phỏng vấn và tận tình trợ giúp trong việc sưu tầm cũng như kiểm chứng tài liệu. Cuộc nói chuyện qua điện thoại với cựu Đại Úy người nhái HK Tom Norris cũng rất hữu ích. Tác giả cũng cảm tạ cựu phi công quan sát HK Darrell Whitcomb, tác giả cuốn sách “The Rescue of BAT-21 đã cung cấp nhiều tài liệu hiếm có.
Chúng tôi cố gắng viết thật đúng với sự thật, nhưng đây là kỳ vọng như không thể đạt tới. Vì vậy, kính mong qúi độc giả và những người biết chuyện bổ khuyết những sai lầm hoặc thiếu sót để tài liệu này thêm chính xác.
I. Tình Hình Quân Sự Vùng Giới Tuyến Mùa Hè 72
Vùng Giới Tuyến thuộc tỉnh Quảng Trị nằm trong Quân Khu I, phần đất địa đầu của VNCH. Quân Khu I & Quân Đoàn I (QĐ I) do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy, đặt bản doanh tại Đà Nẵng. QĐ I có 3 Sư Đoàn Bộ (SĐBB), gồm SĐ 1 chịu trách nhiệm vùng Thừa Thiên, SĐ 2 vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín và SĐ 3 vùng Quảng Trị. SĐ 3 do Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai chỉ huy, gồm có các Trung Đoàn (Tr. Đ) 2, 56 và 57.
Về ranh giới, tỉnh Quảng Trị bắc giáp sông Bến Hải, nam giáp tỉnh Thừa Thiên, mặt Tây là lãnh thổ Lào, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh, trục tiếp vận chính của Cộng quân, còn mặt Đông là Biển Đông. Về giao thông, Quảng Trị có hai trục lộ chính: Quốc Lộ 1 chạy theo dọc hướng Bắc – Nam và đường số 9 chạy ngang theo hướng đông – tây, từ Đông Hà xuyên qua lãnh thổ Lào.
1. Phối Trí Lực Lượng VNCH
SĐ 3 tuy là một đơn vị tân lập, chỉ mới được thành hình vào tháng 10 năm 1971 nhưng lại nhận lãnh trách nhiệm nặng nề phòng thủ khu vực giới tuyến, giáp giới Lào và Bắc Việt. Mặt Bắc là vùng Phi Quân Sự luôn luôn bị áp lực nặng nề của địch quân. Sườn Tây giáp ranh Lào cũng là an toàn khu, nơi dưỡng quân và kho tiếp vận của quân Bắc Việt. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai là một cấp chỉ huy tài ba và can đảm. Ông đã chứng tỏ tài thao lược khi còn mang cấp bậc Đại Tá, giữ chức vụ Tư Lệnh Phó SĐ 1 BB trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Lào vào năm 1971. Sau chiến dịch này, ông được vinh thăng chuẩn tướng và nhận lãnh chức vụ Tư Lệnh SĐ 3 BB. Tướng Gia được tăng phái thêm 2 Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) để phòng thủ tỉnh Quảng Trị. Bộ Tư Lệnh (BTL) SĐ 3 đóng tại căn cứ Ái Tử, trước đây là Camp Eagle của SĐ 101 Không Kỵ Hoa Kỳ, nằm dọc theo QL 1 trên đường từ Quảng Trị đi Đông Hà.
Trước một trách nhiệm quá nặng nề và với quân số ít ỏi, Tướng Giai phải phân tán mỏng các đơn vị trực thuộc để “giữ đất” cũng như chống lại các cuộc tấn công của địch quân. Lực lượng phòng thủ tỉnh Quảng Trị đại cương được phối trí như sau:
a. Mặt Đông Bắc: giáp ranh vùng Phi Quân Sự, phía Đông Quốc Lộ (QL) 1, do Tr. Đ 57 của Trung Tá Nguyễn Hữu Cương chỉ huy, đóng quân tại các cứ điểm A2, B2, C2 thuộc hàng rào McNamara trước đây, dọc theo giới tuyến. Bộ Chỉ Huy đặt tại Gio Linh tức căn cứ C1. Pháo Binh gồm 6 khẩu 105 ly của TQLC, 2 khẩn 155 ly tại C1, 6 khẩu 105 ly tại C2 và 6 khẫn 105 ly, 4 khẩu 155 ly tại A2.
b. Mặt Tây Bắc: giáp ranh vùng Phi Quân Sự, phía Tây QL 1, do Tr. Đ 56 của Trung Tá Phạm văn Đính đảm trách, đóng quân tại các cứ điểm A3, A4 (Cồn Thiên), C2. Bộ Chỉ Huy và một Pháo Đội 105 ly đặt tại căn cứ C3 tức Cam Lộ.
c. Mặt Tây Tây Bắc: do Trung Đoàn 2 đảm trách, đóng quân tại các căn cứ Fuller (Tân Lâm Bắc) và Khe Gió. Bộ Chỉ Huy đặt tại căn cứ chính là Camp Carroll (Tân Lâm). Carroll là căn cứ hỏa lực chính tại Vùng 1, gồm 2 Pháo Đội 105 ly, 1 Pháo Đội 155 ly, đặc biệt còn có một Pháo Đội Pháo Binh cơ giới 175 ly.
d. Mặt Tây: do LĐ 147 TQLC đảm trách dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, đóng quân tại các căn cứ Núi Bá Hô, Holcomb và Sarge (Động Toán). Bộ Chỉ Huy đặt tại căn cứ chính Mai Lộc. LĐ 147 còn có một TĐ đóng tại căn cứ Barabara thuộc vùng trách nhiệm của SĐ 1 BB
e. Mặt Đông: tương đối yên tĩnh vì giáp biển nên trao phó cho Điạ Phương Quân và Nghĩa Quân các Chi Khu Triệu Phong, Hải Lăng và Duyên Đoàn 11 Hải Quân đóng tại Cửa Việt đảm trách.
LĐ 258 TQLC (-1 TĐ) do Đại Tá Ngô Văn Định chỉ huy, đóng tại căn cứ Nancy thuộc vùng trách nhiệm của SĐ 1 BB là lực lượng trừ bị cho cả hai tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên.
Theo sự phối trí như trên, chúng ta thấy quân VNCH bị phân tán mỏng và trấn thủ tại các vị trí cố định nên địch quân đã biết rõ tọa độ từ lâu.
2. Cộng Quân Tấn Công
Rạng sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972, Cộng quân đồng loạt dùng trận địa pháo 130 ly bắn dữ dội vào tất cả các căn cứ thuộc vùng trách nhiệm của SĐ 3 BB. Cũng lúc đó, các Tr. Đ 2 BB tại vùng Camp Carroll và Tr. Đ 56 BB tại Cam Lộ đang thực hiện cuộc đổi quân. Hai Tr. Đ này đang trên đường hoán chuyển khu vực phòng thủ nên bị trúng pháo, thiệt hại nặng. Đa số các vị trí pháo binh VNCH tại Canp Carroll, Cam Lộ, Cồn Thiên, Đông Hà, Mai Lộc v.v… đều bị tê liệt. Sau trận “tiền pháo”, đến xế chiều, quân Bắc Việt có chiến xa yểm trợ đồng loạt mở cuộc tấn công bằng ba mặt trận:
a. Mặt Trận Bắc: do SĐ 308 đảm trách, được tăng cường Tr. Đ 42 thuộc SĐ 320, Tr. Đ Pháo 45 và 84 (-) và Tr. Đ chiến xa 202 (-). Lực lượng này do Đại Tá Dũng chỉ huy, chia làm hai mũi tấn công Cam Lộ và Fuller.
b. Mặt Trận Đông: do Thượng tá Vũ Chí Điền, Tư Lệnh đặc công chỉ huy, gồm SĐ 305 Đặc công, được tăng cường các Tr. Đ 31 Sông Hồng, Tr. Đ 126 Đặc công thủy, Tr. Đ 164 Pháo và một TĐ chiến xa thuộc Tr. Đ 202. Cánh quân này có nhiệm vụ đánh chiếm vùng Đông QL 1.
c. Mặt Trận Tây: Do Thượng Tá Hoàng Đan chỉ huy, gồm SĐ 304, Tr. Đ 246, Tr. Đ 38 Pháo và Tr. Đ 203 Chiến xa (-). Lực lượng này xuất phát từ hướng Khe Sanh, tiến dọc theo QL 9 đánh vào các căn cứ vùng tiền sơn Sarge, Núi Bá Hô, Khe Gió, Holcomb, Mai Lộc và Camp Carroll
Quân BV đặt tên chiến dịch là Nguyễn Huệ, gồm toàn bộ lực lượng thuộc Quân Đoàn 70B và Mặt Trận B 5, quân số tổng cộng lên tới 40,000 ngàn người vào giai đoạn đầu. Ngoài ra, còn được tăng cường 2 Tr. Đ chiến xa 202 và 203 cùng 5 Tr. Đ pháo diện địa tầm xa, nhiều Tr. Đ pháo phòng không trang bị đủ loại súng tối tân, có cả các loại hỏa tiễn địa không tối tân SAM 3 và SAM 7. Chiến dịch này do Thượng Tướng Lê Trọng Tấn, Tư Lệnh QĐ 70B chỉ huy, Trung Tướng Song Hào phụ tá.
Vì đóng quân tại các căn cứ lớn, cố định do Hoa Kỳ để lại nên các vị trí VNCH là mục tiêu tốt cho đạn pháo kích. Thời tiết lại xấu nên không có phi cơ yểm trợ. Tổng cộng, có tất cả 19 căn cứ và vị trí bị pháo kích và tấn công đồng loạt. Trong ngày đầu 30/3, quân tại căn cứ Holcomb phải di tản chiến thuật về Mai Lộc.
Sang ngày 31/3, địch vẫn pháo kích và tấn công dữ dội, quân VNCH vẫn không được phi cơ yểm trợ, vì thời tiết xấu. Pháo binh VNCH cũng bị tê liệt nên quân trú phòng bị thiệt hại nặn, số thương binh lên cao không được tản thương. Do đó, các căn cứ Khe Gió do TĐ 3/56 trấn đóng và Núi Bá Hô do 2 ĐĐ thuộc TĐ 4 TQLC trấn đóng bị mất.
Đến ngày thứ ba 1/4/72, mức độ pháo kích và tấn công của địch càng thêm ác liệt. Các căn cứ A1, A2, C1, C2 và đồi 46 Gio Linh cũng như các vị trí đóng quân của TĐ 1/57 do Th/T Huỳnh Bá An chỉ huy tại Phước Sa và Quán Ngang trong vùng trách nhiệm của Tr. Đ 57 BB phải di tản. Các vị trí của Tr. Đ 2 cũng phải triệt thoái. Tới 18 giờ ngày 1/4, toàn bộ Tr. Đ 2 và Tr. Đ 56 rút về Đông Hà. BCH Chi Khu Gio Linh rút về Mai Lĩnh. Như vậy, sau ba ngày giao tranh, toàn thể lãnh thổ quận Gio Linh vùng Bắc Quảng Trị đã rơi vào tay quân BV. Cũng trong thời gian này, BTL/SĐ 3 BB quyết định rời Ái Tử di chuyển về Quảng Trị để tránh pháo.
Ngày 2/4 xảy ra một biến cố vô cùng quan trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch phòng thủ tỉnh Quảng Trị. Đó là sự kiện toàn bộ Tr. Đ 56 BB đóng tại Căn Cứ Carroll do Tr/T Phạm Văn Đính chỉ huy, Tr/T Vĩnh Phong Tr. Đ Phó đã đầu hàng địch vào buổi chiều, vì trong tình trạng tuyệt vọng, bị pháo kích nặng nề trong suốt 3 ngày, lại không được phi pháo yểm trợ cũng như tăng viện. Mất Căn Cứ Carroll yểm trợ cạnh sườn, các vị trí lân cận trong vùng như Mai Lộc và chi khu Cam Lộ cũng phải triệt thoái vào hồi 16 giờ cùng ngày. Như vậy, tính đến ngày 2/4, phần lớn các căn cứ VNCH tại Quảng Trị gồm toàn bộ phòng tuyến điện tử McNamara dài 46 cây số chạy dọc vùng Phi Quân Sự, 2 chi Khu Gio Linh, Cam Lộ và phân nửa chi khu Đông Hà đã bị mất, chỉ còn lại Đông Hà, Pedro (Phượng Hoàng), Ái Tử và cổ thành Quảng Trị.
Quân VNCH lui về phòng thủ tại mặt nam sông Miếu Giang chạy song song với QL-9. Tại Đông Hà, Thiết Đoàn 20 của Tr/T Nguyễn Hữu Lý, gồm các chiến xa tối tân M-48 và các Thiết Đoàn 11 và 17 Kỵ Binh cùng với TĐ 3 TQLC “Sói Biển” do Th/T Lê Bá Bình chỉ huy lập phòng tuyến chặn địch. Lúc đó, các đơn vị Thiết Giáp BV đã tràn ngập vùng Gio Linh, đang trên đường xuôi Nam theo QL-1 hướng về Đông Hà. Vì thời tiết lúc này đã tương đối quang đãng nên các phi cơ A-1 thuộc Phi Đoàn 528 “Thiên Long” từ Sài Gòn mới tăng phái ra Đà Nẵng đã thực hiện nhiều phi vụ, phá hủy 19 chiến xa địch tại mặt Bắc cầu Đông Hà, khu bờ Bắc sông Miếu Giang. Để ngăn chiến xa địch vượt sông, Đại Đội Công Binh Chiến Đấu 101 đặt chất nổ phá hủy cầu Đông Hà vào hồi 17 giờ 30. Một số phi cơ Hoa Kỳ cũng bắt đầu tham chiến.
II. BAT 21 Bị Bắn Hạ
Vào ngày 2/4, thời tiết tại vùng Quảng Trị tuy không còn quá xấu, nhưng vẫn còn nhiều tầng mây thấp khoảng 15 ngàn bộ. Vì vậy, ngoài các phi cơ cánh quạt loại A-1, chỉ có các phi vụ phản lực “Skyspot” đánh bom bằng radar và laser hướng dẫn hoặc các pháo đài bay B-52 thả bom bằng radar.
Trưa ngày 2/4, một phi vụ gồm 3 Pháo Đài Bay B-52, danh hiệu truyền tin “Copper” trên đường tới oanh tạc vị trí địch cách Tây Bắc căn cứ Carroll, khoảng 2 cây số. Đây là một địa điểm dọc theo đường chuyển quân đông đảo của Cộng quân được rất nhiều súng phòng không đủ loại cũng như những giàn hỏa tiễn SAM bảo vệ.
Các Pháo Đài bay B-52 đều được trang bị nhiều máy điện tử có thể làm nhiễu loạn làn sóng radar hướng dẫn hỏa tiễn phòng không SAM. Nhưng vì có quá nhiều giàn SAM trong vùng nên trong phi vụ nói trên còn có 2 phi cơ EB-66 điện tử hộ tống, danh hiệu truyền tin BAT 21 và BAT 22 thuộc Không Đoàn 42 Điện Tử Chiến Thuật (Tactical Electronic Warfare Squadron, gọi tắt là TEWS) xuất phát từ căn cứ không quân Korat bên Thái Lan. BAT 22 là loại phi cơ EB-66E trang bị máy móc điện tử phá rối hệ thống radar điều khiển của SAM nên có thể trợ giúp đắc lực các B 52 tập trung nỗ lực vào việc thả bom. Phi hành đoàn của BAT 22 gồm phi công, nhân viên phi hành và một chuyên viên điện tử. BAT 21 là loại phi cơ điện tử đặc biệt EB-66C vì ngoài các máy điện tử phá rối radar thông thường, còn có dụng cụ tối tân có thể xác định vị trí của các giàn SAM. Phi hành đoàn BAT 21 ngoài phi công và nhân viên phi hành (navigator) còn có 4 chuyên viên điện tử.
Vì phải kiếm một lúc phi hành đoàn cho 2 phi cơ điện tử nên Tr/T Iceal Hambleton, sĩ quan trưởng toán phi hành không có đủ nguời, do đó ông tự đảm nhận nhiệm vụ phi hành trên phi cơ BAT 21. Trước khi khởi hành, cả toán được thuyết trình kỹ càng, nhưng ngoài tin tức về có nhiều SAM trong vùng, không nghe nói gì tới tình hình quân sự sôi động với các cuộc tấn công dữ dội của quân Bắc Việt trong vùng cũng như các vị trí SAM đã được bí m ật di chuy ển sâu trong phần đất VNCH.
Đến đây, cần mở một dấu ngoặc để giải thích sơ qua về danh hiệu truyền tin của phi hành đoàn thuộc Không quân Hoa Kỳ hoạt động tại vùng Đông Nam Á. Khi không may bị bắn hạ, phi công vẫn dùng danh hiệu truyền tin của phi vụ. Nếu phi hành đoàn có nhiều nhân viên, tùy theo thứ tự của chỗ ngồi trên phi cơ, họ sẽ được phân biệt bằng các tên Alpha, Bravo, Charlie (mẫu tự âm thoại A, B, C … dùng ngành truyền tin Hoa Kỳ, như Anh Dũng, Bắc Bình, Cải Cách v.v… trong truyền tin Việt Nam). Thí dụ như một phản lực cơ Phantom danh hiệu Mustang 15 bị bắn rơi, tên Mustang 15 Alpha sẽ được dùng để chỉ viên phi công (ngồi ghế trước), Mustang 15 Bravo sẽ được dùng cho chuyên viên vũ khí ngồi ghế sau. Tuởng cũng nên nói thường thường, mỗi loại phi cơ còn được phân biệt bằng các danh hiệu truyền tin khác nhau. Thí dụ như Sandy là tên của loại phi cơ cánh quạt loại A-1 Skyraider dùng trong việc cấp cứu, Jolly Green là các phi cơ trực thăng cấp cứu loại CH-47, Nail là loại phi cơ quan sát OV-1 đặt cứ tại Thái Lan, Covey là loại phi cơ quan sát đặt căn cứ tại Việt Nam … Các danh hiệu truyền tin đặc biệt này đã trở thành tên thường dùng của các phi công, thí dụ như Covey 12, Sandy 4 v.v… Ngay cho tới bây giờ, cũng như những “Hương Giang”, “Lam Sơn”, “Bảo Bình” v.v… là danh hiệu của các “đích thân” Việt Nam, những người lính cũ vẫn còn thân mật xưng hô với nhau như vậy và rất hãnh diện về tên thời chiến này.
Khi tới gần mục tiêu, ba pháo đài bay B52 và hai phi cơ điện tử EB-66 được 2 chiến đấu cơ trang bị hỏa tiễn không – không danh hiệu Cain 1 và Cain 2 hộ tống để đề phòng phi cơ Mig của Bắc Việt có thể bất thần tấn công. Ngoài ra, còn có 2 phản lực cơ loại F-105G, danh hiệu Coy 1 và Coy 2, trang bị hỏa tiễn đặc biệt AGM-45 Shrike có thể nương theo làn sóng radar hướng dẫn hỏa tiễn hay súng phòng không để phá hủy các vị trí radar hướng dẫn này.
Lúc sửa soạn thả bom, các phi cơ B-52 và EB-66 đều phát hiện đang bị nhiều vị trí radar phòng không địch theo dõi. Tại vùng phía Nam mục tiêu gần Khe Sanh, hai giàn radar Fan Song dùng để hướng dẫn hỏa tiễn địa không SA-2 đã khóa vào mục tiêu và phóng lên 4 hỏa tiễn. Lập tức, các chuyên viên điện tử trên B-52 cho phát những luồng sóng nhiễu xạ để phá rối. BAT 22 lúc đó ở vị trí giữa các B-52 và các giàn hỏa tiễn phòng không nên còn phát hiện cả các luồng sóng radar đang hướng dẫn SA-2 đến mục tiêu. Lập tức phi công của BAT 22 cho phi cơ nhào xuống, bay ngược chiều với hỏa tiễn địa không vừa phóng lên để tránh né, đồng thời báo động khẩn cấp trên máy truyền tin “SAM phóng, vùng Phi Quân Sự” cho các phi cơ khác. Bốn hỏa tiễn phòng không nổ vào khoảng giữa BAT 22 và B-52 nhưng không gây thệt hại.
Cùng lúc đó, radar của một số các giàn SAM xa hơn về hướng đông cũng bắt đầu khóa vào các phi cơ, sau đó phóng lên 6 hỏa tiễn. Các B-52 tiếp tục phát sóng nhiễu loạn, riêng Copper 1 hủy bỏ công tác dội bom, quẹo qua bên phải để tránh, chỉ có Copper 2 và 3 vẫn thả bom rồi mới bay tránh. Ngoài ra, còn có đại bác phòng không loại 100 do radar điều khiển cũng bắn lên dữ dội. Tuy nhiên, cả hỏa tiễn lẫn đạn phòng không chỉ nổ chung quanh các phi cơ không gây thiệt hại. Khi toán phi cơ đang quẹo phải để rời mục tiêu, một số các giàn SAM tại vùng Tây Bắc ngay tại mặt Bắc vùng Phi Quân Sự lại khóa vào các phi cơ. Lúc đó, BAT-21 ở cao độ 29,000 bộ, đang nằm giữa các B-52 và vị trí phòng không. Địch phóng lên 3 hỏa tiễn. BAT-21 dò thấy đang bị theo dõi nên cũng bắt đầu phát sóng nhiễu xạ, đồng thời, phi công quẹo gắt qua tay mặt để bay ngược chiều hỏa tiễn, trong khi nhân viên điện tử la lớn “không, không, quẹo trái, quẹo trái”. Phi công cố thay dổi hướng bay nhưng đã quá trễ, một hoả tiễn bắn trúng bụng phi cơ gây tiếng nổ và quả cầu lửa lớn. Các phi cơ khác đều tránh được hỏa tiễn nên không bị thiệt hại.
Trên phi cơ BAT-21, Trung Tá Hambleton lúc đó đang ngồi trên ghế phi hành viên, phía sau phi công. Hỏa tiễn nổ ngay bên dưới ghế của ông khiến phi cơ bị hư hại nặng và hệ thống truyền tin nội bộ bị cắt đứt. Phi cơ không còn điều khiển được và bắt đầu rơi. Phi công dùng tay báo hiệu cho Hambleton đào thoát. Hambleton lập tức bấm nút, ghế của ông bung lên và rời khỏi chiếc máy bay bị nạn. Ở trên không, ông còn nhìn thấy viên phi công đang nhìn lên. Nhưng chỉ vài giây đồng hồ sau đó, BAT-21 bị nổ tung, không rõ vì bị hư hại hay trúng hỏa tiễn thứ hai.
Lúc đó, trong vùng còn có khá nhiều phi cơ Hoa Kỳ khác. Một phi đội gồm 4 phản lực cơ loại Phantom F-4 đang thi hành một phi vụ Skyspot ngay phía dưới vùng Phi Quân Sự. Trưởng toán phi cơ này liền báo cáo sự kiện cho phi cơ chỉ huy trong vùng – danh hiệu King 22 – và đồng thời báo cáo về Trung Tâm Không Kiểm (Tactical Air Control Center – danh hiệu Bluechip) tại Sài Gòn. King 22 lúc đó đã gần tới thời hạn rời vùng, nhưng thông thường không có máy bay thay thế vào ban đêm, nên liên lạc về hậu cứ Korat bên Thái Lan yêu cầu cho phi cơ túc trực thay thế ngay để điều khiển cuộc tiếp cứu. Ngoài ra, còn có một phi cơ quan sát loại O-2 danh hiệu Bilk 34 cũng có mặt, bay thấp hơn phía dưới BAT-21. Bilk-34 nghe được tín hiệu cấp cứu và liên lạc được với Trung Tá Hambleton – danh hiệu BAT-21 Bravo. Vì dù của BAT-21 Bravo rơi chậm nên đôi bên nhìn thấy nhau bằng mắt thường.
Dù của BAT-21 Bravo từ từ rơi xuống đất. Khi qua khỏi tầng mây cuối cùng cách mặt đất chừng vài ngàn bộ, Hambleton nhìn rõ dưới đất thấy đầy quân lính và chiến xa Bắc Việt. Khi dù rơi xuống một ruộng lúa, Hambleton vội chạy bờ ruộng, ẩn nấp tại đó cho tới khi đêm xuống mới trốn vào một bụi cây. Phi cơ quan sát Bilk-34 theo dõi, phát hiện được dù của BAT-21, ghi nhận vị trí và báo cáo cho phi cơ chỉ huy King.
Vị trí của Hambleton chỉ cách cầu Cam Lộ khoảng 2 cây số về hướng Đông Đông Bắc, ngay mũi nhọn của trục tiến quân hướng Tây Bắc của quân Bắc Việt. Cả BAT-21 lẫn Bilk-34 đều giật mình khi nhìn rõ tình hình dưới đất. Chiến xa, xe cộ và binh lính Bắc Việt có mặt khắp nơi kẹt cứng cả đường xá. Phòng không rất mạnh khiến Bilk-34 dù muốn ở lại bao vùng cho BAT-21 nhưng cũng phải bay vào các đám mây để lẩn trốn.
Tại căn cứ Korat, Thái Lan, King-27 cất cánh theo lới yêu cầu của King-22 để thay thế chỉ huy cuộc tìm kiếm. Dọc đường, King-27 được Sài Gòn thường trực thông báo những diễn tiến, nhưng cũng không được biết gì về tình hình các trận đánh lớn rất sôi động dưới đất. Vì vị trí của BAT-21 nằm dưới vùng Phi Quân Sự, King -7 nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc tiếp cứu thông thường. Có lẽ đoạn đường nguy hiểm nhất là khi bay qua vùng đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào.
III. Cuộc Tiếp Cứu BAT-21
Trong lúc đó, tại vùng Cam Lộ, Không Quân Hoa Kỳ tổ chức một cuộc tiếp cứu cấp thời bằng trực thăng để cứu BAT-21 Bravo trước khi địch quân kịp phản ứng. Tất cả các phi cơ đang bay trong vùng đều được thông báo để có thể tham dự.
1. Tiếp Cứu Lần Thứ Nhất: Trực Thăng Không Kỵ Bị Bắn Rơi
Lúc đó, một cặp phi cơ cánh quạt loại A-1, danh hiệu Sandy-07 và 08, do Đại Úy Don Morse chỉ huy đang có mặt trong vùng để hộ tống 2 trực thăng loại HH-53 Jolly Green-65 và 67 cất cánh từ Đà Nẵng trong việc tiếp cứu viên phi công của phi cơ quan sát loại O-2 thuộc phi đoàn Quan Sát 20 bị súng phòng không bắn rơi vào hồi 2 giờ 30 gần Khu Phi Quân Sự. Rất may, dù bị hư hại nặng nhưng phi công Mike-81 này bay được ra biển và được Khu Trục Hạm Hamner cứu. Do đó, toán Sandy và Jolly Green túc trực trên không phận Quảng Trị để dự phòng.
Hai phi cơ Sandy được lệnh rời vùng tại phía Đông Quảng Trị, bay tới Cam Lộ để gặp phi cơ điều không Bilk-34, còn Jolly Green vẫn túc trực tại vùng Quảng Trị. Bầu trời lúc này vẫn còn nhiều mây thấp. Bilk-34 hướng dẫn toán Sandy tới vị trí của BAT-21 Bravo và trao cho toán này nhiệm vụ bảo vệ, sau đó bay về hướng Nam để tìm thêm phi cơ phụ giúp. Khi tới vị trí, Đại Úy Don Morse giật mình vì thấy dưới đất đầy chiến xa, xe cộ, súng phòng không và quân lính BV, còn đông hơn cả khu tập trung quân BV tại đèo Mụ Giạ trong phần đất BV. Trước khi cất cánh, toán Sandy cũng không được thông báo chút gì về tình hình nghiêm trọng như vậy nên vẫn tưởng đây chỉ là một phi vụ cấp cứu thông thường.
Điện văn cấp cứu của Bilk 34 cũng được một trực thăng loại UH-1H của Bộ Binh Hoa Kỳ, danh hiệu Blue Ghost-39, thuộc Toán F, Phi Đội 8 Không Kỵ, lúc đó đang bay gần Huế đáp ứng. Phi Đội này đặt căn cứ tại vùng Non Nước, Đà Nẵng, hoạt động tại khu vực Huế – Quảng Trị. Blue Ghost-39 đang thi hành công tác chở phóng viên báo chí đi thăm chiến trường vùng Đông Hà. Vì nghe nói có tới 6 nạn nhân cần cấp cứu nên Blue Ghost-39 đáp xuống phi trường Phú Bài để thả hành khách và tiếp tế nhiên liệu trước khi bay ra Cam Lộ. Tại Phú Bài lúc đó còn có 2 trược thăng võ trang loại AH-1 Cobra cùng Phi Đoàn, danh hiệu Blue Ghost-24 và 28 phi công George Ezell và Đại Úy Mike Rosebeary, và một trực thăng khác, danh hiệu Blue Ghost-30 do phi công Ben Nielsens điều khiển. Phi công này đã tham dự cuộc di tản nhân viên Hoa Kỳ tại căn cứ A 2 ngày hôm trước. Hai trực thăng võ trang và Blue Ghost-39 cất cánh trước để dến điểm hẹn với Bilk 34 tại Cam Lộ. Sau đó ít lâu, vì nghe tin có tới 6 người cần cấp cứu nên Blue Ghost-30 cũng cất cánh. Phi công Nielsen rất quen thuộc vùng Cam Lộ nên thông báo cho toán trước không nên bay vượt qua sông Cam Lộ, nhưng không nghe toán này đáp nhận. Đại Úy Rosebeary nghe tin có thêm trực thăng bay theo nên ra lệnh cho trực thăng võ trang Blue Ghost 24 bay chậm lại để hộ tống Blue Ghost 30.
Bay về hướng Bắc, Đại Úy Rosebeary liên lạc với Bilk-34, vượt sông tại Đông Hà rồi bay về phía Tây để đến địa điểm tiếp cứu. Vì Bilk -4 cho biết đã có toán Sandy và phản lực cơ Phantom oanh tạc để tiêu diệt những ổ phòng không nên Blue Ghos- 28 và 39 bay cách mặt đất chừng 50 bộ với Blue Ghost-39 dẫn đầu, còn Blue Ghost-28 bay sau cách chừng 3 ngàn bộ để sẵn sàng yểm trợ. Ngay khi vừa vượt sông tại Đông Hà, toán trực thăng đã bị phòng không bắn lên dữ dội. Lập tức, Blue Ghost-28 bắn trả bằng hỏa tiễn và đạn 40 ly, nhưng vì phòng không quá nhiều nên chẳng bao lâu, Blue Ghost-28 bị trúng đạn hư hại nặng. Trong lúc đó, Blue Ghost-39 cũng bị trúng đạn, vì vậy, Rosebeary kêu Blue Ghost-39 hủy bỏ công tác, cả hai quẹo về hướng Nam để rời vùng. Không thấy Blue Ghost-39 trả lời, nhưng Rosebeary trông thấy chiếc Huey bắt đầu quẹo trong lúc khói đen tuôn ra từ phòng máy. Sau đó, Blue Ghost-39 bay qua một rặng cây rồi đáp khẩn cấp tại vị trí cách bờ bắc sông Miếu Giang chừng 1 cây số. Phi hành đoàn Blue Ghost-39 gồm phi công Byron Kuland, phi công phụ John Frink và các xạ thủ Ronald Paschall và Jose Astorga. Trong lúc bay vào địa điểm tiếp cứu, phi công đã cố bay sát mặt đất để tránh phòng không, nhưng vẫn bị trúng đạn. Khi đáp được xuống đất, chỉ có Astorga chạy được ra ngoài, trong lúc phi cơ bị Cộng quân bắn dữ dội và phát nổ với 3 phi hành đoàn vẫn còn bị kẹt trong đó. Astorga lập tức bị bắt.
Phi công Rosebeary không hay biết gì về những sự kiện trên vì cũng đang gặp khó khăn điều khiển phi cơ mình. Blue Ghost-28 bay đuợc về bờ Nam, dùng máy truyền tin báo động cho hai trực thăng còn lại đừng vượt qua sông và kêu cầu cứu, đồng thời đáp xuống vùng gần bờ biển. Một Jolly Green trước đây dự trù dùng cho việc tiếp cứu Mike 81 nghe được, đáp xuống và cứu phi hành đoàn Blue Ghost-28 an toàn.
Tổng Kết, toán trực thăng Không Kỵ bị thiệt hại 2 trực thăng bị bắn rơi, 3 phi hành đoàn bị chết và 1 bị bắt.
Trong khi đó, Hambleton tại địa điểm lẩn trốn vẫn hướng dẫn Sandy oanh tạc các mục tiêu lân cận. Khi nghe tin 2 trực thăng Không Kỵ bị bắn hạ, Sandy biết rằng không thể dùng trực thăng để cấp cứu. Vì trời đã gần tối, thời tiết lại càng lúc càng xấu, cộng thêm hỏa lực phòng không rất mạnh nên Sandy không gọi 2 Jolly Green nhập vùng, đồng thời đưa phi cơ cũng đã bị hư hại khá nặng vì đạn phòng không về Đà Nẵng. Hai phi cơ A-1 bị đạn rách nát, cần phải sửa chữa nhiều ngày trước khi có thể bay lại. Sau khi cho nhân viên tình báo biết về lực lượng địch tập trung đông đảo tại vùng Đông Hà, Cam Lộ, Đại Úy Morse báo cáo tình hình chiến sự về hậu cứ tại Nakhon Phanom bên Thái Lan, đồng thời xin thêm Sandy để tăng cường.
Phi Đoàn Không Kỵ cố cho thêm một toán cấp cứu gồm 2 trực thăng võ trang Cobra AH-1 và Huey Blue Ghost-30 lên đường tìm kiếm phi hành đoàn bị nạn, nhưng vì mây thấp và phòng không địch quá mạnh nên cũng phải hủy bỏ.
2. Quyết Định Từ Sài Gòn
Để nâng cao tinh thần binh sĩ, Không Quân Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc tiếp cứu các phi hành đoàn bị bắn rơi. Vào thời điểm tháng 3/72, vì phần lớn quân bộ chiến đã rút lui nên có thể nói chiến tranh về phía Hoa Kỳ tại vùng Đông Nam Á chỉ còn lại mặt Không Quân, do Tư Lệnh Đệ Thất Không Lực chịu trách nhiệm. Rất tiếc, vào thời điểm này, chính đại đơn vị này cũng đang gặp trở ngại. Vào cuối tháng 3/72, Tướng Tư Lệnh John D. Lavelle bị tướng Tham Mưu Trưởng Không Quân John D. Ryan đột ngột ngưng chức vì đã cho phi cơ oanh tạc một số mục tiêu bị cấm tại BV. Trong khi chờ đợi bổ nhiệm Tư Lệnh mới, tướng Marvin McNickle, Tư Lệnh 13th Không Lực đặt căn cứ tại Clark Air Base bên Phi Luật Tân tạm thời xử lý thường vụ. Tướng McNickle thay phiên di chuyển giữa Phi Luật Tân và Sài Gòn, Thiếu Tướng Winston W. Marshall, Tư Lệnh Phó Đệ Thất Không Lực lo giải quyết công vụ thường ngày.
Bản doanh của Đệ Thất Không Lực HK đặt tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Trung Tâm Tìm Và Tiếp Cứu (Search And Rescue Center – SARC), danh hiệu truyền tin Joker, do Đại tá Cecil Muirhead chỉ huy cũng đạt tại bản doanh này. SARC có thẩm quyền ra lệnh cho bất cứ đơn vị không quân nào trong vùng tham gia vào việc cấp cứu. Ngoài ra, SARC còn có quyền giới hạn hoạt động trong khu vực dành riêng cho việc cấp cứu. Đây là biện pháp thông thường để tránh những trở ngại cho việc cấp cứu.
Khi nghe tin BAT-21 bị bắn hạ, Đại Tá Muirhead được Trung Sĩ Daryl Tincher đang trực tại Trung Tâm Cấp Cứu thông báo, đồng thời cũng trình bày những diễn tiến về việc tiếp cứu. Căn cứ vào những khó khăn và thiệt hại đã xảy ta, Đại Tá Muirhead quyết định ngưng mọi hoạt động cấp cứu BAT-21 Bravo cho tới khi khu vực được chuẩn bị kỹ càng hơn, đồng thời ông cũng ra lệnh phái phi cơ điều không (FAC) bao vùng 24/24 cho BAT-21 Bravo. Tuy SARC đã biết quân Bắc Việt thường hoạt động khá mạnh tại vùng Phi Quân Sự, nhưng MACV không cho biết về tình hình sôi động thực sự đang xảy ra tại vùng Quảng Trị, cũng như không được thông báo về việc Blue Ghost-30 đã bị bắn hạ.
Tuy chỉ là một hạ Sĩ Quan, nhưng Trung Sĩ Tincher là nhân viên trực của Joker trong thời gian BAT-21 bị bắn rơi. Tincher ban hành những mệnh lệnh cần thiết như cho tăng cường thêm Sandy và trực thăng để dùng vào việc cấp cứu cũng như ra lệnh cho Phi Đoàn 8 chiến thuật tại Ubom cho phi cơ F-4 thả lựu đạn chống người quanh khu vực Hambleton đang lẩn trốn. Vì biết lực lượng VNCH đang hoạt động trong vùng nên Trung Sĩ Tincher cũng tìm cách thiết lập một vùng “Cấm Oanh Kích” (No Fire Zone) chung quanh vị trí của Hambleton.
3. Vùng Cấm Oanh Kích
Chúng ta thường nghe nói về “Vùng Oanh Kích Tự Do” (Free Fire Zone), trong đó bom đạn được bắn phá “tự do”, không cần phải xin phép. Thông thường, đây là những vùng do địch quân hoàn toàn kiểm soát, không có dân hay quân bạn. “Vùng Cấm Oanh Kích”, ngược lại, trong đó phi cơ và pháo binh không được oanh kích, ngoại trừ được giới chức thẩm quyền đặc cách cho phép. Dĩ nhiên, trong trường hợp thông thường, trước khi oanh kích, phi cơ và pháo binh đều phải liên lạc với quân bạn để xác nhận vị trí bằng khói màu hay vải màu, để tránh “bắn lầm” (Friendly Fire). Trong vùng “Cấm Oanh Kích”, ngay cả giới chức thẩm quyền có quân hoạt động trong vùng cũng không được phép xử dụng bom đạn, mà phải xin phép với chính thẩm quyền đã ra lệnh cấm oanh kích. Vì vậy, trong khi các trận đánh đang xảy ra, việc thiết lập vùng “Cấm Oanh Kích” được coi là ngoại lệ, chỉ được xử dụng trong trường hợp cấp cứu, hoặc có lực lượng bạn “bí mật” hoạt động trong vùng mà giới chức quân sự trong vùng không được cho biết vì lý do bảo mật.
Vùng “Cấm Oanh Kích” được thiết lập vì 2 lý do chính. Thứ nhất để quân bạn được tự do hoạt động trong vùng mà không bị trở ngại vì hỏa lực của các đơn vị bạn khác. Thứ hai để tránh tiết lộ vị trí của quân bạn hay nạn nhân đang được tìm kiếm. Vùng “Cấm Oanh Kích” không nhất thiết phải là một hình tròn mà tâm điểm là vị trí bạn, mà có thể là những hình thể khác thường, giới hạn bởi những mốc dấu thiên nhiên như sông lạch, đường xá hay đồi núi. Bề rộng của vùng “Cấm Oanh Kích” cũng thay đổi tùy trường hợp, nhất là tùy thuộc vào tình hình chiến sự trong vùng.
Trong trường hợp BAT-21, Trung Sĩ Tincher biết rõ quân VNCH đang hoạt động trong vùng, biết rõ vị trí của BAT-21 Bravo và cũng rõ phòng không địch trong vùng rất mạnh, bằng cớ là BAT-21 và 2 trực thăng tiếp cứu đã bị bắn rơi. Tuy nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng khác là Cộng quân đang mở cuộc tấn công qui mô khiến SĐ 3 BB bị thiệt hại nặng thì Tincher lại không biết rõ. Thông thường, trước khi quyết định, nhân viên của Joker hỏi ý kiến của một sĩ quan pháo binh là sĩ quan liên lạc của MACV tại Trung Tâm Tiếp Cứu. Nhưng lúc đó không có sĩ quan liên lạc này vì người cũ đáo hạn đã về Hoa Kỳ, chưa có người khác thay thế. Vì thế, Trung Sĩ Tincher đã tự động quyết định thiết lập một vùng rộng lớn để đủ loại phi cơ cấp cứu có thể rảnh tay hoạt động bằng cách gửi một cộng điện thiết lập vùng “Cấm Oanh Kích” là một vòng tròn, bán kính 27 cây số, lấy vị trí của BAT-21 Bravo làm tâm điểm. Nói khác đi, phi cơ và pháo binh nếu muốn oanh kích vào khu vực vòng tròn này, phải được sự đồng ý của Đệ Thất Không Lực HK. Vùng “Cấm Oanh Kích” này kéo dài từ Khe Sanh ở phía Tây đến tận Cửa Việt trên bờ biển phía Đông, bao trùm hầu hết vùng hoạt động của SĐ 3 BB gồm cả những vị trí quan trong như Ái Tử, Đông Hà, Cam Lộ, Camp Carroll, Quảng Trị v.v… là nơi đang xảy ra những trận đánh một mất một còn giửa SĐ 3 BB và quân Bắc Việt.
Hành động của Trung Sĩ Tincher được coi là “thường lệ”, và Đại tá Muirhead không can thiệp khi vùng “Cấm Oanh Kích” rộng lớn này được thiết lập quanh vị trí của BAT-21 Bravo tại vùng Cam Lộ. Đại Tá Muirhead cũng trình lên Tướng Alton V. Slay, Giám Đốc Trung Tâm hành Quân cũng như Tướng Winton W. Marshall, Tư Lệnh Phó về những chi tiết cũng như những diễn tiến về việc tiếp cứu BAT-21 Bravo. Thiếu tướng Marshall thông báo tình hình cho tướng John Carley của MACV. Khi biết rõ diễn tiến, tướng Abrams ra khẩu lệnh dùng hết mọi phương tiện để cấp cứu BAT-21 Bravo và công tác cấp cứu này là ưu tiên một, trên mọi công tác khác.
Tới chiều tối, Trail-34 là một phi cơ quan sát loại O-2 thuộc Không Đoàn Quan Sát (TASS) 20 tại Đà Nẵng bao vùng cho BAT-21 Bravo, đồng thời phi cơ chỉ huy tổng quát King-27 cũng tới vùng thay thế King 22. Đại Úy phi công Dennis Constant trên King-27 tiếp xúc với FAC trong vùng cũng như BAT-21 Bravo và được cho biết tình hình địch rất nặng. Điều này trái ngược hẳn với nhưng tin tức Đại Úy Constant được thuyết trình trước khi cất cánh. Vì không có khả năng phát hiện các giàn hỏa tiễn SAM và hoạt động sát vùng Phi Quân Sự nên King-27 yêu cầu chiến đấu cơ F-4 trang bị hỏa tiễn không không bao vùng để đề phòng MIG của Bắc Việt, đồng thời yêu cầu thêm phi cơ điện tử có mặt thường trực trong vùng để giúp phát hiện và phá rối các giàn SAM. Do đó, BAT-22 được tiếp tế nhiên liêu trên không từ phi cơ nhiên liệu KC-135 và ở lại vùng.
Khoảng 9 giờ tối, Bộ Tư Lệnh SĐ 3 BB nhận được công điện cho biết về vùng “Cấm Oanh Kích”. Nội dung công điện cho biết vì cần tiếp cứu phi hành đoàn bị bắn rơi nên Đệ Thất Không Lực đã thiết lập một vùng “Cấm Oanh Kích”, là một vòng tròn bán kính 27 cây số, tâm điểm là vị trí 700 thuớc cách cầu Cam Lộ về hướng Tây Bắc. Việc xử dụng phi pháo yểm trợ trong vùng này phải được sự chấp thuận của Đệ Thất Không Lực. Đơn xin xử dụng phi pháo yểm trợ trong vùng này, phải gửi tới Trung Tâm Yểm Trợ Hỏa Lực Vùng I (Fisrt Direct Air Support Center gọi tắt là DASC) tại Đà Nẵng để được chuyển đến chuyển tiếp.
Khi nhận được công điện về vùng “Cấm Oanh Kích” này, Thiếu Tá Không Quân Dave Brookbank, Cố Vấn Toán Sĩ Quan Liên Lạc Không Quân (Air Liaison Officers, gọi tắt là ALO) tại SĐ 3 phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không thể tin được. Vùng “Cấm Oanh Kích” bao trùm hầu hết khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn, nơi các đơn vị đang đụng nặng. Trong lúc tình trạng nguy kịch vì Cộng quân xử dụng chiến xa và đại pháo tràn ngập nhiều vị trí quân VNCH, Thiếu Tá Brookband, người chịu trách nhiệm về hỏa lực yểm trợ lại nhận được lệnh của thượng cấp muốn xử dụng pháo binh, hải pháo và ngay cả phi cơ, phải được sự chấp thuận của một cơ quan cách xa chiến trường hàng trăm cây số! Nếu tuân hành tinh thần công điện này, chắc chắn quân VNCH không được phi pháo yểm trợ, sẽ bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề. Ông trình công điện lên Cố Vấn Trưởng SĐ là Đại Tá Donald Metcalf lúc đó cũng đang có mặt tại Quảng Trị và được chỉ thị liên lạc với văn phòng Cố Vấn Quân Đoàn I để xin cắt giảm. Lời yêu cầu này không được chấp thuận vì lý do “vì phải tiếp cứu một phi công (sic – Hambleton là chuyên viên phi hành, không phải phi công) Hoa Kỳ bị bắn hạ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp để cấp cứu”.
Lúc đó, Trung Tá D’Wayne Gray, thuộc toán ANGLICO (Air and Naval Gunfire Liaison Company) Quân Đoàn I thuộc TQLC cũng đang có mặt tại Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn nên chứng kiến lúc công điện tới cũng như những liên lạc truyền tin liên quan tới vùng “Cấm Oanh Kích”. Ông cũng không tưởng tượng được mắt và tai của mình. Ngay cả trong lúc không có đụng độ, một vùng “Cấm Oanh Kích” bán kính tới 27 cây số cũng đã quá lớn, trong giai đoạn một mất một còn này thật là tai hại. Ông rất bất mãn và cố gắng thuyết phục một Đại Tá Không Quân, cho rằng một vùng “Cấm Oanh Kích” rộng lớn như vậy sẽ ây thảm h ọa trong tình trạng nguy kịch này. Vị Đại Tá cho biết vì Sài Gòn đã ra lệnh như vậy nên cả ông lẫn Cố Vấn Trưởng QĐ không can thiệp; việc quân VNCH và các cố vấn Hoa Kỳ khác có bị nguy hiểm trầm trọng vì một cá nhân hoàn toàn không đáng kể! Một tướng một sao KQHK cũng có mặt trong lúc tranh luận nên Trung Tá Gray yêu cầu ông can thiệp. Không hiểu tại sao, vị tướng lãnh này lại tưởng rằng có tới hai nạn nhân cần cấp cứu. Trong cuộc phỏng vấn sau này, Trung Tá Gray cho biết ông còn nhớ vị tướng này lạnh lùng phát biểu: “Tôi thà bỏ hai Sư Đoàn Việt Nam chứ không để mất hai phi hành viên Hoa Kỳ”. Lời tuyên bố này thật tắc trách và vô lý khiến không ít người thất vọng và bất mãn. Không hiểu ông tướng này lấy tin ở đâu mà nói “2 phi hành viên” trong khi thực tế chỉ có BAT-21 bị nạn. Đại Tá TQLC Ngô Văn Định lúc đó cũng có mặt tại Trung Tâm Hành Quân, khi nghe nói không được xử dụng phi pháo để yểm trợ cho quân mình vì cần cứu một nhân viên phi hành HK, ông đưa ngón tay lên và nói “Only one?” Trung Tá Gray dù cố gắng hết sức cũng không có giới chức nào chịu can thiệp.
Chỉ khoảng nửa giờ sau khi nhận được công điện “giới hạn” này, BTL/SĐ 3 BB nhận được tin cáp báo của một đơn vị tiền phương cho biết họ phát hiện 20 chiến xa địch có bộ binh tùng thiết đang ở vị trí trống trải ngay mặt Bắc sông Đông Hà nhưng không thể chận đánh vì lệng “cấm oanh kích”. Trong lúc đó, đường giây liên lạc với Trung Tâm Không Trợ cũng bị hư nên cũng không chuyển được lời yêu cầu oanh kích lực lượng địch. Mãi nửa tiếng đồng hồ sau mới xin được lệnh oanh kích, lúc đó lực lượng địch đã củng cố được vị trí, lại có thêm 20 chiến xa khác đến tăng cường.
Trong khoảng thời gian này, Nail-59 là một phi cơ điều không loại OV-10 thuộc Phi Đoàn 23 TASS tại Nakhon Phanom, Thái Lan duợc lệnh thay thế Trail-34 đến bao vùng cho BAT-21 Bravo. Phi công là Đại Úy Gary Ferentchak. Đây là loại “Pave Nail” được trang bị đặc biệt, có khả năng phi hành bằng LORAN hướng dẫn và có thể dùng Laser để xác định mục tiêu. Vùng hoạt động của Nail-59 đúng ra là đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào, nhưng lại được tăng phái để yểm trợ cho cuộc tiếp cứu. Lúc này, thời tiết vẫn xấu nên các phi vụ đều là Skyspot do LORAN và Radar hướng dẫn. BAT-21 vẫn liên lạc thường xuyên, cho biết có rất nhiều xe cộ và quân lính địch di chuyển trong vùng, mỗi khi Nail-59 có dịp bay dưới trần mây để quan sát cũng xác nhận như vậy. Do đó, King-24 cho thả loại bom CDU-14 để bảo vệ BAT-21 Bravo. Đây là loại bom đặc biệt, khi nổ sẽ tung ra hàng trăm trái mìn nhỏ bao phủ mặt đất, chỉ phát nổ khi bị đạp lên. Như vậy, BAT-21 Bravo được một bãi mìn che chở. Nail-59 cũng rất kinh ngạc vì không được cho biết gì vê tình hình sôi dộng dưới đất. Lúc này, BTL/SĐ 3 BB cũng quyết định phá cầu Cam Lộ, đây là cơ hội rất thuận tiện để dùng Nail-59 hướng dẫn đánh bom bằng Laser, nhưng đôi bên không liên lạc với nhau vì có nhiệm vụ khác nhau, vì vậy quân BV vẫn xử dụng cầu Cam Lộ để chuyển quân xuống mặt Nam
Sau 9 tiếng đồng hồ bao vùng, Nail-59 chỉ liên lạc với BAT-21 Bravo và không gọi một phi vụ oanh tạc nào. Nếu Nail-59 và BTL/SĐ 3 BB liên lạc với nhau, chắc chắn cầu Cam Lộ sẽ dã bị bom Laser phá sập và các chiến xa địch trong vùng cũng bị oanh tạc. Rất tiếc, vì hệ thông kiểm soát và chỉ huy không đồng nhất nên phá cầu này đã bị bỏ lỡ.
4. Tiếp Cứu Lần Thứ 2: Trực Thăng Cấp Cứu Bị Trúng Đạn
Suốt đêm 2 rạng ngày 3 tháng 4, tất cả các cố vấn Hoa Kỳ tại BTL/SĐ 3 tiếp tục yêu cầu giảm bớt vùng “Cấm Oanh Kích”. Tới khoảng quá nửa đêm, vùng giới hạn được thu hẹp còn lại chừng phân nửa, giới hạn từ đường dọc YD 23 (phía Tây Đông Hà) và đường ngang YD 53 (Nam Quang Trị). Vùng Cam Lộ là nơi chiến xa và bộ binh địch đang tập trung đông đảo để vượt sông vẫn còn bị giới hạn, nhưng phi cơ và pháo binh đã có thể yểm trợ cho cuộc lui binh của LĐ 147 thuộc vùng Mai Lộc. Mãi sau này, vì bị các giới chức Việt- Mỹ tại Quảng Trỉ phản đối dữ dội, Đệ Thất Không Lực mới giảm bán kính vùng cấm oanh kích xuống còn 5,000 mét rồi 2,700 mét. Nếu để ý kỹ, chúng ta thấy con số ban đầu 27 cây số và số cuối cùng 2,7 cây số có đôi chút tương đồng, chỉ khác nhau một dấu phảy (,). Rất có thể SARC chỉ muồn vùng cấm oanh kích bán kính 2,7 cây số theo ý kiến chúng tôi đã quá đủ, nhưng đánh máy sai thành 27 cây số! Quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới vận mệnh của cả một sư đoàn này lại do một trung sĩ ban hành! Thật là mộ việc làm cẩu thả và tắc trách!
Khoảng 3 giờ sáng, Tr. Đ 2 BB lúc đó dưới quyền điều động của Thiết Đoàn 20 phòng thủ khu vực Cam Lộ phát hiện một toán chừng 10 chiến xa địch toan vượt cầu. các chiến xa và Bộ Binh VNCH khai hoả chận đứng được toán chiến xa này. Hối 4 giờ 45 phút sáng, phi cơ thả bom đánh sập cầu Cam Lộ khiến xe cộ không qua lại đưọc nhưng bộ binh vẫn có thể vượt qua. BAT-21 Bravo vẫn liên lạc cho biết rất nhiều xe cộ và quân lính địch chung quanh, có lúc chỉ cách chỗ ẩn nấp của ông chừng vài ba chục thước.
Tại Nakhom Phanom, Thái Lan, phi vụ Pave Nail, danh hiệu Nail-25 được chỉ định bao vùng cho BAT-21 bắt đầu từ lúc rạng sáng. Một phi vụ khác, Nail-38 sẽ luân phiên thay thế. Ngoài hỏa lực phòng không, kể cả SAM rất mạnh trong vùng, cả hai phi hành đoàn đều không được cho biết về các trận đánh dưới đất. Tới vùng, Nail-25 bay xuống thấp dưới tầng mây để quan sát bằng mắt thường, thấy quân lính và xe cộ tập trung rất động đảo nơi rất trống trải, nên tưởng rằng đây làvùng tập trung của quân đội VNCH. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, Nail-25 nhìn thấy những ngôi sao đỏ sơn trên các chiến xa và xe cộ khác mới biết gặp địch quân. Điều này khiến họ rất ngạc nhiên vì không hề được cho biết. Nail-25 dùng LORAN dể xác định vị trí BAT-21 Bravo (chính xác đến khoảng 10 thước). Đại Tá Muirhead tại Trung tâm Tiếp Cứu Sài Gòn cho phép dùng đủ loại vũ khí để bảo vệ BAT-21 Bravo. Ngoài các loại “bom mìn” chống cá nhân, còn có loại CBU-30 dùng hơi chảy nước mắt và BLU-52 dùng bột khiến người tạm thời làm người tê liệt nhưng không có tác dụng lâu dài.
Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ, Nail-38 đến bao vùng thay thế để Nail-25 bay về Đà Nẵng tiếp tế nhiên liệu và nghỉ ngơi, dự trù sẽ ra thay thế Nail-38 vào buổi chiều. Khi Nail-38 hoạt động trong vùng, công tác tiếp cứu BAT-21 lại tiếp tục với phi cơ A-1, danh hiệu Sandy-07 và 08, cùng 2 trực thăng HH-53, danh hiệu Jolly Green-65 và 67, thuộc căn cứ Non Nước. Toán phi cơ tiếp cứu cất cánh từ Đà Nẵng vào buổi sáng. Tới vùng, các trực thăng được lệnh túc trực ngoài biển, có thêm các Sandy-05, 06 từ Ubon và Sandy-03, 04 từ Nakhon Phanom, Thái Lan trợ lực. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu nên chỉ có thể oanh tạc bằng LORAN và radar. Khi oanh tạc hết bom đạn, Sandy-07, do Đại Úy Don Morse là phi công, và Sandy 08 bàn giao vùng cho Sandy-05 và 06 trước khi về Đà Nẵng tiếp tế.
Sau đó thời tiết tương đối sáng sủa, hơn nữa, các cuộc oanh tạc của Sandy chắc cũng đã diệt được một số phòng không nên các Sandy và Nail-38 đồng ý có thể bắt đầu cuộc tiếp cứu. Trực thăng Jolly Green-65 do Hải Quân Trung Tá Jay Crowe thuộc Coast Guard, được chỉ định vào việc cấp cứu. Trung Tá Crowe đang phục vụ tại Đà Nẵng trong chương trình trao đổi phi công. Theo kế hoạch, Nail-38 đã ghi sẵn vị trí của BAT-21 Bravo bằng LORAN nên sẽ hướng dẫn cả toán tới mục tiêu. Khi xuống dưới tầng mây có thể quan sát bằng mắt thường, hai Sandy sẽ yển trợ cho Jolly Green-65 bay vào mục tiêu để bốc BAT-21 Bravo. Jolly Green -7 vẫn ở trên mây để phòng hờ.
Khi vừa qua khỏi tầng mây, cả toán giật mình khi thấy xe cộ và quân lính địch đầy rẫy khắp nơi, đồng thời phòng không lập tức bắn lên dữ dội. Cả toán bắn trả, nhưng Jolly Green-65 bị trúng đạn, hệ thống điều khiển bị hư hại. Crowe lập tức báo cáo bị trúng đạn và rời vùng. Jolly Green-65 bay được về Phú Bài; phi hành đoàn được Jolly Green-67 đưa về Đà Nẵng. Tr. Tá Crowe lập tức báo cáo tình hình địch tập trung đông đảo lên thượng cấp, nhưng dường như chẳng ai để ý chuyển tiếp tin tức này lên cấp cao hơn hoặc thông báo cho các phi hành đoàn hoạt động trong vùng.
5. Tiếp Cứu Lần Thứ 3: Thêm Trực Thăng Cấp Cứu Bị Trúng Đạn
Ngay khi Jolly Green-65 đáp được xuống Phú Bài, Queen, Trung Tâm Tiếp Cứu tại Đà Nẵng ra lệnh cho Jolly Green-60 và 66 cùng với các Sandy-03 và 04 cất cánh để tiếp tay Sandy-05 và 06 đang có mặt trong vùng tiếp tục cuộc tiếp cứu. Trong lúc đó, Nail-22 bao vùng thay thế Nail-38 cần tiếp tế nhiên liệu. Theo dự trù, Nail-38 phải về Nakhom Phanom để tiếp tế và nhận công tác mới, nhưng vì các diễn biến đột ngột vừa qua, Nail-38 chỉ còn đủ nhiên liệu để về Đà Nẵng. Toán Sandy-03 nhập vùng chỉ huy cuộc tiếp cứu, nhận thấy phòng không địch tương đối nhẹ, vả lại có thêm 2 trực thăng mới nên quyết định thử bốc BAT-21 Bravo một lần nữa. Nail-22 sẽ dẫn Jolly Green-66 tới điểm tiếp cứu dưới sự yển trợ của Sandy-05 và 06. Jolly Green-60 và Sandy 03, 04 túc trực trên cao để làm trừ bị.
Phi công của Jolly Green-66 là Trung Tá Bill Harris, chỉ huy trưởng Phi Đoàn 37 Tiếp Cứu (ARRS) tại Đà Nẵng. Nhưng thay vì bay đến vị trí từ hướng an toàn Đông Nam, Nail-22 và Jolly Green-66 lại bay từ hướng Đông tức là mặt Bắc Đông Hà, nơi có nhiều phòng không địch. Lập tức, ngay khi còn ở trên mây, Trung Tá Harris cho biết đã bị phòng không địch bắn lên dữ dội. Sandy-03 tính hủy bỏ công tác, nhưng thấy tại vị trí của BAT-21 Bravo, tình hình vẫn khá yên tĩnh nên tiếp tục. Sandy-05 và 06 tới mục tiêu trước, bắt đầu oanh tạc quanh vị trí của Hambleton trong lúc Jolly Green-66 bắt đầu xuống thấp. Phòng không địch bắn lên dữ dội, đồng thời phi công Harris nhìn thấy khoảng 10 chiến xa địch bắt đầu kéo lưới ngụy trạng để sửa soạn tác xạ khi chỉ còn cách vị trí của Hambleton khoảng một trăm thước. Sandy-03 liên lạc hỏi Jolly Green-66 vị trí chính xác của các ổ phòng không, nhưng khi được cho biết đạn bắn khắp nơi, Sandy-03 quyết định hủy bỏ công tác, ra lệnh cho Jolly Green-66 bay lên cao và đổi về hướng Nam về đáp tại Phú Bài với Jolly Green-60 hộ tống. Tại đây, các phi công thấy cánh quạt của phi cơ bị trúng đạn hư hại nặng, nếu bị sút ra trong khi bay, chắc chắn phi cơ sẽ bị rớt.
Cả 4 Sandy ở lại vùng, oanh tạc dữ dội cho tới khi hết bom đạn. Sandy-05 và 06 trở về Đà Nẵng để nhập vào toán tiếp cứu. Toán Sandy-03 và 04 ở lại, hướng dẫn một cặp Phamtom dùng bom 500 cân Anh đánh cầu Cam Lộ nhưng không trúng mục tiêu. Một phi vụ A-37 của VNCH bay tới dùng bom MK-81 nặng 250 cân Anh. Tuy cầu bị trúng nhiều bom, nhưng vì bom quá nhẹ nên không bị xập.
Tại Đà Nẵng, HQ Trung Tá Crowe tiếp tục theo dõi diễn tiến của cuộc tiếp cứu. Khi nghe tin Jolly Green-66 cũng bị trúng phòng không hư hại nặng, Crowe cho rằng các phi công không được cho biết tình hình chính xác. Nhờ quen biết, Crowe nhận được tin tùc chính xác từ phía Việt Nam. Khi biết được các đơn vị chính qui địch đang mở cuộc tấn công toàn diện có chiến xa và pháo binh tầm xa hỗ trợ tại Quảng Trị, Crowe lập tức báo lên không đoàn. Tuy nhiên, các thuyết trình viên cho biết họ chỉ thông báo các tin tức do hệ thống Không Quân gửi xuống.
Trong lúc cuộc tiếp cứa BAT-21 Bravo diễn tiến gay go, một trực thăng khác không liên quan gì đến cuộc tiếp cứu cũng gặp tai nạn. Khoảng 8 giờ 30 sáng, trực thăng UH-1H, danh hiệu Cavalier-70 thuộc căn cứ Non Nước được tăng phái cho Tiểu Đoàn 37 Truyền Tin (37th Signal Battalion) để bay tiếp tế cho đơn vị truyền tin tại Quảng Trị, nhưng tới 10 giờ sáng, trực thăng vẫn chưa tới. Cuộc tìm kiếm cho thấy Cavalier-70 có liên lạc với phi trường Phú Bài vào hồi 9 giờ 39 để cho biết đang bay trên cao độ 4,000 bộ, thời tiết tốt nhưng bị lạc. Phi công cho biết dường như đang bay trên vùng Quảng Trị, nhưng không rõ vị trí và nhờ radar hướng dẫn về Phú Bài. Đôi bên liên lạc chừng 20 phút nhưng đài không lưu vẫn không thấy Cavalier-37 trên radar. Đếùn khoảng 10 giờ 15, thì không liên lạc được nữa. Các cuộc tìm kiếm không mang lại kết qủa. Dự đoán Cavalier-70 bay trên vùng Quảng Trị, cao độ 4,000 bộ đã bị lạc vào vùng tập trung của địch nên bị phòng không bắn rơi.
Sau khi các trực thăng cấp cứu Jolly Green-66 bị hư hại nặng vì phòng không khi tiếp cứu BAT-21 Bravo, các phi công Crowe và Harris đồng ý rằng rất có thể địch quân đã biết rõ vị trí ẩn nấp của Hambleton, nhưng vẫn để yên, có thể vì muốn dùng làm bẫy để nhử thêm phi cơ cấp cứu, hoặc muốn cầm chân các phi cơ Hoa Kỳ tại đó, không dùng được tại các nơi khác để chúng có thể di chuyển dễ dàng hơn. Vì vùng Cam Lộ có quá nhiều địch quân, các cuộc tiếp cứu bằng trực thăng chắc không thể thực hiện được. Đặc biệt, Trung Tá Harris liên lạc với Đại Tá Muirhead tại Trung Tâm Tiếp Cứu để tỏ bày ý kiến và nhận xét, nhưng Muirhead trả lời, nếu được chuẩn bị kỹ càng, vẫn có thể tiếp cứu được.
6. Phi Cơ Điều Không Bị Bắn Rơi
Sau khi nhận tiếp tế tại Đà Nẵng, Nail-38 lại bay ra Quảng Trị để tiếp tục bao vùng. Lúc đó, trời đã khá quang đãng. Tới vùng Cam Lộ, khi xuống thấp khoảng 2,000 bộ để dễ quan sát, Nail-38 đuợc cấp báo có SAM phóng lên trong vùng. Tuy đang ở cao độ thấp, ngoài tầm theo dõi tối thiểu của radar hướng dẫn Sam và không trông thấy hỏa tiễn nhưng phi công Handerson vẫn cố bay tránh nhưng không còn kịp nữa. Phi cơ bị trúng hỏa tiễn bắt đầu rơi xuống đất. Quan sát viên Mark Clark ngồi ở ghế sau lập tức bấm nút đào thoát trước, phi công Henderson theo sau.
Phi công Handerson rơi xuống vùng Bắc sông Miếu Giang, cạnh con lộ chạy theo hướng Đông – Tây và trốn vào một lùm cây. Quan sát viên Mark Clark rơi xuống bờ Nam, chỉ cách bờ nước chừng dăm thước. Cả hai dùng máy truyền tin cấp cứu báo cáo xuống đất an toàn và chỉ cách vị trí của BAT-21 Bravo khoảng 2 cây số. Sandy-01 lúc đó cũng đang có mặt trong vùng lập tức liên lạc với bất cứ trực thăng nào trong vùng để tổ chức ngay việc tiếp cứu. May mắn lúc đó có một toán trực thăng gồm 1 UH-1 Blue Ghost-30 do Ben Nielsen làm phi công và 2 trực thăng võ trang đang hoạt động tại vùng Mai Lộc trả lời. Sandy-01 liền điều động toán trực thăng này ra vùng Cam Lộ. Trên đường đi, cả toán bị SAM tại vùng Khe Sanh bắn lên, nhưng không gây thiệt hại. Theo kế hoạch, các Sandy và trực thăng võ trang sẽ hộ tống Blue Ghost-30 vào vùng, bốc Mark Clark trước rồi tới phiên Handerson, và nếu có thể được, sẽ bốc luôn BAT-21 Bravo. Nhưng khi chỉ còn cách vị trí của Mark Clark chừng một cây số, súng phòng không bắn lên dữ dội, trực thăng bị trúng đạn khiến toán trực thăng phải hủy bỏ công tác và bay về đáp khẩn cấp tại Quảng Trị. Ở dưới đất thấy rõ mọi sự kiện, Mark Clark biết rằng sẽ không được tiếp cứu ngay nên anh lẩn vào một bụi cỏ rậm có kẽm gai bao quanh. Phi công Henderson ở bờ Bắc cũng được Sandy-01 thông báo công tác tiếp cứu bị hủy bỏ. Handerson trốn vào một bụi tre, nhưng tới đêm anh bị địch quân phát hiện và bị bắt. Tới đêm, Bilk-11 bay tới bao vùng cho hai nạn nhân còn lại.
7. Tiếp Cứu Lần Thứ 4: Thêm Nhiều Phi Cơ Bị Hư Hại
Qua ngày 4/4, vì buổi sáng có nhiều sương mù nên chỉ có những phi vụ được hướng dẫn bằng LORAN và Skyspot hoạt động lẻ tẻ bên ngoài vùng cấm oanh kích. Việc tiếp cứu cũng không thực hiện được. Toán tiếp cứu lúc này mới được thuyết trình tường tận về tình hình có khoảng 3 SĐ quân BVvới hàng trăm chiến xa, đại pháo và súng cùng hỏa tiễn phòng không địch trong vùng.
Đến trưa, trời hơi quang đãng nên có thêm 4 Sandy tăng cường, cùng với Bilk-11 bao vùng. Sau đó, toán tiếp cứu gồm 6 A-1 và 2 HH-53 cũng cất cánh để thi hành công tác. Tuy nhiên, dù các Sandy thả bom và bắn phá dữ dội, nhưng cũng không diệt hết được phòng không nên trực thăng không thể vào vùng, vì địch dùng cả hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay loại SA-7 “Strella”. Trong số 10 A-1 tham dự, tổng cộng có 8 chiếc bị hư hại.
Thời tiết vào buổi chiều trở nên rất xấu nên cuộc tiếp cứu phải hủy bỏ. Vì phòng không địch quá mạnh, toán tiếp cứu dự trù rất có thể sẽ phải chờ cho các mũi dùi chính của địch quân tiến sâu hơn về phía Nam, hy vọng sẽ mang theo bớt súng phòng không. Ngoài ra, cũng có thể sẽ phải dùng tới các toán tiếp cứu bằng đường bộ “Bright Light” của lực lượng đặc biệt MACV/SOG.
Đến ngày 5/4, thời tiết vẫn rất xấu nên chỉ có các phi vụ LORAN và Skyspot hoạt động. Vùng cấm oanh tạc vẫn còn hiệu lực. Khoảng 8 giờ 30 sáng, toán TQLC thuộc TĐ 3 “Sói Biển” phát hiện niều chiến xa địch khoảng 2 cây số bắc Cam Lộ và yêu cầu phi cơ oanh kích, nhưng vì trong vùng cấm oanh kích nên phải xin phép. Sau khoảng gần 2 tiếng đồng hồ chậm trễ, lời yêu cầu được chấp thuận, nhưng lúc đó, chiến xa địch đã phân tán nên chỉ có hai chiếc bị bắn hạ. Các phi cơ cánh quạt của VNCH và Hoa Kỳ chỉ hoạt động lẻ tẻ ngoài vùng cấm. Một phi vụ gồm 2 phản lực cơ Phantom F-4 cất cánh từ Udorn, Thái Lan thả 8 trái bom CBU-42 WAAPM (Wide Area Antipersonnel Munitions) chứa hàng trăm mìn nhỏ quanh vị trí của BAT-21 Bravo để bảo vệ.
Tại Sài Gòn, tướng Abrams rất lo ngại vì cường độ tấn công của quân Bắc Việt trên toàn lãnh thổ VNCH. Vì vậy, ông yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường Không Quân để kịp thời yểm trợ nên nhiều Phi Đoàn được đưa tới Thái Lan và Việt Nam. Hải Quân Hoa Kỳ cũng có các mẫu hạm Kitty Hawk, Hancock, Coral Sea và Constellation túc trực ngoài khơi. Các pháo đài bay B-52 cũng được tăng cường tại căn cứ Andersen, Guam.
8. Tiếp Cứu Lần Thứ 5: Trực Thăng Cấp Cứu Bị Bắn Hạ
Ngày 6 tháng 4, trời tương đối quang đãng nên có 52 phi vụ phản lực và 4 phi vụ B-52 oanh tạc các mục tiêu địch được xác định từ trước, trong khi toán cấp cứu túc trực. Các phi cơ A-1 thuộc KQVN cũng oanh tạc rất hữu hiệu các vị trí địch quanh vùng Cam Lộ và đường số 9.
Đến chiều, khoảng 3 giờ 15, toán tiếp cứu gồm 4 A-1 (Sandy 01. 02, 05 và 06) cất cánh từ Đà Nẵng và 2 trực thăng Jolly Green-67 và 68 thuộc Phi Đoàn 40 nhập vùng để tìm cách tiếp cứu. Vì BAT-21 Bravo bị bắn rơi đã 4 ngày nên cần được tiếp tế. Sandy-01 lãnh nhiệm vụ thả một gói tiếp liệu Madden gồm thực phẩm, nước uống, đạn dược và máy truyền tin xuống cho Trung Tá Hambleton. Nếu việc tiếp tế thành công, tùy theo tình hình, các trực thăng có thể được dùng để bốc BAT-21 Bravo.
Cả toán tập trung tại không phận Quảng Trị và liên lạc với các phi cơ quan sát Bilk-11 và Nail 59 đang bao vùng. Các Sandy 01 và 02 bay vào vùng Cam Lộ để thăm dò phản ứng của địch quân trong lúc chiến xa tại vị trí tiền phương của VNCH chỉ cách BAT-21 Bravo chừng 6 cây số về hướng Nam, nhưng theo tin tình báo, có khoảng 2 trung đoàn địch nằm giữa vị trí VNCH và BAT 21 Bravo. Cặp phi cơ A-1 bay dò đường và dùng đại bác xạ kích các điểm nghi ngờ nhưng địch chỉ phản ứng nhẹ.
Tới khoảng 4 giờ 15 chiều, Sandy 01 thả một gói tiếp tế Madden xuống cho BAT-21 Bravo, nhưng gói này bị kẹt trên phi cơ, sau này khi đáp tại Đà Nẵng mới phát hiện. Sau đó Sandy 01 dùng đại bác 20 ly bắn phá, trong lúc Sandy 02 thả thêm bom CBU, đồng thời toán phi cơ còn lại cũng được lệnh chuẩn bị tiếp cứu. Theo kế hoạch, Jolly Green-67 sẽ được các Sandy-05 và 06 hộ tống nhập vùng để bốc BAT-21 Bravo trước, Nail-38 sau, trong khi Jolly Green 60 túc trực tại vùng đông nam Quảng Trị làm trừ bị
Khoảng 5 giờ 10 chiều, các phi cơ A-1 bắt đầu bắn phá và bắt đầu thả bom khói để dọn đường. Nhưng khi Jolly Green-67 vừa bay qua sông Miếu Giang thì đã bị phòng không bắn dữ dội. Khi chỉ còn cách chừng một vài trăm thước, BAT-21 Bravo được lệnh mở trái khói. Nhưng cũng cùng lúc đó, Jolly Green-67 cấp báo bị bắn trúng ống dẫn xăng, vì vậy BAT-21 Bravo không mở khói màu để tránh lộ vị trí. Theo kế hoạch, nếu bị trúng đạn, Jolly Green-67 sẽ rời vùng bằng hướng đông nam, nhưng lại bay quá về hướng đông, đúng vào khu có nhiều vị trí phòng không địch tập trung. Các Sandy bay theo yểm trợ và liên tục kêu Jolly Green-67quẹo phải để bay về hướng Nam, nhưng máy truyền tin không liên lạc được. Sau khi bay được chừng 1 cây số, Jolly Green-67 bắt đầu quẹo phải để bay về hướng Nam, phi cơ bị phát hỏa, nghiêng về phía trái và rớt cách nơi Mark Clark ẩn nấp chừng nửa dặm về hướng Nam, mấy ngày sau vẫn còn bốc khói, thỉnh thoảng đạn lại nổ. Phi hành đoàn 6 người đều bị tử nạn.
Sau khi Jolly Green-67 bị bắn hạ, toán phi cơ quyết định hủy bỏ cuộc tiếp cứu vì hoả lực phòng không quá mạnh. Đại Tá Muirhead và Trung Tướng Marshall thuộc MAGV tại Sài Gòn cũng được thông báo “mọi biện pháp thích nghi đều đã được xử dụng, nhưng không thể dùng trực thăng để tiếp cứu”.
9. Phi Cơ Quan Sát Bị Bắn Hạ
Sau những thất bại và thiệt hại đáng kể, toán tiếp cứu tạm ngưng hoạt động để các giới chức thẩm quyền tìm biện pháp hữu hiệu hơn. Nhiều buổi họp khẩn cấp tại Đà Nẵng cũng như Sài Gòn đều đưa đến kết luận: không thể tiếp cứu bằng trực thăng, có lẽ phải dùng các toán BH xâm nhập bằng đường bộ dọc theo sông Miếu Giang. Trong lúc đó, các phi cơ quan sát vẫn bao vùng cho hai nạn nhân kẹt dưới đất. Lúc này, áp lực của địch quân gia tăng rất mạnh quanh vùng Cam Lộ cũng như mặt trận phía Tây. Chừng 1 tiểu đoàn địch mưu toan vượt sông Miếu Giang thuộc khu vực phòng thủ của LĐ 1 Thiết Kỵ và TĐ 3 TQLC gần vị trí của Mark Clark, nhưng bị pháo binh VNCH bắn chận.
Khoảng 10 giờ 30 sáng, Trung Úy Bruce Wlaker thuộc Phi Đoàn 20th TASS, danh hiệu Covey-282 cất cánh từ Đà Nẵng trên phi cơ OV-10 để quan sát vùng Phi Quân Sự. Trên đường đi, Covey-282 đáp xuống Phú Bài để bốc Trung Úy TQLC Larry Poots là tiền sát viên hải pháo, sau đó được chỉ định quan sát tại vùng căn cứ C-1, khoảng 6 cây số bắc Đông Hà trên QL-1 vì có tin nhiếu chiến xa và xe cộ địch di chuyển trong vùng. Cùng lúc đó, một phi cơ quan sát OV-10 loại Pave Nail danh hiệu Nail-21 cũng nhập vùng để đặc biệt liên lạc với hai nạn nhân. Phòng không, và đặc biệt hỏa tiễn địa không hoạt động không ngừng nên các phi cơ bao vùng gặp nhiều khó khăn.
Khoảng 11 giờ 15 sáng, Covey-282 bị một hỏa tiễn bắn trúng, nhưng cả hai phi hành đoàn nhảy dù đào thoát. Nail-21 và cả phi cơ chỉ huy HC-130 danh hiệu King hoạt động trong vùng đều nghe được tiếng kêu cứu của phi công Bruce Walker. Nail-21 lập tức được điều động đến liên lạc với Covey-282, nhưng vì không mục kích Covey 282 bị bắn rơi nên phải tìm kiến khá lâu. Covey-282 Alpha lập tức liên lạc, nhưng Covey-282 Bravo không thấy lên tiếng. Như vậy, hiện có tối thiểu 3 và rất có thễ 4 nạn nhân bị bắn rơi cần được tiếp cứu. Một phi cơ quan sát O-1 của KQVN đang hoạt động trong vùng cũng được điều động tới, nhưng phi cơ này cũng trúng đạn phòng không, phải đáp khẩn cấp tại phi trường Quảng Trị. Một phi cơ O-1 khác cuả KQVN với quan sát viên là HQ Đại Úy David Throop cũng cất cánh để tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Nail-21 xuống thấp khoảng 1,500 bộ để tránh hỏa tiễn phòng không, và cũng để quan sát dễ dàng hơn. Covey-282 bị rơi tại vị trí cách BAT-21 Bravo chừng 6 cây số về hướng đông bắc, vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Nail-21 dùng LORAN ghi vị trí của Covey 282 và báo cáo cho King, nhưng vì Walker luôn luôn di chuyển nên không được chính xác. Trung Úy Larry Potts không thấy liên lạc. Vì phòng không và hỏa tiễn địch vẫn tiếp tục bắn lên nên Nail-21 phải bay tránh ra ngoài biển.
Nail-25 thay thế khi Nail-21 phải trở về Nakhon Phanom để tiếp tế. Khi nhập vùng Nail-21 bị nhiều hỏa tiễn phòng không nhắm bắn nên phải bay ra ngoài biển. Red Crown là chiến hạm HQ Hoa Kỳ đặc trách báo động về hoạt động của các giàn hỏa tiễn địa không của Bắc Việt cho biết trong ngày hôm nay, tổng cộng có tới 83 hỏa tiển địa không phóng lên trong vùng. Như vậy, các phi cơ hoạt động thay vì yểm trợ cho quân bộ chiến, nay ưu tiên của KQHK dành cho việc phá hủy những vị trí phòng không. Vào buổi chiều cùng ngày, trong lúc các phản lực cơ Phantom oanh tạc các giàn hỏa tiễn, có thêm 1 phi cơ quan sát O-1 và 1 A-1 của KQVN bị hỏa tiễn bắn hạ tại vùng bắc Đông Hà, không có người sống sót.
Như thường lệ, một vùng “Cấm Oanh Kích” rộng lớn lại được thiết lập quanh vị trí của Bruce Walker nhưng được giảm xuống còn 2 cây số chung quanh. Trước đó, nhiều chiến xa địch di chuyển trong vùng nhưng phi cơ và pháo binh bị cấm hoạt động nên không can thiệp được. Khi “vùng cấm” được thu hẹp, toán chiến xa này đã kịp lẩn trốn.
IV. LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT MACV/SOG NHẬP CUỘC
Vì càng ngày càng bị thiệt hại, lại thêm nạn nhân cần cấp cứu nên tướng Abrams Tư Lệnh MACV chỉ thị ngưng ngay mọi cuộc tiếp cứu bằng trực thăng. Tại Sài Gòn, Trung tá TQLC Hoa Kỳ Andy Anderson, người chỉ huy Trung Tâm Tiếp Cứu (JPRC – Joint Personnel Recovery Center) tiếp xúc với tướng Marshall, Tư Lệnh Phó MACV để dề nghị biện pháp khác
1. Bright Light
Trung Tâm Tiếp Cứu do Trung Tá Andeson chỉ huy được đặt trực thuộc phòng 2 của MACV kể từ ngày 15 tháng 3 năm 1972, vì vậy nên theo dõi khá chặt chẽ về công tác tiếp cứu đang diễn ra tại vùng Cam Lộ. Tổ chức của Trung Tá Anderson cũng là vỏ bọc của cơ quan Nghiên Cứu Thu Hồi (Recovery Studies), ám damh SOG-80 thuộc MACVSOG. SOG-80 có nhiệm vụ tìm kiếm và thu hồi những nhân viên bị mất tích hay bị địch bắt giữ. Vì vậy cơ quan này thường xuyên thu thập tin tức tình báo, chi tiết về việc phát hiện các tù binh hay người mất tích cũng như rải truyền đơn và treo giải thưởng liên quan tới việc tìm kiếm người mất tích. SOG-80 cũng ấn định những điều quan trọng cần thi hành nếu chẳng may bị bắn hạ hay rơi vào tay địch, thí dụ như những “mật mã” hoặc dấu hiệu đặc biệt để lại trên đường di chuyển có thể thấy rõ từ phi cơ nếu không liên lạc được bằng vô tuyến. Khi cần, SOG-80 cũng có những toán được huấn luyện tinh thục xâm nhập vùng địch chiếm dưới ám danh Bright Light để tiếp cứu những phi hành đoàn bị bắn rơi, hoặc giải cứu tù binh. Nhưng từ lúc được thành lập, các toán Bright Ligh chưa thu hoạch được thành quả khả quan nào.
Vào năm 1972, cùng với chương trình Việt Nam hóa, hầu hết các hoạt động của MACV/SOG đều bị giới hạn. Quốc Hội Hoa Kỳ có luật ngăn cấm quân đội Hoa Kỳ không được hoạt động ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam, ngoại trừ trong các công tác tiếp cứu. MACV/SOG được lệnh ngưng mọi hoạt động vào ngày 31 tháng 3 và giải tán vào ngày 30 tháng 4 năm 1972. Khi BAT-21 Bravo bị bắn rơi, tổ chức JPRC của Trung tá Anderson chỉ còn vài người cho có lệ để sẵn sàng ngưng hoạt động. Ý thức được đây là cơ hội cuối cùng của JPRC có thể đạt được thành công, Trung tá Anderson liên lạc với thiếu tướng Marshall để bàn về việc tiếp cứu. Đôi bên thỏa thuận sẽ họp với Đại Tá Muirhead vào ngày hôm sau để bàn thêm chi tiết.
2. Biệt Hải Tham Chiến
Trong buổi họp, Trung Tá Anderson đề nghị dùng một toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH) xâm nhập tại vùng Cửa Việt hoặc Đông Hà, hoạt động ngược giòng sông Miếu Giang để tiếp cứu các phi hành đoàn bị nạn. Tuy kế hoạch có vẻ xa vời, nhưng vì không còn biện pháp hữu hiệu nào khác nên MACV và Đại tá Muirhead chấp thuận. Tướng Marshall hứa hẹn sẽ cung cấp mọi phương tiện cần thiết.
Buổi trưa, Trung Tá Anderson dùng phi cơ riêng của tướng Marshall bay ra Đà Nẵng để tham dự một buổi thuyết trình duyệt xét tình hình với mọi giới chức Không Quân, Lục Quân, TQLC HK đã tham dự cuộc tiếp cứu từ trước. Nhiều đề nghị được đưa ra trong buổi thuyết trình, thí dụ như dùng trực thăng loại nhỏ OH-6 “Loach” bay lén ban đêm để bốc lẹ, nhưng điều này vi phạm lệnh của tướng Abrams cấm dùng trực thăng. Đại Tá Al Gray chỉ huy trưởng toán TQLC trên chiến hạm Đệ Thất Hạm Đội đề nghị cho đổ bộ, nhưng cuối cùng, Trung tá Anderson cho biết mình đã được trao phó nhiệm vụ. Một toán Biệt Hải sẽ được đưa tới vị trí tiền phương do lực lượng bạn kiểm soát thuộc bờ nam sông Miếu Giang gần với phòng tuyền địch nhất để làm điểm xuất phát. Sau đó, mỗi phi hành đoàn lâm nạn sẽ di chuyển ra bờ sông tới một điểm đã được ấn định sẵn, rồi thả trôi theo giòng nước. Toán Biệt Hải từ điểm xuất phát sẽ di chuyển ngược giòng để đón, trong khi các phi cơ bao vùng tối đa để yểm trợ.
Sau buổi thuyết trình, Trung Tá Anderson liên lạc với cơ quan NAD (Naval Advisory Detachment) thật sự là vỏ bọc của tổ chức SOG-37 chuyên tổ chức những cuộc hành quân xâm nhập lãnh thổ địch bằng đường biển (Maritime Operations, gọi tắt là MAROPS).
3. Sơ Lược Về Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH)
SPVDH thuộc Nha Kỹ Thuậ đồn trú tại Sơn Chà, Đà Nẵng , là cơ quan đối nhiệm của NAD trong tổ chức SOG-37. Các đơn vị trực thuộc SPVDH gồm Lực Lượng Hải Tuần (LLHT) gồm những quân nhân HQ/VNCH biệt phái, chịu trách nhiệm điều khiển các khinh tốc đĩnh xâm nhập hậu tuyến địch và Biệt Hải (BH) đảm trách việc đổ bộ. Các toán BH được huấn luyện thuần thục như người nhái HK về kỹ thuật xâm nhập, phá hoại v.v… Trước năm 1968, hoạt động của các toán BH bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt, nhưng sau đó bị giới hạn vào các vùng dưới vĩ tuyến 17.
Vì cùng thuộc tổ chức SOG nên Trung Tá Anderson được Chỉ Huy Trưởng SPVDH là Đại Tá Nguyễn Viết Tân cung cấp một toán gồm 5 Biệt Hải để dùng trong công tác giải cứu. Sĩ Quan Trưởng Toán là Hải Quân Đại Úy Vũ Ngọc Thọ thuộc khóa 16 SQHQ Nha Trang, được mô tả như một sĩ quan quả cảm, mưu lược và nhiều sáng kiến; toán viên gồm các anh Nguyễn Trâm, Nguyễn Châu, Lê Thanh T. và Nguyễn Văn Kiệt. Về phía Hoa Kỳ, Đại Úy người nhái Tom Norris cũng được chỉ định đi theo toán để trợ giúp về mặt liên lạc truyền tin và yểm trợ.
Sau đây là lời thuật lại của các nhân chứng về trường hợp nhận lãnh công tác:
* HQ Đại Úy Vũ Ngọc Thọ:
“Trước hai hay 3 ngày thực hiện công tác BAT-21, tôi được CHT/SPVDH lúc bấy giờ là HQ Đại Tá Nguyễn Viết Tân và Cố Vấn Trưởng là Trung Tá HK Crab (?) cố vấn Sở và cũng đã tham dự vài công tác với tôi cho biết là hai phi công Phản Lực của HK bị bắn rơi cách Cam Lộ vài cây số còn sống và có thể liên lạc với một FAC ( forward air controller) trên một OV-10 đang “bao vùng” tại đây và đề nghị tôi làm Trưởng Công Tác, còn nhân viên thì cho tôi toàn quyền chọn lựa thêm 4 người với Đại Úy Seal Team M ỹ Thomas Norris (“Tom Baby”, cái “nickname” mà tôi đặt cho anh ta vì anh ta chỉ uống Coke hay Norris mà tôi thường gọi). Đồng thời tôi cũng được cho biết công tác nầy “rất nặng”. Tôi nhận lời và ngay tối hôm đó tôi mời tất cả nhân viên BH khoảng 30 chục người lại “nhậu” tại Camp Fays Club, dành riêng cho nhân viên S.O.G ở Đà Nẳng. Trong bửa nhậu, tôi chỉ cho biết tôi cần một số tình nguyện công tác đặc biệt với tôi, công tác rất nguy hiểm nên tôi không ép, đêm nay về suy nghĩ kỹ và sáng mai thì ghi danh tình nguyện nhưng tôi chỉ chọn 4 người trong số tình nguyện. Sáng hôm sau, có hơn 15 người ghi danh tình nguyện, tôi phải quyết định chỉ chọn theo tiêu chuẩn ưu tiên sau: khả năng phù hợp với loại công tác, tín nhiệm, ưu tiên cho nhân viên thuộc toán của tôi và tốt nhất là độcthân. Kiệt, Trâm và T. là những người theo tôi đủ những tiêu chuẩn trên. Còn Châu, tuy lúc bấy giờ đã có gần chục đứa con nhưng là một nhân viên xuất sắc, trầm tỉnh, kinh nghiệm và cũng là một người tôi rất mến và rất “gần” với tôi trong mọi tình huống: công tác cũng như cuộc sống bình thường. Tôi thường nói với Châu, nếu tôi chết thì tôi tặng “tiền tử” cho gia đình Châu vì tôi rất thông cảm một người nặng gánh gia đình như vậy mà vẫn còn chấp nhận dấn thân. Vì sự chọn lựa nầy, mà sau đó một số anh em không được chọn trách tôi đã “không thương” họ. Thật sự, lúc bấy giờ tôi coi đơn vị BH cũng như một gia đình của tôi, mỗi lần bị thương được anh em liều thân cưu mang tôi về, tôi không bao giờ quên và chỉ sợ không còn đủ sức để về lại “nhà BH của tôi”.
* Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Kiệt:
“Tối 9 tháng 4 năm 1972, tại câu lạc bộ ” Rendezvous ” ở Tiên Sha, Đà Nẵng, một mình bên ly bia còn dang-dở, chợt nhìn sang bàn bên cạnh, tôi nhận ra Đại Úy Thọ vị chỉ huy toán trưởng của toán Hải Cẩu, thuộc đội Xung Kích Biệt Hải. Bên cạnh Đại Úy Thọ còn có Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Châu và vài nhân viên khác. Họ đang thầm-thì chuyện gì trông có vẻ rất quan trọng… Tính tò mò đã thúc đẩy tôi bước sang bàn Đại Úy Thọ để tìm hiểu.
Tôi được biết một công tác “Tối Mật” sẽ được thi hành rất sớm. Nhưng vì chúng tôi đang ở trong câu lạc bộ nên không tiện cho việc thảo luận chuyện quân sự, tôi đành im lặng.
Đêm ấy chúng tôi trở về đơn vị với lệnh cấm trại 100%. Tôi được tuyển chọn để tham dự một “chuyến công tác cứu phi công” bị bắn rơi sau phòng tuyến địch. Số người tham dự chỉ có năm người mà thôi: Đại Úy Thọ, Hạ Sĩ Nhất Châu, Hạ Sĩ Nguyễn Trâm, Hạ Sĩ Nguyễn T. và tôi (Hạ Sĩ Nhất).”
* Biệt Hải Nguyễn Trâm:
“Còn nhớ, ngày 8. 4. 72 buổi trưa hôm đó vào lúc 11 giờ Chúa Nhật. Bất chợt một chiếc xe Jeep do tài xế Hs / I Tư, từ BCH chạy về dừng lại ngay trước cổng nhà Châu. Mọi người nhìn ra thấy anh vội vã xuống xe hối hả đi vào coi bộ khẩn cấp lắm, lúc nầy chúng tôi tất cả đang vui cười đùa dỡn qua những mẫu chuyện phiếm trong hơi men chếch choáng, đột nhiên có sự xuất hiện của Tư đã làm không khí cuộc vui thay đổi, mọi người lầm tưởng hôm nay H/s Tư cũng thuộc diện lang thang tìm kiếm niềm vui nơi đám bạn bè cuối tuần, trong số có người đã nhanh chóng kéo ghế mời ngồi, nhưng Tư vội vàng từ chối, đồng thời tiến tới cạnh tôi với Châu và cho biết, anh được lệnh từ Bộ Chỉ Huy lái xe về gọi, cả hai phải xuống trình diện để nhận công tác ngay buổi chiều hôm nay, chính anh đích thân sẽ chở anh em chúng tôi.
Nghe xong câu chuyện mọi người trong bàn tất cả lấy làm bàng hoàng, riêng tôi vì đang lưu luyến cuộc vui nên tỏ ra giận dỗi đã vội lên tiếng “Đ.M’ không hiểu đi đâu gấp thế, hôm qua có mặt trong trại nguyên ngày không nghe lệnh lạc gì cả? Mặc dầu vậy tôi, Châu cùng tất cả bạn bè vẫn nuối tiếc cuộc vui sắp buộc giải tán, nên mọi người cố nán ít phút cạn ly cuối cùng trước khi chia tay từ giã, cùng lúc ý nghĩ vu vơ bất chợt thoáng qua, biết đâu đây là lần…. nên lòng cãm thấy hơi lo.
Trước đây đã nhiều lần chứng kiến hoạt cảnh thế nầy một số bạn bè thân thương, sau lần chia tay đột ngột vĩnh viễn không ngày trở lại. Nghĩ đến thân phận hiện tại của người chiến binh, sống trong hoàn cảnh chiến tranh thật hết sức mong manh, đặc biệt với những thằng nhảy toán “buổi chiều thấy còn, nhưng đêm đã khuất” có ai biết được. Đối với tình cảm Nguyễn Châu bây giờ cũng thế, hiện giờ ít nhiều vẫn bịn rịn vợ con, dầu gì anh cũng phải tìm cách trấn an sự âu lo gia đình, vào lúc mà bạn bè đang sum họp có mặt tại nhà. Thử hỏi người vợ nào yên lòng về sự ra đi, của người cha người chồng giữa thời chinh chiến. Riêng tôi trong vị thế độc thân nên cảm thấy dễ dàng vì không ai ngăn cản và rồi phút giây bịn rịn qua mau cả hai chúng tôi ngoan ngoãn như những trẻ thơ, vội vã theo chân tài xế Tư nối gót ra xe leo lên ngồi gọn lọn ở hàng ghế sau.
Từ nhà Châu đến kho đạn Yên Thế đoạn đường dài chỉ độ hơn cây số, đầy sỏi đá lổm chổm, tài xế Tư cố bấm môi tăng nhanh tốc độ, giúp bắt kịp thời gian để anh em tôi có mặt trình diện, vì thế hầu như tất cả trong xe đang bị một con ngựa chứng hành hạ. Khi vừa đến ngang cổng kho đạn Trại Yên Thế, người tài xế cho xe quẹo sang trái tiếp tục thoải mái chạy trên con đường tráng nhựa thẳng vào Trại 9 (Blackrock).
Trong giây phút bàng hoàng suy tư mang nhiều thắc mắc. Tôi xoay qua phía Châu hỏi nhỏ, anh có biết công tác nầy thuộc loại nào không? Vào lúc mà tiếng động cơ đang gây ồn ào cộng tiếng gió vi vu thổi xuyên qua cửa xe, do tốc độ chiếc Jeep đang hồi phóng mình lao tới. Nhưng tai tôi vẫn nghe rõ những lời Châu thuật lại từ đầu câu chuyện. Cách đây mấy ngày trong đêm tổ chức lễ ra trường của khóa 72 Biệt Hải tại CampFay, khi tiệc nữa chừng có lẽ quá vui nên taothấy Đ/ úy Thọ đứng giữa anh em nói lớn “Lần nầy thằng nào muốn chết thì theo tao ngoại trừ thằng Châu” (Châu lúc ấy đang phụ trách huấn luyện cho cả hai khóa Biệt Hải 70 &72. Trong số khóa sinh có cả Đ/ úy Thọ và K), khi tiệc sắp tàn tao bèn tìm cách gặp riêng Đ/ úy Thọ để hỏi? Và được ông cho biết sơ qua công tác, sẵn đó đã giới thiệu mầy cùng đi với tao trong chuyến. Còn ngày giờ khởi hành thì tao không biết hơn nữa vì ngại an ninh nên không dám hỏi. Nghe xong câu chuyện tôi lặng người giây lát, vì mọi thắc mắc trăn trở kể như bây giờ hoàn toàn được Châu hóa giãi, nghĩ thân tình bạn bè từ lúc tôi, Châu quen biết đến nay. Bất cứ chuyện buồn vui nào anh em cũng đều chia nhau san sẽ, làm tôi càng cảm mến anh nhiều hơn.”
4. Cuộc Tiếp Cứu Của Biệt Hải
Chiều ngày 8/4, Trung Tá Anderson họp toán công tác và thông báo chi tiết như vùng hoạt động, nhiệm vụ, tình hình địch, bạn v.v… Mọi người tin tưởng rằng với kinh nghiệm hoạt động tại vùng ngoại biên, chuyến công tác tại nội địa này có nhiều hy vọng thành công. Theo kế hoạch, Trung Tá Anderson cho biết vì địch hoạt động mạnh trong vùng nên toán Biệt Hải sẽ tới điểm xuất phát là vị trí bạn thuộc bờ nam sông Miếu Giang sát phòng tuyến địch rồi bí mật thiết lập những trạm quan sát không quá vị trí bạn một cây số, chờ đón các nạn nhân thả trôi theo giòng nước xuống. Theo kinh nghiệm, toán Biệt Hải thường hoạt động tương đối độc lập, chỉ cần cho biết nhiệm vụ, họ sẽ tùy nghi hoạt động tương đối tự do để hoàn tất công tác.
Ngày 9/4, mặt trận giới tuyến tại vùng Cam Lộ gia tăng cường độ. Cộng quân tấn công dọc theo QL 1 về hướng đông, nhưng chạm phải hỏa lực dội của LĐ 1 TK tại vùng 6 cây số tây Đông Hà nên bị chận đứng, bỏ lại gần 700 các chết và 24 chiến xa bị bắn cháy tại trận địa. Xa hơn về phía nam, thiết giáp Cộng quân tiến đánh căn cứ Phượng Hoàng (Pedro) do TQLC trấn giữ, nhưng được KQ và Thiết Giáp VN yểm trợ, TQLC đẩy lui địch quân, bắn hạ trên 400 tên và phá hủy 22 thiết giáp. Trong khi các trận đánh khai diễn, Trung Tá Anderson bàn tính kế hoạch với BTL/SĐ 3 BB.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 10/4, toán BH đáp trực thăng tới Quảng Trị, nơi đặt BTL/SĐ 3 BB. Tại đây, Trung Tá Anderson và Đại Úy Thọ tham dự một buổi họp để thuyết trình về kế hoạch tiếp cứu. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, TL/SĐ 3 BB mặc dù không mấy tin tưởng, nhưng tiếp kiến và cung cấp phương tiện chuyển vận cho toán BH. Với các trận đánh đang diễn ra quyết liệt tại vùng giới tuyến, Tướng Giai rất bận bịu với các cánh quân của mình nên không mấy quan tâm về số phận của 3 phi hành đoàn HK bị bắn rơi. Sau đó, toán BH dùng xe tới vùng Đông Hà, nơi đặt BCH/LĐ1/TK.
HQ Đại Úy Thọ cho biết về chuyến đi này như sau:
“Sáng sớm hôm sau, vào ngày 9 tháng 4 năm 1972, một trực thăng bốc chúng tôi từ Đà Nẵng bay thẳng ra Quảng Trị và bỏ chúng tôi tại Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn III tại Cỗ Thành Quảng Trị. Andrew liên lạc với Trung Tâm Hành Quân tại đây để “contact” với Bộ Chỉ Huy Hành Quân đang ở Ái Tử để xin phương tiện di chuyển toán vì trực thăng không dám lại gần khu vực đó để tránh pháo. Sau gần một giờ chờ đợi phương tiện di chuyển, chúng tôi được đưa đến Ái Tử bằng hai xe Jeep. Tình hình của Quảng Trị lúc bấy giờ rất căng thẳng, máy bay trực thăng võ trang yễm trợ cũng như tải thương lên xuống dập diều, những phi công trực thăng Mỹ mệt mõi ngồi “ngũ gà ngũ gật” bên các lô cốt làm bằng bao cát để chống pháo kích, màu trắng của băng bó và màu máu của các thương binh đang nằm chờ di tản làm cho không khí ở đây ngột ngạt mùi “âm khí”.
Chúng tôi đến Ái Tử lúc gần trưa, Andrew hướng dẫn tôi và Norris vào tham dự một “brief” về tình hình “nóng” tại tuyến đầu. Trong buổi “Brief” gồm 3 Đơn Vị Trưởng của 3 ba ĐV đang tham chiến tại đó là: Chuẩn ướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh S Đ 3, người cao ốm vui vẽ, mang một súng K54 xệ ra đằng sau; Đại Tá Nguyễn Hòa Hiệp khá “đô” và nghiêm ngh ị, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 (Ghi chú c ủa tác giả: Đ/T PHAN Hòa Hiệp là T ư Lệnh Thiết Giáp?) ; Trung táHuệ, người Trung nhỏ ốm, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ. Ngoài ra còn hai hay 3 SQ/HK đang làm việc tại đó, Andrew, Norris và tôi. Tất cả đều cho biết tình hình rất “xấu”, VC đang cố đánh qua sông Thạch Hãn để tiến chiếm Quảng Trị, cũng may Thiết Đoàn 20 vừa được trang bị loại Tank M48 mới, chạy nhanh và trang bị đại bác bắn bằng telescope rất chính xác cũng như nhờ sông Thạch Hãn và Miếu Giang chỉ có cầu Cam Lộ băng qua nên VC khó qua được. Tại cầu nầy, tối hôm trước, các xe tank T-54 cố tấn công qua cầu Cam Lộ bị bắn cháy 7 chiếc ngay bên kia cầu. Tóm lại, phía bên nầy sông và gần cầu Cam Lộ là phe ta, bên kia và “vẹm”. Trước khi chia tay, tướng Giai nói nhỏ bằng tiếng Việt với tôi: “Họ muốn các toa đi đóng phim để an ủi thân nhân của Phi Công Mỹ chứ tôi nghĩ các toa khó thành công vì bên kia sông dày đặc VC, con kiến cũng khó lọt. Bên nầy sông thiết giáp và bộ binh phải núp sau những độn cát, nếu ngóc đầu lên là có thể bi “bắn sẽ”, chúc các toa gặp may mắn.” Khi ra ngoài phòng họp thì tôi thấy một hai người với máy quay phim có lẽ là phóng viên chiến trường của nước ngoài được “gọi” tới để lấy tin “đăc biệt”? Tôi liền “biến” ra ngoài về với anh em BH đang chờ bên ngoài. Chẳng bao lâu sau đó, một M113 chở chúng tôi đến Cam Lộ.”
Biệt Hải Nguyễn Trâm kể lại:
“Sáng sớm hôm sau, ngày 9. 4. 72 (tức thứ Hai ) vào lúc 4. 30. Tất cả thành phần nhân viên tham dự đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng đứng chờ trước sân cờ BCH / Trại 9, hai chiếc Trực thăng do phi hành đoàn người Hoa kỳ không biết từ đâu bay tới, đáp xuống giữa sân cờ có nhiệm vụ bốc toán, mọi người tuần tự nối đuôi nhau leo lên tìm chổ ngồi vào vị trí của các dãy ghế đan bằng giây dù, treo tòng teng mắc trong lòng máy bay, cùng lúc hai xạ thủ phi công chia nhau đi đến kiễm soát an toàn chổ ngồi từng người trước khi máy bay chuẩn bị cất cánh, trong số có cả 2 người Cố vấn là Tr/ tá Anderson cơ quan tiếp cứu ( JPRC ) thuộc phòng 2 MacSog 80 từ Saigòn ra và Đ/ úy Tom Norris UDT Seal (hiện ông Norris đang làm Cố vấn cho các toán Biệt Hải) đã có mặt từ trước trên một trong 2 chiếc Trực thăng. Về phần nhân viên toán và hành trang cá nhân chia đều được đặt gọn ghẽ trong lòng máy bay, ít phút sau cả hai chiếc đồng loạt cất cánh từ từ bay lên không trung vào lúc 5 giờ sáng. Khi trực thăng ở trên cao độ, lúc nầy mọi người cảm thấy hơi se lạnh, vì các cửa máy bay mở toang mỗi bên có một xạ thủ phi hành đang ngồi nhô ra, hai tay gìm chặt trên báng súng của cây đại liên 6 nòng sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào, bởi vậy khiến nhiều đợt gió của sáng sớm tinh sương đang tung hoành thổi tới, hắt hẳn ngay mặt làm tê buốt hai bên thái dương, ngồi trên máy bay lúc nầy tôi có cơ hội trông xuống dưới đất quan sát , nhìn cảnh vật chung quanh thành phố giờ nầy vẫn chìm đắm trong sự yên tĩnh giả tạo của hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đó đây vài ngọn đèn đường lưa thưa ẩn hiện tỏa ánh sáng nhạt nhòa yếu ớt, tựa những cặp tình nhân đang lang thang tìm đến điểm hẹn. Chúng đâu ngờ phút giây nầy có nhiều người đang chung cảnh ngộ, vẫn âm thầm để sẳn sàng đối diện những bất hạnh chiến tranh, trong số có toán Biệt Hải chúng tôi.
Sau mấy giờ bay hai chiếc trực thăng đã nhanh chóng tranh nhau bỏ lại Đà Thành dấu yêu, lần lượt băng qua thành phố Huế và đến trên không phận Quảng Trị, khoảng lúc 7.30 sáng. Tại đây lợi dụng lúc máy bay lòng vòng trên cao độ chờ lệnh, tôi lại tò mò nhìn xuống phía dưới, vô tình trông thấy được nét chấm phá của chiến tranh hiện ra, tựa như bấc tranh vẽ lại cảnh “điêu tàn” do một người họa sĩ tài danh sáng tác, chung quanh phạm cảnh tiêu điêu xơ xác của nhiều làng xã bởi trăm ngàn hố bom lớn nhỏ, đã và đang đua nhau đào xới ngổn ngang, biến vùng đất màu mỡ trước kia bổng trở thành hoang phế, đó đây lưa thưa nhiều cụm khói, tỏa mùi khét lẹt phát xuất từ những căn nhà xiêu vẹo đang cháy dở dang, do trận pháo kích đêm qua, đủ để biết tình hình ở đây đang chịu áp lực nặng nề của phía Bắc quân. Cùng lúc các phi công Hoa kỳ tìm được chổ an toàn phía dưới, cả hai tuần tự đáp xuống đậu trên một khoảng trống gần sân cờ BTL/Tiền Phương. Khi càng của trực thăng vừa chấm đất, tất cả chúng tôi vội mang hết dụng cụ súng đạn, rời khỏi trực thăng đi thẳng vào một góc sân trước mặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương tìm chổ chờ đợi, còn Tr/ tá Anderson, Đ/ úy Tom Norris và tr/ toán Thọ, cả 3 đi thẳng vào phòng hành quân họp với Bộ Tư lệnh Tiền phương vùng hỏa tuyến.
Tất cả cảnh tượng vừa được trông thấy, giúp mọi người nhanh chóng hình dung được sự hiễm nguy những ngày kế tiếp, trong số có vài anh lấy thuốc ra hút giải khuây, hầu giúp trấn an tinh thần hay hoặc cơn ghiền đã đến. Tuy 4 chúng tôi lúc này kề vai ngồi sát bên nhau, nhưng tâm tư mỗi người hình như thả hồn suy nghĩ khác nhau. Trước mặt cổng BCH Tiền phương là con đường quốc lộ I chạy vào thành phố Huế, đằng bên kia đường thấy hằng trăm lều vải màu trắng do cơ quan Hồng Thập Tự dựng lên san sát thứ tự thẳng tắp, dùng làm chỗ tạm trú cho nhiều ngàn dân tỵ nạn khắp thôn quê chạy về ẩn tránh. Trong khoảng thời gian anh em đang ngồi chờ tr/ toán đi họp, bất chợt một vị Tướng lãnh đi qua có lẽ vì sự hiếu kỳ, nên ông dừng lại ngay chổ chúng tôi và hỏi, các anh có phải chiêu hồi? (vì lối ăn mặc 4 chúng tôi rất giống bộ đội cộng sản) Tất cả đứng dậy chào trả lời không phải. Ông tiếp tục, thế đơn vị các anh ở đâu ra đây với nhiệm vụ gì?
Thưa Ch/ Tướng, chúng tôi thuộc LL/Biệt Hải/SPVDH/NKT, xuất phát từ Đà Nẵng được lệnh ra đây giải cứu các Phi công Hoa Kỳ lâm nạn. Nghe xong ông lắc đầu tỏ dấu hoài nghi về chuyến công tác, ông cho biết tình hình sơ qua về mấy Phi công Hoa kỳ hiện rất khó khăn, mấy ngày trước đây có nhiều đơn vị dồn hết nỗ lực tìm cách cứu cấp, nhưng tất cả đều không thành công ngược lại đã bị nhiều tổn thất, như muốn để kết thúc câu chuyện (vài anh em đến nay vẫn còn nhớ tên “H” của ông tướng may trên túi áo) theo ông các viên Phi công Hoa Kỳ này giống như những người đã chết được người ta cố tình rùm beng cốt khích lệ những người còn sống hầu giữ vững tinh thần chiến đấu đó thôi, chứ thật người chết thì làm sao biết người sống hiện đang làm gì. Đồng thời ông cho biết trong giờ tới sẽ có một chiếc thiết giáp M- 113 chạy đến chở toán các anh ra điễm công tác, còn phương tiện trực thăng không thể xữ dụng lúc nầy, vì tình hình quanh vùng rất nguy hiễm và phòng không của chúng dầy đặc. Trước khi chia tay ông không quên cầu chúc anh em chúng tôi mau sớm thành công an bình trở về.”
Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Kiệt kể lại:
“Sáng ngày 10-4-1972, toán chúng tôi được chuyển vận đến bãi đáp trực thăng thuộc căn cứ yểm trợ tiếp vận Đà Nẵng. Tại đây, 2 chiếc trực thăng võ trang của Hoa Kỳ đã bốc chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 lúc đó đang đóng tại tỉnh Quảng Trị.
Đến nơi, Đại Úy Thọ và một người nhái Hoa Kỳ tên Thomas R. Norris cùng viên Trung Tá liên lạc tình báo Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Andy Anderson cùng vào phòng hành quân của Sư Đoàn để họp với các thẩm quyền.
Chúng tôi đứng chờ bên ngoài, nhìn xuyên qua vòng đai của bộ chỉ huy được giăng mắc bằng những hàng dây kẽm gai. Tôi trông thấy từng đoàn người dân đang di tản về phía Nam. Họ mang những chiếc gánh gồng trên chất đầy vật dụng của gia đình của họ. Có những đứa trẻ gương mặt lộ vẻ hốt hoảng chạy theo làn sóng người di tản. Bên cạnh, còn có những con chó, con gà, con heo. Họ chồng chất tấc cả những gì có thể mang theo trên những chiếc xe bò nặng cồng kềnh. Nhìn các đường phố đầy ắp dân hối hả chạy loạn, toàn tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ như đang trong một cơn sốt cao độ.
Thỉnh thoảng tiếng hỏa pháo nổ vang rền do đơn vị pháo binh gần đấy, đang bắn yểm trợ cho đơn vị ta. Quân đội ta đang anh dũng chống trả làn sóng xâm lăng, khát máu của quân cộng sản Bắc Việt.
Hoàn cảnh đau thương khắc nghiệt đang đổ vào đầu những người dân vô tội, trong đó phần lớn là những người già cả, đàn bà và trẻ em thơ dại. Họ là những nạn nhân của cuộc chiến do cộng quân vô thần gây ra.
Chúng tôi chờ bên ngoài khoảng gần một giờ, thì tất cả mọi người đã trở lại với chúng tôi. Nhìn trên gương mặt của mỗi người đều mang một vẻ thật nghiêm trọng. Đi theo họ là Đại Tá (Ghi chú c ủa tác giả: Chuẩn Tứớng) Giai và các sĩ quan Việt-Mỹ. Đại Tá Giai tiến đến chúng tôi nói rằng: “Các anh đang đi mò kim dưới nước, phải cẩn thận nghe không? Chúc các anh gặp nhiều may-mắn!”
Riêng tôi, sau khi nghe những lời của Đại Tá Giai …tôi thầm nghĩ rằng “Dù có chết chúng tôi vẫn lao vào. Công tác là trên hết!”
Ngay sau đó, toán chúng tôi được cấp một chiếc xe GMC để di chuyển đến vùng địa đầu giới tuyến. Trên xe đã được ngụy trang bằng những lá cây rừng, cùng với tiểu đội võ trang tháp tùng với chúng tôi. Xe chúng tôi vượt xuyên qua từng thung lũng gập gềnh. Dọc đường, tôi trông thấy nhiều xác bò nằm chết lăn lóc bởi bom đạn. Xác chúng vẫn còn tươi, chưa sình thối. Có lẽ cuộc giao tranh đôi bên vừa xảy ra ngày hôm qua chăng (?)
a. Chuyến Đi Thứ Nhất: Cứu Phi Hành Đoàn HK Mark Clark
Chiều ngày 10/4 toán BH được một thiết vận xa chở tới vị trí tiền đồn là một pháo đài cũ do người Pháp để lại nằm tại bờ nam sông Miếu Giang tọa độ YD 196593, do một trung đội thuộc SĐ 3 BB và 3 chiến xa M-48 trấn giữ để chận mũi tấn công của địch quân tại vùng Cam Lộ. Theo lời thuật lại của Trung Tá Anderson, các chiến xa ngụy trang khá cẩn thận hướng súng về hướng QL 9, nhưng mỗi chiếc chỉ còn 3 viên đạn súng lớn, còn toán quân VNCH trấn giữ vị trí này có vẻ mệt và đói do một trung úy mất tinh thần chỉ huy, khiến ông phải rút súng ra hăm dọa “Nếu ai đào ngũ, tôi sẽ bắn”. Theo chúng tôi nghĩ, toán quân này có thể mệt và đói như ông Anderson nhận xét, vì họ đã chịu nhiều gian khổ ngay tại tuyến đầu, nhưng chưa chắc đã “mất tinh thần” như ông tuyên bố. Nếu tính đào ngũ, họ đã rời vị trí từ lâu, đâu còn ở đó đón Trung Tá Anderson để ông dọa bắn! Có lẽ “mặc cảm” đã khiến ông Anderson coi thường cả những kẻ sẵn sàng giúp mình.
Biệt Hải Nguyễn Trâm cho biết chi tiết về tiền đồn này như sau:
“Trên chặng đường lồi lõm quanh co do nhiều hố bom để lại, con cua sắt vẫn miệt mài băng đồi trượt dóc thỉnh thoảng nhả khói đen mịt mùng như cố lấy sức, cuối cùng tới được địa điểm và dừng lại phía sau Lô cốt Tiền đồn lúc 4 giờ chiều cùng ngày. Chúng tôi lần lượt rời khỏi phòng thiết vận M- 113, bất ngờ trước mắt hiện lên quang cảnh hết sức hãi hùng điêu tàn còn hơn cả buổi sáng đã trông thấy một số làng mạc chung quanh Bộ Chỉ Huy Tiền phương Quảng Trị rất nhiều, nơi đây thật sự mới đúng nghĩa vùng đất đã bị chiến tranh hoàn toàn tàn phá, xa gần không một dấu tích làng mạc ruộng vườn hoặc bóng người qua lại ngay cả đến những thú vật, đó đây chằng chịt hằng ngàn hố bom cũ-mới chúng liên kết đào xới, biến từng góc cây ngọn cỏ trở thành khô héo nằm vương vãi khắp nơi, trước cảnh tưởng tang thương dâu bể vùng đất “đào lên sỏi đá” miền Trung, ngoài thiên tai bão lụt phần lớn bởi do chiến tranh tàn phá! Khiến người hiện diện dù tâm hồn có sắt đá lạnh lùng chăng nữa cũng phải chùng xuống.
Nói về địa điểm Tiền đồn, là một cái Lô cốt của Pháp được xây hình bát giác nằm ngay đỉnh đồi hết sức kiên cố, chung quanh lô cốt trổ nhiều lỗ châu mai, có thể giúp người ở trong chiến đấu hoặc quan sát địa thế phía ngoài một cách dễ dàng, nghe anh em kể lại lịch cái Lô-cốt nầy là dấu tích của lính Pháp để lại, sau khi thất trận Điện Biên Phủ tất cả đã cuốn gói ra đi. Hiện được một Đ/ đội của S/ Đoàn 3 BB thuộc QLVNCH, dùng làm Tiền đồn án ngữ để kiễm soát đoạn đường huyết mạch của quốc lộ 9, từ ngã Lào ngược về Quảng Trị. Phía dưới chân đồi hướng Tây Bắc có cây cầu bắc ngang trên con rạch nhỏ nối liền 2 đầu quốc lộ, anh em Bộ binh cho biết công binh phe ta đã cố tình giật sập trong mấy ngày trước đó, mục đích làm cản ngăn bước tiến quân và từng đoàn xe tăng T 54 &T 72 của các Sư Đoàn Bắc Việt hằng ngày xâm lăng về hướng Nam ồ ạt, cách đó không xa khoảng mấy trăm thước hướng Tây Nam chúng tôi trông thấy 6 & 7 chiếc T 54 – T 72, của con cháu bác Hồ “sinh Bắc tử Nam” bị các đơn vị QLVNCH dùng súng cá nhân M. 72 bắn cháy, tất cả hiện biến thành những đóng sắt vụn đang nằm ngổn ngang, anh em Đại đội cho biết nhiều xạ thủ Bắc quân đã bị cấp trên của chúng xiềng chân vào các ổ súng, không thể thoát ra nên đều chết cháy thành than trông thật tội nghiệp, đồng thời đưa chúng tôi xem một số thư tờ sách báo do đảng cộng sản và hội các bà mẹ bác Hồ yêu nước, từ miền Bắc gửi vào mục đích động viên các cán binh tham chiến trong Nam, anh em Bộ Binh còn tịch thâu được một số lương khô trong các xe tăng của Bắc quân.
Sau phần câu chuyện tôi may mắn được một chiến hữu Đại đội/SĐ 3 tặng lại cuốn nhật ký của một bộ đội, mà anh đã tịch thâu một trong những chiếc tăng bị cháy. Trong nhật ký người cán binh, có bài thơ mà tôi đọc được:
Ta là núi hiên ngang trên biển cả.
Dù sóng to gió cả chẳng phai lòng
Khắp mình ta, máu đào đã nhuộm đỏ
Anh em ta có chết một đôi người
Chết đôi người nhưng để được ngày mai
Quyền lợi chết dành lại cho kẻ sống
Thì chết đó có chi đâu là uổng
Dứt đời đi mà vẫn cứ yên lòng
(Không biết trong số xạ thủ bị cấp trên của chúng xiềng chân chết cháy trong các xe tăng, có tên tuổi của nhà thơ vô duyên nầy không? Cũng vì bản chất hiếu chiến như thế, nên đã gây không biết bao nhiêu là thảm họa cho cả dân tộc Việt Nam, lâm vào cảnh lầm than đến mãi bây giờ).
Nói về cấp số Đại đội đang trách nhiệm đóng chốt tại tiền đồn, tổng cộng gồm trên dưới khoảng 80 người, được Chỉ huy bởi một Tr/ úy Đại đội Trưởng (góc Thiếu Sinh Quân) thuộc S/ Đoàn 3 BB, ngoài ra đ/ đội còn được tăng phái thêm 2 xe tăng loại M 48 chôn dấu ngụy trang rất kỹ đậu phòng thủ chung quanh lô cốt. Lúc anh em Bộ Binh trông thấy toán Biệt Hải đến có cả 2 Cố vấn Hoa Kỳ, thì hầu hết lấy làm phấn khởi vui mừng, đã mau chóng giúp anh em xóa tan hoàn cảnh đang chiến đấu cô đơn hiểm nguy hiện tại, có lẽ mọi người suy diễn nếu bất trắc xảy ra, 2 cố vấn Hoa kỳ sẵn sàng gọi máy bay hoặc pháo binh từ Hạm đội bắn vào yễm trợ tiền đồn một cách dễ dàng. Qua mấy phút chuyện trò trao đổi tình hình, anh em Bộ Binh vội hối thúc chúng tôi nhanh chóng chuyển tất cả dụng cụ vào phía trong Lô cốt, vì ngại đề lô cộng sản trông thấy, nghe nói hằng ngày chúng vẫn lấp ló bám sát theo dõi. Vài người còn cho biết tình hình sinh hoạt ở đây, vào những giờ địch quân thường pháo kích, mỗi sáng sớm anh em thức dậy chui ra khỏi hầm làm vệ sinh cá nhân, đến buổi trưa nấu ăn, và sắp xế chiều. Ngoài ra còn nhiều đợt pháo khác nếu thấy khả nghi hay được đề lô của chúng gọi về.v.v…”
Trung Tá Anderson liền liên lạc với BAT-21 Bravo và phi cơ điều không Nail-38, yêu cầu chuẩn bị để được bốc đi trong đêm. Trong lúc đó, phi cơ quan sát thường trực bao vùng và tiếp vận liên lạc. Theo dự tính, toán BH sẽ cứu Mark Clak trước vì vị trí thuận tiện hơn, sau đó sẽ đến Hambleton.
HQ Đại Úy Trưởng toán Vũ Ngọc Thọ cho biết về kế hoạch tiếp cứu như sau:
“Theo kế hoạch, khi trời đã tối thì Toán BH sẽ nguỵ trang như VC, vũ khí nhẹ gồm có AK-47, M79, súng nhỏ, lựu đạn mini, hồng ngoại tuyến, chop lights và 3 máy Motorola waterproof “Walkie Talkie”, di chuyển dọc sông Miếu Giang để tiến về phía chỗ núp của Mark Clark. Còn Mark Clark thì chờ khi thuận tiện sẽ rời chỗ nấp và di chuyển dọc theo giòng sông về phía chúng tôi để chờ chúng tôi đón. Ám hiệu để nhận nhau giữa toán BH và phi công Mỹ là gọi tên vợ của Clark, nếu tôi nhớ không lầm là Francis. Tôi chỉ huy toán BH gồm có HSI Châu, HS Kiệt và hai Thuỷ thủ Trâm và T. cùng với Norris. Norris giữ một máy truyền tin và có nhiệm vụ liên lạc với Base (do Trung Tá Anderson trực máy ở Hầm Chỉ Huy để làm liên lạc giữa FAC – Phi Công Mỹ – Toán BH).”
Khoảng 7 giờ tối, toán Biệt Hải bắt đầu di chuyển dọc bờ Nam, hướng về phía cầu Cam Lộ, trong khi Trung Tá Anderson và một số quân VNCH tại tiền đồn cũng thiết lập vị trí quan sát ngay tại bờ sông. Đội hình di chuyển được xếp đặt như sau: một BH đi đầu làm tiền sát cách khoảng 50 mét và đặc biệt quan sát tình hình phía đường lộ, tiếp theo là hai BH di chuyển phía trước thành phần chính gồm Đại Úy Thọ và Tom Norris có nhiệm vụ quan sát phía bờ sông, còn một BH án ngữ đàng sau để “cắt đuôi” nếu có địch “bám” theo. Vì sát bờ nước không có đường mòn và rất nhiều bụi cây và bùn khô dọc theo bờ nước nên toán BH phải đi sát hai bên bụi rậm những nơi có nhiều bụi và xa đường lộ; chỗ nào gần đường lộ, bụi thấp và nhỏ thì toán phải lội hay bơi dưới nước để có thể quan sát cả hai phía và không để dấu vết lại.
Trong một giờ đầu tình tương đối yên tĩnh tuy vẫn nghe tiếng người kêu gọi nhau xa xa, toán di chuyển rất chậm và cẩn thận tối đa tránh không gây tiếng động. Khi toán bắt đầu vào khúc sông gần đường lộ thì nghe tiếng nhiều người nói chuyện và di chuyển trên đường, có nhiều lúc họ tiến sát gần có thể thấy bóng trong màn đêm. Những lúc nầy toán phải nằm yên để trốn cho đến khi họ đi xa. Có một lần khi đang núp trong một lùm cách đường lộ khoảng vài chục thước, một con chó đã đánh hơi và đi lại gần toán, đứng nhìn nhưng không sủa và thấy toán không nhúc nhích một lúc nên nó có vẽ “thông cảm” và lủi đi, toán vẫn phải nằm yên hơn mười phút cho cả người và chó đi khá xa rồi mới tiếp tục di chuyển. Qua những câu nói chuyện, toán biết họ là bộ đội khá đông đang di chuyển về phía mấy chiến xa bị bắn cháy hôm trước để lấy xác, thực phẩm và vũ khí cá nhân còn trên các xe. Khoảng hơn 9 giờ thì Trung Tá Anderson tại tiền đồn báo cho biết Mark Clark bắt đầu rời vị trí ẩn núp mấy ngày nay để di chuyển về phía bờ sông và từ bây giờ anh ta sẽ tắt máy vô tuyến vì sợ gây tiếng động và lưu ý toán phải quan sát thật kỹ hai bên bờ và dưới dòng sông để cố gắng “bắt tay” Mark Clark. Từ chỗ nầy giòng sông thu nhỏ lại nhưng mực nước gần sát bờ lại khá sâu và xa đường lộ, thỉnh thoảng thấy vài chỗ có cọc và bờ lài có lẽ là những bãi ghe. Toán cũng phát hiện vài ghe được nhận chìm dấu dưới nước gần mấy cái cọc và đoán đây là các ghe của dân hay bộ đội VC dấu dưới nước vì sợ máy bay thấy sẽ phá hủy.
Để có thể quan sát cả hai bờ sông và nới rộng vùng kiểm soát, hai BH được phái qua phía bên kia bờ sông và bơi sát trong các lùm sậy hay đi dọc theo mé nước để bao vùng bên kia. Toán tiếp tục di chuyển về phía Tây cho đến hơn nửa đêm, tình hình có vẽ rất yên tĩnh, không còn nghe tiếng người hay chó sủa, chỉ còn tiếng bước nhẹ không dám nhấc hỏng chân khỏi bùn vì sợ sẽ gây những tiếng “ọp ẹp” khi di chuyển sát bờ nước của toán.
Toán Biệt Hải di chuyển rất thận trọng vì phải tránh nhiều toán tuần tiễu của địch quân trong vùng. Ngoài ra, còn có rất nhiều chiến xa, xe cộ và bộ binh địch từ bờ bắc vượt cầu Cam Lộ rồi dùng QL 9 tiến về hướng Đông Hà. Đi được chừng 2 cây số, cả toán ngừng lại tại một địa điểm sát nhiều lùm bụi sát mé nhưng có thể quan sát mặt sông dễ dàng.
Theo đúng chỉ thị, Mark Clark rời vị trí ẩn núp, mang theo áo phao lần tới bờ rồi nhẹ nhàng thả mình theo giòng nước trôi về hướng Đông Hà. Anh trùm trên đầu một lưới ngừa muỗi để ngụy trang và chỉ để mũi trên mặt nước để thở. Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 11/4, toán Biệt Hải nghe thấy nước khua nhẹ ngoài sông, nhưng chưa kịp xác định đã phải nằm im vì cùng lúc đó có một toán tuần tiễu của địch đi ngang, trong lúc tiếng động lạ ngoài sông mất hút dần vê hướng đông. Nghi ngờ Mark Clark đã trôi qua, toán Biệt Hải di chuyển ngược trở lại điểm xuất phát, vừa đi vừa lục soát kỹ càng dọc bờ sông. Tới lúc hừng đông khoảng 6 giờ sáng, tại một khúc sông quanh, họ phát hiện Mark Clark đang núp dưới một chiếc thuyền chìm. Đại Úy Norris lập tức trao đổi ám hiệu nhận bạn và Mark Clark lập tức trồi lên khỏi mặt nước, rất mừng rỡ khi thấy toán Biệt Hải đến đón mình.
Toán Biệt Hải đưa Mark Clark về tiền đồn xuất phát. Khoảng 8 giờ sáng ngày 11/4, Mark Clark được một thiết vận xa đưa về Đông Hà rối đáp trực thăng về bệnh viện 95 Dã Chiến tại Đà Nẵng.
Đại Úy Thọ mô tả rất chi tiết trường hợp tìm thấy Mark Clark như sau:
“Thình lình, tôi nghe tiếng Trâm thì thào trong máy vô tuyến: “Báo cáo có tiếng động đàng trước, hình như là có ghe chèo về phía mình.” Tôi cho toán núp vào bụi và cùng Norris bò sát bờ sông để dùng ống dòm Hồng ngoại tuyến quan sát dưới lòng sông phía trước. Tiếng động nho nhỏ như tiếng vỡ của mặt nước càng lúc càng rõ, vài phút sau dưới ánh trăng mờ, chúng tôi thấy một vật di chuyển chậm chậm sát bờ và tiến về phía chúng tôi. Khi còn vài chục thước thì chúng tôi đã nhìn thấy là một người đang bơi ngửa, đầu và nửa thân trước gối lên cái phao cấp cứu (life jacket) màu cam còn chân sau thì đạp nhè nhẹ nương theo nước để trôi: chính là Trung Úy Phi Công HK Mark. Một vấn đề tôi phải suy nghĩ đó là làm sao lại gần và làm ám hiệu nhận bạn với Mark, vì Mark còn hai súng nhỏ, rất còn sợ hãi và không còn liên lạc được bằng vô tuyến, chúng tôi thì đang ngụy trang là VC và dưới bóng đêm cũng khó nhận diện được Norris là người Mỹ nên anh ta có thể nổ súng vào chúng tôi. Nếu đứng xa mà gọi thì sợ VC phát hiện ra sự hiện diện của chúng tôi thì càng rắc rối. Nên tôi vẫn cho toán án binh bất động để cho Mark bơi qua chỗ chúng tôi và ra lệnh cho Trâm và T. tiếp tục theo dấu của Mark nếu đương sự bơi gần phía bên kia sông và quan sát sự di chuyển của Mark. Vì nước chảy cùng chiều với Mark nên hắn bơi rất nhanh và chúng tôi rất khó khăn để bám sát mà cũng không thể lại gần hắn quá. Đội hình bây giờ phải thay đổi, Châu và Kiệt lo bảo vệ cho tôi và Norris trước và sau hướng về phía bờ bên tay phải (hướng về đường lộ), Trâm và T. an ninh mặt bên kia và cố vượt lên trước, theo dõi sự di chuyển của Mark và báo cáo cho tôi vì đôi khi bị khuất bụi và Mark bơi sát bờ tôi không thấy được hắn, còn tôi và Norris cố bám theo Mark để chờ cơ hội sẽ tìm cách “bắt sống” anh ta.
Kể từ lúc gặp Mark, toán bắt đầu đi ngược về lại điểm xuất phát. Cứ mỗi 20 phút đến nửa giờ, Mark tấp vào gần bờ và núp sau những lùm cây để nghĩ và mấy lần tôi và Norris gần “chộp” được thì anh ta có lẽ nghe tiếng lạ nên lại tách ra ngoài hay cố bơi sát các lùm cao sát nước nên chúng tôi không thể lại gần. Việc “cút bắt” nầy kéo dài gần hai giờ và trời đã mờ sáng, chúng tôi di chuyển cũng sắp đến gần khúc sông gần đường và chỉ còn cách xa khu vực xuất phát hơn cây số. Giòng sông bắt đầu rộng ra nên nước chảy yếu đi và Mark cũng bắt đầu bơi chậm lại. Vì thế, tôi phải rút Trâm và T. về lại bên nầy bờ sông và cố di chuyển phía trước của Mark để giữ an ninh cho anh ta cũng như dễ quan sát. Qua thời gian “bám gót” Mark, tôi ghi nhận mỗi lần nghe thấy tiếng động là Mark ngừng bơi và cố lủi vào bụi rậm gần đó để trốn cho đến khi lắng nghe hoàn toàn yên lặng mới tiếp tục bơi. Trò chơi nầy không thể tiếp tục mãi, chúng tôi phải “bắt” cho được Mark trước khi hắn vào khu vực nguy hiểm: một bên là “phe ta” và một bên là “phe địch”, cả hai phe đều án ngữ gần sông và đều nguy hiểm cho Mark và cả chúng tôi. Tôi và Norris đều lo và chúng tôi cùng đồng ý phải làm một cái bẩy để đưa Mark vào “rọ” trước khi trời sáng dần, khi tầm hoạt động của những “kẻ sống trong bóng đêm” như chúng tôi sẽ bị thu lại và “tiêu” nếu bị “đèn trời” soi sáng.
Để chuẩn bị cho việc “bắt sống” Mark, tôi vẫn cho toán bám sát hắn và chờ đến một địa điểm thuận lợi: xa đường lộ, có bụi cao để ở xa trên bờ khó thấy được lòng sông. Khoảng gần 5 giờ sáng, chúng tôi đến một nơi khá an toàn và xa đường lộ, tôi cho Trâm và T. tiến về phía trước của Mark khoảng 50 mét và dùng đất cục ném về phí Mark để gây tiếng động làm cho hắn chú ý đểtìm cách trốn, tôi và Châu (hay Kiệt?) ở phía sau Mark cũng khoảng 50 mét, còn Norris và Kiệt (hay Châu?) tiến lên ngang hàng với Mark và nắp sẳn trong bụi gần đó, tất cả chúng tôi đều quan sát được mọi di chuyển của Mark. Khi Trâm và T. gây tiến động nhỏ thì tôi và Châu cũng làm tương tự nên Mark hơi cuống và vội bơi ngay vào sát trong bụi . Có lẽ trời khá sáng làm Mark sợ nên lặn xuống nước và lấy lưới ngụy trang phủ lên đầu, thỉnh thoảng nhô đầu lên thở để tránh quan sát của địch. Chỗ của Mark rất gần với chỗ núp của Norris nên sau khi để anh ta yên vị, Norris và Kiệt (hay Châu?) đã nhảy lại chụp cổ anh ta nhận xuống nước cho khỏi la và khi nhất lên cho thở thì Norris nói nhỏ vào tai đương sự ám hiệu. Từ xa, tôi thấy Mark lùng thùng trong bộ đồ bay mở mắt nhìn Norris, sau khi nhận ra là người Mỹ, anh ta ôm chầm lấy Norris và Kiệt nói lấp bấp vài chữ rồi xỉu. Chúng tôi đưa anh ta vào sát bờ và sau khi xoa bóp cho anh ta hoàn toàn tỉnh, lập tức dìu anh ta tiến nhanh về phía cầu vì trời đã sáng. Khi chúng tôi về đến nơi an toàn thì mặt trời đã lên cao, sau khi chích cho Mark một mũi thuốc khỏe, thay áo quần khô và cho uống tí cà phê thì xe M-113 đến di tản anh ta về Ái Tử để trực thăng có thể bốc anh ta đi. Một điều không hay xẩy ra khi về đến hầm chỉ huy và thay đồ khô cho Mark thì phát giác ra cây súng rouleau ngắn nòng của hắn đã “mọc cánh” và không tìm ra ai đã lấy. Chúng tôi vào trong hầm nghĩ ngơi chờ tối sẽ tiếp tục công tác cứu phi công thứ hai.”
BH Nguyễn Trâm cho biết thêm chi tiết về việc tìm thấy Mark Clak:
“Bất chợt tôi phát giác chính giữa giòng sông, lờ mờ xuất hiện vật đen đang bập bềnh trôi xuống rất nhanh mỗi lúc càng gần, ít phút sau đã trông thấy được vật đen hơi rõ về hình thể khá lớn và chiều dài của nó ngang chổ chúng tôi (sở dĩ được thấy trước vì hai tiền sát đi đầu hiện nằm vị trí của phía trong cùng) và còn nghe tiếng phì phào như tiếng thở trâu bò đang lội xuất phát từ vật đen. Quá khả nghi, tôi lấy tay khều T. bò nhanh đến thông báo trưởng toán Thọ để ông kịp thời quyết định, ít phút sau đầu kia tiếng sột soạt của Tom Norris đang xỏ chân nhái phóng xuống lội theo, khoảng độ 20 phút thấy một mình ông trở lại vị trí của toán, có lẽ vì giòng nước trên đà chảy mạnh xô đẩy cuốn hút vật đen trôi xa nên đã theo không kịp. Tất cả sự việc xảy ra đột ngột trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nên trong toán chẳng ai đủ thời gian để kịp hành động, hơn nữa đây là lần đầu tiên các toán Biệt Hải tham dự công tác vớt người kiểu nầy. Dù vậy toán vẫn án binh bất động nằm đợi chờ lệnh, tuy không nói ra nhưng trong thâm tâm mọi người, nhất là đối với tôi vẫn đinh ninh vật đen lúc nãy, có thể một trong số các phi công đã nương dòng nước trôi ra, không may vuột khỏi tầm tay mà toán bỏ công chờ đợi, xem như cơ hội hiếm hoi đó đã bị chúng tôi đánh mất, cùng lúc nghe tiếng đối thoại qua lại giữa Tom Norris và Tr/ tá Anderson trực máy tại Lô cốt, có lẽ hai người đang đề cập mọi diễn biến vừa mới xãy ra.
Kể từ khi phát hiện vật đen cho đến giờ nầy, đã 30 phút trôi qua anh em mới được lệnh rút lui, đồng hồ dạ quang cũng đã điểm hơn 2 giờ sáng. Trên đường đi ra toán vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển theo lộ trình cũ, đặc biệt lần nầy hết sức đề phòng nhất là những chổ nghi ngờ, điều làm mọi người luôn nơm nớp lo sợ không ít quanh vùng hiện tối đen cây cối dầy đặc thế này, lỡ lọt điểm kích của chúng chắc chắc không một ai sống sót. Vì theo nguồn tin của đồng bào tỵ nạn cho biết, hiện bộ đội Bắc Việt tung rất nhiều toán, chúng truy tầm gắt gao các phi công Hoa kỳ ẩn trốn. Phần tôi từ khi phát giác vật đen và nghe được tiếng thở như người, trong đầu cứ ám ảnh không biết vật đó thuộc vật gì có phải người hay không? Nên hễ bụi cây nào sắp sữa đi ngang tôi luôn chú tâm quan sát, tuy biết niềm hy vọng lúc nầy thật hết sức mong manh.
Kể từ khi nhận lệnh rời khỏi điểm kích đến giờ toán đã đi được gần một tiếng, thoạt nhiên tôi phát giác một bụi cây đằng trước, đang đứng lẻ loi sát dưới mé nước chỉ khoảng cách chổ tôi từ 8 đến 10 thước, cả thân cây nhè nhẹ rung lên như có gió thổi, khiến mặt nước quanh đó giao động, lạ lùng hơn là các bụi cây kế cận hiện vẫn đứng yên khiến tôi càng giật mình hoãng sợ. Với giác quan phản xạ tôi ra dấu báo cho T. biết, cả hai vội nhanh nhẹn nằm xuống nấp sau một mô đất, cùng lúc T. chuyển tín hiệu cho người kế tiếp kịp thời dừng lại để đề phòng bất trắc, trở lại bụi cây bất ngờ vừa được phát giác, 2 đứa tôi im lìm nằm đợi hướng mắt theo dõi biến chuyển, đã 10 phút trôi qua trong hồi hộp âu lo, nhận thấy những lùm cây kế cận tình hình vẫn bình thường. Duy từ điểm dưới góc của bụi cây vẫn tiếp tục lay động từng hồi. Thấy vậy tôi kề tai nói nhỏ với T., hãy chú ý theo dõi và cố gắng yễm trợ nếu cần. Tao tìm cách bò sát mục tiêu để xác định lại vị trí khả nghi, bọn mình không thể để cả toán nằm chờ đây mãi, hiện bầu trời sắp sửa sáng đến nơi. Cùng lúc tay tôi xoay khẩu AK.47 nhắm thẳng hướng mục tiêu, ngón trỏ sẵn sàng lãy cò nếu tình hình đột biến bắt nguồn từ điểm khả nghi. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn, tôi thấy bụi cây trở lên rung mạnh, đồng thời nghe giọng nói yếu ớt phát xuất từ dưới góc cây “no, no”, bằng tiếng Anh đã giúp tôi dễ dàng nhận định, hiện không còn phân vân hoặc nghi ngờ gì nữa, đây chính là viên phi công Hoa kỳ mà toán chúng tôi đã bất chấp hiễm nguy tìm kiếm, và ông ta đang ôm chặt góc cây đứng cách tôi chỉ có 5 thước, lờ mờ thấy trên đỉnh đầu của ông hình như đang phủ miếng vải làm dùng ngụy trang, ngược lại người phi công Hoa Kỳ chắc chắn cũng đã thấy hai đứa tôi và có lẽ đang tưởng bộ đội cộng sản săn lùng tìm kiếm được ông, cộng với thời gian chịu cảnh đói khát trong khi ẩn trốn khiến tinh thần ông sa sút đâm ra hoảng sợ.
Về phần hai thằng tiền sát chúng tôi, khi đã xác định mục tiêu, tôi nằm tại chỗ để quan sát theo dõi vì lo ngại người phi công lại hoảng hốt buông góc cây trốn theo dòng nước như lần trước thì hỏng mọi việc, hay hoặc bản năng tự vệ ông lấy súng colt đang sẳn trong người bắn trả. Tôi ra hiệu cho T. tìm cách bò lại phía sau trình trưởng toán biết gấp sự việc, mấy phút sau trưởng toán Thọ và Tom Norris cả hai tiến lên. Tôi chỉ ngay bụi cây chổ phát hiện viên phi công đang đứng, khi đã xác định vị trí Tom Norris vội lần tới nói vọng vào một vài tiếng Anh Ngữ từ bụi cây bất ngờ người phi công trườn ra cùng lúc cả hai quỳ xuống ôm chặt lấy nhau, tưởng như đôi bạn quá lâu nay bổng dưng gặp lại nên cả hai hết rức mừng rỡ, trong giây phút ngẹn ngào nghe tiếng ông phi công thốt ra “Thanks, Thanks” làm mọi người hết sức phấn khởi. Có lẽ suốt 10 ngày đêm đói khát và bị bộ đội cộng sản truy bức, cứ tưởng sớm muộn cũng bị bắt không ngờ nay được cứu sống qua toán Biệt Hải/ QLVNCH có cả sự tham dự của Tom Norris là chiến hữu của ông. Giờ nấy đối với người phi công không niềm vui nào có thể đem so sánh được với hai chữ Tự do, còn toán Biệt Hải đây chính là phần thưởng tinh thần vô giá của anh em chúng tôi, và xem như toán đã hoàn thành công tác đêm đầu, càng gây thêm niềm tin hy vọng cho chuyến kế tiếp. Nên tr/ toán bảo anh em cấp tốc phải rời khỏi chỗ càng sớm càng tốt, quanh đây hiện vẫn nằm trong phạm vi đóng quân của các S/ đoàn Bắc Việt. Khiến tất cả không dám chần chờ ai nấy lẹ làng di chuyển và một mặt hết sức cẩn thận bảo vệ người phi công ra chổ an toàn.”
Hạ Sĩ I Nguyễn Văn Kiệt kể lại:
“Tôi đi được hơn năm trăm thước thì đến một khúc quanh của con sông. Nhìn về phía trước về bên phải, tôi bỗng thấy viên phi công đang đứng dưới nước cao đến ngực của anh ấy. Đôi tay anh ta đang run rẩy cầm khẩu súng P.38 hướng về tôi. Giờ phút này thật vô cùng nguy hiểm… nếu tôi tiến tới, anh ta có thể hoảng sợ và nổ súng vào tôi. Để tránh sự ngộ nhận, tôi nhanh trí hướng mũi súng AK- 47 về phía bên kia sông… Tôi dừng hẳn lại, và ra dấu hiệu cho ông Norris tiến lên. Trong lúc này tôi có thời gian nhìn kỹ vào viên phi công, tôi thấy anh ta đầu trùm cái nón lưới để ngụy trang, trên người đang mang chiếc áo phao màu cam nổi bật, tương phản với màu sắc cây cỏ chung quanh. Sau khi trao đổi mật hiệu, đôi bên nhận ra nhau. Toán chúng tôi được lệnh hộ tống viên phi công về vị trí an toàn. Một lúc sau, một chiếc M113 đã đến mang viên phi công đi tức khắc.”
b. Chuyến Đi Thứ Hai: Không Tìm Được Nạn Nhân
Trong ngày 11/4, toán Biệt Hải nghỉ ngơi tại vị trí tiền đồn và chờ trời tối sẽ tiếp tục lùng kiếm BAT-21 Bravo. Vào buổi chiều, địch pháo kích mạnh vào vị trí khiến Đại Úy Thọ bị thương khá nặng vào cánh tay, Trung Tá Anderson bị trúng mảnh đạn tại mi mắt. Cả hai được một thiết vận xa tản thương về Ái Tử, sau đó được trực thăng đưa về Đà Nẵng. Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Châu cũng đi theo Đại Úy Thọ để trợ giúp.
Đại Úy Thọ kể lại trường hợp ông bị thương vì mảnh đạn pháo kích như sau:
“Khoảng gần 5 giờ chiều cùng ngày (ngày 11/04/72), khi chúng tôi đang ăn uống để chuẩn bị côngt tác cũng như anh em SĐ3 và Thiết Giáp cũng ăn cơm sớm để bố trí phòng thủ, thì VC bắt đầu pháo kích lên trên đầu chúng tôi. Hàng ngàn quả pháo đủ loại đã “pháo tập trung” bao vùng hết khu vực ẩn nấp của chúng tôi (BB, Thiết Giáp và BH), khi trận pháo nầy hơi giảm cường độ thì chúng tôi nghe tiếng hô xung phong của VC ngay bên kia bờ sông và những lùm xa xa chung quanh chúng tôi. Sau khi theo dõi Trung Tá Anderson đang dùng máy truyền tin xin pháo binh và hải pháo yểm trợ bắn rào chung quanh, tôi chạy ra ngoài hầm đứng núp bên trái của một M-48 và nhìn thấy những cụm khói depart của súng cối 82 ly cũng như M 75 đang “khạc” về chúng tôi. Tôi bèn gọi xạ thủ của cây đại liên gần pháo tháp của M-48 để chỉ cho anh ta và yêu cầu bắn vào những điểm đó. Lúc đang chỉ tay phải ló ra phía trước của xe tăng thì một đạn bích kích pháo 75 ly đã trúng vào phía dưới pháo tháp của M-48, xạ thủ đại liên chết tại chỗ, còn tôi thì bị 3 mãnh đạn vào phần trước của tay phải, gảy xương phải chạy vội vào hầm trú. Khi tôi vào trong hầm thì đã thấy Trung tá Anderson bị một mãnh nhỏ vào mí mắt và đang ngồi ôm mặt. Norris và Châu lại băng vết thương cho tôi, nhưng vì gảy xương nên tay tôi đã hoàn toàn mất cảm giác và phải lấy thùng carton đựng ration C để bao tạm và treo vào cổ.
Khoảng 20 phút sau thì VC rút và pháo cũng hoàn toàn ngưng, trong hầm đầy người bị thương, bên ngoài anh em BB và TG bắt đầu gom xác chết chất lên hai chiếc M-113 và cho người bị thương ngồi lên trên để tải thương về Ái Tử, trong đó có tôi, Trung Tá Anderson còn Châu đi theo để mang vũ khí và vật dụng cá nhân giùm tôi cũng như dìu tôi lên xe vì tôi mất máu khá nhiều nên bắt đầu xây xẩm. Khi được Châu dìu lên xe, dẫm lên các xác chết để ngồi tạm trên thành xe và nhờ Châu ôm giữ để khỏi bật ra ngoài. Tôi thấy xác chết cũng gần phân nửa xe, nhiều xác miệng còn đầy cơm chưa kịp nuốt, nay bị trào ra chung với máu và nước giải, số người bị thương nếu còn tí hơi thì ráng ngoi ra ngồi trên thành xe, còn không bám được vào thành xe thì phải ngồi chồng lên các xác chết. Xe tải thương đưa chúng tôi đến Ái Tử thì mặt trời đã xế, anh em BB và TG bị thương và chết thì được chuyển qua xe cứu thương để chuyển về bệnh viện dã chiến tại Quảng Trị, còn riêng tôi và Trung Tá Anderson thì chờ máy bay trực thăng cứu thương lại bốc.
Trong khi chờ máy bay, một số lính BĐQ đang bố trí phòng thủ gần đó thấy chúng tôi đứng chờ máy bay thì tụ lại chung quanh tôi để hỏi thăm và tôi còn nhớ, một anh Trung Sĩ BĐQ đã mồi cho tôi một điếu thuốc Capstan, vì trời lạnh và mất máu nên tôi càng cảm thấy lạnh hơn, nên ít khi thấy hút một điếu thuốc ngon như vậy. Có lẽ khi các người lính BĐQ tụ lại chung quanh tôi thì Trung Tá Anderson sợ họ lợi dụng cơ hội nầy mà nhảy đại lên máy bay để “dù” nên đã ra dấu đuổi họ đi. Khi nghe tiếng máy bay từ xa và bụi cát cuốn tung theo cánh quạt của máy bay (vì máy bay phải bay thật thấp để tránh bị bắn) thì anh SQ có lẽ là Trung Đội Trưởng đã gọi các anh em BĐQ tản mát ra. Máy bay đến gần chúng tôi nhưng không đáp hẳn xuống đất nhưng chỉ bay là là và chậm lại cho chúng tôi chạy theo và nhảy lên. Trung Tá Anderson nhảy lên trrước, sau đó Châu đẩy tôi lên và chưa kịp lên thì máy bay bắt đầu bốc lên, Châu chỉ kịp đeo tòn ten nơi càng máy bay, người xạ thủ Đại liên da đen phải chồm người ra nắm thắt lưng của Châu để kéo Châu vào trong máy bay vừa lúc máy bay lên cao.”
Tới tối, toán Biệt Hải chỉ còn lại các anh Kiệt, Trâm, T. và Tom Norris, nhưng vẫn thi hành nhiệm vụ. Vì sĩ quan trưởng toán đã bị thương và di tản, Tom Norris lại nằm trong hệ thống chỉ huy Việt Nam, cũng như ngôn ngữ bất đồng nên lúc đầu có vài trục trặc nhỏ về vấn đề phối hợp, nhưng sau đó tất cả đều quyết định tiếp tục lên đường. Cả toán di chuyển chừng 3 cây số rưỡi về hướng Tây tức Cam Lộ rồi ngừng lại, chờ BAT-21 Bravo thả trôi xuống. Lúc đó, tuy BAT-21 Bravo đã ra tới bờ sông, nhưng vì phải lẩn trốn đã trên một tuần lễ, lại thiếu thực phẩm nên rất yếu , không thể di chuyển theo giòng nước được nữa. Tuy giữ được liên lạc nhưng BAT-21 Bravo rất hoang mang, không xác nhận được vị trí, có lúc báo cáo chỉ còn cách toán BH chừng 1 cây số, trong khi thực sự còn ở rất xa. Vì vậy, toán Biệt Hải không tiến xa hơn, chỉ lục soát ngược trở lại vị trí tiền đồn nhưng không có kết quả. Sau đó lợi dụng trời còn tối, Tom Norris và Hạ Sĩ Kiệt còn dùng thuyền tam bản lục soát dọc bờ sông chừng 2 tiếng đồng hồ nữa cho tới khi trời sáng mới trở lại vị trí tiền đồn.
c. Chuyến Đi Thứ Ba: Tìm Được Trung Tá Hambleton
Qua ngày 12/4, toán Biệt Hải nghỉ ngơi, bàn thảo lại kế hoạch cũng như nhận thêm tiếp liệu, trong số đó có chèo để bơi xuồng. Phi cơ quan sát Bilk-11 vẫn bao vùng, xác định vị trí của BAT-21 Bravo. Hồi 2 giờ chiều, phi cơ ráng thả một gói tiếp tế Madden chỉ cách khoảng 50 thước, nhưng BAT-21 Bravo quá yếu cũng không lấy được. BAT-21 Bravo dường như không còn hoàn toàn tỉnh táo, có lúc đứng trên môt cồn cát dưới sông, dùng khăn trắng vẫy lên phi cơ quan sát. Mọi người đều đồng ý, tình trạng sức khỏe của BAT-21 đã đến lúc nguy kịch, phải cứu nội đêm nay, nếu không sẽ hết hy vọng. Vì biết BAT-21 Bravo đã trong tình trạng gần hôn mê, lại kiệt sức không thể di chuyển được nữa, toán Biệt Hải quyết định tìm đến tận nơi, thay vì đón nạn nhân thả trôi theo giòng nước.
Tới đêm, toán Biệt Hải chia ra làm hai: Đại Úy Tom Norris và Hạ Sĩ Kiệt lên đường tìm kiếm, còn hai người kia ở lại vị trí tiền đồn. Tom Norris và Kiệt ăn mặc giả dạng dân đánh cá, di chuyển dọc bờ sông hướng về phía cầu Cam Lộ, hai người tìm được một thuyền tam bản nhỏ nên lấy để chèo đi. Dọc đường, họ gặp khá nhiều tổ canh gác của địch quân, nhưng vì được huấn luyện thuần thục và có nhiều kinh nghiện di chuyển lặng lẽ trong đêm nên việc lẩn tránh không mấy khó khăn. Vì trời tối, bờ sông lại có nhiều lùm bụi, theo kinh nghiệm, di chuyển bằng thuyền nhẹ vừa kín đáo vừa dễ quan sát sát mí nước hơn. Cả hai chèo thuyền rất thận trọng, có lúc chỉ cách một vọng gác ịch chừng 10 thước, trong đó có 2 lính gác đang ngũ. Càng di chuyển gần cầu Cam Lộ, tiếng máy xe nghe càng rõ và cả tiếng người lao xao di chuyển. Rồi thuyền đi lẩn vào trong một vùng sương mù sát mặt sông, cả hai vẫn thận trọng vừa chèo vừa quan sát. Một lát sau, khi ra khỏi sương mù, cả hai giật mình khi thấy thuyền đã tới gần sát cầu Cam Lộ, còn được dân địa phương gọi là cầu Đuồi. Trên cầu, nhiều xe cộ di chuyển, cả những tên lính gác đi lại cũng nhìn thấy rõ ràng.
Tom Norris và H/S Kiệt vội cho thuyền quay đầu lại, hướng về phía tiền đồn, vừa chèo sát bờ sông, vừa ráng sức tìm kiếm. Chèo được một quãng ngắn, hai người tìm thấy Trung tá Iceal Hambleton đang run rẩy trầm mình dưới nước sát bờ sông vào hồi 6 giờ 45 sáng ngày 13/4. Tuy bị xây xát khắp người và rất yếu, nhưng BAT-21 Bravo không bị thương trầm trọng. Vì lúc đó trời đã gần sáng nên đã có dự tính sẽ lẩn trốn đâu đó, chờ đến đêm sẽ di chuyển tiếp, nhưng vì có nhiều hoạt động của địch trong vùng nên Tom Norris và Kiệt quyết định trở lại ngay vị trí tiền đồn. Cả hai đặt Hambleton vào trong xuồng, lấy thêm cỏ dại đắp lên người rồi bắt đầu chèo trở về hướng đông.
Nghe tin đã cứu được BAT-21, Bilk-11 lập tức gọi thêm phi cơ yểm trợ. Thuyền di chuyển được vài trăm thước bỗng gặp phải một toán lính Bắc Việt trên bờ. H/S I Kiệt nghe rõ cả giọng nói miến Bắc, trong lúc đó, Hambleton mê man bắt đầu nói sảng. Rất may, thuyền đi khuất vào một khúc quanh, tránh được nơi nguy hiểm. Ít lâu sau, thuyền bị một tên lính Bắc Việt trên bờ bắn xuống nên phải vội vàng chèo từ bờ bắc tấp sang bờ Nam để tránh đạn. May mắn, lúc đó Bilk-11 đã gọi được một phi tuần do Đại Úy Denny Sapp chỉ huy, gồm 5 phản lực cơ A-4 thuộc mẫu hạm Hancock, tới yểm trợ. Phi cơ thả bom và bắn phá vị trí địch bên bờ bắc nên thuyền được an toàn. Một phi tuần khác gồm 2 phi cơ cánh quạt A-1 mang hỏa tiễn, bom lửa và bom khói loại M-47 cũng được phi cơ chỉ huy King điều động tới trợ giúp.
Theo đúng kế hoạch, sau khi oanh tạc vị trí địch bên bờ bắc, các phi cơ A-1 thả bom khói để che giấu xuồng tam bản của Tom Norris và Kiệt. Một màn khói trắng bốc lên che phủ cả khúc sông. Norris và Kiệt vội nương theo bức màn khói, chèo nhanh về phía tiền đồn. Gần tới nơi, khi vừa ra khỏi màn khói, địch quân bên bờ bắc lại bắn ra, nhưng các chiến sĩ VNCH tại tiền đồn nhanh chóng bắn trả làm ngưng tiếng súng địch. Tới tiền đồn, vì Trung Tá Hambleton quá yếu, không thể bước đi được, các anh Trâm, Châu và T. chạy ra tới bờ nước, dìu Hambleton vào trong lô cốt. Tom Norris băng bó Hambleton qua loa, đồng thời gọi thiết vận xa tới để di chuyển về Đông Hà, trong lúc địch lại pháo kích tiền đồn bằng hỏa tiễn và súng cối vào khoảng 10 giờ sáng. Một lần nữa, Bilk 11 lại gọi toán Sandy thả bom yểm trợ.
Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt kể lại chi tiết việc cứu Hambleton như sau:
“Norris và tôi im lặng ngồi nhẹ vào trong thuyền. Tôi trao cho ông chiếc dầm bơi, cả hai đồng loạt hướng thuyền về mạn Bắc. Đêm vắng, khí lạnh bao quanh, từng bóng cây đều mang một màu đen như đồng lõa với chúng tôi. Tiếng nước xao động nhẹ, chiếc thuyền lướt nhanh ôm sát bờ bên trái. Quốc lộ 9 đang ở về bên trái sau rặng cây đen dày đặc kia. Chúng tôi càng tiến sâu vào đất địch thì tiếng động cơ của xe cộ, pha lẫn với tiếng người càng rõ hơn. Tôi đoán rằng địch quân đang chuyển vận quân cụ rất nhiều. Tiếng động này kéo dài khoảng nửa cây số và từ từ nhỏ dần… Sự yên lặng trả về với chúng tôi. Nhưng tâm tư tôi vẫn còn suy nghĩ về những việc bất thường có thể xảy đến với chúng tôi. Chính vì thế, mà tôi càng thận trọng quan sát và nghe ngóng cẩn thận hơn. Cuộc hành trình đã kéo dài gần đến sáng, mà cả hai chúng tôi tuyệt đối không nói với nhau một lời.
Mãi đến hừng đông, chúng tôi thấy chiếc cầu Đuồi đã hiện ra trước mắt. Dưới làn sương mù dày đặc, từ phía chúng tôi đến chiếc cầu xa khoảng hai trăm thước. Chúng tôi thấy ba tên Cộng Sản Bắc Việt đang đi qua lại trên cầu. Tôi vội hỏi ông Norris: “Chúng ta có đi xuyên qua cầu không?” Ông lắc đầu ra dấu là “Không!”. Tôi thấy ông bắt đầu xử dụng chiếc máy liên lạc mà trong suốt đêm dài, ông đã chưa hề đụng đến nó. Sau đó, ông ra dấu bảo tôi đổi hướng về phía Nam. Điều này chính là điều tôi đang mong đợi, vì tôi nghĩ, nếu chúng tôi chỉ cần tiến gần thêm chút nữa thì địch sẽ phát hiện ngay! Chúng tôi cho thuyền xuôi theo giòng nước khoảng một trăm thước, thì phát hiện ra viên phi công Hambleton cao lớn đang đứng dưới nước cạnh bờ sông, anh ta cũng vừa trông thấy chúng tôi. Bỗng nhiên viên phi công vụt la to lên như kêu gọi, như mừng rỡ. Tiếng la của ông vang động cả một vùng… Tôi hết sức lo sợ… Nhanh nhẹn tôi vội đưa ngón tay lên môi ra dấu cho Hambleton: “Giữ im lặng!”
Trong phút chốc, thuyền chúng tôi đã đến cạnh Hambleton. Tôi vội vàng nhảy xuống nước đưa tay nhặt tấm bản đồ hành quân mà Hambleton đang bỏ nằm bên cạnh trong khi Norris vội mặc chiếc áo phao vào người viên phi công. Chúng tôi đặt Hambleton nằm trong lòng thuyền và phủ mền. Tôi cũng gom góp những loại cỏ dại gần đấy, phủ thêm lên người ông ấy. Tôi vội hỏi Norris:
“Chúng ta có phải lẫn trốn đâu đó… chờ đêm xuống… rồi chúng ta sẽ vượt ra?”
Nhưng Norris ra dấu “Rút lui”. Thế là cả ba chúng tôi bắt đầu đi vào một cuộc hành trình mới đầy nguy hiễm.
Thuyền chúng tôi đi được một ít lâu thì bỗng đâu có tiếng kêu… giọng Bắc có vẻ hách dịch: “Ê, lại đây!”. Hai chúng tôi cùng quay đầu lại về bên trái, thấy ba tên cộng sản Bắc Việt đang cùng đi hướng về phía mặt trời mọc. Tên đi giữa trước bụng mang giây nịt có khóa hình ngôi sao mạ trắng, chiếu sáng lấp-lánh. Hai tên đi bên cạnh đều mang súng AK-47. Norris ra dấu sẵn-sàng ứng chiến, tôi gật đầu hiểu ý. Chúng tôi vẫn tiếp tục cho thuyền xuôi nhanh ra khỏi vùng.
Đi được một quãng, thì bên phải chúng tôi phát hiện địch đã đặt một khẩu đại bác lớn, hướng về Quảng Trị, súng trông giống loại bảy mươi sáu ly hai (76mm.2) của Hải quân ta thường xử dụng. May mắn thay lúc ấy không có quân địch túc trực. Thuyền vừa vượt qua khỏi vị trí đặt súng, thì bỗng hàng loạt tiếng đại liên nổ vang rền đang bắn về phía chúng tôi. Nhờ bờ sông cao che đậy nên lằn đạn bắn xuyên về bên kia bờ rất nhiều…
Nhanh nhẹn chúng tôi đưa thuyền vào sát bờ bên phải… Cả hai vụt nhảy ngay xuống nước. Tôi làm an ninh về mặt trước, còn Norris giữ mặt sau. Hambleton đã bắt đầu run-rẩy và rên siết nho nhỏ. Hình như anh đang lên cơn sốt (?)
Norris vội chụp lấy máy liên lạc để xin không yểm. Tiếng súng vẫn tiếp tục nổ dòn… Lần này tôi nghe tiếng phi cơ thuộc loại quan sát rú máy, như cố vượt nhanh lên để tránh tầm đạn phòng không của địch. Hình như mọi ổ súng đang tập trung vào chiếc phi cơ bé nhỏ kia. Nói thì lâu, nhưng thời gian trôi qua chỉ độ chừng mười phút. Đột nhiên, âm thanh xé gió từ các phản lực Phantom đang bay hướng về phía chúng tôi … Từng chiếc … từng chiếc lần lượt tách rời theo đội hình oanh kích.
Chiếc dẫn đầu bay vụt lên cao… rồi đâm bổ vào vùng tập trung của địch… Tiếng bom nổ rung chuyển cả mặt đất. Nhiều mảnh vụn bắn vung vãi vào khúc sông mà chúng tôi đang ẩn nấp. Nước bắn lên tung toé… Mỗi lần bom nổ là mặt nước rung động mạnh cùng với mặt đất. Hai chúng tôi đưa mắt quan sát xung quanh, lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng nếu có địch xuất hiện. Giờ phút này thật vô cùng hồi hộp. Chỉ một chút sơ xuất thì chúng tôi sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt, nhưng sự bình tĩnh của cả hai tạo cho nhau một niềm tin-tưởng mãnh liệt. (Lúc này tôi mới biết gía trị của sự huấn luyện gian khổ qua nhiều khóa học mà tôi đã vượt qua. Tôi thầm cám ơn các huấn luyện viên Người Nhái Việt-Mỹ đã chia xẻ cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm, mà họ đã trả một giá rất đắt bằng “Máu” của chính họ.)
Sau khi dội bom, những tiếng đạn do các phản lực cơ nổ dòn dã, đang đổ trút xuống đầu địch. Điều báo cho tôi biết là họ sắp sửa rời vùng. Thình lình hai trái bom khói bắn rất gần điểm trú ẩn của chúng tôi… Khói bắt đầu bốc lên bao kín cả một vùng rộng lớn của khúc sông. Bên kia bờ, những cảnh vật hoàn toàn bị che phủ. Norris vội ra hiệu rút lui. Hai chúng tôi liền đưa thuyền xuyên qua nhanh vùng khói mù-mịt ấy.
Vừa thoát khỏi vòng vây của địch, chúng tôi lại phát hiện một tên Việt cộng đang tiến về mé nước về bên phải của chúng tôi cách xa độ ba trăm thước. Lại một lần nữa, chúng tôi phải cho thuyền tấp vào bờ… Cả hai không nói, đồng nhảy xuống nước. Nước chảy xiết hơn, chúng tôi phải vất vả lắm mới đưa được chiếc thuyền vào điểm an toàn.
Norris lại gọi máy xin phi cơ. Tiếng máy vừa dứt, thì khoảng chừng mười lăm phút sau, 3 chiếc A-1 có cánh quạt đang tiến về phía chúng tôi… Tôi nhìn lên cao, một chiếc quan sát cơ đang bay lượn để chỉ điểm cho phi cơ oanh kích.
Những trái bom được thả ra chạm mặt đất nổ mạnh và cháy trọn một vùng rộng lan ra tới mé nước. Ba chiếc thay nhau đâm bổ vào mục tiêu của địch. Trước khi quay về, một trong ba chiếc A1 đã bay thật thấp sát ngọn cây, và lượn qua cánh đồng xanh bên kia bờ sông để buông ra từng loạt đạn đại liên và cuối cùng biến mất về điểm xuất phát.
Chúng tôi vội đưa thuyền vượt qua điểm vừa bị phi cơ oanh kích, trong khi lửa khói vẫn còn bốc cháy nghi ngút.
Bấy giờ là 10:00 giờ trưa ngày 13-04-1972 khi thuyền về đến chân đồi của phe bạn. Viên phi công đã được hai nhân viên trong toán: Trâm và T. chạy nhanh xuống và lao vào nước đễ giúp chúng tôi đưa Hambleton lên hầm trú ẩn. Lúc này, tôi luôn luôn lo ngại địch sẽ pháo kích.
Viên phi công Hambleton được Norris xem xét từng vết thương và tạm thời băng bó. Trên đôi cánh tay của viên phi công có nhiều vết cắt sâu, có những vết đã bắt đầu làm mũ. Một người nào trong toán đã đốt cho ông một điếu thuốc, và bên cạnh đã có sẵn ly cà phê nóng, khói bốc nghi ngút.”
Khi im tiếng súng, thiết vận xa cũng vừa tới. Khoảng 11 giờ sáng ngày 13/4, cả toán Biệt Hải gồm Tom Norris, Kiệt, Trâm và T. cùng Trung Tá Hambleton di chuyển về Đông Hà. Sau đó, toán Biệt Hải về BTL/SĐ 3 tại Quảng Trị bằng xe jeep để báo cáo những vị trí địch quan sát được trong vùng Cam Lộ. Riêng Trung tá Hambleton được trực thăng từ Đông Hà đưa về bệnh viện 95 Dã Chiến tại Đà Nẵng. Trung Tá Hambleton phát biểu: “Thật là một giá quá đắt để trả cho một mạng người. Tôi rất ân hận”. Một phóng viên báo chí hỏi Tom Norris “Cuộc tiếp cứu coi bộ rất gay go, tôi chắc anh sẽ không tham dự thêm lần nữa!” Norris trả lời: “Nếu có phi hành đoàn Hoa Kỳ bị bắn rơi trong vùng địch, dĩ nhiên tôi sẽ làm nữa!”
d. Số Phận Phi Công Bruce Walker
Toán Biệt Hải thành công cứu được hai n ạn nhân, còn lại phi ông Bruce Walker mãi tới ngày 16/4 vẫn còn ở vị trí cách bờ sông Miếu Giang khoảng 6 cây số về hướng bắc. Vì quá xa, địch quân lại quá nhiều trong vùng nên không thể di chuyễn tới bờ sông được. Do đó, anh được lệnh di chuyển về phía đông, băng ngang QL 1 để đi về hướng bờ biển để toán Biệt Hải tới đón. Sẩm tối 17/4, Bruce Walker bắt đầu di chuyển theo kế hoạch, băng qua QL 1 tới vùng bờ biển có nhiều đồi cát.
Trong lúc lẩn trốn tại một bờ đất, anh bị một dân làng tên Tạ Văn Cân phát hiện. Bruce Walker dùng tay ra hiệu và đưa thẻ quân nhân để trấn an ông Cân và yêu cầu trợ giúp, sau đó, cả hai di chuyển nhanh về hướng bờ biển. Không may, vợ ông Cân cũng trông thấy Bruce Walker nên ngay khi thấy chồng và người Mỹ rời nhà, bà chạy đi báo với toán du kích địa phương. Toán du kích vội đuổi theo, lúc đó Walker đã di chuyển về phía đông được chừng 7 cây số và vẫn dùng máy truyền tin liên lạc cũng như chiếu kiếng để xác định vị trí. Tuy có phi cơ quan sát và phản lực cơ Phantom bao vùng yểm trợ, toán du kích đuổi kịp và toan bắt sống Bruce Walker. Phi cơ oanh tạc dữ dội để giúp Bruce Wlaker chạy trốn nhưng không kịp. Một du kích tên Võ Văn Đề dùng súng AK-47 bắn chết Bruce Walker trong lúc anh này cố lẩn vào một bụi cây. Câu nói cuối cùng của Bruce Walker với phi cơ quan sát là “Chúng nó bắn tôi! Chúng nó bắn tôi”. Sau đó, mọi liên lạc bị gián đoạn, thỉnh thoảng chỉ còn nghe tiếng Việt trên máy truyền tin. Có lẽ đám du kích sau khi bắn chết Bruce Walker, tịch thu được máy truyền tin nên tò mò ngịch chơi.
Cuộc tiếp cứu BAT-21 Bravo được mô tả là qui mô nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Để tiếp cứu một người, tổng cộng có thêm 6 phi cơ bị bắn hạ, 10 người khác bị chết, 2 bị địch bắt, thêm 2 người trở thành nạn nhân trong số này 1 được cứu thoát, 1 bị chết trên đường đào thoát. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã dùng mọi phương tiện, chẳng những không thành công mà còn bị thiệt hại thêm, cho tới lúc không còn các nào khác mới dùng đến Biệt Hải. Toán Biệt Hải thuộc SPVDH do HQ Đại Úy Vũ Ngọc Thọ chỉ huy cùng với 4 toán viên Châu, Trâm, Kiệt và T. , với sự trợ giúp của Đại Úy người nhái Hoa Kỳ Tom Norris đã thành công trong công tác nguy hiểm cứu người trong vùng địch mà Hoa Kỳ đã thất bại.
Sau khi Trung Tá Hambleton và Trung Úy Mark Clark được Biệt Hải cứu thoát khỏi vùng địch, nhiều quân nhân HK được thăng cấp và hàng trăm huy chương đủ loại được tưởng thưởng cho những quân nhân hữu công, trong số này chỉ có một nhân viên Việt Nam trong toán Biệt Hải là Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Kiệt được Navy Cross là huy chương cao qúi vào hàng thứ 2 của HK, chỉ sau Medal of Honor. Hạ Sĩ Nhất Kiệt là người Việt Nam duy nhất được ân thưởng Navy Cross trong chiến tranh Việt Nam.
V. NHẬN XÉT
Duyệt qua những chi tiết về cuộc tiếp cứu BAT-21 nêu trên, chúng ta nhận thấy Hoa Kỳ đã dùng mọi nỗ lực để cứu phi hành đoàn lâm nạn. Có dư luận cho rằng vì Trung tá Hambleton là sĩ quan cao cấp và trước đây đã từng phục vụ trong Không Quân Chiến Lược, biết nhiều tin tức mật về hệ thống hỏa tiễn phòng thủ HK nên phải cứu bằng mọi giá để không bị rơi vào tay Việt Cộng, có thể họ sẽ trao cho Nga khai thác. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết; thật sự, HK rất quan tâm tới sinh mạng của binh sĩ họ nên đã tận dụng mọi phương tiện để tiếp cứu, cũng như sau này họ tìm đủ cách đánh đổi để đưa các tù binh Mỹ bị Việt Cộng gian giữ hồi hương. Ngoài ra, trong một cuộc tiếp cứu gay go ngay trong lòng địch, các quân nhân HK cũng đã tỏ ra hết sức can đảm, sau 6 lần tiếp cứu bị thất bại, lại bị thiệt hại thêm nhiều phi cơ cũng như nhân mạng; do đó, họ rất xứng đáng được tưởng thưởng.
Chẳng ai phủ nhận nỗ lực của những binh sĩ HK, nhưng không vì vậy mà coi nhẹ công lao của Biệt Hải VNCH bằng cách cho rằng cứu được BAT-21 là do nỗ lực riêng của HK, còn BH chỉ đóng vai phụ thuộc như báo chí và phim ảnh HK lầm lẫn khai thác. Thực tế, HK đã dùng mọi phương tiện riêng của họ nhưng đã thất bại, cho đến khi Biệt Hải tham dự, cuộc tiếp cứu mới thành công. Có thể nói: nếu không có BH, công tác đã không thể thực hiện được. Đại Úy Tom Norris được ân thưởng Medal of Honor rất xứng đáng, nhưng sự có mặt của anh trong toán BH chỉ đơn thuần trong vai trò “cố vấn”, không phải là cấp chỉ huy như Đại Úy Trưởng Toán Vũ Ngọc Thọ cho biết trong cuộc phỏng vấn như sau:
“Trong các công tác ở miền Nam, nếu có sự tăng phái hay phối hợp giữa HK và VN, thì luôn luôn người chỉ huy là trưởng toán công tác của toán Việt Nam (nhân sự chính của các công tác) còn nhân viên HK có nhiệm vụ liên lạc để yễm trợ cũng như lo phương tiện bốc toán. Một vài lần, cố vấn trưởng của BH với cấp bậc Trung Tá nhưng khi đi hành quân chung với tôi, ông ta cũng chỉ là “đi theo” và vẫn theo sự sắp xếp của tôi. Tom Norris cũng đã hành quân với tôi vài lần, đương sự rất “hiền”, “dễ thương” và không bao giờ “trái ý” hay tỏ ra muốn “cướp quyền chỉ huy” vì đương sự biết tính tôi rất nóng và “dễ tự ái dân tộc”. Norris là người có trách nhiệm, yêu nghề và chấp nhận “thông cảm” với chúng ta trong các công tác, sau vài lần công tác chung, Norris khá thân với tôi và rất thích đi hành quân với tôi. Tuy cũng có nhiều cảm tình với anh em trong đơn vị nhưng chưa bao giờ Norris chỉ huy trực tiếp nhân viên BH trong công tác và cũng vì thế nên sau khi tôi bị thương phải di tản thì Norris đã gặp trở ngại khi phải “chỉ huy” nhân viên BH vì những người nầy cũng quen tính “tự ái dân tộc” mà tôi đã ảnh hưỡng với họ trong quá trình hoạt động.”
Chúng tôi viết bài này để vinh danh những chiến sĩ Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật QLVNCH còn sống hay đã chết, đặc biệt các Biệt Hải đã tham dự chuyến công tác cứu Trung Tá KQHK tại Cam Lộ vào tháng 4 năm 1972. Các chiến sĩ “Sinh Nam Tử Bắc” này rất đáng được ca ngợi và kính nể. Ngoài ra, hy vọng bài viết sẽ làm sáng tỏ một số ngộ nhận, bất công và sai lầm đáng tiếc của giới truyền thông cũng như dư luận HK đối với QLVNCH để họ biết rằng không phải chỉ có binh sĩ HK lập chiến công, còn phía VNCH luôn luôn thất bại.
Riêng Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Kiệt sau này được thăng cấp Trung Sĩ. Anh là một chiến sĩ rất can đảm, lại dường như “có duyên” với các phi công lâm nạn vì vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh lại nhảy xuống sông Lòng Tào để cứu một phi công VNCH đào thoát, rồi đưa lên HQ-502. Sau đây là câu chuyện anh kể:
“Sáng 30 tháng 04, năm 1975 con tàu trục vớt nhỏ bé của chúng tôi đã đến cửa biển Vũng Tàu. Tại đây, chúng tôi được chuyển sang Dương Vận Hạm “HQ- 502″. Trên đó đã có mấy ngàn người đang ở trong tình trạng chờ đợi… Lúc 09:00 giờ sáng mặt trời đã lên cao và gió biển bắt đầu thổi mạnh hơn. Những lượn sóng đã bắt đầu vỗ mạnh vào thân tàu.
Trên trời từng đoàn phi cơ trực thăng cùng các loại quan sát cơ khác đang thi nhau bay hướng về các chiến hạm đang bềnh bồng trên cửa biển ấy. Bỗng đâu có một chiếc phi cơ quan sát, trên có hai viên phi công đang bay lượn thấp trên chiếc “HQ- 502″ của chúng tôi. Đến vòng thứ hai thì viên phi công ngồi phía sau đã nhảy xuống nước sau khi bạn anh ấy đã cho phi cơ bay rất gần mặt nước.
Viên phi công trôi qua bên hông trái của chiến hạm, thì một trong những người đang theo dõi cảnh tượng đó đã vội vàng ném chiếc phao và anh ấy đã chụp được. Tôi vẫn theo dõi viên phi công đang bị giòng nước thủy triều dâng lên và đang đẩy mạnh anh vào trong sông. Tôi suy tính nhanh: “Nếu anh này không được vớt lên chắc chắn anh ấy sẽ bị đưa trả về con sông Lòng Tào.” Tôi vội vàng chụp lấy áo pháo mà toán Nhái của chúng tôi vẫn thường mang theo trong những chuyến công tác. Cẩn thận hơn tôi mang theo một con dao và một áo phao. Viên phi công còn lại vẫn đang bay lượn trên không. Mang đôi chân nhái vào, tôi vội nhảy ngay xuống nước và bơi nhanh đến bên anh… Tôi rất khó nhọc mới chụp giữ được anh ấy vì giòng nước chảy xiết. Những lượn sóng nước thi nhau bổ lên đầu chúng tôi, cùng với những cơn gió mạnh hơn mang theo những lượn sóng bạc đầu. Bởi trở ngại ấy, khiến tôi không sao đem anh về con tàu đang ngưng máy chờ đợi chúng tôi. Trong lúc này, viên phi công còn lại đang cố gắng bay thấp hơn nhưng không thể đạt được độ thấp như anh đã làm cho bạn anh. Tôi nhìn thấy anh ấy đã nhảy ra khỏi mặt nước cao độ hai mươi thước… Người anh bắn ngược lên bởi một lượn sóng cao vô tình ập đến… Cuối cùng anh mất dạng trong lòng biển.
Người bạn thân của anh ấy bên cạnh tôi, khóc than thảm thiết. Tôi khuyên anh ấy hảy cố gắng dồn mọi sức lực để cùng tôi bơi trở về con tàu, vì hai chúng tôi đã bị giòng nước cuốn trôi xa hơn… Thật may, con tàu đang nổ máy và mủi tàu đang từ từ hướng về phía chúng tôi. Tôi đưa viên phi công lên tàu trước hàng ngàn tiếng hoan hô vang dội.
Đây cũng là một kỹ niệm chót đã đi vào đời lính Nhái của tôi.
Trần Đỗ Cẩm,
Austin Texas 12/2005
Gửi ý kiến của bạn